Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Saturday, December 12, 2015

LỞI TIỄN BIỆT ANH TAM THANH - Vĩnh Hoàng


Tác giả Vĩnh Hoàng



Hôm nay, sắp đến ngày mất của nhà thơ tiền bối đáng kính chính gốc Quảng trị bút danh Tam Thành.

Anh Tam Thành  tên thật là Nguyễn Tiềm người làng Thanh Lê, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, mất ngày 03-12-2011. Anh là một người rất mến quê hương nhưng buộc phải xa quê vào sống ở Vũng Tàu.  Để tưởng nhớ anh, tôi gởi đăng bài Lời Tiễn Biệt, là nén hương của tôi xin gởi về anh.
   
LỜI TIỄN BIỆT ANH TAM THANH
 
Thôi rồi anh đã ra đi
Ngàn dâu xanh ngắt còn gì mà mong 
Hai ta cùng một chữ đồng
Đệ huynh kết nghĩa tấm lòng đã trao
Kể từ ngày ấy biết nhau
Nối tình son sắt dạt dào niềm thương
Anh luôn làm một tấm gương
Để em học hỏi luân thường nghĩa nhân
Vì người quên hết bản thân
Dung hoà bè bạn, tình, ân rạch ròi
Đa tình mang trọn kiếp người
Trước sau như một chẳng lời đổi thay
Tiếng thơ vang vọng còn đây
Cuộc đời chua xót đắng cay đã nhiều
"Lan Đình" vắng bóng anh yêu
Nỗi đau kẻ ở, khóc nhiều người đi
Có sum họp - phải chia ly
Luật trời đã định, tiếc vì nhớ thương
Từ đây hai ngả chia đường
Nhưng trong tâm tưởng vẫn thường có nhau
Người đi trước - kẻ bước sau
Anh về Nước Chúa -  Rợp màu cỏ hoa.

Vĩnh Hoàng
READ MORE - LỞI TIỄN BIỆT ANH TAM THANH - Vĩnh Hoàng

VỊ NGỌT ĐƯỜNG ĐEN XỨ QUẢNG - Tản văn - Phan Nam





VỊ NGỌT ĐƯỜNG ĐEN XỨ QUẢNG
Tản văn

 Những người Quảng xa quê chắc hẳn không ai có thể quên được hương vị quê nhà đã gắn sâu vào nỗi nhớ. Có thể nói đất Quảng Nam rất phong phú về ẩm thực với các loại bánh trái làm nức lòng du khách bốn phương có thể kể đến bánh tráng, bánh ít lá gai, bánh tổ, bánh ghẹ... Riêng tôi, bát đường đen là món quà quê vô giá làm ấm lòng người con xa xứ.
Có thể nói, hiếm thấy trên đất nước ta có đặc sản độc nhất vô nhị như bát đường đen. Đây là một loại đường được chế biến từ mía có màu đen hoặc vàng nâu có hình thù giống cái bát người dân quê tôi thường gọi là tán đường. Bánh đường đen có hình tròn, mặt trên bằng phẳng, mặt dưới hình vòng cung, màu đen sậm. Các bánh đường đen thường được gói trong rơm rạ, hai bánh úp mặt vào nhau và đựng trong những giỏ lớn để dễ dàng vận chuyển. Bánh đường rất cứng nên phải dùng dao phay chặt ra từng miếng nhỏ. Từng mảnh từng mảnh đường tưởng chừng rời rạc nhưng lại in sâu trong tiềm thức của tôi.
Chợ quê xứ Quảng được đặc trưng bởi những gian hàng nhỏ của những người bán hàng thường đã đến tuổi thất thập. Đây là vẻ đẹp tự bao đời nay của chợ truyền thống với các mặt hàng dân dã như trầu cau, hành tỏi, một vài loại bánh trái vườn và đặt ngay chính giữa gian hàng là những bát đường được chăm chút rất cẩn thận. Khi nhớ về quê hình ảnh bát đường như in sâu trong kí ức, mỗi lần như thế tôi thường điện về nhà như để thỏa nỗi lòng: “Mẹ ơi, mẹ gửi ra cho con cặp đường, con thèm quá!”. Tôi rất thích ăn “sống”, cầm từng mảnh nhỏ của đường đen mút từ từ để cảm nhận vị ngọt ngào của quê hương thấm sâu trong từng thớ thịt, một hương vị đậm đà thật khó quên trong đời. Đặc biệt bát đường đen dùng để nấu chè thì tuyệt ngon.
Thưở nhỏ tôi thường xuyên được ăn món chè mẹ nấu. Ngày rằm, mồng một mẹ thường mua một cặp đường để nấu chè đặt lên bàn thờ tổ tiên để tưởng nhớ về cha ông, nguồn cội. Nguyên liệu để nấu chè cũng rất đơn giản: một tán đường đen, lon đậu, lon nếp, một ít bột năng và có thể thêm vào bắp non đã được chà xát. Sau đó vài giờ sẽ có một nồi chè thơm lừng hương nếp hòa quyện với bắp non và đậu. Tôi thích nhất là khi ăn chè lúc còn nóng hổi khi đó sẽ cảm nhận được hết vị ngọt ngào của đường, vị “ngọt” của quê hương đất tổ.
 Dẫu có đi xa đến phương trời nào đi chăng nữa thì ảnh bát đường đen là món quà tuyệt vời từ xứ sở, từ những con người chân đất đầy chất phác, lam lũ. Đất Quảng đặc biệt là vậy, từ những món quà giản dị nhưng lại vô cùng ấm áp, thấm đẫm tình người. Tán đường đen xứ Quảng đã đi sâu vào trong đời sống và tâm thức của người dân nơi đây. Nó đã từng là một “món ăn” và là một “gia vị” không thể thiếu trong kho tàng ẩm thực người Quảng xưa. Ngày nay, các loại đường khác như đường cát, đường phèn, đường phổi đã thay thế bánh đường đen nhưng trong tâm thức của tôi vị ngọt của bát đường đen đã thấm sâu vào máu thịt của vị “ngọt” quê hương.
                                                                                  
                                                                                
PHAN NAM                                                                    
(Tiên Phước – Quảng Nam)
phanvannamsp@gmail.com. 

Ảnh bài viết: Đường đen phơi khô thấm đẫm màu nắng (ảnh: Phan Nam)

READ MORE - VỊ NGỌT ĐƯỜNG ĐEN XỨ QUẢNG - Tản văn - Phan Nam

TÌNH THÔI TRẢ NGƯỜI - thơ Vũ Trầm Tư




TÌNH  THÔI  TRẢ  NGƯỜI

Buồn đêm tiếng vạc buông lơi
Hồn trôi dạt chốn xa xôi nghìn trùng
Ngoài kia trăng xế mông lung
Dế ru điệp khúc tơ chùng nửa đêm

Người đi nhớ nụ môi mềm
Chút hương son đỏ kiếm tìm vu vơ
Nỗi buồn giăng kín trang thơ
Nhện giăng bao mối đường tơ muộn màng

Người ta lụa gấm cao sang
Xe hoa ngày ấy rộn ràng bước vui
Tiễn người tôi khóc cho tôi
Tình mơ theo áng mây trôi bềnh bồng

Bây chừ nắng rớt ven sông
Hoa cau nở trắng chạnh lòng nhớ xưa
Tóc dài thả ngọn đong đưa
Thương em mười tám tuổi vừa biết yêu

Tóc dài ai vuốt nữa đâu
Giang sơn một gánh làm dâu xứ người
Còn không môi má hồng tươi
Trăm năm lỗi hẹn tình thôi trả người


VŨ TRẦM TƯ
vutramtu123@gmail.com
READ MORE - TÌNH THÔI TRẢ NGƯỜI - thơ Vũ Trầm Tư

THƠ MÙA ĐÔNG - Huy Uyên




Mùa đông ở Pleiku

Em bâng khuâng trời chiều Pleiku
trên đồi mây ngủ sớm
dốc lên cao sương mờ
những con đường đèn nghiêng chao ngọn .

Bao năm quay đầu về núi
quán cà-phê mưa rớt Hạ-Vàng
quanh co bờ hồ mịt tối
hình như còn tôi lang thang.

Mùa đông đồi nhuộm sắc vàng
dã quỳ nở đầy lối phố
hỏi em dặn lòng về không
bỏ ai nổi sầu trăm ngã.

Em xưa nào quay lại
gió bên đường lùa tóc chiều đông
ngày cũ ta chờ nhau đầu chợ
co ro chân bước môi mềm.

Pleiku, Biển Hồ đêm mưa
thương ai cô-đơn ngoài phố
"Thăng-Thiên" đứng lặng nhà thờ
giáo đường đèn in lối gió.

Nghe ru ngàn lời lá cỏ
tình người có ấm đời tim
người về Pleiku ở lại
con mắt có đuôi Hàm-Rồng.

Hỏi em giờ gọi nghe không?

Huy Uyên


   Tình yêu người bão-tố

Chén rượu cay chưa uống
nước mắt đã tuôn trào
ta quanh đời huyễn mộng
còn chăng tình thủy-chung.

Chuyện cũ thêm đau lòng
biển dâu hồ dậy sóng
nửa đêm đứng nhìn trăng
mây tan rồi chiếc bóng.

Em về theo chân sáo
đường người ngợp bâng khuâng
cầm tay em tôi bảo
hoa dấu sắc trong vườn.

Chiều bạc lòng soi gương
nghìn đời mây bay mãi
ngày vui cả đời buồn
điệp-hồ đôi cánh nhớ.

Hồng-nhan rồi môi mắt
cả đời tình nhạt phai
chuyện xưa còn hay mất
trôi theo tháng năm dài.

Nỗi lòng có ai hay
tình yêu em bão tố.

Huy Uyên
READ MORE - THƠ MÙA ĐÔNG - Huy Uyên

ĐÊM ĐÔNG - thơ Nhật Quang


Tác giả Nhật Quang


ĐÊM ĐÔNG

Đêm trở gió
mang mùa Đông đến
Chiếc lá nhỏ rùng mình trăn trở...
Hàng cây khẳng khiu,
run run dưới màn sương
Đêm đông buồn
vằng vặc dài nỗi nhớ...!
giấc mộng chòng chành
buốt lạnh bờ vai.

Tiếng hạc kêu đêm
sầu hiu quạnh
Khắc khoải mùa Đông
vầng trăng khóc não nề
Bóng ai liêu xiêu về qua ngõ
buồn tình nồng...
một thuở đã phôi phai.

                        Nhật Quang

READ MORE - ĐÊM ĐÔNG - thơ Nhật Quang

LỆ TƯƠNG TƯ - thơ Trương Thị Thanh Tâm



Trương Thị Thanh Tâm

LỆ TƯƠNG TƯ 

Xa nhau lòng thấy u buồn 
Bao giờ tìm lại lối mòn tình yêu 
Men say rượu đắng ít nhiều 
Còn mơ mộng với cánh diều bay cao 

Con đường sỏi đá hư hao 
Tan đi mộng ước thưở nào ru ta 
Biển chiều tim tím nhạt nhòa 
Trăm năm bến đợi con đò ra khơi 

Nghiêng nghiêng trăng xế phía đồi 
Tàn thu còn lá vàng rơi để buồn 
Ngỡ ngàng sợi nhớ sợi thương 
Trăm năm khuất nẽo dặm trường phôi phai 

Đàn tơ còn điệu u hoài 
Cho ngàn nỗi nhớ lạc loài nơi đâu 
Cũng đành đông sớm buồn mau 
Lệ tương tư vẫn nghẹn ngào giấc đêm.

               T4 (Mytho )
READ MORE - LỆ TƯƠNG TƯ - thơ Trương Thị Thanh Tâm

TAY THƯƠNG - thơ Trần Ngọc Hưởng




Tay thương

Tay nào bùa phép hiển linh,
Tay thương tay nhớ tay tình tay ai?
Tay nồng rượu thấm men cay,
Mùa yêu xao động rót say đất trời.

Trong đời dẫu một thoáng thôi,
Tay em chạm nóng tay tôi ngỡ ngàng.
Khơi bùng lên lửa bếp tàn,
Lạc trong mộng mị mịn màng tóc tơ.

Tay yêu như sóng đập bờ,
Choàng ôm vỡ vụn cơn mơ xuân tình
Em còn níu mộng ngày xanh,
Sau cơn khổ nạn duyên thành tình ta.

Tay ôm đắm đuối làn da,
Ngực bồng nhan sắc em là tình yêu
Buồn chăng mới sớm đã chiều,
Dẫu qua trăm lũng nghìn đèo vấn vương.

Tay tình tay nhớ tay thương,
Em nhen bếp ấm cuối phương trời nào?
Nâng anh vào giấc chiêm bao,
Mùa xuân trần thế ngọt ngào tay thương.

Trần Ngọc Hưởng

READ MORE - TAY THƯƠNG - thơ Trần Ngọc Hưởng

TẠ LỖI VỚI DÒNG SÔNG QUÊ - thơ Trường Hải Lê Văn Đông



TẠ LỖI VỚI DÒNG SÔNG QUÊ
                    
(Kính tặng quê hương yêu dấu)                                 
    
Con sông Giăng có tự bao giờ,                                 
Nguồn mạch Trường Sơn góp thành con nước.  
Con sông Giăng hơn ba mươi ghềnh thác,  
Cuồn cuộn về xuôi góp nước với dòng Lam.  
Tuổi thơ tôi lớn lên bên sông ,  
Trầm tích một thời yêu mến.   
Dẫu đi xa vẫn còn nhiều lưu luyến,   
Hình ảnh sông xanh, cát trắng đôi bờ.   
Hình ảnh hàng cây soi mình ngấn nước,   
Gặp trăm sông quê, gợi nhớ sông mình.                                   
Kỷ niệm dội lên những con nước thượng nguồn,   
Mùa mưa lũ đổ về xối xả,   
Nước réo gào hung dữ thuở hoang sơ !   
Con sông Giăng những đêm trăng hiền hoà,   
Lấp lánh vàng gieo ngấn nước,   
Trai gái đôi bờ mượn câu hò khoan nhặt,   
Trao duyên, ngỏ ý cùng nhau.   
Dòng sông cách trở, câu hò sang ngang,    
Ngọn gió nồm bờ nam thổi tạt,                                    
Lỡ nhịp câu hò rơi xuống dòng sông !    
Để người bên sông chín đợi mười mong..
                                                                  
***
           
Tôi xa quê khi đầu xanh tuổi trẻ        
Canh cánh nỗi niềm dòng sông thưở bé        
Màu đỏ phù sa bờ bãi quê cha           
Xanh thắm nương dâu, tím biếc vườn cà      
“Chợ Chùa nhiều măng, sông Giăng cá mát”
Từ ngày xưa câu hát mẹ đưa nôi.       
Dòng sông quê bên lở bên bồi           
Ám ảnh trong tôi một trời thương nhớ.         
Tháng giêng về những ngày hội mở  
Bơi chải tưng bừng dậy sóng cờ hoa.
Thời gian ơi, chưa trở lại quê nhà      
Hơn nửa đời tôi – một đời lưu lạc   
Dòng sông Giăng bao mùa trong mùa đục    
Tôi chưa về soi bóng những dòng trôi.
                                    
Rồi có một ngày tôi trở về nguồn cội
Xin được nói lời tạ lỗi với sông quê.

            Đỉnh Sơn, 1986 - 2015

            Trường Hải Lê Văn Đông
READ MORE - TẠ LỖI VỚI DÒNG SÔNG QUÊ - thơ Trường Hải Lê Văn Đông

MƯA PHÙN HÀ NỘI CUỐI NĂM - thơ Tuyền Linh




Mưa phùn Hà Nội cuối năm

Trong đây nghe gió gọi về
Mưa phùn Hà Nội kéo lê thê ngày
Lạnh từng ngọn cỏ khóm cây
Lạnh chui vào mộng, lạnh vây bến tình

Gởi em hạt nắng vàng xinh
Bấy lâu dành dụm để dành cho em
Nhận đi em, nắng sẽ lên
Hạt tình là hạt nắng xinh đó mà!

Sài Gòn thành phố phồn hoa
Vẫn anh trầm mặc những tà huy bay
Mưa phùn lay động hồn nầy
Mai sau cát bụi…xin vay chút tình ?

Phận đời dù có lênh đênh
Vẫn mơ Hà Nội đậm vành môi hôn
Nhuốm lên chút lửa vào hồn
Nghe như ráo được nỗi buồn trăm năm

Cuối mùa Hà Nội mưa lâu
Dẫu cho tăm cá biết đâu tương phùng
Em ơi, hạt nắng Sài Gòn
Có thay được bóng hoàng hôn cuối trời ?

Tuyền Linh
    2015
READ MORE - MƯA PHÙN HÀ NỘI CUỐI NĂM - thơ Tuyền Linh

ĐƯỜNG XUÂN - NGUYÊN ĐÁN - thơ Ngọc Hùng




Ngọc Hùng

ĐƯỜNG XUÂN

Con đường hoa em đi
Ửng màu xuân diệu kỳ
Xanh cây, non tươi lá
Lộc, hoa sáng nét cười

Hương bay trong nắng xuân
Tình xuân dậy ngập ngừng
Đất trời hòa xuân ý
Em bước, vui xuân kỳ

Em đi suốt đường hoa
Áo xuân thì  thướt tha
Mãn khai xuân đồng điệu
Dáng người trong sắc hoa…


  
NGUYÊN ĐÁN

Cờ phướng rợp trời ngày nguyên đán
Vàng mai phơi phới buổi thanh tân
Hương xuân dìu dịu trong nắng sớm
Hoa trái thắm màu: xuân đã sang

Đường phố phong quang, nhà khoe mới
Cổng chào, câu đối ngõ xuân tươi
Chỉnh chu áo mới người đi tết
Cầu an, khang, thịnh, suốt năm cười

Xuân đưa bước nhẹ miền thôn xóm
Dậy thì cây cỏ đón xuân về
Mơn mởn lúa thơm đồng con gái
Nhịp bước mùa xuân xanh lối quê

Êm đềm xuân chảy khắp quê xa
Chuyên chở tình xuân đến mọi nhà
Bàng bạc trên sông, hồ, biển, đảo
Đất trời đồng vọng tiếng xuân ca

Xuân đã chan hòa trên đất nước
Nguyên đán - vừa thêm một tuổi hoa
Hàm tiếu, mãn khai mai, đào rộ
Gần xa vui trong tết đậm đà.

N.H.
hoa_huynh45@yahoo.com
Mỹ Tho, Tiền Giang
READ MORE - ĐƯỜNG XUÂN - NGUYÊN ĐÁN - thơ Ngọc Hùng

BÓNG NHỎ GIÁO ĐƯỜNG - Trầm Thiên Thu




Bóng Nhỏ Giáo Đường
Mỗi dịp Giáng Sinh về, từ khoảng nửa thế kỷ qua, người ta đã khá “quen” với ca khúc “Bóng Nhỏ Giáo Đường” của NS Nguyễn Văn Đông, nhưng bài này được ông ký với bút danh Phượng Linh. “Bóng Nhỏ Giáo Đường” có thể là một ngôi thánh đường nhỏ bé và đơn nghèo, cũng có thể là bóng dáng người yêu bé nhỏ, một cô nàng nào đó...
Không biết tôi có “duyên nợ” gì với NS Nguyễn Văn Đông hay không mà ngay từ hồi đó, tôi đã cảm thấy “hợp” với nhạc của ông, nhất là bài “Mùa Sao Sáng”. Từ thuở còn là thiếu nhi, tôi thường nghe nhạc nhiều qua làn sóng phát thanh ngày xưa, hầu như nghe cả ngày lẫn đêm, cứ rảnh là nghe, có lẽ nhờ vậy mà tôi biết được nhiều “tên tuổi” thời đó.
Khoảng hơn 20 năm trước, có người muốn biết tông tích NS Nguyễn Văn Đông, người này không biết tìm ông ở đâu nên mới hỏi Hội Âm Nhạc, không hiểu sao người ta lại cho số điện thoại của tôi, dù tuổi tôi và tuổi NS Đông chênh lệch nhau nhiều. Lạ thật!
Vả lại, ngày xưa người ta in những tờ nhạc nhiều lắm, trên các làn sóng giới thiệu rõ ràng tên tuổi tác giả chứ không như ngày nay, người ta thường giới thiệu tên ca sĩ chứ tác giả chẳng được coi ra gì, dù tác giả là người “thai nghén” và “sinh ra” tác phẩm. Chính “cha đẻ” lại bị lãng quên! Ngược lại, trên đài phát thanh hoặc truyền hình, ngày nay người ta “vô tư” giới thiệu bài hát nào đó “của” ca sĩ này, ca sĩ nọ, chứ không phải của nhạc sĩ. Ngôn ngữ sai bét nhè như thế mà người ta không chịu sửa. Tệ thật! Làm văn hóa mà xem chừng lại phi văn hóa quá đỗi!
“Bóng Nhỏ Giáo Đường” là ca khúc được NS Nguyễn Văn Đông viết trong thời chiến, với tâm trạng một binh sĩ tác chiến nơi chiến trường xa. Giáng Sinh đang đến gần, nỗi nhớ nhà và nhớ người yêu da diết, người lính “thăm dò” thế này: “Có ai về miền quê lửa khói cho tôi nhắn vài câu, cách xa lâu rồi không biết em còn giận hờn anh nữa thôi. Chuyện ngày xưa hai đứa thương nhau trong đêm nhiều sao sáng, dưới lầu chuông anh khắc tên nhau chung trong lời khấn xin chan chứa niềm tin”. NS Đông rất thích sao sáng, chắc hẳn sao sáng có gì đó đặc biệt lắm. Đúng vậy, không đặc biệt sao được, vì đó là đêm Con Chúa giáng sinh, và lại là “mốc” kỷ niệm lúc hai người chính thức “là của nhau”.
Tình yêu đã lên ngôi, hạnh phúc tràn trề, kỷ niệm đẹp lắm. Thế nhưng niềm vui lại không trọn vẹn: “Có ai ngờ tình yêu ngày đó gieo ngang trái sầu lo, lửa binh lan tràn hai đứa đôi đàng mộng đẹp kia vỡ tan”. Không phải tại chàng hay nàng, mà tại chiến cuộc. Người buồn, cảnh có vui đâu bao giờ! Vì thế, từng hồi chuông giáng sinh ngân vang niềm vui thì lại hóa sầu bi: “Từng hồi chuông tha thiết bi ai vang trong mùa quan tái, tiếng cầu kinh khe khẽ thôi vang khi quân giặc giẫm tan ngôi thánh lầu chuông”. Lòng buồn nhưng anh lính vẫn tin tưởng mà cầu nguyện. Có lẽ ít người dùng từ “quan tái”, nhất là ngày nay. Quan tái là quan ải, chỉ nơi biên cương, bờ cõi. NS Đông “chơi chữ” khi sử dụng cụm từ “mùa quan tái”, ý nói người lính đang phải làm nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc nơi biên giới xa.
Kỷ niệm ùa về khi Giáng Sinh về, không chỉ kỷ niệm vui mà còn cả kỷ niệm buồn: “Nhớ mãi ngày ấy quân cướp xô bừa hạ gác chuông, nước mắt em tuôn xót xa quỳ trên đống tro tàn”. Con gái mau nước mắt là chuyện bình thường, nhưng cô người yêu của anh lính đã khóc vì gác chuông bị quân địch phá đổ. Chính gác lầu chuông đó là nơi anh lính đã chính thức tỏ tình với nàng.
Và rồi chính anh lính cũng đã góp công sức làm lại gác chuông nhà thờ ngày ấy. Kỷ niệm như còn mới nguyên: “Nhớ mãi ngày ấy anh góp tre dựng lại gác chuông, với trí ngây thơ vững tin tầm vông giữ Nhà thờ, kỷ niệm của chúng ta!”. Gác chuông ngày xưa đơn giản thôi, nhất là lại ở vùng quê, tre hoặc tầm vông là vật liệu chính khi xây dựng nhà cửa, tất nhiên với nhà thờ thì cũng vậy thôi. Gác chuông là phần không thể thiếu ở các nhà thờ, và nó cũng không thể thiếu trong ký ức yêu của hai người. Thế mà chiến tranh đã nhẫn tâm phá vỡ! Đúng ra thì không phải lỗi của chiến tranh mà là tội của những người gây ra chiến tranh.
Thời gian cứ vô tình trôi, kỷ niệm vui buồn cũng theo anh lính trên mọi chiến tuyến: “Mấy năm rồi buồn vui ngày đó theo anh giữa trời sông, dẫu xa phương trời nhưng sống muôn đời chuyện lầu chuông thuở xưa. Và từng đêm anh chắp hai tay xin cho tình yêu đó thấm nhuần trong tay Chúa ban ơn anh xây lại gác chuông trên kỷ niệm xưa”. Cái hay của người lính là “chất đạo đức” không vì khổ cực mà phai nhòa, ngược lại còn tăng thêm, anh chứng minh qua việc cầu nguyện hàng đêm, khi không gian và thời gian trở vào tĩnh lặng, dù có thể tiếng bom đạn vẫn không ngừng kêu xé không trung…
Niềm tin vẫn còn thì tất cả vẫn còn. Bóng nhỏ giáo đường nằm sâu là lẩn khuất ở miền quê, nhưng bóng đức tin lại to lớn, có thể che rợp cả bầu trời rộng và lòng người.
Lạy Chúa, xin thêm đức tin cho chúng con!
TRẦM THIÊN THU

(*) Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông sinh ngày 15-3-1932 tại quận 1 (Saigon), nguyên quán ở Lợi Thuận, Bến Cầu, Tây Ninh. Năm 1946, gia đình gửi ông vào trường Thiếu sinh quân Việt Nam ở Vũng Tàu. Ông có các bút danh khác là Phượng Linh, Phương Hà, Vì Dân và Đông Phương Tử. Ông là một nhạc sĩ của dòng nhạc tình ca Việt Nam, tác giả của nhiều ca khúc tân nhạc nổi tiếng như Chiều Mưa Biên Giới, Hải Ngoại Thương Ca, Khúc Tình Ca Hàng Hàng Lớp Lớp, Ai Đi Ngoài Sương Gió, Bóng Nhỏ Giáo Đường, Chiều Mưa Biên Giới, Cay Đắng Tình Đời, Bẽ Bàng,... Ngoài ra ông còn là soạn giả của một số tuồng cải lương thịnh hành như Tiếng Hạc Trong Trăng, Nửa Đời Hương Phấn.
Ông là Truởng Đoàn văn nghệ Vì Dân với thành phần ca nhạc sĩ tên tuổi như Mạnh Phát, Minh Kỳ, Hoài Linh, Thu Hồ, Quách Đàm, Minh Diệu, Khánh Ngọc và các nghệ sĩ danh tiếng như Kim Cương, Vân Hùng, Ba Vân, Bảy Xê, Trần Văn Trạch, diễn viên điện ảnh Trang Thiên Kim… Từ năm 1958, ông là trưởng ban ca nhạc Tiếng Thời Gian của Đài Phát Thanh Saigon, gồm những danh ca, nhạc sĩ danh tiếng như Lệ Thanh, Hà Thanh, Minh Diệu, Khánh Ngọc, Mạnh Phát, Thu Hồ, Quách Đàm, Anh Ngọc...
Ông còn là giám đốc hãng băng đĩa nhạc Continental và Sơn Ca nổi tiếng, cộng tác với những nhạc sĩ tên tuổi như Lê Văn Thiện, Văn Phụng, Nghiêm Phú Phi, Y Vân,... Hai cơ sở của ông cho ra đời nhiều chương trình tân nhạc cũng như cổ nhạc gồm các vở tuồng và cải lương. Chính Nguyễn Văn Đông là người đã tiên phong thực hiện album riêng cho từng ca sĩ mà trước đó chưa từng ai làm. Ông đã thực hiện loạt băng nhạc Sơn Ca nổi tiếng trong đó có Khánh Ly (Sơn Ca 7), Thái Thanh và Ban nhạc Thăng Long (Sơn Ca 10), Lệ Thu (Sơn Ca 9), Phương Dung (Sơn Ca 5 và 11), Giao Linh (Sơn Ca 6), Sơn Ca (Sơn Ca 8)... và một số album riêng cho nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ca sĩ Thanh Tuyền là một trong các học trò của NS Nguyễn Văn Đông.
Thưởng thức ca khúc “Bóng Nhỏ Giáo Đường”: http://www.youtube.com/watch?v=2MD_lTLNZgs
READ MORE - BÓNG NHỎ GIÁO ĐƯỜNG - Trầm Thiên Thu

LỜI TRẦN TÌNH - Thơ Hồng Tâm



              Tác giả Hồng Tâm


LỜI TRẦN TÌNH

Có những đêm nỗi buồn chất chứa

Ta chẳng biết gửi sầu vào đâu
Tự dặn lòng thôi không buồn nữa
Nghĩ vẩn vơ cho nhức cả đầu
Cũng có lúc tâm ta thầm nghĩ
Sao ông trời đối xử bất công
Người hiền lành thật thà chất phát
Ông không thương , ông hay thử lòng
Có lúc muốn buông xuôi tất cả
Mặc kệ đời cuộc sống nổi trôi
Nhưng ngẫm lại tội cha tội mẹ
Nuôi nấng ta cực khổ cả đời
Cho nên ta cố gắng sống tiếp
Để vượt lên chính bản thân mình
Học hỏi thêm những người đi trước
Sống để người thương , sống có tình

                                    Hồng Tâm
                                   11/12/2015

READ MORE - LỜI TRẦN TÌNH - Thơ Hồng Tâm