Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Saturday, January 5, 2013

BÀI THƠ VỀ MẸ - truyện ngắn Nguyễn Bá Trình

Tác giả NGUYỄN BÁ TRÌNH

        Trong những bài thơ tôi sáng tác, có lẽ bài Mẹ tôi là bài tôi vừa ý nhất. Thật ra ý tứ chẳng có gì sâu sắc, hình tượng cũng chẳng có gì độc đáo. Mẹ quê thì bao giờ cũng vây. Khi nói về Mẹ quê thì không thể thiếu các hình tượng như: Vất vả ngược xuôi, bán mặt cho đất bán cật cho trời, quanh năm chân lấm tay bùn … Cũng ít có bà mẹ nào cả đời thuộc trọn một bài ca dao để hát ầu ơ ru con như trong sách vở thường ví von khi nói về mẹ. Tuổi thơ tôi lớn lên chưa từng được nghe mẹ hát bao giờ. Chưa bao giờ có được cảm giác ngập tràn hạnh phúc khi được mẹ dẫn đến trường trong ngày khai giảng năm học mới. Thế mà khi đọc đoạn văn nói về ngày tựu trường của nhà văn Thanh Tịnh, tôi lại có cảm tưởng như chính tôi đã từng sống qua những giờ phút thiêng liêng đẹp đẽ ấy. Tuổi thơ tôi đọng lại những ký ức về mẹ thường chen lẫn hình ảnh ghê sợ của ông kẹ hay tên phù thủy độc ác nào đó. Đấy là những lúc tôi ngang bướng không nghe lời mẹ, hoặc níu kéo áo mẹ không cho mẹ đi làm. Đôi khi cả những lằn roi rát mông những lúc tôi phạm lầm lỗi. Do vậy mà khi viết về Mẹ, tôi vẫn viết một cách trung thực.Tôi không viết lời mẹ hát ru ầu ơ, tôi không viết “Mẹ tôi âu yếm nắm lấy tay tôi…” Tôi viết về những kỷ niệm có hình ảnh ông kẹ do mẹ tôi vẽ ra trong trí tưởng tượng của tôi với nỗi lo sợ. Tôi viết về nỗi mòn mỏi mong chờ mẹ trở về thật sơm mỗi khi người đi làm ăn xa. Cũng kỳ lạ, những hình ảnh ấy bây giờ nghĩ lại, nó như những chiếc đinh nhọn đâm vào trái tim tôi đau buốt để rồi mắc vào đấy hình ảnh thân thương của người Mẹ. Nhờ thế mà năm tháng dù đã qua đi cùng những biến đổi lớn lao của cuộc sống, hình ảnh Mẹ vẫn gắn chặt trong trái tim tôi. Tôi nhớ lại năm tháng của thuở ấy:
                    Ngày ngày mong mẹ nhìn ra ngõ
                    Thấy bóng ai qua cũng ngóng theo.
        Nên mỗi khi mẹ bỏ đi làm xa là tôi sợ lắm. Sợ ghê lắm.
                     Có lần níu áo tôi khóc lăn
        Rồi chính lúc ấy tôi nhác thấy:
                     Mẹ mài dao nhọn cuốn vào khăn
        Lúc đó quả thật tôi không còn dám khóc nữa.
                     Ngồi im thin thít tôi nhìn mẹ
        Nhưng hú hồn, mẹ đã kịp giải thích an ủi tôi:
                     Không, mẹ đi bắt ông kẹ mà.

         Mấy ngày sau mẹ tôi lại trở về, vác trên vai một chiếc bao đệm (bao đan bằng cỏ lác) lấm láp bùn đất, tay mẹ tôi nhiều chỗ trầy xước máu quyện với bùn khô.
         - Lấy đầu ông kẹ được rồi phải không mẹ? Tôi mừng rỡ hỏi.
         Lúc đó thì mẹ tôi cười và đổ chiếc bao đệm ra.
         Có khi là một bao dâu rừng chín đỏ, lúc thì bao sim chín tím ngát.
         Có lần mẹ sắp đổ ra cái gì đó làm tôi hết hồn vía, chạy không kịp ngoái lại bởi thấy cái bao đệm cứ  nhúc nhích. Trong đầu tôi đinh ninh là đầu ông kẹ. Bất thần khi vừa đổ ra mặt đất,  lập tức  nó biến thành những con vật nhỏ bằng ngón chân cái đen đũi lúc nhúc chạy thẳng vào tấn công tôi. Tôi thét lên, nhưng mẹ đã kịp chạy đến ẳm tôi vào lòng.
         - Cua đồng có gì mà sợ con! Tôi chưa hết run rẫy trong vòng tay mẹ.
         Giá như mẹ tôi biết hát những câu ca dao để ầu ơ ru tôi thuở tấm bé, hoặc mẹ tôi biết đôi chút chữ nghĩa để hiểu rằng cái ngày khai trường của con hết sức trọng đại để hôm đó “Mẹ tôi âu yếm nắm lấy tay tôi …” thì có lẽ những vần thơ tôi viết về Mẹ hôm nay, mỗi lần đọc lại tôi chỉ thấy hay hay mà không  làm tôi chảy nước mắt.

        Bài thơ viết về mẹ của tôi là như thế đấy. Nhưng tôi thích, tôi yêu nó. Tôi đóng bài thơ  Mẹ tôi vào với  những bài thơ khác do tôi viết, tích lũy nhiều năm tháng đã thành một tập nhỏ. Bỏ vào chiếc cặp da dùng để đựng giáo án hồi tôi còn đi dạy, treo lên tường. Thỉnh thoảng lại lấy xuống đọc một mình. Bao giờ tôi cũng đọc bài Mẹ tôi trước. À, phải nói thêm là vợ tôi thỉnh thoảng cũng có đem ra đọc. Tuyệt nhiên bạn bè thì tôi không đọc cho ai nghe. Cũng dễ hiểu, với bạn trẻ thì hiếm người thích thơ. Hiếm có nghĩa là ít chứ không phải không có. Hơn nữa thơ về mẹ thì họ càng ít quan tâm. Trẻ mà nói về thơ thì phải là đề tài thơ tình.Thật ra, cho đến bây giờ tôi không hiểu lớp trẻ họ nghĩ về mẹ như thế nào, kể cả những người con của tôi. Có lẽ do áp lực công việc, do bị chi phối bởi những nhu cầu cuộc sống, lớp trẻ  cuốn hút vào cơn xoáy làm tiền nên không còn  kịp nghĩ về cha mẹ chăng. Người con đi qua trước mặt mẹ, thấy  mẹ dạo nầy gầy hơn, sức khỏe sút hơn, nhưng không còn kịp nghĩ tiếp những ngày đến đây mình phải làm gì bù đắp cho mẹ, bởi sau cái giây phút thoáng thấy mẹ gầy yếu, lập tức trong đầu óc người con đã lấp kín  một thời khóa biểu công việc, chiều nay, sáng mai, chiều mai, tuần nầy, tháng nầy, phải làm cái nầy, phải làm việc kia, phải … Vậy thì thời gian đâu, tâm trí đâu để nghĩ về mẹ cho chu đáo, nói chi đến làm thơ về mẹ.Và tôi cũng có lần tự hỏi, sau nầy, khi mẹ chúng mất đi, lớn lên có con cái rồi liệu chúng có nghĩ về mẹ mà rơi nước mắt  không. Không những chỉ bọn trẻ mà ngay cả người lớn cũng thế. Tôi có mấy người bạn đã nghỉ hưu. Mỗi lần gặp nhau chuyện trò thì họ cũng chỉ khoe khoang về sự thành đạt của con cái như làm nên ra sao, hằng tháng thu nhập bao nhiêu, mới mua thêm mấy ngôi nhà, mở thêm mấy cửa hiệu … Đồng ý con là niềm vinh hạnh của cha mẹ, nhưng đừng đồng nhất giá trị của con với đồng tiền thu nhập của bọn chúng. Đấy, tôi muốn nói thân phận những bài thơ viết về Mẹ trong một thực tế như vậy. Và như thế, rốt cục bài thơ Mẹ tôi, vẫn nằm im trong chiếc cặp treo trên tường. Độc giả cuối cùng vẫn là hai vợ chồng tôi, chẳng có ai khác. 
         Buồn buồn lấy ra một mình ngâm nga: Mẹ mài dao nhọn cuốn vào khăn /Ngồi im thin thít tôi nhìn mẹ/Không, mẹ đi bắt ông kẹ mà.
         Hồi đó thì tôi không thấy. Nhưng bây giờ tôi chắc rằng mẹ tôi lúc đó đã chảy nước mắt khi dứt tôi để ra đi, mặc tôi ngồi im thin thít một mình.

         Một buổi chiều nhân lúc rảnh rang tôi ghé lại hiệu sách mua một vài đồ dùng. Không bỏ được thói quen xem qua ngăn sách truyện và thơ. Chợt tôi để ý đến tập thơ mỏng Mùa báo hiếu. 
        Nhẫm lại, hôm đó ngày Đại lễ Vu Lan đã qua hơn một tháng. Tập thơ gồm nhiều tác giả do một cơ quan Phật giáo ấn hành. Lần lượt đọc qua những bài thơ viết về Mẹ. Mẹ anh hùng. Mẹ quê, Mẹ phố thị… mỗi người Mẹ đều được nhắc đến bởi tấm lòng biết ơn của tác giả. Một cảm giác buồn buồn khi không tìm thấy hình bóng mẹ mình trong đó. Lật đến trang cuối cùng: Mẹ tôi. Đọc được hai dòng, tôi sững sờ. Đọc tiếp:
                     Mỗi lần níu áo tôi khóc lăn
                     Mẹ mài dao nhọn cuốn vào khăn
                     Ngồi im thin thít tôi nhìn mẹ
                     Không, mẹ đi bắt ông kẹ mà …
        Tác giả cũng là tên của tôi.
        Mẹ tôi có mặt ở đây rồi! Tôi áp cuốn sách vào ngực lòng tràn đầy xúc động. Lạ lùng lúc đó tôi không hề tự hỏi tại sao bài thơ của tôi lại có mặt trong đó.Và tôi cảm thấy hình như đó là điều hiển nhiên. Hiển nhiên như thể mẹ tôi phải được tôn vinh là Người Mẹ Việt nam như những người Mẹ Việt nam đáng tôn vinh khác. Cho dù mẹ tôi không thuộc một bài ca dao, không đọc được môt chữ, không bao giờ nhắc nhở tôi chuyện học hành.

        Mua cuốn sách về nhà tôi ngồi lục lọi trí nhớ xem mình đã tặng bài thơ nầy cho ai hoặc ít ra đã đọc một lần cho ai nghe. Nhưng không. Chắc chắn là không. Hay mình đã in ra nhiều tờ rồi rơi rớt đâu đó. Cũng không, nhà tôi có máy in. Nếu rơi rớt thì cũng rơi rớt đâu đó trong phòng của tôi. Hay vợ tôi gởi tặng bạn bè? Hỏi lại cũng không. Bà nghĩ kỹ xem, tôi hỏi vợ, người thứ hai, thỉnh thoảng vẫn đọc những bài thơ của tôi. Tôi đã nói không mà, vợ tôi khẳng định. Thôi ông đừng nghĩ ngợi chi, xem như ông đã có món quà dâng mẹ nhân ngày báo hiếu là quý rồi. Nhưng cũng lạ chứ, bài thơ đến với cuốn sách bằng cách nào nghĩ không ra.
        - Con đấy ba. Có tiếng người con gái đang phô tô giấy tờ cho khách nói rồi cười ở phòng ngoài.
        - Con nói sao.Tôi hỏi.
        - Dạ cách đây mấy tháng có một nhà sư đến phô tô một tập thơ nói về Mẹ. Thầy nói phô tô để xin giấy phép xuất bản vào dịp lễ Vu Lan đến.
         - Ba con cũng có một bài thơ về mẹ rất hay. Con kể với thầy như vậy. Thầy hỏi:
        - Ba con đâu?
        - Dạ ba con vào thành phố
        - Con có thể cho thầy đọc bài thơ được không?
        Đọc xong thầy khen hay. Con nói:
        - Nếu thầy muốn in vào tập thơ của thầy thì con xin tặng thầy.
        - Muốn quá đi chứ, nhưng thầy chưa được sự đồng ý của ba con mà.
        - Dạ không sao … Ba con rất muốn tặng cho những ai có tấm lòng với Mẹ.
        Tôi hỏi con gái:
        - Nhưng sao con biết ba có bài thơ đó?
        - Con nghe ba đọc nhiều lần và thấy ba có vẻ tâm đắc với bài ấy lắm nên con nghĩ chắc nhà sư cũng thích.
        Con gái tôi là giáo viên dạy môn văn, đã có gia đình.
        - Con dạy văn con thấy bài thơ của ba như thế nào?
        - Dạ. Nói thực con thấy ít hay. Bà mẹ như vậy có vẻ khô khan về tình cảm. Chắc hồi nhỏ ba sợ bà nội lắm phải không ba? Hù dọa và đánh đập con trẻ là cách giáo dục không tốt đâu ba à. Bây giờ người ta lên án phương pháp giáo dục đó lắm.
        -Tất  nhiên là giáo viên văn con có quan điểm giáo dục khoa học và hiện đại. Nhưng con giải thích thế nào với phương pháp giáo dục hiện đại đó ở các nước tiên tiến, ngay cả Việt Nam cũng vậy về hiện tượng xã hội đang sản sinh ra một lớp trẻ mà hình ảnh người mẹ trong tâm hồn họ rất nhạt nhòa.
        - Do điều kiện kinh tế và môi trường sống  đấy ba à.
        - Có lần ba lý giải như thế nhưng hình như chưa ổn. Con coi anh giám đốc gì bên cạnh nhà mình dấy. Sáng chủ nhật là ngày dành riêng cho gia đình. Nhưng con coi có khi nào thấy anh ấy chở mẹ cùng vợ con đi chơi vào sáng chủ nhật không. Trên chiếc xe con bóng lộn, sáng chủ nhật nào ba cũng thấy anh ấy chở vợ con, không thì bạn bè đàn đúm. Bà mẹ thì lặng lẽ ở nhà một mình.Vậy thì do đâu? Bà mẹ anh giám đốc  ấy nghe nói trước đây cũng là một giáo viên trung học. Chắc chắn bà đã từng hát những câu ca dao thật ngọt ngào để ru con ngủ, từng chuẩn bị chu đáo áo quần sách vở đưa con đến trường trong những ngày khai giảng. Còn bà nội con thì chỉ biết núi non hiểm trở, thác ghềnh cheo leo, một câu dân ca cũng không biết. Với bà nội của con, chữ nghĩa để làm gì khi miếng ăn không đủ no. Đồ chơi trẻ con đâu để dỗ dành khi muốn dứt con ra để đi làm lụng. Suốt ngày ba chỉ lo sợ ông kẹ giết mất bà nội. Vì vậy mà tình cảm trong ba dồn hết vào cho bà nội.Thấy bà nội về là ba ôm chùm lấy khóc nức nở mừng bà nội thoát được khỏi tay tên phù thủy.Và ba đã cảm thấy thật hạnh phúc, đồng thời cũng ân hận biết chừng nào khi bà nội dịu dàng xoa tay vào vết roi sau mông ba mà mắt bà nội rưng rưng. Tình yêu thương mẹ sâu đậm bắt nguồn từ những giây phút đó. Liệu những câu ca dao bóng bẩy trau chuốt có làm nẩy nở tình cảm sâu đậm như thế không.
        Giờ thì ba càng thấm thía. Tên phù thủy mà bà nội kể với ba thời ấu thơ là có thực. Đó là sự nghiệt ngã của cuộc sống mà bà nội phải chiến đấu đôi khi bất chấp cả tính mạng mình  để bảo vệ sự sống còn cho ba.
                     Mẹ mài dao nhọn cuốn vào khăn
                     Ngồi im thin thít tôi nhìn mẹ
                     Không! Mẹ đi  bắt ông kẹ mà.
        Đọc xong mấy câu thơ mà qua đó con gái tôi cho là bà nội khô khan tình cảm và có cách giáo dục sai lầm, tôi thấy cần phải nói thêm với con gái đôi điều:
        - Con à, bà  nội  không phải là người khô khan tình cảm. Và sự giáo dục  ấy không hề là sai lầm đâu. Mọi sự giáo dục bắt nguồn từ tấm lòng yêu thương và sự hy sinh  dũng cảm  đều tốt đẹp con ạ. 

        Tôi trở lại bàn viết lật quyển Mùa báo hiếu đọc lại bài Mẹ tôi lần nữa. Không biết đây là lần thứ mấy nhưng bây giờ thì bài thơ, tôi nghĩ không còn là tấm lòng  của riêng tôi, và bà mẹ trong bài thơ cũng không còn là Mẹ của riêng tôi nữa.             
Thuở nhỏ nhà tôi vốn rất nghèo
Mẹ thường lam lũ  chốn gieo neo
Ngày ngày mong mẹ nhìn ra ngõ
Thấy bóng ai qua cũng ngóng theo
Có lần níu áo tôi khóc lăn
Mẹ mài dao nhọn cuốn vào khăn
Ngồi im thin thít tôi nhìn mẹ
- Không, mẹ đi bắt ông kẹ mà!
Mẹ về bê bết áo bùn dơ
Tay xách gói gì ghê thế cơ
-Gói đầu ông kẹ phải không mẹ?
Mẹ cười hé bao: Ơ! Cua đồng
Một lần mẹ về máu dính tay
Bao gì mẹ vác trĩu trên vai
- Mẹ đã giết được tên phù thủy?
Mẹ cười mở bao: A ! dâu rừng
Cứ thế ngày ngày tôi lớn lên
Vô tâm bỏ học mãi mê chơi
Mẹ bắt nằm xuống roi vài bận
Đánh con sao mắt mẹ lưng tròng
Lần cuối mẹ đi con ở xa
Khăn sô một dãi vắt ngang chờ
Con về nhận lấy niềm cay đắng
Khóc mẹ một trời mây trắng bay
Những mùa lau trắng vương trên tóc
Con học ở mẹ biết bao điều
Cuộc chiến cùng với loài phù thủy
Mình phải làm gì con hiểu
Mẹ ơi
 Nguyễn Bá Trình
Sinh ngày 03-09-1946 tại Lương Điền, Hải Lăng, Quảng Trị. 
Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế khoa Toán.
Hiện nghỉ hưu.
bichlien101046@yahoo.com.vn
ĐT: 0166 509 4339


READ MORE - BÀI THƠ VỀ MẸ - truyện ngắn Nguyễn Bá Trình

CHIẾC XE ĐẠP - truyện ngắn Nguyễn Khắc Phước

Quý tặng Công đoàn Nhà máy Cao su Đà Nẵng (DRC)



        Tan ca chiều nhưng Lư và Hảo nán lại đợi thủ kho để lấy hàng. Số là chiều nay hai anh được hai suất săm lốp phân phối hằng năm. Trời nặng trĩu mây đen. Đạp xe chừng cây số thì lắc rắc mưa. Lư bảo rán đạp tới nhà Phượng núp mưa luôn. Mấy hôm rày sao không thấy chị ấy gánh trái cây ngồi bán trước nhà máy mỗi lúc tan ca.

       Phượng sống với con gái trong một căn nhà tôn ván gần đường Lư và Hảo đi làm. Hảo mới vào nhà máy sau này, chưa biết Phượng nhiều, còn Lư đã quen Phượng từ lâu vì chị đã từng là công nhân nhà máy cao su như anh nhưng rồi vì hoàn cảnh sao đó nên xin nghỉ việc, gánh trái cây bán rong. Cũng có lẽ vì  Phượng  quen sống độc lập, tự do, không thích bị ràng buộc bởi giờ giấc và kỹ luật nhà máy.

        Lư tiếc cho Phượng. Mặc dù lương nhà máy cao su thấp nhưng gánh trái cây của Phượng có thu nhập rất bấp bênh, lại còn lo hư thúi. Phượng là phụ nữ dù hơi lớn tuổi nhưng vẫn còn xinh đẹp, lại là gái một con không chồng. Còn Lư, mặc dù kém Phượng hai tuổi nhưng là thanh niên lớn tuổi chưa vợ duy nhất trong nhà máy. Mọi người thường ghép đôi nhưng hai người chỉ cười, chưa có phản ứng gì. Trong bụng Lư cũng ưng, (nhất gái hơn hai, nhì trai hơn một, tốt rồi còn gì!), nhưng hoàn cảnh gia đình anh lúc ấy quá khó khăn, nhà cửa còn rất tạm bợ, chật chội.

        Hai người ghé vô hiên nhà Phượng thì cơn mưa cũng vừa ập đến. Suốt ngày trời nóng như thiêu, bây giờ mưa giông, sấm chớp dữ dội. Nắng bao nả, mưa trả thù, người ta nói đúng.

        Nhà vắng người nhưng cửa trước mở toang. Hai người ngồi trên chiếc chõng tre giữa nhà, hình như là nơi duy nhất không bị mưa dột. Lư kêu to: "Phượng ơi Phượng! Cho núp mưa với nhé". Có tiếng cửa buồng mở và Phượng đi ra: "Chào hai anh, mấy khi rồng đến nhà tôm. Ba hôm nay em đau lưng quá, phải nghỉ nhà. Con bé em ngồi ở chợ bán cho hết hàng, giờ vẫn chưa về. Để em pha nước hai anh uống nhé".

       Phượng xuống nhà bếp nấu nước sôi. Lư ngó quanh nhà, thấy trên vách treo một chiếc xe đạp, nhưng không có săm lốp. Lư nói nhỏ với Hảo: "Tao có việc làm để lấy điểm rồi đây. Sẽ lắp cặp săm lốp vừa mới nhận cho Phượng". Hảo nói: "Nhưng chỉ được một bánh thôi, còn bánh kia  làm sao?". Lư đề nghị: "Thì mầy cho tao mượn xuất của mầy đi. Lốp mầy còn mới, còn lâu mới hư". Hảo nói: "Em định bán để mua sợi xích, xích em cũ quá rồi, trật hoài!". Lư  nói: "Mầy là dân cơ khí mà không biết chặt bớt xích cho vừa sao? Tháng sau, thằng nào được phân phối xích theo sổ công nghệ phẩm, tao vận động nó nhường cho mầy, được chưa?" Lư là thư kí công đoàn xí nghiệp săm lốp nên lời hứa của anh có độ tin cậy khá cao. Hảo đồng ý nhưng hỏi: "Lấy đâu ra đồ nghề ở đây mà thay lốp?". "Có lẽ tao phải vác cái xe về nhà vì nó còn hư nhiều thứ nữa," Lư nói.

        Đợi Phượng mang nước ra, Lư nói đề nghị của mình. Lúc đầu Phượng còn ngại, chưa chịu, nhưng rồi cũng đồng ý.

        Hết cơn giông, hai người đàn ông tiếp tục về nhà. Riêng Lư còn vác thêm xe đạp của Phượng.

        Phải mất một tuần Lư mới sửa xong xe đạp. Phượng đòi trả tiền nhưng Lư không nhận, cười nói: "Trả gì cũng lấy nhưng tiền thì không. Hồi nào có trái cây ế, để mình thanh toán giúp cho, vài kí là xong. Nói chơi vậy chứ  đây là sản phẩm của nhà máy mình, lâu lâu lại có suất, chẳng phải mất tiền". Phượng nói cám ơn.  Sau đó, Lư còn kiếm cho Phượng một cây gỗ và hai giỏ sắt treo vào hai bên bánh sau để chở trái cây cho đỡ đau lưng.

        Phượng dùng xe đạp ấy để chở trái cây đi bán. Mỗi lúc tan ca, Lư thấy Phượng trước cổng nhà máy nhưng anh tránh không gặp, sợ Phượng bắt anh phải nhận trái cây.

        Chừng một tháng sau, Lư ngạc nhiên thấy Phượng thay vì chở trái cây bằng xe đạp như mọi hôm, bây giờ chị ấy bỏ trái cây trong một thùng sắt có bánh xe và đẩy đi. Ngạc nhiên hơn nữa là Phượng chạy đến cám ơn anh về cái xe đẩy, khen tốt hơn cái xe đạp nhiều.

        Ở chỗ đông người nên Lư không thể chối, mà chỉ ậm ờ cho qua, tự hỏi không biết tác phẩm của cậu nào đây. Kiểu này thì phỗng tay trên mình rồi! Vừa đạp xe, Lư vừa nghĩ có lẽ mấy tay bên xí nghiệp cơ khí chứ không ai vô. Để rồi hỏi Hảo xem. Lư đạp xe nhanh để bắt kịp Hảo. Hảo nói: "Đó là tác phẩm của em, nhưng em phải nói là của anh, chị ấy mới nhận. Em thấy chị ấy chở trái cây trên xe đạp khó quá, lỡ thủng ruột giữa đường thì làm sao. Chỉ cần đi quanh nhà máy, lượm cái thùng sắt cũ và bốn bánh xe hàn lại, thoáng cái là xong".

        Thoạt đầu Lư hơi khó chịu, cảm thấy bị đàn em chơi trội nhưng rồi Lư thấy hợp lý bởi Phượng từng là dân cơ khí, được đồng nghiệp cơ khí giúp đỡ là chuyện đương nhiên và ai cũng có quyền giúp đỡ chứ phải mình Lư đâu, miễn sao Phượng đỡ khó khăn là tốt rồi.

         Từ đó lâu lâu, Lư lại nhận một bịch chôm chôm hoặc lòn bon, đủ cho cả hai phân xưởng xe đạp và cơ khí mỗi người một trái.

         Rồi con đường Lư và Hảo thường đi làm được mở rộng, xe ben chở sỏi đá tung bụi mù suốt ngày đêm. Nhà Phượng cũng bị giải tỏa, dời đi nơi khác, không đến nhà máy bán trái cây nữa. Ngoài giờ lao động, Lư còn  quản lý một đội bóng đá và cùng tập luyện với anh em, thỉnh thoảng dẫn đội bóng đi đấu giao lưu chỗ này chỗ kia nên không còn thì giờ rãnh rỗi, đến nỗi nhà Phượng dời về đâu, bán hàng những nơi nào  anh cũng không hay. Hơn nữa, Vui, một ý tá từ trạm y tế của nhà máy, thường xuyên có mặt khi đội bóng tập luyện. Vui trẻ hơn Phượng nhiều và có nét đẹp hao hao giống Phượng. Và thế là Lư đến với Vui và hai người thành vợ chồng  lúc nào không hay.

     Hơn bảy năm sau, lúc này Lư không còn là anh công nhân kiêm thư ký công đoàn phân xưởng xe đạp nữa mà vừa được bầu làm thư ký công đoàn của toàn công ty.

      Một hôm, Lan, tổ trưởng công đoàn khối kinh tế lên gặp anh nói: "Trinh, nữ nhân viên của em bị tai nạn giao thông vừa được chở đi bệnh viện, anh có rãnh thì đi thăm nó với tụi em". Lư hỏi: " Có nặng lắm không? Cô ấy đi bằng xe gì?". Lan nói: " Không nặng lắm. Nó đi xe đạp, bị xe máy quệt nhẹ, xây xát chút ít". "Cô ấy không có xe máy sao?", Lư hỏi. " Đại học kinh tế mới ra trường, mới lĩnh mấy tháng lương, tiền đâu mà mua xe máy!", Lan nói.

       Lư  và Lan đánh ô tô sang bệnh viện. Bước vào phòng bệnh, anh ngạc nhiên thấy người phụ nữ đang ngồi bên bệnh nhân chính là  Phượng, người phụ nữ anh đã một thời quen biết. Anh hỏi: " Sao chị Phượng lại ở đây?". Lư càng ngạc nhiên hơn khi Phượng nói: "Nó là con gái của em đó." Chị nói thêm: "Chính nhờ chiếc xe đạp do anh sơn sửa giúp mà cháu có phương tiện đi lại để  học hết cấp ba, rồi nó mang theo vào đại học. Nếu không có xe đạp, nó đã bỏ học từ lâu rồi. Chiếc xe đạp nó đang đi chính là chiếc xe đạp ấy".

        Lư hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.

        Hồi ấy, khi thấy Phượng dùng chiếc xe đẩy để chở hàng, anh nghĩ Phượng đã không cần đến chiếc xe đạp và  hơi buồn vì anh đã không giúp Phượng được gì. Nhưng nay thì lại khác, bây giờ anh rất vui, vui vì Trinh chỉ bị thương nhẹ, vui vì được gặp lại được người xưa, vì việc mình làm đã có ích, và vui vì cháu Trinh được nhận vào nhà máy nơi ngày xưa mẹ cháu đã từng là công nhân.

        Mọi người an ủi Trinh về tai nạn và khuyên cô ấy cố gắng dưỡng sức để mau chóng được ra viện.

        Trên đường về, Lư hỏi Lan: " Cháu đã vào làm mấy tháng sao chưa báo lên tôi để tổ chức kết nạp vào công đoàn?". Lan nói: " Tụi em định đến gần ngày 8 tháng 3 tới  báo cáo anh để tổ chức kết nạp luôn cho nhiều người ở phân xưởng khác nữa". "Nhưng ít ra cũng cho cháu đến gặp tôi để tôi tìm hiểu hoàn cảnh và động viên vài câu chứ !" "Anh quên rồi đó. Nó có lên gặp anh hôm mới về, trên tay còn mang cái hộp gì đó, chắc là gói quà. Nên nhớ chỉ một mình anh duy nhất có  quà thôi nhé". Lư đập nhẹ tay vào đầu nói: "Đúng rồi, tôi nhớ ra rồi, lớn tuổi rất chóng quên".

       Lư nhớ lại cách đây mấy tháng có cô bé rụt rè vào văn phòng của anh, tặng anh cái hộp gì đó. Ngay lúc đó, anh có điện thoại của giám đốc mời lên họp nên ậm ừ cho qua, bỏ cái hộp vào ngăn kéo nào đó rồi quên luôn.

     Khi về đến văn phòng, anh lục hết mấy ngăn kéo và tìm được một gói quà nhỏ có buộc nơ màu hồng. Mở ra, đó là một chiếc xe đạp nhỏ xíu, phía sau xe là một chiếc giỏ đựng trái cây ly ty và phía trước xe là một chiếc giỏ khác đựng một nhành hoa phượng hồng.

     Lư tìm chỗ ưng ý nhất trên bàn để đặt chiếc xe đạp, ngồi ngắm nghía và cười một mình.    

2009
      NGUYỄN KHẮC PHƯỚC
ngkhacphuoc@gmail.com
READ MORE - CHIẾC XE ĐẠP - truyện ngắn Nguyễn Khắc Phước

NHÀN CA - La Thụy

READ MORE - NHÀN CA - La Thụy

Trần Bình - NHỮNG Ý NGHĨ VỀ SỐ PHẬN

Tác giả TRẦN BÌNH













Tất thảy chúng ta sinh ra trên đời rất ngẫu nhiên
Và số phận cũng ngẫu nhiên
                   đưa đẩy con người đến những bến bờ …
Nào ai có thể chọn quê hương cho mình
Cũng như việc chúng ta không thể chọn nguồn cội.

 Ngẫu nhiên ngày mẹ cha yêu nhau
định hình một sinh linh
Có ngôi sao vô tình xoẹt ngang định mệnh
Con gái, con trai,
Đàn ông, đàn bà...
kẻ bình thường, người  tài năng...
sống bên nhau mà thành DÂN TỘC

Những tín niệm tưởng chừng ai cũng có thể nói ra
Rằng ta lớn lên từ câu hát ru của mẹ
Từ thơm vương khói đốt đồng cha về
Sấp ngữa những giọt mồ hôi
Gửi ước mơ  vào ca dao, cổ tích
Hoài bảo dựng nên luỹ thành ĐẤT NƯỚC

Có thể bạn đang có một nơi chốn để đi
NHƯNG KHÔNG NGẪU NHIÊN BẠN CHỌN NƠI CHỐN TRỞ VỀ

 chúng ta ai cũng cố gắng học hành và nuôi hoài bảo kiếm một công việc ngoài đồng ruộng
Sẵn sàng bỏ lại quê nghèo
Mơ đến chân trời phố thị
Những đứa trẻ lớn lên từ đất, từ làng
Đo thành đạt bằng sự vượt thoát khỏi đường cày, dẽ mạ

"Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời"
Người nông dân  quê tôi nuôi con bằng cả gia tài của họ
Cái gia tài chắt chiu từ sự thắt lưng buộc bụng
đánh đổi cả đời mình gian khó
Không bao giờ biết đến khái niệm nghỉ hưu

Có thể bạn đang có một nơi chốn để yêu
Có thể một lúc yếu lòng bạn bạn mang mặc cảm xuất thân từ vườn ruộng
(Ta vẫn gặp quá nhiều những con người cố giấu thân phận mình
Rất đông những kẻ giả cầy nhận vơ gốc gác
"chưởi Cha không bằng pha tiếng"
Mà vẫn có quá nhiều sự sẵn lòng quên tiếng mẹ cha?)

Ôi ! người nông dân vĩ đại
là nhân dân của Đất nước hiền hoà
Họ lạ xa với những tham nhũng biễn lậu
Những nhiễu nhương sự đời
Không giàu có để thấy mình thấp bé
Lại không thấp bé bao giờ trước sự hy sinh

Xung quanh tôi những bà con thân thuộc
Đi hết đời chưa vượt qua nghèo cực
Những người nông dân  tảo tần
Kiếm được đồng tiền ướt vã mồ hôi.
 thiếu đủ cùng lo toan
Những giấc mơ hiền từ bên thửa ruộng
theo nhịp ngày bình yên.

Những đứa trẻ cõng trên lưng mùa màng
Đường đến lớp nặng nỗi niềm cha mẹ
Cái thời giá cả leo thang
Đồng tiền bát gạo nhọc nhằn trần ai
...

Tất thảy chúng ta được sinh ra trên đời rất ngẫu nhiên
Và số phận cũng ngẫu nhiên
 đưa đẩy con người đến những bến bờ... 

TRẦN BÌNH
Quê: Vùng Giếng Cổ Gio An
Hội viên Hội VH-NT Quảng Trị
Email: tranbinhga@gmail.com

Điện thoại: 0935 359 405 - 094 4321 559
READ MORE - Trần Bình - NHỮNG Ý NGHĨ VỀ SỐ PHẬN

TẢN MẠN VỚI "NGHÊU NGAO VUI THÚ YÊN HÀ" - Tác giả Nguyễn Phúc Vĩnh Ba


                          
  

TẢN MẠN VỚI "NGHÊU NGAO VUI THÚ YÊN HÀ"
                            - Tác giả Nguyễn Phúc Vĩnh Ba




1. Có lẽ học sinh và sinh viên bây giờ rất lạ lẫm với từ  “thú yên hà” hoặc “cuộc yên hà”.  Ngày trước còn ngồi mài đủng quần trên ghế nhà trường, chúng tôi được nghe đến cụm từ này khá nhiều. Tất cả các ai từng học thơ của Uy Viễn tướng công Nguyễn Công Trứ hẳn biết cụ rất thích thú yên hà. Mấy ai có thể quên những câu thơ rất ấn tượng của ông như: 


        - Ngoài vòng cương toả chân cao thấp
        Trong thú yên hà cuộc tỉnh say. (Thú tiêu dao)
        - Mặc xa mã thị thành không dám biết
        Thú yên hà trời đất để riêng ta. (Thoát vòng danh lợi)


        - Thơ một túi phẩm đề câu nguyệt lộ
        Rượu ba chung tiêu sái cuộc yên hà. (Cầm, kỳ, thi, tửu)



Trong phạm vi văn bản của bài thơ, ít nhiều đã giúp chúng tôi hiểu được nghĩa chính xác của cụm từ này. Huống hồ thầy giáo lại càng giảng rõ nghĩa hai từ xuất xử trong nhân sinh quan của vị tướng công xuất chúng và cũng là một nhà thơ tài hoa này. Thú yên hà trong trí tưởng non nớt của chúng tôi ngày ấy là cả một nếp sống tao nhã, thanh bần, một khung trời thơ mộng, phóng khoáng và tự do.


2. Tình cờ tôi tra Tự điển Việt Anh của Bùi Phụng (NXB Đại học và Giáo dục Chuyên nghiệp, 1992. Tái bản lần thứ ba) tôi gặp được ở cụm từ yên hà được dịch như sau: 1. mist and fog; seclusion, retirement. 2. opium smoking, thú yên hà: the pleasure of opium smoking” (tr.1136) tức là 1. mù và sương, ẩn dật, xa lánh. 2. hút thuốc phiện, thú yên hà là cái lạc thú của việc hút thuốc phiện. Quả thật tôi hết sức ngỡ ngàng. Ở định nghĩa 1, “yên hà” đã được dịch như thế là tạm ổn rồi. Sao lại nảy ra cái nghĩa thứ hai kì cục như vậy? Hay là vì có thêm từ “thú” đứng trước mà làm nó biến nghĩa?


Tra tiếp một Tự điển Việt Anh khác là cuốn Từ điển Việt Anh của Viện Ngôn Ngữ Học, NXB TP Hồ Chí Minh, 2001, tôi cũng gặp lời dịch y hệt như ở cuốn trước (tr. 854 ).


Vậy tạm kết luận theo hai cuốn tự điển trên thì thú yên hà là cái thú hút thuốc phiện như bốn chữ trên bức hoành “PHI YẾN THU LÂM”chăng? Đây là cách chơi chữ của các cụ nho xưa. Bốn từ trên không có nghĩa là chim én bay trên rừng thu đâu mà chỉ là “Phiện thú lắm” nếu chúng ta đọc nhanh. Bức hoành này được tặng cho một tay trọc phú sính văn chương chữ nghĩa mà lại rấtghiền thuốc phiện.


3. Tôi nhớ lại một giai thoại văn chương về cụ Nguyễn Du. Trong một lần đi sứ tại Trung Quốc, cụ có ghé lại thăm một lò làm đồ sứ ở Cảnh Đức trấn nơi đang làm một số chén dĩa ấm trà và các dụng cụ khác cho vua Nguyễn. Biết cụ là danh nho, các nghệ nhân nơi đây đã nhờ cụ viết mẫu cho hai câu thơ Nôm để sao lại trên các dĩa sứ. Hai câu thơ đó là “Nghêu ngao vui thú yên hà, Mai là bạn cũ, hạc là người thân”.  Các dĩa sứ này vẫn còn lưu truyền đến ngày nay. Tôi nhớ không lầm thì có một tạp chí nào đó có chụp lại hình cái dĩa với các câu thơ trên. Hóa ra, nếu các tự điển trên không sai thì ngoài cụ Nguyễn Công Trứ còn có cụ Nguyễn Du là một tay nghiện nặng thuốc phiện và cả triều đình nhà Nguyễn cũng rất khoái cái thú độc hại này. Hay là cụm từ “thú yên hà” có đến hai cách hiểu mà các tự điển trên đã sơ sót chỉ nói đến một nghĩa?


4. Tiếng Anh thì vậy, còn tự điển tiếng Việt thì sao đây? Tôi tiếp tục tìm kiếm thì may thay trong cuốn Từ điển Tiếng Việt cũng của Viện Ngôn Ngữ Học, NXB Đà Nẳng, 2003 tôi gặp được dòng sau:


yên hà d. (cũ; vch) Cảnh thiên nhiên nơi rừng núi. Vui thú yên hà.


Nói tóm lại, đến ngang đây thì bản thân tôi cũng vẫn còn lúng túng vì biết tin ai. Từ điển rõ ràng là phải chính xác thế nhưng cùng chung một Viện Ngôn Ngữ Học mà hai cuốn từ điển lại cho hai nghĩa khác nhau đến thế. Nhưng nếu theo cách giải thích của cuốn Từ điển Tiếng Việt. tôi cũng cảm thấy chưa thỏa mãn. Cảnh thiên nhiên là cảnh gì đây, cây, núi, sông, gò, mây,... hay nước? Thú yên hà phải chăng chỉ có nơi rừng núi mà thôi? Nơi thôn dã đồng bằng, xa cách thị tứ nhộn nhịp liệu các nhà nho ngày xưa có hưởng thú yên hà được chăng?


5.1 Theo Tự điển Trung Việt của NXB Khoa Học Xã Hội, 1993 (tr.1374) và Hán Việt Tự điển của Thiều Chửu, NXB TP. HCM (tr.370) từ yên (/ 火因) được viết ghép bởi bộ hỏa () và từ nhân () có ba nghĩa chính như sau: 1.khói do đốt cháy mà ra. 2. hơi nước bốc lên trên mặt sông, 3. thuốc lá. Từ YÊN ta thường gặp trong các từ ghép Hán Việt như yên vụ, yên ba, yên hà, yên hoa, yên trần,....


Một số câu thơ Đường có các cụm từ trên. Với nghĩa 1 là khói từ lửa, ta liên tưởng tới hai câu đối trong phim Kỷ Hiểu Lam, một học sĩ triều Thanh:


Thử mộc thành sài, sơn sơn xuất (Gỗ này làm củi, núi nào cũng có.)
Nhân hỏa vi yên, tịch tịch đa (Có lửa nên có khói, chiều chiều càng nhiều.)


Cái hay của hai câu đối này là cách chiết tự trong chữ Hán.Chữ thử () ghép với chữ mộc () thành chữ sài (); hai chữ sơn () chồng lên nhau thành chữ xuất (); ở vế sau chữ nhân ghép với chữ hỏa thành chữ yên như đã nói ở trên và hai chữ tịch () chồng lên nhau thành chữ đa ().


Với nghĩa 2 là hơi nước là đà trên mặt sông, Thôi Hiệu trong bài thơ Hoàng hạc lâu đã viết: Yên ba giang thượng sử nhân sầu. Cụ Tản Đà đã dịch một cách tài tình là ‘Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai’.


Còn với nghĩa 3 là thuốc lá, Hồ Chủ tịch đã viết “Tam niên bất ngật tửu xuy yên” tạm dịch là “Đã ba năm nay Bác không uống rượu và hút thuốc lá”.


5.2 Cũng theo Tự điển Trung Việt tr.1284 và tự diển Thiều Chửu trang 742 thì từ hà () được ghép bởi bộ vũ () và từ giả ()* có một nghĩa là ráng. Theo Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn Ngữ Học, ráng là hiện tượng ánh sáng mặt trời lúc mọc hay lặn phản chiếu lên các đám mây, làm cho cả một khoảng bầu trời sáng rực rỡ, nhuộm màu vàng đỏ hay hồng sẫm (tr.820).


Ta có thể gặp từ “hà” này trong câu thơ cổ nổi tiếng của Vương Bột, “Lạc hà dữ cô vụ tề phi, Thu thủy cộng trường thiên nhất sắc”. Tạm dịch là ráng chiều cùng bay theo với những con cò đơn lẻ, Làn nước mùa thu cùng một sắc màu với khoảng trời mênh mông.


6. Nói tóm lại, yên hà là cảnh khói nước trên mặt sông cùng với màu ráng trời rực rỡ. Đây là những cảnh sắc thiên nhiên tuyệt mỹ mà những người mãi lăn lộn trong cuộc sống quan trường, kinh doanh nơi phố thị đô hội không hề quan tâm tới. Chỉ có những người đã ra khỏi vòng hệ lụy của cuộc nhân sinh đáng chán kia, xem chốn phồn hoa công danh là tù ngục, bỏ về vui cuộc sống thanh bần lạc đao với thú ruộng vườn mới cảm nhận được cái đẹp đơn sơ, tự nhiên của thiên nhiên quanh ta (không nhất thiết là nơi rừng núi vì chẳng có từ nào ám chỉ cái nghĩa rừng núi ở đây cả) và say sưa với nó. Thú yên hà có thể hiểu là thú ẩn dật, vui sống đời thanh bần lạc đạo, xa lánh lễ nghi hình thức, xiêm áo rềnh ràng, một lạc thú của những người mang tư tưởng Lão Trang khi thấy rằng “Xử thế nhược đại mộng, Hồ vi lao kì sinh “(Lí Bạch) và tìm về sự ngưỡng mộ thiên nhiên giản dị, tự nhiên không có bàn tay con người can thiệp như một cách chia sẻ tâm tình.


Mãi về sau tôi mới tìm được một cách lí giải cho việc dịch cụm từ trên của hai cuốn tự điển trên. Họa là các tác giả đã nhầm từ “thú yên hà” với “thú yên hoa”chăng? Từ “yên hoa” chỉ những nơi hút thuốc phiện và cả chứa gái. Cả hai thói hư luôn đi kèm với nhau. Chính trong từ này “yên” mới có nghĩa là thuốc phiện tức nha phiến yên còn “hoa” là chỉ các cô kĩ nữ.


Tuy nhiên “yên hoa” còn có nghĩa thứ hai là hoa khói tức là khói nước chờn vờn trên mặt sông nhìn mơ hồ như những đóa hoa. Hình ảnh này đã được miêu tả trong câu thơ “Cố nhân tây từ Hoàng hạc lâu, Yên hoa tam nguyệt há Dương châu (Lí Bạch). Trần trọng San đã dịch là Bạn cũ dời chân Hoàng hạc lâu, Tháng ba hoa khói xuống Dương châu (Thơ Đường, NXB Thanh hóa, 1997, trang 199.)


Xem ra nghĩa của hai cụm từ thú yên hà và thú yên hoa xa nhau. Mong rằng các tác giả tự điển nói trên để tâm xem lại.


* Chữ giả đã lược bỏ bộ nhân đứng.

                                                  NGUYỄN PHÚC VĨNH BA


SƯƠNG LAM GÓP Ý KIẾN VỚI ANH VĨNH BA

Bài viết của anh Vĩnh Ba giải thích hai từ Hán Việt "yên, hà" thật rõ ràng


 Trước hết SL tôi xin cảm ơn  anh VB đã  viết bài này vì qua đó giúp được cho các bạn trẻ hoặc những người không có vốn từ Hán Việt được hiểu biết rành rẽ hơn
SL tôi không  học nghiên cứu chuyên ngành Hán Nôm, thời nhỏ học SP Việt Hán (ĐH CT) nhưng chỉ học hệ GSTH đệ nhứt cấp (vì nhà nghèo phải tranh thủ ra trường sớm để làm việc kiếm tiền) Sau này lại theo chuyên ngành tiếng Trung phổ thông (bạch thoại)chương trình mới chữ giản thể và phiên âm quốc tế theo giáo trình của ĐH Bắc Kinh nên so về kiến thức chữ Hán cổ thì còn kém Nói thật vì quen sử dụng âm tiếng Phổ thông nên có nhiều chữ không đọc ra âm Hán Việt và … không biết tra từ điển theo số nét và bộ thủ chỉ biết tra theo âm tiếng Trung mà thôi..! Cũng phải nói thêm là chữ Trung Quốc (chữ Nho và  tiếng TQ) rất khó học nó đòi hỏi người học phải có một sự kiên nhẫn tuyệt đối và trí nhớ để thuộc lòng toàn bộ chữ … ngoằn nghoèo gồm khoảng hơn 14 ngàn ký tự chưa kể đồng âm khác âm hay nếu viết khác bộ thủ thì trở thành một từ khác nghĩa cũng như phải phân biệt được khi nghe… người Tàu nói , phải nghe theo ngữ cảnh vì trong tiếng Trung có rất nhiều từ đồng âm (còn nhớ mỗi khi qua một kỳ thi tôi phải nghe máy … nói suốt ngày đêm đến nỗi đậu rồi cả hai lỗ tai gần như bị điếc bài vỡ thì  “ gối đầu nằm” khi giựt mình thức dậy phải học thuộc lòng tiếp để khi vào lớp thầy yêu cầu kể một đoạn ngắn nào đó trong một truyện ngắn của Tàu  mà ít nhứt cũng …dài có tới hơn 30 trang!! Đi thi thì “viết một câu truyện ngắn’’ dĩ nhiên phải viết  đúng chữ  !!!  Các bạn nào lấy xong bằng cử nhân tiếng Trung chắc cũng phải vất vả như tôi!!)
Nói dông dài một chút để hiểu rằng giải thích đúng nghĩa của các từ Hán Việt thì không phải là nói càng nói đại mà phải có vốn học và  hiểu biết.
Trở lại đề tài bài viết của anh Vĩnh Ba , SL tôi xin góp thêm vài ý kiến nhỏ như sau
1-*- Yên từ Hán Việt  
  (bộ hỏa + chữ nhân) là danh từ có nghĩa là khói. Khói do vật chất đốt cháy mà ra như xuy yên (thổi khói) Đây là  “ khói đồng quê, khói bếp, khói lam chiều, khói rơm…’’ thường gặp chữ yên trong thơ Vương Duy

