(Viết theo lời kể của một người bạn)
Hái một nụ thơm em
Là bước đầu biết khổ,
Hái thêm lá em mở
Đau suốt đời ngẩn ngơ
Khi vẫn là hai bờ,
Một dòng sông ngang trái.
Hoàng Cầm (Duyên kiếp)
Tôi men bờ đi ngược nguồn sông Thạch Hãn ở khúc quanh An
Đôn. Sông Thạch Hãn bề ngang không rộng, nước không chảy cuồn cuộn mà lặng lờ
trôi qua như dòng thời gian trôi qua, lặng lờ đến nỗi không cho tôi kịp ý thức
ngày tháng đời tôi đã không còn bao lâu nữa. Tôi ngẫn ngơ nhìn dòng sông trong
khi niềm đau ngẩn ngơ ray rứt âm thầm trong lòng tôi bỗng cuồn cuộn dậy sóng,
vết thương lòng bỗng rỉ máu như ngày xưa tháng cũ của thuở ban đầu.
Quảng Trị quê tôi có mấy dòng sông, bé nhỏ mà tên ghi vào
lịch sử như sông Bến Hải, chảy siết quanh năm gây vất vả cho người gò lưng dọc
hai bờ kéo thuyền khách đi lên ngược dòng như sông Đông Hà, quê mùa nhưng ghi
vào ca dao như sông Ô Lâu:
Cây Đa bến Cộ còn lưa,
Mà người tri kỉ đi mô chưa chộ về.
Nhưng với tôi, sông Thạch Hãn là con sông đáng ghi nhớ nhất
vì ở đó chôn vùi kỉ niệm chua xót của một phần đời tôi. Không như trong ca dao,
người tình chờ đợi người tình cho dẫu mõi mòn vẫn hi vọng có ngày người tri kỉ
trở về, tôi chờ đợi nhưng biết chắc chắn chẳng bao giờ gặp lại được người tôi
yêu dấu trong thế giới này vì người tri kỉ của tôi đã bỏ tôi đi vào trong một
thế giới khác. Đứng bên bờ sông Thạch Hãn lúc này, tôi như đang về đến cây đa
bến cũ của lòng tôi với niềm đau chất ngất. Hoàng Cầm suốt đời ngẩn ngơ chỉ vì
người tri kỉ xa cách hai bờ một dòng sông ngang trái. Tôi suốt đời ngẩn ngơ vì
người tri kỉ của lòng tôi không phải chỉ xa cách đôi bờ mà đã một đi không bao
giờ trở lại, ra đi mang theo cả thời thơ ấu vụng dại của đời tôi với tình cảm
nhẹ nhàng như hơi gió thoảng qua, vô tội như loài người thuở hồng hoang chưa
biết thế nào là tội lỗi. Một nơi nào đó trong cõi u linh, trên chốn thiên
đường, tôi đoan chắc người đó đang kề cận người vợ yêu thương của tôi, cũng như
người đó, đã bỏ tôi ra đi một lần để không bao giờ trở lại nữa. Tôi mơ thấy hai
người tôi thương yêu nhất đời đang mỉm cười chờ đón tôi, không phải để nối lại
dây thân ái ô trọc của thế trần ô trọc, mà để tận hưởng niềm hoan lạc không bao
giờ mờ nhạt, không bao giờ chấm dứt, niềm hoan lạc tuyệt đối mà không một niềm
hoan lạc nào trên trần thế hợp tan này có thể so sánh cho bằng.
Nguyệt ơi, em bỏ anh
đi một lần để anh suốt đời cay đắng cho đến giờ đây hai thứ tóc đã pha trộn
trên đầu anh.
* * *
Làng An Đôn nơi tôi đang cư ngụ vào những năm 1930 còn đang là rừng rú “chim kêu vượn hót” nói theo
sáo ngữ quen dùng. Vượn thì tôi chưa nghe “hót” tại khu rừng quanh làng chúng
tôi, nhưng chim thì vô số, có cả chồn cáo rắn rết và nhiều loại thú không hiền
lành. Mạn trên làng trải dài một khu rừng mênh mông, con nít như tôi không thể
biết được đâu là ranh giới. Người lớn nói rừng sâu có cọp, beo, và cả voi nữa.
Các loại thú hung dữ to lớn đó làm lũ con nít chúng tôi chỉ nghe tên thôi cũng
đã co rúm người lại, nghịch ngợm cách mấy cũng chẳng dám héo lánh vào rừng. Lúc nhỏ, vì không hề nghe cọp gầm
voi hú ở quanh đây bao giờ, tôi nghĩ người lớn nói thế để hăm dọa không cho
chúng tôi đi sâu vào rừng sợ không may lạc đường mất lối. Lớn lên thêm một
chút, tôi biết người lớn nói thực, vì đi ngược lên hướng tây hai ba chục cây số
là đến vùng Nam Đông, Nam Tây, Cam Lộ, nằm ở sườn đông rặng Trường Sơn. Từ đó,
theo hướng tây băng qua đèo Lao Bảo là đến vùng ba biên giới Việt-Miên-Lào. Tôi
đã từng được theo đoàn người giàu có từ dưới thị xã đi săn bắn ở khu rừng phía
bắc An đôn, cho dẫu người ta chỉ cho phép tôi ngồi trên xe đậu bên đường để giữ
xe cho họ. Một lần săn được một con voi lớn, họ chỉ lấy cặp ngà, bỏ nguyên thịt
voi lại cho cả làng chia nhau tùy ý. Mẹ và anh chị tôi đều đi làm vắng nhà, tôi
rủ Nguyệt rồi hai chúng tôi hăm hở theo người khác đến nơi cắt thịt đem về. Trẻ
dại chẳng biết thịt nào ngon thịt nào dỡ, nhất là thịt voi chưa từng nếm tới,
tôi cắt chẳng biết chỗ thịt nào trên mình voi mà khi nấu chín lên, chẳng ai
trong gia đình tôi nhai nỗi một miếng. Đúng là dai như … voi.
(Còn tiếp)
Trần Hữu Thuần
Nguyệt là cô bé gái ở cạnh nhà tôi. Tôi chơi thân với Nguyệt
không hề phân biệt trai gái. Chẳng hiểu tôi với Nguyệt tại sao lại quen nhau,
quen nhau từ lúc nào, bắt đầu quen bằng chuyện gì. Khi đủ khôn lớn để chơi đùa
chia vui sẻ buồn với nhau, hai đứa lại càng thân thiết khắng khít bên nhau, gần
như nửa bước không rời. Trừ lúc ăn lúc ngủ hoặc phải đến trường, hiếm khi người
ta thấy đứa này mà không thấy đứa kia. Hai chúng tôi thân nhau đến nỗi trừ hai
gia đình và bà con họ hàng, mọi người đều nghĩ là anh em ruột thịt. Tôi không
nhớ đã có lúc nào ngủ bên cạnh Nguyệt tại nhà Nguyệt để mạ Nguyệt phải bế tôi
về nhưng Nguyệt đã ngủ nhiều lần cạnh tôi ở nhà tôi để mạ tôi phải bế Nguyệt về
giao cho mạ Nguyệt. Càng lớn lên, hai chúng tôi càng quấn quít nhau hơn cả anh
em ruột thịt. Anh trai em gái ruột thịt hiếm khi hết sức khắng khít nhau. Phải
chăng đó là một đặc tính trời định sẵn nhằm tránh tình cảm bất chính riêng tư
nẩy sinh giữa máu mủ ruột thịt? Thêm vào đó, hai đứa càng thân thiết nhau hơn
khi hai bà mẹ coi nhau như chị em ruột thịt, hai đứa đều là con út, cả hai đều
mồ côi cha, ít nhất tôi nghĩ thế về phần tôi.
Lớn lên một chút, đến độ tuổi chín mười, tôi bắt đầu nhận ra
sự khác biệt giữa Nguyệt và tôi. Sinh sống ở miền quê, tôi và đám bạn trai gái
cùng trang lứa kể cả Nguyệt gần như suốt ngày chạy nhảy ngoài trời. Thế nhưng,
trong khi chúng tôi da tóc nắng cháy, Nguyệt vẫn mang dáng dấp thanh thoát của
một cô bé thành thị, da dẻ mịn màng trắng hồng, khuôn mặt bầu bĩnh với đôi mắt
đen nháy mà người lớn gọi là đôi mắt hột nhãn lúc nào cũng long lanh như đang
mỉm cười. Đặc biệt, mái tóc Nguyệt dày đen huyền chảy dài phủ xuống hai vai
không như tóc đám bạn nguyệt, đứa lủn củn lơ thơ, đứa vàng hoe cháy nắng. Khi
lớn lên, mỗi khi nghe ca tụng mái tóc thề của con gái xứ Huế, tôi lại âm thầm
nhớ đến mái tóc yêu kiều của Nguyệt. Tôi hơn tuổi Nguyệt vài tháng một năm gì
đó, khó ai biết rõ vì người Việt tính tuổi bằng năm Tị năm Mùi truyền thống.
