TRANG THUẦN TÚY VĂN HỌC NGHỆ THUẬT CỦA NGƯỜI QUẢNG TRỊ VÀ NGƯỜI YÊU MẾN QUẢNG TRỊ.
Chúc Mừng Năm Mới
Friday, April 5, 2019
NƠI CON SÔNG CHẢY CHẬM QUA LÀNG - Chùm thơ Lê Thanh Hùng
Con sông chảy qua làng, duềnh ngang
Loang loáng nước triều lên chầm chậm
Gió biển gọi, từ nơi xa lắm
Soi tháng giêng, bóng cá đối vàng
*
Theo đường lưới thả, nắng vờn qua
Tiếng vỗ nước, đắn đo giăng mắc
Dập dềnh đưa chậm chiều thưa nhặt
Tiếng cựa mình của hạt phù sa
*
Bóng người qua kẽ lá nhạt nhòa
Đang giũ lưới bên bờ bãi vắng
Một mình ngồi nhấm nha nhấm nhẳng
Quấn nỗi niềm, đâu đó chua ngoa ...
*
Lững thửng, xuồng trôi theo mớn triều
Tăm cá lặn, sóng xô rều rác
Nổi nênh chiều, trong mờ bợt bạc
Gió ở đâu về, buốt quạnh hiu
*
Sông chảy bình yên, đổ theo dòng
Ngồi chống cằm, vẩn vơ cơm áo
Hình như có điều gì gượng gạo
Lấn cấn chiều buông thả bên sông ...
Lê Thanh Hùng
Tình cờ qua trường cũ
Trường cũ? nhạt nhòa trôi ký ức
Giữa dòng đời, tất bật, bon chen
Bổng, òa vỡ tiếng ve rất thực
Dưới vòm cây, chấp chới ánh đèn
*
Dẫu không muốn trở về dĩ vãng
Tháng tư, năm, ngọt lịm , tình đầu
Đong câu hát, ngập tràn, lãng mạn
Theo chân người, năm tháng, về đâu?
*
Này cô bé, cầm hoa phượng đỏ
Sao hái hoa, ngày ấy, anh trồng
Bé không nói? Chỉ cười, qua ngõ
Rớt chùm hoa, thắm đỏ, mênh mông…
Lê Thanh Hùng
Lỡ hẹn
Trời trở gió
Quẩn bờ
Lạc sóng
Em đánh rơi
Thảng thốt
Lời yêu
Con sóng chạy
Trôi điều ảo vọng
Quặn thắt treo
Bến vắng, chợ chiều
Lê Thanh Hùng
Bắc Bình, Bình Thuận
CỎ TRANH ƠI | Tùy bút | Nguyễn Đại Bường
NGUYỄN ĐẠI BƯỜNG
Tên thật là Nguyễn Quốc Huấn, sinh năm 1960 tại Quảng Nam,
hiện sống và làm việc tại Bà Rịa-Vũng Tàu. Hội viên Hội VHNT Bà Rịa-Vũng
Tàu.
Có nhiều tác phẩm cộng tác với các báo, tạp chí văn hóa -
văn nghệ. Tác phẩm đã xuất bản:
-Người Trồng Cỏ Bên Đường (tập thơ, NXB Hội Nhà Văn, 2008.
-Về Bên Dòng Sông (tập thơ, NXB Hội Nhà Văn, 2012.
CỎ TRANH ƠI
Nguyễn Đại Bường
Quê tôi là một ngôi làng nhỏ ven sông Thu Bồn. Hàng năm,
dòng sông hào phóng chở phù sa từ thượng nguồn về bồi đắp cho những na dâu, bãi
bắp xanh tốt.
Tôi theo cha mẹ xa quê từ những ngày còn rất nhỏ. Hối ức tuổi
thơ về quê hương đã nhạt nhòa theo năm tháng ở phố phường Đà Nẵng. Sau ngày Miền
Nam hoàn toàn giải phóng, cùng với dòng người ly tán, gia đình tôi lại về quê
hương sinh sống.
Ấn tượng đầu tiên khi về lại quê nhà là những biền cỏ tranh
chập chùng, xanh ngút, rập rờn trong nắng gió tháng tư. Cỏ tranh mọc kín những
thửa ruộng bỏ hoang. Tranh bò vào cái nền nhà rường chỉ còn trơ lại kèo cột,
rui mè của ông bà tôi sau những tháng năm, sau hiệp định Paris, bên nào cũng mở
chiến dịch giành dân lấn đất. Vườn tược trước kia cây ngọt trái lành đã tan
hoang vì bàn tay tàn phá của những con người ấu trĩ. Bộ ván gõ được kê làm bếp
nấu ăn, cái cột nhà gỗ mít bị băm vằm để mắc võng cho khỏi tuột…
Gia đình tôi vừa phải lo dựng lại nhà, vừa phải lo vỡ đất
tăng gia sản xuất. Tôi vụng về học theo cha mẹ cách cầm cuốc, cầm liềm. Cỏ
tranh được cắt sát gốc, phơi từng hàng, thẳng thớm dưới nắng. Nắng càng già màu
tranh càng sáng đẹp, tỏa mùi thơm nồng dịu. Cắt tranh đến đâu, đất được cuốc lật
lên đến đó. Hai bàn tay học trò của tôi phồng rôp. Lá tranh bén ngót cứa vào da
thịt rát buốt.
Cứ mỗi chiều về, cha con tôi gom từng lọn tranh lại. Bó khoảng
vừa ôm, gánh về bằng đòn xóc. Đó là một đoạn tre dài khoảng hơn hai mét, được
vót nhọn hai đầu. Phải tập xóc như thế nào để bó tranh đều đặn, chặt cứng. Khi
gánh đi, xoay trở gọn gàng, không bị tụt ra hoặc xổ tung trên đường. Trầy trật
mãi rồi cũng quen.
Cỏ tranh đem về, được bện vào trong những cái nẹp tre, gọi
là cái hom. Đó là công đoạn đánh tranh. Từng lọn tranh phải đều tăm tắp, không
được để chỗ dày, chỗ mỏng. Sau nầy lợp lên mái không bị sũng nước, mưa dột.
Ngày lợp nhà vui lắm, hàng xóm láng giềng mỗi người một tay.
Phải làm từ sáng sớm để tranh thủ mát trời. Kẻ dưới đất, người rên mái gọi nhau
ơi ói. Tôi làm thằng nhỏ chạy vặt theo sự sai bảo của chú bác. Khi thì phóng lạt
cho chú nầy, rót cho bác kia miếng nước. Chạy qua chạy lại như thoi, hồ hởi lắm.
Những tấm tranh được phóng lên mái bằng cây sào dài. Tấm
tranh đè tấm dưới. Cứ thế, lợp lên đến cây đòn dông, thì công đoạn cuối cùng là
xốc nóc. Tức là phủ một lớp tranh dày lên cây đòn dông, choàng qua hai mái. Chỉ
những người có kinh nghiệm mới làm khâu nầy. Vì nếu phủ không khéo, giấu mối lạt
không kỹ, sau nầy sẽ bị mưa dột, gió lùa.
Những mái nhà tranh cứ thế mọc lên ngày càng nhiều. Trao đổi
vần công chứ chẳng thuê mướn. Từ sự đồng cam cộng khổ, tình nghĩa làng nước
càng thêm bền chặt. Bởi vì ai cũng như ai, bao năm chạy dạt tứ xứ tránh bom đạn,
nay về xây dựng lại cuộc sống mới từ bàn tay trắng trên chính mảnh đất chôn
nhau cắt rốn của mình. Tuy còn lắm gieo neo nhưng an bình, thanh thản. Sướng
hơn nhiều so với thời buổi trên bom dưới đạn, sống chết chẳng biết khi nào.
Có những ngày nông nhàn, tôi thường giúp mẹ gánh tranh ra chợ
huyện bán. Chỉ đắp đổi ngày công chứ tiền bán chẳng bao nhiêu. Hạt muối con cá
khô đem về, mừng vô kể.
Dần sau nầy, đời sống có khá hơn. Lác đác, quê tôi đã có những
mái nhà ngói, nhà tôn kiên cố. Những đám cỏ tranh cũng đần ít đi. Thay vào đó
là những nương khoai, đồi chè xanh tốt.
Thời kinh tế thị trường ùa về. Người dân quê tôi không còn
phải chịu cảnh xếp hàng cả ngày trời để mua cho được lít dầu hỏa, tấm vải xô.
Những người thanh niên nông thôn như tôi bắt đầu học cách tính toán công sức của
mình và ước mơ lập thân ở các phố phường xa lạ. Rất nhiều trai tráng lần lượt
ra đi. Công việc nhà nông phó mặc cho người cao tuổi. Sức hút của thị thành thật
mãnh liệt. Đồng tiền xứ người như lá mít, nhưng nhiều khi cũng se lòng, cười ra
nước mắt…
Cho mãi đến bây giờ, hơn hai mươi năm nước sông gạo chợ. Mỗi
lần nhớ về quê hương, tôi vẫn nghe từ trong tiềm thức mùi cỏ tranh khô nồng
thơm trong gió đồng chiều. Nhớ quay quắt cái màu vàng sánh của nước rễ cỏ tranh
mà mẹ tôi nói là uống để giải nhiệt. Nhớ những trưa hè oi nắng, thiu thiu võng
bên hè, nghe mái tranh giòn tan reo lên rào rạt. Nhớ những đêm đông mưa dầm, bấc
nổi, giọt nước vỗ loong boong ngoài mái hiên. Tất cả ùa về trong tâm trí tôi một
miền tuổi thơ khốn khó. Nhưng cũng thật đầm ấm, thiết tha. Ở nơi đó, có những
mùa xuân về trong ngôi nhà tranh, mẹ tôi lại ngóng chờ những đứa con xa. Ngôi
nhà bình dị như đời mẹ, ngọn cỏ tranh quê mùa, chất phác.
