Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, April 5, 2019

CỎ TRANH ƠI | Tùy bút | Nguyễn Đại Bường



NGUYỄN ĐẠI BƯỜNG
Tên thật là Nguyễn Quốc Huấn, sinh năm 1960 tại Quảng Nam, hiện sống và làm việc tại Bà Rịa-Vũng Tàu. Hội viên Hội VHNT Bà Rịa-Vũng Tàu.
Có nhiều tác phẩm cộng tác với các báo, tạp chí văn hóa - văn nghệ. Tác phẩm đã xuất bản:
-Người Trồng Cỏ Bên Đường (tập thơ, NXB Hội Nhà Văn, 2008.
-Về Bên Dòng Sông (tập thơ, NXB Hội Nhà Văn, 2012.

CỎ TRANH ƠI

Nguyễn Đại Bường

Quê tôi là một ngôi làng nhỏ ven sông Thu Bồn. Hàng năm, dòng sông hào phóng chở phù sa từ thượng nguồn về bồi đắp cho những na dâu, bãi bắp xanh tốt.

Tôi theo cha mẹ xa quê từ những ngày còn rất nhỏ. Hối ức tuổi thơ về quê hương đã nhạt nhòa theo năm tháng ở phố phường Đà Nẵng. Sau ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng, cùng với dòng người ly tán, gia đình tôi lại về quê hương sinh sống.

Ấn tượng đầu tiên khi về lại quê nhà là những biền cỏ tranh chập chùng, xanh ngút, rập rờn trong nắng gió tháng tư. Cỏ tranh mọc kín những thửa ruộng bỏ hoang. Tranh bò vào cái nền nhà rường chỉ còn trơ lại kèo cột, rui mè của ông bà tôi sau những tháng năm, sau hiệp định Paris, bên nào cũng mở chiến dịch giành dân lấn đất. Vườn tược trước kia cây ngọt trái lành đã tan hoang vì bàn tay tàn phá của những con người ấu trĩ. Bộ ván gõ được kê làm bếp nấu ăn, cái cột nhà gỗ mít bị băm vằm để mắc võng cho khỏi tuột…

Gia đình tôi vừa phải lo dựng lại nhà, vừa phải lo vỡ đất tăng gia sản xuất. Tôi vụng về học theo cha mẹ cách cầm cuốc, cầm liềm. Cỏ tranh được cắt sát gốc, phơi từng hàng, thẳng thớm dưới nắng. Nắng càng già màu tranh càng sáng đẹp, tỏa mùi thơm nồng dịu. Cắt tranh đến đâu, đất được cuốc lật lên đến đó. Hai bàn tay học trò của tôi phồng rôp. Lá tranh bén ngót cứa vào da thịt rát buốt.

Cứ mỗi chiều về, cha con tôi gom từng lọn tranh lại. Bó khoảng vừa ôm, gánh về bằng đòn xóc. Đó là một đoạn tre dài khoảng hơn hai mét, được vót nhọn hai đầu. Phải tập xóc như thế nào để bó tranh đều đặn, chặt cứng. Khi gánh đi, xoay trở gọn gàng, không bị tụt ra hoặc xổ tung trên đường. Trầy trật mãi rồi cũng quen.

Cỏ tranh đem về, được bện vào trong những cái nẹp tre, gọi là cái hom. Đó là công đoạn đánh tranh. Từng lọn tranh phải đều tăm tắp, không được để chỗ dày, chỗ mỏng. Sau nầy lợp lên mái không bị sũng nước, mưa dột.

Ngày lợp nhà vui lắm, hàng xóm láng giềng mỗi người một tay. Phải làm từ sáng sớm để tranh thủ mát trời. Kẻ dưới đất, người rên mái gọi nhau ơi ói. Tôi làm thằng nhỏ chạy vặt theo sự sai bảo của chú bác. Khi thì phóng lạt cho chú nầy, rót cho bác kia miếng nước. Chạy qua chạy lại như thoi, hồ hởi lắm.

Những tấm tranh được phóng lên mái bằng cây sào dài. Tấm tranh đè tấm dưới. Cứ thế, lợp lên đến cây đòn dông, thì công đoạn cuối cùng là xốc nóc. Tức là phủ một lớp tranh dày lên cây đòn dông, choàng qua hai mái. Chỉ những người có kinh nghiệm mới làm khâu nầy. Vì nếu phủ không khéo, giấu mối lạt không kỹ, sau nầy sẽ bị mưa dột, gió lùa.

Những mái nhà tranh cứ thế mọc lên ngày càng nhiều. Trao đổi vần công chứ chẳng thuê mướn. Từ sự đồng cam cộng khổ, tình nghĩa làng nước càng thêm bền chặt. Bởi vì ai cũng như ai, bao năm chạy dạt tứ xứ tránh bom đạn, nay về xây dựng lại cuộc sống mới từ bàn tay trắng trên chính mảnh đất chôn nhau cắt rốn của mình. Tuy còn lắm gieo neo nhưng an bình, thanh thản. Sướng hơn nhiều so với thời buổi trên bom dưới đạn, sống chết chẳng biết khi nào.

Có những ngày nông nhàn, tôi thường giúp mẹ gánh tranh ra chợ huyện bán. Chỉ đắp đổi ngày công chứ tiền bán chẳng bao nhiêu. Hạt muối con cá khô đem về, mừng vô kể.

Dần sau nầy, đời sống có khá hơn. Lác đác, quê tôi đã có những mái nhà ngói, nhà tôn kiên cố. Những đám cỏ tranh cũng đần ít đi. Thay vào đó là những nương khoai, đồi chè xanh tốt.

Thời kinh tế thị trường ùa về. Người dân quê tôi không còn phải chịu cảnh xếp hàng cả ngày trời để mua cho được lít dầu hỏa, tấm vải xô. Những người thanh niên nông thôn như tôi bắt đầu học cách tính toán công sức của mình và ước mơ lập thân ở các phố phường xa lạ. Rất nhiều trai tráng lần lượt ra đi. Công việc nhà nông phó mặc cho người cao tuổi. Sức hút của thị thành thật mãnh liệt. Đồng tiền xứ người như lá mít, nhưng nhiều khi cũng se lòng, cười ra nước mắt…

Cho mãi đến bây giờ, hơn hai mươi năm nước sông gạo chợ. Mỗi lần nhớ về quê hương, tôi vẫn nghe từ trong tiềm thức mùi cỏ tranh khô nồng thơm trong gió đồng chiều. Nhớ quay quắt cái màu vàng sánh của nước rễ cỏ tranh mà mẹ tôi nói là uống để giải nhiệt. Nhớ những trưa hè oi nắng, thiu thiu võng bên hè, nghe mái tranh giòn tan reo lên rào rạt. Nhớ những đêm đông mưa dầm, bấc nổi, giọt nước vỗ loong boong ngoài mái hiên. Tất cả ùa về trong tâm trí tôi một miền tuổi thơ khốn khó. Nhưng cũng thật đầm ấm, thiết tha. Ở nơi đó, có những mùa xuân về trong ngôi nhà tranh, mẹ tôi lại ngóng chờ những đứa con xa. Ngôi nhà bình dị như đời mẹ, ngọn cỏ tranh quê mùa, chất phác.

Mẹ ơi, những đứa cháu nội của mẹ đang lớn lên ở phố thị chật chội miền nam nầy chẳng thể nào hình dung được ngôi nhà tranh là như thế nào. Càng không thể hiểu nổi có một thời từng củ khoai, hạt gạo cũng trở nên quí giá vô chừng. Chính mảnh đất ấy đã vắt kiệt sức nuôi cha chúng lớn khôn. Đến khi đủ lông đủ cánh lại bay xa…

Mẹ ơi, nhất định con sẽ nói với các cháu về điều đó. Sẽ dẫn chúng về nơi ngày xưa cha mẹ đã dẫn con về. Day cho con biết yêu từng lùm cạy bụi cỏ. Biết chắt chiu trân trọng từng củ khoai, hạt bắp. Biết hít thở tình người quê hương núm ruột. Biết dẫu có mải mê cơm áo gạo tiền ở phương xa vẫn luôn có một mái nhà tranh, là nơi bình yên, che chở thương yêu, là nơi chốn con về.

Nhất định con sẽ trở về. Mẹ ơi, cỏ tranh ơi!  

Nguyễn Đại Bường



No comments: