Cầm tờ báo trên tay,
theo lệ thường, hắn lướt đọc những tít. Vẫn những chuyện như tuần trước, tháng
trước. Những tin con đánh cha, giết mẹ, giành đất đai, vợ cắt của quý chồng vì
ghen tuông, những hotgirl làm đình làm đám với những cái rung bưởi vòng 1, lắc
mông, lắc háng v.v… Hắn thở dài, bần thần xếp tờ báo lại. Nghe tiếng thở dài,
vợ hắn lên tiếng:
- Bộ có tin gì xấu
nhiều hơn tin tốt, hở ông?
Mắt vẫn không rời tờ
báo, hắn chép miệng, nói:
- Có chi đâu. Tại cái
cơ chế. Tại cái cơ chế.
Vợ hắn nghe hai tiếng cơ chế,
bèn trách:
- Ông suốt ngày cứ đổ
thừa cho cơ chế. Mà cái cơ chế thì kệ cha nó, chứ ông nghĩ đến nó làm chi cho
mệt. Gần đến lỗ ròi mà cứ nghĩ cứ ngợi hoài thì làm sao cho yên được. Ông không
nghe mấy ông thầy tu nói hôm trước sao?
Hắn nghe vợ trách, bèn
xuống giọng:
- Ừ, biết rồi mà! Thôi,
bà bớt nói đi cho tôi nhờ!
Vợ hắn như biết điều,
bèn đánh trống lảng:
- Ông ở nhà, tôi tới
trường mua hồ sơ cho con Hằng đây.
Hằng là cháu nội của vợ
chồng hắn, chuẩn bị vào lớp 1. Hắn ở nội thành, nên xin cháu vào học tiểu học
khó ơi là khó. Không mua trước hồ sơ thì có nước không có chỗ học, chớ chẳng
chơi đâu.
Đợi vợ đi khỏi nhà, hắn
ngồi thừ trên giường. Hắn nhớ lại hôm trước, đi chùa, được nghe mấy thầy tu
giảng đạo. Nào là phải tu tâm dưỡng tính, nào là phải buông để bình yên, vô sự.
Phải buông! Hắn giật mình làm rơi quyển kinh trên tay khi nghe tiếng “buông”.
Hắn như chìm vào giấc mơ. Hắn nhớ lại vợ hắn đã nhắc nhở khi đó: “Nè ông! Ông
làm chi mà sững sững sờ sờ thế?”. Nghe vợ nói thế, hắn vội cúi xuống lượm lại
quyển kinh. Giọng thầy tu vẫn đều đều: “Đức A Di Đà đã dạy phải tìm về bến
giác. Muốn trở về bến giác thì phải buông…”.
Lời giảng ấy cứ in
trong đầu hắn. Hắn cũng muốn khỏe cái thân chớm già. Còn khoảng vài tuổi là đến
bảy mươi. Gần đến cái tuổi “cổ lai hi”, hắn vẫn thấy mình chẳng là gì trước vô
thường, trước những giấc mơ còn sót lại. Tâm tưởng hắn xoáy, cuốn vào những
giấc mơ hoa - những giấc mơ không có trên trần gian này. Nhưng chính những giấc
mơ ấy cứ thôi thúc hắn sống. Và hắn như trở về tuổi thanh niên. Có lẽ, khi chớm
già, người ta hay nhớ về quá khứ. Dẫu quá khứ ấy như con bò gặm cỏ để sinh tồn.
Hắn mơ về tuổi đôi mươi.
Hồi ấy, hắn tài
hoa lắm. Biết bao trào lưu, học thuyết đã làm con tim, khối óc của hắn hâm mộ,
chắt lọc. Có thể đó là trào lưu lãng mạn như là thứ trang điểm dáng vẻ của hắn.
Nào là tiểu thuyết Khung cửa hẹp, Gánh hàng hoa, Hồn bướm mơ tiên, …
Nào là nhạc tiền chiến Mơ hoa, Thiên thai, Suối mơ, Cung đàn xưa, …
Thời trai trẻ, cây ghita trên tay hắn trở thành người bạn rung lên những âm
thanh mê hoặc những tâm hồn thiếu nữ. Hắn từng hát những giai điệu ngọt ngào
làm lay động bao trái tim con gái. Rồi hắn làm thơ nữa. Những bài thơ tỏ tình
đầy mật có bóng dáng từ ngữ của Sang ngang, Điêu tàn, Thơ thơ, … Tất
cả chúng như có hồn, như hình, như ảnh làm cho hắn trở nên nổi tiếng một thời
đi học. Chưa dừng lại ở trào lưu lãng mạn, hắn lại ôm thêm trào lưu của các chủ
thuyết như siêu thực, hiện sinh, xã hội, hiện tượng luận… Hắn đọc triết luận của
Phạm Công Thiện, của Trần Đức Thảo, … Hắn mê thơ hiện đại của Thanh Tâm Tuyền,
Phạm Thiên Thư, Bùi Giáng, … Hắn viết những bài nghiên cứu trên Văn, Gió
mới, Thế hệ, … Hắn tập tành viết sách thiền, triết học. Nói chung, hắn
viết đủ thứ. Như xà bần, hắn là con người của những giấc mơ siêu thực, lãng
mạn. Nếu bạn đọc tìm trong đống xà bần ấy, chắc các bạn sẽ bắt gặp một chút
cứng rắn của những viên gạch bể, một chút mềm dẻo của những bao ni lông, một
chút bụi, một chút mùi bị vứt bỏ, một chút hi vọng còn sót lại của những bông
hoa khô héo lẫn lộn vào đá vụn, cát, đất… Nhiều khi hắn mơ làm người hùng. Hắn
đâu quên những bài học lịch sử. Biết bao lần đánh giặc Tàu phương bắc xâm lược
nước ta như hiện ra trong tâm trí hắn. Hắn mơ thấy như cùng quân dân Âu Lạc đang
dùng những mũi tên bắn vào giặc Đồ Thư. Khi giặc Ân xâm phạm cõi bờ nước ta,
hắn mơ cùng đoàn quân của Thánh Gióng nổi trống đồng, muôn người như một đánh
tan đội quân giặc xâm lược bạo tàn. Hắn lại mơ hắn là tùy tướng, cùng chủ là
Ngô Quyền, tiêu diệt quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng. Chưa hết, hắn lại mơ
cùng Lý Thường Kiệt lắng nghe thơ thần bên giòng Như Nguyệt. Hôm ấy, giòng sông
như linh thiêng, tụ hội khí đất trời Đại Việt, như có cả bóng dáng cha ông từ
thời lập nước truyền lời Tuyên ngôn độc lập. Hắn cũng mơ giấc mơ cùng Hưng Đạo
Đại Vương tìm hiền tài cứu nước. Hắn thấy rõ ngọn giáo đâm vào đùi Phạm Ngũ
Lão, khi Ngũ Lão ngồi đan sọt. Máu chảy mà Ngũ Lão vẫn lặng im. Chỉ đến khi
Hưng Đạo hỏi, Ngũ Lão mới giật mình quỳ gối. Hắn thấy rõ vẻ mặt mãn nguyện của
Hưng Đạo khi Ngũ Lão trả lời. Hắn thấy cả vóc dáng kình ngư của Yết Kiêu đục
thủng thuyền quân Nguyên - Mông. Hắn cùng quân dân Đại Việt hò reo thắng lợi
khi Thoát Hoan chui vào ống đồng chạy về phương Bắc. Hắn lại mơ cùng nghĩa quân
Lam Sơn nếm mật nằm gai, có lúc thiếu lương phải ăn cả củ chuối. Mười năm, dưới
sự chỉ huy của Lê Lợi, được Long Quân cho mượn gươm thần, cuối cùng giành được
thắng lợi. Hắn đã tham gia ngày hội mừng Đại Việt được độc lập. Bản “Bình Ngô
đại cáo” vang lên những lời hùng hồn đầy nhân nghĩa, sáng cả đất trời Đại Việt
năm nào. Rồi hắn lại mơ cùng đoàn quân Quang Trung đánh Hà Hồi, Ngọc Hồi. Hắn
vui khi nghe tin Sầm Nghi Đống tự tử. Hắn muốn hét thật to khi quân lính báo
tin Tôn Sĩ Nghị trốn chạy bán sống bán chết. Hắn như được Quang Trung ưu ái cho
hắn đi cùng khi tiến vào Thăng Long. Cả Thăng Long vui mừng, hò reo thắng lợi.
