Lê Thí
NGƯỜI
PHỤ NỮ HỌ TRƯƠNG
VÀ NGÔI MỘ CHUNG TRÊN ĐỒI TỪ HIẾU
Hai
nhà cách mạng người Quảng tuy không sinh cùng năm nhưng
lại cùng lý tưởng, cùng hy sinh một ngày cho sự nghiệp
giải phóng dân tộc và cùng được an nghỉ với nhau
trong một ngôi mộ chung. Đó là Thái Phiên và Trần Cao
Vân.
Trong
cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quang phục hội (thường
được gọi là cuộc khởi nghĩa của vua Duy Tân) năm
1916, Trần Cao Vân và Thái Phiên là nhân vật chủ chốt,
có vai trò quan trọng hàng đầu. Điều này được thể
hiện trong tờ chiếu khởi nghĩa của vua Duy Tân đề ngày
27 tháng 3 năm Duy Tân thứ mười (29-4-1916) hiện còn lưu
trữ tại Trung tâm Lưu trữ Hải ngoại (The Archives
Nationales d’Outre-Mer, viết tắt là ANOM) của Pháp ở
Aix-en-Provence và Văn khố Toàn quyền Đông Dương. Tờ
chiếu này có sao gửi cho 4 người gồm: Trần Cao Vân,
Thái Phiên, Lâm Nhĩ, Nguyễn Quang Siêu.
Nguyên
văn trong tờ chiếu (được dịch ra quốc ngữ):
“...
Trong
tất cả mọi việc, Trẫm trao quyền hành động cho Hồng
Việt, Hoàng Anh, Thanh Minh và Lam Giang, với sự hợp tác
của những người có tấm lòng cao cả trong ba kỳ của
Quốc gia Annam, dù họ là quan chức, viên chức, đương
nhiệm hay không đương nhiệm, các nho sĩ, thân hào, người
bình dân, và tất cả đều vì mục đích theo đuổi là
đem lại một kỷ nguyên Văn Minh.
Ngay
sau khi sự nghiệp hoàn thành, tất cả những ai có cống
hiến sẽ được nhận những phần thưởng xứng đáng và
sẽ trở thành bất tử qua thời gian.
Bất
cứ ai cản trở sự nghiệp này sẽ bị truy tố và trừng
phạt không tha thứ.
Nay
kính báo.
Chuyển
để thi hành:
-
đến đạo nhơn Trần... (tức Trần Cao Vân - LT), tự
Hồng Việt - chức vụ và cấp bậc: Cố vấn cao cấp, Tể
tướng để phục hưng, phòng vệ đoàn tùy tùng hoàng
gia, phụ trách các vấn đề quân sự.
-
đến đạo nhơn Thái... (tức Thái Phiên - LT), tự Hoàng
Anh, Phó cố vấn cao cấp, Tổng đốc Hoàng Thành, phụ
trách các vấn đề tài chính và kinh tế”.
-
đến…”
Cuộc
khởi nghĩa được dự định tổ chức vào đúng 1 giờ
sáng ngày 3-5-1916. Trần Cao Vân và Thái Phiên phân
nhiệm cho các nhân vật, chiếm các tỉnh, còn hai ông điều
khiển việc chiếm kinh đô Huế, rước vua Duy Tân ra khỏi
Đại Nội, đi vào phía Nam chờ bình định xong sẽ phò
nhà vua trở lại ngôi.
Đại
sự bị bại lộ, cuộc khởi nghĩa thất bại. Thái Phiên,
Trần Cao Vân, Tôn Thất Đề, Nguyễn Quang Siêu bị bắt
tại chùa Ngũ Phong (gần An Cựu, thành phố Huế).
Thái
Phiên và Trần Cao Vân đã bị Viện Cơ mật kết án:
“Thủy
nhi Hậu hồ thùy điếu, thiện tả chiếu văn, nhi Thương
Bạc đình thuyền, yêu nghinh thánh giá, Hà Trung mạch
phạn,Ngũ Lĩnh kê thang, thừa dư chí thử phong trần, môi
nghiệt giai do thử bối”
(Tạm dịch: “Ban đầu buông câu ở Hậu Hồ, tự thảo
chiếu văn, kế đến neo thuyền ở bến Thương Bạc, chờ
rước nhà vua, mời vua dùng cơm lạt ở làng Hà Trung, ăn
cháo gà ở núi Ngũ Phong, mình rồng phải chịu dãi dầu
sương gió, tội lỗi này đều do bọn kia tạo ra) và ra
lệnh xử chém.
Chiều
17-5-1916 Thái Phiên cùng Trần Cao Vân, Nguyễn Quang Siêu và
Tôn Thất Đề ra trường chém ở An Hòa đền nợ nước.
Về
cái chết của hai ông, các tài liệu đều cho là diễn ra
vào ngày 17-5-1916. Nhưng gần đây nhà nghiên cứu
Nguyễn Trương Đàn trên tạp chí Xưa và Nay và báo Đà
Nẵng Cuối tuần lại dẫn các tờ báo Trung Bắc Tân Văn
(số ngày 27-5-1916), Lục Tỉnh Tân Văn, Nông Cổ Mín Đàm
(8-6-1916) lại cho rằng cuộc xử chém diễn ra vào lúc 16
giờ 30 chiều 16-5-1916. Đây là mẩu tin ngắn trên báo
Trung Bắc Tân Văn: “Hồi
4 giờ rưỡi chiều 16 Mai, bốn người mưu việc khởi
loạn Trung Kỳ, đã phải xử tử tại đường Quảng Trị,
cách la-ga An Hòa 100 thước. Một người tên là Trần Cao
Vân và một người là Thái Phiên, cùng ở Quảng Nam
cả...”.
Cho
đến nay vẫn không biết vì sao có sự vênh lệch này!
Tương
truyền, tại pháp trường hôm ấy, khi đầu Thái Phiên
rơi xuống đất, một thiếu phụ mặc đồ tang đã chạy
ngay đến, ôm chặt thi thể người chí sĩ vào lòng, khóc
thương thảm thiết. Khi bị lôi ra, thiếu phụ đã xõa
tung mái tóc đen thấm lấy dòng máu tươi từ cơ thể
người chí sĩ. Thiếu phụ ấy là bà Trần Thị Băng,
thiếp của Thái Phiên. Bà đã giữ máu ấy trên đầu,
không chịu tắm gội. Mấy tháng sau bà mang bệnh nhưng
kiên quyết không uống thuốc để chết theo chồng.
Cái
chết của Thái Phiên, Trần Cao Vân và các chí sĩ của
cuộc khởi nghĩa đã gây xúc động lớn. Huỳnh Thúc
Kháng lúc này đang thụ án ở Côn Đảo nghe tin cái chết
oai hùng này đã có thơ tặng Thái Phiên (được dịch ra
quốc ngữ): Âu học không đem rút của người,/ Chả
thành đời sống vứt như chơi./ Kìa phường học mới
đông như kiến,/ Đêm hỏi lòng chăng có hổ ngươi?
(Huỳnh Thúc Kháng, Thi Tù Tùng Thoại, Nam Cường, 1951).
Người
Pháp và Nam triều đã cho vùi xác của 4 vị ngay tại pháp
trường với hy vọng sẽ tóm thêm được những đồng
chí của các vị khi họ đến viếng.
Năm
1922, con trai của Trần Cao Vân đã làm đơn gửi khắp nơi
ở Huế để xin được đưa hài cốt của cha về cải
táng ở quê nhà nhưng tất cả đều bị từ chối.
Tại
bãi chém An Hòa, hai ngôi mộ lâu ngày không được chăm
sóc có khả năng bị mất dấu. Nên năm 1925, một đồng
chí của Trần Cao Vân và Thái Phiên là bà Trương Thị
Dương đã lén đưa thi hài hai ông đem chôn trong một
ngôi mộ chung tại đồi Từ Hiếu nay thuộc xã Thủy
Xuân, thành phố Huế. Ngôi mộ chung này đã được công
nhận là Di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia vào ngày
14-7-1990. Về việc hai chí sĩ được cải táng chung trong
một ngôi mộ được bà Dương thuật lại như sau: “Ngày
5 tháng 5 năm Ất Sửu (1925), tôi và đứa cháu là Đặng
Khánh Di vừa đi đến cầu Vân Căn, bỗng một chiếc guốc
bị gãy đôi. Tôi nghi có điềm chẳng lành. Đến chùa
Đại Trung, gặp ông Nguyễn Hữu Cảnh (trị sự chùa),
ông giục tôi đi, không nên do dự.
3
giờ sáng ngày hôm sau (mồng 6), chúng tôi đi thẳng tới
chỗ di hài hai cụ. Người giữ nấm mộ ấy là Thủ Tỵ),
y có người con bị bệnh phong, làm chòi ở khít bên mộ
để giữ, ai đến gần, nó bắt.
Tới
nơi, tôi cho thằng phong ấy 3 đồng, trả cho ông Thủ Tỵ
6 đồng, và thuê 5 người nữa với ông Thủ Tỵ 24 đồng,
xin dời hộ, vì tôi nói là mộ của ông chú tôi.
Hốt
cốt lên, tôi lấy giấy tinh (tức giấy trong có viết chữ
Hán) bỏ vào hai thúng đầy, rồi qua cửa Chính Tây ngồi
đợi. Khi hốt xong, bọn làm thuê thấy không có mặt tôi,
hỏi, thì ông Thủ Tỵ nói tôi đi mượn tiền, và có nhờ
gánh cốt qua bên ấy (cửa Chính Tây) mới trả tiền đủ
(đã trả trước 12 đồng). Bọn họ dùng dằng một lúc
rồi cũng phải gánh đi.
Đến
cửa Chính Tây, tôi trả tiền đủ, liền thuê hai chiếc
xe kéo: một chiếc tôi chở cốt, một chiếc cho người
cháu tôi và Nguyễn Hữu Cảnh ngồi. Xe đi thẳng tới
tháp Hòa thượng Kiết Mao gần chùa Châu Lâm, tôi đặt
cốt lên bàn, thắp hương ngồi giữ. Đến sáng ngày, tôi
thuê Trùm Ngữ mua hai tiểu sành cùng giấy tờ, lại thuê
gánh nước tới, tôi rửa sạch cốt hai cụ, liệm vào
tiểu sành.
Hai
di cốt này trải qua trên 9 năm, đến nay vẫn còn nguyên
vẹn. Cốt cụ Thái vàng rực, bỏ vào tiểu sành có dư,
phải lấy bớt giấy lót ra. Cụ Thái lúc lâm hình mặc
áo lương, máu dính sát vào cốt, gỡ ra nghe rạt rạt. Cụ
Trần bận áo vải dù, cũng dính sát vào cốt. Tôi thuê
người đào huyệt và đắp nấm hết 4 đồng. Ai dè chôn
được 11 ngày, Thừa Phủ hay tin, cho lính đến canh gác.
Nhờ có người báo tin về ông Nguyễn Hữu Cảnh, ông
Cảnh báo về tôi, tôi thừa đêm khuya thuê 4 người, mỗi
người 4 cắc hết 1 đồng sáu, đem chôn nơi khác, hiện
nay ở gần chùa Châu Lâm, nhưng chôn thành một nấm.
Nơi
đã dời đi, tôi vẫn cho đắp lại thành nấm tử tế,
rào giậu kỹ càng, làm như không ai đụng chạm đến.
Thế là nơi ấy vẫn có hai cái nấm mồ, nhưng không có
cốt người!”.
(Dẫn lại Nguyễn Trương Đàn, trong tạp chí Hồn Việt)
Bí
mật này được bà Dương giữ kín cho mãi đến năm 1956,
khi thấy không còn nguy hiểm nên đã tiết lộ với con
cháu và ông Võ Như Nguyện là con trai của nhà cách mạng
Võ Bá Hạp, vốn là đồng chí của bà. Ông Nguyện lúc
này là Dân biểu Quốc hội của Việt Nam Cộng hòa. Sau
đó bà đã khắc tấm bia bằng chữ Hán “Trần Cao Quý
Công-Thái Duy Quý Công” và dựng trước ngôi mộ chung
của hai ông. Tấm bia này hiện nay vẫn còn.
Chính
vì ngôi mộ chung nên cho đến nay hai ông vẫn chưa thể
về lại quê nhà.Có khi đó là ý nguyện của hai ông,
không muốn xa nhau và … xa Huế!.
Bà
Trương Thị Dương có biệt hiệu là Quảng Hà, sinh năm
1881 tại làng Tân Điền, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng
Trị là người được Phan Bội Châu kết nạp vào phong
trào Đông Du năm 1903, phụ trách việc vận động tài
chánh cho du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản. Năm 1914,
thông qua bà Mai Thị Vàng (con gái Mai Khắc Đôn và là vợ
vua Duy Tân) bà được kết nạp vào tổ chức Việt Nam
Quang phục hội, được vua Duy Tân giao nhiệm vụ làm
liên lạc với các nhà cách mạng. Bà đã từng được
nhà vua sai vào tận làng Tư Phú nay là xã Điện Phong,
huyện Điện Bàn để trao nhiệm vụ cho Trần Cao Vân.
Sau khi cuộc khởi nghĩa thất bại bà đã về ẩn mình ở
xóm Nhà Trưa, nay là thôn Tân Trưng, xã Hải Chánh, huyện
Hải Lăng, Quảng Trị. Thời gian này bà luôn đau đáu một
ý nguyện là tìm cách đưa hài cốt hai đồng chí của
mình đến chôn ở một nơi đường hoàng hơn để sau này
có điều kiện sẽ đưa về an nghỉ ở quê nhà, để con
cháu được hương khói. Bà đã nhiều lần đến thăm mộ
nhất là sau lần cải táng năm 1925. Bà mất ngày 24
tháng 7 năm 1957, hưởng thọ 76 tuổi . Đám tang của bà
được tổ chức trọng thể có sự tham gia của nhiều
quan chức, đặc biệt là có cả mẹ của vua Duy Tân. Hiện
nay mộ bà vẫn còn ở xã Hải Chánh huyện Hải Lăng.
Ở
Đà Nẵng, trên đường Trần Cao Vân có ngôi trường phổ
thông trung học lớn mang tên Thái Phiên, như một gợi nhớ
về hai nhà cách mạng tuy sinh không cùng năm nhưng lại
cùng lý tưởng, cùng hy sinh một ngày cho sự nghiệp giải
phóng dân tộc và cùng được an nghỉ với nhau chung trong
một ngôi mộ. Có lẽ ở Tam Kỳ, Đà Nẵng… nên có một
con đường mang tên Trương Thị Dương, để thể hiện sự
tri ân của người dân xứ Quảng cho tấm lòng mà bà đã
dành cho hai chí sĩ cách mạng kiệt xuất của quê hương
mình.
Hậu duệ của
các vị Thái Phiên,Trần Cao Vân, Trương Thị Dương trước
ngôi mộ chung của Thái Phiên và Trần Cao Vân tại Huế.
No comments:
Post a Comment