Mùa Xuân đối với con người là một niềm vui, niềm hạnh phúc và cũng là của mơ ước. Đối với tạo vật, đây là khoảnh khắc sau những ngày đông cây là khô cành, mầm non tươi mới trổi dậy. Còn với cảm xúc của con người làm thơ thì chỉ cần một chiếc lá rơi, một cơn gió thoảng, một lời thì thầm...cũng đủ làm lòng bâng khuâng, xao xuyến, xúc cảm thành thơ.
Đứng trước mùa xuân, trước những nụ mai, sau bao tháng ngày ấp ủ hương sắc, để một sáng xuân phô hương cho đời....Người làm thơ cũng tràn dâng những tình cảm riêng tư sau những tháng ngày chờ mong rạo rực...
“Hồn tôi bung những nụ mai
Sáng xuân
trên cành nở
sớm”
Câu thơ đầy ẩn ý, lời thơ nhẹ nhàng, sâu lắng. Ngôn từ mộc mạc không hề bóng bẩy...nhưng nó ám ảnh người đọc bởi vẻ đẹp của sự khắc khoải, xót xa về một tình yêu chân thành trong sự khát khao kiếm tìm của nó...bằng cách gián cớ mượn cái hình ảnh của hôm nay để nói đến những niềm thương yêu đã từ lâu ấp ủ kín đáo nơi tận cùng sâu thẳm của trái tim.
“Đất trời bướm ong cũng thấy
Lẽ nào em lại không hay”
Câu thơ là một lời trách móc nhẹ nhàng nhưng chứa chan thương cảm. Lời trách móc ấy đơn sơ nhưng ẩn trong nó sự xót xa, cay đắng. Nếu ai đã từng yêu, đã từng đau đến tận cùng của nỗi đau trong tình yêu thì chắc hẳn họ sẽ cảm nhận được và cảm thông với những gì mà tác giả bài thơ thổ lộ. Tôi xin trích lại một đoạn lời trong nhạc phẩm “Hỏi” của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ: “Hỏi trời – trời vờ câm nín. Hỏi người – người nỡ quay lưng. Thôi đành hỏi em, bỗng thấy nước mắt em tuôn một dòng.” Đối với Hoàng Thi Thơ là một nguồn hạnh phúc, khi ấy đã đồng cảm với mình và òa khóc lên cho niềm vui, cho niềm hạnh phúc! Còn với Đoàn Trọng Hải là tận cùng của sự đau đớn, quằn quại với nỗi khát khao đi tìm vẻ đẹp chân - thiện - mỹ của một tình yêu đích thực. Mượn hình ảnh: “đất trời”, “bướm ong”, “cây cỏ” – như một ẩn ngữ - đã thấu hiểu tâm trạng của mình để bắt đầu cho câu hỏi: “Lẽ nào em lại không hay! /Lẽ nào em lại chẳng hay! / Lẽ nào em lại chưa hay!” Và đã
cố phơi bày tất cả…
Hồn tôi trổ đầy lộc biếc
Sáng Xuân
trên cành run rẩy
Chao ôi, những thứ vô tình đất trời, cỏ cây, còn nghe, còn thấy nhưng con người ở đây lại mỏi mòn chờ đợi...Sự chờ đợi bao giờ cũng làm cho tình yêu càng nồng cháy thiết tha. Tự nó sẽ nói lên vẻ đẹp độc đáo của tình yêu.
Ở
đây sự chờ đợi của nhà thơ đã vỡ òa:
“Tình tôi
vàng hơn tình mai
Tình tôi
xanh hơn tình lá”
Đó là sự bộc bạch lòng thủy chung, thương nhớ...Nhưng đằng sau ấy, sự khát khao đi tìm trong tình yêu vẫn là điều mà người viết muốn gởi gắm:
“Đất trời cỏ cây biết cả
Lẽ nào em lại chưa hay”
Lời bày tỏ chân chất trên, vừa đượm hương vị thơ, dẫn dắt người đọc vào trạng thái lâng lâng bay bổng trong tình yêu, vừa tái hiện được một chân lý vĩnh hằng trong tình yêu, sự cách điệu đối xứng đó đã tạo nên một bài thơ tình hay. Đọc bài thơ “Hỏi”, ta như đang tắm mình trong không gian vô cùng vô tận của tình yêu và tuổi trẻ và thấm thía chân lý: Tình yêu mãi mãi là sự tìm kiếm - tìm kiếm….
TRƯƠNG NGUYỄN
truongnguyen49@yahoo.com.vn