Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, January 20, 2016

XA HUẾ - thơ Nguyễn Văn Khánh







XA HUẾ

Bao  năm rồi xa Huế
Chưa một lần về thăm
Đêm nay nghe em hát
Câu Nam ai, Nam bình.

Có chút gì nghèn nghẹn
Như mắc phải lỗi lầm
Ngày xưa mưa giăng mắc
Ta trên đường Huế thương

Câu hò ai dìu dặt
Vang vọng bờ Hương giang
Ao dài ai tím Huế
Cho ai lòng ngẩn ngơ.

Mấy năm mình xa Huế
Như xa một mối tình
Bốn năm trời gắn bó
Để rồi đành lòng xa

Ơi cô gái sông Hương
Ngày xưa anh từng gặp
Và cô gai sông Hương
Giờ đây em đang hát.

Hãy hát nữa lên em
Cho anh về lại Huế
Cho anh được tắm mình
Giữa dòng Hương dịu ngọt.

                  
Nguyễn Văn Khánh      
Giáo viên Trường THCS Vĩnh Hanh,                    
Châu thành, An giang.

                        
READ MORE - XA HUẾ - thơ Nguyễn Văn Khánh

CHỢ QUÊ - Tản văn của Phan Nam


Mt góc ch quê (nh: Phan Nam)



Phan Nam

CHỢ QUÊ

Tản văn 

 Chợ quê ẩn hiện trong tâm thức tôi từ những điều rất mỏng manh mà rất sâu sắc. Từ thuở vi hàn chợ quê gắn liền với mẹ tôi từ con cá, mớ rau để nuôi sống những đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn. Bây giờ đây tôi đã đủ lông đủ cánh bay đến những phương trời xa lạ nhưng hình ảnh giản dị quê nhà khó lòng mà xoá mờ được. Bước đường quê hương trong thâm tâm đong đầy từng kỉ niệm đơn sơ cơ cực một đời của mẹ. Thưở ấy, từ bốn giờ sáng mẹ tôi đã phải lọ mọ thức dậy chuẩn bị gánh hàng ra chợ bán. Bánh trái rau quả quê nhà được sắp xếp rất cẩn thận vào quang gánh của mẹ. Đứa con nhỏ cũng vội vàng bật dậy mơ mơ màng màng cứ nằng nặc đòi đi theo mẹ ra chợ. Rồi hai mẹ con dắt nhau đi qua từng con đường làng khi trời còn tờ mờ sáng, hơi sương đặc quánh còn đọng trên cành dưới lá.

Quãng đường quê dặt dìu tấm lòng của mẹ che chở cho những đứa con, quãng đường dẫu không xa lắm cũng đã đong tròn khổ cực tảo tần của mẹ suốt một đời cho những đứa con thơ dại. Món quà quê được trao đổi tại chợ rất phong phú quen thuộc được thể hiện rất rõ trên từng nét mặt, từng cử chỉ của kẻ bán người mua. Trái mít non lấm lem đất cát, qua đu đủ hồng hào da thịt, mớ rau lang chai sần trên đôi tay mẹ, rồi cọng rau ngót, con cua con ốc chảy nước ướt sũng trên đôi lưng gầy chân chất. Nhớ hồi đó mẹ mới bán được vài bó rau lang được mấy đồng lẻ đã bị đứa con nhỏ đòi cái này cái khác làm lòng mẹ chua xót, không khỏi xuyến xao. Thương con mẹ mua ổ bánh mỳ nhưng thịt, bịch sữa cho con còn mình uống có một ngàn sữa lạt…

 Những món hàng được bày bán tại chợ quê sớm đã gắn chặt vào tâm thức hương vị của người dân đất Quảng quê tôi. Đứa bé ngày xưa cứ thích ghé lại gian hàng của người bà đã đến tuổi thất thập nhưng hằng ngày vẫn thầm lặng mưu sinh tại góc nhỏ trong lòng chợ. Mấy nải chuối chín, vài bọc cau khô, bịch tiêu nhỏ đã được xay xát được đặt bên cạnh củ hành nén tỏi chính là những mặt hàng mà bà trưng bày trên chiếc bàn nhỏ. Tôi đặc biệt thích nhất chính là tán đường đen được gói ghém rất cẩn thận được đặt chính giữa đã làm nên đặc trưng của những gian hàng chợ xưa. Rất nhiều người tìm đến mua đường để thẩm thấu vị ngọt đất quê hương và cũng để tìm chốn tĩnh lặng hàn huyên với biết bao câu chuyện của đời người chợ quê trên mảnh đất làng xưa. Đứa bé vẫn ngồi đó, vừa nhấm nguộm nước chè xanh vừa luyên thuyên hỏi người bà rất nhiều điều, những câu hỏi không dứt của đứa bé làm bà cũng phải bật cười. Hầu như ngày nào đi chợ mà không ghé quán bà làm nũng thì chắc không chịu được, dẫu ngày sau quay lại rất khó kiếm tìm.
Chắc cũng phải đến mười giờ mẹ mới bán hết hàng, mấy bó rau lang cuối cùng quay quắt héo hon. Mẹ mời miết không ai mua nên cũng phải nhắm mắt bán rẻ để còn mua đồ về lo cơm nước cho đứa con thơ, cha già cồn cào ruột gan đang chờ ở nhà. Biết ý con, ngày nào đi chợ mẹ cũng dẫn vào khi hàng đậu hũ nóng hổi ăn cho ấm bụng, khi thì hàng chè thập cẩm mà có lẽ đứa trẻ nào cũng phải mê tít đắm say. Chợ quê nhỏ bé chứa đựng trong nó biết bao điều đặc biệt khiến những bước chân phải say mê khám phá. Dẫu đôi lúc chỉ là một hương vị đơn sơ nào đó mà không nơi nào có được.

Tác giả Phan nam
 Ch quê ngày xưa bây gi phn nào cũng hin đi nhiu, nhng gian hàng c k nm bp dưới đt dưới nn cũng dn b xoá x thay thế các hàng quán hin đi nhưng sao trong lòng thy nh quá. Đi lanh quanh mãi vi nhng phn người gn c cuc đi gìn gi nét đp hn xưa ca ch quê mà sao con tim không khi bâng khuâng, trân trng đến thế. Bánh trái quê hương chính là nét đc bit mà đôi chân nh lc bước quay v. Mt ngày thy biết bao dáng người ôm trái mít chín thơm nt, tay cm trái da mà ng hương hn đng quê văng vng đâu đây. Đâu đó bên góc ch xưa còn dáng m gy hao bên dãy hàng rau lang đang c bán hết nhng bó cui cùng dưới cái nng bng rát ca trưa h. Đã không còn…

                                                            PHAN NAM
                                                   (Tiên Phước – Quảng Nam)





READ MORE - CHỢ QUÊ - Tản văn của Phan Nam

THIÊN DI - chùm thơ Hoàng Anh 79





Tác giả Hoàng Anh 79


THIÊN DI

Và tình theo cánh thiên di
Trong duyên tiền kiếp còn gì cho nhau
Ta về nhặt lấy niềm đau
Lá thề em đốt qua cầu là xong

SAT NA

Nằm nghe trong cõi phù trầm
Hình như ai đó gọi thầm tên ta
Gần nhau trong một sat na
Tìm hoài chỉ thấy bao la đất trời

GỌI HỒN

Phố khuya phố vắng không người
Bóng ta cùng với bóng đời khẳng khiu
Giật mình nghe tiếng chim kêu
Ngỡ đâu Chúa gọi hồn phiêu bạt về !

Ngày 18/1/2016



READ MORE - THIÊN DI - chùm thơ Hoàng Anh 79

LÃNG ĐÃNG CHÚT HỒNG - thơ Phan Minh Châu





LÃNG ĐÃNG CHÚT HỒNG

Lãng đãng chút hồng lên phố chợ
Em đêm nằm viện thoáng u buồn
Ta quanh quẫn trong căn phòng nhỏ
Ngoài trời vẫn đó hạt sương run
Từng giọt nhỏ thôi từng giọt nhỏ
Chảy lan man qua mấy triệu hồng cầu
Trên đôi má dường như ửng đỏ
Một chút hồng như gái bén duyên
Mùa xuân chín hay xuân đang chớm
Tán bàng xanh muôn tuổi hắt hiu vàng
Em lận đận mệt nhoài theo số phận
Ta lừng khừng trăn trở chuyện trăm năm
Mưa vẫn cứ sụt sùi trên tán lá
Lá rưng rưng cho mấy khúc tình buồn
Ta chợt thấy trái tim mình chật quá
Khi mơ hồ cho một thoáng hư không.  
     
PHAN MINH CHÂU   

Nha Trang Khánh Hoà
READ MORE - LÃNG ĐÃNG CHÚT HỒNG - thơ Phan Minh Châu

Nhạc và thơ của Trầm Thiên Thu






THƠ :


THÁNG GIÊNG

Tháng Giêng, anh làm thơ yêu em
Người con gái có trái tim trinh nữ
Thơ anh nồng nàn đến thế
Vẫn bất lực, khôn xiết những vần yêu
Tháng Giêng, anh hát lý thương nhau
Trời nắng pha lê trong trẻo mơ ước
Mùa Xuân về đất trời ấm áp
Nảy lộc biếc đầu cành tháng Giêng
Men thơ làm hồn anh nghiêng
Em có say men tình khi mùa tới?
Phố phường nhộn nhịp khiến anh đắm đuối
Cảm ơn tháng Giêng ngồn ngộn tứ thơ



LỤC BÁT THÁNG HAI

Mơn man gió mát thánh Hai
Giọt Xuân vương lại những ngày quê hương
Ánh trăng tỏa sáng yêu thương
Nhẹ nhàng lục bát vô thường êm ru
Hình như một chút tương tư
Còn vương đọng lại bên bờ trái tim
Ngày xưa đâu thể đi tìm
Dòng thời gian đã xa xăm quá rồi
Qua Giêng rồi tới tháng Hai
Bồi hồi ký ức chuyện ngày xưa xa…

TRẦM THIÊN THU
READ MORE - Nhạc và thơ của Trầm Thiên Thu

HAI LỐI RẼ - thơ Phạm Đức Nhì





HAI  LỐI  RẼ

Trên đồi Golgotha (1)
trước khi chết
một tội nhân gian ác
bị đóng đinh trên thánh giá bên cạnh ngài
lên tiếng kêu cầu:
“Ông Giê-Su ơi!
Khi vào nước trời
xin hãy nhớ đến tôi.” (2)

Và ngài trả lời:
“Này, ta bảo thật cùng anh
hôm nay
anh sẽ được ở cùng ta trên thiên đàng.” (3)

Một tội nhân khác
giết người hàng loạt
bị tuyên án tử hình
sắp đến giờ án thi hành
linh mục vào phòng giam phủ dụ
“Nếu chấp nhận tin Chúa
ta sẽ xin ngài
tha thứ tội lỗi của con dưới trần gian
linh hồn con sẽ lên thiên đàng
đời đời hưởng Nhan Thánh Chúa”

Ôi, Thiên Chúa lòng lành vô cùng!
Chỉ cần chấp nhận, tin ngài
(dù chỉ vài phút trước khi từ giã cõi đời)
ngay cả những kẻ tàn độc nhất
phạm tội ác ghê gớm nhất
trái tim ngài vẫn rộng mở
để tha thứ
cánh cửa thiên đàng vẫn rộng mở
đón họ lên
hưởng phước đời đời

Tôi hỏi một vị sư già
“Thầy nghĩ sao về tấm lòng đại lượng của Thiên Chúa?”
“Tình thương ấy bao la quá”
Vị sư trả lời
“Đức Phật không làm được như thế
ngài dậy đệ tử
nên có tâm từ bi
không giận
không khinh ghét chúng sanh
không hại
dù kẻ lành người dữ
nhưng ngài cũng như ta
không có quyền tha thứ 
không có quyền mở cửa thiên đàng

Nếu có căn cơ, có duyên tu học
chúng sanh sẽ được cảm hóa, được chỉ đường
gieo nhân hiền để khỏi ăn quả ác
chuyện lục đạo luân hồi (4)
hay thênh thang giải thoát
quy luật
sẽ tự nó vận hành"

Tôi đứng ở ngã ba đường
phân vân trước hai lối rẽ

Chú thích:
1/ Còn gọi là Đồi Sọ (Skull Hill) nơi Chúa Giê-Su bị đóng đinh.
2/ Luke 23: 42.
3/ Luke 23: 42.
4/ Địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, A Tu La, người, cõi trời (chư thiên).


Phạm Đức Nhì
Sẵn sàng đón nhận ý kiến phê bình của độc giả.
READ MORE - HAI LỐI RẼ - thơ Phạm Đức Nhì

THÁNG GIÊNG - Thơ Nguyễn An Bình





THÁNG GIÊNG

Tháng giêng qua góc phố
Xanh non tà áo hiền
Hoa vàng bừng sắc nở
Em cười ngọt ngoài hiên.

Má ai màu mận chín
Em tôi đi lễ chùa
Giao thừa thèm trẩy lộc
Đêm mơ mộng về chưa?

Tháng giêng xuân vẫn hồng
Cho môi người thấm ngọt
Tình đầu nhẹ như bông
Trong vườn mơ chim hót.

Tình xanh màu trăng non
Thơm làn hương dạ lý
Tôi như tháng giêng buồn
Theo chân người tri kỷ.

Tháng giêng mây trắng nõn
Đồn trú trời chiêm bao
Tình muôn đời khách trọ
Ngày xưa tìm nơi đâu?

Hoa bao mùa đã rụng
Tuổi mấy lần tháng giêng
Em tôi thành hoa nắng
Thương hoài tuổi hoa niên.

             Nguyễn An Bình
                  20/1/2016

READ MORE - THÁNG GIÊNG - Thơ Nguyễn An Bình

VĂN TẾ 74 TỬ SĨ TRONG TRẬN HẢI CHIẾN HOÀNG SA (NGÀY 17 19.01.1974) - Nguyễn Phúc Vĩnh Ba





VĂN TẾ 74 TỬ SĨ TRONG TRẬN HẢI CHIẾN HOÀNG SA (NGÀY 17 19.01.1974)

Hỡi ơi!
Nhẹ tựa lông hồng,
Nặng tày non Thái.
Những cái chết đã đi vào quốc sử, con cháu nghe mà xót dạ bàng hoàng,
Bao con người vì gánh vác giang sơn, cây cỏ thấy cũng chạnh lòng tê tái.
Anh linh kia hoài phảng phất thiên phương,
Chính khí đó sẽ trường tồn vạn tải.
Mới hay,
Giòng giống Việt luôn còn nòi nghĩa dũng, thịt tan xương nát sá chi,
Trời đất Nam đâu thiếu bậc anh hùng, máu đổ thây rơi nào ngại.
Kính các anh vị quốc thân vong
Bày một lễ thâm tình cung bái.
Nhớ các anh xưa,
Tuổi trẻ thanh xuân,
Khí hùng chí đại.
Thời binh hỏa đâu màng gì nhung gấm, chọn tri âm tri kỷ chốn sa trường,
Thuở can qua há tiếc chút bình an, nguyền báo quốc báo dân nơi hiểm ải.
Một tấc đất vẫn là cương thổ, ông cha xưa bao đời gầy dựng, sao cam lòng để vuột mất đi.
Dăm hòn đảo ấy vốn bản hương, anh em nay mấy độ canh cày, quyết tận sức ra gìn giữ mãi.
Từ Chúa Nguyễn sách văn1 chép rõ, nhân dân Nam từng khai thác làm ăn,
Đến Pháp Thanh công ước2 còn ghi, chủ quyền Việt chẳng luận bàn tranh cãi.
San Francisco hội nghị3, mừng biết bao, thấy thế giới đồng lòng,
Việt Nam Quốc gia chính quyền4, vui xiết kể, đón sơn hà trở lại. 
Thế nên,
Đất cát ông cha thì phải giữ, dẫu mũi tên hòn đạn không sờn,
Núi sông tiên tổ sao chẳng gìn, mặc ăn gió nằm mưa chi nại.
Trùng dương sóng dữ, mập mờ thuyền viễn thú, thân trai há sợ kiếp gian nan,
Hải đảo gió cuồng, vời vợi biển quê hương, vai lính thêm bền lòng hăng hái.
Hội khao lề lại trống chiêng bi tráng, tiễn người đi mờ bóng cuối chân trời,
Nơi quê nhà đành con vợ u buồn, thương kẻ đợi trông buồm về trước bãi.
Có ngờ đâu,
Giặc ác hiểm quen tuồng xâm lược, máu tham tàn không giấu kín ý gian,
Ta hiền lương chuộng đạo hiếu hòa, tình hữu nghị có đâu ngoài lẽ phải.
Địch thả câu nước đục, hai ba lần chiếm đảo5, xây đồn đắp lũy đó đây,
Chúng luồn gió bẻ măng, bốn năm dạo lên bờ, dựng trại cắm cờ lải rải.
Ngày 16 Quang Hòa, Hữu Nhật6,… giặc đã nuốt tươi,
Đến 17 Duy Mộng, Quang Ảnh6,.. chúng đang xơi tái.
Lửa hờn bốc tận thanh vân.
Khí uất tràn đầy thương hải.
Ghìm máu nóng, thông tin bằng quang hiệu, giặc cứ ngang tàng,
Hạ quyết tâm, biệt hải tiến vào bờ, ta ôm thất bại.
Không nản chí, Thường Kiệt, Nhật Tảo băng băng pháo đạn xông pha,
Chẳng dùi lòng Bình Trọng, Khánh Dư7 né né tiễn lôi lèo lái.
Vẳng đôi tai còn nghe khúc “Thuật Hoài”8
Bừng con mắt đà thấy câu “Trung Ngãi”9 
Thế nhưng,
Lực bất tòng tâm,
Thiên dung vô lại10.
Giặc đã nhiều chuẩn bị, nào tảo lôi, nào liệp đỉnh, tàu nhiều quân bộn giàn hàng,
Ta mất thế thượng phong, này sóng dữ, này đá ngầm, biển rộng đường xa phải trải.
Phía chếch đông tàu Mỹ đứng mà nhìn,
Phương chính bắc hạm Tàu nằm sắp phái.
Dù như thế ta vẫn quyết thư hùng
Có ra sao mình cứ liều sống mái.
Đùng đoành trọng pháo nổ thấp cao,
Sàn sạt hỏa tiễn bay trái phải,
Ngụy Văn Thà11 trúng thương trước ngực, máu anh hùng đẫm ướt chiến y,
Lý Thường Kiệt12 lãnh đạn ngang hông, nước đại hải ngập đầy buồng máy.
Khói mù tàu giặc cháy bốc lên,
Pháo nổ thuyền mình câu vọng lại.
Thương ơi!
Thế lực không cân
Thời cơ cũng trái.
Bảy tư người bỏ mình vì nước, biển sâu ký gởi thân phàm,
Cả bốn tàu trúng pháo quân thù, bờ cạn lui về gác mái.
Cờ quốc gia phủ người ra trận, toàn quân dân uất ức trẻ như già
Vành khăn tang chít tóc đang xanh, bao thân quyến nghẹn ngào trai lẫn gái.
Công các anh,
Tổ quốc thề không quên,
Toàn dân nguyền nhớ mãi.
Chống ngoại xâm là truyền thống muôn đời
Giữ lãnh thổ vốn luân thường vạn đại.
Máu tử sĩ sẽ nuôi khôn dân tộc, mau kiên trì giành lại giang sơn,
Xương anh linh rồi nung chín hùng tâm, sớm quyết liệt san bằng oan trái.
Nước cường thịnh khi dân biết kết đoàn,
Dân phú túc lúc người luôn thân ái.
Hôm nay.
Sơ sài lời điếu câu văn,
Đạm bạc chùm hoa dĩa trái.
Xót uy linh, xin tượng tạc bia xây,
Tỏ thâm tạ, khiến dân quì quan vái.
Mong các anh siêu độ tái sinh,
Cầu đất nước dân an quốc thái.
Hỡi ơi!
Xót xa tiếng mất ý còn,
Tha thiết lòng phơi ruột trải.
Hồn có linh thiêng
Niệm tình thụ bái.