Mẹ ơi, những đứa cháu nội của mẹ đang lớn lên ở phố thị chật
chội miền nam nầy chẳng thể nào hình dung được ngôi nhà tranh là như thế nào.
Càng không thể hiểu nổi có một thời từng củ khoai, hạt gạo cũng trở nên quí giá
vô chừng. Chính mảnh đất ấy đã vắt kiệt sức nuôi cha chúng lớn khôn. Đến khi đủ
lông đủ cánh lại bay xa…
Mẹ ơi, nhất định con sẽ nói với các cháu về điều đó. Sẽ dẫn
chúng về nơi ngày xưa cha mẹ đã dẫn con về. Day cho con biết yêu từng lùm cạy bụi
cỏ. Biết chắt chiu trân trọng từng củ khoai, hạt bắp. Biết hít thở tình người
quê hương núm ruột. Biết dẫu có mải mê cơm áo gạo tiền ở phương xa vẫn luôn có
một mái nhà tranh, là nơi bình yên, che chở thương yêu, là nơi chốn con về.
Nhất định con sẽ trở về. Mẹ ơi, cỏ tranh ơi!
Nguyễn Đại Bường
CẢM NHẬN THƠ NGUYỄN ĐẠI BƯỜNG | Bình Địa Mộc
Cảm nhận thơ Nguyễn Đại Bường
Bình Địa Mộc
Ai rồi cũng có một cõi đi về sau
chặng đường lã mệt như cố nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn đã từng tâm sự:
"đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt"... ai rồi cũng có một nơi để nhớ:
"Quê hương tôi có con sông
xanh biếc
Nước gương trong soi tóc những
hàng tre
Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè
Tỏa nắng xuống lòng sông lấp
loáng"
(Nhớ Con Sông Quê Hương - thơ Tế
Hanh)
Và, nỗi nhớ bỗng dưng da diết, da
diết đến nao lòng bởi:
Róc rách đôi bờ sóng nước chao lay
Thao thiết chảy một dòng lấp lánh
Sông chẳng biết đầy vơi hay nóng lạnh
Cứ hết mình bỗng chốc hóa đại
dương.
(Dòng Sông - thơ tình Phương Thảo)
Nhất là đối với những bước chân
kiêu bồng lang bạc, mỗi bận nghĩ về dòng sông, hẳn một hình ảnh đằm đã hiện
lên:
"Dòng sông mới điệu làm sao
Nắng lên mặc áo lụa đào thướt tha
Trưa về trời rộng bao la
Áo xanh sông mặc như là mới may
Chiều trôi thơ thẩn áng mây
Cài lên màu áo hây hây ráng vàng
(Dòng Sông Mặc Áo - thơ Nguyễn Trọng
Tạo)
Muôn thủa nay, cây đa bến nước
dòng sông... là hình ảnh quen thuộc trong những áng văn thơ bất hủ, là đề tài
muôn thủa của thi ca. Ở đó ta bắt gặp những bàn tay chấp chới vẫy nhau về miền
ngút ngái, những sơ sót như chính mình ly biệt bởi chiếc khăn tay ngậm ngùi dúi
vào túi mỏng, ta quay mặt đi bởi dòng sông trắng xóa chan hòa nước mắt của người
ở lại vào một chiều như ngừng chảy sông ơi:
"Đừng chảy nữa sông ơi, một lần
Cho ta tìm lại nhọc nhằn, quá
giang"
(Sông Ơi Đừng Chảy
nhạc Nguyễn Vĩnh Tiến)
Thật vậy, ai rồi cũng phải về lại
bên dòng sông để tạ tội sau những tạ từ để ra đi đâu đó. Nguyễn Đại Bường - nhà
thơ, hội viên Hội VHNT tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu không ngoại lệ. Ông sinh ra và lớn
lên bên dòng sông Thu Bồn bốn mùa xanh ngát, nơi làng Đại Bình múi bưởi lịm ngọt,
trái cam ửng vàng, "thum thủm" mùi sầu riêng, đặc trưng của trái cây
vùng trung du mà duy nhất chỉ có ở nơi nầy: làng Đại Bình xã Quế Trung huyện
Nông Sơn tỉnh Quảng Nam mới trồng được,
ngoại trừ các tỉnh miền tây nam bộ.
