Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, November 16, 2014

Thế Lộc đọc CHỐN TÌNH XA trong Tuyển tập thơ QUÁN TRỌ của NGUYỄN MIÊN THƯỢNG





Đọc CHỐN TÌNH XA trong Tuyển tập thơ QUÁN TRỌ của NGUYỄN MIÊN THƯỢNG
    
     CHỐN TÌNH XA

Sau mười năm ta trở lại Gò Dầu
Em xưa đã cõng tình qua bến khác
Hàng thốt nốt lặng im chiều xơ xác
Nắng nung người gió thổi rát tim đau

Chuyện hôm qua theo dòng chảy qua cầu
Ta đứng lặng ngẩn ngơ chiều thị trấn
Ngõ nhà em từng hành ta mấy bận
Hôm nay về sao quá đổi thênh thang

  Hàng rào xinh chừ thiếu bóng hoa vàng
Cây Dâm bụt sợi bìm leo phủ kín
Người xưa đâu? Gió trêu lời kỷ niệm!
Em đã thành cổ tích bữa qua sông...

Ta về nghe lòng trống vắng vô cùng
Đường vạn dặm lão ngựa già mỏi vó
Yêu và xa nhau__tình là thế đó!
Tơ Nguyệt nào xe vụng sợi vô duyên?

Giã biệt Gò Dầu ta cúi chào em
Trả lại Tây Ninh mùa xưa nắng đổ
Mười năm xa nhau hồn ta bỏ ngỏ
Biết ngày nào trở lại chốn... tình xa!?

NGUYỄN MIÊN THƯỢNG


Nhà thơ Nguyễn Miên Thượng


      Đọc Tuyển tập QUÁN TRỌ của nhà thơ NGUYỄN MIÊN THƯỢNG đã gần 2 tháng, 2 tháng ấy biết bao nhiêu biến đổi... Thời gian và lòng người, nhưng sao cứ mãi canh cánh cái Quán Trọ của một con người tài hoa khiếm thị, giữa cuộc sống bộn bề ưu tư và... ngờ ngợ hiểu ra rằng :
     Dẫu biết tình em là Quán Trọ
     Ta còn đau hết mấy mùa trăng.
          ( thơ Thế Lộc gởi NH )
Chẵng trách chi nhà thơ NGUYỄN MIÊN THƯỢNG đã đau thương, đã chết lặng sau 10 năm trở lại Gò Dầu để mong tìm lại hình bóng người xưa với niềm hy vọng nơi CHỐN TÌNH XA
     Sau mười năm ta trở lại Gò Dầu
     Em xưa đã cõng tình qua bến khác
Và NMT thấy trong hồn trống vắng đìu hiu, cảnh vật không xanh tươi như 10 năm tắm mình trong hương yêu người thôn nữ, không biết gió thổi tim đau hay em đã cõng tình qua bến khác đã để lại bao đau rát cho con tim.
     Hàng thốt nốt lặng im chiều xơ xác
     Nắng nung người gió thổi rát tim đau
Chao ôi, Nguyễn Miên Thượng làm ta bàng hoàng quay quắc nhớ thuở 20, ta đã từng qua lại ngõ nhà em mấy bận trong buổi chiều thoi thóp nắng, tiếng lốc cốc của mõ trâu về chuồng chiều tàn tạ, và ... hoàng hôn xuống dần ta lại thắp lên nguồn hy vọng hôm sau...
     Thế nhưng...Dòng đời xuôi đi buồn nhiều hơn vui, Thi hào Lamatine từng ngâm trong bài Khóc Hồ " Vui sao khắc đán, Buồn sao niên tràng " và... Nguyễn Miên Thượng nghe con tim thổn thức đã lạc bước về lại chốn xưa để chứng kiến :
     Chuyên hôm qua theo dòng chảy qua cầu
     Ta đứng lặng ngẫn ngơ chiều thị trấn
Và quay quắc buâng khuâng, nhớ nhung trong nỗi niềm như nhắc nhớ:
     Ngõ nhà en từng hành ta mấy bận
     Hôm nay về sao quá đỗi thênh thang !
Thênh thang nỗi buồn của 10 năm xa vắng, một chút hương thừa cũng theo gió bay đi, ta còn lại gì sau 10 năm cách biệt, hởi em yêu. Hàng Dã quỳ cùng mấy buội Dâm bụt trước cổng nhà em đã không còn hương sắc, thiếu bàn tay chăm sóc từ khi em cõng tình qua bến khác nên dậu đổ bìm leo, để giờ đây anh trở về nghe tim mình đau nhói:
     Hàng rào xinh chừ thiếu bóng hoa vàng
     Cây dâm bụt sợi bìm leo phủ kín
Bước qua cổng nhà em anh cố mường tượng chiếc áo dài trắng cùng bờ tóc nghiêng vai mà hôm nào 10 năm anh đã vuốt nhẹ để nghe mùi hương Bồ kết thoang thoảng trong tâm tư. 10 năm, một khoảng đường không dài không ngắn, nhưng 10 năm đã quá nhiều đổi thay để hôm nay ta ngỡ là cổ tích để cuộc tình cứ thế trôi đi__trôi đi như chiếc lá xuôi dòng chiều thị trấn.
     Người xưa đâu? gió trêu lời kỷ niệm!
     Em đã thành cổ tích bửa qua sông...
Trách ông Tơ bà Nguyệt hay trách ta, trách gì thì cũng đã xa tầm tay với, người yêu đã sang sông theo chồng, với hạnh phúc đong đầy bên người chồng mới. Ta lang thang nơi Gò Dầu cùng tấm thân bạc thếch sau 10 năm bương chải, thân ngựa già qua quá đổi gian lao, nay đã mõi vó xuôi bờm về Tây Ninh mong tìm nơi bến đổ.
     Ta về nghe lòng trống vắng vô cùng
     Đường vạn dặm lão ngựa già mỏi vó
     Yêu và xa nhau__tình là thế đó!
     Tơ Nguyệt nào xe vụng sợi vô duyên?
Thế nhưng...Ta lại phải ra đi nối tiếp cuộc hành trình10 năm đợi chờ vô vọng và gởi trả lại em ngày xưa tuổi mộng, trả lại em những con đường Gò Dầu hò hẹn thân thương với lá đổ chiều êm, cùng gió thu nhè nhẹ bên mái tóc bồng bềnh sương khói. Ta ra đi không định hướng cùng trái tim rạn vỡ, biết ngày nào trở lại CHỐN TÌNH XA.
     Giả biệt Gò Dầu ta cúi chào em
     Trả lại Tây Ninh mùa xưa nắng đổ
     Mười năm xa nhau hồn ta bỏ ngỏ
     Biết ngày nào trở lại chốn ... tình xa! ?

Đọc CHỐN TÌNH XA của Nguyễn Miên Thượng ta bùi ngùi nhớ nhung xa vắng và cảm động tột cùng.
     Với QUÁN TRỌ có Nguốn Sáng, Quán Trọ, Bến đò Xưa, Bất chợt.v..v...Và đủ 108 bài thơ tình da diết, làm ta xé lòng cùng tác giả.
     Cầu mong anh tiếp tục thể hiện những dòng thơ đẹp, hay để gởi cho đời những buâng khuâng xa xót của kiếp người.

     Đà Nẵng, ngày 16. 11. 2014

     THẾ LỘC
READ MORE - Thế Lộc đọc CHỐN TÌNH XA trong Tuyển tập thơ QUÁN TRỌ của NGUYỄN MIÊN THƯỢNG

QUẢNG TRỊ TRONG TÔI - Thuỳ Châu



QUẢNG TRỊ TRONG TÔI 


Quảng Trị tôi giờ ra sao rồi nhỉ?
Lâu lắm rồi không có dịp về thăm
Vẫn mái trường xưa vẫn những con đường
Hay giờ đã thay da đổi thịt ?
Mấy mươi năm xa xôi mờ mịt
Chỉ lo toan cơm áo gạo tiền
Với cuộc sống vật lộn triền miên
Ngoảnh mặt lại chỉ còn nuối tiếc
Nhớ khi xưa môi hồng mắt biếc
Vai kề vai sánh bước đến trường
Nguyễn Hoàng ơi! Tiếng gọi thân thương
Còn đâu nữa những ngày xưa dấu ái
Vọng cố hương thấy tâm hồn tê tái
Biết bao giờ thăm lại được trường xưa
Kỷ niệm thân thương nói mấy cho vừa
Thôi xin hẹn một ngày gần đây nhé !
Quảng Trị ơi quê hương thời thơ bé
Hẹn có ngày sẽ đi lại đường xưa
Thăm mái trường thân bên những hàng dừa
Đầy hoa mộng của một thời áo trắng
Quên làm sao những chiều về nhạt nắng
Lúc tan trường còn vẫy gọi tên nhau
Quê hương ơi kỷ niệm vạn sắc màu
Giờ tất cả chỉ còn trong nỗi nhớ.

                                   Ngại-Trần
                                  (10/4/2014)

READ MORE - QUẢNG TRỊ TRONG TÔI - Thuỳ Châu

CHẠP MỘ - truyện ngắn của Nguyễn Thị Kim Thanh




CHẠP MỘ

    Tháng chạp mưa phùn gió bấc, cái lạnh thấm sâu vào da thịt buốt xương.
    Trên con đường mòn vào nghĩa trang, một già – một trẻ đang lúi húi người cào người kéo đám cỏ gai rậm, bụi gai cứ như bám chặt vào mặt đất.
    Đứa bé vừa làm vừa hỏi:
    - Ông ơi! Chúng ta đang chạp mộ ai đây ạ!
    - Cụ Cố đấy!
    Thằng bé đưa bình nước được ủ trong túi da cho ông.
- Uống nước đã ông, nhưng sao mình không thuê người làm – như vậy ông đỡ vất vả hơn không?
    - Chạp mộ cuối năm là để tỏ lòng nhớ đến tổ tiên và đây cũng là ngày anh em xa gần không kể sang hèn gặp nhau. Công việc này không tự tay làm thì chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Sau này đến đời các cháu biết có còn giữ được nữa không?
    - Sao ông lại nói thế?
    - Con nhìn ngôi mộ mới kia đi – cạnh đó cũng có một ngôi mộ cách đây ba năm không kém phần trang trọng.
    Thằng bé nhìn theo ánh mắt ông. Thấp thoáng trong vòm lá xanh, một mái vòm uốn cong có hình đôi rồng xanh tranh châu, cửa vào có hai con lân bằng đá trắng đứng chầu, sân trước có ao sen với hòn giả sơn lớn. Gần đó – một ngôi mộ đầy rêu xanh loang lổ, mái vòm bị lở một bên, la thành nứt rạn nên cỏ dại tha hồ chen chân. Giữa đám cỏ gai phủ lên bia mộ, một gốc hồng hoang dại đang cố vươn cành khoe nụ hoa đơn độc mới nở, một vài cành khẳng khiu chui qua bờ thành lan xuống mặt đất.
    Thằng bé xoa tay làm động tác cho đỡ lạnh rồi nói:
Đám cụ Bảy lớn nhất làng, có cả giàn nhạc ta lẫn tây. Hôm mộ cụ khánh thành con theo ông đến lễ, còn bên cạnh có phải là mộ cụ Nãi cuối làng phải không ạ!
Ừ! Thằng nhỏ, mầy thỉnh thoảng mới về thăm ông, cũng nhớ nhiều việc, giỏi đó!
    Bà Bảy sống với đám con cháu trong ngôi biệt thự lớn, một căn phòng dành riêng cho bà đầy đủ tiện nghi. Bà có thể đi thăm viếng, đi du lịch tùy thích. Nhưng đi đâu bà cũng chỉ đi một mình. Con trai bà điều hành một công ty lớn, con dâu là hiệu trưởng một trường tiểu học. Các cháu bà rất ngoan – rất giỏi. Nhưng, ai nấy đều bận cả. Bữa cơm gia đình… đôi lúc bà chỉ ăn một mình.
    Nghĩ đến bà bạn già đã khuất, ông cụ thở dài nói tiếp:
    - Một dạo – Ông đến thăm, thấy bà cụ mày mò mở ti vi chuyển hết kênh này đến kênh khác. Ông hỏi: “Bà thích xem phim lắm nhỉ?”. Bà ấy trả lời: “Tôi cứ mở để luôn cảm thấy có người trò chuyện, thế thôi!”. Bà cụ ngủ và ngủ luôn. Đến bữa ăn trưa con cháu mới phát hiện. Đời sống cứ cuốn con người trôi đi không dừng.
    - Cháu dồn hết đống cỏ này lại, khi nắng lên cỏ khô hãy đốt nhé!
    - Ừ! Cứ thế, mùa này cũng khó nắng đây!
    - Cuối cùng lũ cỏ cũng thua ông cháu ta, mình về thôi ông!
    - Đã làm, làm cho luôn. Dọn giùm mộ cụ Nãi đi con.
    - Sao không thấy gia đình cụ Nãi về chạp ông nhỉ?
    - Con cháu ở xa quá! Cụ bị hư một mắt lại bị khớp nên khi mùa rét về không đi đâu được. Trận bão đến làm sập căn bếp, cụ bị viêm phổi nặng rồi qua đời, con cháu về làm đám lớn lắm. Nghe đâu ai cũng thành đạt, lăng mộ xây bề thế - bây giờ hoang vắng!
    Hai ông cháu lặng lẽ làm việc. Một lát thằng bé lại hỏi:
    - Năm nào chạp cũng mưa, sao không đợi ngày nắng hãy làm hả ông?
    - Người gần kẻ xa, được việc này mất việc khác. Quy định hằng năm, cứ ngày này ai cũng phải nhớ. Ông với mày loanh quanh đây, còn các Bác – các Chú mày đi tận trên núi nữa là. Ngày xưa chiến tranh loạn lạc, nằm xuống đâu là mồ ở đó.
    - Ông ơi! Con đọc trên mạng có nói đến sự tái sinh, chuyển kiếp đấy Ông.
    - Vấn đề lớn lao ấy để cho các nhà học giả bàn luận – Cứ nghĩ trong đời người đi qua một bối cảnh là một kiếp người. Trong nghịch cảnh tưởng chừng như không vượt qua được, nhưng ta vẫn kiên tâm đứng lên vững mạnh hơn. Đó chẳng phải là chết đi – sống lại hay sao? Ngày hôm nay anh là phu xe, mười năm sau anh là một ông lớn hay ngược lại chẳng phải là sự tái sinh – chuyển kiếp thực tại à!
    Con đã đọc chuyện cổ tinh hoa rồi chứ gì? Đời người ví như giấc mộng, khi tỉnh dậy thì nồi chè kê vừa chín. Tốt hay xấu phải chăng là ở sự chuyển biến của tâm thức trong thời khắc ngắn ngủi, chỉ có sự dịch chuyển đó mới làm thay đổi mọi hoàn cảnh. Tất cả chỉ từ ý nghĩ.
    Hai ông cháu xong việc, vừa đi thằng bé vừa lắng nghe ông nói. Đôi mắt xa xăm, nó như vừa hiểu lại như không.


                                    NGUYỄN THỊ KIM THANH
READ MORE - CHẠP MỘ - truyện ngắn của Nguyễn Thị Kim Thanh

THEO BỤI THỜI GIAN - thơ Hoàng Anh 79




THEO BỤI THỜI GIAN

Em đi về đó mưa rơi
Bên nầy nắng ngủ bên đồi quạnh hiu
Em đi sương trắng phủ chiều
Làn chiêm bao động chim kêu lạc bầy.

Mùa đông lạnh gió heo may
Ngậm ngùi nhìn áo em bay cuối đường
Thuở xưa thả ngọn tóc suông
Đến nay rớt sợi trói buồn vào anh.

Thì thôi hát khúc biệt hành
Trăng thề cổ tích cũng đành đoạn chia
Nghiêng bầu cạn giọt rượu khuya
Mù che lối mộng ngoài kia lá vàng.

Tình rồi theo bụi thời gian
Còn chăng dấu tích đọng ngàn đau xưa
Đèn treo phố nhỏ còn mưa
Ngỡ như tiếng guốc em vừa qua ngang!

Ngày 9/11/2014
Hoàng Anh 79



Họ và Tên: Hồ Mạnh Phi Hùng
Bút Danh: Hoàng Anh 79.
Năm sinh: 14/09/1973.
Địa chỉ mail: homanhphihung.mt@gmail.com
Blog : hoanganh79.blogspot.com
Điện Thoại: 0918.974.522

Địa chỉ nhà : 1S5 lầu 1, Lương Văn Can, Chung cư Bình Khánh, P. Bình Khánh, Long Xuyên, An Giang.
READ MORE - THEO BỤI THỜI GIAN - thơ Hoàng Anh 79

KHI VỀ QUẢNG TRỊ - Thơ Phan Phụng Thạch


Kỷ niệm 40 năm ngày mất (1973 - 2013)
Nhà giáo - thi sĩ PHAN PHỤNG THẠCH

Bài thơ KHI VỀ QUẢNG TRỊ của thầy giáo Phan Phụng Thạch được rất nhiều cựu học sinh trường Trung Học Nguyễn Hoàng - Quảng Trị yêu thích. Tuy nhiên, có người thuộc vài đoạn, cũng có người chỉ thuộc đôi câu. Vừa qua, chúng tôi nhận một số email của bạn đọc yêu thơ, yêu mến thầy Phan Phụng Thạch, đề nghị tìm và đăng lại bài thơ này. Xin mời cùng đọc!

   
Ảnh: Thầy giáo - thi sĩ Phan Phụng Thạch


KHI VỀ QUẢNG TRỊ

Rồi bắt tay giã từ từng nỗi chết
Ta trở về đứng giữa tang thương
Quê hương đó những chiếc cầu đã gãy
Còn mong chi nối lại những con đường

Còn ai đó những người thân yêu cũ
Thắp dùm ta một chút nắng trong hồn
Em còn không hay muôn đời đã ngủ
Ôi một thời hoa bướm Hạnh Hoa thôn

Từng lớp người lên đường đi biền biệt
Triệu Phong buồn u uẩn một dòng sông
Máu đào ai đã chảy về Cửa Việt
Mà xương khô còn gởi núi Ba Lòng?

Vùng Bến Hải đã khai hoang bạch hóa
Trung Lương bây giờ không khói hoàng hôn
Bà mẹ Gio Linh than nghèo tơi tả
Phạm Duy ơi! Giọng hát Thái Thanh buồn

Về Cam Lộ trong bụi đường đất đỏ
Trại định cư từng giếng nước chua phèn
Từng bữa cơm người ăn khoai cả vỏ
Trẻ em gầy tuổi nhỏ cũng già nua!

Qua Đông Hà đất cày lên sỏi đá
Trời mùa thu sao vắng trẻ đến trường
Từ thị trấn mắt vọng về muôn ngã
Khói lam chiều? Hay khói lửa quê hương?

Ngô Xá, Đạo Đầu, Bích La, Bồ Bản
Một vùng quê giờ mỏi mệt yên nằm
Bom đã nổ trên đồng sâu đồng cạn
Thì làm sao còn thấy bóng trâu ăn!

Ơi Đại Lộc một lần ta qua đó
Để muôn đời còn nhớ mãi Xuân Ba
Cho tôi ngủ bên dòng sông tuổi nhỏ
Thuở thanh bình vang vọng tiếng chim ca.

                               Phan Phụng Thạch
                                         (1973)

READ MORE - KHI VỀ QUẢNG TRỊ - Thơ Phan Phụng Thạch

THĂM PHỒN XƯƠNG - Thơ Nguyễn Khôi

Nguyễn Khôi
          Tác giả Nguyễn Khôi
  

THĂM PHỒN XƯƠNG
     (Tặng:Vũ Từ Trang)
                 -------
Từ nhỏ theo gương cụ Đề Thám
Tham gia kháng chiến suốt cả đời
Già lão đến Phồn Xương tưởng niệm
Vãng cảnh xóm làng, phố đông vui...
                   
Vào "đồn" kính lễ bà Ba Cẩn (1)
Ra sân chiêm bái tượng cụ Đề
Hương khói, hoa dâng... lòng thương cảm
Tự hào Yên Thế đượm tình quê.
                 
 Hả hê, bõ một thời đánh giặc
Máu xương vì Độc lập - Tự do
Sông Thương đôi ngả tình muôn ngả
Nhớ cụ Đề, thả một dòng thơ...

Phồn Xương  - Yên Thế, trưa 12-11-2014
                Nguyễn Khôi
...............

(1) Nữ tướng, vợ Hoàng Hoa Thám.
       
READ MORE - THĂM PHỒN XƯƠNG - Thơ Nguyễn Khôi