                   Đại mạc cô yên trực
                   Trường hà lạc nhật viên

                  (Sa mạc sợi khói thẳng đơn chiếc.

                   Sông dài mặt nước tròn lặn)

 Chữ hà     :  (bộ thủy + khả)  ở đây nghĩa là con sông, khác với chữ hà   霞  ( bộ vũ +  giả)  là ráng chiều)

**Yên 
( bộ vũ)  có nghĩa là hơi nước, sương móc chất hơi từ sông, núi bốc lên như vân yên    (mây mờ),  yên vụ  霧  (mù mịt)
Chữ yên
  
  trong thơ Thôi Hiệu (Hoàng Hạc Lâu)

              Nhật mộ hương quan hà xứ thị
              Yên ba giang thượng sử nhân sầu

 
Mà các bậc tiền bối đã dịch là khói sóng. Khói sóng là từ ngữ (tượng hình) sử dụng trong thơ theo nghĩa khói do nước bốc hơi mà ra.  Ai cũng biết khi nước đun sôi ta sẽ thấy những làn khói tỏa ra từ cái vòi của ấm nước hay từ nồi canh ,nồi nước lèo bốc khói Nhưng thấy khói từ mặt sông bốc lên ít khi được nhìn tận mắt vì ở vùng nhiệt đới khí hậu nóng nước bốc hơi thẳng lên cao thành mây Chỉ ở vùng khí hậu lạnh khi hơi nước bốc lên từ mặt nước sông gặp lạnh chỉ lơ lửng lưng chừng tạo thành đám khói mờ. Tôi sống ở vùng Bắc Mỹ rất thường gặp khói (nước) sông. Ở WA có một con sông lớn  xe chạy trên một cây cầu dài và rất cao mỗi buổi sáng  tôi vẫn thấy hơi khói bốc lên từ mặt sông dày đặc cả vùng sông rộng có khi nằm dưới chân cầu có khi bay lơ lửng lên giữa cầu Có hôm trời quang đản không khí ở các vùng khác và ngoài đường lộ hoàn toàn không có sương mù nhưng khi qua dòng sông này vẫn thấy khói (mà lúc đó lầm tưởng là sa mù). Lần khác khi ở Alaska có hôm buổi chiều nhìn phía khu rừng cây mù mịt khói ở dưới thấp trắng mờ lầm tưởng là khói …cháy rừng  (hiiii khói cháy rừng thì nóng và màu xám đen còn khói này xuất hiện vào mùa lạnh) sau đó mới hiểu ra là khói bốc lên từ dòng sông lớn phía sau khu rừng Khói núi cũng thường thấy khi nó bao phủ lưng chừng núi như những đám sa mù sà xuống thấp


***Yên     chỉ riêng cho thuốc phiện như yên thổ      (nha phiến chưa luyện), đại yên    (khói thuốc phiện), lao yên  (thuốc lào),  hấp yên  吸  (hút thuốc)
2-* Hà từ Hán Việt là sông ( 
   bộ thủy + khả) như sơn hà…
**Hà là ráng ( 
霞  bộ vũ + chữ giả) trong khoảng trời khi có khí mù lại có bóng mặt trời xuyên qua lúc mới mọc hay sắp lặn trên nền trời sẽ có màu sắc sặc sỡ (bình minh, hoàng hôn), chữ hà trong Đằng Vương Các Tự, thơ Vương Bột

                Lạc hà dữ cô vụ tề phi
                Thu thủy cộng trường thiên nhất sắc


            ( Ráng chiều với cánh vịt trời đơn chiếc cùng bay
             Nước thu trộn lẫn với bầu trời dài một sắc)


3-*Nghĩa của từ ghép yên hà, thú yên hà như trong thơ Nguyễn Công Trứ mà anh Vĩnh Ba dẫn là hai từ yên  (khói ở đồng quê hay khói trên sông) và hà là ráng trời
Là thú vui của người biết thưởng thức hòa mình trong cảnh đẹp thiên nhiên tự do rộng lớn ưu đãi  thú vui điền dã, giản đơn, nhàn nhã  không đua đòi danh lợi vật chất cao sang (ngắm bầu trời ,mây nước…). Nếu nói cho cùng theo nghĩa ghép chữ hiểu hà là sông đi nữa thì cũng là khói …  trên sông chứ không là thú vui (thưởng thức) theo … khói thuốc phiện được (vì chỉ giải nghĩa được từ yên còn hà thì để đâu?)
Thú vui trong khói thuốc (thuốc lá hay bàn đèn) là thú vui vật chất trong một không gian hạn hẹp và có điều kiện  làm sao so sánh thú vui tao nhã phóng khoáng giữa trời đất bao la ,hòa hợp với thiên nhiên kỳ thú, với cảnh sắc tuyệt mỹ của ráng trời hay mơ màng trong khói sóng … Còn nếu nói nhầm thú “ yên hoa ” ( theo nghĩa thú vui ở chốn Bình  Khang ) với '' yên hà " thì hai từ hoa và hà khác xa (trong cách viết và phát âm của Hán Việt  hay chữ Việt)

Hi vọng là sẽ không gặp trường hợp như vị đắng của “ Canh gà Thọ Xương” mà  một giáo viên trẻ đã … nuốt phải  !!!
                                                   SƯƠNG LAM (NHÃ MY)
READ MORE - TẢN MẠN VỚI "NGHÊU NGAO VUI THÚ YÊN HÀ" - Tác giả Nguyễn Phúc Vĩnh Ba