Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, July 23, 2013

KHOẢNH KHẮC MỘT ĐỜI - thơ Trúc Thanh Tâm



Mắt em ẩn hàng mi mời gọi
Môi hôn nhau trời đất cũng nặng tình
Biển thì thầm, sông trở mình êm ả
Sông hẹn về với biển trăm năm!

Thời gian như cội rễ
Tình yêu là nhựa luyện trong cây
Cắn môi nhau một dòng mật ngọt
Chảy vào nhau đường máu diệu kỳ!

Cái khắc khoải của tia chớp mắt
Đọng lòng nhau biết mấy sắc hương
Nhiều tình cờ làm sao quên được
Phải lòng nhau ta tự trói thêm!

Nếu giây phút thời gian dừng lại
Trên đời nầy biết bao chuyện em ơi
Nếu khoảnh khắc trái đất ngừng chuyển động
Thì tình yêu không thể tách rời!

Rõ ràng là xa lạ
Lại cứ hoài tất cả cho nhau
Và muốn trái tim ta như chính đời em vậy
Nhưng chắc gì, em hiểu hết được đâu!

TRÚC THANH TÂM

(Châu Đốc)
READ MORE - KHOẢNH KHẮC MỘT ĐỜI - thơ Trúc Thanh Tâm

MÃI HOÀI NHƯ RỨA - truyện ngắn Nguyễn Đặng Mừng

           
Nguyễn Đặng Mừng


                                                                           Kính tặng chị TKL


       Từ ngày Nhan trốn đi ngày tháng dài ra. Mối tình đầu của tôi tội nghiệp như cọng khoai lang sau mùa lũ. Nhan đi đâu mấy tháng rồi bặt vô âm tín.
       Làng xóm xác xơ trong cái rét tháng giêng. Mùa giáp hạt cả làng đều đói. Một ngày gánh phân đi trồng khoai sau rú về, tắm rửa xong, cầm cây đàn ghita ra vườn sau , hát khe khẽ một mình. Đang lãng đãng với Dư âm, Suối mơ…thì nghe tiếng Thanh - em gái tôi lên tiếng: “không được hát nhạc vàng, có cán bộ tới kiểm tra nì”.  Tôi gật đầu chào cô gái đứng bên. Thanh giới thiệu: “Đây là Nghi Đông học lớp sư phạm với em mới ra trường, cùng về dạy trường làng mình, một giọng hát vàng, chuyên gia hát chui của lớp đó. Còn đây là anh Bình, anh trai của Thanh mới cải tạo về, một tay ghita có hạng, hai người hát với nhau đi. Thanh đi ngước cho mạ một khúc, hôm nay mạ đi bứt cỏ cho trâu”. Thanh đi rồi hai đứa ngồi im, cây đàn trên tay rạc rời từng nốt. Tôi ngừng lại một chút, hỏi:
- Đông ở mô trong Huế?
-  Dạ An Cựu
-  Ra dạy đây có buồn không?
-  Hồi đầu thì buồn, nhưng chừ quen rồi, lại thương.
Làng quê nghèo khổ của tôi  toàn cát với cát, mưa gió lụt lội, một cây đu đủ cũng không sống nổi, chỉ còn cây tre khẳng khiu chịu đựng, có gì đâu mà em “lại thương”. Tôi bối rối hỏi một câu, mà sau này nghĩ lại thiệt là vô duyên, quê mùa:
- Có thương ai chưa.?
- Dạ thương học trò, đứa mô cũng siêng học và lễ phép. Chỉ tiếc là nhà trường không cho mặc áo dài, một lần lên lớp dị òm.
- Răng mà không cho mặc, áo dài là quốc hồn quốc túy mà?
- Họ noái mặc áo dài có vẻ tiểu tư sản, yểu điệu quá. Quan điểm giáo dục của xã hội mới là gần gủi nhân dân, giáo viên nhân dân mà. Đông chỉ chừa lại hai cái làm kỷ niệm, còn chừng mô là cắt làm áo ngắn hết. “Một áo dài thành hai áo ngắn, tình yêu mình là sắn là khoai”.
Cả hai cùng cười. Tôi dạo một khúc nhạc  “Em đến thăm anh một chiều mưa”. Đông bắt giọng nhịp nhàng. Tay tôi run lên, lòng  xốn xang theo giai điệu  một thời không được hát. Giọng ca ngọt lịm, dịu dàng rồi vút lên cao vời mơ ước “ Ta ước mơ một chiều thêu nắng, em đến chơi quên niềm cay đắng và quên đường về”. “Niềm cay đắng” của thế hệ tôi và em, dệt bao nhiêu là mộng, đến nay một chiếc áo dài cũng cắt ra thành áo ngắn. Chiếc áo dài  e ấp mà trang nghiêm, ước mơ của bao  giáo sinh sư phạm đã bị bức hiếp phũ phàng. Đông ngước  nhìn lên, giọng em vời vợi, lá tre rung rinh dưới ánh trăng xao động. Tôi mường tượng một khuôn trăng non nào ai hoài xa tít. Buổi chiều chạng vạng trong vườn đầy tiếng ve, bứt rứt dậy thì.  Lời ca và mắt Đông nói hộ em, và cả tôi nữa, biết bao điều sóng sánh, ngạt ngào.
         Chiều nào Đông cũng ra nhà tôi, phụ với mạ và Thanh những việc nhà nông. Có khi cùng ăn khoai lang với gia đình. Rồi cùng hát với tôi, hát cũng là một cách “chống đói”, đến giờ ngủ mới trở về trường. Mạ tôi hay đùa: “con gái Huế danh gia vọng tộc, có chịu nỗi cực khổ ngoài ni không. Cũng nên chịu cực cho quen, không thôi mai mốt lỡ ưng (yêu) thằng mô rồi khổ…  Nói rứa chơ làm du (dâu) nhà ni cũng không đến nỗi…”. Đông cũng đùa: “Mạ dạy cho con sàng sảy lúa gạo cho quen, mai mốt làm dâu không lẽ để bà gia (mẹ chồng) làm hết việc…”. Nhìn Đông tập sàng gạo cả nhà cười vang, tôi cũng đùa “Đông sàng gạo như bánh xe đạp bị cong niềng, cứ lảo đảo như sắp bổ (té, ngã) đến nơi, cứ sàng đi, bổ thì anh đỡ.” Đông “ứ” một tiếng, nhìn tôi đỏ mặt.
         Mùa hè đến. Đông sắp vào Huế nghĩ hè. Ve bắt đầu hát trên những rặng tre sau vườn nhà. Một tối sáng trăng, chỉ có hai đứa , tôi hỏi Đông:
          -Ba mạ Đông hiện làm chi?
   Mắt Đông gợn buồn rồi kể:
         - Mạ em mất hơn mười năm rồi. Ba đi theo cách mạng về có bà vợ khác.  Hai chị em không thích ở chung nên từ năm 75 về ở bên ngoại. Chị  Đông  đang dạy ở trường Quốc học. Còn một anh trai nữa đi cải tạo ngoài Bắc chưa về.
- Anh cấp bậc chi, ở đơn vị mô?
- Đông cũng không biết, chỉ có lần nghe anh nhắc tên làng này.
- Phải tên Hy không?
- Sao anh biết?
- Còn Đông tên là Bo, chị là Xuân phải không?
- Còn anh là…
- Là anh chi đó.
Anh chi đó ... bạn anh Hy. Ôi trời! Trái đất tròn...
 Hai đứa cười ngỡ ngàng xa xót. Rồi Đông khóc, nước mắt lăn trên má, đẹp hơn cả chị Xuân ngày đó.  “Người ơi còn nhớ mãi trưa nào chiều nào vàng bướm bên ao...”. Tôi hát lớn, không cần giữ ý tứ gì nữa: “Ôi những đêm dài hồn có mơ hoài một giấc ai mơ, buồn sớm đưa chân cuộc đời…” . Bài hát dứt. Đông lúng túng đứng lên, em sợ. “Thôi Đông về, khuya rồi”. Em bước lùi, tôi bước tới, bóng lá tre theo ánh trăng lao xao trên khuôn mặt đẹp đến não nùng. Tôi hôn em, lần đầu trong đời, vụng về run rẩy: “Lần đầu ta ghé môi hôn, những con ve nhỏ hết hồn kêu la”(Thơ Trần Dạ Từ). Tiếng ve theo em, theo tôi khản giọng suốt đêm hè.
                                             
***
         Năm đó tôi học đệ ngũ ở một trường quận cách Huế năm muơi cây số. Đạp xe từ làng đến trường cũng non mười cây nữa. Đi qua những làng xóm ruộng đồng heo hắt, đoạn  thì gặp du kích, đoạn  lại gặp lính Cọng hòa. Mấy anh cứ dặn là không được báo với đối phương của họ. “Đi cúi mặt xuống đất, về cất mặt lên trời”, mẹ tôi dặn thế. Có lúc lại gặp những xác chết của cả hai bên, chúng tôi cúi đầu đạp xe không dám nhìn.
           Có một đại đội địa phương quân đóng đồn gần nhà . Gia đình tôi có hai chị gái khá xinh đẹp, các ông sĩ quan thường tới lui tán tỉnh. Tôi được các ông cưng chìu lắm, vì thường làm chim xanh chuyển thư cho họ đến các chị. Có lần bị chị đánh vì cái tội thày lay. Anh  trung úy Hy không bao giờ nhờ  chuyển thư, cũng chẳng tán tỉnh ai. Anh chỉ “chơi” với tôi, khi thả diều, khi đi bắn chim, tát cá. Anh có chiếc Honda 67 mới toanh, một lần anh cho cưỡi chạy một vòng là sướng mê ly. Tôi hay mượn sách anh để đọc, thường là những cuốn sách dịch khó hiểu. Anh bảo khi nào cùng anh đi Huế chơi một bữa, mấy cô em của anh ấy có tủ sách Tự Lực Văn Đoàn đầy đủ lắm. Tôi mừng rơn. Từ nhỏ tôi chưa bao giờ cầm được cuốn sách của Khái Hưng, Nhất Linh mà trong chương trình học thường trích dẫn.
      Chiều chủ nhật anh Hy xin với chị tôi cho thằng Bình đi Huế. Chị đồng ý với điều kiện sáng mai phải có mặt ở nhà, để chiều còn đi học. Ngồi sau lưng anh Hy, những cánh đồng, xóm làng khuất nhanh. Thành phố Huế trong mơ mồn một trước mắt. Con gái con trai ai cũng đẹp, cũng thanh thoát, chẳng bù vào những người quê tôi, lam lũ, luộm thuộm.  Tưởng tượng mình làm thi sĩ lạc bước vào chốn thiên thai mà sướng ngất.  
Anh Hy chở về nhà. Nhà anh Hy buổi chiều không có ai, anh dặn: “Bình ngồi chơi, anh đi đến bạn anh một chút, anh về liền”. Tôi ngồi đợi. Anh Hy không về. Đèn điện đường đã sáng, anh cũng không về. Ngồi trong phòng tối mờ mờ, toàn là sách với sách, tôi lấy vài cuốn ra coi, phần nhiều là sách tiếng Pháp, tôi lại chẳng biết chữ nào. Hoang mang.  Im ắng quá, tôi đi ra vườn. Sắp đến mùa hè, ve kêu ran. Tiếng ve nhà vườn ở Huế khác tiếng ve trên những rặng tre ở quê tôi, giọng nó khàn hơn, như giọng con trai bể tiếng, còn giọng ve ở làng tôi như giọng con gái dậy thì, nó the thé, rất con gái.
 - Ê, ai cho vô đây?
Cô gái tóc dài chợt xuất hiện lên tiếng hỏi làm tôi giật mình lúng túng,  đứng lên nói như sắp khóc:
- Anh Hy chở tui vô đây rồi đi mô mất. Chị chỉ đường cho tui về nhà, chừ còn xe ra Quảng Trị không chị.
- Cậu là chi của anh Hy?
        - Dạ thưa chị, anh Hy đóng quân ở làng em, chủ nhật nên anh cho em đi Huế chơi. Biết ri thì em không đi mô.
        - Cái ông Hy ni đoảng thiệt. Thôi cứ ở đây ăn cơm với chị, tối chị dẫn đi chơi. Đoạn chị nói lớn: “Bo  ơi, có bạn đây nì, ra chơi với anh để chị đi nấu cơm”.
  Có tiếng dạ rất ngọt, thanh như tiếng ve ngoài làng:
 - Ai rứa chị?
 - Bạn của anh Hy.
 Cô bé tóc đuôi gà nhìn tôi thất vọng, đôi mắt đen láy chớp  chớp, ngần ngừ:    
- Bạn anh Hy chi mà nhỏ rứa?
- Nhỏ cũng bạn anh mình.
  Rồi chị quày quả đi vào bếp, nói với lại.
       - Nấu cơm ăn xong, Bo dẫn anh chi đó ra phố chơi nghe.
    Í da, tôi sợ phát run lên, răng chị không cùng đi, bé Bo mà trở chứng thì tôi biết cậy ai đây, hởi trời!
 - Chị Xuân ơi, cơm chín chưa, đói quá rồi nì.
       - Người chi mà xấu máu đói. Mới ăn chè khi chiều mà la đói rồi. Mời anh chi đó vô ăn cơm luôn.
Bo dạ, rồi lí nhí:  “Vô ăn cơm hè”.
Mâm cơm có dĩa rau khoai luộc, một chén nước ruốc  và một dĩa cá bống kho khô. Đặc biệt nồi cơm nhỏ xíu, tôi nghĩ xới vài chén là hết. Hồi trưa được chị cho đi Huế, mừng quá nên chỉ ăn một chén, đang đói cồn cào, nồi cơm này ngoài nhà tôi ăn một mình cũng chưa no. Nhưng  là khách, nhớ câu mạ dặn “miếng ăn là miếng xấu” nên tôi từ chối chén thứ hai. Thế mà khi ăn xong trong nồi vẫn còn cơm. Hai chị em ăn như mèo. Chắc họ ăn vặt cả ngày, tôi nghĩ thế.
Chị Xuân vừa dọn bàn vừa nói.
Em thông cảm, thứ hai bài vở nhiều quá, chị phải ở nhà làm bài. Bo nhớ đưa anh ra coai sông Hương nghe, ban đêm đẹp lắm.
 Bo dắt chiếc xe đạp mini ra, giọng rành rọt:
 - Anh chở tui nghe, có biết đi xe đạp không đó?
Gì chứ đi xe đạp là nghề của tôi mà. Bo ngồi lên phía sau, hai chân một bên, ý tứ như người lớn. Chúng tôi đèo nhau đi qua cầu Trường tiền, rẽ về Thương Bạc, lên cầu mới rồi quay về nhà chưa đầy nửa tiếng. Dọc đường không ai nói với ai tiếng nào. Chị Xuân hỏi:
-  Đi chi mau rứa?
- Thì anh ưng đi mô thì đi chớ Bo có ý kiến chi mô.
- Bo hướng dẫn viên kiểu chi lạ rứa, phải chỉ cho anh chổ ni chổ tê để anh biết chớ.
Chị Xuân hướng dẫn cho tôi ngủ ở phòng khách, trên chiếc sập cổ. Tôi nằm nghe ve kêu, mơ màng như lạc vào khu vườn nào đó trong truyện cổ.  Tôi nghe loáng thoáng tiếng hai chị em nói gì đó lẫn trong tiếng ve, thỉnh thoảng lại cười rúc rích. Chị Xuân nói vọng vào:
  - Lấy sách mà đọc đi em.
  - Sách tiếng Pháp em không đọc được.
  - Em thích đọc sách chi?
  - Chị có cuốn mô của Khái Hưng hay Nhất Linh cũng được.  
Chị đem cuốn sách vào rồi bật đèn sáng lên, Bo bưng chén chè hạt sen theo sau, đặt lên bàn và “mời anh ăn chè”. Tôi nhìn chén chè bé tẹo, nghĩ đến cơn đói nếu đêm này đọc hết cuốn sách kia. Mà tôi phải đọc hết, vì nó là Hồn Bướm Mơ Tiên, cuốn sách mà tôi hay nghe thầy tôi …kể.  Tôi đọc một mạch đến hết cuốn sách, đồng hồ điểm năm giờ sáng. Ve giờ này im hẳn. Tiếng hai chị em nói chuyện nghe rỏ hơn:
- Bo mặc áo ni vô trong cho đẹp, chị mới may cho Bo đó.
- Em không mặc mô, nóng lắm.
    - Con gái lớn rồi, người ta dòm dị chết. Mạ bắt chị mặc áo lót từ lớp đệ thất, năm nay đệ lục rồi, Bo không sợ mạ buồn răng.
 Im lặng. Có tiếng khóc thút thít: “Dạ, Bo mặc.”.
 Tiếng ve kêu. Bắt đầu chỉ vài con cất tiếng rồi dần lan ra, râm ran cả vườn cây. Có tiếng gõ cửa, Bo bước vào với chiếc áo dài trắng trông lớn hẳn lên, lí nhí: “mời anh ra ăn sáng”.
         Chị Xuân mới rạng rỡ làm sao. Ngoài quê tôi chưa thấy ai đẹp như thế, chị tròn lẳn trong chiếc áo dài trắng, đôi guốc cao gót cũng màu trắng làm chị cao hơn. Tóc chị dài phủ quá eo, đen mượt. Chị  ngồi vào bàn sau khi duyên dáng hất mái tóc về phía sau. Bo thì không thế vì tóc cột đuôi gà. Bữa ăn sáng là ba chén cháo đậu đỏ,  dĩa cá bống thệ kho khô như hồi hôm. Ăn cháo xong thì anh Hy về, dựng xe rồi nói lớn.
         - Xin lỗi nghe, hôm qua gặp mấy đứa bạn ở xa về nói chuyện và uống bia vui quá nên quên mất.
         Chị Xuân háy anh trai: “ Chưa có ai đoảng hậu như anh, mời người ta đi Huế chơi mà bỏ đi chừ mới về. Anh ở chơi với anh chi đó, chị em tui đi học đây.”.
Tôi nhìn theo hai tà áo dài khuất sau bình phong màu rêu.  
Anh Hy vào thắp nhang trên bàn thờ rồi quay ra, đèo tôi chạy một vòng quanh thành phố Huế rồi thẳng ra Quảng Trị.
Tôi hỏi:
- Ba mạ anh ở mô?
- Ba anh đi theo bên tê từ lúc bé bé Bo mười tuổi. Mạ anh mất năm ngoái.
- Bên tê là Việt Cộng phải không? Răng anh lại đi lính bên ni, lỡ hai cha con gặp nhau…
- …
 Từ đó về làng tôi không dám hỏi thêm câu nào, chắc anh đang buồn lắm.
                                      
                                                ***
          Giáo viên quê tôi từ hai nguồn, một số từ phía Bắc vào, gọi là khung, còn lại là tốt nghiệp ở trường sư phạm Huế. Giáo viên ở tập thể trong trường. Hiệu trưởng tên Lung, dáng người thấp đậm. Em tôi kể “Tay Lung này ghê lắm. Giáo viên nữ mệt với hắn. Đêm nào cũng bị gõ cửa phòng, chỉ có nhóm tụi em là  hắn không dám đụng”. Có lần thấy hắn đứng lắc theo sau mông một cô giáo đang sảy lúa, học sinh vỗ tay cổ vũ theo nhịp sảy, hắn hứng chí lắc mạnh hơn. Làng tôi nổi tiếng làm quan, nghe nói các đời trước có nhiều người vô làm quan trong dinh (Huế). Lớn lên tôi chẳng thấy ai làm quan là mấy, đến đời tôi  trong làng chỉ còn ba đứa, cao nhất là thiếu úy. “Di sản” của “làng quan” là giọng nói gần như giọng Huế và sáu họ đều là họ Nguyễn, chỉ khác chữ lót. Dù vậy dân làng vẫn còn giữ nét phong hóa làng quê tốt đẹp. Thấy cảnh “biểu diễn” của “ông thầy”, các phụ huynh đi gặt dừng lại xem, lắc đầu ngao ngán.
          Nhà tôi ở sát bên trường. Những đêm họp nghe rõ mồn một. Họ hay cãi nhau, thường là chuyện phân phối lương thực, thực phẩm. Họ cũng làm ruộng, gọi là cải thiện.
          Một tối tôi nghe giọng nói trịnh trọng của hiệu trưởng Lung “Hôm nay chúng ta họp kiểm điểm tư tưởng của cô Đông. Theo báo cáo của quần chúng là hằng đêm cô Đông thường ra nhà của cô Thanh để hát nhạc vàng với anh trai cô ấy, một sĩ quan cải tạo về chưa có quyền công dân. Là một giáo viên nhân dân, cô  phải tường trình và làm kiểm điểm trước hội đồng giáo viên”. Tôi lạnh toát cả người, thương em đứt ruột. Một giọng Huế nghe không rõ, chắc là của Đông, tôi chỉ nghe được câu cuối, “...thưa thầy, em nhận lỗi”.
          Từ đó Đông không ra nhà tôi nữa.
          Tôi cũng bị đưa ra trước hội thanh niên, cũng tường trình, cũng viết kiểm điểm. Cả ngày làm việc cật lực, tối về nhớ em quặn lòng. Cây đàn cũng bị tịch thu rồi.
         Tôi trốn làng đi lúc nửa đêm, nhìn lại ngôi trường buồn tênh, em chắc cũng đang nằm khóc trong đó.
          Ngồi chờ tàu trên ghế đá khuất cuối hành lang, nơi năm ngoái chia tay với Nhan. Nhớ Nhan, nhớ nụ hôn đầm đìa nước mắt trên má. Nhớ Đông, nhớ nụ hôn luống cuống dưới bóng tre, chập chờn ánh trăng ma quái, như chiêm bao thời mới lớn. Tôi trùm cái mền dạ lủi lên tàu. Tàu ầm ầm mang tôi chạy trốn  quê cha đất tổ, lủi dần vào đêm tối. Các em đến với đời tôi thơ dại như búp bông khoai tội nghiệp, tim tím mơ hồ, lao đao trong gió bấc tháng hai. Tôi hứng các em bằng vòng tay vụng về, lơ ngơ dây khoai ngoằn ngoèo trên đất cát, không biết bám vào đâu. Cát trắng tinh tuổi thơ tôi chăn trâu bắt cá, có hương hoa ép chặt vào giấc mơ, có bông hoa dẻ ép vào vở học trò, thơm huyễn hoặc da diết. Tôi ôm theo tình yêu các em, như hồi nhỏ ôm bịch trái sầu đâu chơi ô làng. Tôiăn gian rồi không cho lại, không nghĩ đến con bé hàng xóm khóc thút thít vì đánh ô làng thua tôi sạch tay. Giờ đây, tôi và các em cùng sạch tay như nhau, trong cuộc đời ảo này.
***
         Tôi đi nhiều nơi, từ miền Đông đến miền Tây Nam bộ, từ cao nguyên đến đồng bằng, làm đủ nghề để sống. Mỗi lần mùa hè đến nghe tiếng ve, lòng lại  rạo rực như thời mới lớn, cháy bỏng nụ hôn đầu đời. Năm năm sau tôi lấy vợ, sinh con. Cuộc sống lao đao cùng cực, chẳng còn hơi sức đâu mà nghĩ đến đàn địch hát hò.
