Tác giả Hoàng Long Hải
“GIÓ NAM NON…”
"Gió Nam non thổi lòn hang cóc…"
Tôi yêu Quảng Trị của tôi vì tôi sinh ra và lớn lên ở nơi ấy, dù ở đó cảnh sắc có đẹp hay không.
Dù không đẹp, nhưng vì nó là nơi tôi chôn nhau cắt rốn, nơi tôi lớn lên cùng với gia đình, cha mẹ, anh chị, bà con xóm làng, học hành vui chơi cùng bạn bè, thì không đẹp, quê hương tôi cũng cứ đẹp vô ngần. Tôi yêu quê hương tôi là tôi yêu cảnh sắc nơi ấy, tôi yêu người dân ở nơi ấy, không cần biết ai giàu ai nghèo, ai bần cùng, ai sang trọng. “Chốn quê hương đẹp hơn cả”, sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư nói vậy đấy!
Người dân quê tôi càng nghèo, tôi càng thấy yêu họ hơn, mà Quảng Trị tôi thì nghèo nhất trong các tỉnh nghèo của miền Trung. Miền Trung nghèo vì miền Trung chỉ là cái đòn gánh, oằn lên vai chị, vai mẹ, như câu tục ngữ “đòn gánh đằn vai”. Hai đầu Nam Bắc mới giàu, hai đầu là hai thúng gạo: “Gạo Nam, gạo Bắc, ấy đòn miền Trung”. Phạm Duy viết như thế.
Miền Trung nghèo vì “đất cày lên sỏi đá”. “Quê hương anh, nước mặn đồng chua, quê hương tôi đất cày lên sỏi đá”. Đất ấy chỉ có thể trồng khoai sắn. Dọc miền Trung, tỉnh nào cũng nhiều khoai sắn, ăn khoai sắn thay cơm. “Bên nồi khoai mới luộc, ngát thơm vườn ngâu thưa...” Phan Lạc Tuyên viết như thế khi theo Quân Đội Quốc Gia “tiếp thu” Bình Định năm 1954.
Phạm Đình Chương cũng viết giống như thế về Thừa Thiên: “Quê hương tôi nghèo lắm ai ơi! Mùa đông thiếu áo, mùa hè thiếu cơm”.
Quảng Trị có khá hơn không? Về Quảng Trị, Phạm Duy cũng viết trong “Quê Nghèo”: “Đàn trẻ vui vì nồi cơm ngô đầy”. Cơm độn với ngô (bắp). Vậy mà bọn trẻ thấy vui vì được ăn no.
Phạm Duy, cũng như nhiều nhà thơ, nhà văn khác, chưa ai thấy hết cái nghèo của Quảng Trị của tui đâu! Quảng Trị nghèo lắm, nghèo hơn ăn ngô, ăn khoai, ăn sắn nhiều.
Hồi còn nhỏ, tôi đã từng nghe câu hò (văn chương bình dân):
Gió Nam non thổi lòn “hang cóc”,
Phận em nghèo nên mồng đóc em khô”
Sách địa lý gọi là Gió Lào, dân địa phương gọi là gió Nam. Đó là hiện tượng gió Foehn (“phơn”, gốc từ Fơn, tiếng Đức) ở miền Trung Việt Nam. Theo địa lý địa cầu, nói chung, nhiều châu lục, có hiện tượng gió Foehn.
Khi ngọn gió được hình thành, vượt qua những vùng núi cao, làm gió tăng tốc và mất hết hơi nước, nên trở nên khô và nóng, có khi rất nóng, gây nên nạn cháy rừng. Nhờ có gió Foehn vượt qua dãy núi Alpes nên vùng Trung Âu về mùa đông được ấm hơn. Ở Mỹ và Canada, gió Foehn vượt qua vùng Rocky Mountains, có tên là gió Chinook.
Vùng Đông Nam Á, theo sách địa lý của frère Jerôme Lê Văn Ba, và vài giáo sư dạy ở Khải Định, (tên trước 1957), gió Foehn phát xuất từ vịnh Thái Lan, thổi dọc theo sườn phía Tây dãy Trường Sơn. Càng lên hướng Đông-Bắc, gió càng mạnh và khô vì cây rừng Trường Sơn lấy hết nước.
Từ đèo Lao Bảo trở ra Bắc, rặng Trường Sơn thấp xuống, nên gió quay ngược lại theo hướng Đông-Nam, thổi suốt một vùng, từ phía bắc Thừa Thiên ra tới Thanh - Nghệ-Tĩnh.
Sách địa lý thường gọi là gió Lào vì gió từ Lào thổi xuống Việt Nam. Dân địa phương gọi là gió Nam, có lẽ người ta biết gió thổi từ vùng vịnh Thái Lan ở phía Nam mà lên.
Gió Nam, như đã nói, khô và nóng. Các vùng Thanh Nghệ, lá chuối bị khô cháy vì hơi nóng của gió. Theo kinh nghiệm của tôi khi còn nhỏ ở Quảng Trị, gió Nam thổi từ nửa đêm cho tới trưa hôm sau. Gió Nam thổi mạnh, nên buổi tối, trước khi đi ngủ, mùng đã chằn kín dưới chiếu, vẫn bị gió thổi tốc lên. Mùa gió bắt đầu từ tháng 5 cho đến tháng 9 (Dương Lịch), mạnh nhất là vào khoảng tháng 7 tháng 8, khiến nhiệt độ nhiều khi lên đến trên 40 độ C. Cây cỏ đều khô cháy hết. Do đó, ở Quảng Trị có câu tục ngữ:“Nắng tháng 8, nám trái bưởi”. Sau khi gió Nam dứt thổi, mùa thu tới và sau đó là Mùa Gió Bấc, tức “Gió Mùa Đông Bắc thổi mạnh trên biển Nam Hải” như câu tiên đoán thời tiết trên đài Saigon trước kia).
Vì từ đèo Lao Bảo trở ra, dãy Trường Sơn thấp xuống, gió quặt về phía Việt Nam, nên ngay ở đây, gió thổi mạnh lắm, ngang qua đèo. Dân địa phương gọi địa điểm gió vượt qua núi là Khe Gió hay Cửa Gió. Gần địa điểm nầy, có động Ông Đô là căn cứ của Quân Đội Bắc Việt Nam trên đường di chuyển xuống miền Nam, trên đường Trường Sơn. Các đơn vị tác chiến ở vùng nầy thuộc Sư Đoàn 1 Bộ Binh, các tiểu đoàn Biệt Động Quân 21 và 37 của Quân Đội miền Nam, từng tham chiến ở Làng Vei và trận Khe Sanh cùng với các đơn vị Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ năm 1968, không lạ gì với động Ông Đô.
Kế Lang Vei có hai bản làng của người Thượng (người Vân Kiều hay người Stiêng? Tôi không biết chắc). Hai bản đó tên là Bản Hoong và Bản Cóc. Đây là những làng du canh du cư, dân chúng rất nghèo.
Theo tôi nghĩ, câu ca dao tôi trích dẫn ở trên, nói là “Gió Nam non thổi lòn hang Cóc...” là không đúng. Nếu nói tới Cửa Gió, Khe Gió thì có lẽ câu ca dao nói tới tên hai bản làng dân tộc thiểu số ở vùng nầy, có nghĩa là “Gió Nam non thổi lòn Hoong, Cóc”, là gió từ Lào thổi qua bản Hoong và bản Cóc rồi từ đó thổi về Quảng Trị.
Tôi không tin có hang nào gọi là hang cóc. Hang cóc thì nhỏ, làm sao có gió thổi qua?
Người xưa không mặc đồ lót, nhứt là các “nụ cười sơn cước”. Vậy thì có cái gì giữ “cái ấy” cho gió Nam khỏi làm cho khô. Cây lá còn phải khô nữa là!
Nhưng trời ơi! Có cái xứ nào trên đời nầy nghèo đến nỗi làm cho khô cái ấy. Mà đó là vì “Phận nghèo” (Phận em nghèo nên...” Nghèo ăn khoai ăn sắn, ăn độn ngô khoai, có đâu mà nghèo đến cái độ phải khô cái ấy như vầy như ở quê tôi hỡi trời???!!!
Nói phận nghèo là nói tại Trời. Không phải vì biếng nhác, ham chơi bời, cờ bạc, phá phách mà nghèo. Nghèo là tại Trời, “Trời làm cơn lụt mỗi năm” hay “trời làm gió thổi mỗi năm”. Thật vậy, dân Quảng Trị tôi không làm biếng, không ham chơi, không cờ bạc, chẳng qua vì Trời sinh tôi ra ở đấy, số phận tôi ở đấy, số phận đồng hương, đồng bào tôi ở đấy, khiến cô sơn nữ than phận nghèo nên “cái ấy” phải khô....
Để kết thúc, và để rõ hơn cái ý nghĩa tôi trình bày, xin nhắc lại câu ca dao một cách trọn vẹn và trung thực:
Gió Nam non thổi lòn Hoong, Cóc,
Phận em nghèo nên mồng đóc em khô!”
Hoàng Long Hải
(Trích lại trong “Một lần về Thủ Đô, Thăm các vị La Hán”)
No comments:
Post a Comment