Thưa các bạn, "Về Bên Dòng
Sông" là tập thơ thứ hai sau tập Người Trồng Cỏ Bên Đường do Hội Nhà Văn
VN xuất bản. Thơ Nguyễn Đại Bường lặng lẽ như những chùm cúc dại ven đường vậy:
"Cúc dại ơi, cúc dại ơi
Li ti mà trắng muốt trời nhớ
thương
Không tin một thoáng ven đường
Lòng tôi ở lại với hương lặng thầm"
(Ven Đường Hoa Cúc Dại Ơi - thơ
NĐB)
Vào một ngày tháng giêng, tôi gặp
ông đang chữa bệnh ở Sài Gòn, trông ông già đi so với vài lần gặp trước đó,
vòng quay "sinh/ lão/ bệnh/ tử "của tạo hóa đã gõ của nhà thơ chăng,
nhưng đoan chắc thơ ông vẫn còn rất khỏe, rất trai, rất bận bịu như bài:
"Đợi rảnh rồi ta lại về hỏi cỏ
Sắc thu vàng đầu ngọn đã ươm chưa
Tung theo gió hạt mầm hoang dại
Thảo nguyên xa biết thiếu hay thừa"
(Hỏi - thơ NĐB)
Tuy nhiên, lần giở từng trang
thơ... rất sống của NĐB, tôi ngạc nhiên vì thấy "sông" ở trong ông
khác lạ, cứ chập chùng biêng biếc nông sâu, phải chẳng 16 năm lưu lạc nơi đất
khách quê người thời gian đã dắt đưa "con sông quê hương" nơi ông lắng
lại, cồn cát bóng dừa bỗng thun thút chân mây:
"Đêm Gò Nổi con nằm nghe dòng
sông sóng vỗ
Tưởng lời ru của ngoại thủa tao
nôi"
(Về Thăm Quê Ngoại - thơ NĐB)
Chao ôi, cái "tao nôi" của
ông sao mà đung đưa, rây rắc, mịn màng đến vậy hay trong bài Bão Lũ ông đã nhắc
đến 4 con sông đáng yêu "Ôi những sông Gianh, Thu Bồn, Hương Giang Trà
Khúc/ Sao không đi vào thơ nhạc nữa đi" ấy là ông muốn nhắc nhở rằng thi
ca phải tận tâm tận lực phục vụ cho cuộc sống như chính cuộc sống đã cho ta nguồn
cảm hứng, mà:
"Thơ mình như trẻ chăn trâu
Vấp ngọn cỏ mới ngộ bầu trời
xanh"
(Chơi Thơ Mạng - thơ NĐB)
Một lần ông về thăm xứ Lạng
"ai người lên đây tình không cửa ải/ tiền đồng tiền tệ nhoáng nhoàng qua lại/
Kỳ Lừa chợ ngày vắt qua chợ đêm " thì "dòng sông" trong thơ ông
lại chảy ngược về nơi tuyến đầu tổ quốc thân yêu:
"Kỳ Cùng dòng ngược ngàn năm
cứ chảy
Mai ta về xuôi hay ta ở lại
Lượm viên sỏi ở cột mốc số không
Đem về phương Nam để sưởi ấm Lạng
Sơn"
(Tháng Giêng Xứ Lạng - thơ NĐB)
Hoặc tâm tưởng về một người quá cố,
"dòng sông" mà nhà thơ về lại có chút ma mị, hút hồn người đọc cứ ngỡ
phút mộng du vừa chợt thoáng, chợt hiện để lại trong ta sự dịu kỳ đến ngọt
ngào:
"Anh không dám ngắm nhìn
Sợ mình phăng cuốn ghê rợ
Một dòng sông rập rều máu đỏ
Anh ngồi đây đợi ánh ngày
lên"
(Ngôi Nhà Ấy - thơ NĐB)
Đến đây, tôi bỗng nhớ một khổ thơ
loáng thoáng trên mạng internet hồi năm ngoái rất mơ hồ đến nỗi không nhớ tên
tác giả, đó là:
"Trái cấm em đánh đố anh kéo
hồi chuông dưa hấu đỏ
Sông nhẹ nhàng uốn lượn bật óng ả
lưng thon
Mây nhan sắc bừng bừng khoe ngực
nõn"
Cuối cùng thì nhà thơ đáng kính của
chúng ta cũng về lại bên dòng sông Thu Bồn, nơi ông sinh và lớn lên trong những
ngày bão đạn mưa bom, "con về bên nước Thu Bồn/ vẫy tay rủ ánh chiều buông
cùng đò". Bấy giờ, ông mặc nhiên thỏa thích:
"Nửa tôi chạy với dòng sông
Nửa tôi lắng lại làm hòn đất quê
Bàn chân dốc mỏi cỏi về
Tênh lòng soi nước rui mè trăm năm
Sương thu đậm giọt trăng rằm
Ướp lên ngọn tóc đăm đăm cuối
mùa"
(Về Bên Dòng Sông - thơ NĐB)
Xin cảm ơn nhà thơ, cảm ơn cuộc đời
đã cho ta những dòng sông tuổi thơ ắp đầy kỉ niệm một thời tắm mát, chập chồi
giữa những trưa hè oi ả. Cảm ơn những câu thơ mà dẫu có viết nhiều thêm nữa,
nói nhiều thêm nữa vẫn chưa thể cảm nhận hết ý nghĩa tuyệt vời vốn bung biêng,
mưng mẩy của ông:
Nầy là giun dế nhặt thưa
Ngủ đi giấc trẻ con vừa oa oa
Một tôi say giữa canh gà
Một tôi thao thức đường xa chạnh
lòng ...
(Về Bên Dòng Sông - thơ NĐB)
Sài Gòn, 01.04.2013
Bình Địa Mộc
Theo
http://binhdiamoc123.blogspot.com/
BÓNG TRĂNG VÀ TIẾNG CHIM - Thơ Nguyên Lạc
Nhà thơ Nguyên Lạc
BÓNG
TRĂNG VÀ TIẾNG CHIM
Bóng
trăng soi sáng hồn quê
Biệt
ly chim khóc não nề bao năm!
(Phóng
dịch: Sơn cư mạn hứng - Nguyễn Du)[*]
I. VẦNG TRĂNG
XƯA ẤY
1.
Lặng lẽ. một bóng người
Vằng vặc. trăng bên trời
Bâng khuâng. hồn viễn xứ
Ngày xưa. ánh trăng tôi?
Ngõ khuya. vành trăng đầy
Cố hương. bóng trăng đây?
Bao xuân thu luân lạc
Ký ức vẫn đong đầy!
Vẫn. vầng trăng xưa ấy!
Vẫn. quê hương hồn nầy!
Mười năm. trăm năm nữa
Vẫn lồng lộng. Có hay?
2.
Giữa khuya. trăng tròn vành
Rực trắng. trời lam xanh
Một bóng đời. cô lữ
Một nỗi lòng. tan hoang!
Trăng soi. giấc mộng tàn
Dâu bể. thanh xuân tan!
Người. nỗi niềm cố xứ
Trăng. đổi màu thời gian?
II. TIẾNG CHIM
KHUYA
Canh khuya tiếng chim kêu
Ly biệt ly biệt nhau
Sao rõ lòng lữ thứ?
Buồn giùm ta chim nào?
Canh khuya chim lẻ bạn
Nỉ non lời nhớ mong
Ly biệt ôi ly biệt
Xót lòng này biết không?
Tiếng chim sầu cô lẻ
Nhói lòng người lưu vong
Ly biệt sao biết được?
Sương trắng trời mênh mông!
Chim ơi đừng than nữa!
Mong manh tình mong manh
Ly biệt rồi ly biệt!
Nhớ thương rồi huyễn mong
Giữa khuya chim khóc bạn
Động một trời hư không
Biệt ly rồi ly biệt
Biết khi nào mà mong?!
Rưng rức lời ly biệt
Chim khóc người phải không?
Văng vẳng lời ly biệt
Khóc giùm ta hoài mong?
Chim ơi ngừng chim ơi!
Tình mù xa phương trời
Biệt ly đành ly biệt
Cố hương giờ xa xôi!
Nguyên Lạc
..............
[*]
Nhất phiến hương tâm thiềm ảnh hạ
Kinh
niên biệt lệ nhạn thanh sơ.
(Sơn cư mạn hứng - Nguyễn Du)
VẪN BIẾT - Thơ Quách Như Nguyệt
Nhà thơ Quách Như Nguyệt
VẪN
BIẾT
Vẫn biết tình anh tình không thật
Em vẫn mong chờ, vẫn mộng mơ
Mơ có một ngày anh yêu thật
Chẳng phải tình hờ, tình vu vơ
Em phải làm sao, phải làm sao?
Để anh thật lòng thương, không xạo
Làm sao để không là tình lỡ
Tình không một chiều, tình bơ bơ
Vẫn biết…
Yêu người không yêu mình, buồn lắm!
Vẫn biết…
Đừng mong, đừng hy vọng…
một ngày nào, anh chuyển hướng… yêu em!
Tình yêu cũng chỉ là ảo vọng
Yêu em chứ đừng thương hại em!
Vẫn biết…
Tại sao phải đi yêu người ta?
Thế giới này đông người lắm mà…
Em biết thế, nhưng tim em không chịu biết
Trái tim khờ, nhất định yêu anh riết!
Yêu thiết tha, yêu da diết, mù lòa
Mong có ngày... tình nhạt nhòa, em từ bỏ anh nha
Như Nguyệt
4/4/2019
NGẬM NGÙI - Thơ Lê Cao Đảm
NGẬM
NGÙI
(Kỷ
niệm lần về quê đầu tiên sau gần 20 năm phiêu lãng)
Ta loanh quanh mấy vòng trên phố cũ
Rụng trái sầu nhớ lại chuyện ngày xưa
Nhớ tóc mây, áo lụa tuổi học trò
Nhớ bạn bè đã bao thu xa biệt
Ngày ra đi áo còn thơm mùi mực
Dáng thư sinh trôi dạt giữa dòng đời
Hành trang nào? vội vã vắt nghiêng vai
Xa phố thị mà bùi ngùi lụy cãm
Làm sao quên những tháng năm cắp sách
Nhớ làm sao buổi học Nguyễn Hoàng
Những con đường góc phố thân quen
Buổi chiều nao cùng em thả bước
Bao năm qua lênh đênh xuôi ngược
Thân xứ người mà dạ để cố hương
Nợ áo cơm níu giữ nước về nguồn
Dòng sông đời vô vàn ghềnh thác
Chừ ta về tóc rối thêm sợi bạc
Em cơ hồ vương ráng chiều thu
Chuyện tình đầu khờ khạo tuổi mộng mơ
Đã ngủ yên sau bờ dĩ vãng
Chừ ta về vẫn khung trời mây trắng
Vẫn nước dòng Thạch Hãn trong xanh
Nhưng trường xưa giờ chẳng còn tên
Liệu ngàn sau? có đi vào quên lãng
Về phố cũ nao lòng thuyền lỡ bến
Cung đàn xưa mãi vọng dư âm buồn
Kỷ niệm nào cũng nhói buốt con tim
Cũng hằn sâu trong vùng tiềm thức
Bè bạn thuở nao ngàn phương chia cách
Đếm trên ta... tên từng đứa mất... còn
Bên Thành Cổ xanh rêu màu tuế nguyệt
Giọt ngậm ngùi tím ngát buổi hoàng hôn
Quảng
Trị một chiều cuối Thu 1997
Lê Cao Đảm
EM VÀ NỖI NIỀM - Phan Quỳ
EM
VÀ NỖI NIỀM
Em và mùa xuân đã không còn ở lại. Ta chờ đợi gì một
mùa thu trút lá? Những đám mây lang thang màu cánh vạc chở linh hồn ta về nơi đầu
ghềnh cuối bãi và từng cơn gió rét buốt ngày đông thổi qua lòng ta quạnh vắng
đìu hiu.
Em và ngày vui thật ngắn ngủi trong ta qua đi như gió
thoảng bên hiên chiều, những ngày vàng xôn xao cùng những tối câm im lìm yên ắng,
những giọt mưa rơi đều đều như một điệp âm buồn gõ nhịp lên một kiếp đời bão động
trầm luân.
Em và những sáng xuống chiều lên xôn xao cùng nỗi nhớ.
Những cung đường hò hẹn bước chân vui và ly cà phê đắng chát mấy ngậm ngùi. Ta
kể nhau nghe chuyện đời trôi nổi, chuyện trần gian cát bụi lấm khung trời.
Em và lòng ta chắt chiu từng kỷ niệm. Một nụ cười buồn,
mấy giọt nước mắt vui rót xuống đời ta những nghẹn ngào. Một thoáng ngây ngô bối
rối , một thời đằm thắm thương trao in dấu lên hồn ta những chói ngời hạnh phúc
và rạng rỡ đớn đau.
Em và ta ở hai đầu con gió, hun hút một nẽo về, bằn bặt
mâý sơn khê. Đường trần lạc lối cho cung đàn lỡ nhịp so dây. Bóng em nghiêng xuống
hồn ta như một thoáng mây qua cho cơn mưa chiều chợt tới. Cơn mưa thấm đẫm cuộc
đời và cõi lòng ta còn lại những chơi vơi...
Em và ta trên đường dài quá mỏi, gốc sim già mộng ước
một trời mơ , ta lang thang qua mấy cõi mong chờ, tìm hình bóng em vào thơ diễm
tuyệt.
Em và ta đến bao giờ nói hết? Chuyện tình buồn như những
giọt mưa ngâu, rơi nghiêng nghiêng qua mâý phiến lá sầu, ngày tháng lạnh như
muôn đời vẫn lạnh...
Phan Quỳ
ĐỌC “THƠ CỦA GÁI QUẢNG TRỊ” CỦA QUANG TUYẾT - Châu Thạch
Nhà bình thơ Châu Thạch
ĐỌC “THƠ CỦA GÁI QUẢNG TRỊ”
CỦA QUANG TUYẾT
Châu Thạch
Trưa thứ sáu tháng 4- 2019, tôi thức dậy sau giấc ngủ
ngon trong không khí mát dịu của bầu trời cuối xuân. Cầm chiếc điện thoại lên
và mở trang facebook, tôi đọc ngay được một bài thơ hay lắm. Hay lắm vì nó nói
về một quê hương đã từng gắn bó với tôi một thời trai trẻ. Hay lắm vì nó nói về
những người con gái của quê hương đó, những người mà tôi đã từng yêu đến cháy bỏng
con tim từ xưa và mãi mãi! Hay lắm vì nó đã làm con dế mèn tôi gáy lại, sau nhiều
ngày cạn kiệt cảm hứng, vì bị đánh te tua trên văn đàn, bởi có người không muốn
nghe tiếng gáy dưới cỏ của con dế rất chi là hèn mọn, nhưng lại cứ gáy suốt
ngày đêm.
Bài thơ viết từ hai năm trước (thứ 6 tháng 4 -2017), đến
bây giờ tôi mới đọc được: “Thơ Của Gái Quảng
Trị” tác giả Quang Tuyết.
