Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, July 23, 2013

THÁNG BẢY, TRÂN CHÂU CẢNG, VÒNG HOA TƯỞNG NIỆM - Nguyễn Đức Tùng

Không ảnh Khu tưởng niệm Chiến hạm USS Aiona tại  Pearl Harbor, Hawaii.
Ảnh từ trang www.history.com


Tháng Bảy, hội nghị  cấp cứu nhi đồng Honolulu, vào dịp nghỉ hè hàng năm của tôi, khi trường học mãn khoá. Chúng tôi đến đó đêm trước ngày 1 tháng 7 đến hết ngày 4 tháng 7, 2013. Ngày trước là Quốc Khánh Canada, ngày sau Quốc Khánh Hoa Kỳ, lễ Độc Lập. Trên chuyến bay sáu giờ từ Vancouver, tôi không nghĩ đến các đề tài thụ huấn mà chỉ tơ tưởng bãi cát trắng mịn màng, kiều nữ Hạ Uy Di quyến rũ và Pearl Harbor. Kể từ năm mười lăm tuổi, ngồi nghe thầy Nguyễn Bảo giảng rất hay về trận Trân Châu Cảng, chương trình sử Đệ Tứ, Nguyễn Hoàng, trong tôi ấn tượng chưa bao giờ phai mờ.

Hạ Uy Di là  tiểu bang 50, gia nhập liên bang sau cùng, 1959, nhưng trước đó nhiều năm có căn cứ quân sự Mỹ  trong mối quan hệ đồng minh thân cận. Thái Bình Dương những ngày này, 2013, đang phảng phất mùi thuốc súng ở phía Tây, vùng biển  Việt Nam và Philippines, nhưng vẫn yên tĩnh phía Đông, Hạ Uy Di,  như vẫn thế bảy mươi năm nay. Nước Mỹ đi qua nội chiến, thế chiến I, thế chiến II, chiến tranh bảo vệ Nam Triều Tiên, chiến tranh Việt Nam, chiến tranh vùng vịnh, Iraq và Afghanistan. Chúng tôi được chở từ bãi biển Waikiki đến bến tàu, nơi có những tòa nhà thấp rộng, có quán cà phê, nơi bán tranh tượng, lưu niệm, trong  sương mai chờ phà qua vịnh. Mặt trời lên sớm trên mặt biển xanh biếc. Trân Châu Cảng như bông hoa ba cánh, với ba vịnh nhỏ và dài chạy xòe ra, ở giữa là đảo trung tâm, nơi đóng căn cứ hải quân Hoa Kỳ.

Mờ sáng ngày 7 tháng 12, 1941, người Nhật đánh úp. Sáng chủ  nhật là lúc thanh bình, nhiều người đang ngủ, ăn điểm tâm. Trên tàu Arizona, hầu hết đều chưa lên boong vì đêm trước họ có cuộc hòa nhạc và sau đó là tiệc nhẹ, hoa hồng và khăn bàn trắng còn vương vãi. Nước Mỹ chưa tham chiến, Nhật đang thương lượng với họ để tiếp tục mua dầu hỏa, nhưng các giàn xếp không thành vì tổng thống Franklin Roosevelt muốn cắt đứt tiếp tế để giảm làn sóng xâm lược của Nhật. Thay vì bó tay trước lời cự tuyệt, người Nhật quyết định đánh phủ đầu. Đối với họ, hải cảng mang tên hòn ngọc là chướng ngại cản đường đạo quân mang kiếm dài đang tung hoành khắp nơi. Yếu tố bất ngờ là quyết định. Người Mỹ gọi là daring gamble.