Sắc đào vẫn thắm nụ xuân. Và hắn thấy những nụ cười của những cô gái mơn mởn
sắc đào. Hắn muốn làm thơ ngợi ca những đôi môi đẹp ấy, nhưng vui quá, hắn
không thể làm được một câu nào.
Vợ hắn
về nhà khi nào mà hắn chẳng hay. Hắn vẫn còn mải mê suy
tưởng. Hắn như thấy mình có ích khi có những cơn mơ ấy trong chừng
mực nào đấy. Dẫu sao mơ mộng về những điều có lợi hoặc không hại đến ai cũng
được. Đừng có suy nghĩ ác là quý rồi!
Giòng suy tưởng của hắn
bị chặn lại khi vợ hắn nói:
- Hồi hôm, ông nghe tin
gì không? - Hắn chưa kịp nói thì vợ hắn lại lên tiếng - Ông biết không, Trung
quốc lại bắn phá tàu cá của ngư dân ta ở Hoàng Sa. Cớ sao dân ta đánh bắt cá ở
biển của ta mà Trung quốc lại có hành động của kẻ cướp thế? Sao hắn ác thế
không biết? Hắn không sợ quả báo sao?
Hắn chép miệng, nói
nhỏ, nhưng đầy tức tối:
- Tại hắn là nước đông
dân, hắn ỉ hắn là nước lớn mà!
Nghe giọng hắn không
được bình thường, vợ hắn muốn nói nữa nhưng lại im. Cả căn phòng
chỉ có tiếng thở của hai vợ chồng hắn. Hắn thấy vợ có
những cử chỉ khó chịu, bèn nói:
- Bà có điều chi muốn
nói!
Nghe thế, vợ hắn bèn
lên tiếng:
- Tôi nghe có người
nói, nước lớn chưa hẳn là mạnh. Nước nhỏ chưa hẳn là yếu. Có phải thế không ông?
Hắn không ngờ vợ
hắn có ý vậy, bèn nói:
- Ừ, nghe cũng
phải. Nhưng, nước mình chưa đủ tầm, đủ lực mà bà! Biết làm sao giờ?
Vợ hắn cười nói:
- Tôi cũng nghe đài nói
như vậy. Mà thôi, ông à, chuyện đâu còn có đó. Thôi, tôi đi nấu cơm đây. Ông
nghỉ chút rồi ăn cơm.
Vợ đi lo chuyện
cơm nước, chỉ còn lại hắn một mình. Ngồi miết cũng đau cả lưng, bèn lại
giường nằm. Nằm trở mình qua, trở mình lại mà chẳng nhắm mắt được. Hắn vội lấy
romote bật tivi. Hắn bật cho có bật. Kênh CN đang phát phim hoạt hình. Vẫn là
Tom, là Jerry. Cái thằng Mỹ ngó thế mà khôi hài thật. Chuyện chi nó cũng đùa
được thì phải. Nghĩ thế, rồi hắn như mơ mơ màng màng. Hắn lại nghĩ đến những gì
hắn và vợ trao đổi khi nãy. Chuyện dính dáng đến biển đảo, nhiều khi hắn không
muốn nghĩ đến cũng không được. Nhiều khi hắn muốn buông như lời thuyết pháp của
thầy tu, nhưng mà chẳng buông được. Hắn lại chìm vào những giấc mơ. Hắn thấy
cột Bạch Đằng đâm thủng thuyền giặc, hắn thấy đầu Liễu Thăng bị chém ở ải Chi
Lăng, hắn thấy gò Đống Đa vùi xác quân thù… Giấc mơ như những con sóng vỗ bờ,
như tiếng lòng của dân Việt, như máu thịt của bà con Lý Sơn, Sơn Trà, Thanh Khê…
Đang chìm vào những suy
nghĩ vẩn vơ, hắn giật mình bởi tiếng điện thoại. Cầm điện thoại, hắn
biết thằng Nguyễn đang gọi. Không biết có chuyện chi mà hắn gọi gần trưa.
Hắn đưa điện thoại lên nghe, rồi nói: “A lô! Nghe đây. Có chi không?” Tiếng
thằng Nguyễn è è trong điện thoại: “Thằng Khành mất rồi!”. Hắn giật mình: “Hắn
mất rồi sao?”.
Thằng Khành là bạn học
hồi phổ thông. Giọng thằng Nguyễn vẫn è è trong máy: “Nó bị ngộ độc thuốc Bắc”.
Trời ơi, hắn mới gặp thằng Khành tuần trước. Thằng Khành vẫn mạnh ù ù, thế mà
lại chết. Cũng qua điện thoại, thằng Nguyễn nói như đinh đóng cột là tại thằng
Khành tin lời quảng cáo của mấy thằng Tàu, mua thuốc bổ dương, phục vụ cô vợ
hai đang tuổi hồi xuân. Ai ngờ mấy lời tán tụng công dụng thứ thuốc ấy được pha
chế bởi sự lừa phỉnh, dối trá, nên thằng Khành phải tiêu tán đường. Ngộ độc bởi
thuốc Bắc bổ dương, ai đời lạ thế? Nhưng rồi ngẫm đi ngẫm lại, biết bao thương
lái Tàu sang ta làm ăn, nhiều tên đã dụ dỗ người nhẹ dạ, cả tin, hám lời, buôn
bán những thứ độc hại. Thuốc mà còn thế, huống hồ những thứ khác như cá tầm,
chân gà, cà rốt, khoai tây. Và còn biết bao thứ khác nữa. Kể sao cho hết sự ma
mãnh của chúng! Qua báo chí, hắn biết nhiều tin giật gân, không thể tưởng tượng
nỗi là bọn thương lái Tàu qua ta mua đĩa, mua lá điều, mua chồn - chuột đen, …
Dân đen ta tham lợi bèn nuôi đĩa, suốt lá điều, nuôi chồn - chuột… Nhưng rồi
thương lái lại bặt tăm. Biết bao lần chúng sang ta, gây xôn xao, rồi biến. Rồi
lại dung chiêu này chiêu kia, lại gây xôn xao, rồi lại biến. Cứ thế, bọn chúng
biến hóa khôn lường, lừa phỉnh dân ta.
Hắn lại mơ. Mơ tẩy
chay hàng hóa nhiễm độc nhập từ cửa khẩu Lạng Sơn, Quảng Ninh, tẩy
chay âm mưu thâm độc của bọn thương lái, của bọn đầu sỏ dùng những chiêu bài
hợp tác kinh tế để thu lợi. Hắn thấy như giữa ban ngày, dân ta có kẻ làm tay
sai cho thương lái ấy khi nào chẳng hay. Mà những kẻ tiếp tay cho bọn chúng lại
phè phỡn, mập mạp, được thành đạt trên mọi cương vị. Hiện ra trước mắt là những
cái bắt tay, cái gật đầu, những xấp tiền mới thơm còn nguyên sê-ri được đổi
trao qua những phi vụ làm ăn. Thật là buồn khi có kẻ làm tay sai cho thương
lái. Tâm hồn chúng cũng đổi màu, biến sắc sao cho phù hợp với những bản hợp
đồng của thương lái. Chúng thực hiện hợp đồng ấy bằng mọi cách, kể cả dùng
những chiêu chào hàng khuyến mãi, tặng không, tài trợ cho người tiêu dùng những
sản phẩm hết hạn sử dụng hoặc tác hại về sau mà không thuốc gì chữa được. Đối
với chúng, tiền bạc là trên hết. Không cần sự chân thật, không cần nhân nghĩa.
Sự chân thật, lòng nhân nghĩa trở thành xa xỉ. Chỉ có vật chất là trên hết nên
chúng không từ những thủ đoạn tra tấn, chém giết với những ai không thực hiện
giao ước làm ăn với chúng. Chưa hết, bọn chúng lại cung phụng những lãnh đạo có
ý tưởng lạ đời. Những ý tưởng ấy, có thể là nóng lạnh bất thường, dở hơi, chạm
mạch nhằm đưa sự quan tâm của người dân vào chiều hướng rối rắm, không lối
thoát, chỉ còn chép miệng kêu trời. Đơn cử ý tưởng lắm điều thị phi như trước
đây bộ Y tế đề xuất: vòng bụng, vòng ngực, chiều cao đạt chuẩn thì mới được cấp
phép lái xe máy; hoặc 1 thành phố lớn đưa ra ý tưởng phụ nữ 33 tuổi trở lên không
được sinh con; hoặc Bà mẹ Việt Nam anh hùng được cộng điểm ưu tiên khi chống
gậy thi vào đại học; … Cả xã hội lại chõ mũi, chõ miệng nháo nhào vào các ý
tưởng ấy để bàn luận để quên chuyện bản thân, tập thể, tổ chức mắc khuyết điểm.
