Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Thursday, April 16, 2015

NGHE TIẾNG CUỐC KÊU NHỚ MẸ - Mang Viên Long đọc thơ Nguyễn An Đình



Tác giả Mang Viên Long


Mang Viên Long đọc thơ Nguyễn An Đình

NGHE TIẾNG CUỐC KÊU NHỚ MẸ


          Hầu như ở bất kỳ làng quê nào cũng đều có thể nghe được ba âm thanh dung dị mà rất quen thuộc, khó quên trong đời – nhất là mỗi khi đi xa, nhớ về Quê nhà. Đó là tiếng gà gáy, tiếng gù của chim cu, và tiếng cuốc kêu! 

         Tiếng gà gáy tản sáng – mà đặc biệt là tiếng gáy ban trưa vào mùa hè oi nồng, khó ngủ. Tiếng chim cu gù đều đều, nhẫn nại, mà réo gọi trong không gian yên vắng êm đềm của làng quê nơi các lũy tre hay góc hiên nhà. Và, nhất là tiếng kêu tha thiết của chim cuốc nơi bờ rào, ngõ ngách um tùm của ruộng vườn.

          Ba âm thanh đơn giản mà quyến rủ ấy được mỗi người “chợt nghe” (hay lắng nghe) trong những thời điểm khác nhau, với những tâm trạng cũng không hề giống nhau – nhưng, dường như đều có một điểm chung là âm thanh ấy đã giúp khắc sâu trong tâm khảm mối người những kỷ niệm không thể nào quên?



         Nhà thơ Nguyễn An Đình thì “Nghe Cuốc Kêu, Nhớ Mẹ”:

          “Cuốc kêu trời mửng sáng rồi
           Lom khom Mẹ bắt ốc ngoài bờ ao
           Cuốc kêu xanh biếc vòm cao
           Mồng tơi Mẹ đỡ leo rào tre thưa…”

         Mẹ ra đi từ lúc “trời vừa mửng sáng” – nghĩa là chỉ mới “mửng” (chợt nhú lên một chút) sáng, bóng người đi còn mờ mờ trong sương, mà Mẹ đã còng lưng trên ruộng nước để mò tìm từng con ốc cho bữa cơm trưa. Khi tiếng cuốc kêu “xanh biếc vòm cao” (lúc trời đã sáng tỏ), thì Mẹ lại cần cù bên bờ rào với từng ngọn mồng tơi vừa bắt giàn. Mẹ không có chút thời gian ngơi nghỉ nào cho riêng mình. Mà Mẹ đã suốt đời như vậy vì các con yêu thương.

          Ốc bươu ngâm nước vo gạo – rửa sạch luộc chín lấy ruột nấu canh với mồng tơi, là món ăn dân dã, nhưng rất ngon ngọt, bổ dưỡng của người miền quê. Mẹ đã tần tảo, kiếm tìm từng món ăn cho đàn con khi chúng còn đang ngon giấc…

           Cho đến khi:
          “Cuốc kêu giục nắng ban trưa
          Mẹ còn nhổ cỏ vẫn chưa thấy về”

        Sau khi đã nâng đỡ cho các ngọn dây mồng tơi leo lên bờ rào trước ngỏ, Mẹ lại bươn bả ra đồng nhổ cỏ cho thửa ruộng đang làm đòng mãi cho đén lúc “Cuốc kêu giục nắng ban trưa” mà vẫn còn mãi miết còng lưng với công việc dưới nắng trưa gay gắt như thiêu. Trên lưng cõng nắng, dưới  chân ngâm nước – Mẹ không hề biết mỏi mệt chỉ vì đời sống và tương lai của các con.

             “Bây giờ biền biệt sơn khê
             Chợt nghe cuốc gọi, tứ bề quạnh hiu!”       

         Nhưng – bây giờ, lúc nầy đây, Mẹ đã không còn bên đời con nữa, tuy tiếng cuốc ngày nào vẫn còn vang vọng thiết tha từng hồi, như tiếng gào thét trong lòng con đang nhớ thương, tiếc nuối. Làng quê im vắng. Vườn nhà trống trải lạnh lẽo. Hai câu cuối của bài thơ "Bây giờ biền biệt sơn khê/ Chợt nghe cuốc gọi, tứ bề quạnh hiu!” như âm vang tiếng khóc lặng thầm kéo dài cả suốt một dời con còn lại…

        Tiếng cuốc đòi đoạn nức nở ngày xưa, mãi còn vang vang, mà  hình dáng Mẹ nay đã biền biệt phương nào?

        Bài lục bát như ca dao: Chơn phác mà thật nặng tình!


                                              Quê nhà, tháng 6, 2012
                                                MANG VIÊN LONG



Trích từ tập sách: 
NHƯ NHỮNG GIỌT SƯƠNG ***,
Tiểu luận & tạp bút, 
Tác giả Mang Viên Long,
NXB Hội Nhà Văn,
2014.
Tác giả gởi tặng.
READ MORE - NGHE TIẾNG CUỐC KÊU NHỚ MẸ - Mang Viên Long đọc thơ Nguyễn An Đình

PHỐ ĐÊM - chùm thơ của cây bút trẻ Hồ Nhật Quang


Tác giả Hồ Nhật Quang



PHỐ ĐÊM

Phố đêm lạc bước mình tôi
Tâm tư xao xuyến bồi hồi nhớ ai
Nắng mai đẹp suối tóc dài
Nụ cười như đóa hoa lài tỏa hương.
Phố đêm sao lắm vấn vương 
Đèn mờ giăng lối nhớ thương em nhiều
Nhớ xưa dìu bước bên chiều
Giờ đây đọng lại thật nhiều đắng cay.
Phố đêm giờ đã đổi thay
Tình yêu ngày ấy còn đầy trong tim
Vu vơ lạc bước đi tìm
Người xưa đâu thấy, để tim lặng sầu ...


NHỚ MÃI CÂU THỀ

Tạm biệt Huế, chân rời xa
Miền Nam cất bước, quê nhà nhớ thương
Lòng tôi còn mãi vấn vương
Phương xa ngày nhớ, đêm thường nằm mơ.
Đêm nay lòng thấy bơ vơ
Nhớ ai ánh mắt đang chờ bên song
Tuy xa lòng mãi ước mong
Sớm quay về lại bên dòng sông xưa.
Sài Gòn sớm nắng chiều mưa
Anh quay về lại cho vừa lòng ai
Bình minh bừng chiếu nắng mai
Anh về chung lối, nào phai lời thề.


CON ĐƯỜNG PHƯỢNG BAY

Hạ về hoa phượng bay bay
Đỏ hồng trên lối, chia tay tan trường
Hoa rơi áo trắng bên đường
Cho lòng thương nhớ vấn vương đêm về .
Phượng rơi trên mái tóc thề
Dáng em thon thả, bên lề đường xa
Hoàng Thành gợi nhớ thiết tha
Trầm ngâm đứng ngắm, mặn mà dáng ai .
Gió đâu bay suối tóc dài
Hoàng hôn buông nhẹ chờ ai ? Em buồn!
"Mưa hồng" từng giọt lệ tuôn
Nhớ căn gác Trịnh nỗi buồn xa xôi.
Người đi đã khuất xa rồi
Nhưng hồn để lại, lên ngôi chốn nầy
Người xưa như vẫn còn đây
Con đường hoa phượng còn đầy xác hoa.




MÙA CHIA TAY

Hạ về phượng đỏ hàng cây
Gió đâu thoảng nhẹ rơi đầy lối đi
Ngày xưa phượng nở mùa thi
Chia tay, lưu bút  viết gì cho nhau.
Bên đường hoa phượng rơi mau
Chia tay ai biết ngày sau thế nào
Nghe lòng thương nhớ xiết bao
Đường hoa phượng thắm, lối vào yêu thương.
Hôm nay trống đổ tan trường
Buồn ơi! lưu luyến vấn vương cõi lòng
Hạ về còn mãi ước mong
Ngàn xưa áo trắng mãi trong tim này.


