Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Thursday, August 4, 2016

ĐỜI QUÊN - Thơ Hoàng Yên Lynh



              Nhà thơ Hoàng Yên Lynh




ĐỜI QUÊN

Ta vốn chỉ là tên bại sĩ
Bỏ phố phường tìm chốn dung thân
Nơi ta ở hóc rừng ven suối
Để mà quên thế sự thăng trầm.

Những đêm cuốc đất bên bờ suối
Dõi ánh trăng nghiêng tận cuối trời
Ta như con vụ trong cơn lốc
Xoay mãi mà không một lối về.

Ra đi từ độ tàn xuân ấy
Trắng cả trời quê trắng mái nhà
Mẹ cũng vì ta mà đẫm lệ
Cha còn trả nợ chốn trời xa.

Ra đi ... chỉ có bài thơ tiễn
Em còn nhưng tình cũng đã quên
HaI năm mà đã thành cổ tích
Ta  nghèo  tình đâu thể trách ai.

Dựng trại ven rừng vui với gió
Lắng nghe vượn hú ở đầu non
Khi không mà cũng là thi sĩ
Gối mộng đêm dài ai biết không .

Vọng quê ... ta có vài củ luộc
Quê nhà dõi mắt hướng sao đêm
Rượu không đủ ấm đời cô quạnh
Ta dặn với lòng thôi đã quên.


               Hoàng Yên Lynh

READ MORE - ĐỜI QUÊN - Thơ Hoàng Yên Lynh

CON GÀ TRỐNG CỦA MỤ THIA - Truyện ngắn của Hoàng Đằng



                                 
                                  Tác giả Hoàng Đằng 



                      CON GÀ TRỐNG CỦA MỤ THIA   
   
                                                          Hoàng Đằng
                                                                                                    
Cả xóm đang yên giấc, bỗng nghe tiếng chửi lặp đi lặp lại ngoài đường:
    - Tổ cha con gà trống ni, ở nhà có mái rồi, không chịu “đạp” mà đi tìm mái ngoài “đạp”, rồi ở luôn nhà người ta, đêm hôm không chịu về.
Đó là tiếng chửi của mụ Thia đi tìm gà. Đã 10 giờ đêm, đa số dân trong xóm ngủ rồi; ấy vậy, có nhà phải thức dậy, cằn nhằn:
    - Mụ ni e điên rồi. Mất gà thì trời mới tối lo đi tìm liền, ai đời giờ này lại đi tìm gà, la chửi ồn ào không cho người ta ngủ.
Đang thời chiến tranh, đèn đường không có; người qua lại vắng; không những ban đêm trời tối đen, ghê rợn, mà ban ngày cũng âm u, lạnh tanh; tre hai bên đường úp ngọn vào nhau, che cản hết ánh sáng mặt trời. Vào mùa hè, đường khô khan, còn coi được; nhưng vào mùa mưa, đường ẩm ướt, lầy lội; không ai muốn ra đường làm chi, trừ trường hợp bất đắc dĩ như vợ đẻ, người nhà đau; vậy mà mụ Thia lủi thủi đi tìm gà trong bóng đêm.

Ở làng quê này, bây giờ đô thị hóa, nhà cửa chi chít, chứ lúc trước, nhà này dựng cách xa nhà nọ, nhà nào cũng có vườn rộng ít nhất là 1.000 m2, bao bọc bởi những truông tre. Nhờ vậy, người ta có thể nuôi gà thả để giết thịt những dịp kỵ giỗ hay bán chợ kiếm thêm thu nhập. Gà nuôi thả chỉ được cho ăn vài nắm bắp hay thóc vào buổi sáng và buổi tối, còn cả ngày, tự động đi giữa vườn kiếm ăn: bông cỏ, lá cây, sâu bọ …
Gà mỗi nhà, dù ít dù nhiều, sống thành một đàn; số gà mái và gà con bao nhiêu cũng được, nhưng gà trống đã trưởng thành thì chỉ một con; nó đóng vai trưởng đàn, mảnh vườn chủ nuôi là lãnh thổ nó quản lý, thỉnh thoảng nó cất tiếng gáy: “Cô cô cồ” để báo sự hiện diện của nó; gà từ đàn khác chưa được phép của nó không được xâm nhập.
Do mang bản tính lãnh đạo, chỉ huy, gà trống có cái dở - khi còn bé, năm bảy con gà trống có thể sống cùng nhau, chia xẻ nhau miếng mồi kiếm được; nhưng khi trưởng thành, biết gáy, biết “đạp mái” thì, dù cùng bầy, cắn nhau, đá nhau; con thua phải trốn khỏi bầy, tối không dám về, người nuôi gà phải qua nhà hàng xóm tìm từ chuồng này qua chuồng nọ, tìm không ra thì đành chịu mất.

Ở thôn quê, có người mất gà còn giữ bình tĩnh, xem như bị chồn tha; nhưng có người, hễ tìm không ra gà, chửi cao vòi vọi – chửi bóng chửi gió ông tổ, ông cao, ông tằng nhà bị tình nghi hay “nộp” người bị tình nghi những từ ác độc: nào là sẽ bị xe tông, nào là sẽ bị tàu cán, nào là sẽ bị sét đánh, nào là sẽ bị lũ cuốn … .
Mụ Thia khoảng 50 tuổi, người ốm nhom, lưng đã còng, má đã hóp, mắt chảy ghèn lem nhem, cái dáng đi của mụ trông tức cười lắm! Hai chân chèo bước tới, còn hai cánh tay ngoe ra phía sau. Mụ đã mất tất cả hấp lực của một phụ nữ đối với đàn ông.

Chồng mụ là ông Hiền, nghe nói, hơn mụ đến năm bảy tuổi, mà người còn khỏe; dáng cao to, da ngăm đen, lưng thẳng, mắt mở rộng, bước đi mạnh mẽ như thanh niên 18, đôi mươi.
Hai ông bà lấy nhau đã 30 năm và hiện có 8 mặt con: 5 trai, 3 gái. Cũng như trong thôn xóm, gia đình ông bà mưu sinh chủ yếu bằng nông nghiệp: trồng cây lương thực, thực phẩm, chăn nuôi … Nhờ có chút học vấn, ông Hiền được cấp trên giới thiệu và dân trong thôn bỏ phiếu tín nhiệm, bầu giữ chức thôn trưởng.
Thời gian gần đây, ban đêm, lực lượng giải phóng thường về bắt đi hay ám sát viên chức xã thôn ở các vùng lân cận. Mặt trận giải phóng làm vậy để xóa chính quyền cộng hòa và vùng đất nào không còn viên chức cơ sở cộng hòa quản lý sẽ thành vùng giải phóng. Ông Hiền sợ, cả ngày đi làm quanh quẩn trong thôn như mọi người, nhưng ban đêm, ông không dám ngủ nhà. Hễ trời tối, ông đi đâu không cho vợ con biết, hình như khi thì ông ngủ nhà này, khi thì ông ngủ nhà nọ, khi thì ông lên thị trấn để tránh mật báo viên của giải phóng nắm được chỗ ngủ đích xác. Mụ Thia, dù không còn sức khỏe dồi dào, đêm hôm, thiếu chồng nằm bên ôm ấp, rờ rận, cảnh phòng không gối chiếc chịu lâu ngày khiến mụ phát cáu, phát bực.

Thời ấy, đất ruộng của thôn, ngoài một ít tư điền, tư thổ của họ, phái hay gia đình, có một quỹ điền thổ công; số điền thổ công này cấp đều cho mỗi người dân - cả nam lẫn nữ - từ 18 tuổi trở lên; mỗi phần nhiều hay ít tùy số quỹ đất công và dân số trong thôn.
O Nồng, dân trong thôn, khoảng 30 tuổi, chồng đi lính chết, đang sống với đứa con trai dại khoảng 2 tuổi, cũng được cấp một phần ruộng 4 sào. Tuổi đời còn trẻ, lại là gái mới một con, mà dân gian kinh nghiệm: “Gái một con trông mòn con mắt!”. Lúc làm đồng, hễ nắng lên, hai má tròn trịa của o từ màu trắng chuyển qua  màu hồng, đẫm thêm mồ hôi ươn ướt, mặt o nghiêng che dưới chiếc nón lá điểm thêm nụ cười nơi miệng với cặp môi mỏng dính, o trông đẹp lắm, hấp dẫn lắm!
O Nồng có đám ruộng cạnh đám ruộng ông Hiền. Mấy ngày trước, ông anh bên chồng, biết hoàn cảnh đơn chiếc của o, đã cày bừa xong, đám ruộng sẵn sàng để cấy mạ. Vậy mà hôm ấy, o lội xuống ruộng, cắm mạ không được – đất cứng quá.
Ông Hiền đang dùng trâu kéo bừa đám ruộng bên cạnh. O Nồng men bờ ruộng, trơn trợt, sỉa chân lên xuống nhiều lần, tới gần, miệng thỏ thẻ:
    - Khi mô chú bừa xong ruộng chú, chú bừa lại tấm ruộng ni giúp cháu vài tráo. Ông anh nhà cháu đã bừa rồi cách đây hai ba ngày, chừ hình như đất sốông lại, cháu cấy không xuống; mà gắng thì e toe cả mấy móng tay, với lại,  mạ không bám bùn sợ nổi lên hết.
Ông Hiền, vì tình làng nghĩa xóm, không nỡ từ chối; hơn nữa, trong vai trò thôn trưởng, lời khẩn nài của o Nồng là dịp để ông làm giúp như một công tác dân vận.
Chỉ chừng đó thôi, mà chiều hôm ấy, thôn xóm rỉ tai nhau:
   - Ông Hiền bừa ruộng cho o Nồng, chắc có tình ý chi rồi.
Tin đồn đến tai mụ Thia; máu ghen của mụ nổi lên. Chưa “bắt được tay, vày được cánh”, mụ không dám tới gây gổ với o Nồng; anh chị em o Nồng - bên o cũng như bên chồng - lại đông, mụ sợ.

Ban đêm ông Hiền đi ngủ tránh, mụ nghĩ ông đến ngủ với o Nồng. Mụ bày ra chuyện tìm gà, lui tới trước nhà o Nồng, vừa đi vừa chửi vừa gọi gà vô vọng:
    - Cu cu cu! Cu cu cu! Con gà trống ni mi “đạp” gà mái ni chưa bưa, mi chê mái ni tra hay răng mà đi tìm thêm mái tơ để “đạp”? Cu cu cu! Cu cu cu! 
Xóm làng biết mụ Thia mượn chuyện đi tìm gà trống để tìm ông Hiền. Ai cũng chê mụ dở, sống gần trọn đời ở nông thôn, đã từng nuôi gà mà không biết tập quán của gà.
Gà trống quá nửa đêm về sáng mới gáy; nghe tiếng gáy, người tìm gà nhận biết có phải là tiếng gáy quen của gà mình hay không, như thế mới mong tìm có kết quả, ai đời mụ lại đi tìm gà trống vào đầu hôm!
Hơn nữa, mụ xem chồng mình là gà trống thì mụ là gà mái hay sao! Mà gà mái nhà không thể “đạp” hay không cho “đạp” – chẳng hạn như đang thời gian ấp trứng hay quá già - thì gà trống tự do đi “đạp” gà mái hàng xóm. Hiên ngang, không cần chùng lén, giấu giếm!
Máu ghen tầm thường của người phụ nữ tầm thường nơi mụ Thia đã biến thành trò cười cho thiên hạ; dù chi đi nữa, ông Hiền đang làm thôn trưởng quản lý mấy trăm dân, mụ xử sự như vậy khiến ông Hiền mất uy tín; người đời nói: “giàu nhờ bạn, sang nhờ vợ”, không sai!
                                                             Hoàng Đằng
                                                       03/8/2016 (01/7/Bính Thân)

READ MORE - CON GÀ TRỐNG CỦA MỤ THIA - Truyện ngắn của Hoàng Đằng

ĐÀ LẠT MƠ - Thơ Nhật Quang





ĐÀ LẠT MƠ

Phố núi cao rì rào tiếng lá
Thác Cam Ly nắng ngả, chiều rơi
Hoa tươi muôn sắc hương ngời
Ru hồn lữ khách, khung trời mộng mơ...
Hồ Xuân Hương, bên bờ thương nhớ !
Lời yêu thầm Than thở thủy chung
Phăng-sê tím đẫm chập chùng
Thương màu áo trắng ngập ngừng dáng em
Chiều Thu vương mây mềm giăng lối
Cỏ non xanh níu vội tình say
Thướt tha khăn lụa, áo bay
Đồi thông vấn vít...ngất ngây tình hồng
Mi-mô-sa vàng hong thắm nở
Đà Lạt mơ mộng nhớ đầy vơi
Đêm hồng gió nhẹ, mây trôi
Vương làn tóc rối, bờ môi thơm nồng.
                                 Nhật Quang
                                   (Sài Gòn)

READ MORE - ĐÀ LẠT MƠ - Thơ Nhật Quang

PHẢI DÈ... - Truyện ngắn của Thủy Điền


              
                    Tác giả Thủy Điền


    PHẢI DÈ...

    Lan ngồi kề bên chiếc xe bán nước đá đậu, trước cổng Khám Chí Hòa. Nàng vừa đọc sách, vừa cầm cây que râu quơ quơ mấy con Ruồi đang thèm ngọt. Mắt nhìn vào quyển sách, miệng cứ thì thầm “ Phải dè “…. hồi đó lấy đại Sơn cho rồi, rồi dẫn anh ta về quê, xin ba mẹ cho vài công đất, hai đứa cất cái chồi, trồng Bí, trồng Rau để sống. Có phải sướng hơn khi phải ngồi trước cổng Khám Chí Hòa nhìn toàn những cảnh đời tội lỗi. Ngày ấy sao quá ngu si, khờ dại. Cứ chọn lựa, phân vân, giàu- nghèo, xấu- đẹp, danh vọng. Để bây giờ ra nông nỗi.
    Năm học lớp 11 Trường trung học Nông Lâm súc Định tường, tình cờ Lan quen Sơn qua một người bạn cùng lớp. Sơn cũng học Nông Lâm Súc, nhưng thuộc Trường khác. Hai người làm quen, rồi yêu nhau. Sự qua lại giữa hai gia đình, Lan yêu Sơn vì chàng đẹp trai, nhưng ngặt nỗi hơi nghèo, không cung ứng, cũng như giải quyết những yêu cầu mà nàng cần đến và ngược lại. Mọi suy nghĩ bồng bột bước đầu của người con gái mới lớn, vừa mới biết yêu bỗng tan vỡ và cuộc tình ấy đã chấm dứt sau những tháng dài bên nhau.
    Sơn quá rõ vì sau nàng đã nói lời chia tay và không đến với mình nữa. Chàng chấp nhận và không hờn trách, chỉ nuối tiếc mà thôi. Lan cũng thế, dù cuộc chia tay không mấy gì suông sẻ, nhưng nàng đã quyết và tìm cho mình một hướng đi mới. Hy vọng tương lai sẽ sáng sủa hơn, hầu thỏa được ước mơ của thời con gái.
    Sau ngày giải phóng, trường Nông Lâm súc giải thể, Lan trở về quê được ít tháng, rồi thi vào trung trung học Sư phạm Tiền giang. Đậu, và học tại đó ba năm. Khi ra trường được phân công về xã Quơn Long thuộc huyện Chợ gạo làm cô giáo cấp 1. Ở đây, nàng nghĩ sẽ là cơ hội để nàng tìm được một mái ấm và tương lai mới. Ai ngờ ! Trường có bảy lớp học, từ Hiệu trưởng, Nhân viên, Thầy cô giáo. Tất cả đều là phụ nữ cả. Thời ấy các thanh niên trạc tuổi Lan, nếu lý lịch xấu thì họ phải đi Thanh niên xung phong, còn ngược lại lý lịch tốt thì phải lên đường thi hành Nghĩa vụ quân sự. Bởi thế, cả làng đều vắng bóng những chàng trai. Ngày mới về nhận công tác, nàng vô cùng thất vọng, nhưng không thể nào làm khác hơn được. Vì một khi đã nhận giấy quyết định của Ty Giáo dục Tỉnh là phải dạy nơi mình nhận Nhiệm sở tối thiểu là ba năm. Sau đó muốn xin đi đâu thì xin hoặc là xin nghỉ việc luôn. Lan thì muốn đi dạy, nên phải đành chấp nhận Quơn Long là điểm dừng chân. Nàng dạy được hai năm và chờ thêm một năm nữa, nàng sẽ làm đơn xin về trường Huyện hoặc gần nhà, hy vọng nơi ấy sẽ khá hơn nhiều, còn Quơn Long là một xã nhỏ xa xôi, đèo heo, hút gió. Bỗng “ Đùng “ một cái. Anh trai nàng làm việc ở Sài gòn về ăn giỗ, có dẫn một ông bạn thân theo cùng. Trong buổi tiệc vui, uống dăm ba ly, lời qua, tiếng lại. Ông bạn nhã ý thích Lan? Nên quây sang hỏi? Nhân. Tớ thích em gái cậu đó Nhân. Cô ta có chồng chưa? Nếu chưa, gã cho tớ đi, tớ đang tìm vợ đấy. Chỉ lời nói vui vẻ qua loa, thế mà Lan đồng ý ngay, chẳng cần suy nghĩ, do dự. Anh chàng lớn hơn Lan mười tuổi, cả nhà nói không xứng đôi, vừa lứa. Nàng bảo, từng tuổi hai lăm, hai sáu nầy có người dạm hỏi, thì ưng khuất cho rồi, chờ đến bao giờ, còn hơn ở Quơn Long chẳng có ngoe nào. Chần chừ- chần chừ để nơi mơi ế, chẳng lẽ đi làm vợ bé người ta sao. Cả nhà nghe nàng nói có lý, nên cũng ưng theo.
    Khi hai bên đã là kẻ vợ, người chồng. Nàng làm đơn gởi đến trường và xin nghỉ dạy. Và, kể từ đó, nàng theo chồng về Sài gòn sinh sống, gia đình chàng tương đối khá giả, cưới được vợ trẻ, hai năm đầu chàng rất chìu chuộng, cuộc sống vô cùng hạnh phúc, nàng sinh cho chàng được hai cậu con trai kế nhau rất là khá khỉnh, ngoài ra nàng khỏi phải đi làm chi hết, chỉ ở nhà lo cho các con, còn chuyện ngoài xã hội riêng một mình chàng lo tất. Mỗi lần về quê thăm nhà hay đám đình, nàng khoe đủ thứ, cả nhà ai cũng nói. “Con nhỏ Lan nầy thật là có phước vô cùng”  Có chồng già, ông ấy rất cưng. Bước sang năm thứ ba công việc làm ăn càng ngày càng suy thoái, xã hội càng ngày càng siết chặt, bất ổn, thua lỗ trăm bề. Chàng buồn, túng quẩn và sanh ra rượu chè bê tha, đi sớm, về tối, nợ nần chồng chất, chuyện nhà phế mặc, bất cần, chẳng thèm ngó trước, nhìn sau. Cuối cùng mẹ con nàng phải lâm vào cảnh bần hàn, cơ cực và nghiệt ngã hơn, chàng bắt đầu ngã bệnh và từ đó không còn làm được việc gì cả, chỉ biết rượu và mắng nhiếc vợ con một cách vô lý.
    Trong cơn hoạn nạn, một mình chạy đôn, chạy đáo lo bảy, lo ba. Nàng phải trở về quê vay mượn một ít tiền và xin được một chỗ bán nước đá đậu trước khám Chí hòa để nuôi chồng và hai con thơ.
    Nhìn cảnh nhà bần bạc, nhìn xã hội ngày nào cũng có những chiếc xe thùng của Công an chở những người tội phạm ra vào, nhìn những người thăm nuôi uống ly nước đá đậu nửa chừng, không ngon miệng. Nàng muốn nổi bưng những sợ tóc gáy bạc màu ra từng mảnh nhỏ.
    Hai năm nuôi chồng trên giường bệnh, ngày ngày từ sáng sớm đến chiều ngồi trước khám Chí Hoà như anh Công an gác cổng là hai năm nàng đã thấm thía được cuộc đời cũng như số phận con người. Tất cả là do duyên phận và duyên phận ấy không ai tự dưng chọn cho mình được cả và chính mình cũng thế.
     Sau khi chàng mất, nàng chỉ còn lại hai con thơ và chiếc xe nước đá đậu hàng ngày trước cổng khám Chí Hòa Thành phố. Và, tự hỏi?  Phải dè, hồi ấy... chắc có lẽ số phần sẽ khác hơn không.
    Rồi nàng nhẹ tay, từ từ úp quyển sách lại, nhìn ra phía trước và hai giọt nước mắt cứ theo hai đôi má nhạt nhòa chảy dài không ngừng nghỉ…!

             TRỘI "HAI MƯƠI"

             Ta trội hơn mi nửa vạn ngày
             Làm chồng, làm bố chẳng gì sai
             Mi kém hơn ta quãng đời dài
             Làm thê, làm mẹ quá tầm tay

             Son, lão duyên phần "Đâu số phận"
             Ta, Mi nào mãi, cứ phân vân
             Sánh bước, chung lòng cùng góp sức
             Trăm năm dài, ngắn "Có là chăng" 

                                                           THỦY ĐIỀN

READ MORE - PHẢI DÈ... - Truyện ngắn của Thủy Điền