Người ta đếm ngón tay Tí Sửu Dần Mão bao nhiêu con giáp rồi nói tuổi. Bé mở mắt
chào đời đã được tính một tuổi, tính cả thời gian nằm trong bụng mẹ. Lớn lên,
tôi cho rằng cách tính tuổi của người Việt là một điểm son vì mặc nhiên công
nhận đứa bé tượng hình trong bụng mẹ đã thực sự là một con người, không cần
phải là người Công giáo hoặc người theo phe ủng hộ sự sống để tin là thế.
Gia đình tôi sáu người gồm mạ tôi, chị đầu, anh thứ hai, chị
thứ ba, chị thứ tư, và tôi là em trai út. Từ khi biết phân biệt người quen kẻ
lạ, tôi chưa bao giờ thấy cha tôi nên nghĩ tôi đã mồ côi cha. Có lần tôi tò mò
hỏi, mạ tôi chỉ thở dài rồi bảo đợi lớn tí nữa mạ nói cho nghe. Người Bình Trị
Thiên chúng tôi không gọi nhau bằng thứ tự Cả, Hai, Ba như người Bắc, cũng
chẳng gọi bằng Hai, Ba, Tư như từ Quảng Nam đổ vào Nam. Con cái lớn nhỏ đều
được cha mẹ gọi thẳng bằng tên, xấu đẹp do cha mẹ đặt cho, thậm chí cả tên nghe
thô tục với lí do để tránh ma bắt. Đàn bà có chồng được gọi bằng tên chồng, ít
ai biết tên thật là gì nếu về làm dâu làng khác. Vợ chồng khi có con sẽ được
xóm giềng gọi bằng tên đứa con đầu lòng, vì thế con cái lớn lên nhiều khi không
biết tên thực của cha mẹ. Đây không phải là một thiếu sót mà là một phong tục,
phong tục kị tên kị húy, người dưới không được phép gọi tên người trên, con cái
khi gặp từ ngữ trùng tên tổ tiên ông bà cha mẹ còn phải nói hoặc đọc trệch sang
từ khác, cha mẹ đặt tên con không được phép trùng lấp với ai trong dòng tộc,
thậm chí còn cả họ cả làng. Người Bình Trị Thiên kị húy không chỉ gia đình vua
quan, mà tất cả mọi gia đình không phân biệt sang hèn. Đó cũng là một đặc điểm
không mấy nơi khác giống như vậy.
Năm tôi lên năm tuổi, một hôm thật tình cờ, mạ tôi kéo tôi
chạy vội chạy vàng ra đứng dưới bốn chục bậc cấp lên nhà thờ An Đôn đón một
người đàn ông ốm yếu bệnh hoạn đang đỗ xe kéo bước xuống. Mừng rỡ kéo tôi chạy
lại bên người đàn ông đó, mạ bảo đó là cha tôi. Tôi ngỡ ngàng nhìn lên người
đàn ông xanh xao ốm yếu đang cúi xuống ôm chầm lấy tôi. Thì ra tôi không mồ côi
như thường nghĩ. Mạ tôi giục:
“Con không mừng cha răng?”
Tôi trả lời lắp bắp:
“Có chơ, con mừng cha chơ.”
Mạ tôi đưa hai tay ra như muốn ôm lấy người đàn ông nhưng
rồi ngập ngừng buông thỏng hai tay xuống. Đàn bà phương Đông như mạ không quen
biểu lộ tình cảm ra bên ngoài. Tôi không nhìn người đàn ông nữa mà nhìn chằm
chặp vào mặt mạ như muốn mạ cho tôi một dấu hiệu chứng thực mạ đang không đùa. Như
hiểu ý tôi, mạ tôi nhắc lại:
“Cha con đó.”
Trong vòng tay người được gọi là cha tôi, quả thực tôi có
chút mừng rỡ vì từ nay không còn sợ bị chê là con mồ côi nữa nhưng chưa thực sự
cảm thấy chút rung động tình cha con nào trong lòng tôi. Không chỉ riêng tôi mà
cả hai người chị liền trước tôi cũng không thấy biểu lộ xúc động cuống quít khi
gặp lại cha tôi. Chẳng khác tôi, hai chị cũng đã thiếu vắng tình cha con trong
quá nhiều năm tháng để còn biết tình cảm đó là gì và như thế nào. Tình cha mẹ
con cái cho dẫu thiêng liêng vẫn cần có cơ hội và thời gian phát triển đủ lớn
mạnh để gây nên xúc động. Con cái bị cho làm con nuôi người khác thường không
tìm được tình cảm tự nhiên gắn bó với cha mẹ đẻ như đã từng có với cha mẹ nuôi.