    Ở vùng kinh tế mới miền Đông Nam bộ, vợ tôi bị sốt rét nằm liệt giường cả tháng. Chúng tôi đã bán đến thùng lúa cuối cùng để chỉ mua thuốc ký ninh. Con tôi vừa dứt sữa, vì còn sữa đâu mà bú. Cháu khóc ngằn ngặt đòi bú. Tôi bón cháo loãng cho cháu, tay run lên nghĩ đến ngày mai. Ngày mai là tương lai, là đẹp, nhưng với vợ chồng tôi thì … Ngồi ru con bằng những bài hát ru ngày xưa mạ hát “Chim xa rừng còn thương cây nhớ cội, huống chi người xa người tội lắm người ơi. Chẳng thà không biết  thì thôi, biết rồi mỗi đứa …ơ ơ..biết rồi mỗi đứa mỗi nơi…sao đành.” Thấy tôi khóc, vợ hỏi “Anh có mối tình nào trước khi gặp em không?”, tôi nói có. “Sao không nghe anh kể?”. Tôi kể lại thật lòng không thêm bớt. Đến đoạn tiếng ve và ánh trăng xuyên cành lá tre…tôi hát não nề “Ôi những đêm dài hồn có mơ hoài…” Vợ tôi khóc nức nở. “Răng anh hát bài “Hương xưa” hay rứa mà chưa khi mô nghe anh hát.” Tôi ngậm ngùi, “Cái chi qua rồi thì thôi, nhắc lại làm chi, cho buồn em, tội anh…” Nàng cầm tay tôi run run, đôi mắt chân thành “Em không buồn, em hạnh phúc…”. Tôi ôm nàng vào lòng, cơn sốt làm nàng run lên bần bật, mặt tái đi, “Em chết thì anh tìm chị Bo đi nghe, em biết chị ấy nhân hậu vì em cũng là con gái Huế, em cũng có một mối tình…Chị ấy mạ chết sớm chắc cũng thương con mình như con chị ấy”.
 Vài ngày sau thì vợ tôi qua đời, trước khi trút hơi thở cuối cùng môi nàng mấp máy, thì thào “..Bo….Bo…”.
***
          Tôi cõng con đi học qua hai ngọn đồi. Cha con tôi ngược lại thuở bốn mươi năm trước, hồi đó cha tôi cũng cõng tôi đi học như thế này trên đường quê Quảng Trị. Dọc đường nghe con kể chuyện học hành, bạn bè và khoe cô giáo mới. “Cô hát hay lắm ba ơi, có nhiều bài lạ cô giáo năm ngoái không tập”. “Bài chi vậy con” con tôi nỉ non hát “Trường làng tôi cây xanh lá vây quanh, muôn chim hót vang lên êm đềm…”. Tôi hát theo, song ca hai bè, con tôi cười vang:
  - Ba tập khi mô mà thuộc rứa.?
        - Ba được tập từ hồi lớp hai như con bây chừ.
  - Cô giáo ba có hát hay không? Bằng cô giáo con không?
  - Chắc không hay bằng, vì cô giáo của con còn trẻ.
  - Cô lớn tuổi rồi, tên rất lạ: Tôn Nữ Nghi Đông… chủ nhiệm lớp con.
 Tôi để con xuống, ngồi bệt bên đường. Con tôi hỏi “Ba mệt để con chạy ù là đến trường ngay thôi, ba về đi”. “ Không, ba không mệt, con cho ba xin tờ giấy cây viết”. Con ngạc nhiên đưa giấy viết cho tôi. Tôi viết nhanh.: “Nghi Đông ơi, phải em không? Nếu phải thì mời em trưa nay ghé nhà anh ăn trưa. Anh đợi. Anh: Nguyễn Đăng Bình” rồi xếp lại đưa cho con, dặn: “Con đưa cho cô giáo, nếu cô hỏi thêm gì thì nói mời cô về nhà hỏi ba con, nghe chưa.” Nó dạ rồi ù chạy.
Tôi thẩn thờ. Tôi chờ đợi. Tôi đau đớn. Tôi hạnh phúc. Thắp nhang lên bàn thờ, di ảnh vợ nhìn tôi cười như mãn nguyện. Cuộc đời biết bao dan díu, đau đớn nghẹn ngào quyện vào nhau, muốn rứt ra cũng không được…
Thiếu phụ áo dài tím, dắt tay con tôi đến ngõ. Cô giáo nhìn tôi không chớp mắt “Phải anh Bình đây không?”. Giọng Huế không lẫn đâu được của bé Bo, của cô giáo Nghi Đông làng tôi ngày đó.
  - Có phải Nghi Đông đó không?
  - Chơ ai nữa, trời cho Nghi  Đông gặp lại anh…”.
  - Để anh thấy được Nghi Đông mặc áo dài.
Nghi Đông nhìn xuống vạt áo lấm tấm đất đỏ, cười ngượng ngùng.
- Ở vùng này mặc áo dài thiệt bất tiện, nhưng Đông chưa khi mô mặc đồ Tây đi dạy. Để bù  những ngày dạy học ở làng anh…
- … Một áo dài thành hai áo ngắn…Lên lớp dị õm…
Cả hai cười gượng. Nghi Đông xin phép thắp nhang lên bàn thờ vợ tôi. Cây nhang trong tay Đông run run, ngoằn ngoèo sợi khói vương lên đôi mắt rơm rớm nước. Xong Đông cùng tôi ngồi xuống bàn, sau khi hất mái tóc dài kiểu chị Xuân thời con gái. Nếu gặp đâu đó một cử chỉ như thế, dù không nghe giọng nói, tôi vẫn chắc rằng  đó là phụ nữ Huế. 
 Bàn tay nông dân sần sùi nhiều vết sẹo ấp lên bàn tay trắng xanh của cô giáo trường làng:
          - Ở đây có ve không anh.
          - Có.  Nhưng hết mùa hè rồi
          - Tiếng ve kêu giống con gái dậy thì hay con trai bể tiếng.
          - Giống tiếng trung niên và thiếu phụ
    - Em chưa là thiếu phụ, em chưa yêu ai ngoài anh.
          - Thì giống tiếng anh chi đó và bé Bo
          - Giống tiếng ve đêm trăng vườn nhà anh, mãi hoài như rứa.
                                              
                                              Sài Gòn, 22 giờ đêm 10.11.2007.
                                                         Nguyễn Đặng Mừng
READ MORE - MÃI HOÀI NHƯ RỨA - truyện ngắn Nguyễn Đặng Mừng

THÁNG BẢY, TRÂN CHÂU CẢNG, VÒNG HOA TƯỞNG NIỆM - Nguyễn Đức Tùng

Không ảnh Khu tưởng niệm Chiến hạm USS Aiona tại  Pearl Harbor, Hawaii.
Ảnh từ trang www.history.com


Tháng Bảy, hội nghị  cấp cứu nhi đồng Honolulu, vào dịp nghỉ hè hàng năm của tôi, khi trường học mãn khoá. Chúng tôi đến đó đêm trước ngày 1 tháng 7 đến hết ngày 4 tháng 7, 2013. Ngày trước là Quốc Khánh Canada, ngày sau Quốc Khánh Hoa Kỳ, lễ Độc Lập. Trên chuyến bay sáu giờ từ Vancouver, tôi không nghĩ đến các đề tài thụ huấn mà chỉ tơ tưởng bãi cát trắng mịn màng, kiều nữ Hạ Uy Di quyến rũ và Pearl Harbor. Kể từ năm mười lăm tuổi, ngồi nghe thầy Nguyễn Bảo giảng rất hay về trận Trân Châu Cảng, chương trình sử Đệ Tứ, Nguyễn Hoàng, trong tôi ấn tượng chưa bao giờ phai mờ.

Hạ Uy Di là  tiểu bang 50, gia nhập liên bang sau cùng, 1959, nhưng trước đó nhiều năm có căn cứ quân sự Mỹ  trong mối quan hệ đồng minh thân cận. Thái Bình Dương những ngày này, 2013, đang phảng phất mùi thuốc súng ở phía Tây, vùng biển  Việt Nam và Philippines, nhưng vẫn yên tĩnh phía Đông, Hạ Uy Di,  như vẫn thế bảy mươi năm nay. Nước Mỹ đi qua nội chiến, thế chiến I, thế chiến II, chiến tranh bảo vệ Nam Triều Tiên, chiến tranh Việt Nam, chiến tranh vùng vịnh, Iraq và Afghanistan. Chúng tôi được chở từ bãi biển Waikiki đến bến tàu, nơi có những tòa nhà thấp rộng, có quán cà phê, nơi bán tranh tượng, lưu niệm, trong  sương mai chờ phà qua vịnh. Mặt trời lên sớm trên mặt biển xanh biếc. Trân Châu Cảng như bông hoa ba cánh, với ba vịnh nhỏ và dài chạy xòe ra, ở giữa là đảo trung tâm, nơi đóng căn cứ hải quân Hoa Kỳ.

Mờ sáng ngày 7 tháng 12, 1941, người Nhật đánh úp. Sáng chủ  nhật là lúc thanh bình, nhiều người đang ngủ, ăn điểm tâm. Trên tàu Arizona, hầu hết đều chưa lên boong vì đêm trước họ có cuộc hòa nhạc và sau đó là tiệc nhẹ, hoa hồng và khăn bàn trắng còn vương vãi. Nước Mỹ chưa tham chiến, Nhật đang thương lượng với họ để tiếp tục mua dầu hỏa, nhưng các giàn xếp không thành vì tổng thống Franklin Roosevelt muốn cắt đứt tiếp tế để giảm làn sóng xâm lược của Nhật. Thay vì bó tay trước lời cự tuyệt, người Nhật quyết định đánh phủ đầu. Đối với họ, hải cảng mang tên hòn ngọc là chướng ngại cản đường đạo quân mang kiếm dài đang tung hoành khắp nơi. Yếu tố bất ngờ là quyết định. Người Mỹ gọi là daring gamble.

Từ ngày 26 tháng 11, 1941, lực lượng của phó đô đốc Chuichi Nagumo bí mật rời Nhật bắt đầu cuộc hành trình ba ngàn dặm, mang theo sáu hàng không mẫu hạm, hai chiến hạm, ba tuần dương hạm, ba tàu ngầm, chín khu trục hạm, băng đại dương, tránh né các thủy đạo chính, sau mười ngày đến phía bắc đảo O’ahu; thủ đô của nó là Honolulu. Sáu giờ sáng, tấn công đợt thứ nhất với 183 phi cơ, hơn một giờ sau, 167 phi cơ ùa ra trong làn sóng tấn công thứ hai. Sau vài giờ, 21 tàu chiến của Mỹ trên cảng bị đánh đắm, 188 phi cơ bị tiêu diệt. Mục tiêu số một của Nhật là các hàng không mẫu hạm, nhưng lúc ấy chúng đã ra khơi, không có mặt, mục tiêu thứ hai là các chiến hạm. Chiến hạm Arizona thiệt hại nặng nhất, bị đánh chìm ngay từ vài phút đầu, mang theo 1,100 thủy thủ, dầu và máu loang mặt biển, xác chiếc tàu này trở thành ngôi mộ chung của họ. Phía trên thân tàu xây lên một công trình tưởng niệm bằng kim loại và đá, nơi tôi đứng trong buổi sáng ngày Lễ Độc Lập Hoa Kỳ có vị mặn gió biển. Dưới chân chúng tôi, đã nằm xuống 2,400 chiến binh anh dũng của Mỹ, tên tuổi họ khắc lên bức tường đá trắng cuối nhà tưởng niệm. Người Nhật đã tính toán chính xác về quân sự, nhưng không tính được lòng dân: tình ái quốc của họ bị kích thích, các trạm tuyển mộ tân binh khắp nước Mỹ tràn ngập thanh niên sẵn sàng từ bỏ cuộc sống an bình, tôi đã thấy một bức ảnh chụp xếp hàng ghi danh dài cả trăm người, ai cũng ôm theo chăn màn của họ, đi bên cạnh là các phụ nữ. Từ trận tấn công với tổn thất kinh hoàng, những chàng trai ấy đã đi con đường rất xa, lật ngược thế cờ, lực lượng hải quân và không quân của họ tổ chức lại được gửi ra khơi, dành quyền chủ động trên các mặt biển.

Trong tiệm sách trên bến phà, tôi lật một tờ báo của cựu chiến binh Mỹ, và nhận ra ngoài Lễ Độc Lập, tháng Bảy họ cũng nhắc về trận đánh Khe Sanh, như một tấm gương hy sinh. Đó là cuộc đụng độ lớn giữa quân đội Hoa kỳ và Quân đội Nhân dân Việt Nam, với sự tham dự của một số đơn vị quân lực Việt Nam Cộng hòa như Biệt động quân, Nhảy dù, Thủy quân lục chiến, và các bên đều chịu những tổn thất rất nặng nề, đến nay vẫn còn gây tranh cãi. Khe Sanh thuộc huyện Hướng Hóa, Quảng Trị của tôi, vùng đất nghèo nhất nước, đánh nhau ác liệt nhất nước. Thật ra, tài liệu chính thức của Mỹ ghi nhận ngày Phục Sinh 14 tháng 4 năm 1968 là ngày cuối của trận đánh kéo dài 77 ngày. Tuy vậy, phía Quân đội Nhân dân đến nay vẫn cho ngày 15 tháng 7 năm 1968 mới thực sự kết thúc. Một người bạn của tôi đang đi du lịch ở Hướng Hóa lại kể rằng bên ấy cũng đang làm lễ kỷ niệm.

