Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Thursday, September 24, 2020

MƯU SINH & VĂN CHƯƠNG - MacDung giới thiệu tác giả MINH HIẾU

                                          

Minh Hiếu


MƯU SINH & VĂN CHƯƠNG 

MacDung



Một cây bút đầy ngẫu hứng bất ngờ đến với thế giới con chữ bằng thủ pháp không chuyên nhưng đậm tính chân thực đã gây chút xáo trộn trên cộng đồng mạng khi lần đầu xuất hiện. Đến với văn chương như tìm chỗ trải lòng và theo cách nghĩ từ tác giả biết đâu là nơi “xả rác” nhiều hơn chứng minh về tài năng – Minh Hiếu như một nghệ nhân thêu thời trang trong cuộc mưu sinh hơn là bỏ thời gian làm bạn với bàn phím, vì vậy từ chất thơ đến văn xuôi đều không chú trọng luật lệ, tự do thể hiện đường cong sợi chỉ giống công việc hằng ngày cô theo đuổi bấy lâu…

Bằng thể thơ tự do, Minh Hiếu chú trọng điều muốn nói, không màng đến các trói buộc về vần luật đã cho ra những đứa con tinh thần “thiếu tinh xảo” nhưng “sáng thực tâm” nhằm chinh phục bạn đọc “gan góc” từng va chạm cuộc sống đầy biến động. Vì chú trọng vào “tứ” nhiều hơn nghệ thuật, nên tác giả này muốn mời người đọc thưởng thức một món ngon qua cảm nhận vị giác nhưng bỏ rơi nghệ thuật trưng bày để đạt tính tự nhiên cao nhất. Tùy bút từ Minh Hiếu bộc lộ chiều sâu sự trải nghiệm hiện thực, thu nhỏ biên độ hư cấu, giúp người đọc hoặc hiểu điều muốn nói, hoặc bỏ qua đòi hỏi loại văn chương bóng bẩy mang tính hàn lâm. “Văn học là nhân học”, thưởng thức thơ văn người tinh ý có thể phán đoán phần nào đó tính cách người cầm bút mặc cho những nghi ngờ. Đọc Minh Hiếu hiện thấy sự thẳng thắn nam tính nhiều hơn “yểu điệu thục nữ” được trông chờ ở cánh đàn ông. Thẳng tính vốn thuộc vật cứng, nhưng nghệ thuật lại là đường cong mềm mại thể hiện tinh xảo… Xem ra sản phẩm từ con chữ lại đối nghịch với các hoa văn rực rỡ từ máy thêu khiến tác giả mê mẩn bỏ thời gian cả ngày trời bên hàng tá sản phẩm chờ đến phiên mình… 

Tiềm năng văn học sẵn có nhưng mưu sinh là chốn thiết thực giúp con người tồn tại. Chính điều này khiến biết bao thế hệ tài năng đành vùi chôn sự nghiệp nghệ thuật thời tuổi trẻ từng le lói ánh sáng. Minh Hiếu đã chọn mưu sinh và gia đình, đem nghệ thuật thay vì văn chương đưa vào đường kim mối chỉ tạc lên những chiếc áo dài rực rỡ đạt bụng khách hàng. Nhìn nội hàm thể hiện giàu chất liệu trải nghiệm sống, ẩn chứa tính ngay thẳng đôi lúc như “phang ngang bửa củi” lại làm hài lòng những độc giả chán ghét hàm ý nghĩa bóng lẫn lớp phấn hồng…

Ai lăn lóc mưu sinh cũng chừa một góc riêng mình. Góc riêng tác giả Minh Hiếu nhỏ nhoi bên con chữ, không cầu toàn nhưng trải niềm lấy ai cấm cản!? Vì trải niềm là chính nên con chữ không cần gọt giũa, đánh bóng phô trương, lại đắc tâm người đồng cảnh ngộ…

Cho nên:

“Đi lượm từng hạt mưa 

Gom vào trong cốc nhỏ 

Cất từng hạt, từng hạt… 

Như hứng giọt sầu rơi 

Giọt này tên là đắng 

Giọt khác gọi là cay 

Kia là tên giọt nhớ 

Cứ lần lựa đầy tay 

Bao giọt mưa không biết 

Nhiều như nước mắt rơi 

Giá như đong được hết 

Có lẽ thành biển khơi…” 

Mh - 13/6/2019 

Va chạm nhiều trong thời gian gầy dựng mái ấm khiến “vốn đời” lẫn vốn từ của tác giả như chạm đỉnh nhân gian. Phản xạ ngôn ngữ cực tốt đã tạo ra một Minh Hiếu giàu nhân từ cũng đầy gai góc khi ai đó vượt làn ranh đỏ. Một tính cách hòa đồng nhưng dị biệt khi lui về cõi riêng…

Nhân gian đa sắc. Con người nhiều chọn. Đối với Minh Hiếu sự lựa chọn hiện tại là bảng màu nhiều sắc tự chốn nhân gian, được đem lên đường kim mối chỉ thêu trên những chiếc áo dài yểu điệu, tạo thu nhập ổn định để nuôi dưỡng biết đâu là Tình Yêu Con Chữ mai hậu…


VL – 23.9.2020

MacDung



READ MORE - MƯU SINH & VĂN CHƯƠNG - MacDung giới thiệu tác giả MINH HIẾU

TẢN MẠN ĐÔI ĐIỀU VỀ TRÀ (Kỳ 4) – Nguyên Lạc

 


LOẠI TRÀ – DANH TRÀ

I. Các loại trà

Chúng ta có thể tóm lược rằng có rất nhiều loại trà, nhưng tựu chung có thể dễ dàng phân làm ba loại: Trà xanh, trà đen và loại trung gian, cả ba loại đều chỉ khác nhau ở chặng lên men/ cách ủ (Oxidation) . Ủ sơ thì cho loại trà xanh, ủ kỹ thì là loại trà đen, ủ vừa thì cho loại trà trung gian: như loại Ô Long, trà vàng Thiết Quan Âm… Trà nguyên thủy vẫn là màu lá xanh chỉ trừ giống Lạp Mộc trà mọc ở Phúc Kiến mang màu vàng.

Trà xanh gọi là Lục trà hay Thanh trà; trà đen: Hắc trà hay Hồng trà.

– Loại Trà xanh: điển hình danh tiếng là: Trà Long Tĩnh, “Làm trai biết đánh Tổ Tôm, uống trà Long Tĩnh ngâm nôm Thúy Kiều”. Các loại trà xanh khác như Sư Phong, Bạch Vân, Bảo Vân, Tư Duẩn, Thọ Mi (Trung Quốc) hay Thanh Trà, Thiên Vụ, Tùng Bách Thanh (Đài Loan) hiện đang có trên thị trường.

Trà xanh là loại trà thuần dùng lá trà không phụ gia gì khác và không cho lên men hay hạn chế sự lên men tối đa, chỉ phơi khô rồi cất giữ. Loại trà này được dùng rất phổ biến hiện nay vì ngoài hương vị trà mộc còn giữ nguyên, các nghiên cứu khoa học cho thấy nó rất có lợi cho sức khỏe. Nó có mặt trong cửa hàng của Trung Hoa, Nhật, Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam và nhiều nước khác. Các loại trà xanh danh tiếng có thể kể ra: Long Tỉnh Trà ở Hàng Châu, Long Đỉnh Trà của Chiết Giang, Bỉ Lộ Xuân Trà của Hàng Châu xưa là một loại trà tiến vua liên quan đến Trinh Nữ Trà, Tín Dương Mao Tiêm Trà của Hà Nam, Hoàng sơn Mao Phong của tỉnh An Huy, … Những thứ trà xanh danh tiếng của Nhật có thể kể đến là: Nihoncha (Nhật Bản Trà), Ryokucha (Lục Trà), Gyokuro (Ngọc Sương Trà) … Trà sen, trà lài của Việt Nam cũng là loại trà xanh.

– Loại trà đen: là loại trà được để cho oxy- hóa hoàn toàn. Trà đen có vị đậm và nhiều caféine hơn các loại trà khác, và ở Trung Hoa người ta gọi là hồng trà vì sau khi được đem pha hãm trà thì nước và bã trà dưới đáy hiện ra màu đỏ, chính vì thế mà đã thành tên là Hồng Trà. Kỳ Môn Hồng Trà là loại này.

Hiện nay, Âu Mỹ chỉ dùng trà đen (Anh ngữ quen gọi là Black Tea, Hán ngữ gọi là Hồng Trà). Trái lại, Á Đông gần như chỉ dùng trà xanh (Thanh Trà) và Ô Long.

– Loại Ô Long quen thuộc nhất là Thiết Quan Âm, Thiết La Hán, Thủy Tiên, Tước Thiệt, Long Phụng, Long Viên Chu, Chân Long (Trung Quốc) hoặc Động Đình, Minh Đức, Thiết Quan Âm, Thủy Tiên, Ô Long, Thiên Vụ của Đài Loan đều có bán.

Ô Long Trà: là loại trà gốc Phúc Kiến có màu nằm giữa trà xanh và trà đen (nghĩa là bị oxy hóa khoảng 10-40% tùy chất lượng) rất được người Trung Hoa ưa chuộng và dùng đơn giản đem hãm với nước nóng rồi dùng. Lá trà này khi hái về đem phơi cho héo, nhào trong rỗ tre để tăng bề mặt oxy hóa, phơi đảo cho thật khô, sấy và gia hương liệu.

Do được chuộng nhiều ở Châu Á nên nhiều loại trà Ô long có mặt trên thị trường. Người ta sơ bộ thấy có một số trà Ô long mang tên như sau: Đại Hồng Bào Trà một loại trà xưa kia dùng tiến vua, Thủy Kim Quy Trà, Thiết La Hán Trà, Nhục Quế Trà … Trà Thiết quan Âm nói bên dưới cũng là một loại trà Ô long.

II. Truyền thuyết về các danh trà tàu

Không chỉ có huyền thoại để thu hút người khác, người Trung Hoa có biệt tài biến hóa sản phẩm của mình để thu hút khác hàng. Rất nhiều loại trà được ra đời với cách chế biến cầu kỳ; trong số đó có một số danh trà cũng được huyền thoại hóa thêm màu sắc thần bí.

1. Long Tỉnh Trà

Trà Long Tỉnh còn là Ngự trà, đứng đầu trong Thập đại danh trà tàu. Truyền thuyết gắn liền với trà Long Tỉnh như sau:

Trà Long Tỉnh Tây Hồ gắn với một câu truyện rất thú vị. Hoàng Đế Càn Long đời nhà Thanh ( trị vì 1736 – 1795 ) tới Giang Nam, dừng chân lại Tây Hồ thưởng thức trà Long Tỉnh ở nơi này.Vua Càn Long đã thấy được tuyệt kỹ tuyệt vời của những cô thôn nữ hái chè nơi đây, nên đã tham gia học cách hái chè; cùng lúc đó tùy tùng của Càn Long tới thông báo là Thái Hậu bị bệnh nặng, Càn Long vội vàng trở về Bắc Kinh, tiện tay đút luôn những búp trà vừa hái vào trong túi áo. Bệnh tình của Thái Hậu không có gì đáng ngại, chỉ là do ăn uống bị chướng bụng, tiêu hóa kém, thêm phần nhớ con trai vì đó mà cơ thể cảm thấy mệt mỏi, không khỏe.

Khi Càn Long về, Thái Hậu thấy con trai nên đã bớt đi một nửa bệnh tình. Bà ngửi thấy trên người con trai mình có mùi gì đó thơm dịu nhẹ, liền hỏi là thứ gì? Càn Long liền lấy trà trong túi ra pha, mùi vị của trà tỏa lên rất thơm; sau khi hoàng thái hậu uống vào bệnh tình hoàn toàn hồi phục, sức khỏe trở lại như xưa. Điều này làm cho vua Càn Long rất vui, nên đã ban sắc lệnh, sắc phong cho 18 cây trà trước Long Tỉnh Tự ở Tây Hồ là “Ngự Trà”. Về sau được vua Khang Hy phong là Hoàng trà, loại trà biểu trưng cho hoàng đế. Từ đó trà Long Tỉnh càng được nổi tiếng khắp nơi, được nhiều người biết đến là loại trà thơm ngon. Cũng vì búp trà được để trong túi nên đã ép dẹp, tạo thành mặt 2 mặt phẳng, vì thế mà Long Tỉnh Tây Hồ cũng được người dân nơi đây chế biến, và tạo thành hình tương tự.

2. Oolong Trà hay Ô Long Trà

Trà Oolong (còn được gọi Ô Long) là một loại trà có xuất xứ từ vùng núi tỉnh Phúc Kiến, Trung Hoa. Nó bị oxy hóa – Oxidation- khoảng 5-70% tùy từng loại khác nhau. Vì vậy mà màu sắc của nó nằm giữa trà xanh và trà đen và rất được người Trung Hoa ưa chuộng. Hình dáng Trà Oolong : Búp trà thường được cuộn thành viên tròn lớn, có loại còn để thừa ra cuống trà tựa như đuôi của “rồng”

– Truyền thuyết kể, do một người trồng trà thấy có con rồng đen từ giống cây trà này bay lên, nên từ đó đặt thành tên.

– Một truyền thuyết khác kể rằng trà Oolong ban đầu được người Trung Quốc gọi là “wulong” hay “rồng đen”, bởi trong quá trình chế biến, lá trà đen được xoắn lại thành hình dạng giống như con rồng.

– Một câu chuyện khác kể về một người trồng trà tên là Wu Liang (sau này được gọi lại Wulong) Truyền thuyết kể lại rằng vào năm 1725 có một người đàn ông trồng trà ở huyện An Khê, tỉnh Phúc Kiến với biệt danh là Ô Long (vì anh ta đen nên được mọi người gọi là ô long). Khi người này đang thu hái trà, thì ông nhìn thấy một con nai và ông đã quyết định đi săn bằng được con nai này thay vì tiếp tục thu hái và chế biến trà đã thu hoạch.Cuối cùng ông cũng bắt được con nai và mang về làm thịt và tổ chức ăn uống. Hôm sau, ông mới nhớ ra rằng ông cần phải chế biến trà đã được thu hoạch từ ngày hôm trước. Nhưng những lá trà đó đã bị oxy hóa một phần, và điều đặc biệt là trà đã tỏa ra một thứ hương thơm kỳ lạ. Vì vậy, ông ấy đã quyết định không đem đi chế biến trà như mọi khi nữa. Và mang vào pha thử một ấm, thật ngạc nhiên khi thấy nước trà sau khi pha có mang một hương vị ngọt ngào mạnh mẽ hoàn toàn mới lạ, mà không có bất kỳ vị đắng nào như trà thường được sản xuất trước đây.Sau đó anh ta suy nghĩ và nghiên cứu, thử các phương pháp chế biến khác nhau và cuối cùng cũng chọn được phương pháp chế biến trà cho chất lượng thật tuyệt vời là làm héo, lắc tạo màu xanh lá cây, để lên men tự nhiên từ 5-70%, sau đó cho vào sao để ngăn quá trình lên men. Như thế là đã có được một loại trà chất lượng tuyệt vời rồi. Vì vậy loại trà mới này được đặt tên theo biệt danh của ông, và từ đó nó được gọi là trà Ô long.

Do nó có những hương vị lạ, đặc biệt nên rất được ưa chuộng ở Châu Á. Vì vậy, dần dần nó xuất hiện thêm nhiều loại trà Ô long có mặt trên thị trường. Hiện nay trên thị trường có một số loại trà khác nhau cũng được liệt kê là trà Ô long như: Trà Đại Hồng Bào một loại trà xưa kia dùng tiến vua, Trà Thủy Kim Quy, Thiết La Hán Trà, Nhục Quế Trà … Trà Thiết quan Âm nói bên dưới cũng là một loại trà Ô long.

Trà Ô long có màu sắc nằm giữa trà xanh và trà đen và rất được người Trung Hoa ưa chuộng. Cách sử dụng trà Ô Long rất đơn giản, đem hãm với nước nóng rồi dùng.

3. Thiết Quan Âm Trà

a. Đặc điểm

– Trà Thiết Quan Âm thoạt nhìn thì có vẻ khá giống với Trà Ô Long và thường bị nhầm lẫn với Trà Ô Long. Thực chất Trà Thiết Quan Âm vẫn được xếp vào nhóm trà xanh vì trà Thiết Quan Âm có độ oxy hóa thấp, những lá trà đã được chọn và hái, nó sẽ được để cho tự oxy hóa từ 5% đến 25%, giúp cho hương vị của trà được thơm ngon, hấp dẫn mùi nhẹ nhàng của hoa lan. Còn trà Ô Long thì độ oxy hóa thường nằm trong khoảng 30 – 40%. Nên Trà Thiết Quan Âm khi pha ra còn mang dư vị của trà xanh khá nhiều.Thiết Quan Âm là tên một danh trà trong thập đại danh trà nổi tiếng Trung Hoa

Một điểm đơn giản để phân biệt trà Thiết Quan Âm với trà Ô Long nữa là Thiết Quan Âm không có cọng trà mà chỉ có lá. (Trong khi Trà Ô Long sẽ gồm một búp và 2-3 lá hé mở, cọng thấy rất rõ).

– Trà Thiết Quan Âm còn gọi là trà vàng – loại trà nằm giữa trà xanh và trà đen, đây là một trong những loại trà rất tốt cho sức khỏe thuộc nhóm trà Ô Long. Trà Thiết Quan Âm có hương vị đậm đà, dịu ngọt, mùi thơm tự nhiên, sắc vàng đẹp mắt như hổ phách. Chính nhờ hương vị thơm ngon và đậm đà, nên trà Thiết Quan Âm được mệnh danh “bảy nước còn dư hương” nghĩa là có thể pha 7 lần nước nhưng vẫn còn mùi thơm. Trà Thiết Quan Âm còn được biết đến là một trong “thập đại danh trà” nổi tiếng của Trung Hoa.

b. Nguồn gốc và truyền thuyết về trà Thiết Quan Âm

– Trà Thiết Quan Âm có nguồn từ trấn Tây Bình, huyện An Khê, tỉnh Phúc Kiến, Trung Hoa với hơn 200 năm lịch sử. Tại An Khê vẫn còn lưu truyền một câu chuyện về loại trà này. Chuyện kể rằng vào đời nhà Thanh năm vua Càn Long, ở trấn Tây Bình, huyện An Khê có một ngôi đền bị bỏ hoang, bên trong vẫn còn bức tượng bằng sắc của Quan Âm Bồ Tát. Lúc bấy giờ có người nông dân tên Wei hàng ngày trên đường ra đồng ruộng làm việc ông vẫn đi ngang đây và luôn suy nghĩ muốn làm gì đó để cải hiện ngôi đền.

Là một nông dân nghèo, Wei không có phương tiện để sửa chữa đền thờ. Một hôm, ông ta mang một cây chổi cùng một số hương nhang ở nhà đến để quét dọn sạch sẽ và thắp hương để tỏ lòng thành kính với Quan Âm Bồ Tát, và ông đã làm điều này hai lần một tháng trong nhiều năm liền.

Vào một đêm nọ, trong lúc đang ngủ Wei mơ màng nằm mộng thấy Quan Âm Bồ Tát, người nói với ông về một hang động phía sau đền thờ, nơi có kho báu đang chờ đợi. Sáng hôm sau, ông đến phía sau đền thờ và tìm thấy hang động, Wei lấy kho báu và chia sẻ chúng với người khác. Trong hang, ông còn tìm thấy tìm thấy cây trà, Wei nhanh tay hái một ít lá trà về chế biến.

Sau khi thưởng thức hương vị đậm đà, dịu ngọt của loại trà lạ đã thu hút ông, Wei liền quay lại hang bứng cả cây trà mang về để trồng. Thời gian sau, trà mọc nhiều, cành lá xum xuê, tươi tốt. Ông cho hàng xóm xung quanh giống trà để trồng và sản xuất. Vì thấy lá trà này khi lên men có màu đen như sắt thép, nặng hơn những lá trà thường, và được Phật Bà Quan Âm gia hộ báo mộng nên ông đặt tên cho trà là Thiết Quan Âm. Từ đó trà Thiết Quan Âm trở nên nổi tiếng khắp thiên hạ và là loại đồ uống được các hoàng đế ưa dùng. Theo thời gian, Wei và hàng xóm nhờ sản xuất và buôn bán trà Thiết Quan Âm mà trở nên khá giả thịnh vượng. Ngôi đền bỏ hoang ngày nào đã được sửa chữa và trở thành một ngôi chùa xinh đẹp.

– Truyền thuyết thứ 2: Tương truyền vào đời vua Càn Long nhà Thanh, vùng đất này có một người chuyên trồng và chế biến trà tện là Ngụy Âm. Ngụy Âm là người rất sùng kính Quán Thế Âm Bồ Tát, sáng nào ông cũng dâng lên Phật bà ba chén trà liên tục suốt 10 năm trời. Một đêm ông nằm mơ thấy Quan thế Âm dẫn lên một khe núi chỉ cho một cây trà. Sáng hôm sau, thức dậy ông theo sự ứng mộng lên núi tìm được cây trà giống hệt trong mộng. Ngụy Âm bứng cả cây về trồng trongvườn nhà, vài năm sau cây tươi tốt ông thu hái chế ra một thứ loại trà ngon tuyệt vời, khi đóng bánh cứng nặng và có màu đen như sắt, sợi trà cong xoắn, cho nước hãm màu màu xanh lục, hương vị thơm ngon hơn hẳn các thứ trà khác ở địa phương. Ông đặt tên là trà Thiết Quan Âm và từ đó trở thành một danh trà khét tiếng trên thế giới.

Trà Thiết Quan Âm được chia ra làm 3 loại là Thanh Hương, Nùng Hương và Trần Hương. Trà Thiết Quan Âm Thanh Hương được lên men rất ít và chú trọng vào mùi thơm hơn là vị của trà. Còn Nùng Hương thì chú trọng vào cả vị lẫn mùi thơm của trà. Trần Hương thì được lên men nhiều nhất nên vị của nó không còn vị trà xanh nữa.

4. Thiết La Hán Trà

Thiết La Hán Trà là dòng trà cao cấp được các nghệ nhân chế biến và lưu trữ qua nhiều năm theo cách riêng biệt từ những lá trà Thiết Quan Âm.

Ra đời từ thời Càn Long khoảng năm 1782 cho đến nay, trà Thiết La Hán đã có lịch sử hơn 200 năm tuổi.

Truyền thuyết về tên gọi trà Thiết La Hán có 3 tích:

– Tích thứ nhất: Thời đấy, có vị thương nhân họ Thi Thái Thành có mở lập một trà điếm tại huyện Huệ An, tỉnh An Huy, nổi tiếng nhất với dòng trà Thiết La Hán. Mặc dù đã có hai cuộc dịch bệnh rất lớn ở huyện Huệ An từ năm 1890-1931, những bệnh nhân đã được cứu chữa khi dùng trà Thiết La Hán của vị thương nhân họ Thi này, nên trà được đặt tên như là một vị La Hán sống cứu nhân độ thế.

– Tích thứ hai: Ở Vũ Di Sơn, chùa Huệ Uyển, có vị tăng nhân tự là Tích Huệ, người thập phương tới thăm rất thích uống trà đàm đạo với vị tăng. Vị tăng cơ thể vạm vỡ rám nắng, tướng mạo đẹp đẽ như vị La Hán, cho nên những người này gọi ông là Thiết La Hán. Một ngày nọ, vị tăng phát hiện một số cây trà ở gần chùa, cây thẳng và vươn cao, các nhánh cây dày và xám vàng, lá cây toả ra mùi hương thơm đặc biệt. Ông hái các lá non và đem về nấu trà mời khách, mọi người thấy ngon hỏi nguồn gốc, và bởi trà được phát hiện bởi vị tăng nên đặt theo tên ông là Thiết La Hán.

– Tích thứ ba: Tây Vương mẫu mở tiệc, mời 500 vị La Hán đến dự. Hôm đấy, vị La Hán chưởng quản về cây trà đi tiệc về quá say, khi đi qua Huệ Uyển Khanh thuộc khu Vũ Di Sơn, giống trà quý vốn để trong mình bị đánh rơi. Một người nông dân già vô tình nhặt được. Sau được vị La Hán này báo mộng và dặn đem đi trồng thành cây trà, hương vị tuyệt vời, có thể chữa được bách bệnh, nên trà được đặt tên là Thiết La Hán Trà.

5. Thanh Nữ Trà hay Trinh Nữ Trà

Truyền thuyết gắn liền với Trinh Nữ Trà:

– Thanh Nữ Trà hay Trinh Nữ Trà: là loại trà rất nổi tiếng với hương vị thơm ngon và cách chế biến rất cầu kì và độc đáo. Quá trình thu hái trà là phải sử dụng các cô gái đồng trình: Người ta chọn ra những trinh nữ tuyệt đẹp, từ 15-18 tuổi, cho tắm gội bằng nước thơm, rồi mặc quần áo rộng và buộc túm ống tay, ống chân leo lên đồi cao hái trà. Lá trà hái được dồn cất vào trong lớp áo rộng thùng thình đã được buộc kín ống chân, ống tay nói trên. Khi mặt trời lên, mồ hôi những cô gái này thấm vào trà nên gọi là Trinh nữ trà.

Loại trà này luôn được liệt vào trong top đệ nhất danh trà, cạnh những cái tên đình đám khác ở Trung Hoa như Long Tỉnh, Thiết Quan Âm, Trùng Điệp… Có tên gọi khác là Bỉ Lộ Xuân, loại trà này không chỉ nổi tiếng bởi vị thơm ngon, thuần khiết mà còn do phương thức chế biến cầu kỳ và độc đáo.

– Lại có truyền thuyết xuất xứ gắn với Trinh Nữ Trà như sau: Huyền thoại kể rằng một vị vua đời Đường rất ham mê uống trà và rất sành điệu mùi vị trà. Một buổi sáng, nhà vua ra lệnh cho người tỳ nữ, lấy trà vừa đưa vào nhà kho đêm qua, và pha cho nhà vua, sau khi thưởng thức vị trà này xong, nhà vua vô cùng hài lòng vì trong đó một hương vị mới, thơm ngon lạ, hoá ra, số trà này đã được mang “mùi vị” của chính người tỳ nữ pha trà, mà đêm hôm trước, vì trời đột nhiên trở lạnh, nàng đã vào ngay đống trà để ngủ cho ấm. Vì nàng đích thực là còn “con gái” nên trà này đã được đặt tên là “Trinh Nữ Trà”. Trà đã được ướp với hương vị thơm tho của da thịt và mồ hôi người con gái đồng trinh. Từ đó vua cho tuyển thêm trinh nữ lo việc hái trà và ủ trà như đã nói, dĩ nhiên việc tuyển chọn mùi hương tự nhiên rất khe khắc.

– Một truyền thuyết nữa: Trinh Nữ Trà, theo Hoàng Duy Anh đăng trong tạp chí Chọn Lọc, là loại trà đặc biệt của Nhật. Theo các nhà viết sử thì trà này xuất hiện vào cuối thế kỷ thứ 16, tại đảo Oki Shima.

Thuở đó có một Sứ quân cai quản đảo này, ông là người sành uống trà. Một hôm đi ngang qua trái đồi, ông thấy có cây trà hoang mọc, liền cho gia nhân hái búp lá về đầy một sọt. Về nhà ông cho đem vào bếp, pha uống thử thấy khá ngon, ông bèn cho để vào một góc bếp để pha uống dần. Một hôm cũng trà ấy, ông uống sao cảm thấy mùi vị rất lạ và rất ngon, khác hẳn mọi ngày. Ông thân hành xuống bếp tìm hiểu, mới biết đêm vừa qua, con a hoàn làm việc mệt nhọc ngủ luôn trong bếp, gần sọt trà; không biết vì sao sọt trà lại đổ ra và nó đã nằm ngủ trên đống lá trà. Ông khám phá ra, chính thân con a hoàn là hương vị đã ướp trà thêm thơm ngon. Sau đó ông sai gia nhân hái thêm trà và cho con a hoàn ngủ trên đống trà, tạo nên hương vị đặc biệt. Từ đó có Trà Trinh Nữ.

5. Trảm Mã Trà

– Trảm Mã Trà là loại trà mọc hoang lưu niên trên núi cao Vu Sơn tỉnh Tứ Xuyên, có tên cỏ trà Phương chi. Loại trà này có hương vị tuyệt vời, nhưng nó lại mọc nơi rất hiểm trở của núi Vu Sơn, mỗi năm nảy lộc một lần kéo dài một tháng có tiết trung thu rồi chết. Người sơn cước bản địa cũng gian nan mới hái được loại trà này.

Để dễ dàng việc thu hái trà thì người ta đã bỏ đói những con ngựa 2 ngày liền, sau đó chúng được thả rong, chạy vào trong rừng trà, đầy những búp non buổi đầu xuân. Chúng sẽ ăn những búp trà ngon lành cho tới lúc bụng no căng. Khi ngựa đã ăn no, tốp mã phu tập trung chúng lại dẫn xuống khe suối quanh núi. Nước suối ở đây do xác trà rụng xuống nát mủn, nước đặc sánh, màu đen nên được gọi là suối Ô Long. Ngựa vục đầu uống nước suối Ô Long thoả thích.

Sau đó, các mã phu cưỡi ngựa trở về điểm xuất phát. Họ cho ngựa đi nước kiệu đều đều, chậm rãi. Thời gian đi đường khoảng một ngày, đủ để búp trà trong bụng ngựa thấm với nước suối Ô Long lên men. Về đến nơi đã định, mã phu lập tức giết bầy ngựa, mổ bụng moi trà từ bao tử của ngựa ra,đem đến lò sao tẩm chế biến. Trà đã được ngựa nhai kỹ khỏi phải vò nát, nước suối thấm từ trong bao tử giúp trà giảm độ chát. Trảm mã trà vì vậy có hương vị độc đáo, độ chát vừa phải, thơm ngon.

– Truyền thuyết thứ hai cho rằng: Trong một buổi yến tiệc của cung đình dưới triều đại Từ Hy Thái Hậu, khi người đầu bếp sắp sửa pha trà, mới phát hiện ra một con ngựa sút chuồng đã ăn sạch tất cả Trà; không còn cách nào hơn là họ giết ngay con ngựa, mổ bụng lấy trà ra pha cho Thái Hậu và các quan dùng; không ngờ hương vị trà thơm ngon đặc biệt, được Thái Hậu khen thưởng. Thế là từ đó có Trảm Mã Trà. Dựa vào điều phát hiện lý thú trên, ở các vườn trà, nhất là vùng Vũ Di sáng sớm người ta thả ngựa ra cho ăn lá trà; khi nó ăn no rồi chặt đầu, mổ bụng lấy trà ra sao chế.

Trảm Mã Trà là món thức uống Từ Hi Thái Hậu thiết đãi các sứ thần Phương Tây trong yến tiệc mừng Tết Nguyên Đán 1874, nó còn có tên là Phương Chi thảo.

(Ngoài món trà trảm mã mà Từ Hi Thái Hậu thết đại các sứ thần, còn có sáu món vừa công phu vừa kỳ quái là: Sâm Thử, Sơn Dương Trùng, Tượng Tinh, Khổng Noãn, Não Hầu, Trư Vương).

6. Bạch Mao Hầu Trà

– Bạch Mao Hầu Trà: Bạch Mao Hầu là tên dùng chỉ một loài vượn lông trắng sống ở vùng núi Vũ Di, Phúc Kiến. Loài vượn này chuyên hái lá trà non trên núi để ăn nên tuổi thọ của chúng rất cao. Biết được điều này, dân trong vùng nuôi loài khỉ này để sai khiến chúng lên núi ăn trà. Vượn ăn trà không nuốt vào bụng ngay, mà dồn vào hai túi bên má. Khi về đến nhà chủ mới moi hai túi ấy ra lấy trà. Trà thấm chất dịch tiết trong túi đó nên rất thơm ngon và bổ dưỡng; trà này lại quý vì không thể sản xuất được nhiều. Người ta tin là uống loại trà này giúp tăng tuổi thọ vì nhiều con Bạch Mao Hầu phục vụ hai ba đời chủ mà vẫn còn khỏe mạnh nhờ ăn lá trà này.

Tên ngọn núi Vũ Di liên quan đến truyền thuyết trà Đại Hồng Bào.

– Trà Đại Hồng Bào danh tiếng của tỉnh Phúc Kiến cũng có một giai thoại. Thời vua Khang Hy nhà Thanh có một học trò nghèo lên kinh ứng thí; sau khi vượt ngọn núi Vũ Di sơn thì đói và mệt ngất xỉu. May nhờ có một vị sư đi ngang cho uống một thứ nước nên chàng sĩ tử này khỏe lại. Kỳ thi đó chàng thi đậu và được bổ làm quan. Nhớ nghĩa cũ chàng về nơi thọ nạn tìm kiếm nhà sư đó. Trong câu chuyện tạ ơn, chàng được biết đã được cứu mạng nhờ một loại trà. Xin được một ít, chàng hồi kinh nhậm chức và tiến vua lá trà đó. Đúng dịp đó hoàng thái hậu lâm bệnh nặng, các ngự y đều bó tay. Vua cho dùng thử lá trà đó thì thấy hiệu nghiệm và bệnh tình dần dần bình phục. Vua cảm kích ban thưởng cho một chiếc áo bào đỏ và từ đó trà này mang tên Đại Hồng Bào (Chiếc Áo Đỏ).

Trong câu chuyện này có nhắc đến núi Vũ Di Sơn, tên núi này cũng là một giai thoại. Vũ và Di là tên hai anh em bán hết tài sản, dọn nhà vào trong núi để đi tìm và thưởng thức trà quý. Hai anh em vào vùng núi này tìm ra loại trà độc đáo, sau này được vua Minh tặng cho áo bào đỏ -Hồng Bào như đã kể ở trên. Sau để nhớ công người Trung Hoa lấy tên hai ông đặt tên cho núi là Vũ Di, và loại trà này đặt tên là Trà Vũ Di Sơn.

7. Kỳ Môn Hồng Trà

Kỳ Môn Hồng Trà là loại trà đen nổi tiếng của địa danh Kỳ Môn thuộc tỉnh An-Huy, xuất hiện đầu tiên vào năm 1875. Hiện nay người ta phân biệt có mấy loại Kỳ Môn Hồng Trà là: Kỳ Môn Mao Phương, Kỳ Môn Tân Nha, Kỳ Môn Công Phu và Kỳ Môn Hào Nha. Loại trà cũng mang tên Kỳ Môn nhưng không xuất xứ từ vùng Kỳ môn là Hồ Bắc Kỳ Môn. Hồng trà sủi bọt là một sản phẩm trà đen của Đài Loan xuất hiện hồi thập niên 80 thế kỷ 20. Loại trà này có cho thêm sữa hay một chất phụ gia mang tính nhũ tương, khi lắc lên bọt lâu tan nên thành tên.

8. Trà Phổ Nhĩ

Trà Phổ Nhĩ là loại trà đen danh tiếng có lịch sử rất xa xưa cũng được gọi chính danh trà đen tại Trung Hoa, xuất xứ từ vùng Phổ Nhĩ, Vân Nam, nên đặt thành tên. Nhưng loại trà này cũng được sản xuất ở những nước sát Vân Nam như Lào, Việt Nam, Myanma. Nó ra đời cùng với con đường buôn trà “Trà Mã Cổ Đạo”. Trà Phổ Nhĩ là loại trà sản xuất bằng cách lên men trà xanh đã khô, vị giống như đất, có thời gian bảo quản rất dài (trung bình 1-5 năm, có khi đến 50 năm) và thường được coi là thuốc hơn là thức uống, vì được cho là làm giảm cholesteron, acid béo no và giúp giảm cân.

Trà phổ nhĩ được chia làm hai loại: loại tươi gọi là mao trà (hay còn gọi là sinh trà hay thanh trà); loại chín gọi là thục trà là mao trà qua chế biến lần nữa bằng cách cho lên men. Theo hình dáng Trà phổ nhĩ được chia làm các loại sau: bính trà, đà trà, thuẫn trà, phương trà, khẩn trà, kim qua trà …

9. Trùng Diệp Trà

Ngày xưa, vào đầu Xuân lá trà non mọc, các Thiền sư, đạo sĩ sành uống trà đến núi Ly Sơn, thuộc huyện Trường An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Hoa tìm các lá trà non bị sâu làm tổ, mang về chế biến, đặt tên là Trà Trùng Diệp. Còn nếu gặp phân của sâu ăn lá trà quí đem chế biến, được đặt tên là Trà Trùng Xí. Trà này rất ngon.

……..

. Nhận xét:

Ta thấy truyền thuyết của 3 loại trà Bạch Mao Hầu Trà, Trảm Mã Trà và Trùng Diệp Trà cũng tương tự như bên Cà- phê có Cà-phê cứt chồn, một loại cà- phê hảo hạng, rất đắt tiền: Con chồn hương lựa ăn những trái cà-phê chín ăn; khi trái vào bụng, nó chỉ tiêu hóa lớp vỏ ngọt bì ngoài, hột bên trong vẫn còn nguyên. Hột cà- phê, trộn với dịch chất trong bao tử chồn rồi theo phân ra ngoài. Mỗi sáng, người ta vào vườn cà- phê góp nhặt các phân chồn nầy, rửa sạch lấy hột, rồi sao ướp rang thành loại cà-phê thượng hảo hạng: Cà- phê cứt chồn. Các loại trà kể trên cũng giống vậy, lá cũng được trộn với dịch chất trong bụng ngựa, hoặc sâu hay trong túi má của khỉ bạch mao.


(Còn tiếp nhiều kỳ)                                                     

                                                                         Nguyên Lạc


READ MORE - TẢN MẠN ĐÔI ĐIỀU VỀ TRÀ (Kỳ 4) – Nguyên Lạc