Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, July 29, 2013

LÀNG TÔI ĐẤT BÁN SẠCH RỒI – thơ Thanh Trắc Nguyễn Văn

Bài thơ đạt giải nhất cuộc bình chọn do Tạp chí Đất Đứng (datdung.com) tổ chức.

 
Thanh Trắc Nguyễn Văn

Làng tôi đất bán sạch rồi
Còn chăng là lớp bùn bồi ven sông ...
Ông tôi mỗi sáng lưng còng
Đi gieo hạt lệ xuống đồng “thổ cư”
Còn cha ngơ ngác ậm ừ
Nhìn nhà máy cứ từ từ mọc lên
Mẹ buồn thao thức đêm đêm
Hỏi đàn cò trắng sao quên không về ?

*
Làng tôi giờ đã hết quê
Quán bia với quán cà phê chen đầy
Ngả nghiêng kẻ tỉnh người say
Ôm nhau gục nhớ đường cày ngày xưa
Con trâu thuở ấy đi bừa
Bao câu hò vọng hẹn mùa lúa thơm ... 
Bàng hoàng nắng quái chiều hôm
Làng giờ hoá phố cọng rơm chẳng còn ...

2009

T.T.N.V

Nguồn: datdung.com
READ MORE - LÀNG TÔI ĐẤT BÁN SẠCH RỒI – thơ Thanh Trắc Nguyễn Văn

NHỚ MÃI CHẲNG HỀ XA – thơ Nguyễn Thu




Có những thằng bạn thân hai mươi năm chưa một lần gặp mặt 
Ngày thấy nhau giọt lệ rớt lưng tròng
Thằng thành phố làm lính, thằng ở tỉnh làm thầy , làm sếp
Ghì chặt vai, đôm đốp: mày, tao

Cả bọn giật mình, thương mái đầu điểm bạc
Nửa phận xanh ngao ngán bỏ ra đi
Chiều lưu lạc đuôi mày chim để vết
Dấu chân buồn nhợt nhạt cuối mùa vui  

Tuổi trẻ chúng mình cất đi đâu rồi nhỉ
Sao không đem ra thắp lửa hết hôm nay?
Hãy sống lại quãng ngày xưa từng sống
Quên sau lưng, phía trước đọa đày

Một vòng tròn vây quanh, những bàn tay chai sần năm ngón
Cầm chén cay, nhắm mắt, phục sinh
Thời đã chết rong rêu màu kỉ niệm
Môi miệng cười hể hả chảy tràn mâm

Ôi! Những thằng bạn tuổi năm mươi đang xanh hồn lá mạ
Đầu gật gù nhấm nháp thuở hồn nhiên
Siết chặt lòng nhau mơ ngày mai bước tới
Dù ở đâu. Nhớ mãi, chẳng hề xa ...

Nguyễn Thu

 

READ MORE - NHỚ MÃI CHẲNG HỀ XA – thơ Nguyễn Thu

CHIẾC CỐI ĐÁ SỨT TAI – truyện ngắn Nguyễn Đặng Mừng



Chị Hà cùng tuổi với tôi, tuổi Thìn. Chị bảo nam Thìn nữ Tỵ nên đời chị sẽ lận đận long đong, đời tôi sẽ hanh thông. Mới mười hai tuổi mà chị như người lớn, lúc nào cũng gọi tôi bằng cậu, cậu em. Bên ngoại chị không còn ai, chỉ bà con xa. Bác Ca, cậu ruột chị là người cuối cùng trong chi, bị Tây bắn lúc mới mười tám tuổi. Mỗi lần ai nhắc đến Bác Ca là O (1) Hát mẹ chị Hà khóc tấm tức, bảo sao trời không cho O chết thay cậu ấy. Tuyệt tự! Điều đó khiến O Hát càng quý bên ngoại hơn. Mỗi năm đến ngày chạp mả O Hát dắt cả ba đứa con về. Anh Thổ là lực điền đúng nghĩa, cao to như Tây, da ngăm, mặt chữ điền. O Hát bảo giống dượng(2) như đúc. Dượng cũng bị Tây bắt đi rồi chết đâu mất xác năm sinh chị Hà. Anh Điền thư sinh hơn, da trắng như con gái. Chị Hà gầy nhom, vác cái cuốc chét chạy lăng quăng theo hai anh. O Hát chỉ cho các con đây là mộ ông ngoại bà ngoại, đây là ông bà cố…Biết bao nhiêu người đã khuất, từ ông nội O Hát trở xuống. Đến trước mộ Bác Ca o Hát khóc òa lên, quỳ xuống lạy. Cậu ơi răng (3) chết đi. Răng không nối dõi tông đường. Tuyệt tự rồi cậu ơi. Chị Hà quỳ bên cũng khóc. Hai anh trai vẫn thản nhiên dùng cuốc xẻng vun lại nấm mộ. Một lát ngôi mộ như được mặc áo mới, trắng toát cát rờn rợn bên tiếng khóc O Hát.

O Hát thương tôi như cháu ruột, quý ba tôi như em ruột. O bảo phụ nữ chỉ một đời, vài đời sau con cháu sẽ kể nghe nói đời thứ mấy, thứ mấy có mệ(4) ni mệ tê lấy chồng đâu bên làng Đông làng Tây mô đó. . .