 Hồ Nhật Quang,
9 Hòa Mỹ - phường Tây Lộc - Tỉnh Thừa Thiên Huế ,
số điện thoại 0935757195



READ MORE - PHỐ ĐÊM - chùm thơ của cây bút trẻ Hồ Nhật Quang

THĂM CHIÊU LINH ĐÀI* - thơ Lê Đăng Mành




THĂM CHIÊU LINH ĐÀI*

Lần chần mãi hẹn về thăm chốn cũ
Thịt xương rời máu chảy lệ hoen mi
Trên những xác người ca mùa hạ cháy
Nhức nhối hoài giục giã bước thiên di

Hằn dấu con đường đạn bom cày xới
Máu trộn chung thân đảy bọc da vàng
Mùa hè đỏ lửa xương phơi trắng hếu
Lụa tre sử lịch ghi nỗi kinh hoàng

Mẹ cùng em chạy tắt triền độông cát
Bước uể oải vì mang nặng bào thai
Bỗng đâu chớp chụp chẻ chia hai xác
Át đạn pháo rền dậy tiếng bi ai !

Em bơ vơ phía Tân Trường Mỹ Chánh
Đầm đìa cút côi dáo dác tìm ai
Chân lê bước theo bầy đàn tan tác
Gởi Mẹ về trụ cõi chiêu linh đài

Con đứng lặng giữa đường xưa ác mộng
Bên hồn người vất vưởng chốn thinh không
Ngũ phần hương xin cúi đầu kính niệm
Nguyện thai bào sanh cặp bến thong dong!
                                           Lê Đăng Mành


*Đài Địa Tạng đoạn đường QL1 “Hải Lăng – Mỹ Chánh”
READ MORE - THĂM CHIÊU LINH ĐÀI* - thơ Lê Đăng Mành

TỰ TÌNH THÁNG TƯ - thơ Lý Đức Quỳnh


                   
Tác giả Lý Đức Quỳnh




                                      TỰ TÌNH THÁNG TƯ
         

            Về đây gạn đục khơi trong
                Một vùng ký ức giữa lòng tháng tư
                Em rong ruổi mộng viễn du
                Xa mùa yêu dấu tù mù bến xưa

                Bổng trầm khúc hát sông đưa
                Con đò rời bến mà chưa sang bờ
                Nổi trôi dòng chảy bơ vơ
                Biết ai tỏ,mượn câu thơ gửi lòng

                Người vui chia đục, chia trong
                Người buồn dan díu con sông chia bờ
                Nớ ni lóng ngóng đợi chờ
                Hai bên cách khoảng một ngờ ngại nhau

                Em thơm son phấn tô màu
                Tình thơm dẫu có bạc đầu vẫn chung
                Bén yêu mắt thắm thẹn thùng
                Duyên trăm năm cuộc biển trùng phối hôn
               
                Biện bày bữa tiệc vô hồn
                Chào rao cửa miệng dại khôn ở đời
                Tâm tư riêng giọt ngậm ngùi
                Mâm vàng hạnh phúc thấm mùi xót xa

                Tháng tư sông nước phù sa
                Đục trong lắng đọng chan hòa vào chung
                Về đây mở hội trùng phùng
                Hai bờ tình tự một dòng quê hương…

                Lửa cời bếp nhóm yêu thương
                Tình trong đã đượm dễ thường làm ngơ !

                                Lý Đức Quỳnh
                                ĐN-8/4/2015
         
READ MORE - TỰ TÌNH THÁNG TƯ - thơ Lý Đức Quỳnh

Lễ VESAK 2015: ĐỨC PHẬT VỀ NHÂN BẢN & GIÁC NGỘ - Tuệ Như (Mặc Phương Tử)



Lồng đèn trang trí đường phố ở  Sri Lanka để chào mừng Lễ Vesak 


ĐỨC PHẬT
VỀ NHÂN BẢN & GIÁC NGỘ
·     Lễ VESAK 2015

Mãi cho đến tháng 12 năm 1999 mới được công nhận và tuyên bố Đại lễ Phật Đản Quốc tế (lễ Vesak – Tam hợp) tại trụ sở Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, New York City (Hoa Kỳ) vừa qua.

Mặc dù Đức Phật đã xuất hiện trên hành tinh trái đất mà chúng ta đang có mặt nầy đã hơn 2.559  năm về trước, và hiện nay đang bước sang thập niên thứ 2 của thế kỷ thứ 21. Thế kỷ mà phần nhiều mọi người đều cho rằng : sự vươn mình lên tầm đỉnh phát triển khoa học, kỷ thuật, văn minh trong đời sống xã hội con người, và cũng có một số quan điểm cho rằng : thời kỷ phát triển của “Văn hóa tâm linh” từ các thể thức tôn giáo, trong đó có phần phát biểu của người theo Đạo Phật.

Tổ chức Liên Hiệp Quốc dù không công bố, hay chưa có cơ hội công bố, thì giáo lý Đức Phật nghiễm nhiên từ xa xưa cho đến ngày nay cũng đã trở thành một Thông Điệp tình thương, bình đẳng và trí tuệ, luôn thể hiện tính cách tôn trọng sự sống, không những cho loài người mà còn cho cả muôn loài. Nhất là giữa con người với con người khi được có mặt trong cộng đồng xã hội, mà trước đây là xã hội phân chia giai cấp một cách rạch ròi của Ấn Độ, khi ấy Đức Phật đã tuyên bố :

“Không có giai cấp trong dòng máu cùng đỏ,
trong dòng nước mắt cùng mặn.”

Càng tiến xa hơn, như một tuyên ngôn giải phóng và giải thoát những điều đã và đang đè nặng một cách lầm lỳ chấp thủ cố hữu của một lớp người không những trước đây và ngay cả bây giờ, một khi họ đang đứng trong địa vị, giai cấp, hay dòng họ nào đó, và nhìn sang một giai cấp, dòng họ khác bằng một cái nhìn thiển cận thấp kém, có chiều xu hướng theo truyền thống, tập tục.v.v… nhẹ tưng bởi từ những chất liệu thiếu ý thức nhân tính. Chính vì lẽ đó mà Đức Phật, lại một lần nữa xác định tính nhân bản trong đạo lý từ bi và trí tuệ của Ngài :

“Bần tiện không vì sanh,
 Phạm chí không vì sanh,
 Do hành sanh bần tiện,
Do hành sanh Phạm chí.”
                                       Kinh Tiểu bộ I

Và cũng chính bắt đầu từ đó, giáo lý Đức Phật như một hệ thống thanh lọc dẫn máu để nuôi dưỡng sự sinh tồn toàn mãn đến cơ thể của nhân loại đã có tự ngàn xưa và cho đến tận ngàn sau nữa. Do đó, trước khi tổ chức Hội Đồng Liên Hiệp Quốc công bố Phật Đản Quốc tế, chúng ta có dịp nghe những lời phát biểu hữu ích từ các nhà thức giả nói về Đức Phật như sau : “ Tinh hoa của Đạo Phật là cho con người có được Hòa bình, Từ bi, Thông cảm, Hiểu biết, Bất bạo động và Bình đẳng” (Narendra Bikrana Shait). 

Tất cả những cốt lõi ấy từ hơn 2.500 năm nay, đã thật sự tác động và tưới tẫm lên hằng triệu triệu tâm hồn trong mọi lảnh vực sinh hoạt từ xã hội của con người, và do con người bằng nhận thức hiểu biết trước sự vận hành của thế giới vật chất, một quỷ đạo gần như duy nhất mà tất cả mọi sinh loại đã và đang sống hay sẽ sống phải bị rơi vào trục quay cuốn cuồn điên đảo, bởi do lực hấp dẫn cảm thụ, nguyên nhân phát sinh mọi khổ đau, và cũng từ đó lại tạo thêm nhiều khổ pháp theo từng chập ác tư duy ngay thời gian hiện tại.

Trở lại vấn đề Nhân Bản; đó là tinh thần đạo đức bao dung, tự do hòa hợp từ trong lương tâm đến và cho sự cộng sinh của nhân loại. Xét thấy tính Nhân Bản hay Nhân Văn, nó phải được vượt thoát ra ngoài hình thức lề lối biện hộ về phong tục, tín ngưỡng.v.v…  Nó chỉ được nói đến hay tán đồng bởi từ những nhận thức về chất liệu thiện chí hiểu biết đạo đức, kết nối lương tri và lương tâm qua cộng đồng của con người. Tính Nhân Bản ấy được xem là giải pháp tồn tại lâu dài cho nhân loại, và tất nhiên không thuộc phạm vi giáo điều mặc khải, hay sự ước lệ quyết đoán nhân danh của một thần linh huyền ký nào.

Từ lảnh vực hoạt động trong xã hội con người, nhất là trong những thời kỳ cận đại và hiện đại nầy, tinh thần nhân bản được hiểu qua một số ý nghĩa như sau :

1/- Được nói đến thực tính Tình thương và Hạnh Phúc
2/- Đề cao phẩm chất con người.
3/- Tôn trọng sự phát triển khả năng kiến thức của con người.
4/- Tôn trọng tính sáng tạo
5/- Tôn trọng và đề cao sự hiền thiện của con người.

Trong khi tính Nhân bản ngày càng phát triển và tôn trọng trong xã hội, cũng chính là sự phát triển ý thức trong sáng tự do, bình đẳng, hạnh phúc và nhân phẩm bằng ý tưởng lành mạnh được ngang qua chiều hướng thượng. Do đó, việc họa phước, lành dữ, tốt xấu.v.v… không tự dưng ai ban cho hay giáng đến, mà là do ;

“Họa phúc vô môn
Duy nhơn tự triệu”.

Cùng thế ấy, với sự cảnh tỉnh qua lời dạy của Ngài Bồ tát Shantideva (Tịch Thiên):

“Khi một ý xấu vừa manh nha, biết ngay tai họa của nó, ta liền giữ chánh niệm, như cây bám chặt rễ vào đất” (Nhập Bồ Tát Hạnh – 34).

Đây là một trong những yếu tố nhân bản, mà cũng là ý thức giác ngộ giữa muôn trùng pháp duyên sanh diệt nơi thế gian để đưa đến hạnh phúc hay đau khổ, hiển thị tình thương hay hận thù… Thế nhưng, trước bao sự kiện và hiện tượng trong cuộc sống luôn chuyển động không ngừng thay đổi theo từng chập thời gian sanh hóa và tiêu tàn. Đồng thời, kiến thức nó luôn phân định, so sánh bởi những tư duy chủ nghĩa, tôn giáo, tông phái , đảng phái, chủng tộc, ta người. Nó luôn là sự chất chồng kết tập để trở thành thói quen nô lệ, kết quả từ dục tham, dục tưởng mà ra. Chính nó là đặc tính từ lòng tham lam, nó luôn là sự phân biệt khách chủ, vinh nhục, được mất, tốt xấu, đòi hỏi và từ chối, phấn khởi và thất vọng.v.v… rồi dẫn đến những cuộc đấu tranh, khổ vui, xây dựng và tàn phá…

Qua một vấn đề khác, gần đây có cụm từ được đề cập đến khá phổ biến, đó là : “Văn hóa tâm linh” , một khi có cơ hội kiến tạo một cảnh quan du lịch mà trong đó có chịu phần ảnh hưởng đến hình thức tín ngưỡng, hay xây dựng một bảo tượng Đức Phật, Bồ Tát.v.v… thì được xem đó là thời kỳ phát triển “Văn hóa Tâm Linh” hay “Du lịch Tâm linh”. Thiết nghĩ, “văn hóa tâm linh, hay du lịch tâm linh” không phải chỉ có cách nghĩ đơn thuần qua hiện tượng như thế, nói một cách khác; nó có thể trở thành cái vỏ khổng lồ mà thực chất bên trong là trống ruột.

Điều ấy cho chúng ta thấy rằng : Nó phải được nhiếp tâm tu tập, có mang lại hệ quả và hiển lộ của sự tu tập, nó phải được thành tựu phạm hạnh  qua các pháp của bậc Thánh, hay đang lạc trú từ các pháp của bậc hữu học từ phía tác nhân. Tức nhiên, nó phải được vuợt thoát ngoài vòng lẩn quẩn tính toán lợi hại hơn thua.v.v… Khi một trong những ý niệm ấy có manh nha trong việc kiến tạo, xây dựng nói trên, thì bấy giờ chưa thật sự đúng nghĩa “Văn hóa tâm linh” .

Một điểm khác nữa, cho rằng thời kỳ phát triển Văn hóa tâm linh, ở đây chúng ta có thể nói rằng; hiện nay là thời kỳ mà chúng ta đang phát tâm hướng vọng, chiêm ngưỡng, lễ bái và hấp thụ đến sự thành tựu “Văn hóa tâm linh” từ Đức Phật, Chư Bồ Tát, Lịch Đại Tổ Sư, Thiền sư, và các bậc tiền hiền trước đây đã để lại như một công trình siêu vượt vĩ đại cho vũ trụ và nhân sinh. Chúng ta có thể hiểu qua công trình vĩ đại tâm linh ấy, như :

“Với ai các tùy miên
Hoàn toàn không hiện hữu
Các nguồn gốc bất thiện
Được nhỗ lên trừ sạch…” Kinh Tiểu bộ 1.

Những pháp có năng lực đem lại sự thanh tịnh, bình an trong suốt, phải được minh chứng ngang qua hành động sinh hoạt hằng ngày trong cuộc sống, nó không còn là ngôn thuyết cho lý tưởng, mà nó phải là hiện thực tại đây và bây giờ. Một hôm tại khu rừng Gosinga, nơi đây có chư Thánh đệ tử của Phật, và được hỏi đến, làm thế nào để được chói sáng khu rừng Gosinga nầy ? Một trong những Tôn giả, đó là Ngài Ananda  trả lời như sau : “… vị tỷ kheo nghe nhiều, gìn giữ điều đã nghe, tích tụ điều đã nghe… Nói lên phạm hạnh hoàn toàn thanh tịnh… những pháp ấy được ý tư duy, được tri kiến khéo quán sát… Với mục đích đoạn trừ mọi tùy miên… Tỷ kheo nầy có thể làm chói sáng khu rừng Gosinga nầy” (Trung Bộ 1, 32).

Như vậy, “…Với mục đích đoạn trừ mọi tùy miên…”  chính là những diệu pháp, thắng pháp để xây dựng nền tảng vĩ đại “Văn hóa tâm linh”. Từ khi Phật và chư Thánh đệ tử, cũng như chư lịch đại Tổ Sư, Thánh Tăng, các bậc tiền hiền đã lần lượt nhập diệt cho đến nay. Nhưng vẫn luôn luôn thắp sáng, rực sáng, chói sáng bằng những diệu pháp thù thắng, vẫn thường hằng đem lại nguồn lạc pháp thanh tịnh bình an, vượt thoát mọi khổ đau cho chúng sanh, chư thiên, và loài người, đều khởi nguồn từ Văn hóa tâm linh ấy.

Để kết thúc bài viết hướng về ngày Đức Phật thị hiện vào đời, chúng ta cùng đọc lại lời dạy của Đức Phật như sau : “...Dục hỷ là căn bản của đau khổ, từ hữu, sanh khởi lên, và già và chết đến với các loài sinh vật.” (Trung Bộ I, 1).

Ít nhiều qua sự cảm nhận chơn lý sâu xa ấy trong mỗi lúc hiện tại, đó cũng chính là Đức Phật luôn thị hiện và du hóa vào đời, chớ không phải chỉ một lần cách đây trên 2.500 trước.

                           Louisiana, New Orleans,  15.04. 2015.
                               TUỆ NHƯ (MẶC PHƯƠNG TỬ)


READ MORE - Lễ VESAK 2015: ĐỨC PHẬT VỀ NHÂN BẢN & GIÁC NGỘ - Tuệ Như (Mặc Phương Tử)

DỖI HỜN, ĐỀN EM - thơ Phạm Phan Hòa




DỖI HỜN

Em giận cho má thôi hồng
Em hờn bỏ một khúc sông lặng lờ!
Em làm ngơ - gió ơ hờ
Thổi xa xăm mặc dại khờ tóc buông.
Gót hồng lẻ lối tình suông,
Bờ mi ướm giọt mắt buồn nhẹ rơi

PPH
2012.



ĐỀN EM

          * Ngày xanh sao vội qua? Với
           những yêu thương khạo khờ!
           Nước mắt học trò còn nhòe trên
           trang vỡ cũ... cùng nhạt nhòa
           hai tiếng đền em phải không
           Thúy ơi?

Xin là nắng giữa ngày mưa,
Đền em một thủa má chưa ửng hồng...
Xin làm đò xót bến sông
Tiễn em ngày cũ... lấy chồng trông theo.
Đền em một đời chia li
Ta hoài tô nét xuân thì nơi em
Đền nỗi buồn không dài thêm,
Canh thâu ấm giọt môi mềm giọng ru
Ngủ đi em lời thiên thu
Ta trôi bờ bãi xa mù nhớ em!
Đền như mọi ngày có thêm
Niềm vui hạnh phúc- mượt mềm tình say.

                             Phạm Phan Hòa

                             Quảng Nam- 2015.
READ MORE - DỖI HỜN, ĐỀN EM - thơ Phạm Phan Hòa

ĐỘC DƯỢC - thơ Trần Hữu Khả




ĐỘC DƯỢC

Ta bỏ ta đi... đã  từ lâu lắm
Khi con trăng vừa chạm đáy lung linh
Phớt son môi chưa đủ màu toan tính
Em vẫn quanh đây bước nhỏ thật thà
Mắt biếc môi hồng mềm lòng cầu tạ
Áo lụa tóc mây ngây dại thất thần
Say thực sầu hư vẽ vời ngớ ngẩn
Em cứ mặc ta lộng lẫy từng ngày
Độc dược ngấm dần si mê bùng cháy
Mật ngọt quàng vai dụ dỗ đoàn viên
Nuôi cuộc tương phùng bèo mây đại yến
Ta khóc tay trần em thẹn chân son
Bước nhỏ ngại ngần xa dần đưa đón
Áo lụa tóc mềm cuống quít người dưng
Ở  lại một mình thấm đòn rẻ rúng
Ngọt mật di căn thương nhớ cùng đường
Cạn đáy chưa vơi chén tình vô lượng
Đau quá một lần độc dược kề môi
Bày biện phấn hương chờ ai ngày hội
Em của người ta biệt xứ không về
Ơi chiếc lá nhỏ đan vòng nguyệt quế
Còn có mùa sau nhảy múa trên cành
Lạc giữa trăm năm một ngày ráo tạnh
Thoáng bóng em qua bước nhỏ thật thà…


                               TRẦN  HỮU  KHẢ


Tác giả: Trần Hữu Khả
Sinh năm: 1961
Địa chỉ: K95/10 Bà Huyện Thanh Quan- Đà Nẵng
Nghề nghiệp: Tự do
Số ĐT: 0903507075 
READ MORE - ĐỘC DƯỢC - thơ Trần Hữu Khả