|
Tác giả Nguyễn Bá Trình |
Nguyễn Bá Trình
Buổi Gặp Mặt Kỳ Diệu
Tặng bạn Phạm Tịnh
và các bạn cựu học sinh lớp Đệ nhị,
Khoa học Toán
niên khóa 64-65 trường Trung học Nguyễn Hoàng Quảng Trị
Các bạn chờ tôi lâu chưa? Để tôi đếm xem đã đầy đủ chưa nào.
Một, hai, ba,…, bốn mươi bốn, bốn mươi lăm. Đủ rồi. Trời đất!
Thật là kỳ diệu. Đã
mấy mươi năm rồi! Không ai nghĩ được
rằng chúng ta lại có buổi gặp gỡ đầy đủ hôm nay. Ôi các bạn còn trẻ quá, vẫn
như ngày nào thôi. Có lẽ mình là người duy nhất ở đây già đi theo thời gian
phải không các bạn? Nếu không báo trước mình sẽ tập trung các bạn về đây thì các bạn có nhận ra mình không? Mấy
mươi năm chứ ít đâu.
Các bạn ngồi yên và
đừng nói gì cả, để xem mình có nhớ tên từng bạn một không nhé. Đầu tiên, hai
bạn nữ là Uyên và Thanh? Lớp mình hồi đó chỉ có hai bạn nữ làm sao mình không
nhớ được. Đúng không? Vậy là đúng rồi. Đến: thằng Bình nầy, thằng Dương nầy. Rồi
đến đứa nào đây nhỉ? Thằng nầy tên gì mình quên mất rồi. Khoan, khoan. Các cậu che bảng tên các cậu lại để mình cố nhớ xem…à…
à …Thôi xin lỗi cậu, mình không nhớ nổi. Giở bảng tên cậu ra đi. A! Hà. Trời đất ! Thằng Hà đây mà. Đúng là mình
đã già thật rồi. Lú lẩn quá đi mất. Sao?
Hình như thằng Hóa muốn nói gì phải không? Biết rồi.
Kể về mình cho các cậu
nghe chứ gì? Mình thì có gì đâu để kể. Được rồi mình sẽ kể một vài kỷ niệm có
liên quan đến một vài bạn. Sau đó mình hỏi thăm từng bạn một nhé. Năm 1966, đậu
tú tài hai xong mình thi vào Đại học sư phạm Huế. Trong thời gian mình học ở đây
thỉnh thoảng mình có gặp Hoàng, hồi đó nó
đậu vào Y khoa Huế. Thằng Hoàng ngồi ở đâu? À mình nhận ra rồi. Cái mái tóc
bồng bềnh của cậu thì dù ngồi trong bóng tối mình vẫn nhận ra cậu. Hồi đó mình
thường gặp thằng Vỹ nữa. Vỹ theo học chứng chỉ MPC. Thằng Vỹ ngồi đâu? À thấy
rồi. Cậu thì khi nào cũng khép nép như con gái. Chẳng thay đổi chút nào. Cậu đang ngồi bên thằng Tròn đúng không? Trời
đất! Mấy mươi năm rồi các cậu không thay đổi chút nào. Thấy mặt các cậu mình
muốn chảy nước mắt luôn.
Mình đang kể về mình tới đâu rồi nhỉ? À hồi đó mình
học ở Huế. Với thằng Vỹ thì mình có một kỷ niệm nho nhỏ như thế nầy. Bọn chúng
mình ba đứa: Hoàng, Vỹ và mình. Rất thân
nhau. Đứa nào cũng nghèo xơ nghèo xác, phải đi dạy kèm để tự kiếm cơm ăn học.
Mùa đông năm đó Huế lạnh quá. Người ta bảo mùa đông đó sông Thạch Hãn ngoài
mình cá chết trắng sông. Thấy Vỹ đến chơi không có áo lạnh, co ro trong chiếc sơ
mi trắng cánh tay. Nghèo thì nghèo,
nhưng mình cũng có đến hai chiếc áo len. Một chiếc rách sờn từ thời trung học.
Một chiếc mới đan của bạn gái sau nầy là vợ mỉnh tặng. Vậy là mình chọn chiếc
áo mới cho bạn. Mình vô tâm không nghĩ đó là tình cảm của bạn gái trao cho mình. Các
bạn biết không, sau nầy vợ mình kể, tiền mua len đan chiếc áo đó cho mình là
tiền cô ấy ăn cắp thuốc ô rê ô mi xin
của gia đình đem ra chợ bán đấy. Mỗi lần
cô ấy chỉ lấy năm viên thôi. Lấy nhiều sợ ông bà già phát hiện ra tủ thuốc của gia đình mình có
kẻ cắp đột nhập! Thuở ấy bọn con trai tụi mình khờ lắm, không như bây giờ. Biêt
được chuyện nầy bạn gái của mình buồn. Nhưng hiểu tính mình, cô ấy cũng bỏ qua.
Sau tết Mậu thân, trở lại Huế mình không còn gặp Hoàng và Vỹ nữa. Mình đến tận
nhà Vỹ ở Thượng Xá hay Mai Đàn gì đó, lâu quá mình cũng quên, để hỏi thăm. Nhưng
người nhà bảo Vỹ đã vào Huế học lại! Vậy là mình biết gia đình Vỹ đang giấu
mình chuyện gì đó về bạn ấy. Nhà Hoàng thì quá xa mình không đến được. Hơn nữa có đến
chắc mình cũng không biết thêm điều gì. Cũng như trường hợp của Vỹ vậy thôi. Sau
nầy có ai đó kể rằng cả hai cậu đã thoát li theo Cách mạng nhân tết Mậu thân. Trong một quảng thơi gian dài dằng
dặc phải đến mấy chục năm đi dạy học xa xứ, mình không có tin tức gì về hai
bạn. Riêng Hoàng, mình nghĩ chắc cậu ta làm lớn, bởi hai lẽ. Thứ nhất, Hoàng
học giỏi, thứ hai Hoàng thuộc gia đình có truyền thống Cách mạng. Ba Hoàng là liệt sĩ thời chống
Pháp. Hoàng nhất định phải làm lớn nên không có dịp trở về quê hương Quảng Trị.
Nếu có về thăm lại quê hương thì thế nào
cậu ta cũng đến thăm mình dù ở cương vị nào. Nhưng mình nghĩ thêm một điều nầy nữa, là Hoàng
có làm lớn, cũng chỉ lãnh đạo một ngành chuyên môn nghiên cứu về một vấn đề gì
đó thôi. Hoàng không tham chính được. Tính Hoàng ngang tàng khí phách. Không cả nể. Các cậu còn
nhớ không, hồi ở trường trung học Nguyễn Hoàng cậu ấy đã từ chối phần thưởng ưu
hạng vì cho rằng những người lãnh đạo trong chế độ cũ không đủ tư cách phát
thưởng cho cậu. Thế nhưng sau đó thì mình lại được tin cả hai cậu ấy đã hy sinh,
chỉ sau thời gian thoát li có mấy tháng. Từ đó mình không mong gặp lại các bạn ấy nữa.
Vậy
mà hôm nay vẫn có mặt cả Hoàng và Vỹ!
Nói sao hết niềm cảm xúc của
mình đây. Hoàng! Vỹ! Các cậu có nghe
mình đang nói về các cậu không? Bây giờ mình nói đến Dũng nhé. Mình sẽ nói theo
thứ tự chỗ ngồi. Vì cậu nào cũng có với mình một vài kỷ niệm cả. Dũng! Cậu ngồi
chỗ ấy chóa ánh nắng mình nhận khó ra đấy. Nhưng cậu yên chí, mình đã đọc được tên cậu ở bảng tên rồi. Trong đám bạn cũ gặp
lại ở Huế thì Dũng cũng là người mình có gặp dù không phải thường xuyên lắm. Dũng trọ ở Phú Cam. Hồi đó cậu học gì Dũng? Cậu cũng thoát li từ năm 68 đúng không?. Cách đây
không lâu, ai kể nhỉ? Rằng cậu đã hy sinh khi vượt qua sông Thạch Hản để giành
chủ quyền cổ thành Quảng Trị. Vào năm 1972 phải không? Tin ấy thật làm đau lòng
mình. Bạn bè lớp mình mình lúc đó là lính của chế độ Sài Gòn cũng có không ít đứa đang đóng giữ cổ thành Quảng trị. Như
thằng Khuynh chẳng hạn. Đúng vậy không Khuynh? Trận chiến giành chủ quyền Cổ
thành Quảng trị đẫm máu quá. Là lính tham gia những trận đánh nầy mấy ai được
sống sót. Mình cũng có nghe tin Khuynh
chết trong trận ấy.
Vậy mà hôm nay cậu cũng không thiếu mặt ở đây!
Mình xin nói
thêm một chút về cậu cho các bạn nghe nhé. Khuynh thì mình có một kỷ niệm. Hồi
học ở Huế, trong một chuyến xe về thăm nhà ở Hải Lăng, mình quên mang theo thẻ
hoản dịch vì lí do học vấn, nên bị quân
cảnh bắt tống lên xe chở về nhốt ở bót. Chúng bắt mình ký vào đơn xin nhập ngũ.
Mình không liên lạc được với gia đình nên không ai mang thẻ đến xin cho mình
ra. May thay lúc đó mình loáng thoáng thấy một sĩ quan có vẻ mặt rất quen đi qua. Nhìn kỹ
té là là lão Khuynh nhà mình. Vậy là mình kêu toáng lên nhờ nó cứu. Khuynh bảo
lãnh, mình mới được ra về. Nếu không thì giờ nầy mình cũng đã phơi xác ngoài
chiến trường rồi. Cậu có nhớ chuyện đó không Khuynh?
Bây giờ, mấy cậu thấy
không, ở hàng cuối cùng đấy, thằng Dũng và thằng Khuynh đang ngồi sát cạnh nhau.
Chúng vô tư hồn nhiên. Nhìn chúng không
ai nghĩ rằng sau nầy chúng lại cầm súng bắn vào nhau! Không đau sao được phải
không các bạn? Thực ra bọn mình thương nhau không hết làm gì có chuyện hận thù
nhau phải không? Chẳng qua là do thời cuộc… Đến lượt cái cậu ngồi cuối cùng
đang mỉm cười nhìn mình. Cậu thì mình dễ dàng nhận ra thôi. Các bạn có nhận ra
cái thằng ngồi cuối cùng không? Thằng Đạt đấy. Đúng là Đạt, nó làm ăn thành đạt
lắm. Mình mới gặp Đạt năm ngoái. Bây giờ nó là giám đốc một công ty tầm cỡ. Đọc
trên báo mình biết Đạt đóng góp cho các
quỹ từ thiện khá nhiều. Nhưng nhớ đừng quên quê hương chúng mình đấy nhé.
Mình nghĩ thế nầy các bạn ạ. Cái giá để có được Hòa bình, Độc lập cho nước nhà, quê hương và lứa
tuổi của bọn mình phải trả là quá lớn. Vì vậy đứa nào sau chiến tranh mà may
mắn còn sống sót đến bây giờ thì nên cố
gắng làm một cái gì đó dù là nhỏ nhoi trong khả năng có thể, cho xứ sở Quảng trị quá nhiều đau thương của
bọn mình. Nếu không có điều kiện để làm
được cái gì đó thì cố gắng giữ đừng để phôi pha tấm lòng yêu mến quê hương. Được vậy cũng đáng trân trọng rồi. Phải không các bạn? Các
bạn đừng cho mình tập trung các bạn về đây để lên mặt nhé. Nhất là Hoàng mình
hiểu tính cậu. Nhưng bản thân mình có gì đâu mà lên mặt với các bạn? Mình đang
nói với tất cả chân tình của mình đấy.
-Ông ơi! Ông ngồi làm gì trên gác mà lâu vậy? Xuống phụ giúp
tôi một tay.
Các bạn ngồi đợi mình một lát nhé. Mình sẽ lên lại bây giờ.
Trời đất! Mấy mươi năm mới gặp lại nhau. Mình có quá nhiều tâm sự để chuyện trò
với các bạn. Mình sẽ trở lại ngay bây giờ.
*
-Ông đang làm gì vậy? Sáng nay mất điện, không có TV để coi,
thằng cháu nội của ông nó không chịu ăn. Ông có cách gì làm cho nó ăn đi.
-Tôi đang xem tấm hình chụp tập thể học sinh lớp 11 của
trường trung học Nguyễn Hoàng Quảng Trị năm
xưa mà anh Tịnh vừa sang ra để tặng cho tôi. Ôi trông khuôn mặt của bạn bè thuở
học sinh mà nhớ quá. Giá như có một tấm gương thần đem ra soi rọi trên khuôn
mặt các bạn để biết được người nào còn, người nào mất, thì hay biết mấy!
Mà thôi cũng chẳng
cần phải vậy. Ta để cho hình ảnh các bạn cứ sống mãi và trẻ trung hoài trong
lòng mình. Vậy mà e hay hơn phải không bà.
Tp HCM ngày 10-12-2013
NBT