Nhà tôi ở làng Tây gần quận lỵ, cách làng Đông khoảng năm cây số. Thường hàng năm O Hát nói với ba tôi nghỉ hè cho cháu về ở với O, cho có bạn với chị Hà. Tôi cũng thích rong chơi ở vùng quê, nhất là được cởi trâu ra đồng cùng chị Hà. Tôi ngồi sau lưng chị, ôm eo chị trên lưng con trâu to béo đi qua những cánh đồng sau mùa gặt thích lắm. Lúc trâu lội qua sông chị Hà cười sang sảng, bảo tụi mình đi xe lội nước. Chị còn giải thích: “ Cậu biết Hà là chi không, là sông đó. Anh Thổ là đất, anh Điền là ruộng”. Tôi bảo: “Ruộng đất không có nước thì không có khoai lúa, chị Hà là quan trọng nhất”. Chị cười thích thú. Suốt mùa hè chúng tôi ở ngoài đồng, bên dòng sông nhỏ. Ăn cơm trưa trong cái mo cau với cá kho ngon tuyệt. Ăn rồi tắm, tắm rồi ăn.

Lũ trẻ nhà quê tinh nghịch cặp đôi tôi với chị, tôi bảo bà con, đừng nói bậy O Hát đánh chết. Tụi trẻ nhảy tưng tưng hát vè tục tằn, “bà con hai họ, lọ mọ cả đêm, chị trống em kèn, tùng xèng tùng xèng…” Chị Hà cầm roi tre rượt đuổi đám trẻ. Áo chị bị gai tre móc rách tơi tả chị vẫn rượt. Ngã lăn xuống ruộng lại bò đứng lên rượt đuổi đến cùng. Tụi nhỏ sợ chị chạy tán loạn. Chị ngồi bệt bên giường ruộng khóc rống riết. Tôi run rẩy đến gần, cầm tay kéo chị đứng lên, chị dằn tay lại trừng mắt kêu: “Đồ hèn, con trai mà hèn”. Tôi ngồi trên giường ruộng nhìn mặt trời lặn. Gió Nam (5) giật từng cơn, rặng tre lào xào lao xao. Tôi cúi mặt trên hai đầu gối khóc thút thít. Ngửng lên thấy bóng chị xấp xãi trên đường bạn, tôi vội vã chạy lúc thúc theo về. O Hát hỏi chuyện chi rứa, chị bảo tụi nhỏ cặp đôi con với cậu Thìn. O Hát cười, “ Cặp đôi có chết ai mô (6). Bên ngoại bốn đời là lấy chắc (7) được. O sẽ gả con Hà về bên ngoại để lo hương khói mả mồ”. Chị Hà đấm thùm thụp vào lưng mẹ, kêu lên “ Bà con mà, bà con mà…, con không chịu mô”.

Suốt buổi sáng hôm sau chị Hà không thèm nói chuyện với tôi. Buồn. Buổi chiều tôi theo anh Điền đi bừa ruộng. Anh Điền hiền như ruộng, cho tôi đứng lên chiếc bừa gỗ thích lắm. Dù vậy tôi cứ mong trời chiều để về gặp chị Hà. Chị đứng chờ tôi trước ngõ, bảo vô tắm rồi ăn cơm học bài. Chị cầm tay tôi dắt ra giếng, cởi áo cho tôi rồi bảo ngồi xuống. Chị dội nước lên đầu tôi kỳ cọ. Lúc chị toan đụng phía dưới tôi hất tay chị ra. Chị cười khúc khích bảo thôi tự tắm đi, không sạch là ăn roi nghe chưa.

Một tối Chị Hà kêu Thìn ơi ra đây chơi. Chị ngồi dưới bụi tre trước sân nhà, dưới am thờ, bên cạnh cái cối đá. Cái cối để dưới am thờ nhỏ, chị đã thắp lên đó ba cây nhang. Tôi toan ngồi lên cối thì chị kéo tay bảo không nên. Cái cối này là kỷ vật của ông ngoại, linh lắm. Cái cối đá sứt tai đen thủi nằm dưới am thờ thì linh nỗi gì, tôi thắc mắc trong lòng. Chị kéo tay tôi ngồi gần, thì thào: “ Cậu có tin không, cối đá cũng có linh hồn. Cái chi cũng có linh hồn hết, mụ Thà nói rứa (8)”. Mụ Thà là cô đồng bóng, mỗi lần vong nhập vào mụ nói giọng lơ lớ kiểu người âm phủ. Bọn trẻ chúng tôi thường tụm lại xem mỗi lần mụ lên đồng. Tôi hỏi mụ Thà nói chi. Chị Hà giọng nghiêm trọng kể: “ Cái cối này là hồi môn của ngoại. Mạ (9) kể Tây đốt nhà cả thảy mười ba lần, cái chi cũng cháy, chỉ còn cái cối này, nó bị bom phạt sứt tai”. Chị đưa tay xoa rờ lên chỗ sứt rồi tiếp: “ Mạ kể Mệ ngoại mất lúc sinh cậu Ca.

Ông ngoại mất mạ mười sáu tuổi, cậu Ca mười bốn. Ông ngoại trối lại rằng, con trâu và hai sào ruộng để lại cho cậu Ca sinh sống và lập gia đình nối dõi tông đường. Nhà cửa chẳng còn chi để hồi môn cho con gái. Chỉ còn chiếc cối đá cha tặng con làm kỷ niệm. Nó không đáng giá nhưng có linh hồn của cha mạ trong đó. Rồi ông nhắm mắt ra đi. Mạ còn kể cái cối là chứng tích ghi lại mối tình của ngoại. Hai người tỏ tình với nhau bên chiếc cối này sau khi giả gạo và hò đối đáp. Một lần đến làng mệ ngoại hò giả gạo, ông hò:
Hơ hơ…Anh ngồi bên ni tai cối/Em ngồi bên tê tai cối/ Tôi thấy em mặc áo nối vải đà tóc búi vải bao. Tôi không phải là phường vô phương tắc đạo mà băng hói lội rào tới đây”. Mệ “ bí” không “đối đặng” bèn hò: hơ hơ…Đến đây thì ở lại đây, khi mô tốt rể xanh cây thì về”. Ông ở lại “mần (10) rể” ba năm thì cưới. Mệ ngoại theo chồng mang theo chiếc cối đá này làm kỷ niệm, lại đặt tên con là Ca Hát”.

Trăng hạ tuần. Dập dờn gió Nam từng đợt. Tre pheo cúi xuống vờn lên, chiếu bóng những hình thù ma quái vật vã trên am thờ, lên cối đá. Nhang cháy nhòe lay động. Nhìn chiếc cối đá đen đủi chỉa ba cái tai nhọn hoắt như nhúc nhích, tôi lạnh toát người. O Hát ngủ sớm. Anh Điền đi đâu từ sẩm tối chưa về.Trong nhà còn ngọn đèn dầu lấp loáng trên bàn thờ chực tắt. Xóm làng im ắng, chỉ còn tiếng lào rào trên ngọn tre. Chị Hà cầm tay , níu đầu tôi nói nhỏ: “ Anh Thổ gửi thư về nói mạ nên cho anh Điền ra tỉnh làm chi cũng được, đừng ở nhà, bất trắc lắm. Anh nói anh đi lính Cộng Hòa trong Nam sình lầy cực khổ lắm. Sang năm anh mới có phép về thăm. Chị đọc thư cho mạ nghe, xong mạ bảo đốt đi. Hôm qua chị nghe anh Điền nói với mạ là đừng để cậu ở đây nữa, không hay”. Chị ghé sát tai tôi thì thào, “Anh Điền theo du kích, có súng. Cậu đừng nói với ai nghe chưa. Mai chắc chị em mình không còn gần nhau nữa, Thìn buồn không”. Chị quàng vai tôi thút thít, bập bệu, “ Cậu về trên đó đừng nói chi với ai về chuyện anh Điền nghe. Khi nào chị đi chợ Huyện sẽ ghé thăm cậu”.

Tôi và chị vào nhà sửa soạn đồ đạc để mai cùng chị về nhà. Cả đêm đó tôi không ngủ được. Nằm trên tấm phản nghe gió xào xạc trên mái tranh. Anh Điền vẫn chưa về. Gà gáy canh ba chị Hà đã dậy nấu cơm. Ánh lửa rơm chập chờn bóng chị trên vách, lòng tôi đau thắt, nằm khóc thầm.

Chị Hà lại bới cơm vào mo cau như thường lệ, nói với O Hát: “Con đưa cậu Thìn về nghe mạ, chiều con mới về. Hôm qua con đã cắt cỏ đủ trâu ăn rồi”. Tôi chào O Hát. O xoa đầu tôi khuyên ngoan và học giỏi, xứng đáng với dòng họ nhà mình.

Chúng tôi men theo đường trâu đi hàng ngày. Những ô ruộng vừa vào nước phở (10) sủi bọt. Mùi đất thơm vấn vương trong gió Nam lào thổi nhẹ. Chị Hà bảo, “ Ngày ni mình chơi đến xế chiều rồi chia tay”. Tôi không trả lời, tha thủi đi theo chị. Dừng ở bến sông vắng, nơi có bụi la ngà vươn ra giữa dòng, chị Hà soạn cơm ra cùng tôi ăn. Cơm còn nóng trong mo cau ăn với muối sả.

Mặt trời đỏ lựng cao dần phía lũy tre nhà O Hát. Ở đó tôi tin là O đang nhìn với theo, hướng về phía ngoại, nơi có mồ mả mười mấy đời, và gửi vào chúng tôi một niềm tin xót xa mơ hồ nào đó.

Chị Hà rủ tôi tắm. Chúng tôi ngập lặn thỏa thích. Thường ngày đi chăn trâu chị mặc áo nâu hoặc đen. Hôm nay chị lại mặc áo quần mỏng màu sáng. Áo quần dính sát vào da thịt. Lần đầu tôi thấy rõ hai núm cau trên ngực chị, lòng bứt rứt một cảm giác khó tả. Chị quay mặt đi, hai tay ôm ngực, giọng như lạc đi: “ Cậu Thìn sinh tháng giêng, chị tháng tư. Hai chị em mình mười hai tuổi rồi đó. Mới đó...”. Bất chợt chị Hà ôm riết tôi, hai núm cau ép vào ngực trần tôi nóng hổi. Chị thì thào: “ Khi mô hết chiến tranh cậu lại về đi chăn trâu với chị nghe”.

Chiều xế bên kia sông. Chúng tôi ngồi nhìn xuống những bóng tre in lên dòng nước trong xanh. Không ai nói chi. Chị Hà cúi đầu bứt những cọng cỏ đưa lên nhìn chăm chú, nhăn trán ưu tư, rồi nhìn về hướng mặt trời lặn chớp mắt buồn bạn (buồn bã) , hai giọt nước mắt run rẩy lăn xuống hai gò má gầy sạm nắng . Chị không nhìn tôi, bảo: “ Chiều rồi, cậu về đi”. “Chị về trước đi”. Chúng tôi cứ nài nhau. Cuối cùng chị Hà xử: “Oăn tù tì, ai thua về trước” . Chị Hà thua. Chị nhìn sững tôi, cũng lại lần đầu tôi thấy má chị ửng hồng. Đi một đoạn chị lại ngoái nhìn lui. Bóng chị nhỏ dần, nhỏ dần thành một cánh cò lẻ loi giữa cánh đồng mông quạnh.


Mấy đứa bạn kháo nhau sắp có đụng trận ở làng Đông. Thằng Chinh Quắn rủ tôi đi coi đánh trận. Qua cánh đồng, làng Đông khói lửa ngút trời. Mỗi lần đụn lửa cuộn lên, sau đó là tiếng nổ lớn, thằng Chinh nhảy cẩng lên, múa tay la: “chết bây nì, chết bây nì…”, tim tôi lại thót đau, lòng ran như lửa cháy. Nhà chị Hà có cháy không. Hầm trú ẩn có chịu nỗi những quả bom không.

Cách năm cây số mà làng Đông với làng Tây là hai thế giới đối nghịch. Suốt mấy tháng tôi không nghe tin gì về gia đình O Hát.

Một năm rồi hai năm. Một sáng tháng giêng tôi gặp chị Hà. Chị quấn khăn tang đi theo chiếc xe kéo, trên đó là quan tài có phủ lá cờ vàng ba sọc đỏ. Chị Hà gục vào vai tôi khóc òa lên. “ Thìn ơi, O Hát của Thìn mất rồi, Anh Thổ cũng chết rồi đây nì. Thìn về làng với chị đi, để thắp nhang cho O, để an táng cho anh Thổ, Thìn nghe. Đừng sợ ai cả, không sợ ai nữa cả. Cái tuổi chi chị mà khổ ri hè (11), Thìn ơi là Thìn, hu hu…”. Sau một tiếng khóc là chị vổ lên vai tôi, vừa đi vừa kể lể. Tôi bước theo chị trong mưa bấc. Đến bến sông hồi mùa hè tôi và chị tắm. Trước khi đưa quan tài qua sông, hai người kéo xe lột lá cờ vàng trên quan tài dấu vào bụi la ngà, lấm lét nhìn quanh.

Quan tài đưa thẳng lên huyệt. Anh Điền mang súng đứng lặng, mắt đỏ hoe nhưng không khóc. Những nhát cuốc cuối cùng vun cát thành một ụ trắng toát, trong tiếng kêu gào của mỗi mình chị Hà. Chị lại níu vai tôi ngất đi.

Chị Hà bưng di ảnh anh Thổ cùng tôi về nhà. Chị đặt lên bàn thờ bên bài vị O Dượng, thắp nhang và cùng tôi lạy. Xong chị giục: “Về đi kẻo tối, cậu Thìn. Máu loảng hơn nước lạnh. Tôi nhớ ơn cậu suốt đời”. Tôi ôm chầm chị run rẩy: “Chị Hà ơi, răng đời chị khổ rứa…” . Tôi không biết nói gì thêm, buông chị quay đi như chạy. Tôi tha thủi theo đường bạn. Tôi chạy trong gió bấc. Tôi bơi qua sông. Lại chạy. Vấp té xuống ruộng. Lại chạy…

Càng ngày tôi càng đi xa quê mình. Mỗi lần ngang cánh đồng, có dòng sông tôi lại nhớ thương chị Hà da diết. Chị Hà có sống nổi không trong bom đạn quê tôi.


Mười mấy năm sau tôi mới có dịp về quê, ngang cánh đồng xưa tìm về nhà chị Hà. Đến bên bến sông, gặp người làng Đông tôi hỏi thăm về chị. Họ bảo chị Hà lấy chồng bên làng Tây, làng ngoại của chị ấy rồi. Tội nghiệp, cả hai vợ chồng đều tật nguyền.

Tôi không kịp hỏi thêm, nhắm hướng làng Tây mà chạy. Chị Hà ngồi ru con bằng một tay, tay còn lại cụt tới nách. Chị nhìn sửng tôi rồi khóc òa: “Cậu Thìn còn sống đó à. Tưởng cậu đi luôn không thèm về quê. Cháu cậu đây nì, kêu bằng cậu hay ông trẻ cũng được”. Đôi mắt đẩm nước của chị ngời hạnh phúc khi nựng thằng con trai kháu khỉnh của mình. Tôi hỏi tới: “Răng kêu cậu và ông”. Sau khi rót nước mời , chị bình thản: “ Cậu không vui à. Ngồi xuống đây tôi sẽ kể cậu nghe: Chồng tôi là cháu gọi cậu bằng chú họ. Anh ấy đi lính Cộng Hòa cùng lứa cậu. Số phận khắc nghiệt thiệt. Đến ngày cuối cùng của cuộc chiến anh ấy lại bị thương, cụt cả hai chân. Mà cũng may, rứa mới gặp tôi. Còn tôi từ ngày nhà cửa cháy hết anh Điền đem tôi theo lên rừng. Năm sáu chín anh Điền cũng mất sau một trận sốt rét rừng. Tôi lại vào bộ đội rồi bị thương mùa hè năm 1972. Về làng tôi đi học sư phạm mẫu giáo. Năm nào tôi cũng về ngoại chạp mả. Bà con bên ngoại cứ cặp đôi tôi với “anh thương binh Ngụy”, anh Chinh, chồng tôi hiện chừ đó. Ban đầu tổ chức cũng can ngăn, sau vì chúng tôi quyết tâm nên họ cũng chịu. Vậy là chúng tôi làm đám cưới. Vui nhất là ngày thương binh liệt sĩ nào tôi cũng đẩy xe chồng tôi theo, vì sợ anh ấy buồn. Phái đoàn nào tặng quà anh ấy cũng có một phần. Ai cũng tưởng vợ chồng tôi là đồng đội. Ông bà linh lắm, cột hai đứa lại với nhau”.
Thằng Chinh tóc quắn, tôi nhớ ra rồi, thằng Chinh tóc quắn, cháu họ tôi.

Chị cùng tôi ra sân, dưới am thờ, chiếc cối đá sứt tai được đặt lên cái bệ ốp gạch trang trọng. Chị thắp nhang vái rồi quay sang tôi: “Trễ tràng hết rồi cậu ơi. Số phận ông bà sắp đặt rồi. Chiếc cối đá dù sứt tai lại được trở về với họ ngoại đây nì.Từ nay tôi sẽ gọi cậu bằng chú, Chú Thìn”.


_________________________________________

(1) O: Cô. Ở Trị thiên, em hoặc anh của cha đều được gọi bằng O.
(2) Dượng: chồng của O hoặc dì. Chị của mẹ cũng được gọi bằng dì
(3) Răng: sao. Ra răng: thế nào.
(4) Mệ: Bà nội, ngoại. Những bà ngang hàng với ông lại gọi bằng Mụ.
(5) Gió Nam: Gió Nam Lào, thường xuất hiện từ tháng 5 đến tháng 7 từ đèo Ngang đến đèo Hải Vân. Gió từ biển vào gọi là gió Nồm.
(6) Mô: đâu.
(7) Chắc: Nhau, với nhau. Ví dụ hôn nhau người Quảng Trị gọi là hun chắc . Nhưng một mình (alone) lại gọi một chắc.
(8) Rứa: thế.
(9) Mạ: mẹ.
(10) Nước phở: Đất cày ải, phơi cho khén rồi vào nước.

(11) Ri hè: Thế này.
READ MORE - CHIẾC CỐI ĐÁ SỨT TAI – truyện ngắn Nguyễn Đặng Mừng

VẦNG TRĂNG KHUYẾT - thơ Nguyễn An Bình

  



Có một vầng trăng xưa
Trôi qua miền thương nhớ
Thuở một thời hai đứa
Hẹn nhau buổi tan trường.

Hạt nắng vàng còn vương
Trên tóc thề em gái
Bờ vai nào thương mãi
Nụ hôn đầu ngây thơ.

Ủ hương tuổi học trò
Suốt mùa say đắm đuối
Vầng trăng nào rong ruổi
Theo em cùng tháng năm.

Lòng tôi tựa mưa dầm
Ai bảo tình thấm lâu
Em dòng nước qua cầu
Trôi một lần biệt xứ.

Mưa chìm trong mộng dữ
Thương hoài cánh chim trời
Mang nỗi buồn lẻ loi
Bay qua mùa dông bão.

Giữa hai bờ hư ảo
Tôi lạc loài chơi vơi
Người ơi và tình ơi
Còn chi mà nuối tiếc.

Vầng trăng xưa đã khuyết
Người xa xôi muôn trùng
Trăm năm còn bao dung
Cho cuộc tình hai đứa?