Ai cũng có điều để chê xã hội, chê những kẻ đẻ ra những ý tưởng khủng ấy. Nhiều
lần, lên facebook, hoặc các trang mạng, hắn đã đọc không biết bao phẩm bình về
những ý tưởng quái gở ấy. Nhiều người lên án xã hội, nhiều người chê cho sự suy
nghĩ mông lung, chê những chữ nghĩa kỳ quặc trong các văn bản, quyết định không
tưởng ấy được ban hành trong đời sống.
***
Đi đám tang thằng
Khành về, hắn cùng thằng Nguyễn ghé quán cà phê.
Cà phê được chủ quán bưng ra, để trước mặt hắn.
Thế mà hắn chẳng để ý. Thằng Nguyễn lấy thuốc châm lửa. Nhìn
từng ngụm khói phả ra, hắn cảm thấy bình thường vì trước đây, hắn là tay ghiền
thuốc lá, nhưng giờ hắn bỏ rồi. Hắn chẳng bận tâm khi khói thuốc vây quanh mặt
hắn.
Quán
cà phê xế chiều hơi vắng khách. Chỉ có những giai
điệu của những bản nhạc không lời. Nhạc vừa đủ nghe, đủ để hắn
và thằng Nguyễn tâm sự. Bọn hắn đang nói chuyện về cuộc đời, về sự hiện hữu và
mất đi. Hắn như thấy từ buông đang được thằng Khành thực hiện. Mặc cho vợ, con,
cháu thương tiếc, thằng Khành vẫn ra đi, về cõi vô thường. Giai điệu “Một cõi
đi về” vang lên. Tiếng kèn của Trần Mạnh Tuấn như đưa bọn hắn bềnh bồng trôi
trong cõi mộng. Mắt bọn hắn như nhắm, tận hưởng khúc nhạc vô thường.
***
Sau
khi dùng cơm tối xong, vợ hắn vừa dọn mâm vừa nói:
- Ông nè, tôi mua
đơn rồi đó nghe. Ông coi rồi viết, xin cho con Hằng học.
Hắn uống nước
thong thả, mắt nhìn vào tivi:
- Bà để đó, tôi
coi thời sự xong, rồi viết.
Vợ hắn phân trần:
- Tôi chỉ nhắc thế
thôi. Ông cứ coi ti vi cho đỡ mệt. Ông đừng lên mạng là được rồi. Lên mạng rồi
cứ nghĩ ngợi lung ta lung tung mà hại sức khỏe đó. Già rồi phải giữ sức khỏe
cho con cháu nhờ.
Hắn đặt ly nước
lên bàn, nhìn trên ti vi, nói:
- Biết rôi. Tôi có
nghĩ chi bậy đâu. Bà cứ nhắc khéo! Tôi biết lượng sức tôi mà. Thôi, bà cho tôi
xem cho hết chương trình thời sự.
Hắn đang
nghe bản tin quốc tế rằng Malala Yousufzai phát biểu tại trụ sở Liên hiệp quốc,
trong đó có đoạn "Chúng ta hãy cầm lấy sách và bút của mình", Malala
kết thúc bài phát biểu. Cô nhấn mạnh: "Đó là vũ khí mạnh nhất của chúng
ta. Một đứa trẻ, một giáo viên, một cây bút và một cuốn sách có thể thay đổi
thế giới. Giáo dục là giải pháp duy nhất. Giáo dục là ưu tiên trước hết”.
***
Trước mắt hắn
là mẫu đơn nhập học lớp một. Những con chữ được in sẵn. Rồi hắn
điền thêm để hoàn chỉnh đơn cho cháu. Còn hơn tháng, con Hằng, sẽ vào lớp một.
Hắn sẽ sắm sách, bút cho cháu. Có sách bút, cháu hắn bắt đầu học những con chữ.
Hắn tin là cháu hắn sẽ học được nhiều điều tốt đẹp. Hắn nghĩ đến tương lai.
Cháu hắn sẽ là công dân gương mẫu, sẽ là người Việt chân chính, sẽ thay đổi thế
giới.
Tháng 7 – 2013
Phan Trang Hy
No comments:
Post a Comment