Tác giả Hoàng Đằng
HẾT TẾT RỒI! CHIA TAY BẠN
Nụ năm nay tròn 03 tuổi. “Nụ” là tên gọi do bà ngoại đặt cho, chứ còn “tên tục” đặt ra vào lễ “khẵm tháng”, ghi vào giấy khai sinh tại sổ của hộ tịch phường thì hiện giờ người ngoài chưa biết.
Bà ngoại Nụ, dù sao, cũng thuộc lớp người “tiến bộ”, lựa cái tên Nụ để mong cháu mình sẽ phát triển nở nang dần như một nụ hoa hay một chồi cây.
Bảo rằng bà tiến bộ vì bà không còn giữ cái quan niệm như xưa. Trước đây, ở làng này, nhà nào đẻ con trai, thường gọi tên là Cu, thậm chí là “Địt”, là “Đái”, là “Cứt”; nhà nào đẻ con gái thường gọi là “Đoóc”; đứa đầu là “Cu Nậy”, “Đoóc Nậy”, đứa kế là “Cu Con”, “Đoóc Con”, đứa thứ ba là “Cu Thí”, “Đoóc Thí” …; việc chọn những từ “tục tĩu” ấy phát xuất từ lý do tốt lành. Do y học chưa phát triển, do ăn uống thiếu dinh dưỡng, do môi trường mất vệ sinh, ở nhiều cặp vợ chồng, mười lần sinh mà chỉ hai, ba lần nuôi được trưởng thành, còn chết hết, không vì bệnh này thì vì tật khác; mê tín dị đoan cho rằng chết là bởi ma quỷ thấy mặt mày trẻ kháu khỉnh, nghe tên gọi trẻ hay, đẹp, tới bắt cóc; thế nên người ta đặt tên con bằng những từ gợi lên sự nhớp nhúa để ma quỷ thấy gớm, lánh xa; rồi con sẽ dễ nuôi hơn.
Bà ngoại Nụ không tin như thế; có phải do bà không tin mà đời Nụ sớm bất hạnh không nhỉ? Như nụ chưa thành hoa, nụ chưa thành nhành, bé Nụ đã mang khuyết tật sơ sinh.
Cái thai hình thành Nụ trong bụng mẹ quá to, bất thường. Mẹ Nụ là con gái mới lớn mà cái bụng ưỡn ra trước kéo cái lưng oằn thành một đường cong lõm, ai cũng tưởng mẹ Nụ sẽ sinh đôi, sinh ba. Ngày lâm bồn, những cơn đau đẻ khiến mẹ Nụ la bai bải, mặt tím tái; cái đầu Nụ ra rồi mà cái thân còn kẹt ở cửa mình, khoảng cách giữa hai vai quá rộng cản bé Nụ không thể lọt qua để tuột ra ngoài, dù bác sĩ sản khoa đã bấm mở tầng sinh môn.
Sự sinh khó ấy gây tổn thương đám rối thần kinh cánh tay trái. Khi Nụ biết đi, cái tay trái rơi thõng xuống ở tư thế khép và xoay trong; khuyết tật ấy, theo các nhà y học, là hội chứng Duchenne – Erb. Tội lắm! Mỗi khi Nụ đi, chân Nụ bước mà tay không “đánh xa”; Nụ không giống với những trẻ bình thường. Trông thấy Nụ, thay vì hưởng niềm vui có cháu, gia đình bên nội cũng như bên ngoại mang nỗi buồn – nỗi buồn chỉ âm ỉ thôi, không ai nói ra vì nói ra sợ “tội” cháu.
Bà ngoại Nụ góa chồng khi mới sinh mẹ Nụ - người con gái duy nhất.
Tuổi dậy thì, mẹ Nụ xinh gái, dáng người dong dỏng cao, khuôn mặt trái xoan điểm đôi má hồng hồng. Tuy xuất thân từ một gia đình nghèo, neo đơn, mẹ Nụ vẫn được nhiều trai đeo đuổi, kể cả những trai con nhà giàu có, trong đó có ba Nụ.
Ba Nụ là con một quan chức cao cấp; tốt nghiệp đại học, ba Nụ được sắp xếp làm việc cho một tổ chức nước ngoài vào đầu tư kinh doanh ở nước ta.
Về môn đăng hộ đối, ba Nụ lấy mẹ Nụ không xứng; ông bà nội Nụ đã can ngăn, răn đe, nhưng sự thôi thúc của con tim không gì cản nỗi, như ngọn lửa rừng gặp mùa hanh khô bùng phát do sự bồng bột của tình yêu, do sự thèm khát sắc dục của tuổi trẻ.
Một tối nọ, trong bữa cơm, khi gia đình bàn về chuyện hỏi vợ, ba Nụ đã nói thẳng với ông bà nội Nụ như một lời đe dọa:
- Con chỉ yêu con bé ấy (mẹ Nụ), ngoài ra con không thể yêu ai nữa; nếu ba mạ không đồng ý, con sẽ giải quyết đời con bằng hai cách: một là con sẽ sống độc thân trọn đời, hai là con sẽ kết liễu đời con; kết liễu như thế nào thì con xin được phép giữ bí mật. Con xin ba mạ đừng nói chi thêm nữa!
Cuối cùng, “đất không nghe trời thì trời phải nghe đất”, ông bà nội Nụ đành chấp nhận hỏi và cưới mẹ Nụ cho ba Nụ.
Không những lùi bước trước con mình, ông bà nội Nụ còn lùi bước trước đòi hỏi của thông gia tức là bà ngoại Nụ.
Bà ngoại Nụ mừng là con gái mình lấy được chồng trong một gia đình danh giá. Tuy nhiên, mừng mà cũng lo, bà nghĩ: “Nhà mình nghèo hèn, con gái mình lại ít học, về làm dâu chắc gặp nhiều khó khăn; việc bếp núc sử dụng đồ nấu nướng bằng điện, bằng ga; việc nhà sử dụng máy móc hiện đại, nào là máy hút bụi, máy giặt, máy rửa bát … con mình chưa biết vận hành, lớ ngớ, làm sao đây? Cách nói năng, thưa trình trong môi trường phú quý con mình chưa được giáo dục, chưa trải nghiệm, e sẽ vấp váp, chịu tiếng bấc tiếng chì.” Bà còn nghĩ thân phận riêng của mình: “Con đi lấy chồng rồi, mình sống đơn độc, buồn e không chịu nỗi! Lại còn lúc the da nóng chắc, ai săn sóc; lúc mưa sa nước sỉa, ai phụ giúp chống đỡ cửa nhà và sau này già yếu, ai nuôi dưỡng đây.”
Hôm ông bà nội Nụ sắm lễ đi hỏi mẹ Nụ; trước các vị đại diện hai họ, bà trình bày nguyện vọng của bà:
- Tui chỉ có một đứa con gái; tôi rất vui mừng về việc nó đi lấy chồng, nhưng … từ trước đến giờ, tôi nuôi ý định nuôi rể, nghĩa là chàng trai nào đồng ý lấy con gái tui sẽ ở đây cả vợ lẫn chồng để sau này lo cho thân già của tui. Đó là nguyện vọng của tui, mong bên nhà trai soi xét và chấp thuận.
Ông bà nội Nụ nghe đề xuất của bà ngoại Nụ, bất ngờ, bối rối, liền quay qua hỏi ý kiến của mấy vị chú bác đi cùng. Trong tinh thần xây dựng, một ông chú đưa ra ý kiến:
- Anh chị có đến ba con trai, thôi, cho một thằng ở lại đây, thỏa mãn nguyện vọng của chị thông gia.. Nếu anh chị không đồng ý, cưới xong, vợ chồng chúng nó cũng chỉ ở với anh chị một thời gian, sau đó, anh chị phải mua đất làm nhà riêng cho chúng, chả lẽ ba thằng, một khi có đủ vợ con rồi, vẫn ở chung một nhà!
Nghe lời góp ý chí lý, bà nội Nụ nghĩ thầm: “Ông nói có lý; thời buổi này, mua một miếng đất đủ lập một cơ ngơi đâu phải ít tiền.”; rồi ông nội Nụ phát biểu, rõ từng từ một:
- Dù gia đình chúng tôi không khó khăn gì trong việc lập nhà cửa riêng cho con và dâu, chúng tôi vẫn tôn trọng ý nguyện của bên chị; trong tình thông nghị, sự thông cảm hoàn cảnh nhau rất quan trọng, cần để lên hàng đầu.
Nhà bà ngoại Nụ ở vùng quê đang trên đà đô thị hóa. Khắp nước Việt Nam, việc đô thị hóa các vùng quê diễn ra ồ ạt, đến nỗi dưới mắt người nước ngoài, cả nước ta là một công trường xây dựng.
Trước đây, một đô thị phải mở lấn về vùng quê là vì dân trong đô thị đông, hết đất ở; gia đình nào có con cái ra riêng, có nhu cầu xây dựng nhà cửa thì tự ra vùng ven, tìm nông dân chủ đất, thương lượng mua nhiều ít đất tùy theo khả năng tài chánh; mua xong, tiến hành xây dựng ngay; đô thị hóa thời ấy mang tính nhỏ lẻ, tiệm tiến; nhờ thế, miếng đất nào xây dựng thì xây dựng, còn những miếng đất còn lại canh tác cứ canh tác, không có đất để hoang hóa. Bây giờ thì khác, việc đô thị hóa thuộc kế hoạch của Nhà Nước; Nhà Nước đang muốn biến nước ta chóng thành một nước văn minh hiện đại mà một trong những thành tố quan trọng của văn minh hiện đại là dân cư đô thị phải chiếm phần trăm lớn trong tổng dân số. Những cánh đồng – nguồn sinh sống của nông dân từ đời này sang đời khác – được Nhà Nước thu hồi - nông dân chỉ có quyền sử dụng mà không có quyền sở hữu - rồi cho san lấp, tạo mặt bằng, phân lô, đấu giá. Đã có trường hợp là nhiều khu gia cư lớn quy hoạch rồi, nhiều đợt đấu giá đã tiến hành mà đất vẫn còn lắm lô; lại có trường hợp là một số đại gia bỏ tiền ra mua cả một vùng nhiều lô bán lại dần từ năm này qua năm khác kiếm lời; thành thử, đất thì nằm chờ, bỏ hoang mà nông dân thì không còn đất canh tác. Nhiều vùng ven thị trấn, thị xã, thành phố trông rất nham nhở, chỗ này nhà mới xây, chỗ kia lau lách mọc um tùm, chỗ nọ nhà của dân bản địa xệch xạc vì nghèo hoặc vì đang nằm trong vùng quy hoạch, không được phép sửa chữa, nâng cấp.
Bà ngoại Nụ là dân bản địa, ngôi nhà xuống cấp trầm trọng, không chỉnh trang là do nghèo; tường xây gạch từ hồi nào đến giờ chưa tô; mái lợp tôn rỉ rét; cửa lớn, cửa sổ xệch xạc, màu sơn cửa bị ghét bẩn bám lem luốc; đường dẫn đến nhà, về mùa khô, bụi cuốn mù trời, về mùa mưa, bùn sền sệt lầy lội, những vũng nước đọng trong các ổ gà, thậm chí ổ trâu, ổ voi, bắn tung tóe khi xe chạy qua. Mà số lượng xe hàng ngày không phải là ít: nào xe đổ đất lấp ruộng tạo mặt bằng, nào xe chở vật liệu: cát, sạn, ciment, sắt, thép xây dựng, nào xe tải chở hàng buôn, lợi dụng vùng ven vắng bóng công an kiểm soát, về đổ hàng …
Nhà lại thiếu đủ các thứ tiện ích hiện đại, không tủ lạnh, không điều hòa, không bàn ghế tiếp khách, không có nơi ngủ nghỉ kín đáo, không toilet khép kín sạch sẽ … Sống trong môi trường và hoàn cảnh ấy, chỉ một thời gian ngắn sau, ba Nụ thấy không thoải mái; cùng lúc, sắc đẹp mẹ Nụ nhạt dần; lâu ngày, tình dục nhàm chán, tình yêu vơi cạn. Mẹ Nụ lại thuộc loại đàn bà khó tính, xưa dịu dàng, gọi dạ bảo vâng, giờ thì đanh đá, thích tranh cãi những chuyện không đâu vào đâu, những chuyện không dính dáng gì đến mình. Vẫn biết vợ chồng “tuy hai mà một”, dù vậy, có lúc vẫn cứ là hai: “Mình với ta tuy hai mà một; ta với mình tuy một mà hai.”; mẹ Nụ luôn đòi hỏi phải được biết bất cứ việc gì mà ba Nụ làm dù những việc ấy không ảnh hưởng gì đến quyền lợi của mình; mẹ Nụ đay nghiến mỗi khi ba Nụ đi làm về trễ năm mười phút, mẹ Nụ sỉnh mặt mỗi khi ba Nụ mời một người bạn về nhà uống vài loon bia. Dưới mắt Ba Nụ, mẹ Nụ trước đây dễ thương bao nhiêu thì nay dễ ghét bấy nhiêu, lại thêm thấy Nụ khuyết tật, không lành lặn như con nhà người ta; nỗi chán này chồng chất lên nỗi chán khác, ba Nụ không muốn và không thể sống chung với mẹ Nụ nữa, xin công ty thuyên chuyển đi xa, cắt đứt liên lạc với mẹ Nụ; khi ấy, Nụ hơn một năm tuổi.
Mẹ Nụ buồn, không thể quanh quẩn xó nhà để nỗi buồn ray rứt mãi; it lâu sau, mẹ Nụ để Nụ lại cho bà ngoại chăm sóc, vào Nam làm công nhân may công nghiệp vừa kiếm kế mưu sinh vừa sống cùng đồng nghiệp mong vơi dần nỗi buồn.
Thu nhập hàng tháng “ba cọc ba đồng”, áp lực công việc cao, nơi đô thị, mức chi phí cho sinh hoạt lớn, mẹ Nụ tần tiện lắm mới gởi về cho hai bà cháu trên dưới 1,000,000 đồng mỗi tháng. Ở quê, bà cháu sống chật vật lắm.
Thấy Nụ khổ, thiên hạ bàn tán, thắc mắc: “Tại sao ông bà nội Nụ không đưa Nụ về nuôi?”; có người lý giải: “Theo cách nghĩ của một số người địa phương, nhà có con cháu khuyết tật, người ngoài có thể bêu giếu ấy là do Trời phạt đời trước ăn ở ác nghiệt, thành thử ông bà ấy lơ luôn, không muốn nhận Nụ là cháu mình.”
Tết Bính Thân này, công nhân không có tiền thưởng Tết, tiền tàu xe lại tăng, mẹ Nụ không mua được vé tàu, vé xe về ăn Tết cùng mẹ và con; trước đó, bà ngoại những tưởng mẹ Nụ sẽ về và ngày về thế nào cũng có quần áo mới cho Nụ. Giờ Tết rồi, thấy con vắng nhà, cháu rách rưới, bà thường ngồi tựa cửa nhìn ra, vẻ mặt buồn rũ rượi, nước mắt lưng tròng.
Trước Tết, những ngày trong tháng Chạp, trời trở lạnh bất thường – cái lạnh nhiều năm rồi chưa từng có; ngày nào, Nụ cũng mặc cái áo trắng điểm bông tím cụt tay, cái quần vải màu cà phê sữa cụt ngang đầu gối; bộ quần áo lâu ngày không được giặt giũ, trông bẩn lắm; mùi phân, mùi nước tiểu do bà ngoại lau chùi không thấu đáo mỗi khi Nụ “đi ngoài”, từ người Nụ, bốc lên nồng nặc. Những đứa trẻ cùng xóm thấy Nụ tránh xa, không đứa nào muốn chơi với Nụ. Hễ Nụ tới gần bọn trẻ đang chơi, đứa thì xua đuổi, đứa thì bỏ đi …
Cũng may, trong những ngày Tết, ở nhà bên cạnh – ngôi nhà lầu mới xây xong cách đây ba tháng - ông bà chủ nhà có hai đứa cháu ngoại ở xa về ăn Tết cùng. Hai đứa đều là gái, đứa chị lớn hơn Nụ vài tuổi, đứa nhỏ ngang tuổi Nụ; Nụ mò qua chơi và không ngờ … được phép hòa nhập.
Để hai cháu mình có bạn, bà chủ nhà tốt bụng, nấu nước ấm tắm rửa cho Nụ, đem quần áo cháu nhỏ mình cho Nụ mặc; đến bữa cơm, ba đứa cùng ăn, bi bô chuyện trò vui vẻ; ông chủ nhà mua cho mỗi đứa một cái bong bóng thổi căng thành hình con khỉ có dây dài buộc vào một que nhựa để cầm chơi. Trời nắng ấm, ba đứa trẻ kết bạn, chạy lui chạy lại giữa sân, hai cháu của chủ nhà cầm que bằng hai tay, còn Nụ chỉ cầm được một tay. Bà ngoại Nụ ra đứng giữa sân nhà bà, nhìn qua, nụ cười nở héo hon trên môi khô nứt từng vết.
Nụ không còn bị cách ly như khi tìm đến chơi với những đứa trẻ trong xóm trước đây. Nụ đang hưởng được những ngày Tết vui vẻ.
Sáng nay, mồng 7 Tết, ba mẹ của hai bạn cùng chơi với Nụ đến đón con về. Ông bà đi xe hơi – chiếc xe 4 chỗ ngồi sơn màu đen, nước sơn còn bóng láng.
Nghe tiếng còi xe, hai bạn Nụ chạy ùa ra cổng, bỏ Nụ lại một mình; Nụ lẽo đẽo bước theo sau.
Ông bà xuống xe, dang rộng hai tay, bạn lớn Nụ nhào vào lòng ba, bạn ngang lứa Nụ nhào vào lòng mẹ; Nụ đứng lẻ loi, nhìn …
Ông bà ôm con, nựng lên, hôn vào tóc, vào má; Nụ đứng nhìn, hai giọt nước mắt lăn xuống hai bên sóng mũi.
Ông bà bế hai con vào nhà, nói cười cùng ông bà hai con mình; không khí một nhà đầm ấm, thân thương, Nụ đến bên cửa, nhìn … ngây thơ thèm khát.
Rồi bốn người của gia đình bạn Nụ lên xe, đi; Nụ bắt mắt nhìn theo; xe khuất dạng sau khúc cua cuối xóm. Nụ thả - hay lơ đễnh để tuột - cái bong bóng đang cầm trên tay bay lên trời. Nụ hết nhìn theo xe, lại nhìn cái bong bóng, xa dần, xa dần.
Nụ lủi thủi về nhà bà ngoại, cái tay khuyết tật thòng, kéo vai một bên thấp xuống; Nụ bước đi một cách bất đắc dĩ, nặng nề như bị vật gì vô hình cản trở, vướng mắc, trì trĩu.
Nụ còn quá nhỏ, chưa biết được cái vật vô hình đó là gì. Thật ra, ấy là sự bồng bột trong yêu đương rồi dẫn đến thiếu thủy chung trong tình nghĩa vợ chồng của ba mẹ Nụ.
Nụ nhìn ra ngõ, chẳng thấy chiếc xe, chỉ nghe chốc chốc vang tiếng còi nhỏ dần, Nụ nhìn lên trời, chiếc bong bóng đang lơ lửng trên cao rồi mất hút.
Xe và bong bóng về đâu, thế hở Nụ?
Hoàng Đằng
10/Giêng/Bính Thân (17/02/2016)