Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, July 28, 2013

Nguyễn Khôi - THƠ: CÁCH TÂN HAY CÁCH ĐIỆU?

Tặng: Mai Văn Phấn





Thơ là hồn Dân tộc.

Thơ là chúa tể của văn chương (Trang Thế Hy).

Dân tộc Việt Nam ta là một Dân tộc Thơ (còn ai đó nói: Việt Nam là một cường quốc thơ... là nói quá, là mắc cái thói tự khen, tự thưởng, tự sướng, thiên hạ họ cười mũi cho đấy).

Thơ là sản phẩm tinh hoa của thờ đại...

Thơ cũ: từ đời Lý -Trần tới 1932 với tư tưởng Nho giáo "thi ngôn chí "- thơ chở Đạo.

Mẫu người: Tiểu nhân / Quân tử. Thể loại: luật Đường, lục bát, song thất lục bát...

Thơ mới: Nếu tính khởi từ Phan Khôi (1932) đến 1945, với tư tưởng tự do (cái "tôi" cá nhân), các Nhà thơ đã tự thân thoát khỏi chữ "ta" (thơ cũ), để tâm hồn họ chỉ vừa thu trong khuôn khổ chữ "tôi" (theo Hoài Thanh), làm nên một cuộc cách mạng trong thơ, tạo ra nền thơ mới với các Thi sĩ lừng danh: Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Chế Lan Viên...

Tác giả Nguyễn Khôi
Thời Cách mạng (từ 19/8/1945) là thời kỳ giải phóng dân tộc gắn với xây dựng Chủ nghĩa xã hội, một luồng gió mới (gió Đông thổi bạt gió Tây) thồi vào hồn thi nhân ta - "Nay ở trong thơ nên có thép", với mẫu người Chiến sĩ cách mạng luôn hiến dâng, xả thân vì sự nghiêp cao cả của toàn dân tộc ... đã  cho thơ Tố Hữu, Hoàng Cầm, Nguyễn Đình Thi, Chế Lan Viên, Tế Hanh... cất cánh lên phơi phới, đặc biệt là Trần Mai Ninh, Hữu Loan, Quang Dũng với lối viết "cách tân" gây ấn tượng mạnh trên thi đàn; tiếp theo thời Chống Mỹ cứu nước là 2 đỉnh cao cả về tư tưởng lẫn nghệ thuật thơ (2 tiếng kèn xung trận ) là Bùi Minh Quốc và Phạm Tiến Duật.

Đó là thời lý tưởng (màu hồng): cái TÔI (cá nhân) được hòa vào cái ta (tập thể- đồng chí, đồng bào) sống học tập, làm việc theo gương Bác Hồ vĩ đại.

Còn hôm nay, thời kỳ Kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa thì: mặt phải là xã hội giầu lên, đời sống nói chung được nâng cao rõ rệt, sinh hoạt được cởi mở, tự do dân chủ hơn trước nhiều; Tuy nhiên mặt trái của cơ chế thị trường là cuốn hút mọi người trong xã hội cứ như tất cả quay cuồng vì "tiền" (nói theo Vương Trí Nhàn)? Góc tâm hồn Việt do mở cửa hòa nhập nên đang bị lối sống gấp phương Tây thâm nhập, chạy theo lối sống hưởng thụ dã man: đớp, hít, sex, cờ bạc, lừa đảo... làm tha hóa một bộ phận không ít cán bộ, dân cư... Đảng phải ra Nghị quyết "chỉnh đốn" là thế.

