Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, November 16, 2014

CHẠP MỘ - truyện ngắn của Nguyễn Thị Kim Thanh




CHẠP MỘ

    Tháng chạp mưa phùn gió bấc, cái lạnh thấm sâu vào da thịt buốt xương.
    Trên con đường mòn vào nghĩa trang, một già – một trẻ đang lúi húi người cào người kéo đám cỏ gai rậm, bụi gai cứ như bám chặt vào mặt đất.
    Đứa bé vừa làm vừa hỏi:
    - Ông ơi! Chúng ta đang chạp mộ ai đây ạ!
    - Cụ Cố đấy!
    Thằng bé đưa bình nước được ủ trong túi da cho ông.
- Uống nước đã ông, nhưng sao mình không thuê người làm – như vậy ông đỡ vất vả hơn không?
    - Chạp mộ cuối năm là để tỏ lòng nhớ đến tổ tiên và đây cũng là ngày anh em xa gần không kể sang hèn gặp nhau. Công việc này không tự tay làm thì chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Sau này đến đời các cháu biết có còn giữ được nữa không?
    - Sao ông lại nói thế?
    - Con nhìn ngôi mộ mới kia đi – cạnh đó cũng có một ngôi mộ cách đây ba năm không kém phần trang trọng.
    Thằng bé nhìn theo ánh mắt ông. Thấp thoáng trong vòm lá xanh, một mái vòm uốn cong có hình đôi rồng xanh tranh châu, cửa vào có hai con lân bằng đá trắng đứng chầu, sân trước có ao sen với hòn giả sơn lớn. Gần đó – một ngôi mộ đầy rêu xanh loang lổ, mái vòm bị lở một bên, la thành nứt rạn nên cỏ dại tha hồ chen chân. Giữa đám cỏ gai phủ lên bia mộ, một gốc hồng hoang dại đang cố vươn cành khoe nụ hoa đơn độc mới nở, một vài cành khẳng khiu chui qua bờ thành lan xuống mặt đất.
    Thằng bé xoa tay làm động tác cho đỡ lạnh rồi nói:
Đám cụ Bảy lớn nhất làng, có cả giàn nhạc ta lẫn tây. Hôm mộ cụ khánh thành con theo ông đến lễ, còn bên cạnh có phải là mộ cụ Nãi cuối làng phải không ạ!
Ừ! Thằng nhỏ, mầy thỉnh thoảng mới về thăm ông, cũng nhớ nhiều việc, giỏi đó!
    Bà Bảy sống với đám con cháu trong ngôi biệt thự lớn, một căn phòng dành riêng cho bà đầy đủ tiện nghi. Bà có thể đi thăm viếng, đi du lịch tùy thích. Nhưng đi đâu bà cũng chỉ đi một mình. Con trai bà điều hành một công ty lớn, con dâu là hiệu trưởng một trường tiểu học. Các cháu bà rất ngoan – rất giỏi. Nhưng, ai nấy đều bận cả. Bữa cơm gia đình… đôi lúc bà chỉ ăn một mình.
    Nghĩ đến bà bạn già đã khuất, ông cụ thở dài nói tiếp:
    - Một dạo – Ông đến thăm, thấy bà cụ mày mò mở ti vi chuyển hết kênh này đến kênh khác. Ông hỏi: “Bà thích xem phim lắm nhỉ?”. Bà ấy trả lời: “Tôi cứ mở để luôn cảm thấy có người trò chuyện, thế thôi!”. Bà cụ ngủ và ngủ luôn. Đến bữa ăn trưa con cháu mới phát hiện. Đời sống cứ cuốn con người trôi đi không dừng.
    - Cháu dồn hết đống cỏ này lại, khi nắng lên cỏ khô hãy đốt nhé!
    - Ừ! Cứ thế, mùa này cũng khó nắng đây!
    - Cuối cùng lũ cỏ cũng thua ông cháu ta, mình về thôi ông!
    - Đã làm, làm cho luôn. Dọn giùm mộ cụ Nãi đi con.
    - Sao không thấy gia đình cụ Nãi về chạp ông nhỉ?
    - Con cháu ở xa quá! Cụ bị hư một mắt lại bị khớp nên khi mùa rét về không đi đâu được. Trận bão đến làm sập căn bếp, cụ bị viêm phổi nặng rồi qua đời, con cháu về làm đám lớn lắm. Nghe đâu ai cũng thành đạt, lăng mộ xây bề thế - bây giờ hoang vắng!
    Hai ông cháu lặng lẽ làm việc. Một lát thằng bé lại hỏi:
    - Năm nào chạp cũng mưa, sao không đợi ngày nắng hãy làm hả ông?
    - Người gần kẻ xa, được việc này mất việc khác. Quy định hằng năm, cứ ngày này ai cũng phải nhớ. Ông với mày loanh quanh đây, còn các Bác – các Chú mày đi tận trên núi nữa là. Ngày xưa chiến tranh loạn lạc, nằm xuống đâu là mồ ở đó.
    - Ông ơi! Con đọc trên mạng có nói đến sự tái sinh, chuyển kiếp đấy Ông.
    - Vấn đề lớn lao ấy để cho các nhà học giả bàn luận – Cứ nghĩ trong đời người đi qua một bối cảnh là một kiếp người. Trong nghịch cảnh tưởng chừng như không vượt qua được, nhưng ta vẫn kiên tâm đứng lên vững mạnh hơn. Đó chẳng phải là chết đi – sống lại hay sao? Ngày hôm nay anh là phu xe, mười năm sau anh là một ông lớn hay ngược lại chẳng phải là sự tái sinh – chuyển kiếp thực tại à!
    Con đã đọc chuyện cổ tinh hoa rồi chứ gì? Đời người ví như giấc mộng, khi tỉnh dậy thì nồi chè kê vừa chín. Tốt hay xấu phải chăng là ở sự chuyển biến của tâm thức trong thời khắc ngắn ngủi, chỉ có sự dịch chuyển đó mới làm thay đổi mọi hoàn cảnh. Tất cả chỉ từ ý nghĩ.
    Hai ông cháu xong việc, vừa đi thằng bé vừa lắng nghe ông nói. Đôi mắt xa xăm, nó như vừa hiểu lại như không.


                                    NGUYỄN THỊ KIM THANH

No comments: