Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, September 20, 2010

ĐỨC TIÊN - CHÙM THƠ



Làng quê ở Gio Linh. Ảnh từ Flickr



BÂY GIỜ VÀ MÃI MÃI NGÀN SAU


Ta lớn lên đất nước chiến chinh

Khói lửa trùm lên làng quê chiều xuống

Tiếng ì ùm dội vào tâm tưởng

Quán chợ nghèo xơ xác lá bàng rơi

Mãi mê tìm lứa tuổi đôi mươi

Mai xá, Cát sơn, Lễ Môn, An mỹ

Những tên làng nghe sao bình dị

Chất chứa trong ta đắm đuối một thời

Những ngọn dừa xanh mắt em cười

Ta thao thức hình như vô cớ

Sóng vỗ bình minh đò xuôi bến chợ

Mát lựng hồn ta lảng đảng trăng tròn

Trãng cát vàng dấu những chân son

Áo trắng em bay hoàng hôn tím lịm

Tóc em xanh một màu bịn rịn

Tuổi ngói hồng trang vở trắng trong

Những ngày hè ta mãi lông bông

Mẹ nấu cho ta dẽo thơm cơm nếp

Ngõ Đa, ngõ Bè chân ta xì xụp

Cánh đồng làng thơm hạt gạo vàng de

Ơi tuổi thơ ta mãi đê mê

Có giữ lại bóng hình ta ngày nọ

Khi ta hát bài ca ta nhớ

Mái tranh nghèo khăn áo mẹ xanh lơ

Chinh chiến qua rồi làng củ ta qua

Mẹ và em và bạn bè ngày nọ

Ta du lãng trong giấc mơ vò võ

Năm tháng nào ngày củ bâng khuâng

Ơi tuổi thơ ta mãi đi hoang

Tiền kiếp nào xui ta đến vậy

Ta mang theo bóng hình ngày ấy

Để bây giờ và mãi mãi ngàn sau...




CỒN CỎ ƠI !


Cồn cỏ ơi ! Cồn Cỏ ơi !

Đảo xa hun hút chân trời nhớ thương

Cuộc tình nào đã tơ vương

Mà lăn lóc mấy dặm trường đến đây

Một bờ đá một rừng cây

Một triền gió lộng nắng hây hây vàng

Mát xanh dưới tán lá bàng

Mấy anh lính trẻ rộn ràng lời ca

Trắng rừng loài hoa Phong Ba

Bến Nghè khách đợi người xa có về

Bàng vuông vẫn giữ lời thề

Tả tơi rơi rụng bên lề nhân gian

Đã qua nắng nỏ mưa chan

Bến sông Hương vẫn vọng ngàn lời ru

Hè qua kéo cả mùa thu

Lô nhô gềnh đá sương mù giăng giăng

Đêm muôn nghìn ánh sao băng

Mênh mông biển sáng hải đăng đỏ trời

Cồn Cỏ ơi ! Cồn Cỏ ơi !

Một vuông đất mấy cuộc đời buồn vui

Qua rồi lửa khói dập vùi

Thênh thang đường rộng bùi ngùi bước chân

Về thăm đảo nhỏ một lần

Mà ngây ngất mà chồng chềnh trời mây

Thôi thì cũng một lần say

Với Cồn Cỏ với đất này với em...




LỠ HẸN


Huế ơi thôi lỡ hẹn rồi


Đã không về được bên đồi với thông

Đã không về với bến sông

Đã không về với mênh mông đợi chờ

Con đò trôi mãi lững lờ

Ngoái nhìn Thương Bạc sương mờ giăng giăng

Em giờ ngồi bắt bóng trăng

Đợi người trong mộng cầm bằng mà chi

Giữa muôn ngàn vạn bước đi

Giữa muôn màu áo em thì rối ran

Cuộc vui chưa mở đã tàn

Trống không ly rượu trắng ngàn phôi pha

Cung đường nào phải ngái xa

Muôn ngàn lời hẹn cũng là hẹn thôi

Huế ơi ! thì đã lỡ rồi

Cầm mây với gió cho người phong sương

Ta giờ như kẻ tha hương

Nhớ về Bến Ngự ,sông Hương thẩn thờ

Bạn bè vui với vần thơ

Câu thì ngọng nghịu câu xơ xác buồn

Huế ơi đã lỡ cung đàn

Ta xin nửa chén rượu tàn cạn ly ...