Trên thi đàn hôm nay: phần lớn vẫn là sáng tác theo lối truyền thống (nền thơ mới 1932-1945 kéo dài), nhiều "Câu lạc bộ thơ Đường", thơ phường xã được khuyến khích thành phong trào. Cái "được" của thơ phong trào (mà Nghệ sĩ Bành Thông làm chủ soái) là không đặt vấn đề "nghệ thuật thơ ca" lên hàng đầu (như các Hội VHNT) mà là tạo sân chơi cho những ai yêu thơ, thích làm thơ hội tụ kết dính với nhau nên các bạn thơ chia sẻ bao điều tâm tư tình cảm, ít có tổ chức nào hôm nay làm được như vậy. Còn giới các nhà thơ có nghề thì đang có một số đi tiên phong "cách tân"- đổi mới thơ đương đại... Trước có Trần Dần, Lê Đạt, Đặng Đình Hưng, Hoàng Hưng... về tư tưởng là muốn có "tự do, dân chủ" hơn nữa, mà đỉnh cao là "phu chữ" Lê Đạt, gây được tiếng vang trên thi đàn một thời... Rồi khi các vị quá cố thì cũng tắt lịm! Gần đây có Nhóm Bùi Chát (Tp Hồ Chí Minh) làm thơ theo lối "Tân hình thức" với những câu thơ "vắt dòng", rất khó đọc theo mạch suy nghĩ của người Việt ta, hình thức thì khó "chơi", còn ngôn ngữ thì thô tục một cách cố tình để chửi bới chế độ đương thời.

Ở Hà Nội có Nguyễn Đình Chính với tập "Chẹc Chẹc" có cách viết mới đầy sáng tạo cả về hình thức lẫn nội dung, đọc rất vào; ở Huế có Trần Vàng Sao thơ viết rất gan ruột, câu thơ khá độc đáo, đáng học tập.

Gần đây nữa, một hiện tượng thơ Hậu hiện đại khá nổi bật là Mai Văn Phấn ở Hải Phòng (quê Ninh Bình) "đã quyết liệt, nhẫn nại đưa thơ vào những ngóc ngách tâm hồn mình và những thế trận, ma trận chữ": thi pháp hiện đại, giấu hiện thực và lãng mạn nằm nghỉ nơi tầng dưới của ngôn ngữ, hiện đại hóa chất Chân quê."...
  
Rồi nữa, có nhóm "Thơ làng Chùa", cùng một số Nhà thơ trẻ vừa được giải thưởng Hội Nhà Văn... đang được cổ vũ cho cách viết kiểu "Sự mất ngủ của lửa" của Nguyễn Quang Thiều" - "văn xuôi hóa thơ"...

Sự khác biệt giữa hệ thống thơ truyền thống "cũ" và thơ "cách tân" hôm nay ở chỗ: thơ truyền thống tập trung vào Ý mới, Tứ lạ (điểm chói sáng ) để tạo ra các câu thơ HAY để đời; còn thơ "cách tân" (mới) chủ yếu là thiết lập TỪ TRƯỜNG THƠ, đưa vào các ngõ ngách tâm hồn "đa tâm điểm" với ý muốn đặt độc giả vào một vị trí khách quan và tỉnh táo để nhìn thấy toàn bộ văn bản đúng nghĩa, mà nghệ thuật hư cấu như một trò chơi tự trình bày cách chơi của nó và mời độc giả tham dự vào trò chơi ấy. Văn chương (thơ) hậu hiện đại là trò chơi ngôn ngữ mang tính dân chủ tối đa...
 
Đôi lời kết: Theo thiển ý của NK thì Cách tân (đổi mới) thơ ca là cần thiết, nhưng trước tiên phải là cách tân cái Hồn thơ (Luyện Tâm) rồi mới thay đổi cách trình bày (lối viết- luyện chữ).

Nếu thơ "rất ít thời thế, càng không có các chủ đề chính trị, sự kiện thời sự (chạy vào  thơ tình"anh anh/em em"), tránh né làm Nhà thơ Công dân, "mắc kê nô", tránh xa nơi thân phận con người đang chìm đắm trong dục vọng, tiền tài, danh vọng-), bỏ thơ chở Đạo, vậy thơ viết cho ai, viết để làm gì? Không khéo cũng chỉ để làm thỏa mãn một trò chơi con chữ mà thôi, sẽ là vô bổ với thiên hạ (đại chúng).

Nói tóm lại:"Cách tân thơ" nếu không có nội dung tư tưởng mới lạ, có tính tiên phong của thời đại (chứ không phải đi tắt đón đầu), được xã hội tự giác chấp nhận (chứ không phải là cưỡng bức áp đặt), mà chỉ nặng về phô bày chữ nghĩa theo những cách diễn đạt khác lạ với truyền thống thì cũng mới chỉ là CÁCH ĐIỆU mà thôi .

Góc Thành Nam Hà Nội, 02-4-2012.
Nguyễn Khôi

dinhbangkhoi@yahoo.com.vn

No comments: