Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, November 30, 2022

PHỐ MÙA ĐÔNG, MIỀN HOA TÍM CŨ, TÌNH SEN DUYÊN SÚNG – Thơ Tịnh Bình


 
         Nhà thơ Tịnh Bình

 
PHỐ MÙA ĐÔNG
 
Sớm mai phố lạ
Dường như đông về
Tiếng chim ngơ ngác
Thả lời say mê
 
Khăn sương mắt ướt
Tiễn lá rời cành
Mùa đông nho nhỏ
Hát lời rêu xanh
 
Người về nẻo phố
Bước chân ngập ngừng
Vỉa hè nắng đổ
Chút tình rưng rưng
 
Quán quen trà ấm
Mời nhau nụ cười
Ngọt ngào cơn bấc
Vui buồn đầy vơi
 
Chào nhau cuối phố
Lạnh rồi hơi đông
Từng cơn gió rét
Phả vào mênh mông...
 
 
MIỀN HOA TÍM CŨ
 
Sầu gì hoang hoải chiều say
Ngang trời chỉ bóng chim bay mệt nhoài
Nhớ ai rồi lại nhớ ai
Chiều không nhen khói mà cay mắt người
 
Nhặt sầu... sầu hãy còn tươi
Cõi tim hoang vắng môi cười gượng đau
Tưởng đâu năm tháng phai màu
Miền hoa tím cũ cồn cào đêm mơ
 
Cành cao chim hót bâng quơ
Tưởng lòng ấm lại mùa thơ xanh ngời
Nhặt sầu trải nắng hong phơi
Dăm ba sợi nắng vàng rơi hiên thềm
 
Trăng non khuyết cứa lòng đêm
Miên man nhịp đập buồng tim luân hồi
Đơn côi một mảnh tình côi
Chỉ e sương khói phai phôi mất rồi...
 
 
TÌNH SEN DUYÊN SÚNG
 
Cùng chung phận kiếp ao đầm
Thập phần hương sắc sen cầm phần hơn
Nào đâu ganh tị tủi hờn
Lặng thầm phận súng rập rờn nước xanh
 
Sen kia nghiêng nước nghiêng thành
Bụi trần chẳng lấm thanh thanh dịu dàng
Chẳng mơ đài các cao sang
Ung dung mây trắng ao làng cảnh quê
 
Thoạt nơi hồ biếc bùa mê
Thoạt về thành nội vân vê yếm hồng
Chữ tình chẳng bận nơi lòng
Sen tu nơi chốn nâu sồng trang nghiêm
 
Lặng lòng tiếng vạc kêu đêm
Thương sen bao cuộc nổi chìm sen ơi!
Cùng là nước chảy hoa rơi
Thơ ngây nàng súng buông lời ủi an
 
Một chiều đành phận sang ngang
Sen về lầu gác ao làng súng thôi
Trông theo dáng tím bồi hồi
Hoàng hôn bóng lẻ đơn côi một mình
 
Súng tàn súng nở im thinh
Chiều quê lắng đọng bóng hình chân phương
Nhìn bông súng nở vấn vương
Ăn canh bông súng nghe thương vào lòng
 
Từ sen thôi khép bụi hồng
Trao duyên nàng súng gánh gồng đa đoan
Nổi nênh những nước cùng non
Tình sen duyên súng sắt son đậm đà...
 
TỊNH BÌNH
(Tây Ninh)

READ MORE - PHỐ MÙA ĐÔNG, MIỀN HOA TÍM CŨ, TÌNH SEN DUYÊN SÚNG – Thơ Tịnh Bình

MÙA NƯỚC NỔI QUÊ TÔI – Thơ Đan Thuỵ


 


MÙA NƯỚC NỔI QUÊ TÔI
 
Chiều ruộng gió làn heo may nhẹ thoảng
Bên thềm thu vừa chạm xuống bến ngày
Nghiêng nghiêng bóng chân trời viền sắc đỏ
Mai nắng về
vàng cúc khỏa mênh mông
 
Thương đồng vắng
mùa này đang nước nổi*
Phía chân trời đàn cò trắng nghiêng bay
Xóm quê tôi
năm hai mùa mưa nắng
Nghe chiều đi
theo con nước lớn ròng
 
Giàn hoa mướp
bình minh vàng sắc nắng
Chú chuồn kim bỡ ngỡ mải mê nhìn
Ngày tháng chín cơn mưa chiều nặng hạt
Ruộng nước đầy
thuyền giăng lưới nhẹ trôi
 
Đêm xuống chậm
nghe cuốc kêu gọi bạn
Ba tôi ngồi câu chuyện kể mênh mông
Dáng mẹ gầy bên chong đèn ngồi vá
Đường chỉ may đan kết những vui buồn…
 
Đan Thụy
 
* Mùa nước nổi: Là mùa nước dâng cao.
 
....................................
    
Tên thật: Đàm Thị Hải
Hiện đang sống và làm việc tại Công ty Tây Ninh SinCoCo
KM27, QL22B, Long Thành Nam, Hoà Thành - Tây Ninh
Điện thoại: 0918266282
Email: damhaitn@gmail.com
 
READ MORE - MÙA NƯỚC NỔI QUÊ TÔI – Thơ Đan Thuỵ

Tuesday, November 29, 2022

Monday, November 28, 2022

MƯỜI BÀI THƠ TỨ TUYỆT CỦA NGUYÊN LẠC


                         Nhà thơ Nguyên Lạc

 
1. ĐÊM CHIA PHÔI
 
Ngấn lệ từ li mặn đắng môi
Cho nhau cho hết lúc chia phôi
Hành trang cuộc lữ đêm tình giữ
Mai phố nghìn xa chút hương người

 
2. ĐÊM CUỐI NĂM
 
Chong khuya lệ nến tiếng đêm trôi
Sầu khúc Hương xưa dáng ai ngời?
Đón Tết nơi nầy đêm trắng quá!
Rơi chi bông tuyết buốt tim người?!

 
3. TRẦM TƯ ĐÊM BÊN SÔNG
 
Tóc rồi sương điểm theo năm tháng
Sắc cũng tàn phai theo tuổi đời
Ai xui trăng rụng trên dòng lắng
Một kiếp người thôi thế nhân ơi!
 
 
4. PHONG VŨ
 
Phong là gió nhưng chắc đâu là gió?
Vũ là mưa nhưng có phải mưa đâu?
Khanh ơi gác trọ dâng hương sắc
Phong vũ nghìn năm cố lý sầu!
 
 
5. ĐÊM MƯA THU
 
Giọt mưa nào lăn tròn trên lá nhớ?
Tí tách nào nhắc nhở thuở yêu em?
Trong ký ức tận cùng đêm mưa đó
Trăm năm dù dâu bể cũng không quên!
 
 
6. CĂN BỆNH TÌNH YÊU
 
Tình yêu căn bệnh lạ lùng
Ai mà nhiễm phải không khùng cũng điên
Điên thì ta hãy cứ điên!
Yêu thì ta cứ! Có phiền em không?
 
 
7. TỘI CHO QUA
 
Gió lay rụng trái mù u
Giận ai bậu nói đi tu cho rồi?
Tội cho qua lắm bậu ơi!
Bậu đi tu chắc sự đời qua xong!
 
 
8. ÁO HỞ DẬY THÌ
 
Mơ màng em giấc chiêm bao
Gió lay áo hở hoa đào phương phi
Anh nghe tiếng gọi tình si
Mãn khai hiển lộ dậy thì... điếng anh!
 
 
9. MÙI HƯƠNG ĐÊM NÀO
 
Cánh đồng trăng khuyết thầm thì
Ôm em thân quế nhu mì mến thương
Bể dâu một thuở đoạn trường
Thiên thu vẫn mãi mùi hương đêm nào!
 
 
10. GIÓ CHIỀU
 
Chiều nào gió nhẹ bên nương
Thổi em hở áo ngực hường chín cây
Có người không rượu mà say
Trăm năm vẫn nhớ ửng hây chiều chiều
 
                                           Nguyên Lạc

READ MORE - MƯỜI BÀI THƠ TỨ TUYỆT CỦA NGUYÊN LẠC

MƯA ĐÔNG HẠT MÉO HẠT TRÒN – Thơ Lê Phước Sinh


             Nhà thơ Lê Phước Sinh
 

MƯA ĐÔNG HẠT MÉO HẠT TRÒN
 
Chim Bói Cá nghiêng cổ nhìn trời
sợi mưa lơ lửng
lành lạnh
Thấp thoáng
điểm mặt cuối năm
cái ăn cái uống
dãn rộng ra
giờ phải co vào
bập bùng
khu trú
Mây xám thờ thững
đi tìm sợi nắng
lạc độ chốn nào
Tìm những vòng tay
bếp lửa
ma trơi
ẩn hiện.
 
Lê Phước Sinh

READ MORE - MƯA ĐÔNG HẠT MÉO HẠT TRÒN – Thơ Lê Phước Sinh

LÀ HỒ ĐIỆP, LẠI LỤC BÁT, LÊN XUỐNG – Thơ Chu Vương Miện


 

LÀ HỒ ĐIỆP
 
lúc lại là hồ điệp
lúc thôi đành Trang Sinh
nhẩm pho kinh một lúc
ờ tứ đại giai không?
hoa sứ rơi trên suối
đục trong chẩy một dòng
 
chuông thu không tịnh độ
danh lợi lầm bến mệ
chạy vội theo hư ảnh
quên mất luôn lối về
mấy vầng trăng cổ độ
trước mặt mất đàm khê
bên hông là đá lũng
ta là ai? bây giờ
 
gõ mãi trên mõ gỗ
dộng mãi quả chuông đồng
gỗ kêu theo âm gỗ
hồng chung vọng hồng chung
mỏi tay gần suốt kiếp
hiểu gì? được chữ không ?
 
niệm xong một bài kinh
con chim bay khuất khuất
chiếc lá giữa lòng đường
chờ tái sinh kiếp khác
ta vẫn chỉ là ta
sao kiếp xưa đi lạc
 
 
LẠI LỤC BÁT
 
người về ta để cho về
ta nắm vạt áo ta đề chữ quên?
vừa đi người đã quên liền
còn ta đứng đó nửa tiên nửa đời
nhìn chi? con sáo bay rồi
 
100 năm có một chữ tài (đại)
1000 năm chữ Xỉu (tiểu) ván bài nghỉ chơi
cò quay lẫn với cò mồi
hồ lỳ với bọn cò ruồi y nhau?
 
100 năm còn có gì đâu?
nước đen nước đỏ ván đầu ván đuôi
trắng tay há miệng ra cười
đầy tay mật lại cùng ruồi một mâm
 
thầy đồ nhà trống ba gian
thiên trời địa đất càn khôn khôn càn
Quốc Oai phất ngọn cờ tàn
muốn xoay bạch ốc lầm than kiếp này
nào ngờ trắng mắt trắng tay
 
ờ mà một lũ quen nhau
chốn nao tình cũ dây trầu cục vôi
bây giờ gió cuốn mây trôi
trầu không cau rụng kẻ ngồi kẻ than
trơ ra cục gạch mạ vàng
 
thân em như tấm lụa đào
bèo nhèo giữa chợ vái chào tứ phương
ngẩn ngơ ngó mãi chân tường
rêu xanh từng vạt gợi hồn liêu trai
rằng đây đâu phải Tần Hoài
mà thơ Đỗ Mục bên tai vọng về
không sông trăng cũng chả về
hạt mưa sa vẫn ê chề còn rơi?
 
 
LÊN XUỐNG
 
lên non vội vã xuống non
ờ ra gã lại bon chen về trần
mấy năm mõ gỗ cẩm vân
chầy kình dộng mãi cũng lần ấy thôi
rằng tôi chẳng phải ià tôi
chẳng qua tâm động qua lời kệ xưa
mưa trong trăng trăng trong mưa
"tựa thơ thầy cũ" hè trưa váng đầu
thầy về bến giác bao lâu
mà tôi cứ lạc dưới lầu Hoa Nghiêm
nửa vò rượu tĩnh hỗn nguyên
nửa vò còn lại tục tiên một bè
mai ta để tóc mây che
 
của thiên trả địa mấy hồi
con người với lại con ruồi giống nhau
có đình có đám tới mau
có xôi có thịt uýnh nhau vỡ đầu
nước tương anh họ xì dầu
tàu hủ đậu phụ tiềng tàu tiếng ta
con người sống thác là ma
con gà khi sống tránh xa bụi gừng
con lợn sống thác vô chừng
sáng thì có đó chiều không có chuồng
 
tình đời lúc trắng lúc đen
lòng trời vân cẩu tang thương nhức đầu
làm thân lừa ngựa bò trâu
chả nói cũng rõ đớn đau vô cùng?
 thênh thang như chốn bìa rừng
lòng thòng là sợi dây thừng cột nhau?
 