Nguồn: ductien.vnweblogs.com
READ MORE - ĐỨC TIÊN - CHÙM THƠ

LÊ QUANG THÁI - ĐỀN THỜ ĐỨC THÁNH TRẦN Ở HUẾ KHAI SÁNG NGUỒN MẠCH TÂM LINH

Ảnh: Trần Đức Anh Sơn . (Click chuột vào hình sẽ xem được hình lớn hơn)


Người Việt Nam tôn vinh Hưng Đạo Đại Vương là Đức Thánh Trần. Ngày nay, có người gọi nơi thờ Đức Thánh Trần là Đền; có người gọi là Điện, thậm chí có người gọi Miếu. Đó là những nơi thờ phượng trang nghiêm, uy linh mà biểu hiện bằng chữ quốc ngữ là Đền thờ Đức Trần Hưng Đạo. Thời vàng son tôn kính, cố đô Huế có đến 24 đền thờ Đức Thánh Trần, chữ xưa gọi là Linh từ hoặc Vọng từ, thường đi kèm theo sau danh từ riêng gồm hai chữ, chẳng hạn: Phú Lộc vọng từ (nay ở địa chỉ số 6 kiệt 91, đường Nguyễn Chí Thanh) ở bên Gia Hội; Tân phẩm vọng từ (số 8 kiệt 36, đường Nguyễn Khoa Chiêm), dưới chân núi Ngự Bình. Nhưng được biết đến nhiều nhất là ngôi đền chính thờ tọa lạc tại số 86 đường Phan Chu Trinh, mặt hướng ra dòng sông An Cựu, nắng đục mưa trong. Ngôi đền rộng hơn 5000m2 được vua Duy Tân ban tặng biển hiệu là Tân phẩm linh từ vào tháng hai năm Giáp Dần (1914). Vị có công khai sáng ra đền thờ là bà Tôn Nữ Thị Ninh. Bà mất năm 1925, con trai là Nguyễn Đình Thuyên, một thanh đồng đệ tử trung kiên, kế tục lo việc thờ phượng.

Để dễ dàng phân biệt giữa đền chính với các đền phụ ở các địa phương, phường xã khác, đền chính gọi là Linh từ; đền phụ gọi là Vọng từ. Rạch ròi của thuật ngữ chữ Hán thật minh bạch, quang minh chính đại. Ngôn từ Việt thật “rắc rối” để diễn tả cho người nước ngoài hiểu mà dịch thuật cho chuẩn xác.
Trải qua 96 năm Tân phẩm linh từ được “sắc tứ” (vua ban tên gọi), đền thờ Đức Trần Hưng Đạo tại địa chỉ nói trên đã bị thời gian, thời tiết và con người làm hư hại. 50 năm sau, năm 1964 tượng Đức Thánh Trần được đúc bằng đồng. Nhưng người Phú Xuân đã khéo kiên trì khắc phục tôn tạo để duy trì một ngôi đền thờ Đức Thánh Trần oai nghi ở khu vực mà ngày xưa đã một thời mang cái tên rất dân dã: Kho Rèn với chiếc cầu bằng bê tông cốt sắt nối liền Kho Rèn với Nhà máy đèn Huế theo lối bờ nối bờ.
Quay đầu là bờ: bờ Bắc nối bờ Nam; bờ quá khứ nối liền với hiện tại đầy triển vọng, thông thoáng cho tương lai vẻ vang của lối cầu nguyện chí thành mong ước “Quốc thái dân an” mở đầu từ ngày 8 tháng Giêng năm Canh Dần tại đền thờ Phật hoàng Trần Nhân Tông ở núi Ngũ Phong (phường An Tây, thành phố Huế), mà dân gian quen gọi là “xứ Thiên Thai” với cảnh trí giống khác nào “non Bồng, nước Nhược”; ở Cố đô thân yêu trên 700 năm mở cõi nước Đại Việt hùng cường cai quản cả Biển Đông bao la bát ngát nghìn trùng gồm các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Ngày nay, đường Lý Thường Kiệt được phong quang sáng rạng; cầu Kho Rèn bằng bê tông bắc ngang qua sông An Cựu (Lợi Nông) được thay thế bởi chiếc cầu mới đẹp hơn, rộng hơn, tân tiến hơn nhiều so với cầu cũ, đã làm cho cảnh quang của Đền thờ Thánh Vương Trần Hưng Đạo trở trên rõ nét uy nghi, trang nghiêm hơn cho người dân bản địa và du khách phương xa đến viếng thăm, tham quan các quần thể di tích Huế. Cố kinh đang được tôn tạo nên diện mạo và cảnh quang mới để tạo thành sức bật cho “văn hóa nhân văn”, “văn hóa nhân bản” và “văn hóa tâm linh” bừng sáng trổi dậy, làm cho phần hồn của Cố kinh Phú Xuân - Huế thăng hoa. Lễ tế Giao và lễ tế Xã Tắc được phục hồi là những điển hình tiêu biểu.
Để hình thành thiên bút ký này, người viết đã thao thức đắn đo vì “lực bất tòng tâm”. Nhưng vì lòng chí thành và nhất là để tỏ lòng tri ân với đền thờ Đức Thánh Trần ở gần cầu Kho Rèn đã cứu sống và như đã “sinh ra mẹ tôi lần thứ hai” vào năm 1957, để tôi có mẹ từ năm ấy cho đến năm đại hồng thủy 1999. Cách đây 53 năm, mẹ tôi ở tuổi 53, bà đau nặng “thập tử nhất sinh” quằn quại thân xác bên bờ sinh - tử. Các ông nội chú và cha tôi đều là thầy thuốc không đến nỗi tồi ở đất xưa Cổ thành Quảng Trị đành bó tay. Nhưng “còn nước thì còn tát”, cha tôi lúc bấy giờ đã 60 tuổi, “đội đàng than dạ” từ làng quê Quảng Trị vào Huế đến tại đền thờ Đức Thánh Trần ở gần cầu Kho Rèn để khẩn nguyện và được Ngài ban cho “phương dược thần diệu” để cha tôi “lãnh thọ”; rồi tức tốc trở lại quê nhà đưa cho vợ uống trong 3 ngày, để mẹ tôi tỉnh lại và sống thêm được 42 năm nữa.
Thâm ân của Đức Thánh Trần, của các bậc tiền bối lập đền ở Cố đô Huế đối với gia đình và gia tộc tôi như trở bể. Cha tôi luôn luôn dạy con cháu bằng câu nói: “Đức Thánh Trần đã sinh mẹ các con lần thứ hai”.
Diễm phúc thay cho đời tôi, các bậc thiện tri thức xứ Huế đã chỉ bày cho bản thân tôi có dịp lần mối đi tìm các đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo ở cố đô Huế “để viết bài này khả dĩ có được” phục vụ bạn đọc. Bản thân tôi không quản ngại khó nhọc, măn mo đi cầu học, hỏi hăm để lần mối cho ra một số tình tiết liên quan về “văn hóa tâm linh”. Có đến 24 đền thờ Đức Thánh Trần ở cố đô Huế mà tôi không biết, tôi chỉ biết được 7 đền thờ ở khu vực nội thành
và một đền ở làng Thanh Phước (xã Hương Phong, huyện Phú Vang) theo mô thức Linh từ và Vọng từ để có cơ sở khẳng định tính cách linh diệu với lối cấu trúc đền thờ và với khoa nghi tế lễ các nơi đã thờ phượng Ngài Thánh Vương trải qua hơn một thế kỷ ở cố kinh. Đối với bản thân tôi, thì những gì tôi biết được theo lối dây chuyền chỉ bảo của các bậc minh sư là “tâm linh”, “văn hóa tâm linh”.
“Tâm linh” có nội hàm rất chính đại quang minh, không có một chút gì móng niệm là “mê tín dị đoan”. Vì chỉ có trí óc tôi thô thiển, cho nên không thể nào diễn tả nỗi và phạm trù tâm linh ấy cho người khác lãnh hội được. Vì nói đến tâm linh là còn phải nói đến “mệnh”, “duyên”, “nghiệp”, “thọ”, “lãnh”… Cao vời quá, vượt tầm mức hiểu biết của bản thân tôi. Đức tin của tôi còn hạn hữu… Xin quý độc giả rộng lòng chỉ bày và tha thứ. Để hiểu về đức tin, và sự linh diệu của thần thánh, của vũ trụ thì e rằng phải tham vấn các bậc chơn tu, các nhà ngoại cảm giàu linh cảm, có cảm giác thứ sáu, thứ bảy… mà người trần tục không thể nào có được.
Lòng thành kính hướng về đất Bắc, nơi có đền Kiếp Bạc thờ Hưng Đạo Đại Vương và các vị thân vương, hoàng hậu, phò mã, thái tử liên quan. Có điều, người Phú Xuân rất tự hào về truyền thống đánh giặc cứu nước, cứu nhân độ thế, hộ quốc an dân của Thánh Vương “sinh vi tướng, hóa vi thần” mà trải qua gần 700 năm, trên toàn quốc tại các tỉnh miền Bắc và các tỉnh thành lớn của miền Trung và miền Nam đều thiết dựng đền thờ Hưng Đạo Đại Vương như vị một vị thần lớn giữ vai trò lớn: Hộ quốc tì dân, như 4 chữ linh thiêng và linh diệu được kính cẩn thể hiện trên cổ diêm tòa phương đình tọa lạc trong khuôn viên Tân phẩm linh từ thờ Đức Trần Hưng Đạo ở Huế.
Ước gì Tân phẩm linh từ này và các Vọng từ đóng vai trò như những “vệ tinh” thuộc quần thể di tích lịch sử và văn hóa ở đất Phú Xuân văn vật mỗi ngày mỗi được tôn tinh và tôn tạo vẻ vang hơn lên để cho thế hệ trẻ có cơ hội tiếp “học tập bài học tri ân tiền nhân” có công trạng lớn trong sự nghiệp giữ nước mà thế giới đã tôn vinh Đức Trần Hưng Đạo là vị tướng tài của nhân loại.
Một niềm tự hào dân tộc đang dâng trào trong tâm tư của người Việt Nam ở trong nước và kiều bào ở hải ngoại.
L.Q.T
THÔNG TIN DI SẢN- SỐ 5 - 2010




CÙNG TÁC GIẢ:
TƯỢNG ĐỨC QUÁN THẾ ÂM TẠI TRUNG TÂM VĂN HÓA PHẬT GIÀO LIỂU QUÁN
READ MORE - LÊ QUANG THÁI - ĐỀN THỜ ĐỨC THÁNH TRẦN Ở HUẾ KHAI SÁNG NGUỒN MẠCH TÂM LINH