Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, August 17, 2020

VÀI ĐIỀU VỀ BÀI THƠ "HOA NHÀI" CỦA ĐẶNG XUÂN XUYẾN - Vũ Thị Hương Mai

 


VÀI ĐIỀU VỀ BÀI THƠ "HOA NHÀI" 

CỦA ĐẶNG XUÂN XUYẾN 


Đọc bài thơ "Hoa Nhài" của nhà thơ Đặng Xuân Xuyến tôi nghĩ chắc nhiều người không chú ý đến chi tiết tả hoa nhài của nhà thơ, vì thế sẽ không thấy được chủ ý của tác giả. Cũng như tôi, mấy lần trước đọc bài thơ “Hoa Nhài” đã không phát hiện ra chi tiết thú vị này. 

Khổ thứ nhất bài thơ, tác giả để chàng trai rất thờ ơ khi nhắc đến đóa hoa Nhài (tượng hình tình yêu cô gái dành cho chàng trai) của cô gái: 

"Cô mang theo một đóa hoa Nhài" 

Sang khổ thơ thứ 2, tác giả cho chàng trai đã có những chú ý tới cô gái qua chi tiết miêu tả hình ảnh bông hoa cô cầm theo kỹ hơn: "đoá Nhài nho nhỏ", qua đó thể hiện tình cảm của chàng trai dành cho cô gái đã có phần gần gũi hơn, thân mến hơn: 

"Vẫn bình dị những đóa Nhài nho nhỏ" 

Nhưng sang đến khổ thơ thứ 3 thì tác giả lại để chàng trai buồn bã buông lời trách cứ cô gái: 

"Không thương nhớ những cánh Nhài nho nhỏ" 

Từ "một đóa Nhài", đến "đóa Nhài nho nhỏ", rồi "những cánh Nhài nho nhỏ", là tỉ lệ thuận tình cảm của chàng trai với cô gái: từ thờ ơ đến để ý, rồi chú ý, quan tâm và yêu. 

Điểm đặc biệt nữa ở bài thơ "Hoa Nhài" là tác giả đã sử dụng câu thơ bậc thang để diễn tả tâm trạng, tình cảm của chàng trai với cô gái ở những câu cuối của 3 khổ thơ. 

Từ thờ ơ, thậm chí có phần coi thường tình cảm của cô gái ở khổ thơ đầu: 

"Tôi mỉm cười. 

-------- Nhìn mây bay 

----------------- Hờ hững." 

Đến sự chú ý, quan tâm, thích thú tới cô gái ở khổ thơ thứ 2. 

"Và tôi cười. 

-------- Hờ hững ngó mây trôi." 

Rồi tới khổ thơ thứ 3, khổ thơ kết thúc bài thơ thì không còn câu thơ bậc thang. Từ 3 bậc thang, xuống 2 bậc thang, rồi đến không còn bậc thang để diễn tả tâm trạng, tình cảm từ thờ ơ, hững hờ đến thích thú, rồi yêu của chàng trai với cô gái. Khoảng cách tình cảm của chàng trai với cô gái cứ ngắn dần, ngắn dần đến không còn khoảng câch qua từng lần giảm bậc thang trong 3 khổ thơ. 

Thêm một điểm thú vị nữa là ở bài thơ "Hoa Nhài", tác giả đã cho chàng trai cười 2 lần và 2 nụ cười đó nếu không chú ý thì người đọc cũng sẽ dễ bỏ qua chi tiết thú vị này. 

Lần thứ nhất: "Tôi mỉm cười." là nụ cười kiêu ngạo, có chút khinh dễ khi lần đầu chàng trai nhận ra tình cảm cô gái dành cho mình. 

Lần thứ hai: "Và tôi cười." là nụ cười thẹn thùng, thích thú, có ý chờ đợi cô gái của chàng trai mặc dù chàng trai vẫn còn tạo "ra vẻ" giữ chút "xa cách" với cô gái. 

Tất cả từ cách tiếp cận đóa hoa Nhài, đến nụ cười của chàng trai và cách dùng câu thơ bậc thang đều đồng nhất sự phát triển tình cảm của chàng trai với cô gái: từ thờ ơ, lạnh nhạt đến thân thiện, quan tâm, rồi yêu. 

Đó là những điểm khá thú vị trong bài thơ "Hoa Nhài" của nhà thơ Đặng Xuân Xuyến. 

*** 

HOA NHÀI

- Mến tặng H.H.Ph -

 

Lần đầu đến thăm tôi

Cô mang theo một đóa hoa nhài

Hoa bình dị

Tôi mỉm cười

            Nhìn mây bay

                          Hờ hững..


Rồi lần sau

Cả những lần sau

Cô không mang thay đổi sắc màu

Vẫn bình dị những đóa nhài nho nhỏ

Và tôi cười

                    Hờ hững ngó mây trôi..


Rồi một chiều cô không đến thăm tôi

Một ngày đông hoa nhài không nở

Tôi ngơ ngẩn bên thiếp hồng để ngỏ

Ngó mây trời tôi đếm bâng quơ

Tôi trách cô vội bước sang đò

Không thương nhớ những cánh nhài nho nhỏ

Thấm trong tôi hương nhài nỗi nhớ

Tôi trách mình hờ hững ngó mây trôi.

*

Đại học Văn Hóa Hà Nội 1990

ĐẶNG XUÂN XUYẾN 

*. 

VŨ THỊ HƯƠNG MAI 

Email: huongmai8081@yahoo.com.vn

READ MORE - VÀI ĐIỀU VỀ BÀI THƠ "HOA NHÀI" CỦA ĐẶNG XUÂN XUYẾN - Vũ Thị Hương Mai

GỌI BIỂN - Thơ Đoàn Vũ

 

ĐOÀN VŨ 

GỌI BIỂN

Tháng giêng chiều như đi ngược. Người đàn bà lầm lũi lang thang bên biển một mình. Tiếng gió cứ rú bên bờ dương xanh. Nén nhang cầm trên tay chị chưa kịp thắp, hoàng hôn tím thẫm một màu.

Đâu có lạ gì bởi ngoài kia là biển. Biển của một thời anh ra khơi. Biển của một đêm tiếng chó tru lành lạnh,âm thanh của một đêm đâu lành lặn nữa rồi! Mấy chốc mà đã hơn một năm...

Tháng giêng biển chiều gần như mộng mị. Từng con sóng vỗ dạt dào. Con còng lạ lẫm hơi người trố mắt nhìn rồi chạy về hang một mạch. Giống như anh trốn chạy ngày nào... mà hình như không đâu thì phải?! Anh vẫn nặng tình, nặng nghĩa. Chỉ có biển vô tình giấu mất anh thôi!

Tháng giêng, người đàn bà bên biển mồ côi. Chiếc thuyền mộng rách bên trời một tối. Người đàn bà vóc một ngụm nước đưa lên môi rồi ngồi bên mép biển, rồi thút thít, rồi thầm thì... rồi ôm biển vào lòng.

Và hình như
có tiếng ngoài kia
vọng lại.


Ðoàn Vũ – Hội viên hội Văn Nghệ Bình Thuận.

Email: vudoan0102@gmail.com.

 

READ MORE - GỌI BIỂN - Thơ Đoàn Vũ

ĐI DỰ TIỆC CƯỚI - Hoàng Đằng



              Tác giả Hoàng Đằng



ĐI DỰ TIỆC CƯỚI

Đêm đã khuya, hai ông mụ đang ôm nhau nằm; ông 80, mụ 77.
Già cả, không có nguồn thu nhập chi, hai ông mụ sống nhờ sự đóng góp của mấy đứa con.
Ông mụ không chịu ở chung với đứa nào cả. Sống chung, ông mụ mất tự do và dâu con, rể con cũng mất tự do.

Mụ nằm bên ông, trời oi bức, không ngủ được. Tiếng ngáy của ông cứ thả ra đều đều. Mụ bỗng nghe một tiếng bốp - ông đập tay mạnh vào đùi (đùi ông chứ không phải đùi mụ), rồi buông những lời chậm rãi như nói sảng:
- Ông ấy không biết nói vậy là có ý gì? Trong vòng thân tình, muốn “méc” chuyện nhà với mình hay trách mình không biết điều rứa nữa hè?

Mụ đập mạnh vào vai ông để ông tỉnh; mụ sợ ông tuổi cao, đêm, máu chảy không đều, mớ … có thể dẫn tới nhồi máu cơ tim.
Cách đó không lâu, gia đình ông Hải tổ chức cưới vợ cho đứa cháu đích tôn, gởi thiệp mời ông mụ.
Ông mụ sống trong làng, được nhiều người chiếu cố lắm. Kỵ giỗ, đám đình, cưới hỏi, thậm chí khẵm tháng con cháu, họ hàng, làng xóm đều có mời ông mụ; họ bảo nhau ông mụ già rồi, nên ưu tiên mời ông mụ tới một chút, kẻo quỹ thời gian trên đời không còn bao nhiêu; còn người trẻ, nếu không mời lần này, thì mời lần sau.

Việc cứ tiếp diễn như thế, ông mụ không dám nói ra ngoài, nhưng do điều kiện kinh tế, ông mụ cứ lo, cứ buồn, cứ ngại trong bụng mỗi khi thấy ai cầm giấy, cầm thiệp vô nhà.
Ông Hải và ông mụ mới biết nhau năm ngoái qua lễ đính hôn của đứa cháu gọi ông mụ bằng dì dượng. Chưa thân chi lắm, nhưng đã mời thì phải đi.

Nhà nào có việc, chuyện chọn khách để mời được bàn đi tính lại mất rất nhiều thời gian; tại sao mời người này mà không mời người kia? Người được mời là người được quan tâm; vậy thì từ chối là dở, là tệ.
Ông mệt, mụ đi thay. Ông mụ bàn nhau nên bỏ phong bì mấy; ông nói:
- Từ trước đến giờ, trong làng trong xóm, tiệc dọn ở rạp che ngoài sân, ngoài đường, mình bỏ 100; hôm nay, tiệc dọn ở nhà hàng, thôi mụ chịu khó, tính toán đi, bỏ 200.

Mụ trang điểm vào; ông nhìn, thấy mụ cũng còn được, chưa đến nỗi nào, chỉ cái lưng đã còm, khi bước đi, hai tay cứ quơ sau lưng.

Mấy ngày sau, ông Hải tới chơi nhà - chuyện chưa từng có trước đó. Ông Hải và ông chuyện trò nhiều; khi nói đến chuyện đám cưới cháu nội vừa rồi, ông Hải tự dưng “méc”:
- Tiệc cưới cháu vui lắm, tiếc là thiếu bác. Mỗi suất đặt là 300, may nhờ nhiều người đi 500, nên khỏi thiếu…

Ông ngồi lặng người, không nói gì. Ông Hải thấy không khí không vui nữa, cáo từ ra về.
Mấy ngày liền, ông cứ quần đi quần lại trong tâm trí lời chia xẻ của ông Hải. Trách mình đi ít tiền hay “méc” chuyện nhà với mình đây?
Để khỏi mệt đầu, ông cứ cố nghĩ là do muốn mối thân tình còn mới mẻ gần gũi thêm, ông Hải chỉ đến “méc” thôi, chứ không có chi mô!

17/8/2020 (28/6/Canh Tý)
Hoàng Đằng

READ MORE - ĐI DỰ TIỆC CƯỚI - Hoàng Đằng