Từ ngày 26 tháng 11, 1941, lực lượng của phó đô đốc Chuichi Nagumo bí mật rời Nhật bắt đầu cuộc hành trình ba ngàn dặm, mang theo sáu hàng không mẫu hạm, hai chiến hạm, ba tuần dương hạm, ba tàu ngầm, chín khu trục hạm, băng đại dương, tránh né các thủy đạo chính, sau mười ngày đến phía bắc đảo O’ahu; thủ đô của nó là Honolulu. Sáu giờ sáng, tấn công đợt thứ nhất với 183 phi cơ, hơn một giờ sau, 167 phi cơ ùa ra trong làn sóng tấn công thứ hai. Sau vài giờ, 21 tàu chiến của Mỹ trên cảng bị đánh đắm, 188 phi cơ bị tiêu diệt. Mục tiêu số một của Nhật là các hàng không mẫu hạm, nhưng lúc ấy chúng đã ra khơi, không có mặt, mục tiêu thứ hai là các chiến hạm. Chiến hạm Arizona thiệt hại nặng nhất, bị đánh chìm ngay từ vài phút đầu, mang theo 1,100 thủy thủ, dầu và máu loang mặt biển, xác chiếc tàu này trở thành ngôi mộ chung của họ. Phía trên thân tàu xây lên một công trình tưởng niệm bằng kim loại và đá, nơi tôi đứng trong buổi sáng ngày Lễ Độc Lập Hoa Kỳ có vị mặn gió biển. Dưới chân chúng tôi, đã nằm xuống 2,400 chiến binh anh dũng của Mỹ, tên tuổi họ khắc lên bức tường đá trắng cuối nhà tưởng niệm. Người Nhật đã tính toán chính xác về quân sự, nhưng không tính được lòng dân: tình ái quốc của họ bị kích thích, các trạm tuyển mộ tân binh khắp nước Mỹ tràn ngập thanh niên sẵn sàng từ bỏ cuộc sống an bình, tôi đã thấy một bức ảnh chụp xếp hàng ghi danh dài cả trăm người, ai cũng ôm theo chăn màn của họ, đi bên cạnh là các phụ nữ. Từ trận tấn công với tổn thất kinh hoàng, những chàng trai ấy đã đi con đường rất xa, lật ngược thế cờ, lực lượng hải quân và không quân của họ tổ chức lại được gửi ra khơi, dành quyền chủ động trên các mặt biển.

Trong tiệm sách trên bến phà, tôi lật một tờ báo của cựu chiến binh Mỹ, và nhận ra ngoài Lễ Độc Lập, tháng Bảy họ cũng nhắc về trận đánh Khe Sanh, như một tấm gương hy sinh. Đó là cuộc đụng độ lớn giữa quân đội Hoa kỳ và Quân đội Nhân dân Việt Nam, với sự tham dự của một số đơn vị quân lực Việt Nam Cộng hòa như Biệt động quân, Nhảy dù, Thủy quân lục chiến, và các bên đều chịu những tổn thất rất nặng nề, đến nay vẫn còn gây tranh cãi. Khe Sanh thuộc huyện Hướng Hóa, Quảng Trị của tôi, vùng đất nghèo nhất nước, đánh nhau ác liệt nhất nước. Thật ra, tài liệu chính thức của Mỹ ghi nhận ngày Phục Sinh 14 tháng 4 năm 1968 là ngày cuối của trận đánh kéo dài 77 ngày. Tuy vậy, phía Quân đội Nhân dân đến nay vẫn cho ngày 15 tháng 7 năm 1968 mới thực sự kết thúc. Một người bạn của tôi đang đi du lịch ở Hướng Hóa lại kể rằng bên ấy cũng đang làm lễ kỷ niệm.

Nhưng ai đã thắng trận Khe Sanh?

Dù sao, đã là quá khứ, và các nhà viết quân sử tương lai, ít có dính líu trực tiếp hơn chúng ta, sẽ  có khả năng soi sáng nhiều kía cạnh khác của sự thật. Đối với tôi, điều quan trọng hơn là tất cả những người lính tham gia trận đánh, từ hai phía, ba phía, Hoa Kỳ, Bắc quân, Nam quân, dù chiến đấu với lý tưởng nào, dù việc họ làm đúng hay sai đến đâu, có lợi hay hại gì cho các dân tộc về lâu dài, tất cả đã thực sự chiến đấu dũng cảm, hy sinh lớn lao, họ đã đổ xương máu, đã khóc trên xác chết đồng đội trong tay, họ đã hóa thành những vành khăn tang trắng trên đầu phụ nữ và trẻ em trong Nam, ngoài Bắc, bên kia biển Thái Bình. Tôi muốn có dịp đứng nghiêng mình trước họ, như đã nghiêng mình sáng nay trước chiến hạm Arizona.

