TRANG THUẦN TÚY VĂN HỌC NGHỆ THUẬT CỦA NGƯỜI QUẢNG TRỊ VÀ NGƯỜI YÊU MẾN QUẢNG TRỊ.
Chúc Mừng Năm Mới
Sunday, January 16, 2022
CỘI MAI GIÀ - Truyện ngắn Lê Yên
CỘI MAI GIÀ
Truyện ngắn
LÊ YÊN
Tháng chạp về,
khoảng thời gian những người con xa quê nôn nao, vội vã trên đường đi làm với từng
cơn gió se lạnh cuối đông. Cơn gió ngang qua con phố, luồn lách hẻm nhỏ Sài Gòn
như thầm thì hối thúc… Sắp tết rồi! Trong tâm những người ly hương, ai cũng muốn
trở về. Dừng lại những lo toan đời thường, hướng về cội nguồn. Về quê, sao nghe
thương lạ, đâu cũng là nhà, nhưng quê chỉ có một. Xóm nhỏ nhà tôi rộn ràng hẳn
lên, ai cũng sửa sang, dọn dẹp, chuẩn bị đón tết. Ông bác bên cạnh sớm mơi chăm
sóc chậu Mai kiểng, ông tính thời gian để lặt lá cho Mai nở đúng theo ý mình.
Hình ảnh đó làm tôi nhớ Cha với cây Mai trồng thẳng xuống đất cạnh cửa sổ phòng
khách.
Không biết còn được bao nhiêu mùa Xuân, cùng cha ăn tết khi tuổi già đến rất nhanh. Người cha lúc còn trẻ minh mẫn với đôi mắt sáng quắc, tiếng nói sang sảng, cảm giác như ý chí bên trong, vượt qua thể xác để áp đảo đối phương, nhìn cha oai lắm. Tất cả mòn đi như nắng chiều. Cha ngồi trước hàng hiên lặng lẽ, đôi mắt dõi xa trở về ngày còn mẹ, cha hay nhắc: Mẹ thế này… thế kia… Với đầy ắp yêu thương.
Hồi mẹ sanh tôi
ra, vào mùa Xuân, khí trời ấm áp, bừng sáng, còn tôi cứ ốm yếu lắt lay. Được
ông ngoại đặt cho cái tên xấu xí, theo như ông ngoại vậy cho dể nuôi. Cha đi
lính không có nhà. Sau lần về phép, cha đặt lại tên cho tôi còn nói với mẹ: “Nó
con gái, đặt tên cho dễ nghe một chút.” Vội vàng với ba ngày phép cha trở về
đơn vị. Tôi nhớ mãi lời mẹ kể, đó là việc làm tốt đẹp đầu tiên cho con gái.
Trong nhà chỉ mình tôi có hai cái tên. Lớn lên tôi dần quen với việc này, không
còn thấy ghét cái tên không đẹp, chấp nhận nó như một phần của bản thân.
Khi tôi có trí
khôn cha được về làm việc gần nhà. Người
đàn ông như thành lũy bảo vệ gia đình. Nhà đông con, mẹ tất tả, mọi việc đều
nghe theo cha sắp xếp. Tánh cha kỹ lưỡng, sạch sẽ, từ cái mẩn ngứa bị con gì cắn
trên chân tôi, không phải chỉ xức dầu là xong, cha làm vệ sinh, sát khuẩn cẩn
thận. Chị em tôi lỡ trầy xước, chảy máu không dám kêu, vì sợ cha xử lý vết
thương. Cha luôn nghiêm khắc, dạy dỗ khiến chúng tôi không dám gần dù trong bụng
thương lắm.
Quê tôi chiến tranh. Cuộc chiến khốc liệt khiến
chúng tôi phải bỏ lại tất cả, cha đưa cả nhà cùng đoàn người chạy giặc. Khi tiếng
súng tạm yên, quê hương tan tác, có người trở về. Gia đình tôi theo đoàn đi
mãi, đến một vùng đất mới, không có lũy tre, không có đường mòn giữa lòng thôn
xóm. Những con đường bàn cờ nối liền, diện tích mỗi lô gia cư giống nhau, nhà
giống nhau. Chúng tôi có một quê hương thứ hai. Xây dựng, phát triển còn cần thời
gian phía trước… (Về sau, quê hương thứ hai đã để lại thật nhiều thương nhớ, chị
em chúng tôi đã trải qua khó khăn với ý thức tuổi lớn trên vùng đất này…)
Cha trở lại công
việc của một người công chức cần mẫn. Tôi nhìn cha mình như một hình mẫu lý tưởng.
Sự mạnh mẽ của cha khiến mẹ tựa chiếc bóng bên cạnh. Tôn nghiêm từ người đàn
ông khiến người phụ nữ của mình trở nên thụ động… "Con cái phải học hành
nghiêm túc". Có lẽ đó là cách cha thể hiện trách nhiệm, yêu thương vợ con.
Thời gian đó chỉ
được mấy năm, biến động xã hội nhiều thay đổi. Cha đi học tập cải tạo. Tôi được
mẹ cho đi thăm mấy lần, mỗi lần một địa điểm khác nhau. Tôi thấy cha mình già
đi rất nhiều. Làn da sạm nắng, ánh mắt sáng quắc hun hút sâu mệt mỏi. Cha nắm
tay mẹ, xoa đầu tôi nói: “Cố học nghe con.” Trên đường về, mẹ với đôi mắt đỏ
hoe, tôi lặng yên không nói, nghe thương cha quá đổi.
Nhiều năm sau,
cha về nhà. Vốn tánh cha ít nói, bây giờ càng ít nói hơn. Mảnh đất nhỏ trong lô
gia cư cha gieo trồng kín khắp, Cha cần làm việc không chỉ vì mưu sinh, còn để
giải tỏa... Vào rừng khai hoang đất làm rẫy, một thời gian với vụ mùa thu hoạch,
khoai, sắn, bắp, đậu đầy nhà. Cha mua được cộ xe bò, con bò to khỏe theo cha mỗi
ngày đi rẫy. Hồi đó ai có được con bò kéo xe là đỡ lắm. Mùa hè khi mặt trời
chưa lên, chị em tôi được cha đánh thức, đoạn đường dài cho chúng tôi nằm co ngủ
thêm được một giấc, cỗ xe lắc lư, gập ghềnh. Cha tự do trên nương rẫy của mình,
xiềng xích nào đó bên trong bật tung khi cha chặt cây, phát cỏ.
Cha dạy chị em tôi làm, vồng khoai phải sửa lại cho đến khi thẳng tắp, đất đều hai bên. Đúng giờ mới được nghỉ. Đến giờ cơm trưa dưới bóng mát của cây rừng có tán rộng, dây leo che phủ, trên tảng đá bàng lớn, bữa ăn đơn giản kèm khoai, sắn. Lời cha nói cứ vẳng theo tôi tận sau này: “Tại sao cha bắt tụi con phải làm như vậy? Khi làm bất cứ việc gì hãy đặt tâm tư vào đó, làm tốt nhất có thể.” Trên đường về, xe bò chở đầy củi, rau trái. Chị em tôi đi bộ cùng cha trên đoạn đường dài mấy cây số. “Không được than mệt, quên nó đi.” Cha hay la như thế mỗi lần tôi nhăn mặt, rên rỉ. Cha rèn con như rèn lính.
Chúng tôi trưởng
thành, cha già đi. Những đứa con gái lấy chồng xa, mỗi năm về thăm nhà một lần
vào dịp tết. Đó là khoảng thời gian mỗi ngày tôi cảm thấy thật đáng trân quý thời
gian ít ỏi bên cạnh gia đình lớn… Nhìn cách cha mẹ chăm sóc nhau, cảm giác họ
yêu nhau nhiều lắm! Cuộc đời mẹ đã trao trọn cho cha, thì đâu nhất thiết trong
nhà phải có hai mặt trời, mẹ chọn làm cây cỏ để nhận sự ấm áp từ mặt trời của
mình, đó là cha. Tình yêu giữa cha mẹ đã chuyển qua trạng thái “thương” nó lớn
hơn tình yêu ở mặt thấu hiểu, cảm thông, đầy trách nhiệm. Cha pha cho mẹ ly sữa
lúc mẹ ốm, nhìn thấy mẹ rùng mình khi cố gắng uống hết ly sữa, nhưng lấp lánh
trên khuôn mặt đó một sự tin tưởng, hạnh phúc. Bên khung cửa sổ, cha chải tóc
cho mẹ, mái tóc dài đen mượt bây giờ đã bạc màu. Tình thương giữa họ chỉ thêm
chứ không bớt.
Tết truyền thống
nhà tôi. Mứt gừng, bánh thuẫn, dưa món phần mẹ lo, riêng bánh tét chỉ có cha
gói là nhất xóm. Mẹ chuẩn bị lá chuối, đậu xanh, thịt ba rọi làm nhân. Nếp được
sàng sảy, lượm không còn một hạt sạn, nhất là những hạt sạn trắng nằm lẫn trong
nếp. cha nói: “Miếng bánh trong miệng mất ngon nếu nhai trúng hạt sạn.” Ngồi
trên chiếc chiếu được trải thêm miếng ni lông với đủ nguyên liệu, với một cái mẹt
to, cha bắt đầu gói những chiếc bánh tét chắc nịch, tròn vo. Người đàn ông
thích sự hoàn hảo làm việc gì cũng tốt nhất.
Đêm 29 tết, cha bắt bếp, đỏ lửa. Bầu trời đêm
đầy sao với tầm mắt không hạn chế như ở thành phố, gió đùa ngọn lửa cười rúc
rích, cha lấy tấm tôn mỏng đập dẹp sóng rồi che quanh vì nấu giữa trời. Có một
điều rất lạ, không sờ nắn được nhưng thật rõ ràng… Đó là tình thân! Vì người
thân, ta có thể làm được rất nhiều chuyện. Sẻ chia, hy sinh, đau khổ. Dù thời
gian có qua bao lâu với thăng trầm, vỡ nát, xin giữ lại tình thân. Có thể coi
đó là nhà để trở về bên mâm cơm, ly rượu, khi ngoài kia mệt mỏi, cần được chút
nghỉ ngơi.
Đêm, thức canh lửa
nồi bánh tét, ánh lửa hắt lên bóng cha như cội mai già sần sùi chỉ còn vài chiếc
lá với thời gian, hai mặt sáng tối cuộc đời cha đi qua quá đủ với những điều bất
đắc chí. Vì gia đình, vì con cái cha đã làm tốt nhất có thể… Vẫn âm trầm nhưng
yêu thương thì vô kể.
Bữa cơm đoàn
viên ngày 30 trên bàn có đĩa bánh tét thật đẹp mắt, miếng bánh chắc nịch, vòng
ngoài xanh màu lá chuối, thịt ba rọi tươm chút mỡ bóng khi được cắt trông hấp dẫn,
một bàn thức ăn gồm nhiều món ngon đủ hương vị tết, quay quần trước bàn thờ tổ
tiên, con cháu rộn ràng. Cha ngồi ở ghế trang trọng nhất, bên cạnh là mẹ. Cha
lúc nào cũng áo sơ mi đóng thùng, bộ đồ tây với đôi giày tây. Bữa cơm ấm áp làm
cha nhớ lại cảm giác mình là người chủ gia đình bận rộn những ngày con còn nhỏ.
Sào bánh tét cha phơi từng cặp để làm quà cho các con sau tết, bánh cha gói kỹ
nên lâu hư, cùng nhiều quà quê khác từ vườn nhà.
Nhiều năm sau mẹ
bịnh, cha chăm sóc mẹ một thời gian. Mẹ qua đời, bên cạnh cha chỉ còn chị cả.
Căn nhà trở nên quạnh quẽ hơn, sự cô đơn khi mất đi người bạn đời khiến đôi vai
cha sụp xuống, tấm lưng không còn thẳng nữa. Mỗi ngày ngoài thời gian đi đến
nhà thờ, cha với chiếc xe đạp, cột phía sau cây chổi, cái cuốc nhỏ, một xô nước
với giẻ lau, đi ra nghĩa địa. Mộ của mẹ màu trắng nỗi bật giữa những ngôi mộ
khác, người ta làm sậm màu cho sạch, cha nói: “ốp gạch trắng để còn thấy dơ mà
lau.” Những đứa trẻ chăn bò khiến cha bận rộn. Nghĩa trang ở quê, không đồng nhất,
ai cũng có thể làm theo ý mình. Bình hoa tím cạnh khung ảnh xao xác giữa mênh
mông đất trời. Cha bên cạnh mẹ không sót ngày nào dù đã âm dương cách biệt.
Nồi bánh tét nhiều
năm sau, chị chuẩn bị nguyên liệu cho cha gói. Quà tết cha dành cho các con
luôn không thiếu.
Đêm hun hút trời sâu, giữa cái lạnh se se, ngồi
cạnh cha bên bếp lửa tí tách. Nghe cha kể đủ chuyện, rồi chợt ngưng lại giữa chừng
nói: “Mẹ con thích ăn bánh tét phần không nhân ở hai đầu.” Tôi nghẹn lòng, quay
qua ôm cánh tay gầy nói: “Cha nhớ mẹ rồi. Có muốn con đọc thơ cho cha nghe
không?” “Con viết về mẹ hử? đọc đi, cha nghe.” “Vậy cha lắng nghe nha!”
Chiều cuối năm
nhớ mẹ
Chiều cuối năm
gió đông vờn tóc mẹ
Sợi hao gầy sợi
rơi nhẹ bờ vai
Manh áo thô đã
phai màu xuân úa
Mẹ bây giờ lo chạy
bữa nuôi con
Chiều cuối năm mẹ
trong lòng vội vã
Lo hũ gạo, hũ muối
đã đầy chưa?
Lo quần áo các
con vui mấy đứa
Đôi chân trần kịp
dép mới mẹ mua.
Chiều cuối năm mẹ
ngóng cha đầu ngõ
Bụi mai vàng mẹ
nhặt lá chờ xuân
Xuân này nữa là
bao xuân đã hết
Mẹ ôm con mà nước
mắt nửa chừng
Mẹ ngày xưa bây
giờ đâu còn nữa
Con bây giờ tóc
đã nhuốm màu mây
Gió đông sang
con nhớ xưa tiễn mẹ
Một chuỗi buồn lất
phất giọt mưa lay
Đường trần đi gối
mòn qua mấy bước
Đêm xuân về tròn
giấc mộng cố hương
Buông tay ra rệu
rã phù vân lạc
Ngày trở về đọng
lại tiếng yêu thương
Chiều cuối năm con bồn chồn trong dạ
Đường về quê còn lại bóng cha già
Chiều vợi buồn hiu hắt một nhành mai
Cha đứng tựa ngóng con về cuối ngõ.
Giọt nước mắt lăn trên khuôn mặt nhăn nheo, cha cúi xuống cầm thanh củi đang cháy dở, cời cho lòng bếp rộng ra lẩm bẩm “Củi này nhiều khói quá!” Lòng đêm có sâu như tình yêu cha dành cho mẹ, để nỗi nhớ cứ đầy vơi theo tháng ngày. Quay sang tôi cha bảo: “Con vô nhà nghỉ đi.” Nhìn cha một thoáng tôi chợt hiểu, cha muốn ở một mình với ký ức ngày cùng mẹ canh lửa nồi bánh tét. Tôi trả đêm cho cha, bước vào nhà với chút lo lắng…
Thỉnh thoảng tôi
nhận được thư cha viết, những dòng chữ nghiêng nghiêng rất đẹp. Trong thư ngoài
những điều thăm hỏi, cuối thư vẫn là “Khi nào gia đình con về?” Cha không nghe
điện thoại được vì đã lãng tai. Những cánh thư đi về khiến cha vui hơn với sự
chờ đợi.
Cha như cội mai già bên cửa sổ phòng khách, cố gắng đẩy chút nhựa sống nở một vài bông hoa báo hiệu tết mới. Trong tôi những bông hoa ít ỏi đó như mùa xuân rực rỡ ngập tràn nhựa sống yêu thương một đời cha cho đi. Mong cha như cội mai già còn mãi, chờ con về ngày cuối chạp se chút gió đông./.
Sài Gòn- Ngày giáp tết 2021
LÊ YÊN
PHẠM NGỌC THÁI VỚI BÀI THƠ TRĂNG TRỐI - Việt Phương
CHẾT CŨNG CHỈ NHƯ GIẤC NGỦ
Không than vãn, lòng chẳng hề hối tiếc
Nắm tro tàn. Thôi thế, đã là xong!
Cũng chỉ như giấc ngủ mơ màng
Đời sống vậy, đủ rồi! Em yêu mến.
Nghiệp đã làm xong, chẳng còn chi vương vấn
Tình cũng tàn, năm tháng kiếp phôi pha
Thì em ơi! Ta nằm xuống dưới mồ
Thanh thản chết, có gì đâu phải nghĩ.
Hồn thi sĩ, xin mang thơ gửi đời làm tri kỷ
Chốn trần gian sẽ ngợp áng thơ ta
Chỉ chia tay có thân xác thôi mà
Tình yêu ta còn muôn đời bất tử!
Cõi thế gian: Âu cũng kiếp đoạ đày phận số
Tiếc làm chi? Sống mãi chỉ mệt thân
Mãn nguyện rồi, cần chi nữa phân vân
Ta nằm xuống hoá mình vào “kinh thánh”!
Ta đã yêu em suốt đời trong hư ảnh
Dù có thời cũng sung sướng, đê mê
Nhưng tình em khác gì những chiếc lá bay kia?
Để năm tháng dài, hoang ru ta nơi bến lạnh.
"Tình và tiền"!
Tiếng nói đó làm trái tim đàn bà hưng phấn
Phụ nữ cả thế giới này, họ quí như nhau
Nhưng nếu ít tiền, tình cũng hóa cô liêu
Giọt lệ thi nhân,
anh rỏ lên những trang thơ đời, làm liều thuốc ngủ.
Phạm Ngọc Thái
Lời bình: Trước khi từ giã cõi đời ở Gành Ráng (Qui Nhơn), thi nhân Hàn Mặc Tử đã để lại những lời trăng trối:
Ta trút linh hồn giữa lúc đây
Gió sầu vô hạn nuối trong cây
Còn em sao chẳng hay chi cả
Xin để tang anh đến vạn ngày
Xuân Diệu thì nhắn nhủ lại đời, rằng:
Hãy để cho tôi được giã từ
Vẫy chào cõi thực để vào hư
Trong hơi thở chót dâng trời đất
Cũng vẫn si tình đến ngất ngư
Pushkin thi hào Nga vĩ đại đã viết:
Nơi đàn thơ thiêng liêng ta không chết!
Hồn ta còn sống mãi chẳng tiêu tan
Và trên đời dù chỉ còn một thi nhân
Danh tiếng ta vẫn còn vang mãi mãi…
“Chết cũng chỉ như giấc ngủ” của Phạm Ngọc Thái, cũng thuộc dạng bài thơ trăng trối như thế!
Hồn thi sĩ, xin mang thơ gửi đời làm tri kỷ
Chốn trần gian sẽ ngợp áng thơ ta
Chỉ chia tay có thân xác thôi mà
Tình yêu ta còn muôn đời bất tử!
Thi nhân thản nhiên để chuẩn bị cho mình đi vào cõi vĩnh hằng. Bài thơ đạt đến sự chí lí về cả nghĩa và tình. Ngay mấy câu mở đầu, ta thấy tâm trạng nhà thơ coi cái chết rất nhẹ nhàng:
Không than vãn, lòng chẳng hề hối tiếc
Nắm tro tàn. Thôi thế, đã là xong!
Cũng chỉ như giấc ngủ mơ màng
Đời sống vậy, đủ rồi! Em yêu mến.
Mặc dù anh viết: Nắm tro tàn. Thôi thế, đã là xong! /- Nghe có vẻ như rũ bỏ? nhưng không phải. Sở dĩ lòng Người sẵn sàng ra đi thanh thoát vậy, ở trong đoạn thơ hai đã giải thích:
Nghiệp đã làm xong, chẳng còn chi vương vấn
Tình cũng tàn, năm tháng kiếp phôi pha
Thì em ơi! Ta nằm xuống dưới mồ
Thanh thản chết, có gì đâu phải nghĩ.
Vâng, thêm một lần nữa, Phạm Ngọc Thái đón nhận cuộc đi vào vĩnh cửu… thật ung dung. Bởi anh biết, sự nghiệp thi ca cùng tên tuổi anh để lại cho đời... sẽ không bao giờ chết. Nhà thơ có nằm xuống dưới mồ, thì đâu phải “tất cả đã là xong”? – Như Pushkin từng nói:
Nơi đàn thơ thiêng liêng ta không chết!
Thi nhân coi cuộc ra đi đó chỉ như là một giấc ngủ mơ màng. Bài thơ đi sâu lý giải về đời, mà kinh phật từng dậy là “cõi tạm”:
Cõi thế gian: Âu cũng kiếp đọa đày phận số
Tiếc làm chi? Sống mãi chỉ mệt thân
Mãn nguyện rồi, cần chi nữa phân vân
Ta nằm xuống hoá mình vào “kinh thánh”!
Một quan niệm phật giáo. Nói về hai chữ “kinh thánh” – Trong bài “Khúc xuân tuổi bảy mươi”, tác giả cũng viết:
Đi giữa mùa xuân
Cõi Phật rước ta về đất thánh…
Nghĩa là, cuộc đi này của thi nhân không phải để… chết? Mà Người hóa mình vào “kinh thánh” đó thôi!
Cuộc đời gồm cả “tình yêu và cuộc sống” – Bài thơ tràn sang lĩnh vực “tình”:
Ta đã yêu em suốt đời trong hư ảnh
Dù có thời cũng sung sướng, đê mê
Trong đời thường từ tư tưởng, tình cảm đến đời sống thực? Ai cũng quan tâm đến tiền bạc. Nhưng với người phụ nữ thời hiện đại thì, tiền bạc chỉ đạo họ về mọi phương diện: Kể cả lĩnh vực... tình! Cái quan niệm “một mái nhà gianh, hai trái tim vàng” cổ xưa lắm rồi! Thời nay, tuy cũng có nhưng rất hiếm.Tình thì tình, họ yêu trước hết phải là… tiền! “tiền” gần như là một chủ nghĩa, một lý tưởng sống của người phụ nữ bây giờ. Bởi vậy, những chàng thi sĩ với tâm hồn lãng mạn, mộng mơ, chỉ giàu tình mà nghèo tiền? Rất dễ bị rơi vào “bến cô liêu”! Thi nhân viết:
"Tình và tiền"!
Tiếng nói đó làm trái tim đàn bà hưng phấn
Phụ nữ cả thế giới này, họ quí như nhau
Nhưng nếu ít tiền, tình cũng hóa cô liêu!
Tức là, những tình yêu chỉ xây dựng trên nền tảng theo “tiếng gọi của trái tim” như của các nhà thơ, hầu hết trước sau cũng… tan vỡ! Nên Người mới than:
Nhưng tình em khác gì những chiếc lá bay kia
Để năm tháng dài, hoang ru ta nơi bến lạnh…
Thơ tình Phạm Ngọc Thái phần lớn được sáng tác từ các mối tình xưa. Thi nhân sống lại trong thơ bằng những kí ức của tình yêu.
Anh trở về như Na-pô-lê-ông
Ông dành thời gian viết hồi kí thuở tung hoành
Anh lấy tình xưa xây giấc mộng thi nhân
Chỉ tiếc nuối tình sao ngắn ngủi.
Anh đã nói như vậy. Cái thời mà người chồng là một nhà thơ nghèo, được bà vợ vẫn thủy chung như vợ của Tú Xương, Nguyễn Khuyến? Là chuyện rất... xưa. Thưở ấy, Tú Xương tự than trong bài thơ “thương vợ” nổi tiếng của ông rằng:
Quanh năm buôn bán ở mom sông,
Nuôi đủ năm con với một chồng.
Lặn lội thân cò khi quãng vắng,
Eo sèo mặt nước buổi đò đông.
Một duyên hai nợ âu đành phận,
Năm nắng mười mưa dám quản công.
Cha mẹ thói đời ăn ở bạc,
Có chồng hờ hững cũng như không!
Giờ, xin phân tích đôi nét về quan hệ giữa đời sống thực của Phạm Ngọc Thái với thi ca: Tôi không biết nhiều đến hoàn cảnh gia đình trong mối quan hệ vợ chồng của anh? Nhưng xét nghĩ, với một con người đam mê văn chương, nhất là thơ ca như anh! Để có được một gia đình yên ấm ở xã hội hiện đại này, quả thật là khó !? Nghe nói, sau này tuy vẫn sống với nhau nhưng hai người thường hay xẩy ra chuyện xích mích về chuyện tiền nong - Mặc dù, cũng có một giai đoạn tác giả sống rất êm ái, yên ấm với gia đình. Chẳng thế, thời kì đó anh đã sáng tác cả một tập thơ nói về vợ con: Đó là tập “Có một khoảng trời” xuất bản năm 1990, sau một chuyến công tác ở Đức về. Có những bài thơ rất hay nói về người vợ trẻ của mình, như bài “Tiếng hát đời thường”:
Trong một phố nghèo có người vợ trẻ
Vẫn đón con đi, về... như thường lệ
Vóc em thanh cũng thể mùa xuân
Đôi mắt em: Đôi mắt ấy màu đen.
Hay là:
Miền đã theo tôi vào cuộc Trường Sơn
Hành quân rừng già, võng treo sườn gió...
Ai biết chiều nay người vợ trẻ
Đứng mong chồng bên đứa con thơ
Giọt lệ cháy xót lòng mang sắc xanh thu!
Rồi bài “Có một khoảng trời”:
Cái khoảng trời, khi anh và em đã cách xa
(xa thật đấy mà cũng gần thật đấy)
Trong đau đớn anh hoá bờ cát cháy
Thổi về phương em giữa chiều gió nổi
Hạt vô tư còn lại… những tàn tro!
Tình cảm của nhà thơ với gia đình, quê hương - Đặc biệt với người vợ, rất đẹp! Anh không ngớt lời ca ngợi qua một số bài khác nữa: Nỗi trăn trở người đi tìm vàng, Bài ca xứ sở, Trăng quê, Mùa tuyết quê người…
Song cũng phải nói: Giai đoạn này tác giả còn đang công tác ở ngành ngoại thương, lại đi nước ngoài - Cuộc sống chắc cũng khá! Chưa bị mối quan hệ về tiền bạc chi phối nhiều, như khi anh đã lao hết mình vào sự nghiệp thơ phú, văn chương.
Mảng sáng tác duy nhất anh nói về người vợ, chỉ ở mỗi tập thơ đầu tay “có một khoảng trời” ấy! Còn cả một khối lượng hàng trăm bài thơ tình viết sau này, không thấy nhà thơ nói về người vợ của mình nữa. “em” trong các bài thơ tình của anh, toàn là em của cái thuở mộng mơ xưa... hoặc cảm xúc với một phụ nữ nào đó, không phải là vợ.
Bởi vậy, tất cả thơ tình Phạm Ngọc Thái hoàn toàn xuất phát từ sự rung động trái tim (ngoài phạm trù tiền), cảm xúc mà thành, cho dù tan vỡ vẫn đẹp!
“Chết cũng chỉ như giấc ngủ” không chỉ là một bài thơ có tính tự sự bản thân? Nó đã mang cả ý nghĩa thời đại, trong mối quan hệ giữa “tình và tiền” của đời sống xã hội. Phản ảnh nhân sinh quan tác giả.
Bài thơ ôm trùm rất nhiều mặt, giữa riêng tư với tính hiện thực xã hội. Khúc chiết và hay. Có những câu thơ đột biến, như:
Ta nằm xuống hoá mình vào “kinh thánh”!
Huyền bí mà hiển linh. Nhiều người cho rằng, câu thơ: “Nhưng nếu ít tiền, tình cũng hóa cô liêu” là hay nhất! Để rồi tác giả buông một câu tự xoa dịu lòng mình:
Giọt lệ thi nhân,
anh rỏ lên những trang thơ đời làm liều thuốc ngủ.
Bài thơ đã kết thúc ở đó!
VIỆT PHƯƠNG
(trích tập “Cánh đại bàng của thi ca đương đại VN” 2019)