Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Thursday, April 23, 2015

NGƯỜI PHỤ NỮ HỌ TRƯƠNG VÀ NGÔI MỘ CHUNG TRÊN ĐỒI TỪ HIẾU - Lê Thí

Lăng mộ chung của Thái Phiên và Trần Cao Vân.
Ảnh từ art2all.net

Lê Thí
NGƯỜI PHỤ NỮ HỌ TRƯƠNG 
VÀ NGÔI MỘ CHUNG TRÊN ĐỒI TỪ HIẾU

Hai nhà cách mạng người Quảng tuy không sinh cùng năm nhưng lại cùng lý tưởng, cùng hy sinh một ngày cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và cùng được an nghỉ với nhau trong một ngôi mộ chung. Đó là Thái Phiên và Trần Cao Vân.

Trong cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quang phục hội (thường được gọi là cuộc khởi nghĩa của vua Duy Tân) năm 1916, Trần Cao Vân và Thái Phiên là nhân vật chủ chốt, có vai trò quan trọng hàng đầu. Điều này được thể hiện trong tờ chiếu khởi nghĩa của vua Duy Tân đề ngày 27 tháng 3 năm Duy Tân thứ mười (29-4-1916) hiện còn lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ Hải ngoại (The Archives Nationales d’Outre-Mer, viết tắt là ANOM) của Pháp ở Aix-en-Provence và Văn khố Toàn quyền Đông Dương. Tờ chiếu này có sao gửi cho 4 người gồm: Trần Cao Vân, Thái Phiên, Lâm Nhĩ, Nguyễn Quang Siêu.
Nguyên văn trong tờ chiếu (được dịch ra quốc ngữ):
“... Trong tất cả mọi việc, Trẫm trao quyền hành động cho Hồng Việt, Hoàng Anh, Thanh Minh và Lam Giang, với sự hợp tác của những người có tấm lòng cao cả trong ba kỳ của Quốc gia Annam, dù họ là quan chức, viên chức, đương nhiệm hay không đương nhiệm, các nho sĩ, thân hào, người bình dân, và tất cả đều vì mục đích theo đuổi là đem lại một kỷ nguyên Văn Minh.
Ngay sau khi sự nghiệp hoàn thành, tất cả những ai có cống hiến sẽ được nhận những phần thưởng xứng đáng và sẽ trở thành bất tử qua thời gian.
Bất cứ ai cản trở sự nghiệp này sẽ bị truy tố và trừng phạt không tha thứ.
Nay kính báo.
Chuyển để thi hành:
-  đến đạo nhơn Trần... (tức Trần Cao Vân - LT), tự Hồng Việt - chức vụ và cấp bậc: Cố vấn cao cấp, Tể tướng để phục hưng, phòng vệ đoàn tùy tùng hoàng gia, phụ trách các vấn đề quân sự.
- đến đạo nhơn Thái... (tức Thái Phiên - LT), tự Hoàng Anh, Phó cố vấn cao cấp, Tổng đốc Hoàng Thành, phụ trách các vấn đề tài chính và kinh tế”.
- đến…”
Cuộc khởi nghĩa được dự định tổ chức vào đúng 1 giờ sáng ngày 3-5-1916.  Trần Cao Vân và Thái Phiên phân nhiệm cho các nhân vật, chiếm các tỉnh, còn hai ông điều khiển việc chiếm kinh đô Huế, rước vua Duy Tân ra khỏi Đại Nội, đi vào phía Nam chờ bình định xong sẽ phò nhà vua trở lại ngôi.
Đại sự bị bại lộ, cuộc khởi nghĩa thất bại. Thái Phiên, Trần Cao Vân, Tôn Thất Đề, Nguyễn Quang Siêu bị bắt tại chùa  Ngũ Phong (gần An Cựu, thành phố Huế).
Thái Phiên và Trần Cao Vân đã bị Viện Cơ mật kết án: “Thủy nhi Hậu hồ thùy điếu, thiện tả chiếu văn, nhi Thương Bạc đình thuyền, yêu nghinh thánh giá, Hà Trung mạch phạn,Ngũ Lĩnh kê thang, thừa dư chí thử phong trần, môi nghiệt giai do thử bối” (Tạm dịch: “Ban đầu buông câu ở Hậu Hồ, tự thảo chiếu văn, kế đến neo thuyền ở bến Thương Bạc, chờ rước nhà vua, mời vua dùng cơm lạt ở làng Hà Trung, ăn cháo gà ở núi Ngũ Phong, mình rồng phải chịu dãi dầu sương gió, tội lỗi này đều do bọn kia tạo ra) và ra lệnh xử chém.
Chiều 17-5-1916 Thái Phiên cùng Trần Cao Vân, Nguyễn Quang Siêu và Tôn Thất Đề ra trường chém ở An Hòa đền nợ nước.
Về cái chết của hai ông, các tài liệu đều cho là diễn ra vào ngày 17-5-1916.  Nhưng gần đây nhà nghiên cứu Nguyễn Trương Đàn trên tạp chí Xưa và Nay và báo Đà Nẵng Cuối tuần lại dẫn các tờ báo Trung Bắc Tân Văn (số ngày 27-5-1916), Lục Tỉnh Tân Văn, Nông Cổ Mín Đàm (8-6-1916) lại cho rằng cuộc xử chém diễn ra vào lúc 16 giờ 30 chiều 16-5-1916. Đây là mẩu tin ngắn trên báo Trung Bắc Tân Văn: “Hồi 4 giờ rưỡi chiều 16 Mai, bốn người mưu việc khởi loạn Trung Kỳ, đã phải xử tử tại đường Quảng Trị, cách la-ga An Hòa 100 thước. Một người tên là Trần Cao Vân và một người là Thái Phiên, cùng ở Quảng Nam cả...”.
Cho đến nay vẫn không biết vì sao có sự vênh lệch này!
Tương truyền, tại pháp trường hôm ấy, khi đầu Thái Phiên rơi xuống đất, một thiếu phụ mặc đồ tang đã chạy ngay đến, ôm chặt thi thể người chí sĩ vào lòng, khóc thương thảm thiết. Khi bị lôi ra, thiếu phụ đã xõa tung mái tóc đen thấm lấy dòng máu tươi từ cơ thể người chí sĩ. Thiếu phụ ấy là bà Trần Thị Băng, thiếp của Thái Phiên. Bà đã giữ máu ấy trên đầu, không chịu tắm gội. Mấy tháng sau bà mang bệnh nhưng kiên quyết không uống thuốc để chết theo chồng.
Cái chết của Thái Phiên, Trần Cao Vân và các chí sĩ của cuộc khởi nghĩa đã gây xúc động lớn. Huỳnh Thúc Kháng lúc này đang thụ án ở Côn Đảo nghe tin cái chết oai hùng này đã có thơ tặng Thái Phiên (được dịch ra quốc ngữ): Âu học không đem rút của người,/ Chả thành đời sống vứt như chơi./ Kìa phường học mới đông như kiến,/ Đêm hỏi lòng chăng có hổ ngươi? (Huỳnh Thúc Kháng, Thi Tù Tùng Thoại, Nam Cường, 1951).
Người Pháp và Nam triều đã cho vùi xác của 4 vị ngay tại pháp trường với hy vọng sẽ tóm thêm được những đồng chí của các vị khi họ đến viếng.
Năm 1922, con trai của Trần Cao Vân đã làm đơn gửi khắp nơi ở Huế để xin được đưa hài cốt của cha về cải táng ở quê nhà nhưng tất cả đều bị từ chối.
Tại bãi chém An Hòa, hai ngôi mộ lâu ngày không được chăm sóc có khả năng bị mất dấu. Nên năm 1925, một đồng chí của Trần Cao Vân và Thái Phiên là bà Trương Thị Dương đã lén đưa thi hài hai ông đem chôn trong một ngôi mộ chung tại đồi Từ Hiếu nay thuộc xã Thủy Xuân, thành phố Huế. Ngôi mộ chung này đã được công nhận là Di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia vào ngày 14-7-1990. Về việc hai chí sĩ được cải táng chung trong một ngôi mộ được bà Dương thuật lại như sau: “Ngày 5 tháng 5 năm Ất Sửu (1925), tôi và đứa cháu là Đặng Khánh Di vừa đi đến cầu Vân Căn, bỗng một chiếc guốc bị gãy đôi. Tôi nghi có điềm chẳng lành. Đến chùa Đại Trung, gặp ông Nguyễn Hữu Cảnh (trị sự chùa), ông giục tôi đi, không nên do dự.
3 giờ sáng ngày hôm sau (mồng 6), chúng tôi đi thẳng tới chỗ di hài hai cụ. Người giữ nấm mộ ấy là Thủ Tỵ), y có người con bị bệnh phong, làm chòi ở khít bên mộ để giữ, ai đến gần, nó bắt.
Tới nơi, tôi cho thằng phong ấy 3 đồng, trả cho ông Thủ Tỵ 6 đồng, và thuê 5 người nữa với ông Thủ Tỵ 24 đồng, xin dời hộ, vì tôi nói là mộ của ông chú tôi.
Hốt cốt lên, tôi lấy giấy tinh (tức giấy trong có viết chữ Hán) bỏ vào hai thúng đầy, rồi qua cửa Chính Tây ngồi đợi. Khi hốt xong, bọn làm thuê thấy không có mặt tôi, hỏi, thì ông Thủ Tỵ nói tôi đi mượn tiền, và có nhờ gánh cốt qua bên ấy (cửa Chính Tây) mới trả tiền đủ (đã trả trước 12 đồng). Bọn họ dùng dằng một lúc rồi cũng phải gánh đi.
Đến cửa Chính Tây, tôi trả tiền đủ, liền thuê hai chiếc xe kéo: một chiếc tôi chở cốt, một chiếc cho người cháu tôi và Nguyễn Hữu Cảnh ngồi. Xe đi thẳng tới tháp Hòa thượng Kiết Mao gần chùa Châu Lâm, tôi đặt cốt lên bàn, thắp hương ngồi giữ. Đến sáng ngày, tôi thuê Trùm Ngữ mua hai tiểu sành cùng giấy tờ, lại thuê gánh nước tới, tôi rửa sạch cốt hai cụ, liệm vào tiểu sành.
Hai di cốt này trải qua trên 9 năm, đến nay vẫn còn nguyên vẹn. Cốt cụ Thái vàng rực, bỏ vào tiểu sành có dư, phải lấy bớt giấy lót ra. Cụ Thái lúc lâm hình mặc áo lương, máu dính sát vào cốt, gỡ ra nghe rạt rạt. Cụ Trần bận áo vải dù, cũng dính sát vào cốt. Tôi thuê người đào huyệt và đắp nấm hết 4 đồng. Ai dè chôn được 11 ngày, Thừa Phủ hay tin, cho lính đến canh gác. Nhờ có người báo tin về ông Nguyễn Hữu Cảnh, ông Cảnh báo về tôi, tôi thừa đêm khuya thuê 4 người, mỗi người 4 cắc hết 1 đồng sáu, đem chôn nơi khác, hiện nay ở gần chùa Châu Lâm, nhưng chôn thành một nấm.
Nơi đã dời đi, tôi vẫn cho đắp lại thành nấm tử tế, rào giậu kỹ càng, làm như không ai đụng chạm đến. Thế là nơi ấy vẫn có hai cái nấm mồ, nhưng không có cốt người!”. (Dẫn lại Nguyễn Trương Đàn, trong tạp chí Hồn Việt)
Bí mật này được bà Dương giữ kín cho mãi đến năm 1956, khi thấy không còn nguy hiểm nên đã tiết lộ với con cháu và ông Võ Như Nguyện là con trai của nhà cách mạng Võ Bá Hạp, vốn là đồng chí của bà. Ông Nguyện lúc này là Dân biểu Quốc hội của Việt Nam Cộng hòa. Sau đó bà đã khắc tấm bia bằng chữ Hán “Trần Cao Quý Công-Thái Duy Quý Công” và dựng trước ngôi mộ chung của hai ông. Tấm bia này hiện nay vẫn còn.
Chính vì ngôi mộ chung nên cho đến nay hai ông vẫn chưa thể về lại quê nhà.Có khi đó là ý nguyện của hai ông, không muốn xa nhau và … xa Huế!.
Bà Trương Thị Dương có biệt hiệu là Quảng Hà, sinh năm 1881 tại làng Tân Điền, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị là người được Phan Bội Châu kết nạp vào phong trào Đông Du năm 1903, phụ trách việc vận động tài chánh cho du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản. Năm 1914, thông qua bà Mai Thị Vàng (con gái Mai Khắc Đôn và là vợ vua Duy Tân) bà được kết nạp vào tổ chức Việt Nam Quang phục hội, được vua Duy Tân giao nhiệm vụ làm liên lạc với các nhà cách mạng. Bà đã từng được nhà vua sai vào tận làng Tư Phú nay là xã Điện Phong, huyện Điện Bàn để trao nhiệm vụ cho Trần Cao Vân. Sau khi cuộc khởi nghĩa thất bại bà đã về ẩn mình ở xóm Nhà Trưa, nay là thôn Tân Trưng, xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng, Quảng Trị. Thời gian này bà luôn đau đáu một ý nguyện là tìm cách đưa hài cốt hai đồng chí của mình đến chôn ở một nơi đường hoàng hơn để sau này có điều kiện sẽ đưa về an nghỉ ở quê nhà, để con cháu được hương khói. Bà đã nhiều lần đến thăm mộ nhất là sau lần cải táng năm 1925. Bà mất ngày 24 tháng 7 năm 1957, hưởng thọ 76 tuổi . Đám tang của bà được tổ chức trọng thể có sự tham gia của nhiều quan chức, đặc biệt là có cả mẹ của vua Duy Tân. Hiện nay mộ bà vẫn còn ở xã Hải Chánh huyện Hải Lăng.
Ở Đà Nẵng, trên đường Trần Cao Vân có ngôi trường phổ thông trung học lớn mang tên Thái Phiên, như một gợi nhớ về hai nhà cách mạng tuy sinh không cùng năm nhưng lại cùng lý tưởng, cùng hy sinh một ngày cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và cùng được an nghỉ với nhau chung trong một ngôi mộ. Có lẽ ở Tam Kỳ, Đà Nẵng… nên có một con đường mang tên Trương Thị Dương, để thể hiện sự tri ân của người dân xứ Quảng cho tấm lòng mà bà đã dành cho hai chí sĩ cách mạng kiệt xuất của quê hương mình.



Hậu duệ của các vị Thái Phiên,Trần Cao Vân, Trương Thị Dương trước ngôi mộ chung của Thái Phiên và Trần Cao Vân tại Huế.

                                                       

Tác giả LÊ THÍ
cựu giáo viên trường THPT Trần Phú, 
Đà Nẵng


READ MORE - NGƯỜI PHỤ NỮ HỌ TRƯƠNG VÀ NGÔI MỘ CHUNG TRÊN ĐỒI TỪ HIẾU - Lê Thí

TÌNH MƯA LỐI SẦU - MƯA HỒNG - thơ Trúc Thanh Tâm


Tác giả Trúc Thanh Tâm


Trúc Thanh Tâm

TÌNH MƯA LỐI SẦU

Xa người từ cuộc bể dâu
Dài cơn binh lửa quên câu hẹn về
Nầy em, chút tuổi đam mê
Anh nhìn anh, ngọn đèn khuya chốn người

Nhân đi em, đó nụ cười
Cuộc đời anh, cả một đời bôn ba
Tháng ngày gót đá còn trơ
Nhớ sâu vực thẳm, tình mưa lối sầu !


MƯA HỒNG

Đêm về mắt đọng chiêm bao
Nặng duyên tiền kiếp từ trao cho người
Mưa hồng rụng xuống vườn môi
Người ăn trái cấm nên người thủy chung
Mùa khô dấu bụi chân hồng
Có loài hoa nở cánh đồng tang thương !

                         TTT

(Thi tập - Lục Bát Thời Yêu Em 1972)
READ MORE - TÌNH MƯA LỐI SẦU - MƯA HỒNG - thơ Trúc Thanh Tâm

Châu Thạch - ĐỌC “THÁNG CỦA MÙA” THƠ VŨ MIÊN THẢO


Châu Thạch

ĐỌC “THÁNG CỦA MÙA”, THƠ VŨ MIÊN THẢO
                                    
Nhà thơ Vũ Mien Thảo


Vũ Miên Thảo
THÁNG CỦA MÙA!

Tháng của mùa lá gọi mưa bay
nắng dấu bóng chiều trong chéo áo
đường ướt mặt nên em rưng mắt bão
nhá nhem nỗi buồn tia chớp cong mi

Tháng của mùa tê tê ngón gầy
nhăn vân thâm không tay ai nắm
cứ những giọt thu lay phay chạm
chổ không anh... môi đắng niềm đau!

Tháng của mùa nên ta không nhau
hạnh phúc trốn sau chòm mây xám
trăng không bóng chỗ anh ngồi lại trống
đêm mùa vàng thêm chút nữa… xanh xao

Tháng của mùa sao lại nghe nao nao!
lối xưa người sẽ về son gót mới
hồn đã cũ cớ gì ta cứ đợi!?
một vụn tình! Ai bảo chẳng hư hao?!

10-2014


Lời bình: Châu Thạch

Vế một của bài thơ:

Tháng của mùa lá gọi mưa bay
nắng dấu bóng chiều trong chéo áo
đường ướt mặt nên em rưng mắt bão
nhá nhem nỗi buồn tia chớp cong mi

“Tháng của mùa” là tháng mấy khó biết được, nhưng theo tôi thì “lá gọi mưa bay” vì lá thiếu nước nên mới phải cần mưa. Thiếu nước lá phải vàng. Hơn nữa, “mưa bay” nên đường chỉ “ướt mặt”  chứ không sủng nước thường là về mùa thu. Vậy là nhà thơ ám chỉ, đến tháng của mùa thu rồi (Mùa của lá vàng và mưa bay).

“Nắng dấu bóng chiều trong chéo áo”, nghĩa là bóng chiều chỉ là những vết nhỏ nhoi, một chéo áo cũng che vừa hết, nên không gian đã sắp tối rồi. Ở câu thứ tư, tác giả dùng chữ “nhá nhem nỗi buồn” cũng có một phần ám chỉ đến không gian, thời gian lúc ấy sắp về đêm.

“Mắt bão” là tâm bão (vùng giữa các cơn lốc xoáy của bão). Mắt bão là một khu vực hầu như lặng gió, nơi yên bình nhất của cơn bão, thậm chí có khi trời quang mây tạnh, có thể thấy trăng sao vào buổi tối. “Nhá nhem nỗi buồn” là nỗi buồn của em cũng làm cho bầu trời sụp xuống như tối nhá nhem, nhưng khi em liếc nhìn thì vành mi cong chẳng khác gì tia chớp loé lên. 

Hai câu thơ đầu ám chỉ thời gian, không gian.Hai câu thơ sau ám chỉ mắt em. Cả bốn câu thơ hoà nhập mắt em trong mùa thu, nhưng không phải của một mùa thu bình yên, cũng không phải một mùa thu có bão tố. Vậy đó là mùa thu gì?. Trả lời: –Mùa thu trong mắt em. Mùa thu ngoài trời bình yên chỉ có mưa bay, nhưng mùa thu trong mắt em đã hình thành một cơn bão tố. Cơn bão tố đến rồi, nhưng mắt em là tâm bão nên rờn rợn trong sự yên bình. Bốn câu thơ, mỗi câu vẽ nên những hình ảnh theo trường phái lập thể, trừu tượng... Lập thể vì nắng là chéo áo, con mắt ở trong bão, rèm mi ở trong tia chớp. Trừu tượng vì lấy mùa thu làm tâm trạng của em và lấy nỗi buồn của em làm một mùa thu khác lạ. Trong tác phẩm của họa sỹ lập thể, đối tượng được mổ xẻ, phân tích và được kết hợp lại trong một hình thức trừu tượng. Người họa sỹ không quan sát đối tượng ở một góc nhìn cố định, nhưng phân chia thành nhiều mặt khác nhau, nhiều khía cạnh khác nhau. Thông thường các bề mặt, các mặt phẳng giao với nhau không theo các quy tắc phối cảnh, làm cho người xem khó nhận ra chiều sâu của bức tranh, nhưng khi đã nhận ra sẽ thấy được giá trị nghệ thuật cao của nó. Ở bốn câu thơ nầy, hình ảnh và tâm trạng được cắt thành nhiều mảng, gắn bên nhau, liền cạnh nhau khiến cho bức tranh mưa, nắng, đường và mắt kết hợp lại, để diễn tả cái chiều sâu thẳm của mùa thu và nỗi buồn của em trừu tượng.

Qua vế thứ hai, tác giả đem mùa thu vào cả trong bàn tay em và để nỗi buồn em chạy trong đường máu:

Tháng của mùa tê tê ngón gầy
Nhăn vân thâm không tay ai nắm
cứ những giọt thu lay phay chạm
chổ không anh… môi đắng niềm đau!

Thời tiết làm cho em tê tê ngón tay chăng? Không phải đâu. Nỗi buồn đã làm cho em tê ngón tay. Vì sao vậy? Vì “nhăn vân thâm không tay ai nắm” nghĩa là những vân tay trên bàn tay em chằng chịt, làm cho bàn tay em nhăn và thâm đen vì chẳng có ai cầm. Từ đó, em nghe ngón tay mình tê tê và hao gầy.

Theo khoa tử vi, đường vân tay em nhăn quá, thể hiện đường đời em gian truân biết bao. 

Em đi trong mưa, giọt thu chạm khắp mình em. Cứ chỗ nào “không anh” thì giọt thu chạm vào làm “môi đắng niềm đau”. Vậy là cả thể xác em đau? Thật ra, thể xác em không đau mà chính linh hồn em đau; đau đến độ đường gân, thớ thịt cũng đau theo.

Vũ Miên Thảo lấy cái đau của thể xác diễn tả nỗi đau tình cảm trong lòng. Nỗi đau đó rưng rưng từng thớ thịt, nhưng chính xác ra, nó đang gặm nhấm tâm tư của nàng. Vế thơ trên cho thấy, cơn đau trùm lên bóng chiều nhá nhem,vế thơ nầy cho ta hiểu cơn đau thu vào nội tâm, chạy trong đường máu, biểu hiện nỗi cô đơn cùng tận, chỉ một mình nàng gánh chịu.

Qua vế thơ thứ ba, tác giả đưa cái vu vơ của sự “không nhau” và bây giờ mới thấy có nột chút gì gió trăng trong cuộc tình:

Tháng của mùa nên ta không nhau
hạnh phúc trốn sau chòm mây xám
trăng không bóng chỗ anh ngồi lại trống
đêm mùa vàng thêm chút nữa xanh xao

À! Bây giờ mới vỡ lẽ ra, hai vế thơ trên chàng đã mang giùm tâm trạng đau buồn và than thở cho em. Ở hai vế thơ sau, chàng mới than thở cho chính mình.

“Tháng của mùa nên ta không nhau”.

Câu thơ thể hiện đường tình bị chia cắt do đường đời làm đứt đoạn. Và họ vẫn yêu, vẫn chia đau khổ cho nhau, nhưng ngã rẽ cuộc đời buộc phải xa cách. Nàng đi trong trời nhá nhem, chàng ngồi trong bóng tối trống rỗng, xanh xao. Hai bức tranh buồn phát hoạ hai hình ảnh cô đơn, luỹ thừa sự trống vắng, xanh xao, đơn độc và phân rẽ tăng lên.

Qua vế thơ chót, tác giả đã nói lên sự dằn vặt trong tâm tư chàng. Chàng nói những điều ngược lại với lòng mình, như tự vỗ về nỗi đau đang cấu xé:

Tháng của mùa sao lại nghe nao nao!
lối xưa sẽ về son gót mới
hồn đã cũ cớ gì ta cứ đợi!?
một vụn tình! Ai bảo chẳng hư hao?!

Dấu than và dấu hỏi đánh liên tục trong vế thơ nầy, chứng tỏ sự bấn loạn trong tâm hồn tác giả. Tiếng kêu đau đớn xuất hiện trong dấu than, rồi sự thắc mắc vì sao phải đau xuất hiện trong dấu hỏi và ngược lại. Tác giả không bao giờ giãi đáp được cho mình. Đó là tâm trạng của những loài yêu bằng trái tim không bằng lý trí.

Vũ Miên Thảo yêu bằng trái tim mình, một trái tim mang chung hai nỗi đau của cả hai người. Tác giả đau cho nàng trước, rồi đau cho mình sau. Muốn quên mà dễ đâu quên được, muốn xem sự hư hao là lẽ thường mà nào đâu làm được: “Hồn đã cũ cớ gì ta cứ đợi! / một vụn tình! Ai bảo chẳng hư hao?!”

Thơ Vũ Miên Thảo là thế. Một thứ thơ như những bức tranh lập thể, chuyển các đối tượng ba chiều vào trong một mặt phẳng tranh, tạo thành tổng các thời khắc riêng biệt và góc nhìn khác nhau, được nhìn thấy bằng đôi mắt tâm trí. Vì vậy, đọc thơ Vũ Miên Thảo ta không những chỉ thấy cái hay bằng những gì ta hiểu mà ta còn thấy cái hay bằng những ý tứ xa vời, trừu tượng ngoài tầm hiểu biết của ta mà ta chỉ cảm nhận được ./.

                                                                          Châu Thạch
READ MORE - Châu Thạch - ĐỌC “THÁNG CỦA MÙA” THƠ VŨ MIÊN THẢO

NGƯỜI EM NĂM CŨ - thơ Nguyễn Đắc Thắng




Nguyễn Đắc Thắng    
                     
NGƯỜI EM NĂM CŨ

Tình cờ ta gặp lại em
Áo hồng đang bước lên thềm quán thơ
Rõ ràng đâu phải là mơ!
Bao nhiêu kỷ niệm xa xưa hiện về…


Ta chợt ngỡ ngàng đến ngẩn ngơ
Trời ơi người ấy tự bao giờ!
Về đây thăm lại người xưa cũ?
Em bước lên thềm như giấc mơ.

Có phải là em … em đấy không?
Con đường chiều vắng gió bay lồng
Những tia nắng yếu theo chân nhỏ
Những giọt mồ hôi đọng má hồng.

Tóc rối bồng bềnh theo gió bay
Nón nghiêng áo giật bóng vươn dài
Chiều buông nắng tắt lòng sôi rộn
Thương quá áo hồng em ngất ngây.

Đêm chốn đồn sâu lặng ngắm sao
Một bình trà nhỏ đắng cồn cào
Em không quen đắng nhưng cùng uống
Để trải cùng anh đêm thức thâu.

Bát cháo nhái bằm vị ngọt sao!
Tự lòng thuộc hạ mến dành trao
Em nghe sờ sợ nhưng cùng nhấm
Hương vị tình thương đám lính nghèo.

Đêm vẫn oi nồng sau trận mưa
Bầu trời dần rạng ánh sao thưa
Sân phơi ghế bố nhìn sao lánh
Em hỏi sao nào được gọi vua?

Anh bật chỉ vào … đây! Chính ta
Nàng là hoàng hậu của sao sa
Nhớ vua đi kiếm và đang gặp …
“Khóa chặt tay anh để giải hòa!”

Canh đã về khuya đêm thấm lạnh
Hỏa châu lấp lóe góc trời xa
Vài tiếng súng buồn đêm lặng lẽ
Từng giờ phiên gác cũng trôi qua.

Em đến cùng ta chung cảnh ngộ
Mảnh đời khốn khó nỗi đơn côi
Em cho tất cả mà chưa nhận
Để nợ lòng ta đến suốt đời.

Ngày tháng dài qua ta vẫn nhớ
Bể dâu thêm đậm cuộc tình hờ
Em đi lần ấy rồi đi biệt
Ta khắc trong tim một bóng chờ!

NĐT

20150422
thangnguyendac@yahoo.com.vn
READ MORE - NGƯỜI EM NĂM CŨ - thơ Nguyễn Đắc Thắng

ÔNG ĐỒ: NHỮNG BỨC TRANH THƠ - Phạm Đức Nhì


Nhà thơ Vũ Đình Liên. Hình từ Báo Mới (baomoi.com)


Phạm Đức Nhì

ÔNG ĐỒ: NHỮNG BỨC TRANH THƠ 

Bài thơ Ông Đồ được đăng năm 1936 trên báo Tinh Hoa lúc tác giả của nó, Vũ Đình Liên, mới 23 tuổi. Ông là người theo tân học, đậu Tú Tài năm 1932 (lúc 19 tuổi). Nhờ khả năng quan sát sắc bén ông đã sáng tác được bài thơ mà theo Hoài Thanh: “Theo đuổi nghề văn mà làm được một bài thơ như thế cũng đủ. Nghĩa là đủ lưu danh với đời.” (Thi Nhân Việt Nam).

Hoài Thanh đưa ra những lời khen ngợi trên và đã chọn đưa vào tuyển tập Thi Nhân Việt Nam chứng tỏ bài thơ Ông Đồ của Vũ Đình Liên, dưới cái nhìn của đôi mắt thơ có nội lực sung mãn vào hạng nhất thời bấy giờ, được đánh giá rất cao.
  
             ÔNG  ĐỒ

          Mỗi năm hoa đào nở
          Lại thấy ông đồ già
          Bày mực tàu, giấy đỏ
          Bên phố đông người qua

          Bao nhiêu người thuê viết
          Tấm tắc ngợi khen tài
          Hoa tay thảo những nét
          Như phượng múa rồng bay

          Nhưng mỗi năm mỗi vắng
          Người thuê viết nay đâu?
          Giấy đỏ buồn không thắm
          Mực đọng trong nghiên sầu

          Ông đồ vẫn ngồi đấy
          Qua đường không ai hay
          Lá vàng rơi trên giấy
          Ngoài trời mưa bụi bay

          Năm nay đào lại nở
          Không thấy ông đồ xưa
          Những người muôn năm cũ
          Hồn ở đâu bây giờ?
                             Vũ Đình Liên

Tứ thơ:

     Mỗi độ xuân về ông Đồ lại ngồi bên phố trổ tài viết câu đối cho người qua, kẻ lại. Nhưng mỗi năm mỗi ít người thuê viết, ông đồ ngồi lặng lẽ bên đường. Và năm nay không thấy ông đồ nữa.

Ý thơ:
    
Qua hình ảnh ông đồ tác giả tỏ ý thương tiếc một nền Nho học đang lụi tàn dần theo năm tháng.
    
Ở đây ý và tứ khác nhau, nghĩa là tác giả đã sử dụng phép ẩn dụ toàn bài. Ông không chơi bài cào, kiểu ngửa mặt lớn nút ăn tiền, mà chọn ván bài xì phé trong đó con tẩy được dấu kín. Con tẩy càng kín thì ván bài càng hấp dẫn và tay chơi (tác giả) càng có lợi thế. Đến phút cuối cùng, con tẩy được lật lên, người đọc à lên một tiếng thích thú. Từ lúc hiểu tứ đến lúc cảm thông được ý - chủ đích của tác giả khi viết bài thơ - chỉ một tích tắc. Điều đáng nói là chính cái tích tắc ngắn ngủi đó đã cho người đọc cái cảm giác sảng khoái như khám phá được một điều gì to lớn lắm.

Đọc xong đoạn cuối:

                   Năm nay đào lại nở
                   Không thấy ông Đồ xưa
                   Những người muôn năm cũ
                   Hồn ở đâu bây giờ?

Qua dòng liên tưởng của chính mình người đọc thấy con bài tẩy đã được ngửa ra. Sự mất dạng của Ông Đồ giữa phố Tết dẫn đến tâm trạng nuối tiếc một nền Nho học đang lụi tàn. Đây là một tứ thơ hay, bao quát toàn bài, được vận dụng khéo léo, kín kẽ, không một tý sơ hở để có thể dẫn đến những hiệu ứng phụ khiến người đọc có thể vặn vẹo, bắt bẻ.

Ngoài phép ẩn dụ, bài thơ Ông Đồ còn có những cái hay sau đây:

Không có hội chứng nhàm chán vần.

Một trong những hạn chế của thể thơ trường thiên (ở đây là ngũ ngôn trường thiên) là hội chứng nhàm chán vần. Mỗi câu vừa vặn 5 chữ, vần gieo 1/3 (trắc), 2/4 (bằng) rất đều đặn từ đầu đến cuối khiến người đọc có cảm giác “ngán vần” nếu bài thơ quá dài. May mắn, bài thơ chỉ có 20 câu; tuy vị ngọt thơ ca hơi “đậm đà” nhưng cảm giác nhàm chán chưa kịp đến thì bài thơ đã hết.

Tứ thơ không bị phân tán.

Hạn chế thứ hai của thể thơ trường thiên là tứ thơ phân tán. Bài thơ chia làm nhiều đoạn, mỗi đoạn 4 câu độc lập, không có mắt xích nối các đoạn với nhau nên không có dòng chảy của thơ. Thay vào đó chỉ có những vũng thơ, những hố thơ riêng biệt; mỗi vũng, mỗi hố thể hiện một mảnh tâm trạng của tác giả. Người đọc phải đến từng hố thơ để cảm nhận từng mảnh vụn tâm tình đó. Tứ thơ vì thế bị phân tán. Bài thơ Ta Về của Tô Thùy Yên đã vướng phải hạn chế này. Ông viết:

                      Ta về như tứ thơ xiêu tán
       
là rất đúng. Bởi bài Ta Về có đến 124 câu, 31 đoạn; tứ thơ chủ đạo hoàn toàn bị phân tán, manh mún.

Bài thơ Ông Đồ về hình thức không có những mắt xích nối các đoạn thơ với nhau nhưng may mắn (lại may mắn), không kể đoạn đầu giới thiệu ông Đồ, 4 đoạn còn lại là chuỗi hình ảnh nối tiếp nhau theo thứ tự thời gian nên người đọc vẫn có được sự chú tâm cần thiết thả hồn theo dòng thơ – chính là dòng thời gian –  để cảm được tâm tình của tác giả.

Áp dụng thành công nguyên tắc “bày tỏ, không kể lại” (show, not tell): tác giả dùng ngôn từ đơn giản của đời thường, tạo ra những hình ảnh gần gũi, quen thuộc để người đọc có thể cảm nhận trực tiếp, không qua sự biện giải dài dòng của lý trí.

Cái hay nữa của bài thơ là “thi trung hữu họa”; họa ở đây không phải chỉ khi ẩn, khi hiện mà mỗi đoạn thơ đã được tác giả vẽ thành một bức tranh sống động.

                   Mỗi năm hoa đào nở
                   Lại thấy ông đồ già
                   Bày mực tàu, giấy đỏ
                   Bên phố đông người qua


Bức tranh nhìn từ xa: đám đông vây quanh một ông già mặc áo chùng thâm, đội khăn đóng (ông Đồ) đang lúi húi viết; mặt ông Đồ và những người vây quanh đều lờ mờ, không rõ nét. Đây đó một vài cây đào đang nở hoa, báo hiệu xuân sang, tết đến.

                   Bao nhiêu người thuê viết
                   Tấm tắc ngợi khen tài
                   Hoa tay thảo những nét
                   Như phượng múa rồng bay


Bức tranh cận cảnh: cũng đám đông vây quanh ông Đồ, mặt tươi vui, chú tâm theo dõi nét bút (lông) của ông trên giấy đỏ. Thân hình và mặt mọi người đều rõ nét

                    Nhưng mỗi năm mỗi vắng
                    Người thuê viết nay đâu?
                    Giấy đỏ buồn không thắm
                    Mực đọng trong nghiên sầu


Bức tranh nhìn hơi xa: ông Đồ ngồi trên chiếu, bên cạnh là xấp giấy màu đỏ (nhạt hơn màu giấy ở bức tranh 2), bút lông và lọ mực chỉ còn một ít mực đọng ở cuối lọ. Chỉ có 1, 2 người thờ ơ đứng xem, không ai thuê viết.

                      Ông đồ vẫn ngồi đấy
                      Qua đường không ai hay
                      Lá vàng rơi trên giấy
                      Ngoài trời mưa bụi bay


Bức tranh nhìn gần hơn một tý: ông Đồ vẫn ngồi trên chiếu dưới mưa phùn lất phất, bên cạnh lờ mờ xấp giấy đỏ, bó bút lông và lọ mực. Người đi đường qua lại không ai đến gần chiếc chiếu của ông Đồ. Cảnh thật tiêu điều.

                       Năm nay đào lại nở
                       Không thấy ông đồ xưa
                       Những người muôn năm cũ
                       Hồn ở đâu bây giờ?

Bức tranh cận cảnh: người đi chơi xuân qua lại tấp nập trên đường; khoảnh đất ngày xưa ông Đồ thường ngồi, nay bỏ trống; một người không rõ mặt (tác giả) đứng cách mươi bước, mắt đăm chiêu nhìn khoảnh đất trống. Thật ra, nếu vẽ đúng ý của đoạn kết thì phải có thêm dấu chấm hỏi ngay trên khoảnh đất trống ấy.

Sau đây là vài khuyết điểm nho nhỏ trong bài thơ Ông Đồ mà người viết bài này muốn đưa ra để bàn luận:

Cách gieo vần: phải nhìn nhận tác giả rất cố gắng và rất khéo trong việc chọn chữ và gieo vần để giảm bớt vị ngọt của thơ ca. Trong 10 đôi chữ vần với nhau chỉ có 3 đôi là chính vận (đâu sầu, đấy giấy, hay bay), 7 đôi còn lại là thông vận. Tuy vậy vị ngọt, mặc dầu chưa đến độ nhàm chán, đối với người đọc khó tính, đã hơi “đậm đà”. Tại sao ông không bỏ hẳn vần 1/3, chỉ giữ vần 2/4 như Ta Về của Tô Thùy Yên chẳng hạn? Hỏi tức là đã trả lời. Lúc ấy cách gieo vần của Thơ Mới (ảnh hưởng Pháp) là như thế. Một nhà thơ cự phách như Tô Thùy Yên mà đến gần 50 năm sau (1985), trong Ta Về mới áp dụng phép gieo vần ấy, thì làm sao có thể trách Vũ Đình Liên được. Ông đã chọn thể thơ mà ở thời của ông được coi là mới nhất, phóng khoáng nhất. Nhưng dẫu sao cái vị ngọt hơi “đậm đà” đã tan vào bài thơ của ông, và ông, chứ không  ai khác, phải nhận trách nhiệm (một cách oan ức!) về khuyết điểm nho nhỏ đó.

Theo tôi, 2 câu đóng góp ít nhất và giảm giá trị nghệ thuật của bài thơ nhiều nhất, là 2 câu cuối:

               Những người muôn năm cũ
               Hồn ở đâu bây giờ?

Nhận định này rất khác với những bài bình Ông Đồ trên sách báo và internet ở trong nước; nó cũng khác với nhận định của vài nhà phê bình văn học ở hải ngoại. Sau đây là lý do khiến tôi đưa ra nhận định ấy.
        
Khi đọc xong câu 18:
                           
               Không thấy ông Đồ xưa

con tẩy của ván xì phé đã được lật lên, ẩn dụ đã được giải mã, không cần phải giải thích thêm nữa. Bằng khả năng liên tưởng của mình người đọc đã có thể nhận ra chủ ý của tác giả: nền Nho học đang lụi tàn. Cái câu hỏi “Những người muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ?” là không cần thiết, là thừa. Nếu nói tác giả dùng cái câu hỏi “hỏi để mà hỏi vậy thôi” với mục đích là, qua cái giọng “bàng hoàng, thảng thốt” trong câu hỏi ấy, truyền cho người đọc cảm giác  tiếc nuối cái nền Nho học kia, thì cũng không hợp tình lắm. “Bàng hoàng, thảng thốt” dùng cho trường hợp của Tú Xương trong Sông Lấp thì đúng, bởi ông Tú cũng chính là ông Đồ, là máu, là thịt của nền Nho học; mất (hình ảnh) ông Đồ, đối với ông, cũng đau đớn như mất một phần thân thể, một phần tâm hồn của mình. Còn như Vũ Đình Liên, theo tôi, chỉ bâng khuâng tiếc nuối khi thấy mất đi một nét đẹp văn hóa của dân tộc, bởi ông – một người theo tân học – đối với ông Đồ, đối với nền Nho học, chỉ là kẻ bàng quan, là người ngoài cuộc; câu hỏi với cái giọng tha thiết ấy có vẻ hơi “lạc điệu”. Hơn thế nữa, nó làm bức tranh thứ 5 vẫn cồm cộm chữ nghĩa; ngôn ngữ chưa hoàn toàn tan biến, chưa thực sự hóa thân vào trong tranh.

Có lần cô cháu dâu người miền nam nấu đãi ông bác chồng mới ở Mỹ về thăm, một nồi chè xôi nước. Con nhỏ nấu ngon thiệt; tôi ăn một lúc hết 4 viên mà vẫn còn thòm thèm. Nhưng đến viên thứ năm thì kẽ răng tôi bị một miếng gì đó dính vào. Thì ra nó nấu chè bằng đường chén làm từ mía; người làm đường không để ý nên sót lại chút bã mía trong chén đường. Dù vậy, chè xôi nước hôm đó vẫn là bữa ăn rất ngon tôi còn nhớ đến ngày hôm nay.

Vâng! Hai câu kết của bài thơ chính là miếng bã mía trong nồi chè xôi nước. Người đọc có cảm giác hơi tiêng tiếc. Chỉ một chút xíu nữa thôi là những bức tranh thơ có thể hoà nhập trọn vẹn vào tâm hồn người đọc, bài thơ có thể gọi là toàn bích.

Tóm lại, nhờ sự nhạy bén của tác giả (và một chút may mắn) bài thơ Ông Đồ đã tránh được hai khuyết điểm lớn của thể thơ trường thiên: hội chứng nhàm chán vần và tứ thơ phân tán. Thêm vào đó, nó lại có thể thủ đắc một lúc 3 “tuyệt chiêu” của thơ ca là ẩn dụ tài tình, bày tỏ, không biện giải (show, not tell), và thi trung hữu họa. Tôi xin mạnh dạn gọi nó là một tuyệt tác. Nó không phải chỉ nổi bật khi so sánh với những bài thơ cùng thời, không phải chỉ nhận được những lời ngợi khen từ những nhà phê bình văn học sử dụng  cái thước đo giá trị thơ ca của bối cảnh văn học những năm 1930s, 1940s. Ngay lúc tôi viết bài này (2013), sau gần 80 năm lăn lóc trên thi đàn, nó vẫn sống trong lòng người yêu thơ. Những nhà phê bình văn học, dù khó tính, “bới lông tìm vết” bằng những chuẩn mực giá trị của thời đại mới đi nữa, vẫn phải công nhận Ông Đồ là bài thơ rất hay. Ông Đồ không chỉ là hiện tượng, là cái mốc của một thời điểm lịch sử như Tình Già của Phan Khôi, như mấy bài thơ của TTKh, mà bằng giá trị nghệ thuật nội tại, bằng cái đẹp chân chất thơ ca, đã biểu lộ một sức sống mãnh liệt, sẽ còn ngất ngưởng trên thi đàn, làm xao xuyến hàng triệu trái tim những người yêu thơ …nhiều chục năm nữa. Tôi rất tự tin khi đưa ra lời tiên đoán này. Đúng hay sai? Chỉ thời gian mới có thể trả lời.

                                                                      PĐN


READ MORE - ÔNG ĐỒ: NHỮNG BỨC TRANH THƠ - Phạm Đức Nhì

LỜI RU MUỘN MÀNG - thơ Tuyền Linh


Tác giả Tuyền Linh

Lời ru muộn màng

Anh vay em một chút tình
Vá vào hồn mộng rách mềm bấy lâu
Đường kim mối chỉ luồn khâu
Nhẹ tay em nhé để sầu nằm yên!

Bốn mươi năm chẳng thể quên
Từng ngày giông bão, từng đêm lệ thầm
Oằn vai gánh cuộc trăm năm
Tháng ngày dầu dãi tím bầm nợ duyên

Chút tình vay mượn của em
Anh làm vốn liếng thay duyên phận mình
Mượn luôn em mớ chân tình
Ướp vào tâm não để dành mai sau

Đã qua một cuộc bể dâu
Thu vàng lá đổ chìm sâu giấc tình
Trăm năm nghĩ lại… giật mình!
May mà vay được chút tình ca dao

Vốn lời anh sẽ gởi trao
Trong trang cổ tích đượm màu thiên thu
Sảy sàng sạch trọi phù du
Trả em một chút lời ru muộn màng

Tuyền Linh
2015


READ MORE - LỜI RU MUỘN MÀNG - thơ Tuyền Linh