Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, February 1, 2016

ĐÊM DÀI NGHE CA VỌNG CỔ - thơ Nguyễn Văn Khánh





ĐÊM DÀI NGHE CA VỌNG CỔ

Không hiểu từ đâu câu vọng cổ
Man mác buồn da diết những yêu thương
Câu hát ngân lên
Lòng người im lặng
Rồi vỡ òa theo cảm xúc
Người quê mình hiền lành chân chất
Vui hay buồn, câu vọng cổ vẫn ngân…

Đêm nay, con thuyền trôi …lênh đênh trên sóng nước
Anh đắm chìm trong câu hát em ca
Bài Dạ cổ hoài lang...trong sâu lắng, ngọt ngào...
Đêm nay...
vầng trăng soi bóng
Trăng trên trời, trăng dưới nước lênh đênh.
Con thuyền trôi,
những cánh lục bình mỏng manh đi về muôn hướng
Dòng sông lở, bồi... chở nặng phù sa.

Có phải thuở xưa trong những đêm buồn trên sóng nước
Cha ông mình đi mở cõi trời nam
Có phải thuở xưa những đêm dài đằng đẵng
Câu hát hình thành... câu vọng cổ đang ngân.

Đêm nay, con thuyền trôi....
Sông dài, đêm vắng
Câu vọng cổ buồn man mác gợi yêu thương
Em hát đi...hát đi cho vợi nhớ thương thầm
Cho anh được đắm chìm trong câu vọng cổ
Cho anh được tắm mình giữa dòng nước quê hương.

                                                            Nguyễn Văn Khánh
                                             Giáo viên Trường THCS Vĩnh Hanh
                                                         Châu Thành, An Giang.
                                                            


READ MORE - ĐÊM DÀI NGHE CA VỌNG CỔ - thơ Nguyễn Văn Khánh

CHO CHÁU NỘI - Thơ Hứa Minh Tánh





CHO CHÁU NỘI
(Như Ngọc - Bảo Trân - Ngân Hà - Minh Tú)

Khi ông cầm lọn tóc
Đã rụng rơi quá nhiều
Thương cháu nội muốn khóc
Đời ông đã xế chiều

Không dẫn cháu đi học
Không kể chuyện cháu nghe
Không che lằn roi vọt
Không quạt nóng trưa hè

Vậy cho ông khất lại
Một đời của kiếp sau
Kiếp này ông gửi lại
Những lời thơ ngọt ngào.

HỨA MINH TÁNH

READ MORE - CHO CHÁU NỘI - Thơ Hứa Minh Tánh

THỰC DÂN MỚI - Thơ Đoàn Thuận


Tranh của Konstantin Drugin  












THỰC DÂN MỚI
(Thơ trào phúng) 

Nơi Quảng Đông,
dân Lục Phong biểu tình phản đối nạn cướp đất
đòi chính quyền “ hãy trả lại đất cho chúng tôi”
như lời bao người sống nhờ đất, khắp thế giới
khẩn cầu một chỗ nằm, một hạt cơm để ở đời.

Bằng vốn đầu tư,
các tập đoàn tư bản Âu Mỹ, tài phiệt Trung Quốc
lùng sục mua gom đất đai vùng Mỹ La Tinh, khắp châu Phi
trồng cây lương thực, cây nhiên liệu sinh học
tướt đoạt sự sống bao người Ethiopie, Kenya, Somalie

Khi Rwanda, Mozambique, Uganda.
thoả thuận nhượng đất cho công ty New Forests
hai vạn gia đình Kiboga rời xa đất quê
đói rách lầm than xứ người phiêu bạt
hàng triệu nông dân không đất canh tác, không cửa nhà.

Một thập niên trôi qua
gần ba trăm triệu hecta đất dân đen
nằm trong tay các đoàn quân cướp đất vơ vét tài nguyên
trong tay nhóm lợi ích độc quyền giàu có tham nhũng 
để bao tỷ người thoi thóp sống u uất muộn phiền.

Những cuộc chiến nhân danh chủ thuyết định hướng phù du
thực chất là cuộc xâm lăng mới của thực dân mới
chiếm đất, đầu cơ lương thực, tích luỹ lợi nhuận thặng dư
giành giựt miếng ăn theo con đường xương máu
đẩy người bần cùng vào cảnh sống ngục tù.

ĐOÀN THUẬN

READ MORE - THỰC DÂN MỚI - Thơ Đoàn Thuận

GỬI NHÍM CON - Thơ Nguyễn Khôi

      
           Tác giả Nguyễn Khôi
         
Lời dẫn : cháu bé "Nhím con" vì hoàn cảnh riêng phải "trốn" bố , sang Nga theo mẹ...Tuy chưa đến tuổi đi học, nhưng vẫn gửi Fb về (HP) với hình ảnh ngồi giữa trời tuyết trắng kèm theo lời "em nhớ các anh các chị lắm... chúc các bác, các anh chị ở nhà vui khỏe, kinh doanh kiếm nhiều tiền như tuyết nước Nga".
 NK xem Fb cảm động, có đôi vần:



GỬI NHÍM CON

(Tặng 2 cháu Tôm & Tép)

Ôi Nhím Con, lỉnh sang Nga theo mẹ
Ngồi chợ Vòm kiếm kế sinh nhai
Giá dầu tụt...đồng Rúp thì quá rẻ
vẫn cưu mang, đùm bọc, thương người.
                     
Ôi xứ sở một thời Xô Viết
rất hiên ngang, quyết liệt, kiên cường :
- chống NATO bao vây, cấm vận
khéo mở đường sang lối Trung Đông...
                     
Yên tâm nhé, mặc trời mưa tuyết
Tết đến nơi vẫn phải bươn xa
-Chúc mẹ con Nhím vượt qua giá rét
Kiếm tiền nhiều như tuyết nước Nga.
                  
Quê "bà xã" - Hải Phòng, giáp tết Bính Thân


                      NGUYỄN KHÔI

READ MORE - GỬI NHÍM CON - Thơ Nguyễn Khôi

XUÂN YÊU THƯƠNG - Thơ Nhật Quang


           Nhật Quang


XUÂN YÊU THƯƠNG

Em có nghe Xuân về trong gió ?
Thoảng hương hoa ngan ngát mùa sang
Vườn xanh chim ríu rít gọi đàn
Kìa, dáng Xuân dịu dàng khoe áo mới
Em có nghe Xuân về phơi phới ?
Khúc tình ca trầm lắng chơi vơi
Đàn trẻ thơ múa hát, vui cười
Xuân nô nức, phố phường mở hội...
Em có nghe tiếng Xuân vời vợi ?
Gọi nắng vàng tô mộng yêu thương
Đôi má hồng e ấp...vấn vương
Mắt long lanh như mùa Xuân thầm nói
Em có nghe tiếng lòng Xuân gọi ?
Con tim nồng thổn thức lời yêu
Mơ ái ân...say đắm dặt dìu
Ngọt môi hôn, phút ban đầu lưu luyến
Ta lắng nghe mùa Xuân đang đến
Bao nồng nàn, trong nhịp thở ước mơ...
Sánh vai nhau cho thỏa mong chờ
Xuân hạnh phúc, tươi hồng màu áo cưới.
                                                     Nhật Quang
                                         (Sài Gòn)

READ MORE - XUÂN YÊU THƯƠNG - Thơ Nhật Quang

CÁCH HÓA GIẢI NGÀY HẮC ĐẠO ĐƠN GIẢN, DỄ LÀM - Đặng Xuân Xuyến





CÁCH HÓA GIẢI NGÀY HẮC ĐẠO ĐƠN GIẢN, DỄ LÀM

Không chỉ xưa mà nay, khi khởi sự những công việc quan trọng người ta thường cẩn trọng chọn ngày, kén giờ sao cho đúng vào giờ đẹp, ngày lành mới tiến hành để cầu mong sự tốt lành sẽ đến với con cháu, gia tộc nhưng việc chọn được ngày đẹp, không bị các sao xấu xâm phạm thì thật khó, mỗi tháng chỉ được vài ngày trong khi công việc lại cần kíp, không thể trì hoãn, nếu cứ câu nệ vào việc chọn ngày đẹp, giờ đẹp sẽ làm lỡ dở công việc, lỡ mất những vận may của mình, rồi thành sự nuối tiếc của bản thân và trở thành chuyện cợt nhả, mua vui của thiên hạ.
Hơn một lần chúng tôi đã lưu ý: Có thờ có thiêng có kiêng có lành nhưng cũng không nên quá câu nệ vào những kiêng kỵ mà làm lỡ dở công việc, lỡ mất vận may, trong khi công việc, nhất là vận may có khi chỉ đến một lần trong đời.
Vậy khi có việc cần kíp không thể trì hoãn mà gặp phải ngày - giờ xấu thì nên làm thế nào? Chẳng lẽ đợi tháng sau, năm sau mới tiến hành? Người viết lược soạn bốn (4) phép “hóa giải”, ngõ hầu giúp bạn đọc vẫn tiến hành công việc dù ngày giờ xấu nhưng kết quả cũng không đáng ngại.
1. Dùng cơ chế “chế sát”:
Đây là cách hóa giải kiểu lấy độc trị độc, tức là dùng quan hệ tương khắc của ngũ hành để chế sát sự hung hiểm của ngày xấu. Ví dụ: Ngày hung thuộc Thủy thì dùng giờ Thổ để hóa giải (Thổ khắc Thủy); ngày hung thuộc Hỏa thì dùng giờ Thủy để hóa giải (Thủy khắc Hỏa); ngày hung thuộc Mộc thì dùng giờ Kim để hóa giải (Kim khắc Mộc)......
Có người kỹ tính hơn còn căn cứ vào ngũ hành nạp âm của ngày, giờ để chế sát sự hung hiểm của ngày xấu. Ví dụ, ngày xấu là Ất Hợi (Sơn Đầu Hỏa - Lửa đỉnh núi) sẽ chọn giờ Bính Ngọ (Thiên Hà Thủy - Nước sông trời) để chế sát. Như thế, theo thiển nghĩ của người viết là khiên cưỡng, phi thực tế bởi trong một ngày có 24 giờ, ứng với 12 giờ trong lý số mà ngũ hành nạp âm thuộc lục thập hoa giáp được tính từ Giáp Tý (tuổi) đến Quý Hợi (tuổi) trọn đủ 1 vòng là 60 (năm) nên việc dùng nạp âm ngũ hành của giờ để chế sát hung hiểm của ngày (nạp âm ngũ hành) xấu là khó khả thi, có thể coi là không thực tế.
2. Dùng cơ chế “hóa Sinh”:
Đây là cách hóa giải dùng quan hệ tương sinh của ngũ hành để chế sát sự hung hiểm của ngày xấu. Ví dụ: Ngày xấu thuộc Kim thì dùng giờ Thổ để hóa giải (Thổ sinh Kim); ngày xấu thuộc Thủy thì dùng giờ Kim để hóa giải (Kim sinh Thuỷ); ngày xấu thuộc Hỏa thì dùng giờ Mộc để hóa giải (Mộc sinh Hỏa).
Tương tự như trường hợp dùng quan hệ tương khắc của ngũ hành để chế sát sự hung hiểm của ngày xấu, không ít người cũng căn cứ vào ngũ hành nạp âm của ngày, giờ để hóa giải. Cách làm này cũng khiên cưỡng, phi thực tế như trường hợp dùng cơ chế “chế sát”, người viết không nhắc lại, chỉ lưu ý bạn đọc: Khi xét ảnh hưởng qua lại (tốt xấu) trong các mối quan hệ của ngũ hành thì tùy từng trường hợp mà căn cứ vào đặc tính của ngũ hành hay lý tính của ngũ hành mà ứng dụng, nếu nhất nhất việc gì cũng lấy đặc tính của ngũ hành hoặc lý tính của ngũ hành mà ứng dụng sẽ có thể không những không hiệu quả mà còn phản tác dụng.
3. Dùng cơ chế “tị hòa”:
Đây là cách dùng quan hệ tương hòa (bình hòa) của ngũ hành để hóa giải sự hung hiểm của ngày xấu. Ví dụ: Ngày xấu thuộc Âm Mộc thì dùng giờ Dương Mộc để hóa giải; ngày xấu thuộc Âm Kim thì dùng giờ Dương Kim để hóa giải.....
Cũng như quy luật tương sinh hoặc tương khắc của ngũ hành, ở quy luật tương hòa của ngũ hành, bạn đọc cũng không thể bỏ qua quy luật Âm - Dương của ngũ hành.
Tính chất trong Âm (-) có Dương (+), trong Dương (+) có Âm (-), Âm (-) cực sinh Dương (+), Dương (+) cực sinh Âm (-) của dịch lý nên khi 2 hành tương hòa, nếu có một Âm (-) và một Dương (+) thì sự phù hợp và phù trợ nhau sẽ rất đắc lực.
Ví dụ: Dương Thổ và Âm Thổ, Dương Thủy và Âm Thủy, Dương Hỏa và Âm Hỏa, Dương Kim và Âm Kim, Dương Mộc và Âm Mộc.
Nhưng nếu 2 hành tương hòa đó cùng khí Âm (-) hoặc cùng khí Dương (+) thì sự hòa hợp đó trở thành vô nghĩa.
Ví dụ: Dương Thổ và Dương Thổ, Âm Thủy và Âm Thủy, Dương Mộc và Dương Mộc... Trong trường hợp này, sự tương hòa về đặc tính của các hành đó không tốt mà cũng không xấu.
4. Thay đổi người chủ trì:
Đây là cách “mượn tuổi” để hóa giải sự hung hiểm của ngày xấu. Người ta thường cậy nhờ bạn bè, người thân - những người hoặc thuộc tam hợp tuổi với gia chủ lại “được tuổi” cho việc sẽ khởi sự hoặc người “được tuổi” (âm lịch) cho việc sẽ chuẩn bị tiến hành, thay Mệnh chủ đứng ra làm chủ công việc để hóa giải sự hung hiểm của ngày xấu.
Ví dụ: Người tuổi Tỵ nếu không được tuổi làm nhà sẽ nhờ người thuộc tam hợp tuổi (Tỵ - Dậu - Sửu) với bản Mệnh của mình mà người đó lại “được tuổi” làm nhà sẽ đứng ra chủ trì công việc, ít nhất là đứng làm chủ lễ, bổ nhát cuốc đầu tiên khi động thổ hoặc đổ xô vữa đầu tiên khi đổ mái bằng. Nếu trong tam hợp tuổi, không có người “được tuổi” thì sẽ nhờ người nào đó “được tuổi” nhưng không xung khắc với bản Mệnh của mình, đứng ra làm chủ lễ, chủ trì công việc.
Lời kết:
Trong bốn phép “hóa giải” trên, theo thiển nghĩ của người viết, khi công việc cần kíp không thể trì hoãn được, bạn có thể dùng cơ chế “chế sát” là cách tốt nhất để hóa giải sự hung - sát của ngày xấu. Còn nếu vì lý do nào đó không chọn được giờ khắc với ngày xấu, lúc bấy giờ mới dùng cơ chế “hóa Sinh”, sau cùng mới đến dùng người khác thay Mệnh chủ hoặc dùng cơ chế “tị hòa” để hóa giải những hung họa của ngày xấu.

                                             Hà Nội, cuối thu Kỷ Sửu (2009)
                                                    ĐẶNG XUÂN XUYẾN


READ MORE - CÁCH HÓA GIẢI NGÀY HẮC ĐẠO ĐƠN GIẢN, DỄ LÀM - Đặng Xuân Xuyến