Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, April 5, 2019

CẢM NHẬN THƠ NGUYỄN ĐẠI BƯỜNG | Bình Địa Mộc



Cảm nhận thơ Nguyễn Đại Bường
Bình Địa Mộc

Ai rồi cũng có một cõi đi về sau chặng đường lã mệt như cố nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn đã từng tâm sự: "đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt"... ai rồi cũng có một nơi để nhớ:

"Quê hương tôi có con sông xanh biếc
Nước gương trong soi tóc những hàng tre
Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè
Tỏa nắng xuống lòng sông lấp loáng"
(Nhớ Con Sông Quê Hương - thơ Tế Hanh)

Và, nỗi nhớ bỗng dưng da diết, da diết đến nao lòng bởi:

Róc rách đôi bờ sóng nước chao lay
Thao thiết chảy một dòng lấp lánh
Sông chẳng biết đầy vơi hay nóng lạnh
Cứ hết mình bỗng chốc hóa đại dương.
(Dòng Sông - thơ tình Phương Thảo)

Nhất là đối với những bước chân kiêu bồng lang bạc, mỗi bận nghĩ về dòng sông, hẳn một hình ảnh đằm đã hiện lên:

"Dòng sông mới điệu làm sao
Nắng lên mặc áo lụa đào thướt tha
Trưa về trời rộng bao la
Áo xanh sông mặc như là mới may
Chiều trôi thơ thẩn áng mây
Cài lên màu áo hây hây ráng vàng
(Dòng Sông Mặc Áo - thơ Nguyễn Trọng Tạo)

Muôn thủa nay, cây đa bến nước dòng sông... là hình ảnh quen thuộc trong những áng văn thơ bất hủ, là đề tài muôn thủa của thi ca. Ở đó ta bắt gặp những bàn tay chấp chới vẫy nhau về miền ngút ngái, những sơ sót như chính mình ly biệt bởi chiếc khăn tay ngậm ngùi dúi vào túi mỏng, ta quay mặt đi bởi dòng sông trắng xóa chan hòa nước mắt của người ở lại vào một chiều như ngừng chảy sông ơi:

"Đừng chảy nữa sông ơi, một lần
Cho ta tìm lại nhọc nhằn, quá giang"
(Sông Ơi Đừng Chảy
nhạc Nguyễn Vĩnh Tiến)

Thật vậy, ai rồi cũng phải về lại bên dòng sông để tạ tội sau những tạ từ để ra đi đâu đó. Nguyễn Đại Bường - nhà thơ, hội viên Hội VHNT tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu không ngoại lệ. Ông sinh ra và lớn lên bên dòng sông Thu Bồn bốn mùa xanh ngát, nơi làng Đại Bình múi bưởi lịm ngọt, trái cam ửng vàng, "thum thủm" mùi sầu riêng, đặc trưng của trái cây vùng trung du mà duy nhất chỉ có ở nơi nầy: làng Đại Bình xã Quế Trung huyện Nông Sơn tỉnh Quảng Nam  mới trồng được, ngoại trừ các tỉnh miền tây nam bộ.

Thưa các bạn, "Về Bên Dòng Sông" là tập thơ thứ hai sau tập Người Trồng Cỏ Bên Đường do Hội Nhà Văn VN xuất bản. Thơ Nguyễn Đại Bường lặng lẽ như những chùm cúc dại ven đường vậy:

"Cúc dại ơi, cúc dại ơi
Li ti mà trắng muốt trời nhớ thương
Không tin một thoáng ven đường
Lòng tôi ở lại với hương lặng thầm"
(Ven Đường Hoa Cúc Dại Ơi - thơ NĐB)

Vào một ngày tháng giêng, tôi gặp ông đang chữa bệnh ở Sài Gòn, trông ông già đi so với vài lần gặp trước đó, vòng quay "sinh/ lão/ bệnh/ tử "của tạo hóa đã gõ của nhà thơ chăng, nhưng đoan chắc thơ ông vẫn còn rất khỏe, rất trai, rất bận bịu như bài:

"Đợi rảnh rồi ta lại về hỏi cỏ
Sắc thu vàng đầu ngọn đã ươm chưa
Tung theo gió hạt mầm hoang dại
Thảo nguyên xa biết thiếu hay thừa"
(Hỏi - thơ NĐB)

Tuy nhiên, lần giở từng trang thơ... rất sống của NĐB, tôi ngạc nhiên vì thấy "sông" ở trong ông khác lạ, cứ chập chùng biêng biếc nông sâu, phải chẳng 16 năm lưu lạc nơi đất khách quê người thời gian đã dắt đưa "con sông quê hương" nơi ông lắng lại, cồn cát bóng dừa bỗng thun thút chân mây:

"Đêm Gò Nổi con nằm nghe dòng sông sóng vỗ
Tưởng lời ru của ngoại thủa tao nôi"
(Về Thăm Quê Ngoại - thơ NĐB)

Chao ôi, cái "tao nôi" của ông sao mà đung đưa, rây rắc, mịn màng đến vậy hay trong bài Bão Lũ ông đã nhắc đến 4 con sông đáng yêu "Ôi những sông Gianh, Thu Bồn, Hương Giang Trà Khúc/ Sao không đi vào thơ nhạc nữa đi" ấy là ông muốn nhắc nhở rằng thi ca phải tận tâm tận lực phục vụ cho cuộc sống như chính cuộc sống đã cho ta nguồn cảm hứng, mà:

"Thơ mình như trẻ chăn trâu
Vấp ngọn cỏ mới ngộ bầu trời xanh"
(Chơi Thơ Mạng - thơ NĐB)

Một lần ông về thăm xứ Lạng "ai người lên đây tình không cửa ải/ tiền đồng tiền tệ nhoáng nhoàng qua lại/ Kỳ Lừa chợ ngày vắt qua chợ đêm " thì "dòng sông" trong thơ ông lại chảy ngược về nơi tuyến đầu tổ quốc thân yêu:

"Kỳ Cùng dòng ngược ngàn năm cứ chảy
Mai ta về xuôi hay ta ở lại
Lượm viên sỏi ở cột mốc số không
Đem về phương Nam để sưởi ấm Lạng Sơn"
(Tháng Giêng Xứ Lạng - thơ NĐB)

Hoặc tâm tưởng về một người quá cố, "dòng sông" mà nhà thơ về lại có chút ma mị, hút hồn người đọc cứ ngỡ phút mộng du vừa chợt thoáng, chợt hiện để lại trong ta sự dịu kỳ đến ngọt ngào:

"Anh không dám ngắm nhìn
Sợ mình phăng cuốn ghê rợ
Một dòng sông rập rều máu đỏ
Anh ngồi đây đợi ánh ngày lên"
(Ngôi Nhà Ấy - thơ NĐB)

Đến đây, tôi bỗng nhớ một khổ thơ loáng thoáng trên mạng internet hồi năm ngoái rất mơ hồ đến nỗi không nhớ tên tác giả, đó là:

"Trái cấm em đánh đố anh kéo hồi chuông dưa hấu đỏ
Sông nhẹ nhàng uốn lượn bật óng ả lưng thon
Mây nhan sắc bừng bừng khoe ngực nõn"

Cuối cùng thì nhà thơ đáng kính của chúng ta cũng về lại bên dòng sông Thu Bồn, nơi ông sinh và lớn lên trong những ngày bão đạn mưa bom, "con về bên nước Thu Bồn/ vẫy tay rủ ánh chiều buông cùng đò". Bấy giờ, ông mặc nhiên thỏa thích:

"Nửa tôi chạy với dòng sông
Nửa tôi lắng lại làm hòn đất quê
Bàn chân dốc mỏi cỏi về
Tênh lòng soi nước rui mè trăm năm
Sương thu đậm giọt trăng rằm
Ướp lên ngọn tóc đăm đăm cuối mùa"
(Về Bên Dòng Sông - thơ NĐB)

Xin cảm ơn nhà thơ, cảm ơn cuộc đời đã cho ta những dòng sông tuổi thơ ắp đầy kỉ niệm một thời tắm mát, chập chồi giữa những trưa hè oi ả. Cảm ơn những câu thơ mà dẫu có viết nhiều thêm nữa, nói nhiều thêm nữa vẫn chưa thể cảm nhận hết ý nghĩa tuyệt vời vốn bung biêng, mưng mẩy của ông:

Nầy là giun dế nhặt thưa
Ngủ đi giấc trẻ con vừa oa oa
Một tôi say giữa canh gà
Một tôi thao thức đường xa chạnh lòng ...
(Về Bên Dòng Sông - thơ NĐB)

Sài Gòn, 01.04.2013
Bình Địa Mộc
Theo http://binhdiamoc123.blogspot.com/


No comments: