Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, March 22, 2019

TẠ LỖI - Thơ Trần Mai Ngân



                       Nhà thơ Trần Mai Ngân



TẠ LỖI

Khi ngắm ảnh em cười anh bỗng khóc
Giờ còn đâu chỉ là khói là sương
Dẫu biết yêu là một cuộc vô thường
Anh vẫn tiếc, vẫn lòng đau khôn tả...

Đôi mắt em mãi dịu hiền như thuở
Một thoáng buồn xa vắng ở nơi đâu
Chịu đựng anh, em đã cố nén sầu
Em vẫn bước thản nhiên trong định mệnh

Anh vô tư đôi khi như hời hợt
Mặc lo toan em đôn đáo ngược xuôi
Anh buông mình chìm trong những cuộc vui
Em không trách mà lặng im chịu đựng

Bao năm tháng dửng dưng cùng số mệnh
Tình bạc đầu anh quay lại cùng em
Vẫn ngôi nhà và hoa cỏ thật êm
Em vẫn thế nụ cười cho độ lượng

Để đến lúc em nhẹ nhàng thanh thản
Bước khỏi đời anh vĩnh viễn không còn
Thương ngày xưa em gánh hết mỏi mòn
Anh nông nổi... cả đời anh nông nổi

Và bài thơ như một lời tạ lỗi
Cả đời này anh tạ lỗi cùng em...

                      Trần Mai Ngân
(Tặng những người phụ nữ gặp bến nước không may)

READ MORE - TẠ LỖI - Thơ Trần Mai Ngân

BỐN MƯƠI NĂM GẶP BẠN XƯA - Thơ Hoàng Yên Linh



BỐN MƯƠI NĂM
                   GẶP BẠN XƯA...
                            Hoàng Yên Linh

Ừ thôi cạn hết ly này
Mai kia biết có còn vầy hay không
Bạn đời bạc áo phố đông
Còn tôi rừng núi long đong phận người
Thì ra đã quá sáu mươi
Nhục vinh, thành bại ngậm ngùi thế nhân
"Bắt phong trần phải phong trần
Cho thanh cao mới được phần thanh cao..." *
Ở đây đồi núi trăng sao
Có hương kỷ niệm ngọt ngào bạn ơi!
Tử sinh cũng một kiếp người
Còn đây tôi bạn, mây trời nước non
Cạn ly ta vẫn chờ mong...

HYL
* Kiều-Nguyễn Du

READ MORE - BỐN MƯƠI NĂM GẶP BẠN XƯA - Thơ Hoàng Yên Linh

DUYÊN – TÌNH - Thơ Nguyễn Đại Duẫn

Tác giả Nguyễn Đại Duẫn
   

DUYÊN – TÌNH
Ừ! Đã mấy chục năm rồi
Anh giờ chân chậm da mồi tóc sương
Nghỉ hưu về với đời thường
Tháng năm quân ngũ còn vương tơ tình
Ngày xưa hai đứa chúng mình
Cùng chung đơn vị công binh – mở đường
Gian nan vất vả cũng từng
Cơm ăn thiếu cá măng rừng thay rau
Những lúc sốt rét quên sao
Cháo không ngon miệng thèm rau quá chừng
Em đi hái nắm rau rừng
Rau tàu bay nấu canh suông ấm lòng
Tình yêu nhen nhúm lửa hồng
Mong duyên đôi lứa mặn nồng trầu cau
Ra quân đành phải xa nhau
Cái duyên không bén  nhuộm màu thời gian
Xa nhau cách trở suối ngàn
Để tình giữ mãi  “cung đàn tuổi xuân”


NGUYỄN ĐẠI DUẪN

READ MORE - DUYÊN – TÌNH - Thơ Nguyễn Đại Duẫn

MÊNH MÔNG HIỆN THỰC TRÔI LẠC TRONG THẾ GIỚI ẢO (Đọc truyện dài Cửa Sổ Phía Đông của Nguyễn Thị Kim Hòa) - Đinh Hy


MÊNH MÔNG HIỆN THỰC TRÔI LẠC
TRONG THẾ GIỚI ẢO
(Đọc truyện dài Cửa Sổ Phía Đông của Nguyễn Thị Kim Hòa, NXB Trẻ - 2018)


ĐINH HY

Truyện dài Cửa Sổ Phía Đông, viết theo bút pháp huyền ảo, xuyên không của Nguyễn Thị Kim Hòa đạt giải Khuyến khích, (không có giải nhất), từ Cuộc vận động sáng tác ‘Văn học tuổi 20‘ do Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh, Báo Tuổi Trẻ, Nhà xuất bản Trẻ phối hợp phát động từ tháng 12 – 2015 đến năm 2018.

Truyện dài Cửa Sổ Phía Đông của Nguyễn Thị Kim Hòa vừa được Nhà Xuất bản Trẻ in tháng 8 năm 2018. Với đầu đề này, người đọc thường nghĩ tác giả sẽ viết một câu chuyện nào đó về một ngôi nhà ở làng quê, một gác trọ của một cô sinh viên, hoặc một căn phòng chung cư ở thành phố chẳng hạn… mà ở đó có một cửa sổ phía đông. Rồi từ đây câu chuyện dài bắt đầu.
Hóa ra không phải như vậy. Ở tác phẩm này vẫn có một cửa sổ phía đông trong căn phòng một trang trại cừu. Bối cảnh câu chuyện diễn ra ở vùng đầy nắng, gió, cát, có trang trại cừu, bãi biển, khu bảo tồn biển, cây neem, ruộng muối, rượu nho, con dông, phố P có nghệ thuật pha café nổi tiếng ngon… chừng đó làm cho chúng ta liên tưởng bối cảnh là vùng Ninh Thuận, quê hương của tác giả. Nhưng người đọc thật sự bị tác giả dẫn vào một thế giới hoàn toàn không có ranh giới thực - ảo, hiện tại, quá khứ; các nhân vật làm một công việc chính là đang thực hành chương trình máy tính “xóa ký ức” cho ông chủ trang trại quên đi quá khứ, ký ức về con gái của mình và để rồi cuối truyện, Kim Hòa thực sự đưa người đọc đến những bất ngờ có hậu, rất cảm động mà người đọc không thể đoán trước.
Tôi thực sự hoang mang khi đọc những trang đầu. Một không khí thâm u trong thư viện dài hun hút ào đến, mộng mị, hoang tưởng. Và một khái niệm lạ, ít phổ biến - “déjà vu” - xuất hiện ở trang 9. Bất chợt tôi phải quay về những trang bìa, may mắn tác giả đã hỗ trợ để tiếp tục đọc truyện dài được dễ dàng hơn.
Ở bìa 2, Kim Hòa viết: “Một ngày, tôi bỗng mong mình mất… vài trí nhớ. Tưởng tượng mình trở thành một khối trống, nhưng mạnh mẽ tuyệt đối vì chẳng chứa đựng ám ảnh sợ hãi hay ký ức không vui nào, tôi viết quyển sách này. Một cuốn sách cho những người muốn quên, cần quên. Nhưng có phải lãng quên luôn là liều thuốc chữa thương tốt nhất?”.
Và ở bìa 4, tác giả giới thiệu, trích lại trong truyện dài về một tài liệu khoa học: “Déjà vu, thực tế là một hiện tượng rất khó để tiến hành nghiên cứu. Nó chỉ xảy ra trong một khoảng thời gian rất ngắn, không hề có báo trước. Nhưng nếu diễn ra kinh niên, người mắc phải có thể bị lạc giữa thực tại và những ảo giác tự nhiên chui ra từ đâu đó bên trong bộ não”. Cũng theo tác giả thể hiện trong truyện, người đọc dễ dàng tra “déjà vu” tại Google.
Tiếp sau tập truyện ngắn “Con chim phụng cuối cùng” xuất bản năm 2017, truyện dài này cũng sáng tác kiểu rất lạ của Kim Hòa. Nếu tập truyện ngắn “Con chim phụng cuối cùng” chủ yếu triển khai một cách huyền ảo các đề tài trong lịch sử dân tộc thì truyện dài “Cửa sổ phía đông” hoàn toàn là đề tài đương đại, tập trung một vấn đề chưa được khoa học kiểm chứng rõ ràng, vừa sinh học, bộ não, vừa tâm lý học, ký ức để sáng tác. Thủ pháp sáng tác rất hiện đại, ngôn ngữ, lời thoại, tính cách, lối sống các nhân vật trẻ có dáng dấp thời thượng @, đậm đặc thuật ngữ tin học như: file, giao diện, folder, Teamviewer, laptop.
Căn cứ vào nội dung, chúng ta tạm chấp nhận mấy cặp nhân vật hiện diện trong truyện dài, trước hết là nhân vật chính: Phan, cô gái giúp việc phiên dịch thực hành xóa ký ức; Ali, thanh niên người Trung Đông, nhà khoa học thực hành chương trình xóa ký ức trên máy tính, “người yêu” của Phan; ông Trần, chủ trang trại cừu, người hợp đồng thuê Ali và Phan dùng máy tính xóa ký ức về đứa con gái trong bộ não của mình; Chơn, thanh niên người Chăm giúp việc cho ông chủ trang trại.
Từ trang 75, câu chuyện diễn ra lại song hành với một câu chuyện các nhân vật trong cuốn nhật ký tình cờ Phan phát hiện tại trang trại: cô gái trẻ là chủ nhân nhật ký, trợ lý phiên dịch cho bác sĩ ký ức Jack; Jack, người Mỹ lai Việt, là bạn học của Ali, là người trong nhóm nghiên cứu xóa ký ức, Jack là người yêu của cô gái chủ nhân nhật ký, cô gái này lại là con gái ông Trần, chủ trang trại.
Như vậy, ý đồ tác giả sắp xếp các nhân vật giữa đời thực: Phan, Ali, chủ trang trại và các nhân vật trong nhật ký: cô gái, Jack, người cha có mối quan hệ mật thiết của câu chuyện. Hai câu chuyện bên ngoài đời và trong nhật ký đan xen lẫn nhau, nhiều khi không thể phân biệt bởi những chi tiết giống nhau, nhân vật có khi hòa quyện nhau. Thực chất khi kết thúc truyện mới biết đây là một thủ pháp tác giả “đánh lừa” người đọc. Cuối truyện, tác giả “mở nút” kết thúc có hậu, tất cả các nhân vật đều đáng yêu, đáng thương. Nhân vật cô gái chủ nhân nhật ký ghét cay ghét đắng người cha chính là nhân vật Phan đang quá trình được “người yêu” Ali phục hồi trí nhớ. Đọc đến đoạn cuối thực sự xúc động khi Phan đã hồi phục trí nhớ, nhận ra cha mình chính là chủ trang trại, ân hận vì đã “quên” người cha và sau đó trên đường đến với Jack, người yêu, gặp một người Mỹ, cha của Jack, Phan vỡ òa một sự thật mà cha cô tìm kiếm suốt bốn mươi năm khi cô bấm điện thoại nghẹn ngào báo tin về cho ông chủ trang trại Trần: - Ba. Con tìm được cô ba rồi!
Đây là một truyện dài có lối viết đầy kịch tính, sự xung đột cao, thậm chí khó theo dõi, tiệm cận khoa học viễn tưởng, song hấp dẫn; diễn tiến của truyện có nhiều cảnh (scene) độc lập gợi cho ta hình dung kịch bản phân cảnh của một bộ phim, do đó sẽ thuận lợi khi chuyển thể thành kịch bản điện ảnh.
Trong truyện dài, các nhân vật chỉ xoay quanh hành động xóa và bị xóa ký ức bằng chương trình máy tính, từng ngày họ chờ mong đạt kết quả song tác giả đưa vào tác phẩm quá nhiều dung lượng hiện thực, chủ đề khác nhau: từ việc tận thế giới xa xôi, khủng bố ở Trung Đông, dòng người tỵ nạn vào châu Âu đầy chết chóc, chuyện cắt cỏ nuôi cừu ở xứ nắng gió Việt Nam, chuyện hiện tại đang xóa ký ức, quay ngược vào thời chiến tranh Việt Nam và di hại của dioxin, có nhân vật cưa bom bị nổ…
Đáng chú ý là nghệ thuật xây dựng nhân vật từ ngôn ngữ, tâm lý, hành động, phải thừa nhận tác giả dụng công hết sức tinh tế, điêu luyện. Tâm lý, lời ăn tiếng nói tác giả đặt đúng chỗ lứa tuổi, tính cách từng nhân vật. Chẳng hạn, nhân vật Phan, thông qua tương tác với các nhân vật khác, tác giả khắc họa là một cô gái có tâm sinh lý, tính cách của thời @, miêu tả tình yêu và giận hờn giữa Phan – Ali đúng với lớp thanh niên thời mở cửa, mãnh liệt, nhanh chóng khác xa sự mãnh liệt, nhanh chóng các thế hệ trước; hai nhân vật Ali, Jack, tiêu biểu cho phong cách của thanh niên ngoại quốc, giữa làm việc và nghỉ ngơi, giải trí, Kim Hòa khắc họa rất khác thanh niên Việt.
Đặc biệt từ trang 93 trang bắt đầu mô tả ý nghĩ qua tự bạch của ông Trần, chủ trang trại, rất cảm động về con gái mình. Vừa thương con gái vô bờ bến, vừa hận con từ bỏ ông mà đi. Theo tôi, đây là những trang viết thể hiện tâm lý nhân vật hay nhất của Kim Hòa, có những đoạn sao mà thật thế, “đời” thế: “Đó là ngày tôi phát hiện ra nó tự ý bỏ việc. Đồ cạn nghĩ, nó đâu biết để kiếm được việc làm cho nó, cha nó phải muối mặt bỏ hết tự trọng”, (trang 93). “Tôi vẫn nhớ chính xác từng lời nó hét thẳng vào mặt tôi. Cha nó. Đứa hỗn hào. Tôi tiếc mình không đẻ ra một cái trứng, một cục đá. Tôi muốn đánh nó chết. Bạt tai tôi tát mạnh cỡ nào cũng không bằng câu nó xát muối vào tôi…” (trang 94).
Đối với ông Trần, nhìn nhận thế hệ trẻ, hay nói khác là xung đột hai thế hệ, tác giả thể hiện đúng với suy nghĩ, thực tế của một nông dân, chủ trang trại: “Lũ trẻ ranh tụi nó làm gì biết đạn pháo, chết chóc. Làm gì ăn cơm độn bo bo, khoai mì, giữa trưa ngậm đỡ xác mía trong miệng cuốc đất. Sướng quá, nhàn quá nên tụi nó đâm ra hư hỏng!... Nhưng nó có bao giờ chịu hiểu tôi. Tôi chọn đường tốt giúp thì nó la làng tôi áp đặt. Tôi nhịn, nhượng bộ hết lần này sang lần khác, thì nó càng được nước, hỗn hào” (trang 129). “Tụi thanh niên bây giờ sao không đứa nào coi được. Cùng loại sống hời hợt, vô trách nhiệm, không cần biết quan tâm ai, nhưng lại giãy lên đòi người khác quan tâm mình. Tụi nó, đem ném vào bốn năm chục năm trước, quẳng vào chiến tranh, đói khổ như tụi tôi, chắc không sống nổi một ngày” (trang 149).
Xin nói thêm tại trang 189, Kim Hòa thể hiện tình thương yêu, hờn giận của ông già chủ trang trại về em gái mình biệt tích 40 năm trước, theo tôi, khó có trang viết nào về tình cảm anh em hay hơn thế.
Kim Hòa có một lối so sánh rất đúng và rất hay. Như ông chủ trang trại Trần trong con mắt ác cảm của cô Phan được ví như con gấu:“Phan muốn thót tim nhìn những món đồ mỏng manh chực nhào xuống đất theo dáng đi loạng choạng của kẻ say. Không giống con gấu xiếc luôn an lòng người xem dù vừa bưng bê vừa đi trên dây” (trang 15). “Phan đã chọc được ông ta phát điên. Khi con gấu lồng lộn mất kiểm soát cũng là lúc đánh bẫy nó thích hợp nhất” (trang 18).
Về tâm trạng thất vọng: “Cô như thể đang ở trong một trái banh da bị chích xì hơi” (trang 35).
Về một thời cơ may mắn của nhân vật Phan: “Phan chớp ngay cơ hội, như người thủy thủ vừa canh được gió phừng lên, bẻ ngay hướng tàu” (trang 135).
Về thời tiết:“Trời ngột ngạt hệt trong những đêm mùa bấc đứng gió thức với ba chờ bão tới” (trang 226). Ai chưa trải qua những thời khắc chờ bão tới sẽ thắc mắc: sao lại “đứng gió”?
Nếu không có một sự quan sát tốt, một vốn kiến thức rộng, vốn thực tế nhiều trong cuộc sống khó có những câu văn so sánh hay như thế.
Phải nói từ khi mới sáng tác đến nay, trong tất cả tác phẩm của mình, Kim Hòa thể hiện sắc sảo, tài tình sự quan sát, để rồi đem đến cho người đọc nhiều trang viết sinh động, kể cả lối so sánh dí dỏm. Miêu tả đàn cừu: “Dải nơ nhìn xa tưởng tuyền trắng, nhưng lại gần sẽ thấy ngà ngà đổ vàng, có khi còn nâu xỉn màu bụi đất. Lông cừu rất dễ bám bụi, hai ba tháng không kéo ống xối tắm, cả bầy hóa nhem nhuốc không khác lũ trẻ nhỏ mặc áo chưa chưa xài bột giặt trong mấy clip quảng cáo” (trang 37). Ai đã từng cho cừu ăn cỏ voi mới cảm được những dòng miêu tả sau: “Phan có thể ngửi thấy mùi những thân cỏ múp xanh gập đôi trào nhựa, mùi những lá cỏ bị nhay nát ra, đặc quánh giữa hàm nhai khỏe chỉ có tám răng dưới. Hai con cừu non gần nhất mê giỡn rượt nhau, dạn dĩ xô cả thân mình lông trắng muốt ngắn cũn vào chân Phan” (trang 133).
Gần đây văn học nước nhà cũng có tác phẩm khoa học viễn tưởng như “Thiên thần sám hối” của Tạ Duy Anh (2004), ở đó tác giả sáng tác một kiểu rất lạ, nói về câu chuyện một bào thai không chịu ra đời, cứ nằm trong bụng mẹ mãi để “chối từ cuộc sống vì thấy nó quá khủng khiếp”; ở “Cửa sổ phía đông” chỉ tiệm cận khoa học viễn tưởng, vì “déjà vu” là một hiện tượng khoa học thuần túy chưa được giải quyết rốt ráo.
Trải qua 240 trang viết, với một nghệ thuật viết văn kinh nghiệm, một sự quan sát tinh tế, vốn sống kết hợp trí tưởng tượng vô cùng phong phú nên Kim Hòa đưa hiện thực vào Cửa Sổ Phía Đông một biên độ rộng về địa lý, dài thời gian, nhiều chủ đích, ngôn ngữ hiện đại…
Ở tác phẩm này, vẫn thấy một Kim Hòa dành tình yêu nhân hậu về quê hương, con người vùng nắng gió như các tác phẩm trước đó*.
----------------
*Tác phẩm đã xuất bản:
- Tay chị tay em, truyện dài thiếu nhi, NXB Kim Đồng – 2011.
- Nho đắng, tập truyện ngắn, NXB Văn hóa Văn nghệ – 2012.
- Cơn lũ vẫn chưa qua, tiểu thuyết, NXB Văn hóa Văn nghệ – 2014.
- Đỉnh khói, tập truyện ngắn, NXB Văn hóa Văn nghệ – 2015.
- Sa mạc & những vệt nhớ, tản văn, NXB Văn hóa Văn nghệ – 2016.
- Con chim phụng cuối cùng, tập truyện ngắn, NXB Hội Nhà văn – 2017.

READ MORE - MÊNH MÔNG HIỆN THỰC TRÔI LẠC TRONG THẾ GIỚI ẢO (Đọc truyện dài Cửa Sổ Phía Đông của Nguyễn Thị Kim Hòa) - Đinh Hy

VÙNG ĐẤT ĐI QUA - Thơ Phạm Hòa Việt

Tác giả Phạm Hòa Việt
VÙNG ĐẤT ĐI QUA

Tôi đã đi qua
Những con đường từ lâu ước vọng
Như bầu trời cao mênh mang gió lộng
Như mặt biển xanh bất khuất sóng tình
Đất đỏ ba gian
Tự bao giờ trìu mến chân chị chân anh
Và vun gốc cho bí bầu tốt lứa
Rừng sắn rừng chè một màu tơ lụa
Ai hái lá già cho chồi nõn vươn nhanh
Lá chè xanh đậm nước chè xanh
Tôi uống cạn ân tình buổi đầu gặp mặt
Ôi những con người không cần giáp sắt
Vẫn xem thường gươm bén kề vai
Vẫn đưa bóng chiều về với sương mai
Đem mạch suối tô thêm dòng máu đỏ
Tôi đếm được trong từng hơi thở
Nhịp đập con tim chan chứa lòng người
Từng bước nhịp nhàng biến sắn biến khoai
Thêm dẽo thêm ngon miền vàng miến bạc
Miến gặp Thừa Thiên miến lên A Lưới
Miến vô Quảng Trị miến tới Đông Hà
Ân tình khắp chốn gần xa
Nhớ nhau ta lại mang quà trao nhau,,,
Tôi đã đi qua
Xóm Đông xóm Nỗng xóm Bàu
Nghe mạch sống chảy tràn trên từng ngọn mạ
Có phải mùa xuân luôn gần cây lá
Hay bà con dẫn dắt xuân về
Niềm yêu thương gắn chặt mãnh tình quê
Cho mũi Rồng mũi Lay vươn mình ra  tận biển
Rồi một mai thuyền tình cập bến
Ngày chia tay nhung nhớ vơi đầy!...
                                Phạm Hòa Việt

READ MORE - VÙNG ĐẤT ĐI QUA - Thơ Phạm Hòa Việt