Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, April 6, 2014

KHÓC BẠN NGUYỄN KHỎE* - Châu Thạch Trương Văn Trạn


              


Tin bạn lâm chung đến giữa trưa
Ta sầu, Đà nẵng đổ cơn mưa
Khỏe ơi, qua bến xin tha thứ
Có một người thân không tiễn đưa.

Nén lệ nhưng ta vẫn khóc đây
Năm mươi năm tình bạn sâu dày
Bao lần đưa tiễn bên nhau có
Chuyến đi nầy không tay trao tay.

Nhớ xưa hai đứa tóc còn xanh
Kết bạn cùng nhau dưới Cổ Thành
Bạn như kình nhỏ dong trên biển
Ta tựa chim lồng nuôi cảnh thanh.

Cá vượt trùng dương đã hóa rồng
Chim bay về núi kíếp bông lông
Rồng, chim tuy ở trong dâu bể
Vẫn cứ tâm giao máu rất hồng.

Một thời trai trẻ sống long đong
Bạn chưa đủ ấm giữa mùa đông
Nhịn ăn may áo cho ta mặc
Nhắc đến, ta thương lệ ngấn tròng.

Rồi sông uốn khúc nước thay dòng
Bạn đạt bao điều như ước mong
Vẫn cứ như xưa tình bạn cũ
Vẫn con người ung dung, thanh trong.

Món nợ con tim bạn ước mong
Bao năm ấp ũ mãi trong lòng
Quê hương, gia tộc nay như nguyện
Đền mới, đường xinh bạn trả xong. 

Bạn gởi yêu thương đến mọi người
Xa gần một nếp sống xanh tươi
Nuôi thầy trọn vẹn như cha mẹ
Giúp khó không hề tính thiệt thua.

Thủy chung, đức độ vợ cùng con
Tình biển, công dày như núi non
Yêu thương bè bạn như thân quyến
Bia đá không ghi tiếng vẫn còn.

Từ nay bạn lánh cõi trần gian
Đời mất đi một quả tim vàng
Quả tim tùng bách trong giông tố
Vẫn lớn cao lên đứng vững vàng.

Ta biết bạn đi rất thảnh thơi
Trọn tình trọn nghĩa ở trên đời
Nhưng ta vẫn thấy sao đau quá
Đau lắm trong lòng, ơi Khỏe ơi! ./.

             Đà Nẵng ngày 4-4-2014
           Châu Thạch Trương Văn Trạn  

* Nguyễn Khỏe: Quê Cổ Lũy, Hải Ba, Hải Lăng, Quảng Trị. Doanh nhân thành đạt tại TP.HCM.    

READ MORE - KHÓC BẠN NGUYỄN KHỎE* - Châu Thạch Trương Văn Trạn

RAU TÀU BAY - thơ Võ Văn Hoa




Như bọ niệng, xin mày
Giờ đây không còn nữa!
Hôm qua, rau tàu bay
Bật mầm trên đất lửa!


*


Em ơi ra mở cửa
Tàu bay, rau tàu bay...



Cam Lộ, 26.3.2014
VÕ VĂN HOA
READ MORE - RAU TÀU BAY - thơ Võ Văn Hoa

VỀ - thơ Võ Văn Luyến



Ta về cất vó tơ chùng
Xe mưa cuối dốc cát hung phận người
Một thôi đường. Một chiều rơi
Mắt hôi hổi nhớ, tóc rời rợi xưa

Ta về rũ bụi nghi ngờ
Nhặt lên tiếng vọng chuông chùa buồn tênh.

Võ Văn Luyến



READ MORE - VỀ - thơ Võ Văn Luyến

VẦN THƠ ƠN MẸ - thơ Ngưng Thu




Ngày rét tháng ba xưa mẹ không mang áo ấm
Chiếc khăn choàng trên cổ cũng phong phanh
Thân cò vẫn sớm chiều bên vuông đất
Lo cho con từng bữa những ngọt lành.

Xuân qua rồi mẹ lại đón hạ xanh
Ngày mùa nắng trên đồng mồ hôi giọt
Đêm rét run nằm nghe mưa thánh thót
Mẹ mong chờ lúa trẩy hạt ươm mơ.

Có mẹ trên đời con có cả trời thơ
Bao năm tháng ủ êm tình của mẹ
Có mẹ trên đời con sướng vui là thế
Hạnh phúc nào bằng … con biết sánh gì hơn?

Mẹ! mẹ ơi! Làm sao để đáp đền…
Lòng mong mỏi mẹ bên con mãi mãi
Như ngọn đèn dầu hắt hiu ngày gió lại
Mẹ đã già, con sợ tháng ngày trôi.

Dẫu là con cũng đã lớn khôn rồi
Vẫn cần lắm những lời yêu của mẹ
Rét tháng ba về choàng ấm khăn mẹ nhé
Hạnh phúc nhất trên đời … Con còn có mẹ để yêu thương .

NGƯNG THU
READ MORE - VẦN THƠ ƠN MẸ - thơ Ngưng Thu

SÓNG MẮT MÙA THU - thơ Phan Minh Châu




Nghe ngân … ngấn
Đầu môi, khóe mắt
Buổi tan tầm
Tay trắng trong tay …
Thu hun hút
Heo may
Cành lá nõn.
Giọt sương mềm
Cấy lạnh bờ vai
Địu nỗi nhớ
Quăng về chốn cũ
Nơi em cầm …
Một chút hương bay.
Gió vắt kiệt
Ve sầu khô xác
Mắt trâm anh
Tím cánh hoa mùa
Trăng thấp thỏm
Gọi tên người tình cũ
Tháng bảy về
Bện tóc người … xưa.
Chiếc lá cháy
Đốt sầu mấy nụ
Thuở lên ngôi
Sóng mắt đau bờ
Hương vị ngọt
Ngậm hoài năm tháng
Giữa cuộc đời
Một thuở đa mang.
Thôi đành vậy
Kiếp ngài, kiếp kén
Tôi theo em
Về phía không mùa
Thương ký ức
Trào lên từ độ
Trắng đêm chờ
Sóng mắt lang thang …

PHAN MINH CHÂU
3b Âu Cơ Nha Trang Khánh Hòa
d.Đ 0922992662
READ MORE - SÓNG MẮT MÙA THU - thơ Phan Minh Châu

BẾN SÔNG QUÊ - truyện ngắn Nguyễn An Bình




       Hình như tiếng chim vịt kêu chiều nay hơi sớm, khi những vạt nắng vàng hiu hắt của buổi chiều tà còn trải dài trên các ngọn bần, trâm bầu ven sông làm cảnh vật càng thêm quạnh quẽ, mấy bụi ô rô cốc kèn ven kênh lâu lâu vang lên mấy tiếng sột soạt của mấy con cá thòi lòi phóng lướt  qua đu ổi nhau kiếm ăn. Con nước bắt đầu lớn, nước từ sông cái chảy vào kênh Cái Sâu lờ đờ bình lặng, từng vạt lục bình trôi dạt vào kênh điểm xuyến vài chùm bông tim tím làm cảnh vật bớt buồn tẻ, đơn điệu. Lâu lâu một vài trái bần già rụng xuống dòng kênh nghe lỏm bỏm, trong không gian trầm lắng đó người ta lại nghe tiếng đờn vọng cổ cất lên từ trước nhà Năm Can, tiếng đờn như ai oán, nhớ thương chất chứa bao niềm tâm sự. Nhiều lần con Là đứa con gái lớn của Năm Can nói:
     
-Tía cứ đờn mấy cái bài đó buồn thấy mồ, đờn bài nào vui vui chút tía ơi. Mỗi lần nghe tía đờn, con với thằng Chi thêm nẩu ruột nẩu gan đây nè. Tía nhớ má hoài có ích gì chứ, má không về nữa đâu tía ơi, má bỏ cha con mình lâu rồi tía biết không?
     