Huế, ngày 18.01.2014
Nguyễn Phúc Vĩnh Ba
_____

Ghi chú:
  1. Đầu TK 17, Chúa Nguyễn tổ chức khai thác trên các đảo. Đội Hoàng Sa và Đội Bắc Hải có nhiệm vụ ra đóng ở hai quần đảo, mỗi năm 8 tháng để khai thác các nguồn lợi: đánh cá, thâu lượm những  tài nguyên của đảo và những hoá vật do lấy được từ những tàu đắm.
Năm 1816: Vua Gia Long chính thức chiếm hữu đảo, ra lệnh cắm cờ trên đảo và đo thuỷ trình. Năm 1835: Vua Minh Mạng cho xây đền, đặt bia đá, đóng cọc, và trồng cây. Đội Hoàng Sa và Đội Bắc Hải được trao nhiều nhiệm vụ hơn: khai thác, tuần tiễu, thu thuế dân trên đảo và nhiệm vụ biên phòng bảo vệ hai quần đảo. Hai đội này tiếp tục hoạt động cho đến khi người Pháp vào Đông Dương.
  1. Ngày 9 tháng 6 năm 1885: Hòa ước Thiên Tân kết thúc chiến tranh Pháp Thanh. Ngày 26 tháng 6 năm 1887: Pháp và nhà Thanh xúc tiến ấn định biên giới giữa Bắc Kỳ và Trung Hoa.
  2. Ngày 6 tháng 9 năm 1951: Tại Hội nghị San Francisco về Hiệp ước Hòa bình với Nhật Bản, vốn không chính thức xác định rõ các quốc gia nào có chủ quyền trên quần đảo, Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Quốc gia Việt Nam Trần Văn Hữu tuyên bố rằng cả quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa đều thuộc lãnh thổ Việt Nam, và không gặp phải kháng nghị hay bảo lưu nào từ 51 nước tham dự hội nghị.
  3. Năm 1954 – Hiệp định Geneva quy định lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới quân sự tạm thời (bao gồm cả trên đất liền và trên biển). Quần đảo Hoàng Sa nằm ở phía Nam vĩ tuyến 17, được giao cho chính quyền Quốc gia Việt Nam (quốc trưởng Bảo Đại đứng đầu) quản lý.
  4. Năm 1956, lợi dụng tình hình quân đội Pháp phải rút khỏi Đông Dương theo quy định của Hiệp định Geneva và trong khi chính quyền miền Nam Việt Nam chưa kịp tiếp quản quần đảo Hoàng Sa theo như thỏa thuận của hiệp định này, Trung Quốc đã thừa cơ đưa quân ra chiếm đóng bất hợp pháp nhóm đảo phía Đông quần đảo Hoàng Sa bao gồm Phú Lâm và Linh Côn. (Trần Công Trực)
  5. Tên các hòn đảo bị Trung Quốc xâm chiếm.
  6. Tên bốn chiến hạm tham gia trận hải chiến Hoàng Sa: HQ4 (Trần Khánh Dư), HQ5 (Trần Bình Trọng), HQ10 (Nhật Tảo), và HQ16 (Lý Thường Kiệt).
  7. Tên bài thơ của danh tướng Phạm Ngũ Lão đời Trần được Hạm trưởng HQ4 Trung tá Vũ Hữu San đọc để cổ võ tinh thần binh sĩ trước giờ khai hỏa.
  8. Tức là Trung Nghĩa, bổn phận của người lính.
  9. Trời dung tha phường vô lại.
  10. Thiếu tá Ngụy Văn Thà là hạm trưởng HQ10 Nhật Tảo.
  11. Lý Thường Kiệt là tàu HQ16.
READ MORE - VĂN TẾ 74 TỬ SĨ TRONG TRẬN HẢI CHIẾN HOÀNG SA (NGÀY 17 19.01.1974) - Nguyễn Phúc Vĩnh Ba