Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, April 6, 2014

Ký sự du tăng: THEO MÂY ĐI, CÙNG MÂY VỀ - Mặc Phương Tử (Kỳ 2)


5.- LÀNG CHÀI

Đoàn không ghé lại Làng Chài, chỉ đi ngang và người hướng dẫn giới thiệu tóm tắt cho biết sự hình thành, sự hoạt động của nó, ánh nắng ban trưa khá gắt, vả lại trong đoàn có nhiều thầy và phật tử đều dùng chay, nên thấy không cần thiết phải ghé vào, mà chỉ nghe người giới thiệu là đủ rồi !

Được biết Làng Chài nầy nằm trong cụm đảo có hồ cá Trí Nguyên và hồ cá Trí Nguyên nằm trên hòn đảo Bồng Nguyên. Cư dân của Làng Chài không nhiều, chỉ trên dưới 50 hộ dân, và cũng từ các Tỉnh miền ngoài vào lập nghiệp, như : Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định.v.v… sau đó dùng tàu, thuyền đánh bắt cá, cũng như các loài hải sản và nuôi cá bè.

Nơi đây, du khách đến có thể thưởng thức hương vị của các món hải sản đã sẵn có trong những ô bè, trong ấy có đủ các loại tôm, cá, mực, ốc,v,v,,, chế biến tại chỗ. Những loại ấy phải bỏ thời gian đi đánh bắt, lưới, hoặc câu ngoài xa rồi đem về thả vào bè, nhằm phục vụ cho khách du lịch mỗi khi tham quan đến Nha Trang.

Nói về có được những loại hải sản ấy, người dân Làng Chài cũng phải đổi lấy bao nhiêu công sức ngày đêm, chống chỏi với bao mưa nắng bảo bùng, với bao gió sớm sương khuya, với bao rét buốt lạnh lùng, với bao nóng bức gian nan, mới có được ít nhiều những thành quả, để cho du khách được thỏa thích ngon miệng, đánh bắt, lưới, câu của người Làng Chài là để có sanh ra của cải, tài sản, lo cho cuộc sống  tự thân và gia đình, đó là công việc, phận sự của người Làng Chài.

Thế nhưng đối với những người đệ tử Phật, chúng ta cũng sẽ phải làm một cách giống như thế. Chúng ta sẽ rõ biết, nhận diện các pháp thích hợp với lẽ chánh thiện, và từ bỏ những điều bất thiện, không ích lợi, không được sự chấp nhận bởi người có trí, chúng ta sẽ vây lưới, câu lấy những thiện sự, đem về rọng chứa trong tâm, để được sanh lợi là công đức, phước lành vào trong cuộc sống và sự sống an bình cho mọi người. Gây tạo niềm tin chánh pháp, hướng tâm chánh pháp, để hưởng được cảnh giới lành an vui từ nơi phước lực.

Nếu như người dân Làng Chài nổ lực cần mẫn để có được tài sản, sự sống cho thân, thì chúng ta cũng phải nổ lực cần mẫn để có được các pháp lành, làm đạo lộ siêu hóa cho tâm, và cho cả mọi người.



6/- DỪNG CHÂN BẾN LỘI

     Khánh Vĩnh, Khánh Hòa.


Núi đã lở
Giá băng hồn cổ thụ
Cõi hoang sơ, nát lệ mộng mây ngàn !
Đây Bến Lội đìu hiu trời lữ thứ,
Ta lặng nhìn sương khói bóng ngày tan.

Dòng suối nhỏ không đủ người soi bóng
Vực đá hờn không một vết rêu phong.
Giữa hoang mạc tiếng chim còn lạc giọng,
Để nhớ về thuở rừng núi mênh mông.

Dáng đèo nghiêng, dốc tuông ngàn mộng thắm
Đỉnh xa trơ cháy xám gốc cây già.
Chạnh lòng ta bao nỗi niềm thăm thẳm,
Buồn như chiều lên nhánh khói lam xa.

Đây Bến Lội,
Hay bến lòng dặm khách ?
Chút sắc hương còn một nhánh lan rừng,
Từ dưỡng khí nơi đất trời tinh sạch,
Sao nghe lòng dâng một nỗi bâng khuâng !



7/- XE QUA ĐÈO.

Đã gần 1 giờ, đoàn dừng chân tại điểm dừng Bến Lội, nơi giao điểm giữa Diên Khánh và Khánh Vĩnh thuộc tỉnh Khánh Hòa. Mùa nầy (giữa xuân, tháng 2 al) dòng suối Bến Lội gần như trơ đáy sâu hỏm, chỉ còn thấy phía dưới rất mỏng manh một dòng nước ngoằn ngẻo, nặng nề trôi về phía hạ nguồn, thỉnh thoảng lại nghe tiếng chim lẽ loi từ những đỉnh ngàn xa đâu vọng lại, mây trắng cũng buồn tênh khi ngang qua cảnh rừng núi hoang sơ.

Ngoài việc giải khát và vệ sinh trong đoàn ra, các tài xế cần phải kiểm tra lại hệ thống xe với những điều cần thiết, để chuẩn bị việc lên đẻo cho được an toàn, vì đây là một trong những đường đèo khá dài và có chiều cao nhứt trong khu vực phía Nam của đất nước ta. Đó là đèo Khánh Vĩnh hay còn gọi là Khánh Lê.

Theo thông tin du lịch cảnh quan, chúng ta được biết : từ Nha Trang, tỉnh lộ 652 nối đoạn cuối 723 tiếp với Huyện Lạc Dương thuộc tỉnh Lâm Đồng, Đà Lạt (Cao Nguyên Lâm Viên). Thay vì trước đây, từ Nha Trang phải trở vào Phan Rang rồi đi QL 27 lên đèo Ngoạn Mục (Xông Pha) đến Đơn Dương, tiếp đó mới lên đèo Preen Đà Lạt. Thì nay, từ Tp. Nha Trang trực tuyến đến Ngả ba Thành (H. Diên Khánh) dọc theo dòng sông Cái rồi tiếp đến H. Khánh Vĩnh, hướng theo đoạn đường nầy có khoảng 139 – 140km, và đoạn đèo có khoảng 33km, đỉnh cao của đoạn đèo nầy là 1700m. Đỉnh núi cao nhứt của đoạn đèo nầy là núi Bi Đoup còn gọi là núi Hòn Giao, cao 2287m, đỉnh núi nầy cũng là ranh giới giữa tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Lâm Đồng.

Tuyến đường nầy còn được trong giới du lịch khai sinh ra cái tên thật là bát ngát thơ và mộng “cung đường nối Biển và Hoa” và thật sự đúng như tên đã gọi, vì từ biển tiếp đến bạt ngàn rừng núi, thông và hoa, mây trắng thắt lưng chừng rừng xanh thẳm biếc, sương khói đục nhòa lan man khỏa lên màu nhân ảnh, tạo nên sự đắm say, vọng tìm của những khách lãng du, như những cánh chim giang hồ chưa mỏi cánh.

Cung đường có lúc gấp khúc co quanh, trông rất lãng mạn cho những tâm hồn thong dong tiêu sái, nhưng cũng không ít nguy hiểm cho những ai lơ đễnh qua cuộc rong chơi, càng chơi vơi hùng tráng kiêu sa phía trên cao, thì càng hiểm nguy khổ nạn, bởi những truông vực thăm thẳm hút tận đáy sâu, phía bên trên như thông lộ nối muôn màu ngàn hoa mộng, phía bên dưới tưởng chừng như tuyệt lộ phong trần.

Đã hơn 2 giờ đồng hồ trôi đi, trông chiếc xe nặng nề lầm lì leo đèo với vận tốc 40-50km giờ, những vuôn rẫy xanh màu, những lồng lưới các loại hoa hiện dần lên phía trước, khí trời nghe mát dịu, như báo hiệu đoàn đã đến phương trời Đà lạt mộng và thơ, bây giờ là 12 giờ kém.

Đến đây, ta có thể nghĩ rằng : đời như một chuyến xe thời gian ngược xuôi đưa ta đi về muôn ngả, mà mỗi người ai cũng phải tự chọn cho mình một trong những nẻo đi về. Có những con đường đèo qua từng kiếp tử sanh, cái dốc cao danh lợi, giàu sang hay cái truông vực hiểm nguy, nghèo khó khổ đau. Có những khúc quanh, người ta sẽ được cơ hội thăng hoa thời vận tôn vinh, lại có những khúc quanh, người ta phải bị khốn quẩn hoang tiêu tài sản cửa nhà. Đó là những khúc đoạn đời qua của nhân thế. Cái thăm thẳm cao rộng hùng tráng bên trên là con đường, là tâm hồn thanh thiện, nhưng những vực đáy hiểm sâu, là con đường, là một tâm hồn đọa xứ, là thế giới khổ đau, lạc thú thường tình.

Ai rồi cũng băng qua những khúc đoạn tử sanh, hạnh phúc và khổ đau, bình an và đày đọa.v.v… nào phải từ đâu đến, chính do ta tự đến những cung đường, hạnh phúc bình an và cao rộng luôn ở phía bên trên, đau khổ đọa dày thấp kém có bao giờ rời xa phía dưới…

Và đời như chuyến xe thời gian, đưa ta đến đi ngược xuôi bao nẻo khúc đoạn đường, dốc đèo, truông hiểm, để ta chiêm nghiệm và cảm nhận từ đây và bây giờ.


8/- BIỂN, CẢNH GIÁC CHÁY RỪNG.

Dọc theo những tuyến quốc lộ hay tỉnh lộ, và kể cả những khu vực được cho là vùng sinh thái thiên nhiên, hay bất cứ một tài sản nào từ thiên nhiên mà những người lảnh đạo đất nước cần phải quyết tâm gìn giữ và bảo tồn. Và sự quyết tâm ấy phải được nghiêm túc cao từ phía các bậc bề trên, cho đến mọi từng lớp trong cộng đồng của một quốc gia.

Nếu khu vực đồng bằng Miền Đông, Tây Nam bộ có rừng Ngập Mặn Cần giờ, Cà Mau có rừng tràm U Minh Thượng, U Minh Hạ, ở An giang có rừng tràm Trà Sư, ở vùng Đồng Tháp có Vườn quốc gia Tràm Chim, Long An có rừng ngập ngọt v.v…tất cả đều phải truyền thông và thực thi  kế hoạch bảo vệ. Bởi, đó được xem là tài sản quí hiếm đã có được từ thiên nhiên của đất trời muôn thuở.

Trên chiếc xe hướng về đèo Khánh Vĩnh, thoăn thoắt lướt qua những đồi rừng đã được tái tạo lại từ những cây tràm, cây dầu, cây sao… còn lẫn với một vài cụm rừng chồi hoang sơ, mặc dầu nhìn về phía dãy núi xa có những khu rừng trông còn nguyên sơ tự nhiên, ẩn hiện với núi non xanh biếc bạt ngàn hùng vĩ. Bất chợt trông bên đường, có một biển báo hình chữ nhựt “…tích cực phòng chống cháy rừng” được dựng trên phần đất của khu rừng đã bị cháy trồi lên những gốc đen trơ trọi. Phải chăng, có sự sơ ý hay chưa kịp di vời biển báo đến chỗ rừng còn xanh ?!

Nếu rừng nguyên sinh bị cháy, bị cưa đốn, tàn phá, nó sẽ làm tổn giảm tài sản danh mộc quí hiếm của quốc gia, mà còn làm mất đi sự thăng bằng, ảnh hưởng đến hệ sinh thái môi sinh và môi trường do từ những biến động của thiên tai, sự sống của các loài động vật và con người sẽ không ít điều nguy hại…

Điều cần nói ở đây, không phải chỉ khắc phục những điều phải khắc phục như chỉ là hành động khắc phục. Mà là phải từ sự nhận biết, ý thức đích thực qua giáo dục toàn diện tự tính của con người trong mọi từng lớp xã hội, chính nơi đây không cần phải có sự khắc phục nào!

Nghĩ một cách khác, ta có thể thấy và nhận ra rằng : nếu muốn có và thực hiện được một đời sống thịnh vượng, an bình từ trong gia đình đến xã hội, thì tưởng cũng nên cần đến con người có mẫu mực, đức hạnh và trí tuệ. Chính nó sẽ tạo ra vô số hạt nhân tốt đẹp và khỏe mạnh cho một vùng trời bóng mát và mầu mỡ. Và trái lại, đất sẽ bị vỡ lì đi làm khô cằn, cạn kiệt những dưỡng chất, khó và rất khiêm tốn sự có mặt cho những tàng đại thụ (Đức Trí).

Nói một cách khác nữa, nếu tự thân đã bị đốt cháy bởi những ý niệm ác quấy, thiêu rụi những năng lực hiền thiện, ngòi mọng của những đức nhân và đức trí, mà lại khuyên và hướng dẫn người phải như thế nầy hoặc như thế kia. Thì chẳng khác nào như hình thức biển báo “…phòng chống cháy rừng” đã được dựng trên khu đất rừng đã bị cháy.

                                                        
                          Khánh Vĩnh, Nha Trang, 10.03.2014.                                                                  MẶC PHƯƠNG

                                             (Còn tiếp…)


VNQT xin mạn phép các tác giả của những bức ảnh đã dùng để minh họa bài này.  Chúc quý vị thân tâm thường an lạc

No comments: