Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Thursday, November 20, 2014

CHẠNH LÒNG HOA CẢI ÚA - Hoài Huyền Thanh đọc bài thơ CHỊ- NGƯỜI CỦA QUÊ của tác giả Nguyễn Đăng Thanh




                           CHỊ - NGƯỜI CỦA QUÊ
                                           


 Thêm chút nữa là mùa xuân đã đến

 Vẫn mùa đông nên gió lạnh se lòng

Trời mù  sương nhuộm bạc một dòng sông

Con én lạc giữa hai mùa quên nhớ



Con sông quê với bao điều trăn trở

Tiễn người đi trên bến  tái tê lòng

Chị nhớ Anh, chị mang áo ra hong

Vắt trên luống, chạnh lòng hoa cải úa



Hạnh phúc ngỡ về mềm như áo lụa

Chị người quê  nên chẳng dám ướm vào

Xuân đã về, xuân trên bến nôn nao

Chị lặng im, mạnh tay vò đống áo

Tưởng bình yên …

Nhưng

Sóng

Bão

… xô vào!!?
                        Nguyễn Đăng Thanh



   Tôi quen Nguyễn Đăng Thanh thật tình cờ, tình cờ như được đọc bài thơ “Chị-Người Của Quê” cho tôi nhiều trăn trở.


   “Thêm chút nữa là muà xuân đã đến

     Vẫn mùa đông nên gió lạnh se lòng

     Trời mù sương nhuộm bạc một dòng sông”


Vì cần thêm chút nữa nên chưa đủ cho nàng xuân ấm áp tràn về; Vì còn là mùa đông nên con én buồn đường về lẻ bạn,


     “Con én lạc giữa hai bờ quên  nhớ”


Tứ thơ thật khéo léo để “trình làng” nỗi nhớ, nhấn nhá thêm cho tâm trạng cô đơn dằn vặt của người phụ nữ chân quê. Chỉ là con én lẻ bạn nên  chưa làm nỗi mùa xuân và nỗi khát khao cháy bỏng của người phụ nữ vẫn còn xa vời lắm! Nỗi nhớ miên man như con nước vỗ bờ tràn về dòng sông kỷ niệm.


     “ Con sông quê vơí bao điều trăn trở

       Tiễn người đi trên bến tái tê lòng

       Chị nhớ Anh chị đem áo ra hong

       Vắt trên luống,chạnh lòng hoa cải úa”


“Chạnh lòng hoa cải úa”, đọc những câu thơ nghe như có tiếng thở dài thấm đẫm nỗi cô đơn, trống vắng mà thiên nhiên cũng cảm động, thấu hiểu, giao hòa với lòng người. Ngày đưa tiễn với bao điều trăn trở nhưng dù tái tê lòng người phụ nữ vẫn chấp nhận cam chịu và hy sinh.


Đâu đó, sự thủy chung son sắt làm cho chị không nguôi thương nhớ.


     “Chị nhớ anh, chị đem áo ra hong

     Vắt trên luống, chạnh lòng hoa cải úa”


Chỉ hai câu đã làm nên“ hồn vía” của bài thơ.


Hai câu thơ như góp thêm cho nét đẹp của quê Việt, gợi nhớ hình ảnh người Mẹ, người Vợ xưa mang áo của chồng ,con ra hong (bằng lửa, nắng) để người đi xa xót dạ mà trở về.Điều đó cũng làm đau đáu dạ tha nhân, níu lòng người viễn xứ…


Và xuân đã về, đất trời như mở hội nhưng vơí chị hạnh phúc vẫn mờ mịt chân mây.


     “Hạnh phúc ngỡ về mềm như áo lụa

     Chị người quê nên chắng dám ướm vào”


Với bao điều trăn trở, người phụ nữ chân quê chất phác, thật thà khi yêu vẫn cho nhiều hơn nhận,vẫn hy sinh thầm lặng dù lòng đắng đót niềm đau. Những từ ngữ mang hình ảnh đối lập "nôn nao”, “lặng im”; động từ “vò” như nhấn mạnh và biểu đạt cảm xúc giằng xé, cam chịu, nhẫn nại!


     “Xuân đã về trên bến nôn nao

      Chị lặng im mạnh tay vò đống áo

      tưởng bình yên…

      nhưng

      són g

      bão

      …   xô vào”.


Bài thơ gợi nhớ một đôi câu thơ rất hay mà tôi có dịp đọc đâu đó,


     “Ra sông giặt áo cho chồng

     Vắt vai vắt cả dòng sông mang về"

                                        (Hồ Anh Tuấn)


“Chị - Người của quê”, với tôi, tứ thơ không mới, viết cho thân phận phụ nữ thì nhiều người đã thể hiện. Tuy nhiên, tác giả đã thả hồn vào bài thơ qua những câu chữ bình dị, chân quê và khéo léo chọn những hình ảnh có sức biểu đạt cao, điều đó dễ “gần” và tìm được sự  đồng điệu trong cảm xúc của người đọc.


Chúc mừng một bài thơ hay của người  viết trẻ đầy triển vọng NGUYỄN ĐĂNG THANH.



                                 HOÀI HUYỀN THANH

                                         Cuối thu 2014
READ MORE - CHẠNH LÒNG HOA CẢI ÚA - Hoài Huyền Thanh đọc bài thơ CHỊ- NGƯỜI CỦA QUÊ của tác giả Nguyễn Đăng Thanh

THẦY TÔI - Nguyễn Như Xuân


 

Hể có chừng 3 học trò cùng khóa gặp nhau là chúng tôi nhớ và nói chuyện về thầy: THẦY TRỢ PHỨC. Thầy tên đầy đủ là Trần văn Phức, quê làng La Chữ, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Tôi lên bảy được mẹ dắt đến trường Tổng (trường của 4 làng: Văn Quỹ, Hưng Nhơn, An Thơ và Phú Kinh) đóng tại làng  Văn Quỹ, cách nhà khoảng 1,5 km. Mái trường lợp bằng ngói, nền cao, tôi đứng đến ngang cổ, có 6 – 7 bậc tam cấp. Trường dùng để dạy lớp 1, 2 và 3. Học sinh khoảng 60 đứa.

Tôi học lớp 1, học chung với các anh lớn 8-9-10, có anh tôi gọi bằng chú tuổi 14-15 (vì không có trường nên thất học). Niên khóa 1936-1937 chỉ mình thầy, năm sau có thêm thầy giáo Hồng.

Một mình thầy dạy 2 lớp. Ngôi trường mới làm chỉ mấy bộ bàn ghế, cái bảng đen. Thầy có tài huy động khả năng trong các gia đình con em học sinh để sắm đủ các loại học cụ. Tùy loại mà thầy nhờ bố mẹ làm cho thứ đó. Trên tường treo gọn học cụ thu nhỏ. Từ những thứ khó như chiếc xe đạp nước, chày giã gạo bằng chân, bằng tay, đôi quang gánh, cái thúng cái mủng, cái nơm chơm cá, bộ lừ dẹp v.v…nghĩa là công cụ nghề của làng quê. Học môn nào thầy đem học cụ giảng giải chu đáo cặn kẻ.

Mỗi tuần dạy 5 buổi (nghỉ thứ năm chủ nhật), gần như ngày thứ năm nào thầy cũng về thăm hỏi gia đình học sinh và kiểm tra học trò.

Ba năm học thầy dẫn dắt:

Đi tham quan đền thờ Câu Nhi, đền thờ La Chữ cột đình to ba đứa ôm mới khít .

Đi tham quan lò nấu dầu tràm (ở Hải Sơn bây giờ), lá cây tràm nghiêng một bên nên có tên nữa là khuynh diệp, vỏ cây không thấm nước. Tôi đã thấy ở nhà dùng xãm thuyền. Mùi dầu bay ra thơm cả vùng .

Đi đón Hoàng đế Bảo Đại và Nam phương Hoàng Hậu ra Hà Nội.  Chưa kịp hô câu đã thuộc thì xe đã vút đi rồi. Nhìn thầy dáng thầy như không bằng lòng. Ức quá.

Thi bơi lội ở Vực Nước Lụn (An Thơ). Nước chảy xiết. Thầy bố trí nhiều thuyền phía để vớt những ai bị trôi. Thi bơi lội được nhận bằng bơi lội.

Trò nào giỏi môn gi thầy thường gọi lên làm bài mẫu , khen và cho điểm cao tại chỗ. Ví dụ như thằng Ân đọc chữ Tây hay lắm.    

Thầy đi xem đá banh (thi) giữa đội học trò Văn Quý và học trò Hưng Nhơn. Có thầy chúng tôi đá hăng lắm.

Cãi nhau ầm ĩ, thoáng thấy thầy là im re làm hòa nhanh chóng.         Đi thi hêt cấp (lớp 3) tại Diên Sanh, thủ phủ huyện Hải Lăng, cách nhà gần 15 km. Hôm đó thầy mặc quần áo đẹp nghiêm trang. Tôi khoe với  bạn nào đó (trường khác) là Thầy tau đó và lấy làm sướng lắm.  

Thầy hiền lành mà nghiêm nghị, chúng tôi ai cũng trọng thầy pha chút sợ. Ở nhà khi có làm gì sai sợ nhất là câu: ông trợ Phức dạy mi rứa à! Nghe câu ấy là im thin thit và bảo chi làm nấy.

    Thời gian kháng chiến, gặp nhau chúng tôi hỏi về thầy, nghe đâu gia đình bị bom đánh sập và không biết thầy hiện nay ở đâu. Nhớ thầy thương thầy đứa nào cũng rơm rơm nước mắt. Thầy hơn tôi khoảng 30 tuổi. Tôi nhớ thầy có con gái đầu tên là Tiết, 7 tuổi học cùng lớp. Nếu đã về với tổ tiên xin thầy yên giấc.  Chúng con luôn kính trọng thầy, ngưởng mộ thầy.

                                               Học trò

             Lúc học với thầy:  Nguyễn Như Xuân

             Tên bây giờ:          Nguyễn Thanh Xuân

             Địa chỉ : 487/2 đường Cổ Nhuế, phường Cổ Nhuế, quận bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội.

            Email Nhuxuan29@gmail.com.

READ MORE - THẦY TÔI - Nguyễn Như Xuân