Tôi chổi dậy viết ngay về nó, bởi tôi nghĩ, nếu tôi
không viết tức khắc cho bài thơ nầy thì chắc chắn, còn lâu tôi mới cầm bút để
bình thơ lại được.
Bài thơ hơi dài, xin quý vị thưởng thức nó sau. Bây giờ,
hãy vui lòng đọc lời tôi giới thiệu về nó:
Ta hãy bước vào bốn câu mở đầu thôi, để thấy cái dễ
thương trong những lời “thủ thỉ” của
cô gái Quảng Trị đáng yêu là sao
Có
lần nào em thủ thỉ với anh
Về
một vùng quê xa xôi nghèo khó
Nơi
chỉ có mưa buồn, hạn khổ
Nắng
cháy nung người, lạnh buốt tận cùng xương
Có lẽ ai đã từng sống cả ba miền trên đất Việt, cũng
có thời gian chịu đựng thời tiết trên quê hương Quảng Trị thì mới thâm trầm cảm
nhận được bốn câu thơ trên. Thời tiết trên đất Quảng Trị khắc nghiệt hơn những
nơi khác, mùa hạn thì có gió Lào khô đến rát bỏng thịt da, mùa đông thì rét căm
căm làm run cầm cập, hơi thở thấy toàn khói trắng đục bay ra. Nhà thơ vào đề với
chữ “thủ thỉ” hay vô cùng. Thủ thỉ là
gì? Thủ thỉ là nói nhỏ nhẹ, thong thả, vừa đủ cho nhau nghe, thường là để tâm
tình, thổ lộ tình cảm. Quang Tuyết dùng chữ thủ thỉ một phần để giới thiệu với
chúng ta người anh ấy của mình, nhưng phần chính là để giới thiệu cái quê hương
nghèo khó rất thân yêu trong tâm hồn tác giả. Tác giả đã mượn anh ấy để trang
trãi tâm tư của mình về quê hương Quảng Trị, thủ thỉ với người trong thơ và thủ
thỉ với người nào đang đọc bài thơ.
Rồi thì nhà thơ tiếp tục thủ thỉ về những người thân
yêu của mình:
Trưa
gió Lào chân mẹ bỏng nhựa đường
Ba
ngược gió nghiêng tơi chiều đông giá.
Người
nơi ấy luôn đương đầu vất vả
Từ
lúc sinh ra cho đến lúc tuổi già
Chân
bám ruộng đồng mưa nắng sương sa
Chén
cơm nóng dưa cà xong bữa
Sự khổ cực nầy thì trên quê hương ta nơi đâu mà không
có. Thế nhưng chỉ nhờ hai tiếng “thủ thỉ”
ở câu thơ mở đầu mà khi đọc thơ, tâm hồn ta không thấy nỗi xót xa của những tiếng
kêu than, ngược lại, ta thấy như có tiếng thì thầm êm ái nói về một nơi vô cùng
yêu dấu trong thơ. Điều đó cho ta thấy chỉ với một tứ thơ, tác giả đã định hướng
cho người đọc đi theo một cảm nhận khác tích cực, êm ái hơn và thú vị hơn, hiện
ra trong tâm trí ta hình ảnh một người con gái đẹp thỏ thẻ cùng anh về một quê
hương nghèo khó, làm cho chính nhân cách của cô ta cũng trở nên đẹp trong tâm hồn
người đọc.
Thế rồi đặc biệt hơn hết, Quang Tuyết viết về một dòng
sông, một dòng sông mang biết bao đau thương. Ở Quảng Trị có hai dòng sông đi
vào lịch sử. Sông Bến Hải chia hai đất nước mang nhiều hệ lụy về sự chia ly.
Sông Thạch Hãn mang nhiều nỗi đau về xương rơi máu đổ, anh em tương tàn:
Em
chưa nói về dòng sông trăn trở
Bởi
máu xương nhuộm đỏ một thời
Nước
chảy ngậm ngùi thương số kiếp anh ơi
Nam
Trung Bắc tuổi thanh niên đều mất.
Tác giả nói về dòng sông Thạch Hãn chảy qua thị xã, nằm
dưới chân Cổ Thành, nơi chứa bao nhiêu kỷ niệm đậm đà của những người trên quê
hương ấy, và nơi chôn xác của hàng ngàn thanh niên ba miền trung, nam, bắc
trong một mùa đỏ lửa năm xưa.
Tiếp tục bài thơ, Quang Tuyết viết về chiến tranh trên
quê hương Quảng Trị, viết về xứ mình nghèo khó hơn những xứ có tên chữ đầu cũng
bằng chữ Quảng như Quảng Nam, Quảng Ngãi giàu có hơn nhiều, viết về nỗi đau âm ỉ
trên số phận quê hương nhuộm một màu đen và dài năm tháng.