Chu Vương Miện
 
READ MORE - LÀ HỒ ĐIỆP, LẠI LỤC BÁT, LÊN XUỐNG – Thơ Chu Vương Miện

THƠ HAIKU, NGƯỜI ĐIÊN, CÁNH ĐỒNG TÌNH – Trần Mai Ngân


 


THƠ HAIKU
 
** Thế giới này
Bao nhiêu đường chim bay
Tôi mãi tìm ai…
 
** Khi nào tôi chết
Sẽ đẹp như mùa Thu
Không khóc!
 
** Để lại đôi dòng thơ
Tập di cảo ố vàng
Giấc Thuỵ Du!
 
** Một tia chớp giữa khuya
Bừng sáng đêm tăm tối
Soi đường cánh vạc bay
 
** Sự yên lặng của đá
Trăm năm, nghìn năm
Vọng âm lời cũ!
 
Trần Mai Ngân
 
P/S: Kính nhớ Thầy Lưu Đức Trung
 
 
NGƯỜI ĐIÊN
 
Hôm qua chạy giữa đám đông
Níu áo người hỏi bởi không thấy mình
Đâu rồi… đâu bóng, đâu hình
Hay cười hay nói với tình yêu tôi
 
Hoảng loạn tìm kiếm xa xôi
Ở trong góc khuất đơn côi phận người
Bàn tay run rẩy lật từng
Những ngày xưa cũ chúc mừng Uyên Ương
 
Thần tiên gãy mộng thiên đường
Tôi la tôi khóc như dường người điên!
 
Trần Mai Ngân
 
 
CÁNH ĐỒNG TÌNH
 
Hai con tim cãi nhau giữa cánh đồng tình tàn úa
Trái tim đau khi ta quay về phía khác
Mùa chông chênh
Cánh đồng đã gặt xong...
 
Hai con tim cãi nhau nên long đong mãi long đong
Rời xa nhau có nuối tiếc trong lòng?
Mênh mông khói đốt đồng cay mắt ai
Dẫu chúng mình cả hai đều không khóc...
 
Hai con tim phụ rẫy nhau khi mùa yêu còn đang chín
Tại sao... dưng không vì đâu, vì đâu...
Hai con tim đập khác nhịp, khác màu
Nên nông cạn rời xa mãi mãi...
 
Ngày mai đây cánh đồng gieo mạ mới
Lại xanh màu… tro tình của năm xưa
Chỉ đôi ta hai nẻo đường mê
Mùa tình chín - ta không về đường cũ!
 
Trần Mai Ngân
25-11-2022

READ MORE - THƠ HAIKU, NGƯỜI ĐIÊN, CÁNH ĐỒNG TÌNH – Trần Mai Ngân

Sunday, November 27, 2022

NHỮNG KỶ NIỆM CÙNG ĐỖ TƯ NGHĨA - Đỗ Tư Nhơn

 

Những kỷ niệm cùng Đỗ Tư Nghĩa

ĐỖ TƯ NHƠN

 

LTS TC CỬA VIỆT: 

Nhà giáo, dịch giả Đỗ Tư Nghĩa người Quảng Trị, từng sinh sống và làm việc lâu năm ở Lâm Đồng. Sống lặng lẽ, song ông đã dịch nhiều tác phẩm văn học nước ngoài nổi tiếng đã được xuất bản; và còn nhiều tác phẩm dịch thuật ở dạng bản thảo, hoặc được đăng tải trên mạng. Một năm sau ngày mất của Đỗ Tư Nghĩa, thương tiếc người em tài hoa, nhà giáo Đỗ Tư Nhơn có bài viết gửi cho tòa soạn Cửa Việt.

Giờ đây Nghĩa đã về với tổ tiên, ông bà, thầy mợ nơi cõi vĩnh hằng sau 75 năm Bước lững thững qua trần gian một bận / Đã thấy sầu in vết dưới chân im (Bi khúc 1-1972 trong tập Gởi tình Yêu- Gởi Cuộc đời của Đỗ Tư Nghĩa). Những kỉ niệm với gia đình, bè bạn còn trong ký ức của những người thân,từng gắn bó kết giao tình cảm.

Ba chị em chúng tôi: Đỗ Thị Như Mai, Đỗ Tư Nhơn, Đỗ Tư Nghĩa vốn nguyên quán là làng Cui, Tuy Lộc, Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Bố chúng tôi vào Quảng Trị làm viên chức thừa phái dinh Tuần Vũ đóng tại Thành Cổ, nhưng mất sớm lúc tôi vừa lên ba, Nghĩa còn trong bụng mẹ.

 

Chân dung Đỗ Tư Nghĩa qua nét ký họa của Thanh Trí

Nghĩa cất tiếng chào đời ở làng ngoại Quảng Điền, Triệu Phong, Quảng Trị khi gia đình tản cư về đây, sống trong căn nhà của ông bà ngoại đã qua đời. Biết bao kỷ niệm giữa bom đạn chiến tranh, với những mùa mưa lụt nước mênh mông mà ba chị em chúng tôi cùng chịu đựng nơi miền quê này.

Khoảng 7,8 năm sau, gia đình tôi chuyển lên thị xã Quảng Trị, mẹ buôn bán kiếm sống nuôi con ăn học. Chúng tôi có chung kỷ niệm ấu thời. Từ lúc nhà ở gần trạm điện cho đến khi sống giữa làng Thạch Hãn cùng bạn bè chơi bi, đánh đáo, ù mọi, đánh căng và làm báo viết tay.

Những năm học trung học Nguyễn Hoàng, Nghĩa nổi tiếng giỏi Văn, Anh Văn. Tôi và Nghĩa đều yêu thích văn chương, sách báo. Khi quyển sách Ý thức mới trong văn nghệ và triết học của Phạm Công Thiện ra đời, anh em chúng tôi tìm mua cho mình mỗi người một tập, Nghĩa đọc kỹ, gạch đỏ những đoạn văn tâm đắc. Sau này chính Nghĩa cho biết đã chịu ảnh hưởng của Phạm Công Thiện khá đậm.

Mẹ của chúng tôi tần tảo, thương yêu các con vô cùng, mà chưa thể nào chúng tôi báo đáp thì mẹ đã qua đời. Đó là mùa xuân năm 1971, Tết đó, sau những ngày buôn bán cuối năm vất vả, mẹ tôi nhuốm bệnh. Vợ chồng tôi, Nghĩa, Thắng ở một bên giường mẹ lo lắng, rồi nhờ chị Định, y tá truyền nước biển. Ngày mồng một, mẹ tôi còn nhận biết, nhưng tờ mờ sáng mồng hai, mẹ ra đi không lời trăng trối. Anh em chúng tôi vô cùng buồn đau, thương tiếc. Ở tầm hồn Nghĩa, bắt đầu có sự hụt hẫng vì Đìu hiu trái đất đâu còn mẹ / Sông núi xanh còn ta lãng du (Bi khúc 3).

Một biến cố thứ hai “đã ném” Nghĩa và người dân Quảng Trị ra khỏi quê nhà, đó là mùa hè đỏ lửa năm 1972. Tất cả chạy loạn vào trại tạm cư Đà Nẵng - Quảng Nam. Nghĩa đưa bà nội vào Đà Lạt nương náu tại nhà người cậu ruột một thời gian rồi về Bảo Lộc dạy học. Tâm thức Nghĩa buồn đau vô vọng, đã gởi vào 4 bài Bi khúc được sáng tác vào năm này.

Suốt 9 năm dạy học tại Bảo Lộc đã để lại trong tâm hồn Nghĩa những kỷ niệm đẹp. Đó là mối tình với Hoài An, cô giáo Đà Lạt xa nhà. Năm 1976, lễ cưới được người cậu tổ chức cho Nghĩa - An đàng hoàng, chúng tôi không vào dự được chỉ gởi quà mừng.

Năm 1981, vợ chồng Nghĩa được chuyển lên dạy trường Nguyễn Du Đà Lạt, Nghĩa bắt tay vào việc dịch thuật. Cuộc sống mỗi lúc một khó khăn đã tác động vào tâm hồn Nghĩa, những bài thơ nhức nhói, trăn trở được viết vào năm 1983, 1984 sau này in vi tính thành tập thơ Gởi tình yêu - Gởi cuộc đời.

Đôi ba niềm vui đã đến, là khi các tập sách dịch được xuất bản từ năm 1986 như: Khi bố còn thơ, Như cơn mưa bay đi, Những cuộc phiêu lưu của Sherlock Holmes… Nghĩa đã gởi về cho chúng tôi và bạn bè với chữ ký tặng. Bạn bè chia sẻ niềm vui cùng Nghĩa qua những bức thư hồi âm.

Cuộc đời không phải bao giờ cũng yên ả, gia đình Nghĩa bỗng phải chia hai. Vào năm 1992, Nghĩa quyết định ở lại Việt Nam, để cho vợ và hai con sang Mỹ định cư theo diện gia đình vợ bảo lãnh. Chúng tôi góp ý, khuyên Nghĩa rất nhiều lần nên cùng đi với gia đình. Sau này nghĩ lại, chúng tôi thấy Nghĩa đúng.

