Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, June 21, 2020

TỰ KHÚC THÁNG SÁU - Thơ Nhật Quang






TỰ KHÚC THÁNG SÁU

Tháng Sáu về vương ngọn gió dịu êm
Trời giao mùa ươm lên màu xanh lá
Khúc tự tình ta nghe chợt xa lạ
Xuân còn hương để ru ngát con tim?

Tháng Sáu về thơ thẩn mãi đi tìm
Vần yêu đương ghép vào đầu nỗi nhớ
Mênh mông lắm hai phương trời cách trở
Còn trong nhau chút say đắm tình thơ

Tháng Sáu về ươm lại những mộng mơ
Lên môi mắt long lanh người xưa ấy
Một chiều Thu đánh thức tim ta dậy
Hồn chơi vơi theo cánh lá vàng bay

Tháng Sáu về còn thoảng chút hương say
Cơn nắng nghiêng đưa Hạ về qua ngõ
Chiều tan trường áo dài bay trong gió
Góc phố buồn, ta ngơ ngẩn…tìm ai?

                                     Nhật Quang

READ MORE - TỰ KHÚC THÁNG SÁU - Thơ Nhật Quang

KHOẢNG LẶNG TÂM HỒN, THEO DẤU CHÂN TRẦN - Thơ Văn Thiên Tùng





KHOẢNG LẶNG TÂM HỒN

(Riêng tặng các bạn 2 lớp 11C&10A3 
Nguyễn Hoàng Non Nước, Đà Nẵng)

Thương phượng lắm - Phượng mùa hè năm ấy!
Cùng nỗi đau ly tán bởi chiến tranh
Tất tả di dân câu chuyện chẳng đành
Phượng nằm lại - ta lạc vào xứ lạ

Trại tạm cư lắm điều không kể ngạ
Mì gạo cấp đến nhận lại ăn nằ
Phòng học chia - ván chắn với nền băm
Trò đi học tay nách xách chiếc ghế

Cảnh trường lớp lúc này là như thế!
Chẳng khuôn viên bàn ghế lẫn sân chơi
Nay phòng này - mốt dãy nọ chuyển dời
Nhà ở chỉ một góc ô chắn nhỏ…

Hè ở đây không sắc màu phượng đỏ
Chẳng hề nghe dù một tiếng ve ngân
Nắng chói chang như thiêu đốt ngoài sân
Đường nhựa nóng cát xới tung nồm ngát

Ngày cuối khóa rộn vang lời ca hát
Nào đồng ca nào phần thưởng tặng khen
Tiếng tau mi tên họ vốn từng quen
Từ cửa lớp gắn kết nhau nào tả xiết

Tập lưu bút lẹ làng chuyền tay viết
Gởi chút gì đọng lại với thời gian
Giữ bao nhiêu tình cảm sáng trong ngần
Vùng kỷ niệm dọc dài theo nét bút

Phút chia tay ai nào không sùi sụt
Chín tháng rồi - sao nhanh quá thế vầy
Bọn chúng mình vổ cánh kể từ đây
Người trở lại quê  - người hoài viễn xứ


Những chuyến xe chẳng chút nào do dự
Lăn bánh đưa dân Quảng đến muôn phương
Lại chở theo tên đất lẫn tên trường
Nguyễn Hoàng- Bồ Đề - Thánh Tâm - Đắc Lộ

Dân về quê giữa hoang tàn sụp đổ
Người vào Nam lập ấp kiếp lưu dân
Người tỉnh này - kẻ chốn nọ xa gần
Cuộc sống mới giữa muôn vàn gian khó

Tuổi chúng mình ngày xưa là thế đó
Rất vô tư và quá đỗi thân thương
Năm tháng qua đồng chung một mái trườn
Bao kỷ niệm ngùi ngùi hoài lắng đọng…

Bài tình ca lời ai hoài vang vọng
Lá thư tình trau chuốt ý thiệt hơn
Nhét vào cặp… ấy đọc nhẹ “nguýt hờn”   
Nên chúng bạn cặp đôi thật “đỡ chết”…

Sau giờ học chụm đầu nhau tán phét
Học hết mình giành điểm cố tranh đua
Nữ hay nam cứ thế chẳng chịu thua
Nên luôn được thầy cô khen ngưỡng mộ

Lắm câu chuyện không thể nào hé lộ
Của lớp mình ngày ấy mười một xê
Trường Nguyễn Hoàng hai buổi cứ đi về
Hẳn sâu lắm!  tình thầy cô - bè bạn…

Nhóm Diễm Trang - Mười A thường ghép gán
Với lớp Xê dùng thun bắn thư qua
Trên đường về hùa nhóm lại chọc đùa
Ta đỏ mặt chỉ biết cười nhìn nớ…!

Chuyện học trò dại khờ chừ nhơ nhớ!
Bao mến yêu trên lăng kính xanh hồng
Bao nhớ thương thoang thoáng lẫn hương nồng
Mãi còn đó chẳng bao giờ nhòa úa.

                                       Quảng Trị, 15.6. 2017
                                      Mai Vân Văn Thiên Tùng




THEO DẤU CHÂN TRẦN

Những dấu chân trần hằn in đây đó
Mỗi sớm tinh mơ hay những trưa chiều
Kể sao xong với đủ chuyện muôn điều
Xuyên suốt cả Thu - Đông cùng Xuân-Hạ.

Mỗi hửng xuân sương phủ mờ lụm lá
Tụi chúng mình đi học chẳng quên mang
Cái vợt hóp* men theo khắp nẻo làng
Vớt mành nhện rồi úp chuồn chuồn tướng

Con chuồn tướng đẹp kia nào chịu vướng
Chẳng mấy con để ta bắt được nào
Những bụi cây lắm quả trái ngọt ngào
Cho vào miệng ngon lành thật thấm thía

Nào chuông chuổng từng chùm màu tím tía
Cà gai xanh vàng đỏ lủng lẳng treo
Bòng bong hồng, đùm đũm chín cố khèo
Lắt lẻo đấy chùm thù lù ngây mọng…

Bụi dây vằng từng chuỗi quả đen mòng
Ăn vào thôi tím ngắt miệng cùng môi
Chuyện về cây trái dại thuở thiếu thời
Thi nhau vặt theo bốn mùa đơm quả…

Đều gặm chửng thay thức ăn trừ bữa
Từ ngọt, bùi, chan chát lẫn chua cay
Cứ theo nhau từng nhóm suốt cả ngày
Lắm khi lại say mèn vì ham chén

Nhưng hạt trơng hái về làm phoóc bắn
Không có trơng leo hái quả bời lời
Cả trưa hè tụm trước ngỏ đùa chơi
Bắn đì đạch bởi chù ke - súng chuối

Cứ chia phe tha hồ reo rượt đuổi
Chán ngấy rồi bày trò khác vui hơn
Nắp keng lia - thuốc mít tán - vụ lăn
Ném đồng kẽm - đôi long hay dép táng

Lắm trò chơi chẳng trò nào chán ngán
Cứ luân phiên theo bước trẻ xa gần
Cứ theo nhau muôn nẻo chẳng ngại ngần
Rất thuần thục trước ngày ta khôn lớn

Dẫu giờ đây vốn việc vàn bề bộn
Vẫn không quên một thuở bước chân trần
Đạp bụi tre, leo trèo thịt da banh
Chẳng biết đau hay khóc nhè trước bạn

Bao lần ngã té đau hay trúng đạn
Vẫn gượng cười chẳng trách mắng bạn đâu
Chui vào rơm - xót xáy tận đến đầu
Suốt đêm vẫn trốn tìm dầu bị mắng

Tuổi thơ ơi! Thuở quê nhà yên ắng
Bao khu vườn đầy mít, ổi, khế, chanh
Những hàng cau, giàn bí, mướp rờn xanh
Mỗi hoa trái theo từng mùa cho quả

Mỗi sắc hoa tạc nền thêu nhung lụa
Đơm hương thơm ngát tỏa mỗi chiều tà
Từ xoan - cau, lý - bưởi rộ tứ mùa
Hằn ngâm ngấm trong ta từ tấm bé. 

                             Quảng Trị,19.6. 2017
                                 Văn Thiên Tùng

*Là cây hóp thon nhỏ dài trên 1m, thân nhỏ bằng ngón tay, ngọn hóp uốn cong thành vòng tròn để quơ cá ổ mạng nhện đang ướt đấm sương trên từng sợi tơ thành một cái mạng để bắt chuồn chuồn

READ MORE - KHOẢNG LẶNG TÂM HỒN, THEO DẤU CHÂN TRẦN - Thơ Văn Thiên Tùng

VIẾT VỀ NGƯỜI BA CỦA TÔI - Lê Phước Sinh





VIẾT VỀ NGƯỜI BA CỦA TÔI 
FATHER' S DAY -  21 tháng 6. 2020
                                                            Lê Phước Sinh

Chiếc xe đạp giàn ngang, màu xanh nước biển buổi sáng đưa con đến trường Tiểu học Trần Quốc Toản trong Nội Thành.
Tan việc, vội vội vàng vàng, Ba chờ đón con bên hàng Phượng trước cổng.
Trưa Hè trời nắng chang chang
Sáng Đông se lạnh u u âm âm gió buốt
Ngày ngày.
Năm, sáu năm đi học trường xa , Ba là Bạn - Cùng -  Lớp,  luôn  thấp thoáng cạnh con ngồi...

Ba sinh năm 1920 (Tân Dậu) tại làng Thượng Xá, Hải Thượng, huyện Hải Lăng, Quảng Trị. Gia đình có 4 anh chị em : “Lực - Điền - Viên - Cận”. Ba là con út. Khu vườn nằm ngay trên đường quốc lộ 1 (cũ) bên cạnh hói nước chảy qua Cống Lở về dòng sông Nhùng. Là vùng đất bồi nên vườn khá tốt, cây trái quanh năm hoa quả xanh tươi. Gia đình thuộc diện “tiểu nông”  sống cần kiệm, chu tất. Cách nhà khoảng cây số là nhà thờ La vang.
Thuở thiếu thời Ba đi học ở lớp tư trong làng (bác Giáo Châu), sau đó xin vào học Trường Tiểu Học Công Lập, cho đến khi thi đỗ bằng “Sơ học yếu lược” thì nghỉ. Lúc bấy giờ Ba đã có một số trình độ cơ bản về tiếng Pháp, Hán. Phụ việc đồng áng cùng gia đình một thời gian. Khoảng năm 1940, Ba mua vé xe lửa, một túi hành lý xuôi vào Nam tìm công ăn việc làm... Xuống Quảng Ngãi, tại ga Bồng Sơn, Ba được nhận vào phụ việc. Những công việc nặng nhọc vất vả cần sức trai trẻ, nhanh lợi... Ba đều vào cuộc... Cũng có lúc làm việc “bẻ ghi” tại Ga (tàu), có khi cầm Đèn Gió đi tuần đường rail giữa đêm khuya, mưa lạnh... Ba chính thức là công nhân ngành hỏa xa của Pháp thuộc Liên Khu 5, luân chuyển trong địa bàn Nam-Ngải.

Ba là người khéo tay và sáng dạ, cần kiệm... ngoài giờ, Ba thường nhận làm thêm gò, chữa các nông cụ, đồ dùng gia đình... như lưỡi cày, cuốc, dao, rựa, liềm, xoong nồi, ấm nước... Về mộc, Ba có thể cưa bào, đóng bàn ghế... Về điện, có thể những sửa chữa những động cơ vận hành không quá phức tạp... Vì vậy Ba được nhiều người thương quý, giúp đỡ.
Sau thời Pháp rồi Nhật. Hiệp định Đình Chiến 1954 ký kết, Ba quyết định về lại quê Quảng Trị. Tháng 03. 1955, Ba vào Huế, xin việc làm. Điều kiện: trong độ tuổi phải đi quân dịch. Nhập ngũ, sau mấy tháng huấn luyện, Ba được tuyển vào Quân Vận, học tài xế, đóng tại  “Bồ-ghè”. Cuối tháng 12, lập gia đình. Trong trận bão mùa đông 1957, khi cùng anh em che giữ mái tole của doanh trại,  Ba bị té, chấn thương, phải chuyển vào quân y viện Duy Tân, Đà Nẵng chữa trị.

Trong hai năm 1956, 1957...  Ba mua sách, tự học chương trình lớp nhì, lớp nhất rồi đi thi lấy bằng Tiểu Học, theo dạng thí sinh tự do, đỗ khóa 1957.
Tháng 12, 1958  được đưa ra Hội Đồng Giám Định Y Khoa xét, cho giải ngũ với giấy chứng nhận “Phế Thải Vĩnh Viễn Số 2”.
Tháng  02.1959, Ba viết đơn và được nhận vào làm tài xế cho Tòa Viện Trưởng Viện Đại Học Huế, thường lái chiếc xe màu xanh 12 chỗ ngồi, đưa đón giáo sư và sinh viên đi công tác, thực tập. Giúp đỡ, hướng dẫn Ba chân tình, gần gũi là Bác Nguyễn (văn) Trường - Chủ sự Phòng nhân viên, người cùng quê  Quảng Trị, từ giai đoạn đầu và  thân thiết mãi đến sau nầy. Đầu năm 1964, Ba chuyển công tác từ tài xế ở Tòa Viện trưởng về Trường Đại Học Khoa Học Huế làm công tác Tống Thư Văn (giao nhận công văn, thư từ)  đến tháng 5.75 ; sau  đó  chuyển làm công tác bảo vệ  cho đến giữa những năm 1980.

BA là người  mẫu mực về  việc học hành, của  các con: giờ giấc theo đúng quy định. Trong phòng học của gia đình, mỗi người có một vị trí riêng, trước mặt là bản Thời Khóa Biểu dán  giấy, sách vở cặp táp  đồ dùng đặt gọn gàng, bao bọc chỉnh chu, không được quăn góc, nhàu  nát . Giờ học bắt đầu thường buổi sáng sớm, chừng độ 5 giờ, khi học phải đọc lên trọn thanh âm, dù nhỏ nhẹ, câu chữ rõ ràng. Ba bảo: buổi sáng thức dậy, đầu óc còn “thanh khiết”  dễ dàng “nhập tâm”. Học bài cũ hôm trước để  khi lên lớp Cô Thầy dò khảo, kế xem sơ bài giảng trước để xem hôm nay sẽ học cái gì... Ba  còn dặn, sau giờ học ở trường về, nghỉ mệt một chút, lấy cặp sách vở ra, xem qua “còn mất, thiếu, đủ” lời dặn dò, bài tập về nhà của  Thầy Cô...

Khi các con học ở trong, bên giường ở phòng kế, Ba ngồi hút thuốc, đôi lúc nghe radio, với thanh âm nhỏ, như ngồi cùng để  “đồng hành” với các con. Những đợt nghỉ dài ngày: hè, tết Ba ra bài tập  con cái làm thêm :  Toán pháp trong sách trong sách Trần Tiếu, Cao Văn Thái;  luận văn, tập làm văn với các đề: ca dao , tục ngữ , thành ngữ , Ba  biết  một số  căn bản  về tiếng Pháp, tiếng Hán, thỉnh thoảng Ba  giảng giải cho các con, tạo  những “ngoại khóa” rất lý thú...

BA đã rời con cháu mấy chục năm nay.
Những kỷ vật như chiếc radio, thẻ nằm viện, bài thơ Ba viết... đặt trên đầu tủ thờ như vẫn vương vấn, gợi nhớ những hình ảnh  ngày xưa...

                                                                   Lê Phước Sinh

READ MORE - VIẾT VỀ NGƯỜI BA CỦA TÔI - Lê Phước Sinh

CHÙM ẢNH LỰU PHUN LỬA CỦA CHU VƯƠNG MIỆN






 

READ MORE - CHÙM ẢNH LỰU PHUN LỬA CỦA CHU VƯƠNG MIỆN

MẤY ĐỘ TÀN PHAI - Thơ Phan Quỳ, nhạc Võ Triêm


                                               Nhà thơ Phan Quỳ


MẤY ĐỘ TÀN PHAI

Ta về xếp lại xưa sau,
Vời trông bóng đổ, nhuốm màu thời gian.
Xuân qua rồi mấy thu tàn
Tịch dương mấy bận, vội vàng bóng câu.
Ta về nghe hạt mưa mau
Nghe cơn nắng hạ trên màu mây xanh
Một mai gom lại chút tình
Ta về chăm chút cho mình với ai?
Ngàn lau xa khuất dặm dài
Đâu rày thưa vắng hình hài, dạ vâng?
Tìm trong hơi gió ân cần
Thoảng nghe nhỏ nhẹ một lần hỏi han.
Tìm trong đáy nước vừa tan
Khuôn trăng còn lại muôn ngàn vỡ mau.
Ta về xếp lại xưa sau
Nghe từng rơi rụng nhuốm màu thời gian.
Về đâu lá đổ hàng hàng
Thu sang mấy độ, đông tàn mấy phen.
Hoàng hoa vương lại bên thềm,
Bên song mình nhớ hạt mềm sương bay...

                                               Phan Quỳ





READ MORE - MẤY ĐỘ TÀN PHAI - Thơ Phan Quỳ, nhạc Võ Triêm