Nhưng ai đã thắng trận Khe Sanh?

Dù sao, đã là quá khứ, và các nhà viết quân sử tương lai, ít có dính líu trực tiếp hơn chúng ta, sẽ  có khả năng soi sáng nhiều kía cạnh khác của sự thật. Đối với tôi, điều quan trọng hơn là tất cả những người lính tham gia trận đánh, từ hai phía, ba phía, Hoa Kỳ, Bắc quân, Nam quân, dù chiến đấu với lý tưởng nào, dù việc họ làm đúng hay sai đến đâu, có lợi hay hại gì cho các dân tộc về lâu dài, tất cả đã thực sự chiến đấu dũng cảm, hy sinh lớn lao, họ đã đổ xương máu, đã khóc trên xác chết đồng đội trong tay, họ đã hóa thành những vành khăn tang trắng trên đầu phụ nữ và trẻ em trong Nam, ngoài Bắc, bên kia biển Thái Bình. Tôi muốn có dịp đứng nghiêng mình trước họ, như đã nghiêng mình sáng nay trước chiến hạm Arizona.

Sự đả kích từ các bên tham chiến ở Việt Nam đến nay tuy có giảm bớt nhưng vẫn còn gay gắt và chắc sẽ lâu dài. Tôi chưa thấy bài thơ nào diễn  đạt trọn vẹn điều ấy hơn bài thơ của Thomas Lux, khuôn mặt quan trọng của thơ đương đại Hoa Kỳ.

Dân Làng Khác
Ghét dân làng này
Dùng đinh đóng mũ vào đầu
Chúng tôi vì không chịu bỏ mũ ra chào
Ghim chặt tay chúng tôi lên trán
Vì  không chịu đưa tay lên
Nếu chúng tôi không đánh: gửi cho họ thùng đầy chuột bọ
Trộn bột bánh mì vào gương vỡ li ti
Chúng tôi làm thế này, bọn họ làm thế khác
Cắt họng anh em tôi
Chúng tôi xin chị em họ tí huyết
Họ  đào hố cát lầy rất tuyệt
Nhưng đội giảo hình chúng tôi mới bậc thầy
Chúng tôi dạy chim ăn cắp lúa mì
Họ gửi đi sứ giả hòa bình giấu bom trong bụng
Bọn họ làm thế  này, chúng tôi làm thế khác
Chúng tôi hủy bỏ nhập các bầy cừu
Họ ngừng mua chăn len của chúng tôi
Chúng tôi nhạo báng các nhà thơ của họ
Và khi trò này tỏ ra vô hại
Chúng tôi liền giễu nhại nghệ thuật nhảy đầm
Lần này họ tức điên lên, liền bảo Thượng Đế
Của chúng tôi hói đầu, lác hủi
Chúng tôi làm thế này, bọn họ làm thế khác
Mười ngàn (10,000) năm độc ác đi qua, mười ngàn
(10,000) năm tươi đẹp.

The People Of The Other Village
Hate the people of this village
And would nail our hats
To our heads for refusing in their presence to remove them
Or staple our hands to our foreheads
For refusing to salute them
If we did not hurt them first: mail them packages of rats,
Mix their flour at night with broken glass.
We do this, they do that.
They peel the larynx from one of our brothers’ throats.
We devein one of their sisters.
The quicksand pits they built were good.
Our amputation teams were better.
We trained some birds to steal their wheat
They sent to us exploding ambassadors of peace
They do this, we do that.
We canceled our sheep imports.
They no longer bought our blankets
We mocked their greatest poet
And when that had no effect
We parodied the way they dance
Which did cause pain, so they, in turn, said our God
Was leprous, hairless
We do this, they do that
Ten thousand (10,000) years, ten thousand
(10,000) brutal, beautiful years.

(Thomas Lux, New and Selected Poems 1975- 1995, Hartcourt, 1997)

Các công trình kiến trúc tưởng niệm có tính sáng tạo, không bắt chước nhau, có hiệu ứng dẫn đường cho du khách về thăm các sự kiện, nhìn lại nguyên nhân của các tổn thương và giúp họ nghĩ về hiện tại. Công trình trên cảng Trân Châu có tính chất ấy.

Thật ra, sau chiến tranh, kẻ thắng trận bao giờ cũng có  nhiều quyền hơn để hạ nhục người khác, trên lời nói hay sách vở. Nhưng người Mỹ đã không sử dụng quyền ấy. Tôi tìm thấy một phần câu trả  lời cho câu hỏi vì- sao- họ- làm- được- như- vậy trong một cuốn sách của nhà văn gốc Canada Michelle Orange mua trên bến cảng, trích câu của nhà sử học Hoa kỳ Richard Hofstadter:

It has been our fate as a nation not to have ideologies but to be one. Đất nước chúng ta vốn không có các hệ tư tưởng, chính chúng ta là một hệ tư tưởng.

Khi mọi người trong đoàn thăm viếng đã đi hết, tôi quay lại lần nữa, đứng trước bức tường đá trắng khắc tên các chiến binh tử trận. Phía trước bức tường là vòng hoa khá lớn, lá và hoa hình dạng như nhau, hoa đỏ sẫm, trông đơn giản mà lại ý tứ, trang nhã, và đó là vòng hoa duy nhất.

Tôi cúi xuống đọc hàng chữ: đương kim Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera, gửi đến vào dịp lễ Độc lập của Hoa kỳ năm nay.

(Trích Nhật Ký)
Nguyễn Đức Tùng
bachnguyen@shaw.ca



READ MORE - THÁNG BẢY, TRÂN CHÂU CẢNG, VÒNG HOA TƯỞNG NIỆM - Nguyễn Đức Tùng

XIN ĐƯỢC TRI ÂN NGƯỜI - thơ Ngưng Thu




Viết trong mùa Vu Lan

Nắng rót từng chùm xuống lưng cha ngày bỏng rát
Cho lúa đòng đơm hạt
Mưa chiều ngập gót mòn
Mẹ gánh nặng mùa đi
Góp từng vồng khoai củ hà sâu ngày con còn non dại
Gom cọng rau má triền hè thưở con bé thơ ngây
Cha mẹ  cho con trang vở thơm thơm mùi giấy mới tình đầy
Con không biết trong đây có lẫn mùi mồ hôi ngày gặt hái
Nắng sơm, mưa chiều
Hiu hắt một đời cỗi cằn những vết chai và màu da sạm lại
Con vẫn cứ vui đùa nhảy điệu ban mai
Đẩy lùi tháng năm sần sùi mẹ cha... để hóa rêu miền kí ức
Chừng nào con mới hiểu hết giữa mênh mông hư thực
Cuộc tảo tần vô hạn đấng sinh lai
Khi con buồn mẹ dang rộng vòng tay
Từ xa cha chỉ đứng nhìn… rớt một nụ khô, nghe hơi thở dường như đi vắng
Và cứ  thế
Con lớn lên từng giờ lẳng lặng
Ngày nao nao con chớm tuổi dậy thì
Mẹ chút chăm… mua cho con cả mùa con gái
Cha mỉm cười… lớp lớp nếp nhăn làm hạnh phúc cũng xôn xao
Đến bây giờ… khi con hiểu tại sao
Cha mẹ đã không còn cho con nhiều thời gian như  đã từng cho hết
Sóng gió cuộc đời dài... mẹ cha thêm mỏi mệt
Dẫu muộn màng con xin đáp ơn cha
Quẳng hết hơn thua con xin quỳ gối trước mẹ già
Để một đời con không ăn năn, hối tiếc
Mẹ cha ơi! bây giờ con đã biết
Cúi xin Người cho con tỏ tấm tri ân.

Ngưng Thu
07.2012
thanhha0406@gmail.com
READ MORE - XIN ĐƯỢC TRI ÂN NGƯỜI - thơ Ngưng Thu

THEO EM VỀ QUẢNG TRỊ - thơ Huy Uyên

Biển Cửa Tùng


Theo em dặm dài về Quảng-Trị
đường Gia-Long ngủ lặng bên sông
bao năm xa gọi hoài nỗi nhớ
xa khuất người ơi, muối xát trong lòng.

Đêm Cổ-Thành cùng ai thao thức
về chợ Sãi từng đoạn đợi mong
bên kia Nhan-Biều nắng rớt
tiếng chuông lẻ bạn trong chiều
đưa người sang sông.

Bước nhẹ theo phố rất buồn
đèn vàng nghiêng đêm chao bóng
người xưa đâu rồi
mà Quảng-Trị hoài trông ngóng
đã đi rồi sao thêm đợi mong.

Đường xa những tháng ngày theo học
ai đón đưa trước cổng lớp Nguyễn-Hoàng
để ai về mỗi chiều hong tóc
phơi nổi sầu riêng cho tôi mang .

Sáng mai xe qua cầu Lòn
ga nhỏ, vắng chở tình đi mà nhớ tiếc
Chúa về để tim ở lại La-Vang
đường tàu bên đường tắp ngút.

Về Long-Hưng mùa lúa vàng xanh ngát
ngã ba đợi chờ chiếc bóng người đi
lối qua Gia-Độ cùng chiều ai hát
ơi em anh nói em nghe được gì ?

Theo em anh về Quảng-Trị
bao nhiêu năm qua ai chết bên thành
trong mắt người vương dặm-sầu-thế-kỷ
để nhớ người đi khi tóc đang xanh.

Gọi em từ Mỹ-Chánh tới Trung-Lương
nhịp cầu chia bao mãnh đời theo năm tháng
xa cách nhau chi để lại dấu buồn
về Quảng-Trị mà lòng đầy cay đắng.

Quảng-Trị bây chừ lòng ai cháy bỏng!


Huy Uyên
READ MORE - THEO EM VỀ QUẢNG TRỊ - thơ Huy Uyên

PHÍA TRƯỚC LÀ CON ĐƯỜNG - thơ Nguyễn Thu



Tôi bên nầy còn em ở bên kia
Hai thế giới không cùng chung một điểm
Rốn xoáy dòng đời bao la bọt trắng
Tôi chưa thuộc bên nào, em vẫn phía bên kia

Từ bên kia nhìn tôi trong vòng tròn ảo giác
Như những bọt bèo tan chảy hư vô
Vòng tròn cứ xoay, tôi gồng mình bất biến
Giữa tâm đời bão tố ngã nghiêng

Lục lạo lương tri, những triết lí minh hiền
Những thao thức, những nguy nan có thực
Những vụ nổ và lỗ đen màu mực
Lối thoát nào để tìm bước chân qua

Em bồng bềnh, tôi chọn hạt mùa xa
Nơi hai nẻo lung linh, cằn cỗi
Ngọn đèn vàng cho một đêm vào tối
Nghe bình minh phẫn nộ dưới mù sương

Ta xoay lưng - phía trước là con đường
Chân dò dẫm, tay cùng nhau níu tới
Cuộc hành trình nào cũng có nhiều điểm đợi

Đặt lưng nằm, ngước mặt. Một vầng trăng!

Nguyễn Thu
nguyenthu123go@gmail.com
READ MORE - PHÍA TRƯỚC LÀ CON ĐƯỜNG - thơ Nguyễn Thu

BÓNG NGƯỢC * - thơ Thế Lộc



Gởi Bùi Thị Mỹ Hồng

“Sợ lạc người đằng trước" *
“Sợ mất người phía sau” *
Anh ngồi nhìn bóng ngược
Nghe ran rát tim đau

Một khối tình phía trước
Một biển tình phía sau
Mưa chiều nghiên bóng nước
Anh cuộn mình thương đau

Con Dã tràng xe cát
Cũng chỉ vì thương nhau
Tim anh vừa tan nát
Đến ngàn năm còn đau...

Anh tìm về chốn cũ
Mây trắng vẫn còn bay
Sân trường đang thổn thức
lá Vông đồng thôi bay

Nhớ em tím cả ngày
Nhớ em buồn da diết
Đời ơi, đời có hay !
Tình buồn vừa ly biệt .


THẾ LỘC
*Đề và thơ của Bùi Thị Mỹ Hồng.
READ MORE - BÓNG NGƯỢC * - thơ Thế Lộc