29/07/2013
Nguyễn An Bình
luongmanh2106@gmail.com


READ MORE - VẦNG TRĂNG KHUYẾT - thơ Nguyễn An Bình

NÉT EM - chùm thơ Mai Thanh

 
Mai Thanh



NÉT EM 
                                
Nét em từ thuở xuân thì
Níu chân ai lối đi về ngõ quê
Tóc thề trói nỗi si mê
Ngực căng chứa nặng lời thề trong nhau...
Em đi đâu, em về đâu?
Triền đê tiếng cỏ rĩ rầu, nhớ ai?
Con diều biếng chẳng theo dây
Khói quê bảng lảng mà cay mắt mình
Đêm trăng lạnh ngắt sân đình
Lũy tre xõa tóc, nghiêng mình, nhớ ai ?
Thức thao giấc mộng đêm dài
Nét em... đi mãi trọn đời... nét em!


NÍU

Níu tuổi thơ nghe mẹ ru hời
Khúc đồng dao gọi trò chơi “nu nống”
Thuyền lá thả trong mưa
Tí tách xa mờ dĩ vãng...
Lãng đãng kiếm tìm
Nơi cắt rốn trốn rau
Thiêng liêng một miền xứ sở...
Nao nao một thời thương nhớ...


Níu đêm hò hẹn nguyên sơ
Vụng về đôi môi, ngỡ ngàng đôi mắt
Bàn tay “tội lỗi” kiếm tìm...
Níu tuổi xuân em
Níu tuổi xuân anh
Để tình ta xuân mãi
Khi mỗi năm về
Lại níu mùa xuân

Níu chặt cuộc đời
Trong khoảng lặng tri âm...


MƯA EM THAO THỨC

Mưa em mùa xuân sang
Cho lòng anh hoa nở
Cho chim trời xây tổ
Cho ngọt đậm lời quê

Mưa em mùa hạ về
Cho lòng anh mát mẻ
Cho búp măng mở bẹ
Cho thắm lá mùa u

Mưa em trong mùa thu
Cho đàn ong diễu cánh
Cho lúa đồng thêm nhánh
Cho lòng anh ấm nồng

Mưa em trong mùa đông
Cho lòng anh ấm mãi
Cho óng vàng hoa cải
Cho thắm ngọn lửa hồng

Bốn mùa xuân hạ thu đông
Mưa em cứ thả cho lòng riêng anh.

Mai Thanh
maithanh40@gmail.com
READ MORE - NÉT EM - chùm thơ Mai Thanh

XIN LỖI - thơ Văn Kế Thế

Văn Kế Thế


Bởi “răng rứa”?! hôm nay em xin lỗi
Anh ơi anh, anh có biết từ lâu?!
Đã nhiều đêm em từng tự hỏi
-Sao chúng mình lại không thuộc về nhau

Em nuối tiếc thời còn đi học
Tình ngây thơ thêm một chút ngu ngơ
-Phải chi anh đừng là chàng “ngốc”
-Thì bây giờ anh đâu phải làm thơ!

Em rất sợ những tháng ngày vô vị
Rồi thế nào cũng có lúc bâng khuâng
Thế nào cũng để hồn vào mộng mỵ
Rồi miên man… như thuở ấy bao lần

Em sẽ về, sẽ về thăm chốn cũ
Em sẽ tìm về kỷ niệm xa xưa
-Nhen vào tim một đôi điều ấp ủ
Để cuối đời còn gì đó… đong đưa!

Chuyện chúng mình, anh ơi nên như thế
Dù lòng đau hay có quá ngậm ngùi
-Vì mai kia khi làm ông làm mệ
Đọc thơ này chắc hẳn sẽ rất vui…

VKT
kethe406@yahoo.com.vn


READ MORE - XIN LỖI - thơ Văn Kế Thế

CHIÊM BAO - thơ Thy Lệ Trang - họa Nguyễn Hồng Trân

 
Thy Lệ Trang

CHIÊM BAO

Hỏi anh đếm được mấy vì sao
Có thấy mắt em ở chốn nào?
Một phút xôn xao mây phủ nhẹ
Muôn đời luyến tiếc má phai mau
Chập chùng sương trắng đầu non lạnh
Thăm thẳm rêu xanh đáy biển sầu
Dỗ giấc tình yêu đầy mộng mị                
Âm thầm giọt nhớ suốt canh thâu


Âm thầm giọt nhớ suốt canh thâu
Cũng đủ vì ai bạc mái đầu
Anh thấy sao trời trong mắt biếc
Em tìm biển ái giữa đêm sâu
Nụ hôn tỏa ngát mùi trinh bạch
Suối lệ nồng hương vị ngọt ngào
Siết chặt vòng ôm hơn chút nữa      
Giật mình, sực tỉnh... giấc chiêm bao!!!

                THY LỆ TRANG
                Massachusets
                thyletrangntc@yahoo.com



MỘNG TƯỞNG

Anh muốn nhìn em dưới ánh sao
Như đêm gặp gỡ thuở xưa nào
Long lanh sương đợi mong tan chậm
Lãng đãng mây chờ muốn lướt mau
Núi biếc chim về tìm tổ ấm
Sông xanh cá lội giải tình sầu
Đôi ta thương nhớ triền miên mãi
Chẳng biết bao giờ mới thấm thâu?


Chẳng biết bao giờ mới thấm thâu?
Mong sao trở lại tuổi xanh đầu
Ngày còn lưu luyến ngâm hồ cạn
Tối vẫn mơ màng tắm suối sâu
Mấy dạo chiêm bao tình mật ướp
Bao lần mộng tưởng nghĩa đường ngào
Bên nhau khắng khít như sam biển
Kỷ niệm xa rồi nhớ biết bao!..
                    Nguyễn Hồng Trân
                    nghongtran38@gmail.com
READ MORE - CHIÊM BAO - thơ Thy Lệ Trang - họa Nguyễn Hồng Trân

HUẾ VÀ TÔI - thơ Trương Nguyễn




Đi lanh quanh
Một lần với Huế
Vẫn núi non
Sông nước hữu tình
Có một điều
Không bao giờ thấy được
Những nỗi buồn theo năm tháng lặng thinh


Dòng Hương Giang
Chở che bao số phận
Con đò nào
San sẻ nỗi niềm riêng
Nâng phím đàn giọng đặc khàn uất nghẹn
Tiếng thơ ai còn đọng chút hồn thiêng


Trang tình sử
Khắc ghi Hàn Mặc Tử
Vỹ Dạ giờ
Lưu luyến ánh trăng xưa
Mà người cũ không mơ về nơi ấy
Đã tan vào mộng ảo cõi phù du


Nhớ thương nhau
Lật dòng thơ cũ
Bút mực vương
Hơi ấm cuộc tình đau
Huế vẫn vậy ngàn năm không phai nhạt
Chỉ mình ta tóc trắng mái đầu.


Trương Nguyễn
truonguyen49@gmail.com
READ MORE - HUẾ VÀ TÔI - thơ Trương Nguyễn

NỬA VẦNG TRĂNG - thơ Hoàng Yên Linh


Gởi Cam Lộ, đất quê thời thơ ấu



 


Tôi để lại nửa vầng trăng khi xa xứ
Nửa vầng trăng mang theo suốt cuộc đời
Mãnh đất quê buồn nơi có vầng trăng đợi
Có bến đò đưa đón buổi chợ phiên
Tôi bước sông hồ cay đắng triền miên
Tóc đã bạc vẫn ngậm ngùi cố xứ.

Tôi xa quê bỏ lại hàng cau lã ngọn
Bỏ cánh diều bỏ khúc dân ca
Nhớ đêm trăng vằng vặc lũy tre ngà
Nhớ tiếng võng ru hời trưa hè im vắng
Tuổi đời trên vai qua tháng năm mưa nắng
Tôi tìm về ruộng lúa cánh cò xưa ...
Nơi kỷ niệm êm đềm tôi để lại .
Mấy thằng bạn chăn trâu thời tắm nắng
Gặp lại nhau bên ly rượu buồn mênh mang
Chữ nghĩa chất đầy cho đời thêm khốn nạn
Không biết gì đời lại thấy vui hơn .
Sao tôi nghe nửa vầng trăng nghèn nghẹn
Đất quê mình biết còn nghĩa còn duyên.

Mấy cô bạn ngày xưa một thời tôi ươm mộng
Nay bỏ quê biền biệt chốn quê người
"Áo anh sứt chỉ đường tà ..."
Có phải khúc hát xưa đã chìm vào quên lãng
Sao tôi nghe có chút gì xa vắng...
Nửa trăng chờ
Chẳng ghép lại trăng xưa.



HOÀNG YÊN LYNH

hoangmylinh@live.com
READ MORE - NỬA VẦNG TRĂNG - thơ Hoàng Yên Linh

Trang thơ giao lưu của người cao tuổi: Thanh Phong Lê Chí Phóng, Lê Văn Thanh, Trương Điện Hòa, Nguyễn Thanh Bá, Sĩ Chương, Trần Ngộ, Trương Đình Đăng



Thỉnh họa:
DÂN TÌNH, THẾ THÁI

Đêm nằm thao thức suốt canh khuya,
Yêu ghét chen nhau tỏ nọ kia.
Khi thích nở mày vui xoán vó,
Lúc không nhíu mặt bỉu môi trìa.
Nhẹ nhàng xúm lại đòi vai gánh,
Nặng nhọc phớt lờ chuyện sẻ chia.
San sẻ niềm vui câu xử thế,
Tình chân sao nở vội xa lìa.

*

Xa lìa những chuyện thiếu nhân văn,
Đạo lý xem chừng tụt khó ngăn.
Mạnh được yếu thua cho phải lẻ,
Lấy đông hiếp ít thiếu công bằng           
Thói đời bạc bẽo vô thường tạo,
Cuộc sống nhiệm mầu hữu thiện căn.
Vạn vật trời ban đều hưởng lợi,
Gạt bên lề mọi nỗi băn khoăn.
                                   Thanh Phong Lê Chí Phóng


Kính họa:  
NHÂN TÌNH THẾ THÁI

Mây trắng trăng ngần đẹp thế kia !
Ngân hà lấp lánh vạn sao khuya
Trần gian ma chướng lòng tham đắm
Nhân loại đau thương miệng méo trìa
Quyền lợi thắng thua luôn đấu đá
Siêu cường nhược tiểu đã phân chia
Sân si lửa dục thiêu muôn một
Nguyên tử văn minh sớm nát lìa

                                        *

Nát lìa tham vọng chẳng băn khoăn
Đạo lý vun bồi xóa khó khăn
Nhân ngã nguyên lai đồng thể tánh
Cọng tồn nhất niệm hóa thân bằng
Vô thường cõi tạm lìa hoang tưởng
Tự tại an bình hướng cội căn
Muôn loại chúng sinh cùng một đẳng
Dung hòa cộng hưởng cứu thiên văn
                                    Lê Văn Thanh

*****               


Đọc khúc dạo đầu thơ của Xuân Diệu cho bài thơ "Lời kỹ nữ" của Trần Thị Quỳnh Hoa, tôi nhớ đến Tố Hữu.
          
                  LỜI KỸ NỮ

               ...Răng không cô gái trên sông
           Ngày mai cô sẽ từ trong ra ngoài
                  Thơm như hương nhụy hoa lài
           Sạch như nước suối ban mai giữa dòng...
                                                            Tố Hữu

                  Khuya lạnh trăng mờ gió dịu êm
                  Đò em khách tạm ngủ qua đêm
                  Ê chề xác thịt đau thân phân
                  Lòe loẹt phấn son tủi áo xiêm
                  Bến Ngự có nghe tình Tố Hữu          
                  Văn Lâu chừ vẳng tiếng lòng em
                  Mặt trời lý tưởng là mơ ước
                  Có thể nào xóa hết bóng đêm!
                                     Lê Văn Thanh
                                     ĐT: 01696 088 466

*****

BÀI XƯỚNG:
TƯ SỰ 

Chiều nay rỗi việc đi tìm bạn
Chẳng thấy thằng mô uống với ta
Đứa bận áo cơm nơi phố chợ
Người lo hương khói chốn quê nhà
Mồi ngon lặng lẽ xơi cùng bóng
Rượu đắng âm thầm nhậu với ma
Thiết tưởng cuộc đời vô vị quá
Tháng ngày ôm mộng gởi trời xa.
                                    Trương Điện Hòa


BÀI HỌA:
ĐỢI  BẠN

Trên bến sông quê ngồi đợi bạn
Nắng chiều nghiêng bóng rọi mình ta
Chia tay từ ấy sầu phương khách
Trở lại giờ đây quạnh cửa nhà
Sương xám giăng giăng triền núi bắc
Ráng vàng quyện quyện bãi tha ma
Hoàng hôn chập choạng trời hư ảo
Dấu cũ phai mờ. . . nghe xót xa !
                                    Nguyễn Thanh Bá


TÂM TÌNH

Việc đời lắm lúc đâu cần bạn
Nhưng nhậu thì không phải có ta
Đứa vét cháy quần mua xị đế
Thằng mò lén vợ chỉa mồi nhà
Khi buồn nhấm nhí vui bằng hữu
Lúc sướng lai rai cụng lủ ma
Nói đả rượu vào cao hứng hát
Em về chiều tím nắng phương xa ./.
                                    Sĩ Chương

*****
Thơ mời họa:
CHÁN CHỒNG

Đã lão niên đâu lại chán chồng
Bởi bà tiếc của bảo vì ông
Thần phương đôi tể tinh nào cạn
Thánh dược vài hoàn khí huyết sung
Tim yếu chớ tìm thầy bấm huyệt
Thận suy đừng kiếm lá khuây xông
Thuốc thang tẩm bổ dương hừng hậy
Đêm bảy ngày ba hỏi sướng không?
                                     TRẦN NGỘ


TRÁCH CHỒNG

Sao chẳng trách thân chồng hởi chồng?
Lâu rồi ông chẳng phải đàn ông
Thuốc thang nào thiếu liều tăng tạo
Ăn uống cũng thừa chất bổ sung
Trên bảo dưới lờ quân cứ ngủ
Tiền hô hậu ủng trận nào xông
Nam khoa sớm liệu tìm phương trị
Chuyện ấy cầm bằng có cũng không
                                 TRƯƠNG ĐÌNH ĐĂNG 
                                  (ĐÀ NẴNG)


READ MORE - Trang thơ giao lưu của người cao tuổi: Thanh Phong Lê Chí Phóng, Lê Văn Thanh, Trương Điện Hòa, Nguyễn Thanh Bá, Sĩ Chương, Trần Ngộ, Trương Đình Đăng

MƠ - Thơ : Nguyễn Văn Gia - Nhạc : Trần Hoàng Thụy - Trình bày : Ca sĩ Cao Minh

Nguyễn Văn Gia


Cao Minh



ĐỂ NGHE CA KHÚC "MƠ", XIN BẤM VÀO ĐÂY 

MƠ ...

Chẳng còn đâu
Bóng tre xanh
Quê nhà giờ đã trở thành cố hương
Ngậm ngùi ta
Giữa phố phường
Mơ ...
Mùa trăng cũ
Ruộng 
Vườn
Tiếng chim.

Nguyễn Văn Gia
READ MORE - MƠ - Thơ : Nguyễn Văn Gia - Nhạc : Trần Hoàng Thụy - Trình bày : Ca sĩ Cao Minh