Ban đầu, lúc vợ con ra đi, Nghĩa đến ở với anh bạn Nguyễn Diệp, trong khu đất Sở Giáo dục Đà Lạt. Một thời gian ngắn sau, Nghĩa về thuê căn phòng trọ gần nhà cũ hẻm số 19 đường Nhà Chung, cạnh nhà thờ Con Gà, ở đó suốt 30 năm cùng những chồng sách cũ, mới ngập cả phòng.

Sống một mình, dạy trẻ học tiếng Anh, ăn chay trường và tiếp tục dịch sách. Các anh chị và các cháu thông cảm hoàn cảnh Nghĩa đã hỗ trợ một ít trong một thời gian ngắn, trước khi liên lạc với vợ con. Nghĩa nhận được quà và tiền để chi phí cho cuộc sống, sách báo, máy tính để làm việc.

Rồi Nghĩa gửi một bức tâm thư cho Hoài An sau 10 năm xa cách. Nghĩa chân tình nói với Hoài An rằng: Nếu có một người đàn ông biết yêu thương An và hai con, có trách nhiệm với gia đình thì nên đồng ý. Còn về phần Nghĩa, bấy lâu quen cuộc sống độc thân, không bị ràng buộc khó sống chung trong một gia đình.

Sống Đà Lạt với hoa dã quỳ thơ mộng, nhưng cũng có lúc tâm hồn Nghĩa chợt nhớ quê cũ Quảng Trị, với bạn bè người thân một thuở gắn bó. Mùa xuân 2004, con gái đưa Nghĩa về thăm chúng tôi, cùng hưởng một cái Tết đoàn tụ, trong khói hương, tưởng nhớ tổ tiên, ông bà, thầy mợ. Rồi tôi và Nghĩa vào Huế thăm mộ bố chúng tôi ở chân núi Ngự Bình, gặp các bạn thời sinh viên… Lần này chúng tôi muốn Nghĩa ở lại quê nhà, để anh em cùng sống bên nhau lúc già yếu, bệnh tật. Nhưng độ 2,3 tuần Nghĩa cảm thấy buồn, nhớ Đà Lạt, hơn nữa trời lạnh quá làm Nghĩa bị mệt, phải chia tay Quảng Trị.

Tôi lên Đà Lạt thăm Nghĩa nhiều lần. Có năm, lên Trúc Lâm thiền viện thỉnh kinh sách, Nghĩa mua tặng tôi nhiều tập, đĩa CD giảng đạo của quý thầy. Nghĩa nghiên cứu sâu xa và thực hành về đạo Phật cho nên sau này dịch sách của các đạo sư, ni sư thật rõ ràng, chú thích rất bổ ích cho người đọc.

Vốn liếng triết học Đông Phương và Tây Phương cũng tạo cho Nghĩa niềm say mê khi chuyển ngữ các tác phẩm mang giá trị tư tưởng: Nghệ thuật sống, Suy niệm mỗi ngày, Kahlil Gibran, Phiếm thần luận

Chẳng bao lâu Nghĩa bị tai biến lần hai, tôi và con trai lên thăm vào 27 tháng chạp, chuẩn bị đón Tết Tân Sửu. Bệnh tình của Nghĩa nặng hơn, tuy mắt còn sáng, trí óc hiểu biết nhưng chân tay bị liệt, Nghĩa cảm thấy buồn vô vọng.

Khi chúng tôi về lại Quảng Trị, được tin Nghĩa bị dịch tràn màng phổi, phải thở ôxy, giữa lúc dịch Covid đang lan tràn. Con gái Nghĩa bằng mọi cách đã về bên bố giai đoạn cuối đời. Chúng tôi thường liên lạc với nhau để biết tình hình sức khỏe của Nghĩa, khi nguy kịch, khi tạm ổn.

Nhưng rồi Nghĩa đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 6 giờ 15 phút sáng 16/9/2021, bên cạnh con gái và 3 cháu điều dưỡng, ông cậu tu sĩ. Bạn bè, bà con, học sinh cũ gần xa đã đến phúng viếng, gởi vòng hoa chia buồn cùng gia đình.

Nghĩa là một con người quen sống thầm lặng, ít giao tiếp nhưng khi từ giã cõi đời lại được nhiều người thương tiếc về nhân cách, tâm hồn, sự khiêm tốn và tài năng qua các tác phẩm dịch và thơ để lại cho đời.

Nhà thơ Bùi Minh Quốc và nhóm “người hiền Đà Lạt” mà Nghĩa từng kính phục, đã gởi đến hai câu đối:

Xe thiên cổ đưa người về cực lạc

Chốn hồng trần bè bạn luống đau thương

Bình tro được đặt trên bàn thờ. Con gái tiếp tục phóng sinh, làm từ thiện. Sau 49 ngày, tro sẽ được rải trên hồ nước trong xanh Tuyền Lâm, dưới chân của thiền viện Trúc Lâm của Đà Lạt. Trong dịp này, cháu Diễm Thư, theo lời dặn của bố đã trao trọn vẹn tủ sách quý giá của bố cho Trần quốc Vĩnh - làm thư viện Đỗ Tư Nghĩa để thân hữu và con cháu yêu thích đến đọc để tâm hồn được thăng hoa, điều Nghĩa luôn mong muốn.

_________________

Một số sách dịch thuật văn học nước ngoài của Đỗ Tư Nghĩa đã xuất bản:

1. Những cuộc phiêu lưu của Sherlock Holmes (Conan Doyler), Nxb Sở VHTT Lâm Đồng, 1985.

2. Khi bố còn thơ (Araskin), Nxb Sở VHTT Lâm Đồng, 1986.

3. Như cơn mưa bay đi (S. Krutilin), Nxb Sở VHTT Lâm Đồng, 1986.

4. Dưới ánh trăng (Guy de Maupassant), Nxb Sở VHTT Lâm Đồng, 1986.

5. Truyện phiêu lưu của Pick Wick (Charles Dickens), Nxb Thuận Hóa - Huế, 1994.

6. Con đường tuổi trẻ (Daisaku Ikeda), Nxb Trẻ, 2005.

7. Cuộc đời của luận sư Rajneesh Chandra (tự truyện Osho), Nxb Trẻ, 2007.

8. Tự thú ( Lev Tolstoy), Nxb Văn hóa Sài Gòn, 2007. 

9. Tìm lại nụ cười (Philip Martin), Nxb Văn hóa Sài Gòn, 2009.

10. Kahlil Gibran - ngọn lửa vĩnh cửu (Barbara Young), Nxb Văn hóa Sài Gòn, 2009.

11. Suy niệm mỗi ngày (Lev Tolstoy), Nxb Văn học & Khai Tâm, 2016.

12. Nghệ thuật sống (Epictetus), Nxb Văn học & Khai Tâm, 2016

13. Đời Tolstoy (Romain Rolland), Nxb Hồng Đức & Khai Tâm, 2017

14. Chuyện tình của các triết gia (Andrew Shaffer), Nhã Nam, 2018.

15. Chuyện tình của các nhạc sĩ thiên tài (Gustav Kobe), Nhã Nam, 2018.

16. Phiếm thần luận (Paul Harrison), Nxb Tri thức, 2018.

17. Đời Beethoven (Ramain Rolland), Khai tâm, 2021.

Ngoài ra còn gần 20 tác phẩm trong bản thảo, đăng trên mạng, chưa xuất bản.

ĐỖ TƯ NHƠN

Nguồn: Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 338, Đỗ Tư Nhơn gởi bản PDF qua Zalo.

READ MORE - NHỮNG KỶ NIỆM CÙNG ĐỖ TƯ NGHĨA - Đỗ Tư Nhơn

Saturday, November 26, 2022

Chùm ảnh HOA TRẠNG NGUYÊN - Chu Vương Miện

 










READ MORE - Chùm ảnh HOA TRẠNG NGUYÊN - Chu Vương Miện

MẤT QUẦN - Truyện ngắn Vũ Hùng

 

Nhà văn Vũ Hùng

Truyện  ngắn 

MẤT QUẦN

Chuyện cưới hỏi thời nay nhẹ nhàng, khỏe re không có gì phải bàn cãi. Thời đại 4.0 mà. Mọi việc gần xa, ngon dở, sang hèn gì gì đi nữa, chỉ cần nhấc máy lên một lát là xong ngay! Miễn có tiền là OK!

Đấy, năm rồi tui đi họ cho thằng Rịch, con anh cả Rục lấy vợ ở thành phố Thủ Đức sáng đi chiều về sân bay Quy Nhơn, rồi còn lai rai ít ly Bầu Đá với mấy cụ nhà thơ Đường Bình Định chờ sẵn nữa. Đến lượt thằng Nhích lấy vợ ở Hà Nội tui cũng đi về chỉ hai ngày thôi.

Chợt nhớ lại chuyện thời trước, cái thời mà ông vua Bảo Đại còn đang chễm chệ tại kinh đô Huế mà tội nghiệp cho cậu Hai Bảnh của tui nay đã ngót nghét 109 tuổi, thời đó đi hỏi vợ ở Phước Thắng tính theo đường chim bay chừng 7 km phải mất gần 6 tiếng đồng hồ, sao mà cực khổ, dở khóc, dở cười đến vậy?

Nửa đêm bà ngoại tui phải thức dậy lọ mọ nấu ấm nước pha trà cho ông ngoại. Còn Dì Ba Bao bắt nồi nước sôi làm thịt con gà trống thiến nặng chừng ba ký để nấu cháo cho mấy ông chú, ông cậu trong đoàn họ lót dạ.

Sau khi ăn uống xong, chỉnh sửa khăn đóng, vuốt lại vạt áo dài phẳng phiu, đúng hai giờ sáng họ nhà trai lên đường.

Tiết tháng Chạp trời lạnh ngắt. Tối mù. 

Đường làng Đông Trạch vắng tanh. 

Tiếng chó sủa vu vơ.

Qua khỏi Định Thiện đến địa phận làng Luật Bình đường vừa hẹp vừa quanh co, vừa trơn trợt, lầy lội, có nhiều đoạn nước ngập tới gối. Ông ngoại liền ra hiệu mọi người dừng lại nghỉ ngơi một lát rồi bảo tất cả cởi hết quần ra vắt lên vai, còn hai vạt áo dài cột chéo ngang hông cho khỏi lấm và ướt.

Người nào người nấy đều ở truồng tô hô, cóm róm vì lạnh đến nỗi cái của quý như ông tướng dữ dằn trên trận mạc kia cũng rụt đầu sâu trong háng.

Cứ thế họ dò dẫm, loạng choạng đi trong bóng đêm. 

Qua khỏi Lạc Điền, Tư Cung đến Phổ Đồng thì cũng trời vừa tang tảng sáng.Dừng lại Đập Bổi cao ráo, đoàn họ mặc lại quần, mang lại guốc, vuốt lại chiếc dù, chỉnh sửa lại khăn áo chỉnh tề chuẩn bị nhập gia nhà gái cho đúng giờ.

Bỗng Cậu Hai Bảnh hốt hoảng, khóc rống lên:

- Cha ơi! Cái quần của con....

Ông ngoại tui ngạc nhiên:

- Cái quần của con làm sao?

- Dạ, rớt mất rồi!

Vừa lúc đó một đám toàn đàn bà, con gái gồng gánh rau quả đi chợ  phiên Gò Bồi sớm ngang qua, Cậu Hai Bảnh nhanh trí, vội phóng xuống Đập Bổi. Nước ngập tới bụng. Lạnh thấu xương nhưng Cậu vẫn bấm bụng chịu trận chứ biết làm sao?

Có một cô gái trẻ xinh nhất trong đám hỏi vọng xuống:

- Sáng lạnh gần chết mà anh trai xuống đập mò cái gì vậy?

Cậu Hai Bảnh đáp lại:

- Mò chiếc guốc bị rớt đó cô em!

- Coi chừng đỉa đeo đó nghen?

Quả thiệt, khi đám người kia đi một đoạn xa, Cậu Hai Bảnh leo lên bờ thì ôi thôi là đỉa hơn hai mươi mấy con tổ chảng bằng ngón chân cái bám lủng lẳng đầy chân, đầy háng trông phát khiếp. 

Mọi người xúm lại gỡ đỉa ra.

Máu chảy đầm đìa!

Rồi một tốp đàn bà con gái nữa lại đến.

Và Cậu Hai Bảnh lại phải vội vàng lội xuống Đập... 

Rồi leo lên bờ. 

Và lại gỡ đỉa.

Cứ thế..

Và cứ thế...

Đã quá tám giờ rồi mà không thấy họ nhà trai nhập gia, Ông giáo Bảy ruột gan như lửa đốt hết ra lại vào. Lẽ nào nhà trai họ bội ước? Lẽ nào con gái rượu của ông bị lỡ duyên vô cớ? Ông hối đám gia nhân chạy ra đầu làng nghe ngóng xem sao?

Đám gia nhân từ Đập Bổi ba chân bốn cẳng chạy về báo rõ sự tình. Khuôn mặt âu lo, căng thẳng của ông giáo Bảy bỗng giãn ra, tươi tỉnh hẳn.

- Mất quần à? Thì ra là vậy!

Sài Gòn, 25.1222022.

Vũ Hùng

 


READ MORE - MẤT QUẦN - Truyện ngắn Vũ Hùng