Tiếng con bé như nghẹn lại ở câu cuối, rồi nó quày quả bước vào chái bếp để nhóm lửa nấu cơm. Mỗi lần nghe con Là cằn nhằn, lòng Năm Can như chùng xuống. Tiếng đờn vụt tắt, không gian như chìm vào khoảng không vắng vẻ. Những ngày xưa cũ êm đẹp như dần hiện ra trước mắt anh. Lúc nhỏ mắt anh cũng bình thường như những đứa trẻ khác trong xóm, cũng vui đùa, trèo nhảy, bơi lội nhưng sau một cơn phát ban cấp tính mắt anh mờ dần rồi mù hẳn, cuộc đời anh chìm vào bóng tối lúc bảy tuổi. Suốt ngày anh chỉ còn quanh quẩn trước khoảng sân nhỏ nơi bến sông trước nhà trong nổi cô đơn, buồn tẻ nhưng rồi nổi buồn mất đi ánh sáng cũng dần trôi qua , Năm Can bắt đầu tập làm quen với cuộc sống đầy bóng tối. Mất cái nầy th ì ông tr ời bù cho anh cái khác, anh nhanh chóng học được những cái mà ngay cả người sáng mắt cũng chưa chắc học nhanh được. Anh thông thuộc từng con đường, ngõ ngách trong thôn xóm, từng luồng nước chảy và là một tay sát cá có hạng, chỉ cần nghe tiếng cá quẩy, tiếng cá đớp bóng nước Năm Can biết ngay là loại cá gì và chưa bao giờ anh để lọt lưới một con cá nào. Anh còn có một tiếng đờn vọng cổ mượt mà không phải ai cũng có được. 
    
 Số là trong một lần  đi bắt cá , Năm Can nghe được tiếng đờn vọng cổ của một người nào đó bên kia kênh, anh đâm ra mê mẩn, bỏ cả buổi bắt cá leo lên bờ kênh men theo tiếng đàn để nghe cho rõ hơn. Mấy lần như thế đã làm cho ông thầy đờn chú ý, thấy thằng bé có vẻ đam mê  lại mù nên ông tỏ ra thương cảm hỏi nó có muốn học đờn không ông sẽ dạy. Dĩ nhiên là Năm Can mừng rỡ đồng ý ngay. Sau nầy khi hai thầy trò trở nên thân thiết, ông mới kể cho nó nghe ông là ông thầy đờn  từng đờn cho những đại ban như Dạ Lý Hương, Kim Chưởng… nhưng cải lương đã qua thời hoàng kim của nó, lần lượt từng gánh cải lương dù nổi tiếng cuối cùng cũng phải tan đàn xẻ nghé, ông đành ngậm ngùi trở về quê sinh sống. Thấy Năm Can có vẻ sáng dạ, ông đã dốc hết sở trường để dạy thằng bé. Chẳng phụ công sức ông thầy, Năm Can chỉ trong một thời gian ngắn đã có thể trình diễn thuần thục những bài bản vọng cổ như khốc hoàng thiên, trăng thu dạ khúc, tam xuân, phụng hoàng, kim tiền bản, vọng kim lang, văn thiên tường, phi vân điệp khúc… các điệu lý như lý giao duyên, lý con sáo, lý cái mơn…làm ông thầy đờn phải hết sức ngạc nhiên. Khi thấy không còn gì để dạy thằng bé nữa ông đã tặng cây đờn ghi ta phím lõm mà ông vô cùng yêu quí đã gắn bó nhiều năm với ông cho cậu học trò với lời khuyên cậu học trò từng từ bỏ ước mơ của mình.
    
 Cuộc đời anh như trải qua bước ngoặc mới khi anh gặp Lụa. Tối hôm đó trời mưa to nước chảy xiết, đang ngồi trong nhà anh nghe hình như có tiếng ai kêu cứu ngoài kênh. Không kịp suy nghĩ anh chạy ào ra kênh. Theo tiếng kêu anh đã đưa được một cô gái đang chới với giữa dòng nước chảy xiết lên bờ, vừa lên được bờ cô gái đã vật vã hỏi mẹ tôi đâu, hãy cứu mẹ tôi với. Anh lại phải nhảy xuống dòng kênh theo tiếng động anh đã đưa được bà mẹ lên bờ an toàn. Hỏi ra mới biết họ là hai mẹ con đi  gặt lúa mướn ở Ngã Sáu đang chèo về quê ở Thới Lai đến đây bất ngờ gặp mưa to, nước chảy xiết nên  ghe lật. Cảm ơn cứu mạng, tuy biết anh bị mù nhưng là người tốt bụng lại chịu thương chịu khó, cô gái tên Lụa cũng cảm thấy thương mến anh nên người mẹ vui lòng gả con gái mình cho anh. 
     
Từ ngày có gia đình, Năm Can càng siêng năng hơn nữa, ngoài việc mò cua bắt cá, trong thôn xóm có đám tiệc nào người ta cần thợ đờn giúp vui anh cũng vui vẻ tham gia để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Tuy không khá giả nhưng gia đình cũng đủ ăn dủ mặc. Sống với nhau tám năm có hai mặt con. Con Là bảy tuổi, thằng Chi bốn tuổi, Năm Can tưởng cuộc đời mình như thế quá đầy dủ rồi không còn mơ ước gì hơn. Thế mà một sự việc bất ngờ xảy ra làm đảo lộn cuộc sống gia đình anh, trong một lần về quê đám giổ, Lụa đã không trở về. Năm Can cho người về quê vợ tìm kiếm nhưng người vợ từ chối trở về sống cuộc đời nghèo khổ bên người chồng mù lòa, tật nguyền. Anh như đột quỵ sau biến cố ấy, nhưng còn hai con nhỏ phải làm sao đây. Năm Can chỉ còn gởi gắm tâm sự mình qua tiếng đờn mỗi khi chiều xuống.

*

    
Năm Can bỗng dừng tiếng đờn lên tiếng:
    
- Là hả con? Về rồi sau không vào nhà nấu cơm đi. Thằng Chi đi học sắp về rồi đó. Chưa có cơm ăn đói bụng tội nghiệp nó.
    
Vẫn không nghe thấy tiếng động đậy gì của con nhỏ, hơi ngạc nhiên, cảm thấy có điều gì đó không bình thường, Năm Can căng tai nghe ngóng:
    
- Có chuyện gì thế Là? Hình như có ai đến nhà mình phải không con?
    
Con Là ngập ngừng giây lát, giọng nó nấc nghẹn:
   
 - Má về rồi đó tía ơi.
    
Năm Can cảm thấy thời gian như dừng lại, lổ tai lùng bùng, không gian im ắng. Anh nghe tiếng con Là nói như thúc giục:
    
- Tía đó, má muốn nói gì thì nói đi tôi không biết đâu.
    
Năm Can chợt nghe tiếng khóc của người đàn bà mà từ lâu anh tưởng không bao giờ còn nghe được nữa:
     
- Anh Năm ơi! Em là Lụa đây. Em về đây xin anh tha thứ những lỗi lầm mà em gây nên. Anh trách mắng, làm gì em cũng được, em chỉ xin anh cho em được ở lại lo lắng cho anh và lo cho hai con được không anh?
      
Nhìn khuôn mặt khổ sở đầy vẻ ăn năn của má, con Là bỗng cảm thấy thương má nó quá. Mới đây thôi nó còn giận má biết bao nhiêu, giờ đây bao nhiêu nổi ấm ức, buồn đau mà nó phải chịu đựng từ ngày má nó bỏ đi như tan biến mất. Nó nhớ lại việc gặp lại má ở ngoài chợ chiều nay, khi vừa bán xong mớ cá mà tía nó mò bắt được, khi vừa bước ra khỏi chợ xã đi về phía mé sông để lấy xuồng chèo về nhà thì từ phía bên đường một người phụ nữ đưa tay ngoắc ngoắc kêu:
    
- Là! Là! Qua đây cô có chuyện muốn nói.
   
Con Là ngoái lại, đó là cô Út, người hàng xóm quen với gia đình nó có gia đình ngoài chợ xã. 

Là bước sang, cô ta kéo Là vào trong nhà, vừa đi vừa nói:
   
- Là vào đây, cô nói cái nầy cho nghe.
    
Con Là hơi ngạc nhiên khi thấy cử chỉ hơi lạ của cô Út nhưng nó cũng ngoan ngoãn đi theo. Vào nhà nó thấy một người đàn bà gương mặt quen quen đang nhìn nó. Là hơi ngờ ngợ thì cô Út đã nói:
    
-  Má con đó, má con đã về muốn gặp con, con nói chuyện với bả đi.
     
Rồi quay sang người đàn bà, cô ta nói luôn:

- Con Là đó chị. Thôi hai mẹ con trò chuyện đi, tôi  ra ngoài nầy một chút.

Cô Út vừa nói vừa quay lưng bước ra cửa, con Là trong giây phút bở ngở sửng sốt, nó cũng quay lưng lại bước theo, người đàn bà chạy vội tới nắm lấy tay Là khóc:

- Là ơi! Má đây con, má đã về đây rồi nè, con tha lỗi cho má nghe con, con ơi.

 Nói đến đây người đàn bà khóc ngất. Con Là vùng vằng  giựt cánh tay ra khỏi tay người đàn bà, nói giận dỗi:
     
-  Má tôi sao? Má tôi đã mất lâu rồi. Má về đây để làm gì? Để làm khổ tía con tôi lần nữa  phải không?
      
-  Là ơi! Má biết mình có lỗi nhiều lắm. Con hãy cho má theo con về nhà để xin tía con tha thứ. Má muốn về chuộc lại lỗi lầm đã gây nên, được lo lắng cho con và thằng Chi được không con?

Con Là nhìn người đàn bà, người mà nó từng gọi là má, mặt lạnh tanh không biểu lộ cảm xúc gì, nhưng thật ra trong lòng nó lay động dữ lắm. Nó muốn ôm chầm lấy mẹ mình, sà vào lòng mẹ khóc ngon lành, được kể lể nổi mong nhớ, chờ đợi mẹ nó ngày nào đó trở về với tía con nó. Nỗi quắt quay chờ đợi ngày càng mòn mõi, hụt hẫng cạn dần đi khi mỗi ngày nhìn thấy cái cảnh tía nó chiều chiều ngồi trước cửa trước bến sông gảy đàn hát những bản vọng cổ buồn thê thiết làm nó càng giận mẹ nó nhiều hơn. Nó sẳng giọng:
  
-  Tôi không biết. Má về mà nói với tía đi, xem tía có tha thứ cho má không rồi hẳng tính. Tôi và thằng Chi sống không có má lâu rồi cũng quen, chỉ tội cho tía mà thôi…
    
Con Là như biết mình lỡ lời nên không nói nữa, nhìn má nó ái ngại, chua xót. Má nó đưa cánh tay lên quẹt nước mắt, giọng sụt sùi:

- Má biết má có lỗi với tía con con nhiều lắm Là ơi.  
   
Con Là không thấy tía nó nói năng gì, gương mặt cũng không lộ vẻ gì cả, nó không biết tía nó đang suy nghĩ gì, nó đâm ra lo lắng:

- Tia! Tía nói gì đi chứ, tía tha lỗi cho má được không tía?

- Vậy chớ con kêu tía phải làm gì đây? Kêu má con vào lo cơm chiều đi, thằng Chi đi học sắp về rồi đó.
  
Hiểu ý tía, con Là nắm lấy tay má nó kéo vô nhà:

- Vào nhà đi má, tía chịu rồi đó.
  
Lắng nghe tiếng chân của hai má con Là xa dần, lòng Năm Can bỗng dâng lên một niềm vui khôn tả. Từ ngày má con Là bỏ đi lòng anh như chết hẳn, anh cũng muốn chết quách đi cho rồi nhưng ngặt còn hai đứa con nhỏ không biết tính sao. Thương con còn nhỏ dại anh đành nuốt nổi đau vào bụng, tìm quên trong công việc, trong tiếng đờn. Nào ngờ ông trời chắc còn thương tía con anh nên mẹ con Là biết tìm về.
    
Năm Can ngước mặt nhìn ra bến sông. Anh biết con nước giờ nầy đã đứng lớn và sắp chuẩn bị cho đợt nước ròng. Một tiếng chim vịt kêu nhưng lần nầy anh không còn cảm thấy buồn tẻ lẻ loi nữa, hình như nó đã tìm được bạn tình. Từ nay căn nhà nhỏ của anh sẽ lại  đầy ắp tiếng cười như ngày xưa, và anh chợt cười một mình  trong bóng chiều chập choạng.
    
Một ngọn gió chợt thổi qua bến sông, đem lại luồng không khí mát dịu trong lành cho một ngày sắp hết và chuẩn bị cho một ngày mới an lành sẽ đến.
                                    
Cuối tháng 3/2014 
NGUYỄN AN BÌNH 
    

   
READ MORE - BẾN SÔNG QUÊ - truyện ngắn Nguyễn An Bình

Ký sự du tăng: THEO MÂY ĐI, CÙNG MÂY VỀ - Mặc Phương Tử (Kỳ 2)


5.- LÀNG CHÀI

Đoàn không ghé lại Làng Chài, chỉ đi ngang và người hướng dẫn giới thiệu tóm tắt cho biết sự hình thành, sự hoạt động của nó, ánh nắng ban trưa khá gắt, vả lại trong đoàn có nhiều thầy và phật tử đều dùng chay, nên thấy không cần thiết phải ghé vào, mà chỉ nghe người giới thiệu là đủ rồi !

Được biết Làng Chài nầy nằm trong cụm đảo có hồ cá Trí Nguyên và hồ cá Trí Nguyên nằm trên hòn đảo Bồng Nguyên. Cư dân của Làng Chài không nhiều, chỉ trên dưới 50 hộ dân, và cũng từ các Tỉnh miền ngoài vào lập nghiệp, như : Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định.v.v… sau đó dùng tàu, thuyền đánh bắt cá, cũng như các loài hải sản và nuôi cá bè.

Nơi đây, du khách đến có thể thưởng thức hương vị của các món hải sản đã sẵn có trong những ô bè, trong ấy có đủ các loại tôm, cá, mực, ốc,v,v,,, chế biến tại chỗ. Những loại ấy phải bỏ thời gian đi đánh bắt, lưới, hoặc câu ngoài xa rồi đem về thả vào bè, nhằm phục vụ cho khách du lịch mỗi khi tham quan đến Nha Trang.

Nói về có được những loại hải sản ấy, người dân Làng Chài cũng phải đổi lấy bao nhiêu công sức ngày đêm, chống chỏi với bao mưa nắng bảo bùng, với bao gió sớm sương khuya, với bao rét buốt lạnh lùng, với bao nóng bức gian nan, mới có được ít nhiều những thành quả, để cho du khách được thỏa thích ngon miệng, đánh bắt, lưới, câu của người Làng Chài là để có sanh ra của cải, tài sản, lo cho cuộc sống  tự thân và gia đình, đó là công việc, phận sự của người Làng Chài.

Thế nhưng đối với những người đệ tử Phật, chúng ta cũng sẽ phải làm một cách giống như thế. Chúng ta sẽ rõ biết, nhận diện các pháp thích hợp với lẽ chánh thiện, và từ bỏ những điều bất thiện, không ích lợi, không được sự chấp nhận bởi người có trí, chúng ta sẽ vây lưới, câu lấy những thiện sự, đem về rọng chứa trong tâm, để được sanh lợi là công đức, phước lành vào trong cuộc sống và sự sống an bình cho mọi người. Gây tạo niềm tin chánh pháp, hướng tâm chánh pháp, để hưởng được cảnh giới lành an vui từ nơi phước lực.

Nếu như người dân Làng Chài nổ lực cần mẫn để có được tài sản, sự sống cho thân, thì chúng ta cũng phải nổ lực cần mẫn để có được các pháp lành, làm đạo lộ siêu hóa cho tâm, và cho cả mọi người.



6/- DỪNG CHÂN BẾN LỘI

     Khánh Vĩnh, Khánh Hòa.


Núi đã lở
Giá băng hồn cổ thụ
Cõi hoang sơ, nát lệ mộng mây ngàn !
Đây Bến Lội đìu hiu trời lữ thứ,
Ta lặng nhìn sương khói bóng ngày tan.

Dòng suối nhỏ không đủ người soi bóng
Vực đá hờn không một vết rêu phong.
Giữa hoang mạc tiếng chim còn lạc giọng,
Để nhớ về thuở rừng núi mênh mông.

Dáng đèo nghiêng, dốc tuông ngàn mộng thắm
Đỉnh xa trơ cháy xám gốc cây già.
Chạnh lòng ta bao nỗi niềm thăm thẳm,
Buồn như chiều lên nhánh khói lam xa.

Đây Bến Lội,
Hay bến lòng dặm khách ?
Chút sắc hương còn một nhánh lan rừng,
Từ dưỡng khí nơi đất trời tinh sạch,
Sao nghe lòng dâng một nỗi bâng khuâng !



7/- XE QUA ĐÈO.

Đã gần 1 giờ, đoàn dừng chân tại điểm dừng Bến Lội, nơi giao điểm giữa Diên Khánh và Khánh Vĩnh thuộc tỉnh Khánh Hòa. Mùa nầy (giữa xuân, tháng 2 al) dòng suối Bến Lội gần như trơ đáy sâu hỏm, chỉ còn thấy phía dưới rất mỏng manh một dòng nước ngoằn ngẻo, nặng nề trôi về phía hạ nguồn, thỉnh thoảng lại nghe tiếng chim lẽ loi từ những đỉnh ngàn xa đâu vọng lại, mây trắng cũng buồn tênh khi ngang qua cảnh rừng núi hoang sơ.

Ngoài việc giải khát và vệ sinh trong đoàn ra, các tài xế cần phải kiểm tra lại hệ thống xe với những điều cần thiết, để chuẩn bị việc lên đẻo cho được an toàn, vì đây là một trong những đường đèo khá dài và có chiều cao nhứt trong khu vực phía Nam của đất nước ta. Đó là đèo Khánh Vĩnh hay còn gọi là Khánh Lê.

Theo thông tin du lịch cảnh quan, chúng ta được biết : từ Nha Trang, tỉnh lộ 652 nối đoạn cuối 723 tiếp với Huyện Lạc Dương thuộc tỉnh Lâm Đồng, Đà Lạt (Cao Nguyên Lâm Viên). Thay vì trước đây, từ Nha Trang phải trở vào Phan Rang rồi đi QL 27 lên đèo Ngoạn Mục (Xông Pha) đến Đơn Dương, tiếp đó mới lên đèo Preen Đà Lạt. Thì nay, từ Tp. Nha Trang trực tuyến đến Ngả ba Thành (H. Diên Khánh) dọc theo dòng sông Cái rồi tiếp đến H. Khánh Vĩnh, hướng theo đoạn đường nầy có khoảng 139 – 140km, và đoạn đèo có khoảng 33km, đỉnh cao của đoạn đèo nầy là 1700m. Đỉnh núi cao nhứt của đoạn đèo nầy là núi Bi Đoup còn gọi là núi Hòn Giao, cao 2287m, đỉnh núi nầy cũng là ranh giới giữa tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Lâm Đồng.

Tuyến đường nầy còn được trong giới du lịch khai sinh ra cái tên thật là bát ngát thơ và mộng “cung đường nối Biển và Hoa” và thật sự đúng như tên đã gọi, vì từ biển tiếp đến bạt ngàn rừng núi, thông và hoa, mây trắng thắt lưng chừng rừng xanh thẳm biếc, sương khói đục nhòa lan man khỏa lên màu nhân ảnh, tạo nên sự đắm say, vọng tìm của những khách lãng du, như những cánh chim giang hồ chưa mỏi cánh.

Cung đường có lúc gấp khúc co quanh, trông rất lãng mạn cho những tâm hồn thong dong tiêu sái, nhưng cũng không ít nguy hiểm cho những ai lơ đễnh qua cuộc rong chơi, càng chơi vơi hùng tráng kiêu sa phía trên cao, thì càng hiểm nguy khổ nạn, bởi những truông vực thăm thẳm hút tận đáy sâu, phía bên trên như thông lộ nối muôn màu ngàn hoa mộng, phía bên dưới tưởng chừng như tuyệt lộ phong trần.

Đã hơn 2 giờ đồng hồ trôi đi, trông chiếc xe nặng nề lầm lì leo đèo với vận tốc 40-50km giờ, những vuôn rẫy xanh màu, những lồng lưới các loại hoa hiện dần lên phía trước, khí trời nghe mát dịu, như báo hiệu đoàn đã đến phương trời Đà lạt mộng và thơ, bây giờ là 12 giờ kém.

Đến đây, ta có thể nghĩ rằng : đời như một chuyến xe thời gian ngược xuôi đưa ta đi về muôn ngả, mà mỗi người ai cũng phải tự chọn cho mình một trong những nẻo đi về. Có những con đường đèo qua từng kiếp tử sanh, cái dốc cao danh lợi, giàu sang hay cái truông vực hiểm nguy, nghèo khó khổ đau. Có những khúc quanh, người ta sẽ được cơ hội thăng hoa thời vận tôn vinh, lại có những khúc quanh, người ta phải bị khốn quẩn hoang tiêu tài sản cửa nhà. Đó là những khúc đoạn đời qua của nhân thế. Cái thăm thẳm cao rộng hùng tráng bên trên là con đường, là tâm hồn thanh thiện, nhưng những vực đáy hiểm sâu, là con đường, là một tâm hồn đọa xứ, là thế giới khổ đau, lạc thú thường tình.

Ai rồi cũng băng qua những khúc đoạn tử sanh, hạnh phúc và khổ đau, bình an và đày đọa.v.v… nào phải từ đâu đến, chính do ta tự đến những cung đường, hạnh phúc bình an và cao rộng luôn ở phía bên trên, đau khổ đọa dày thấp kém có bao giờ rời xa phía dưới…

Và đời như chuyến xe thời gian, đưa ta đến đi ngược xuôi bao nẻo khúc đoạn đường, dốc đèo, truông hiểm, để ta chiêm nghiệm và cảm nhận từ đây và bây giờ.


8/- BIỂN, CẢNH GIÁC CHÁY RỪNG.

Dọc theo những tuyến quốc lộ hay tỉnh lộ, và kể cả những khu vực được cho là vùng sinh thái thiên nhiên, hay bất cứ một tài sản nào từ thiên nhiên mà những người lảnh đạo đất nước cần phải quyết tâm gìn giữ và bảo tồn. Và sự quyết tâm ấy phải được nghiêm túc cao từ phía các bậc bề trên, cho đến mọi từng lớp trong cộng đồng của một quốc gia.

Nếu khu vực đồng bằng Miền Đông, Tây Nam bộ có rừng Ngập Mặn Cần giờ, Cà Mau có rừng tràm U Minh Thượng, U Minh Hạ, ở An giang có rừng tràm Trà Sư, ở vùng Đồng Tháp có Vườn quốc gia Tràm Chim, Long An có rừng ngập ngọt v.v…tất cả đều phải truyền thông và thực thi  kế hoạch bảo vệ. Bởi, đó được xem là tài sản quí hiếm đã có được từ thiên nhiên của đất trời muôn thuở.

Trên chiếc xe hướng về đèo Khánh Vĩnh, thoăn thoắt lướt qua những đồi rừng đã được tái tạo lại từ những cây tràm, cây dầu, cây sao… còn lẫn với một vài cụm rừng chồi hoang sơ, mặc dầu nhìn về phía dãy núi xa có những khu rừng trông còn nguyên sơ tự nhiên, ẩn hiện với núi non xanh biếc bạt ngàn hùng vĩ. Bất chợt trông bên đường, có một biển báo hình chữ nhựt “…tích cực phòng chống cháy rừng” được dựng trên phần đất của khu rừng đã bị cháy trồi lên những gốc đen trơ trọi. Phải chăng, có sự sơ ý hay chưa kịp di vời biển báo đến chỗ rừng còn xanh ?!

Nếu rừng nguyên sinh bị cháy, bị cưa đốn, tàn phá, nó sẽ làm tổn giảm tài sản danh mộc quí hiếm của quốc gia, mà còn làm mất đi sự thăng bằng, ảnh hưởng đến hệ sinh thái môi sinh và môi trường do từ những biến động của thiên tai, sự sống của các loài động vật và con người sẽ không ít điều nguy hại…

Điều cần nói ở đây, không phải chỉ khắc phục những điều phải khắc phục như chỉ là hành động khắc phục. Mà là phải từ sự nhận biết, ý thức đích thực qua giáo dục toàn diện tự tính của con người trong mọi từng lớp xã hội, chính nơi đây không cần phải có sự khắc phục nào!

Nghĩ một cách khác, ta có thể thấy và nhận ra rằng : nếu muốn có và thực hiện được một đời sống thịnh vượng, an bình từ trong gia đình đến xã hội, thì tưởng cũng nên cần đến con người có mẫu mực, đức hạnh và trí tuệ. Chính nó sẽ tạo ra vô số hạt nhân tốt đẹp và khỏe mạnh cho một vùng trời bóng mát và mầu mỡ. Và trái lại, đất sẽ bị vỡ lì đi làm khô cằn, cạn kiệt những dưỡng chất, khó và rất khiêm tốn sự có mặt cho những tàng đại thụ (Đức Trí).

Nói một cách khác nữa, nếu tự thân đã bị đốt cháy bởi những ý niệm ác quấy, thiêu rụi những năng lực hiền thiện, ngòi mọng của những đức nhân và đức trí, mà lại khuyên và hướng dẫn người phải như thế nầy hoặc như thế kia. Thì chẳng khác nào như hình thức biển báo “…phòng chống cháy rừng” đã được dựng trên khu đất rừng đã bị cháy.

                                                        
                          Khánh Vĩnh, Nha Trang, 10.03.2014.                                                                  MẶC PHƯƠNG

                                             (Còn tiếp…)


VNQT xin mạn phép các tác giả của những bức ảnh đã dùng để minh họa bài này.  Chúc quý vị thân tâm thường an lạc
READ MORE - Ký sự du tăng: THEO MÂY ĐI, CÙNG MÂY VỀ - Mặc Phương Tử (Kỳ 2)