Hình như tiếng chim vịt kêu chiều nay hơi sớm, khi những vạt nắng vàng hiu hắt của buổi chiều tà còn trải dài trên các ngọn bần, trâm bầu ven sông làm cảnh vật càng thêm quạnh quẽ, mấy bụi ô rô cốc kèn ven kênh lâu lâu vang lên mấy tiếng sột soạt của mấy con cá thòi lòi phóng lướt qua đu ổi nhau kiếm ăn. Con nước bắt đầu lớn, nước từ sông cái chảy vào kênh Cái Sâu lờ đờ bình lặng, từng vạt lục bình trôi dạt vào kênh điểm xuyến vài chùm bông tim tím làm cảnh vật bớt buồn tẻ, đơn điệu. Lâu lâu một vài trái bần già rụng xuống dòng kênh nghe lỏm bỏm, trong không gian trầm lắng đó người ta lại nghe tiếng đờn vọng cổ cất lên từ trước nhà Năm Can, tiếng đờn như ai oán, nhớ thương chất chứa bao niềm tâm sự. Nhiều lần con Là đứa con gái lớn của Năm Can nói:
-Tía cứ đờn mấy cái bài đó buồn thấy mồ, đờn bài nào vui vui chút tía ơi. Mỗi lần nghe tía đờn, con với thằng Chi thêm nẩu ruột nẩu gan đây nè. Tía nhớ má hoài có ích gì chứ, má không về nữa đâu tía ơi, má bỏ cha con mình lâu rồi tía biết không?
Tiếng con bé như nghẹn lại ở câu cuối, rồi nó quày quả bước vào chái bếp để nhóm lửa nấu cơm. Mỗi lần nghe con Là cằn nhằn, lòng Năm Can như chùng xuống. Tiếng đờn vụt tắt, không gian như chìm vào khoảng không vắng vẻ. Những ngày xưa cũ êm đẹp như dần hiện ra trước mắt anh. Lúc nhỏ mắt anh cũng bình thường như những đứa trẻ khác trong xóm, cũng vui đùa, trèo nhảy, bơi lội nhưng sau một cơn phát ban cấp tính mắt anh mờ dần rồi mù hẳn, cuộc đời anh chìm vào bóng tối lúc bảy tuổi. Suốt ngày anh chỉ còn quanh quẩn trước khoảng sân nhỏ nơi bến sông trước nhà trong nổi cô đơn, buồn tẻ nhưng rồi nổi buồn mất đi ánh sáng cũng dần trôi qua , Năm Can bắt đầu tập làm quen với cuộc sống đầy bóng tối. Mất cái nầy th ì ông tr ời bù cho anh cái khác, anh nhanh chóng học được những cái mà ngay cả người sáng mắt cũng chưa chắc học nhanh được. Anh thông thuộc từng con đường, ngõ ngách trong thôn xóm, từng luồng nước chảy và là một tay sát cá có hạng, chỉ cần nghe tiếng cá quẩy, tiếng cá đớp bóng nước Năm Can biết ngay là loại cá gì và chưa bao giờ anh để lọt lưới một con cá nào. Anh còn có một tiếng đờn vọng cổ mượt mà không phải ai cũng có được.
Số là trong một lần đi bắt cá , Năm Can nghe được tiếng đờn vọng cổ của một người nào đó bên kia kênh, anh đâm ra mê mẩn, bỏ cả buổi bắt cá leo lên bờ kênh men theo tiếng đàn để nghe cho rõ hơn. Mấy lần như thế đã làm cho ông thầy đờn chú ý, thấy thằng bé có vẻ đam mê lại mù nên ông tỏ ra thương cảm hỏi nó có muốn học đờn không ông sẽ dạy. Dĩ nhiên là Năm Can mừng rỡ đồng ý ngay. Sau nầy khi hai thầy trò trở nên thân thiết, ông mới kể cho nó nghe ông là ông thầy đờn từng đờn cho những đại ban như Dạ Lý Hương, Kim Chưởng… nhưng cải lương đã qua thời hoàng kim của nó, lần lượt từng gánh cải lương dù nổi tiếng cuối cùng cũng phải tan đàn xẻ nghé, ông đành ngậm ngùi trở về quê sinh sống. Thấy Năm Can có vẻ sáng dạ, ông đã dốc hết sở trường để dạy thằng bé. Chẳng phụ công sức ông thầy, Năm Can chỉ trong một thời gian ngắn đã có thể trình diễn thuần thục những bài bản vọng cổ như khốc hoàng thiên, trăng thu dạ khúc, tam xuân, phụng hoàng, kim tiền bản, vọng kim lang, văn thiên tường, phi vân điệp khúc… các điệu lý như lý giao duyên, lý con sáo, lý cái mơn…làm ông thầy đờn phải hết sức ngạc nhiên. Khi thấy không còn gì để dạy thằng bé nữa ông đã tặng cây đờn ghi ta phím lõm mà ông vô cùng yêu quí đã gắn bó nhiều năm với ông cho cậu học trò với lời khuyên cậu học trò từng từ bỏ ước mơ của mình.
Cuộc đời anh như trải qua bước ngoặc mới khi anh gặp Lụa. Tối hôm đó trời mưa to nước chảy xiết, đang ngồi trong nhà anh nghe hình như có tiếng ai kêu cứu ngoài kênh. Không kịp suy nghĩ anh chạy ào ra kênh. Theo tiếng kêu anh đã đưa được một cô gái đang chới với giữa dòng nước chảy xiết lên bờ, vừa lên được bờ cô gái đã vật vã hỏi mẹ tôi đâu, hãy cứu mẹ tôi với. Anh lại phải nhảy xuống dòng kênh theo tiếng động anh đã đưa được bà mẹ lên bờ an toàn. Hỏi ra mới biết họ là hai mẹ con đi gặt lúa mướn ở Ngã Sáu đang chèo về quê ở Thới Lai đến đây bất ngờ gặp mưa to, nước chảy xiết nên ghe lật. Cảm ơn cứu mạng, tuy biết anh bị mù nhưng là người tốt bụng lại chịu thương chịu khó, cô gái tên Lụa cũng cảm thấy thương mến anh nên người mẹ vui lòng gả con gái mình cho anh.
Từ ngày có gia đình, Năm Can càng siêng năng hơn nữa, ngoài việc mò cua bắt cá, trong thôn xóm có đám tiệc nào người ta cần thợ đờn giúp vui anh cũng vui vẻ tham gia để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Tuy không khá giả nhưng gia đình cũng đủ ăn dủ mặc. Sống với nhau tám năm có hai mặt con. Con Là bảy tuổi, thằng Chi bốn tuổi, Năm Can tưởng cuộc đời mình như thế quá đầy dủ rồi không còn mơ ước gì hơn. Thế mà một sự việc bất ngờ xảy ra làm đảo lộn cuộc sống gia đình anh, trong một lần về quê đám giổ, Lụa đã không trở về. Năm Can cho người về quê vợ tìm kiếm nhưng người vợ từ chối trở về sống cuộc đời nghèo khổ bên người chồng mù lòa, tật nguyền. Anh như đột quỵ sau biến cố ấy, nhưng còn hai con nhỏ phải làm sao đây. Năm Can chỉ còn gởi gắm tâm sự mình qua tiếng đờn mỗi khi chiều xuống.
*
Năm Can bỗng dừng tiếng đờn lên tiếng:
- Là hả con? Về rồi sau không vào nhà nấu cơm đi. Thằng Chi đi học sắp về rồi đó. Chưa có cơm ăn đói bụng tội nghiệp nó.
Vẫn không nghe thấy tiếng động đậy gì của con nhỏ, hơi ngạc nhiên, cảm thấy có điều gì đó không bình thường, Năm Can căng tai nghe ngóng:
- Có chuyện gì thế Là? Hình như có ai đến nhà mình phải không con?
Con Là ngập ngừng giây lát, giọng nó nấc nghẹn:
- Má về rồi đó tía ơi.
Năm Can cảm thấy thời gian như dừng lại, lổ tai lùng bùng, không gian im ắng. Anh nghe tiếng con Là nói như thúc giục:
- Tía đó, má muốn nói gì thì nói đi tôi không biết đâu.
Năm Can chợt nghe tiếng khóc của người đàn bà mà từ lâu anh tưởng không bao giờ còn nghe được nữa:
- Anh Năm ơi! Em là Lụa đây. Em về đây xin anh tha thứ những lỗi lầm mà em gây nên. Anh trách mắng, làm gì em cũng được, em chỉ xin anh cho em được ở lại lo lắng cho anh và lo cho hai con được không anh?
Nhìn khuôn mặt khổ sở đầy vẻ ăn năn của má, con Là bỗng cảm thấy thương má nó quá. Mới đây thôi nó còn giận má biết bao nhiêu, giờ đây bao nhiêu nổi ấm ức, buồn đau mà nó phải chịu đựng từ ngày má nó bỏ đi như tan biến mất. Nó nhớ lại việc gặp lại má ở ngoài chợ chiều nay, khi vừa bán xong mớ cá mà tía nó mò bắt được, khi vừa bước ra khỏi chợ xã đi về phía mé sông để lấy xuồng chèo về nhà thì từ phía bên đường một người phụ nữ đưa tay ngoắc ngoắc kêu:
- Là! Là! Qua đây cô có chuyện muốn nói.
Con Là ngoái lại, đó là cô Út, người hàng xóm quen với gia đình nó có gia đình ngoài chợ xã.
Là bước sang, cô ta kéo Là vào trong nhà, vừa đi vừa nói:
- Là vào đây, cô nói cái nầy cho nghe.
Con Là hơi ngạc nhiên khi thấy cử chỉ hơi lạ của cô Út nhưng nó cũng ngoan ngoãn đi theo. Vào nhà nó thấy một người đàn bà gương mặt quen quen đang nhìn nó. Là hơi ngờ ngợ thì cô Út đã nói:
- Má con đó, má con đã về muốn gặp con, con nói chuyện với bả đi.
Rồi quay sang người đàn bà, cô ta nói luôn:
- Con Là đó chị. Thôi hai mẹ con trò chuyện đi, tôi ra ngoài nầy một chút.
Cô Út vừa nói vừa quay lưng bước ra cửa, con Là trong giây phút bở ngở sửng sốt, nó cũng quay lưng lại bước theo, người đàn bà chạy vội tới nắm lấy tay Là khóc:
- Là ơi! Má đây con, má đã về đây rồi nè, con tha lỗi cho má nghe con, con ơi.
Nói đến đây người đàn bà khóc ngất. Con Là vùng vằng giựt cánh tay ra khỏi tay người đàn bà, nói giận dỗi:
- Má tôi sao? Má tôi đã mất lâu rồi. Má về đây để làm gì? Để làm khổ tía con tôi lần nữa phải không?
- Là ơi! Má biết mình có lỗi nhiều lắm. Con hãy cho má theo con về nhà để xin tía con tha thứ. Má muốn về chuộc lại lỗi lầm đã gây nên, được lo lắng cho con và thằng Chi được không con?
Con Là nhìn người đàn bà, người mà nó từng gọi là má, mặt lạnh tanh không biểu lộ cảm xúc gì, nhưng thật ra trong lòng nó lay động dữ lắm. Nó muốn ôm chầm lấy mẹ mình, sà vào lòng mẹ khóc ngon lành, được kể lể nổi mong nhớ, chờ đợi mẹ nó ngày nào đó trở về với tía con nó. Nỗi quắt quay chờ đợi ngày càng mòn mõi, hụt hẫng cạn dần đi khi mỗi ngày nhìn thấy cái cảnh tía nó chiều chiều ngồi trước cửa trước bến sông gảy đàn hát những bản vọng cổ buồn thê thiết làm nó càng giận mẹ nó nhiều hơn. Nó sẳng giọng:
- Tôi không biết. Má về mà nói với tía đi, xem tía có tha thứ cho má không rồi hẳng tính. Tôi và thằng Chi sống không có má lâu rồi cũng quen, chỉ tội cho tía mà thôi…
Con Là như biết mình lỡ lời nên không nói nữa, nhìn má nó ái ngại, chua xót. Má nó đưa cánh tay lên quẹt nước mắt, giọng sụt sùi:
- Má biết má có lỗi với tía con con nhiều lắm Là ơi.
Con Là không thấy tía nó nói năng gì, gương mặt cũng không lộ vẻ gì cả, nó không biết tía nó đang suy nghĩ gì, nó đâm ra lo lắng:
- Tia! Tía nói gì đi chứ, tía tha lỗi cho má được không tía?
- Vậy chớ con kêu tía phải làm gì đây? Kêu má con vào lo cơm chiều đi, thằng Chi đi học sắp về rồi đó.
Hiểu ý tía, con Là nắm lấy tay má nó kéo vô nhà:
- Vào nhà đi má, tía chịu rồi đó.
Lắng nghe tiếng chân của hai má con Là xa dần, lòng Năm Can bỗng dâng lên một niềm vui khôn tả. Từ ngày má con Là bỏ đi lòng anh như chết hẳn, anh cũng muốn chết quách đi cho rồi nhưng ngặt còn hai đứa con nhỏ không biết tính sao. Thương con còn nhỏ dại anh đành nuốt nổi đau vào bụng, tìm quên trong công việc, trong tiếng đờn. Nào ngờ ông trời chắc còn thương tía con anh nên mẹ con Là biết tìm về.
Năm Can ngước mặt nhìn ra bến sông. Anh biết con nước giờ nầy đã đứng lớn và sắp chuẩn bị cho đợt nước ròng. Một tiếng chim vịt kêu nhưng lần nầy anh không còn cảm thấy buồn tẻ lẻ loi nữa, hình như nó đã tìm được bạn tình. Từ nay căn nhà nhỏ của anh sẽ lại đầy ắp tiếng cười như ngày xưa, và anh chợt cười một mình trong bóng chiều chập choạng.
Một ngọn gió chợt thổi qua bến sông, đem lại luồng không khí mát dịu trong lành cho một ngày sắp hết và chuẩn bị cho một ngày mới an lành sẽ đến.
Cuối tháng 3/2014
NGUYỄN AN BÌNH
No comments:
Post a Comment