Trong khi đó, cha tôi thực sự vui mừng khi nhìn thấy lại mạ tôi, anh chị tôi,
và nhất là tôi, đứa con út mà cha chỉ gần gủi lúc tôi còn chưa biết gì. Cha ôm
tôi vào lòng, đưa ra cho tôi một chiếc hộp gỗ nhỏ mà nắp có khe đẩy ra đẩy vào,
trên nắp đã đục sẵn nhiều lỗ thông hơi nhỏ. Làm sao cha biết tôi thích chơi dế?
Tôi ôm trong hai tay cái hộp đựng dế tuyệt vời, lòng thầm nghĩ nhờ nó tên tuổi
tôi sẽ nổi bật hơn lên trong “làng” đá dế mà tôi vốn đã là một trong vài tay cự
phách. Nhìn thấy nó, chắc chắn đám bạn tôi không đứa nào giấu được nỗi mơ ước
thèm khát .
Không may, niềm vui không mồ côi cha của tôi không kéo
dài được lâu. Mấy tuần sau ngày sum họp
lại với gia đình, cha tôi bệnh liệt giường rồi qua đời vì không qua khỏi được
cơn bệnh nặng ông đã mang sẵn trong người.
Những ngày cha tôi nằm liệt một chỗ, ba chị em chúng tôi vẫn chưa nẩy nở
đầy đủ tình cảm cha con trong lòng. Hằng ngày, mạ và anh chị lớn của tôi phải
đi làm kiếm sống, hai chị kế tôi có bổn phận trông chừng cha tôi và cả tôi ở
nhà. Thế nhưng, để khỏi buồn chán, thay vì ở nhà trông chừng cha, hai chị dẫn
tôi lên nhà thờ An Đôn đánh “thẻ” trong
khi tôi lủi thủi chơi một mình. “Đánh thẻ” là trò chơi con gái trổ tài khéo léo
bằng cách bắt gom và múa may một bó đũa trong khi vật để đo lường thời gian
được tung lên trời, rơi xuống chạm đất rồi nẩy lên như một quả banh hoặc chưa
chạm đất nếu không thể nẩy lên được như trái ổi hoặc cục đá, viên sỏi. Người
hoàn tất mọi động tác qui định trước sẽ phạt người chưa hoàn tất bằng cách dùng
bó thẻ đánh vào bắp chân, cũng theo thời gian vật đo lường rơi xuống, đánh bao
nhiêu cái mỗi lần và bao nhiêu lần cũng tùy qui định.
Được ai đó đã báo tin cha tôi đang hấp hối ở nhà, cha Sở,
linh mục coi sóc giáo xứ chúng tôi, đã xuống lo liệu nghi thức cuối cùng cho
cha tôi theo lệ của người Công giáo. Khi trở về lại nhà thờ, tình cờ đi ngang
qua thấy hai chị tôi vẫn còn mãi mê đánh “thẻ,” cha mắng:
“Lũ bay, không biết chi răng? Cha bây sắp chết rồi, chạy kêu
mạ bây về liền đi.”
Lớn hơn một chút nên hiểu chuyện hơn, chị thứ ba của tôi
chạy vọt đi tìm mạ và chị lớn của tôi trong khi chị thứ tư lật đật dẫn tôi về
nhà. Anh trai tôi, sau thời gian tu Dòng nhưng không được chọn đã quay về nhà
rồi giúp cha Sở An Đôn trước cha Sở hiện tại. Anh tôi đã đi theo khi cha Sở
trước đổi đi giáo xứ khác nên không có mặt ở nhà lúc cha tôi hấp hối, mấy hôm
sau mới về nhà khóc cha. Ngày đưa tang cha tôi, gia đình tôi mặc áo tang vải xô
trắng ngà ngà đi theo sau quan tài. Mạ Nguyệt và một vài thân nhân đi theo sau
gia đình tôi. Nguyệt không đi cùng mạ Nguyệt mà đi cạnh tôi. Mạ tôi tru tréo
khóc lóc. Các chị cũng tru tréo khóc lóc. Anh tôi cũng khóc. Tôi cũng khóc
nhưng chỉ chút ít, khóc vì thấy mạ và các anh chị tôi khóc hơn là vì thương
tiếc đã mất cha. Nguyệt cũng khóc thật nhiều mà tôi chẳng hiểu tại sao vì thực
sự Nguyệt chẳng mất mát gì như chúng tôi mất cha để phải khóc lóc. Có phải
Nguyệt khóc vì lây vì tiếng khóc của mạ của anh chị tôi, hoặc tại thấy tôi
khóc?
(Còn tiếp)
Trần Hữu Thuần