Truyện ngắn
của Trần Hữu Thuần
(Trích trong
Truyện Dài Hoa Rơi Nước Mắt cùng tác giả)
Bỗng có tiếng
la hét từ một góc sân vọng lại:
“Giỏi dữ, con
Sao coi ốm yếu mà ra đòn ác ghê.”
Tiếng người
khác:
“Đá hay thiệt,
nó biết lựa đòn để ra.”
“Anh nói đúng,
nó thấp con nên luôn lựa thế rúc dưới bụng con Tía làm con Tía muốn đá cũng
không được.”
“Rứa mới tài.
Nó rúc dưới rồi thừa dịp đội con Tía lên, cắn bầu diều, rồi đá vô trôốc.”
Trôốc là cái
đầu, theo cách nói Bình Trị Thiên. Ba Hoan bảo Hoan:
“Họ đang đá
gà, con muốn ra coi không?”
Ba dắt Hoan ra
trường gà. Gọi là trường gà nhưng thực sự chỉ là một khoảng đất trống mà ai đó
đã vạch một vòng tròn làm ranh giới để người coi không lấn vào trường đấu và
cho biết khi gà tháo chạy ra khỏi vòng. Bên trong trường, con Tía và con Sao
đang đá nhau sứt đầu vỡ trán. Con Tía là một con gà trống cao to, đuôi dài đen,
lông thân mình đỏ tía. Con Sao thấp bé nhỏ con hơn, lông trắng lấm chấm đen
trông như những vì sao đen trên nền trời trắng. Dân đá gà không chọi nhau căn
cứ trên trọng lượng của con gà như võ sĩ lên đài mà hoàn toàn theo phán đoán
của chủ gà. Chủ gà nào thường cũng đầy tự ái, lúc nào cũng cho gà mình ngon hơn
gà đối thủ. Do phán đoán chủ quan, chủ gà có khi còn đấu chấp hai chấp ba chấp
bốn, nghĩa là nếu thắng chỉ nhận một nhưng nếu thua phải trả gấp hai gấp ba
hoặc gấp bốn. Bên ngoài, người đánh cược cũng có khi gọi chấp, có khi ngay từ
đầu cuộc, có khi sau một hồi coi chân coi cẳng hai gà đang chiến đấu trên
trường.
Trên trường,
con Sao đá lòn từ dưới bụng con Tía lên. Con Tía mất thăng bằng, ngã loạng
choạng. Đá thêm mấy hiệp, con Sao hất mạnh con Tía. Con Tía ngã nghiêng. Không
chần chừ, con Sao đá ngay vào bầu diều con Tiá. Con Tía bể dầu diều, thóc gạo
chưa tiêu hóa vãi ra trường đá, và tháo chạy. Không cho đối thủ chạy thoát, con
Sao chận đầu đá thêm mấy phát nữa. Chát! Chát! Chát! Tiếng đá sắc và gọn. Con
Tía lắc lư đầu rồi ngã lăn ra đất. Nó chết. Bên ngoài, người bắt con Sao la hét
ầm ỉ.
Kế tiếp là
trận đấu giữa con Trụi to lớn phục phịch với một con Lai. Con Lai là gà rừng
lai gà đá, nhỏ con, màu lông sặc sỡ. Có tiếng bình phẩm:
“Con Trụi ni
giống mô ngoài Bắc đưa vô, từ chỗ chi đó, nói là gà đá tốt giống lắm.”
“Gà ngoài Bắc
mần răng mà đưa tới được trong mình?”
Một người ra
vẻ thành thạo:
“Chú mi không
biết cũng phải. Cậu thằng chủ gà buôn đò dọc mua tặng thằng cháu thích chọi gà.
Lão cậu nói gà nớ giống Nghĩa Đô, loại nhất ngoài Bắc đó.”
Một người khác
nói vào:
“Nghĩa Đô
nghĩa đơ chi cũng không thắng nỗi con Lai mô.”
“Răng rứa?”
“Con Lai cha
hắn giống Bình Định, rặc giống Hoài Nhơn, mạ hắn giống gà rừng to con. Gà rừng
lẹ làng và dai sức lắm.”
Một người chắc
lưỡi:
“Thiệt rứa
răng? Gà Hoài Nhơn đã tốt giống mà còn lai gà rừng thì con Trụi chắc chết.”
Không mấy ai
biết rành rẻ về gà như mấy người vừa bình phẩm, người coi chỉ bắt cá gà theo
sắc diện nhìn thấy bên ngoài. Nhiều người bắt con Trụi vì thấy nó cao lớn hùng
dũng, có kẻ chưa chi đã chấp một ăn hai. Số người biết coi gà ngược lại bắt con
Lai, bao nhiêu cũng bắt. Chủ trường hỏi:
“Xong chưa?
Còn ai bắt chi nữa không? Tui cho bắt đầu nè.”
Bên ngoài la
ó:
“Bắt đầu đi,
lẹ lẹ còn đi coi hát Bội.”
Hai chủ gà ôm
gà vuốt ve, thổi thổi vào đầu gà của mình rồi ngồi xổm để gà xuống đất, một tay
xốc dưới bụng, một tay đè trên lưng gà, chờ đợi. Chủ trường ra dấu. Hai chủ gà
đặt gà đứng xuống vạch khởi đầu cách nhau chừng một mét. Chủ trường khoát tay
ra dấu. Chủ gà rê gà của mình lại gần đối thủ, nắm đuôi gà giữ cho đầu hai con
gà sát nhau, kéo nhẹ gà về phía mình rồi lại đưa đến gần gà đối thủ. Bị kích
động, hai chú gà bắt đầu xòe lông dựng gáy. Con Lai xòe lông cổ trông như đài
hoa chiến thắng quấn quanh cổ. Con Trụi cũng dựng đứng mấy lông cổ lơ thơ. Sau
khi kích động gà ba bốn lần, hai chủ thả gà khi nghe chủ trường hô thả. Gà
không thể nhìn thẳng về phía trước như mắt người hoặc mắt loài vật khác mà mỗi
con mắt chỉ có thể nhìn khi quay ngang về phía cần nhìn. Hai chú gà nghiêng đầu nhìn đối
thủ. Thuộc loại danh thủ, hai chú thận trọng sàng qua sàng lại, chưa con nào ra
đòn trước, chẳng khác hai võ sĩ gờm nhau chờ đối phương sơ hở. Sàng qua một
bước, hai bước, rồi ba bước, con Trụi bất ngờ phóng một đòn đánh chát vào cánh
con Lai. Không chút hoảng sợ, con Lai tạt ngang né đòn rồi nhanh như cắt rúc
đầu vào dưới lườn con Trụi. Có tiếng người la lớn:
“A ha, con ni
lại chơi đòn chui giống con Sao hồi nãy.”
Quả đúng vậy,
con Lai đã chui vào dưới lườn con Trụi. Thay vì hất tung con Trụi lên như con
Sao đã làm, con Lai cúi đầu mổ thật mạnh vào chân trái con Trụi. Con Trụi đau
quá nhấc chân trái lên. Con Lai mổ ngay vào chân phải con Trụi. Chưa kịp hạ
chân trái xuống chạm đất, con Trụi lại phải vội nhấc chân phải lên vì đau. Con
Trụi loạng choạng mất thăng bằng. Không chần chừ, con Lai rướn người hất con
Trụi ngã xuống đất, mổ ngay mào giữ chặt con Trụi, rồi không chần chừ phóng
cước đá hai cú song phi sấm sét lên đầu con Trụi.
“Bực! Bực”
Người coi vỗ
tay reo lên
“Giỏi! Giỏi
quá! Đá song phi tuyệt vời.”
Người đâu đó
la lớn:
“Ai bắt không,
con Lai một ăn bốn.”
Một vài người
hậm hực:
“Bắt thì bắt,
mới một đòn biết đứa mô ăn đứa mô thua.”
Con Trụi vùng
đứng dậy, chạy vòng ra rồi quay phản đòn. Xáp gần con Lai, con Trụi lùi lại một
chút, gườm gườm nghiêng bên này nghiêng bên kia nhìn con Lai. Rùn mình xuống
lấy trớn, con Trụi vươn thẳng người vỗ cánh bay vụt tới phóng mạnh hai cựa vào
cổ Con Lai:
“Bập! Bập!”
Con Lai cúi
thấp đầu né đòn. Người coi vỗ tay reo lên:
“Giỏi! Giỏi! Y
như võ sĩ.”
Hụt đòn, con
Trụi chuẩn bị hạ cánh. Không đợi cho con Trụi đứng vững, con Lai bay lên thật
nhanh phóng cú đá song phi khác vào mắt phải con Trụi. Cú bay lên đá này nó đã
được chủ tập luyện thuần thục. Buộc chì dát mỏng vào cổ chân con Lai, chủ tập
cho nó bước đi với sức nặng kéo xuống ngày càng tăng dần. Sau đó, chủ còn đặt
nó dưới một cái hố rộng đủ cho gà xoay xở rồi dụ cho gà bay lên. Hố được đào
sâu dần, chì được đeo nặng dần cho đến khi gà không còn chịu đựng được hơn nữa.
Khi được tháo chì, con Lai cảm thấy thân mình nhẹ hửng. Nó đi nhanh hơn, bay
cao hơn, chỉ cần nhún nhẹ đã có thể nhảy lên chót vót. Để giữ cho gà có thân
thể rắn chắc, chủ cho con Lai ăn toàn thức đã chọn lựa kĩ càng gồm lúa luộc nứt
vỏ, lúa ngâm cho nảy mầm, rau và cỏ tươi, lươn, và gân bò. Hàng tháng, con Lai
còn được ăn một hai con thạch sủng để mượt lông. Giờ ăn cũng phải thận trọng,
chỉ vào buổi sáng và buổi chiều trước và sau khi luyện, trừ phi khi giao đấu
phải cho ăn ngay trước khi lên trường.
Bị cú song phi
vào mắt, con Trụi tá hỏa luống cuống loạng choạng. Lợi dụng tình thế, con Lai
rúc đầu xuống dưới lườn con Trụi để tiếp tục mổ hai ống chân con Trụi. Khác hơn
lần trước, lần này con Lai mổ con Trụi liên tiếp, chân phải, chân trái, chân
phải, chân trái. Chưa kịp hạ chân phải chạm đất thì chân con trái đã bị con Lai
mổ, con Trụi không còn cách nào khác ngoại trừ nhảy choi choi. Cố rướn cổ mổ
xuống lưng con Lai, con Trụi không gây được tác động theo ý muốn; cú mổ quá nhẹ
vì thân mình không có điểm tựa. Bị mổ lưng đau đôi chút, con Lai vẫn gan lì
chịu đựng và tiếp tục mổ mạnh liên tiếp xuống hai chân con Trụi. Hoàn toàn mất
thăng bằng, con Trụi ngã quay lơ. Không chờ đợi gì nữa, con Lai đá phắt liên
tiếp hai cựa vào đầu vào cổ vào lưng vào bụng Con Trụi. Hùng dũng như một võ sĩ
ở thế thượng phóng đấm đá túi bụi buộc đối thủ phải đầu hàng, con Lai gáy vang
rồi đá loạn xạ vào thân mình con Trụi không cần nhắm vị thế. Là gà dòng gà giống,
con Trụi dẫu thất thế cũng đã nhận ra được nhược điểm của nó. Linh hoạt, con
Trụi luồn ngang lượn dọc, xoay trái xoay phải, không cho con Lai rúc xuống dưới
sườn nó lần nữa. Thừa dịp con Lai mất thế, con Trụi phóng song phi vào cánh con
Lai.
“Chát! Chát!”
Cặp giò con
Trụi tung sức mạnh như đôi chùy sắt. Con Lai trúng đòn văng xa ra mấy tấc, lúng
túng chưa biết phải phản ứng thế nào. Thừa thắng, con Trụi tung liên tiếp hai
giò vào đầu vào cổ con Lai.
“Bực! Bực!
Bực! Bực!”
Bên ngoài, đám
người bắt con Trụi reo hò:
“Hay lắm! Hay
lắm! Cố lên Trụi.”
Con Trụi hứng
chí xừng lông hùng hổ gáy vang chẳng khác một ca sĩ hớn hở khi nghe tiếng hoan
hô của khán giả. Con Lai chạy quanh con Trụi một vòng, đôi mắt láo liên tìm
chiến thuật khác. Hai con giương lông cổ, cúi gầm đầu, mặt nghếch lên hườm hườm
nhìn rình chỗ sơ hở của nhau. Con Lai xoay trái. Con Trụi xoay phải. Con Lai
xoay phải. Con Trụi xoay trái. Thấy con Trụi mặc dù thắng đòn vừa rồi nhưng
không dám tấn công tiếp, con Lai khôn lanh biết ngay con Trụi đang sợ nó. Tiến
tới mấy bước thật nhanh như sắp tấn công con Trụi, con Lai bất thần quay ngang
dợm bước đi nơi khác. Con Trụi bị lừa, tưởng con Lai không dám tấn công nên
đứng yên nghiêng đầu nhìn con Lai. Con Lai vươn lông cổ, hùng dũng gáy o o,
xoay mình thật nhanh lao về phía đuôi con Trụi và chui ngay xuống dưới lườn con Trụi.
Lần này, con Lai không mổ chân mà thừa thế đội nửa thân sau con Trụi lên. Con
Trụi quào quào hai chân cố chạy về phía trước để thoát thân nhưng mỗi lần con
Trụi nhích tới được một chút, con Lai rúc sâu thêm mấy chút vào dưới lườn con
Trụi. Áp dụng bài bản cũ, con Lai mổ liên tiếp xuống hai chân con Trụi. Con
Trụi lại mất thăng bằng nằm ngữa tênh hênh, phơi bụng lên trời. Cơ hội tốt đã
đến, con Lai phóng song phi liên tiếp vào bụng con Trụi.
“Bịch! Bịch!
Bịch! Bịch!”
Bụng con Trụi
toé máu. Quơ quơ hai chân, nó cố hết sức vẫn không đứng lên được. Lùi lại một
chút, con Lai nhanh như cắt lao vào liên tiếp đá lên bụng con Trụi đang chảy
máu.
“Oác!”
Con Trụi la
lên một tiếng, dãy đành đạch rồi nằm quay lơ. Bên ngoài, người bắt con Lai reo
hò hớn hở. Dù thua dù thắng, mọi người thỏa mãn vì được chứng kiến một trận đá
gà vô tiền khoáng hậu. Người ta bảo nhau:
“Đáng đồng
tiền, con Lai hay thiệt. Thua cũng đáng đồng tiền.”
T.H.T.