Sự đả kích từ các bên tham chiến ở Việt Nam đến nay tuy có giảm bớt nhưng vẫn còn gay gắt và chắc sẽ lâu dài. Tôi chưa thấy bài thơ nào diễn  đạt trọn vẹn điều ấy hơn bài thơ của Thomas Lux, khuôn mặt quan trọng của thơ đương đại Hoa Kỳ.

Dân Làng Khác
Ghét dân làng này
Dùng đinh đóng mũ vào đầu
Chúng tôi vì không chịu bỏ mũ ra chào
Ghim chặt tay chúng tôi lên trán
Vì  không chịu đưa tay lên
Nếu chúng tôi không đánh: gửi cho họ thùng đầy chuột bọ
Trộn bột bánh mì vào gương vỡ li ti
Chúng tôi làm thế này, bọn họ làm thế khác
Cắt họng anh em tôi
Chúng tôi xin chị em họ tí huyết
Họ  đào hố cát lầy rất tuyệt
Nhưng đội giảo hình chúng tôi mới bậc thầy
Chúng tôi dạy chim ăn cắp lúa mì
Họ gửi đi sứ giả hòa bình giấu bom trong bụng
Bọn họ làm thế  này, chúng tôi làm thế khác
Chúng tôi hủy bỏ nhập các bầy cừu
Họ ngừng mua chăn len của chúng tôi
Chúng tôi nhạo báng các nhà thơ của họ
Và khi trò này tỏ ra vô hại
Chúng tôi liền giễu nhại nghệ thuật nhảy đầm
Lần này họ tức điên lên, liền bảo Thượng Đế
Của chúng tôi hói đầu, lác hủi
Chúng tôi làm thế này, bọn họ làm thế khác
Mười ngàn (10,000) năm độc ác đi qua, mười ngàn
(10,000) năm tươi đẹp.

The People Of The Other Village
Hate the people of this village
And would nail our hats
To our heads for refusing in their presence to remove them
Or staple our hands to our foreheads
For refusing to salute them
If we did not hurt them first: mail them packages of rats,
Mix their flour at night with broken glass.
We do this, they do that.
They peel the larynx from one of our brothers’ throats.
We devein one of their sisters.
The quicksand pits they built were good.
Our amputation teams were better.
We trained some birds to steal their wheat
They sent to us exploding ambassadors of peace
They do this, we do that.
We canceled our sheep imports.
They no longer bought our blankets
We mocked their greatest poet
And when that had no effect
We parodied the way they dance
Which did cause pain, so they, in turn, said our God
Was leprous, hairless
We do this, they do that
Ten thousand (10,000) years, ten thousand
(10,000) brutal, beautiful years.

(Thomas Lux, New and Selected Poems 1975- 1995, Hartcourt, 1997)

Các công trình kiến trúc tưởng niệm có tính sáng tạo, không bắt chước nhau, có hiệu ứng dẫn đường cho du khách về thăm các sự kiện, nhìn lại nguyên nhân của các tổn thương và giúp họ nghĩ về hiện tại. Công trình trên cảng Trân Châu có tính chất ấy.

Thật ra, sau chiến tranh, kẻ thắng trận bao giờ cũng có  nhiều quyền hơn để hạ nhục người khác, trên lời nói hay sách vở. Nhưng người Mỹ đã không sử dụng quyền ấy. Tôi tìm thấy một phần câu trả  lời cho câu hỏi vì- sao- họ- làm- được- như- vậy trong một cuốn sách của nhà văn gốc Canada Michelle Orange mua trên bến cảng, trích câu của nhà sử học Hoa kỳ Richard Hofstadter:

It has been our fate as a nation not to have ideologies but to be one. Đất nước chúng ta vốn không có các hệ tư tưởng, chính chúng ta là một hệ tư tưởng.

Khi mọi người trong đoàn thăm viếng đã đi hết, tôi quay lại lần nữa, đứng trước bức tường đá trắng khắc tên các chiến binh tử trận. Phía trước bức tường là vòng hoa khá lớn, lá và hoa hình dạng như nhau, hoa đỏ sẫm, trông đơn giản mà lại ý tứ, trang nhã, và đó là vòng hoa duy nhất.

Tôi cúi xuống đọc hàng chữ: đương kim Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera, gửi đến vào dịp lễ Độc lập của Hoa kỳ năm nay.

(Trích Nhật Ký)
Nguyễn Đức Tùng
bachnguyen@shaw.ca



No comments: