Tác giả PHẠM XUÂN DŨNG |
Ở đời cũng lạ, có những văn bản mũ cao áo
dài, hình dong đạo mạo lại chỉ như đùa. Còn nhàn đàm như "Người Ham Chơi"
Hoàng Phủ Ngọc Tường thì người ta tin là thật, vì biết đó là những giải bày gan
ruột.
"Người Ham Chơi" nói thật nhiều
chuyện, có vẻ như thượng vàng hạ cám đều đủ cả.Từ con mèo tuổi thơ đến triết
học hiện sinh, từ Kinh Dịch Trung hoa đến cơm hến Huế ...Trên "cái
mẹt" nhàn đàm, Người Ham Chơi ngẫu hứng bày ra những thứ nhặt nhạnh được
từ chiếc túi Xê Dịch (của thể xác và tâm linh), không phải để đổi chác, bán
mua, mà để trần tình, khơi gợi."Đại học chi đạo" khuyên rằng: phái
Tân dân và phái Thân dân đều đúng, như hai mặt của một đồng tiền.Trong tư duy
cũng như trong ngôn luận, chỉ có đối thoại thực sự bình đẳng mới làm sáng danh
chân lý. Sự vật chỉ phát triển khi còn mâu thuẫn, nếu cố tình triệt tiêu mâu
thuẫn, sự vật dường như ngừng tiến hóa. Bởi vậy, đáng sợ nhất là những kẻ suốt
đời chỉ đọc một cuốn sách. Cũng với nguyên lý bổ sung uyển chuyển như vậy, bài
"Chim nhạn và cây thông" là một cách nhìn xác đáng về hai tính cách
văn chương trái ngược nhau, đó là Tồn Chất Nguyễn Công Trứ và Tản Đà Nguyễn
Khắc Hiếu.Trái ngược nhau nhưng không có nghĩa là loại trừ nhau. Như nước với
lửa, như âm với dương, tương khắc tương sinh. Từ đó, tác giả rút ra phương châm
sống của kẻ sĩ thời nay trước sự lựa chọn nhập thế và xuất thế: "Thế nên
dám chọn cuộc dấn thân kèm theo một khoảng cách tâm thức để nhìn rõ chân tướng
sự vật chính là phương thế hành xử khôn ngoan của trí thức Việt". Tác giả
cũng đã phát hiện và đinh danh về con người ham chơi bên cạnh con người ham làm,
con người ham nghĩ trong văn hóa Việt nam. Thực chất Người Ham Chơi là người
sau khi đã nghĩ rất nhiều và làm cũng không ít cho đời mới dám chơi, dám sống
và chơi cho ra chơi và sống cho ra sống."Bởi vì ham chơi phải đâu là do
lười biếng. Ham chơi là cách sống đạt đạo của con người đã nhìn thấy từ lâu bản
chất phù hư của thế giới, hiểu rõ rằng những giá trị vật chất có khả năng đến
đâu trong cuộc mưu cầu hạnh phúc cho con người". Nhàn đàm nhưng không hề
tếu táo cho vui mà đã có những bài viêt tỏ rõ chính kiến về những điều bất cập
của lịch sử, hay nói đúng hơn những định kiến sai lầm khi phán xét lịch sử .Tác
giả đã lập công án trong bài "Vương triều Nguyễn trên đường phố Huế"
đề nghị đặt tên đường với sự xem xét các danh nhân lịch sử đã bị đánh giá bất
công như Nguyễn Hoàng, Nguyễn Phúc Lan, Nguyễn
Phúc Tần, vua Minh Mạng, Hàm Nghi, Duy Tân. Cũng với cái nhìn nhàn đàm nhưng
thâm thúy, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã chỉ ra một cách thuyết phục những vấn đề
tưởng chừng thuần túy học thuật cao siêu. Đó là khi luận giải về "quẻ
Càn" trong Kinh Dịch, vốn là một kinh thư khó đọc vào bậc nhất. Thì ra ý
nghĩa thâm sâu, gốc rễ của quẻ Càn bác học kia lại là chuyện hết sức đời thường,
hết sức thế tục nhưng không thể thiếu được: đó là cái ăn của con người. Thảo
nào người xưa tâm niệm: nước lấy dân làm gốc, dân lấy cái ăn làm gốc .Vậy đó,
chân lý thường là giản dị, có những điều tưởng chừng cao xa mà ý nghĩa lại vô
cùng gần gũi, thiết thực.Đáng tiếc là chỉ ít người hiểu được như thế. Cũng như khi luận về quẻ Vị tế trong Kinh Dịch,
Hoàng Phủ Ngọc Tường đã chỉ ra thâm ý của người xưa. Đó là quẻ cuối cùng của
Kinh Dịch nhưng tên gọi của nó có nghĩa là: chưa qua sông, kết thúc mà vẫn chưa
kết thúc. Hành trình của triết học và loài người không thể có giới hạn cuối
cùng. Quẻ Vị tế, vì thế thấy rất nghịch lý nhưng đầy minh triết. Nó luôn nhắc
nhở và cảnh báo con người về đoạn đường phía trước.
Một mảng đề tài mà nhàn đàm thành công là
chân dung, hành trạng của các văn nghệ sĩ, các nhà khoa học như Văn Cao, Trịnh
Công Sơn, Lê Bá Đảng, Trần Quốc Vượng ... Tác giả vẽ thần thái Văn Cao, nhà
nghệ sĩ đốn ngộ: "Ông đã ngồi như thế mấy chục năm trời trong căn phòng
nhỏ của ông ở phố Yết Kiêu, trong tư thế của Bồ Đề Đạt Ma nơi hang núi, để thấu
suốt tất cả, và từ đó, đã cưu mang hết số phận của dân tộc mình và báo trước
những nguy cơ đang đến với con người". Đó là chân dung của Phùng Quán, thi
sĩ của Sự Thật, sứ giả của Sự Thật. Một con người thà cuộc đời chìm nổi, thà ăn
nửa ổ bánh mì cầm hơi chứ nhất định không chịu nói nửa vời Sự Thật. Một Trần
Quốc Vượng, vị giáo sư thông thái, nhà ký ức học lịch sử, người có khả năng
chuyện trò cùng đất đá, cảm thông với tiền kiếp và hậu vận của đất đá và không
chỉ của đất đá mà thôi. Hoàng Phủ Ngọc Tường đã phát hiện ra rằng trong âm nhạc
của người bạn tâm giao Trịnh Công Sơn, nhạc sĩ đã chọn Người Tình để tâm sự
những "Ý tưởng triết học đa đoan", rồi mỗi khi hát lên dòng Kinh Nhật
Tụng ấy sẽ thấy thân phận con người chấp chới bay. Đó là âm nhạc đã phiêu bồng qua
muôn vàn huyền thoại và tư tưởng, giác ngộ sự hữu hạn của con người trong cõi
vô thường, áo ước một tấm lòng "để gió cuốn đi".
Đọc nhàn đàm Hoàng Phủ Ngọc Tường chợt nhớ
chuyện Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan đi sứ. Khi vua Tàu hỏi: "Trên đường phố
hàng ngày có bao nhiêu người qua lại?" Trạng Bùng điềm nhiên trả lời: Bẩm,
chỉ có hai người, một người đi vì danh, một người đi vì lợi." Đúng quá,
đúng đến gai người, nhưng đó là sự thật. Lạ quá, không thấy nhắc đến người đi
chơi vì ham chơi, dường như đó là thiểu số đớn đau và hạnh phúc. Nói vậy không
có nghĩa là tác giả nhàn đàm đã toàn tâm rũ bỏ lợi danh nhẹ nhàng như người ta
rũ bụi trần khỏi áo, song chí ít cũng đã luyện được tâm thế xem thường danh lợi,
biết khước từ những cám dỗ mật ngọt và cả những ảo ảnh sa mạc dọc đường hành
hương của một kiếp người.Viết đến đây, chợt hình dung những bóng Người Ham Chơi
sau bao nhiêu lang bạt kỳ hồ, rồi ngày kia, độc hành từng bước một, bỏ lại sau
lưng tiếng sóng vỗ lao xao, từ biển, quay về với núi ...
Phạm Xuân Dũng
Đài PTTH Quảng Trị
ĐT: 0985 972 975
dpthachthao@gmail.com
ĐT: 0985 972 975
dpthachthao@gmail.com