Phần cuối bài thơ, tác giả xoay đề tài, viết về khí chất
và khi tiết của em, người con gái Quảng Trị:
Phận
con gái sinh ra từ nơi đó
Số
phận dường như đều phải nhuộm màu đen
Nhưng
thương đau không có nghĩa yếu hèn
Nên
khí chất có khi là khí tiết.
Người
trưởng thành từ tử sinh từng phút
Biết
quý đời
Trân
trọng sự thủy chung
Biết
thương yêu hàn gắn mọi lỡ lầm ....
Ươm
mầm mới từ những điều đổ nát
Quê
hương đó ...
và
con người em đó
Mềm
yếu khi yêu - mạnh mẽ khi cùng
Có
thương nhau hãy giữ một tấm lòng...
Mười ba câu thơ cuối của bài thơ, Quang Tuyết không chỉ
nói về mình, mà tôn vinh niềm kiêu hãnh của người con gái Quảng Trị. Thật vậy,
kiêu hãnh nghĩa là gì? Nghĩa là tự hào về những giá trị, về những cái mình có.
Những cái người con gái Quảng Trị có không chỉ được giáo dục bởi một nền văn
hòa đầy bản sắc tốt đẹp của cha ông để lại, mà còn được tôi luyện qua sự gian
khó của một vùng đất khô cằn, đầy biến động và đau thương. Những câu thơ cuối
đã xoay chiều ý thơ, đưa người đọc đến sự tôn trọng, yêu thương và khâm phục
nhân cách của con người. Niềm đau của một quê hương đầy sóng gió không còn nữa,
hiển hiện trong thơ những người nữ “mềm yếu
khi yêu” và mạnh mẽ khi khốn cùng, khiến cho ai cũng luôn muốn giữ một tấm
lòng thương mến với người em gái Quảng Trị đẹp cả một tâm hồn.
Đọc “Thơ Của Gái
Quảng Trị” ta thấy nó như nguồn một con sông có dòng nước trong veo chảy
ra, rồi nó qua ghềnh qua thác nhưng vẫn trôi giữa đôi bờ xanh thắm, cuối cùng
nó hòa chung với biển mênh mông. Bài thơ có một nhập đề rất dễ thương. Bài thơ
không ẩn ý, không cầu kỳ văn tự, chỉ là lời thủ thỉ thân thương mà nó gây nhiều
cảm xúc với quê hương, mà tạo niềm thương yêu, tôn trọng đến những người phái nữ
đi trong bão lửa, bước ra trong ánh sáng cuộc đời
Châu Thạch
Nhà thơ Quang Tuyết
Nhà thơ Quang Tuyết
THƠ
CỦA GÁI QUẢNG TRỊ
(Thương
mến những em gái QT)
Có lần nào em thủ thỉ với
anh
Về một vùng quê xa xôi
nghèo khó
Nơi chỉ có mưa buồn, hạn
khổ
Nắng cháy nung người, lạnh
buốt tận cùng xương
Trưa gió Lào chân mẹ bỏng
nhựa đường
Ba ngược gió nghiêng tơi
chiều đông giá.
Người nơi ấy luôn đương đầu
vất vả
Từ lúc sinh ra cho đến
lúc tuổi già
Chân bám ruộng đồng mưa nắng
sương sa
Chén cơm nóng dưa cà xong
bữa
Em chưa nói về dòng sông
trăn trở
Bởi máu xương nhuộm đỏ một
thời
Nước chảy ngậm ngùi
thương số kiếp anh ơi
Nam Trung Bắc tuổi thanh
niên đều mất.
Từ thuở bé bốn tao nôi mẹ
hát
Câu ầu ơ ! Hòa tiếng súng
hằng đêm
Hỏa châu rơi như sao rụng
bên thềm
Chưa hiểu hết đã dạn dày
loạn lạc.
Quê em đó
Anh ơi miền đất Quảng...
Chẳng phải Quảng ngọt
ngào đường mía mạch nha
Không phải Quảng cảng sâu
tàu lớn nhỏ vào ra
Hay thành phố điện đèn lấp
lánh.
Miền đất Quảng quê em
Là địa đầu giới tuyến.
Sông một thời cắt máu thịt
chia xa
Hứng chịu tang thương,
còn mất mọi nhà
Nỗi đau âm ỉ dù đã là quá
khứ
Phận con gái sinh ra từ
nơi đó
Số phận dường như đều phải
nhuộm màu đen
Nhưng thương đau không có
nghĩa yếu hèn
Nên khí chất có khi là
khí tiết.
Người trưởng thành từ tử
sinh từng phút
Biết quý đời
Trân trọng sự thủy chung
Biết thương yêu hàn gắn mọi
lỡ lầm ....
Ươm mầm mới từ những điều
đổ nát
Quê hương đó ...
và con người em đó
Mềm yếu khi yêu - mạnh mẽ
khi cùng
Có thương nhau hãy giữ một
tấm lòng...
Thứ 6, tháng 4-2017
Quang
Tuyết
Subscribe to:
Posts (Atom)