MẠ
TÔI
* Viết về “Morther
's Day” - Ngày Hiền Mẫu (CN 10 tháng 5).
Mạ
- chiếc Áo Tơi tua, ôm vào gió lạnh
Mạ
- đôi chân chai, đôi guốc gỗ vẹt cùn
Mạ
- lúc nghiêng ngã vẫn bươn mình đứng dậy...
Chở
che Con ngay từ thuở nằm Nôi...
1.
Mấy cục kẹo bình dân được vắt, nặn ra làm bằng bột, đường
tán mía đen, hương vị gừng cay cay, tựa ngón chân cái... phủ lớp mỏng bột năng,
khi bán thường được gói bằng lá chuối khô. Ở các chợ xép nhỏ, đó là hàng quà
cho những trẻ con nghèo. Tôi,từ thuở chạy chập chững cho đến tận bảy tám tuổi, món
“kẹo gừng (kẹo Ú)” nầy luôn là “đặc sản”
quà dành cho tôi (và mấy đứa Em sau nầy) mỗi chiều tối Mạ đi bán rong về...
Cứ chạng vạng là tôi ra ngóng đầu đường...
Sinh quán ở Phú Kinh, Hải Hòa, Hải Lăng, Quảng Trị, làng
Mạ là một cồn nhỏ nằm gần biển, đất ruộng không được màu mở, vùng xôi đậu trong
chiến tranh, nên cảnh vật chẳng mang được dáng dấp tươi vui... Chưa đến tám tuổi,
ông Ngoại mất, là gái trong gia đình 3 con, Mạ nghỉ học, ra phụ việc đồng
áng... Đất ruộng ít, phải đi làm thuê làm mướn... Rồi gia cảnh ngày càng khốn
khó,17,18 tuổi Mạ cùng Bà Ngoại, rời quê làng vào Huế
theo vợ chồng người anh đang làm lính hiện dịch đóng trong Mang Cá. Lúc
bấy giờ, Mạ là thôn nữ, có duyên có sắc, Ông Bờ - cùng làng, gia thế cũng khá đánh tiếng nhờ người dạm hỏi,
Ngoại và Mạ dùng dằng chưa quyết định, phải vào Huế sinh sống. Hỏi thăm tình cảnh,
gia đình bác Chắc, bác Cẩm, người lao động chân chất, tốt bụng, ngụ cư lâu năm ở
trước cổng Nhà Thờ Tây Lộc, có miếng đất bên hông nhà, cho che một chái nhỏ, đi
kiếm tre, cắt tranh... để ở. Vài ngày sau, nhờ người chỉ dẫn giới thiệu, Mạ xin
được việc làm: lao động nặng nhọc: đổ,đúc “táp-lô” (mỗi viên khoảng 3x4 dm, tựa như hình thức đổ bê tông). Tính
theo sản phẩm, thường công nhân luôn luôn phải đứng giữa nắng gió... Làm được
vài tháng, dẫu là sức thanh nữ nhưng Mạ cũng đuối... Thời gian đó, đầu năm 1955, Mạ gặp Ba đi, về
cùng xóm, đang là Quân nhân Lái xe Công Binh, mấy tháng sau, duyên nợ, cùng lập
Gia Đình.
Dành dụm vốn liếng, Ba Mạ mua một đám đất nhỏ, được
bán giá rẻ, đó là đất tranh cằn cỗi, khoảng 12x15m, cạnh đường nhựa, phía bên cống
Vĩnh Lợi. Mạ chuyển công việc, xin làm Thợ phụ Xây Dựng, bưng bê Táp- lô, trộn
hồ (vữa)... Chiều tối về, những đêm có Trăng sáng, Mạ (có khi Ba cùng phụ) tẩn
mẩn cuốc những gốc rể tranh, sắp đá sỏi… sửa sang tu chỉnh đám đất...
2.
Tháng 3.1956, Mạ sanh con trai đầu lòng - là tôi. Khoảng
2, 3 tháng trước, mấy bác thợ trong tốp thấy Mạ mang thai đã lớn nên không cho
làm những công việc nặng nề, bảo chỉ thu xếp dọn dẹp những đồ đạc lặt vặt, đi
chợ nấu ăn cho hơn chục người đang tu sửa xây dựng lại ngôi Chùa của người Hoa ở
đường Chi Lăng. Chiều tối khi tan việc, nhóm thợ cho Mạ những rui, mè gỗ lim, kiền
cũ - phế liệu từ mái, lấy đưa về sử dụng... Tưởng tượng, sau một ngày làm việc
mệt nhọc, đoạn đường 5,6 cây số, với bầu bì, vác trên vai bó cây ngắn dài lấm bụi
hóng thời gian. Chủ nhật, những khi có thời gian rãnh rổi, tranh thủ được, Mạ
cùng Ba đi cắt tranh, chẻ hom, kiếm thêm cây, cột để làm ... Khoảng một tuần
trước khi sanh, “Gia đình” đã sở hữu được Đất và ngôi Nhà Mới, dù nhỏ; là người
“nhập cư” vừa từ Quảng Trị vào ở Huế 1, 2 năm trước, che tạm bợ chái lều bên vườn
đất nhờ, bây giờ đã thực hiện được mơ ước, từ vốn liếng chỉ là những đôi bàn
tay sạn chai, sự cần mẫn, tiện tặn, lao động đêm ngày, Mạ cùng Cha đã dựng được
tổ ấm của riêng mình...
Vừa thôi nôi, chập chững đi, bập bẹ nói, tôi được Mạ gởi
ông bà Chuộng, người già lớn tuổi, sống ở bên cạnh, giúp đỡ trông coi, chăm
sóc. Đòn gánh,t riêng gióng, với vài đồng
vốn liếng, Mạ bắt đầu “chạy chợ”. Cách nhà gần 2 cây số, có chợ nhỏ tên “Hậu Vệ
Ngũ” bà con thường gọi : chợ Cầu Đất. Ngoài các sạp hàng cố định có môn bài, đóng
thuế theo kỳ hạn, những người “buôn thúng, bán bưng” hôm nào có mớ rau, quả bầu,
rổ khoai, mấy cây mía, nải chuối xanh... muốn bán, cứ tìm nơi ngồi thích hợp,
chú nhân viên của chợ sẽ lòng vòng tìm đến để lấy tiền đóng phí bán buổi chợ, biểu
thị bằng con niêm tem nhỏ, đem dán trên nón, có ghi ngày tháng. Để tránh mất tiền
thu lệ phí chỗ ngồi, lại có thể mua bán được nhiều thứ thích hợp túi tiền, phong
phú theo phiên chợ, từ sáng sớm, Mạ đến chờ mua những món hàng mà bà con (thường
là người ở vùng quê ngoại thành) đem đến về chợ, ngã giá xong Mạ tất tả gánh
rong đi bán dọc đường, góc nầy nơi nọ, chẳng phân định nắng mưa, mệt nhọc thì
bóng mát nghỉ tạm, cho đến khi vơi cạn hết hàng, tôi còn nhớ, có nhiều hôm đến
chạng vạng Mạ mới về. Ước chừng, hằng ngày Mạ phải đi đây đi đó hơn cả chục cây
số...
Lê
Phước Sinh