Chế Cẩm Đình
Tháng năm giữa mùa hạ, Ban Mê mưa như trút nước. Nên có muốn
đi đâu chơi sau giờ làm việc cũng thấy hơi ngài ngại, thì tình cờ tôi được gặp
em ở Highland House này, được trò chuyện với em về chủ đề sắc dân thiểu số mà
tôi luôn cố bõ công tìm hiểu.
Em có tên là Ngom, một cái tên rất đẹp trong tiếng Jơ Lơng
mang ý nghĩa là giọt sương sớm. Con trai sinh ra mang họ A, con gái là họ Y,
nên tên họ đầy đủ của em là Y Ngom. Em ở tận bên Kom Tum, qua bên này làm việc
cho Lak Tented Camp, một resort nghỉ dưỡng sinh thái - văn hóa Tây Nguyên ven hồ
Lak ở huyện cùng tên của tỉnh Đắc Lắc, với vai trò phiên dịch viên tiếng Pháp.
Em kể, làng (pơ lei) Kon Dơ Xing bên Kon Tum của em ngày xưa
nhiều nhà sàn đẹp lắm, nằm ven một con sông rất thanh bình và huyền bí. Nhưng
ngày nay Nhà nước cho dời làng ra cạnh quốc lộ 24 - đoạn qua huyện Kon Rẫy - và
cấp cho từng hộ gia đình những căn nhà xây cấp bốn theo chính sách hỗ định cư
cho những cộng đồng người dân tộc ít người. Cũng có làm nhà Rôông, nhưng hồn
làng không còn như trước. Ngày xưa, nhà Rôông là nơi tụ tập dân làng bằng trống
hiệu mỗi khi Già làng cần triệu tập mọi người để bàn những chuyện lớn như hội
hè, lễ tế hoặc xét tội ai đó có việc làm sai trái với luật lệ của làng. Còn
ngày nay, Rôông chủ yếu được dùng làm nơi họp chi bộ Đảng, Đoàn hoặc để tập -
diễn văn nghệ!
Người Jơ Lơng trên cả tỉnh Kon Tum chỉ còn độ mươi làng, vì
nói cùng ngữ hệ Khmer nên được Nhà nước "ưu ái" xếp chung nhóm với
dân tộc Bahnar. Trẻ con đến trường được dạy ngôn ngữ Bahnar ngoài tiếng Việt,
trên chứng minh thư cũng ghi là dân tộc Bahnar nên bản sắc riêng mất dần, chỉ
còn một ít người già nhớ về nguồn cội và nói được tiếng Jơ Lơng xưa. Ví dụ như
người Bahnar nói Anăn/A Kâu e bu - bạn tên là gì? - thì người Jơ Lơng sẽ nói một
cách cảm thán hơn: Măt e bu noh/mơih?
Nhà có ba chị em, cha mất sớm, mẹ lại không được khỏe mạnh
nên em vào sinh hoạt ở Mái Ấm Vinh Sơn 6 rồi được một gia đình Thiên Chúa giáo
bên Pháp nhận đỡ đầu và đưa em sang đó học ngoại ngữ một năm, rất thuận lợi cho
công việc bây giờ của em. Nếu không gặp, ai mà tin được Ngom biết đến mấy thứ
tiếng Pháp, Anh, Bahnar, Kinh và một ít tiếng Xơ Đăng, Rơ Ngao, Jơ Rai, Giẻ
Triêng từ các Sơ ở Mái Ấm và bạn bè chung quanh mình. Hỏi em ở giữa những dòng
ngôn ngữ và văn hóa như vậy, em tự thấy mình là nghiêng về phía nào? Thoảng
chút trầm ngâm rồi mắt em đột sáng rực: "Em vẫn là người Jơ Lơng anh ạ, em
thích dân tộc của mình dù có người hay nói người Jơ Lơng ngơ lắm, đó là bản
tính hiền lành chân thật của dân tộc em"!
Trong gia đình người Jơ Lơng, đàn ông có tiếng nói quan trọng,
cũng như ở cấp độ làng thì Già làng là nam giới. Người Jơ Lơng không thờ cúng
trong nhà, mà thờ Yang Dak (thần nước), Yang Teh (thần đất), Yang Kong (thần
núi) và Yang Ũnh (thần lửa) trên rẫy bằng linh cảm của mình thông qua các lời
khấn. Phụ nữ Jơ Lơng ngày nay vẫn còn một ít người biết dệt vải gai đen và đỏ sậm
để may trang phục truyền thống cho mọi người. Drã nglo (con trai), drã kăn (con
gái) lớn lên biết thương nhau thì xin cha mẹ và Già làng được lấy nhau. Nếu ở với
nhau trước làm có thai thì phải chịu phạt heo, bò hoặc tiền và phải xin lỗi dân
làng.
Ban Mê giữa Tây Nguyên đang mưa nhiều, dòng Sê Rê Pok đang gầm
gào sóng dữ lao nước về phía Biển Hồ. Còn Kon Tum nằm bên sườn đông của dãy Trường
Sơn vào mùa nắng chói, nên dòng Dakbla qua làng Kon Dơ Xing mùa này vẫn chảy hiền
lành như suối tóc mềm mại của em - người con gái Jơ Lơng xinh đẹp. Có thể nào
tôi không một lần vượt đèo Violet để được đắm mình trong vùng văn hóa đại ngàn
bên đỉnh Ngọc Linh qua lời kể của em, chắc chắn sẽ sớm thôi!
17/5/2017.
C.C.Đ.