Nhà thơ Dư Bình
TÀN PHAI !
Dẫu quyết chia ly vẫn nặng lòng
Xuân vừa về đó đã tàn đông
Rạng rỡ đời hoa sao quá ngắn
Còn đâu hương sắc thủa xưa nồng
Chia tay xin nhớ từ đây nhé
Một kiếp hoa tàn nhuỵ hoá không
Một mai xuân có về trước ngõ
Nhớ xuân xưa...
trăng -
gió -
... thì thầm...!
Dư Bình
ĐỌC “TÀN PHAI” CỦA DƯ BÌNH, THƠ NGẮN TÌNH DÀI
Châu Thạch
Dư Bình, một bạn facebook cúa tôi, một cây bút nữ ở Hà Nội mà đa số những nhà thơ tôi quen và kính trọng, ở trong nước hoặc ở nước ngoài đều quý mến bạn ấy.
Dư Bình ít làm thơ, nhưng đã làm thơ, thì thơ phải đem đến cho ta một cảm xúc ở tầng cao. Hôm nay, đọc bài thơ “Tàn Phai” của Dư Bình, một bài thơ ngắn nhưng tình dài đã cho tôi nhiều cung bậc thi vị. để tôi được thưởng thức nó cùng với ly cà phê thơm ngon, trong một buổi sáng mùa xuân, bên hiên nhà có hoa tỏa hương thơm và trên cây có tiếng chim hót líu lo.
Câu thơ đầu: “Dẫu quyết chia ly vẫn nặng lòng”.
Đã chia ly thì ai lại không nặng lòng, nhưng đã “quyết chia ly” mà còn nặng lòng mới là điều đáng nói. Bài thơ chỉ nói về hoa, không nói về người, nhưng hoa và người có khác chi nhau. Đem hoa để nhân cách thành người và đem người để lồng vào sự tàn phai của hoa là một nghệ thuật tá khách diễm tuyệt, làm cho đóa hoa mang tâm sự con người và tâm sự con người mang hình ảnh của hoa.
Đọc câu thơ “Dẫu quyết chia ly vẫn nặng lòng” tôi lại nhớ đến câu chuyện “Đoạn Tuyệt” của Nhất Linh và bài thơ “Giây Phút Chạnh Lòng” của Thế Lữ đề tặng tác giả Đoạn Tuyệt. Bài thơ có những câu đầu đau lòng như sau:
“Anh đi đường anh, tôi đường tôi,
Tình nghĩa đôi ta có thế thôi.
Đã quyết không mong xum họp mãi.
Bận lòng chi nữa lúc chia phôi?”
Có lẽ ai là người biết đến “Tự Lực Văn Đoàn”, biết đến một thời “Thơ Mới” thì sẽ thấm thía với chỉ một câu thơ “Dẫu quyết chia ly cũng nặng lòng” mà Dư Bình viết giữa thế hệ ngày nay, như nói lên cả những điều của thế hệ ngày xưa.
Câu thơ thứ hai: “Xuân vừa về đó đã tàn đông”
Mùa xuân phải qua mùa hè, qua mùa thu mới đến mùa đông. Với vạn vật, với con người là thế, nhưng với hoa thì chưa hết ngày xuân mùa đông đã tới với hoa, tới trên thân thể tàn phai, trên thân thể hoa tàn nhụy héo!
Chỉ một câu thơ thôi mà Dư Bình đã diễn tả hết sự vô thường bằng biết bao bài thơ, bằng biết bao trang sách viết về nó. Câu thơ không những chỉ sự vô thường mà còn chỉ sự phù du của kiếp hoa. Kiếp người có lâu hơn kiếp hoa, nhưng trước bóng thời gian thì hai kiếp có khác gì nhau. Đọc kiếp hoa mà liên tưởng đến kiếp người, cả hai kiếp chỉ là bóng câu qua cửa sổ. Khen là khen cho câu thơ đã gợi lên cho ta một niềm thương cảm vô biên cho kiếp hoa và cho chính ta là kiếp con người.
Câu thơ thứ ba và câu thứ tư: “Rạng rỡ đời hoa sao ngắn quá / Còn đâu hương sắc thủa xưa nồng”
Có lẽ trên đời không có thứ gì đẹp bằng hoa và cũng không có thứ gì mau tàn phai như hoa. Kinh Thánh sách Thi Thiên đoạn 103 câu 15 và 16 có viết: “Đời loài người như cây cỏ; Người sanh trưởng khác nào bông hoa nơi đồng; Gió thổi trên bông hoa, kìa nó chẳng còn, Chỗ nó không còn nhìn biết nó nữa.”
Vậy thì Thiên Chúa đã sinh ra hoa và sinh ra người, Ngài đã khẳng định đời hoa và đời người có khác gì nhau, y nguyên như câu thơ “Rạng rỡ đời hoa sao ngắn ngày” mà Dư Bình đã cất tiếng than cho hoa và cho chính thân phận con người.
Đời hoa tuy ngắn ngày nhưng đời hoa có hương sắc thơm nồng. Hoa nở hay hoa tàn đều là đối tượng trữ tình đặc biệt trong thi ca. Người phụ nữ và các loại hoa luôn luôn có mối quan hệ mật thiết với nhau. Bởi thế câu thơ “Còn đâu hương sắc thủa xưa nồng” của Dư Bình thấm vào lòng ta, cho ta liên nghĩ đến tiếng than thở trách Trời của Nguyễn Du “Lạ gì bỉ sắc tư phong / Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen” hay tiếng khóc trong “Cung Oán Ngâm Khúc” của Nguyễn Gia Thiều “Oán chi những khách tiêu phòng / Mà xui phận bạc nằm trong má đào!”
Rồi trong hai câu thơ tiếp của “Tàn Phai”, dầu chia tay nhưng tác giả vẫn còn giữ lời hẹn nhớ nhau. Bởi vì sao? Bởi vì “Dẫu quyết chia ly” nhưng trong lòng vẫn nặng nhớ thương nên hẹn nhớ nhau là rất đúng:
Chia tay xin nhớ từ đây nhé
Một kiếp hoa tàn nhuỵ hoá không
Bài thơ nói về hoa không nói về người, nhưng hoa thì linh hồn có đâu để nhớ? Vậy rõ ràng bài thơ dùng hoa để nói lên tiếng lòng người, dùng hoa để thổ lộ tâm tình mình, thổ lộ tâm tình cho thế gian, cho những mối tình ngăn cách, chia lìa, cho những nữ nhân thấy mình già mau giữa cuộc thế.
“Chia tay xin nhớ từ đây nhé” cũng có thể là một cái vẩy tay rất lãng mạn của người yêu hoa, từ biệt mối tình hoa với một đóa Phong Lan, một đóa Cúc hay một đoa Quỳnh… sau những lần chơi hoa, thấy hương tàn nhụy héo, thấy cuộc đời sắc sắc, không không diễn ngay trước mắt. Họ “Dẫu quyết chia Ly” vì biết phải như thế, vì biết không thể khác được, nhưng lưu luyến vô vàn nên cữ “vẫn nặng lòng” hẹn với nhau một lời thương nhớ!
Hai câu thơ trên không khác gì một cuộc tiễn đưa, biết rằng sẽ xa nhau vĩnh viễn, không đau khổ nhưng sầu man mác, không dùng dằng nhưng lưu luyến mãi không thôi. Thơ hay là thơ nói ít hiểu nhiều, hiểu xa, hiểu cao, hiểu sâu và hiểu rộng!
Đi vào hai câu thơ chót, tác giả ngắt câu ra từng đoạn. Câu đầu 7 chữ như nguyên một đóa hoa, câu sau ba chữ, một chữ, một chữ rồi hai chữ như những cánh hoa tàn rơi rụng dưới chân:
Một mai xuân có về trước ngõ
Nhớ xuân xưa...
trăng -
gió -
...thì thầm ...!
Đọc hai câu thơ nầy ta liên tưởng đến đóa hoa đẹp nào đó mà ta yêu quý năm xưa. Đọc nó, khơi dậy trong dòng sông ký ức của ta một mùa xuân tươi thắm năm nào, lung linh trên dòng sông ký ức ấy đóa hoa mà ta từng nâng niu, trân quý, để rồi trăng, gió, thì thầm nẩy sinh chính trong lòng ta ngay lúc nầy.
Đọc hai câu thơ trên, có người sẽ nhớ hoa thì ít nhưng nhớ tình thi nhiều, sẽ có tâm hồn chỉ mường tượng đến hoa mà thôi, nhưng hình ảnh kỷ niệm thủa yêu nhau, thủa chia lìa trong quá khứ rõ nét trong tâm trí bây giờ. Và trăng, và gió, của mối tình ly biệt trong đời sẽ thì thầm trong con tim họ, đồng vọng vô âm trong không gian, như Dư Bình đã phát họa bằng câu thơ “Nhớ xuân xưa…/trăng/gió/thì thầm”.
“Tàn Phai” của Dư Bình là một bài thơ viết cho hoa, hoa mang tình tự con người, con người mang hình ảnh phôi phai của hoa. Bài thơ ngắn nhưng tình tự dài cho đời hoa và cho kiếp con người. Tiếng thơ cúa “Tàn Phai” như tiếng thì thầm, đúng như cung trầm của những vẽ đẹp tàn phai mà đời hoa, đời người phải chịu.
Cảm ơn tác giả đã cho tôi một miền rung cảm của nỗi sầu, cho tôi một niềm đau êm ái, như nhìn cánh Quỳnh hoa héo tàn trên trên tay mình, trong một buổi bình minh nào đó của đời!
Châu Thạch