|
Tác giả NGÔ DIỆU HẰNG |
Chị hoang dã, lạ
thường như chính cái tên của chị - Móp. Chẳng hiểu sao bà Thia lại đặt cho chị
cái tên đó, dù rằng chị chẳng sứt mẻ chỗ nào. Sinh ra đã không biết mặt cha,
chỉ biết mình là con thứ ba của Thia thịt lợn. Hai năm sau đó, mẹ chị lấy dượng
sinh thêm cô út. Trong đám chị em gái cũng bán thịt lợn, cái tên của chị là kỳ
quặc nhất nhưng chị Móp lại xinh đẹp hơn cả. Da trắng, môi hồng, càng lớn càng
đẹp. Thanh niên trong vùng khối kẻ mon men, nhòm ngó.
Chị chỉ thương anh
Phùng, người bạn thời còn mặc quần thủng lỗ, chiều chiều chạy xoắn tít thả diều
bên bờ sông. Anh Phùng mồ côi cha mẹ từ nhỏ, ở cùng bà ngoại trong một căn nhà
lợp ngói cũ kỉ. Khi cha mẹ đã không trở về sau cơn bão năm đó, rồi ngoại cũng
vì thế mà lâm bệnh qua đời, anh tự nhủ học hành cũng không cho anh bữa ăn no.
Nghỉ học, anh làm thuê kiếm sống, buông xuôi mọi thứ cho số phận. Chị Móp và
anh yêu nhau từ bao giờ anh cũng không có cơ hội để ngăn cản trái tim mình. Tất
nhiên, gia đình chị cấm. Chị bỏ đi rồi đến căn nhà nhỏ cuối thôn.
Họ lấy nhau không
bạn bè, họ hàng, không sính lễ, nhẫn cưới. Người làng vẫn còn nhớ cái ngày trời
nắng chang chang hai người đèo nhau tình tứ bằng xe đạp chạy ngang qua chợ, cả
hai không giấu nổi hạnh phúc phá ra cười giòn tan “tụi tui là vợ chồng rồi…”
Giấy hôn thú chị bỏ vào một cái túi nilon khít lại cho vào hòm nhôm khóa trái.
Cứ như thể chị muốn nói với tất cả rằng họ là của nhau, không cần ai cho phép
và sự thật họ đã là của nhau, mãi mãi sẽ như thế.
Hình như ông trời
ban cho chị sứ mệnh của một nữ thánh, đó là yêu chồng và sinh con. Người ta vẫn
gọi những đứa con của anh chị là con trời.
Đứa thứ nhất chị
sinh ngay trong bếp khi đang nấu cơm trưa. Sinh được một tháng, chị bồng nó ra
sông tắm. Bế đứa con nhỏ xíu trên tay, chị buông mình xuống dòng nước êm ả.
Vuốt nước sông lên đầu con, quanh cổ con rồi chị để cho những giọt nước mân mê
lấy da thịt thằng bé. Hai mẹ con như thể đôi thiên nga từ trên trời bay xuống,
mãi mê tắm gội trong bể nước bụi trần.
Chị chẳng hề kiêng
cự như mọi bà mẹ khác vẫn làm, cứ thế bồng thằng bé dạo chơi khắp hẽm này ngõ
khác. Rồi đứa thứ hai cũng vậy, lần này chị sinh nó đúng vào giữa trưa, khi
đang ăn cơm. Thấy chị sinh đẻ dễ dàng, bà con ai cũng đến thăm hỏi. Vài người
rỉa tai nhau, nhà cô Móp nghèo tả tơi vậy lấy gì cho con ăn mà đẻ lắm thế? Có
người lại xuýt xoa thèm thuồng, nhà cô chả liệu gì thế mà hay, cho ra toàn cu
là cu thích quá. Chị Móp cười trong veo, em ấy à, chỉ đẻ toàn con trai thôi,
không tin các chị chờ xem, em đẻ thêm thằng cu nữa cho xem. Nói mà thật, chưa
đầy ba năm sau, cái ngày Trời định, chị bảo anh Phùng đưa đến trạm y tế cho mọi
người chứng kiến tiếng khóc oang oang của thằng cu nhà chị, để biết lời chị nói
chẳng có sai. “Được rồi, không đẻ nữa”, anh Phùng quát vợ rồi đặt luôn cho
thằng út cái tên là Thôi.
Ba thằng con của
anh chị, Nhất – Thế - Thôi, lạ thay, giang nắng giang mưa, tắm sông từ khi mới
một tháng tuổi nhưng không đứa nào biết đến ốm đau, sổ mũi hay uống thuốc là
gì. Đứa nào đứa nấy chắc nịt, da ngăm ngăm giống cha. Có lẽ tại đều sinh vào
ban trưa nên chúng có đôi mắt long lanh, môi dày tím bậm, tóc mây đen nhánh như
được dệt bởi những sợi nắng cháy rực.
Hai cô chị và em
gái đều sinh con gái, gia cảnh lại khá nên bà ngoại thằng Thôi cũng mủi lòng
thương các cháu. Dăm ba bữa bà ngoại kêu cho thịt. Hôm khác, dì cả, dì hai nhắn
cho tiền đóng học, dì út cho quần áo mới. Được thể, chị Móp kê ngay một cái bàn
phía cuối dãy hàng thịt. Hàng của mẹ, hai chị và em gái ở quanh đó. Sáng đến
chợ, chị khoan dọn bàn mà đến giúp mẹ cạo cái chân giò. Xong việc đưa tay bợ
cục thịt to về bán. Lần khác lại qua hàng cô út, giúp em cạo tai heo, đuôi heo…
Khách đông thì phụ chị cắt thịt. Rồi tự trả công bằng một phần mà chị nghĩ
chẳng thấm tháp với các cô chị giàu có là mấy. Nhiều thì bán, phần nào ngon thì
mang về. Thế là ngày nào nhà chị cũng có thịt ăn.
Từ khi có cái nghề
thịt lợn, cái nghề mà vốn dĩ là số phận của chị, cuộc sống khá hơn. Ra ngoài,
chẳng ai nghĩ chị thuộc vào diện cần xóa đói giảm nghèo. Chị em trong làng vẫn
kháo nhau, không ai theo kịp “mốt” chị Móp. Tóc bối cao, tóc duỗi thả, xoăn
lọn, nâu vàng, hạt dẻ đủ cả, hôm nay kiểu này mai kiểu khác, trang sức cũng
thay theo mùa. Quần áo, váy đầm thì đã có của mấy cô chị và cô em. Cái tật tự
nhiên đến tự tiện của chị đã có bẩm sinh nên cứ đến lễ tiệc là sang nhà chị,
nhà em gái mượn về mặc. Nhiều khi lấy luôn đồ mới toanh làm mấy bà tức tưởi.
Thế là chị em to tiếng bốp chát nhau ngay giữa chợ. Ba bữa nửa tháng lại đứa
xô, người cười, chị chị em em, rồi lại cho thịt, lại mượn váy, lại rầy la.
Anh Phùng ngày càng
đâm ra biếng nhác, ngày nào có người kêu thì anh đi làm, ngày nào không ai kiếm
thì lại nằm ì ra, hết ăn rồi ngủ, chẳng chịu đi tìm việc. Thằng Nhất học xong
lớp tám thì nghỉ học đi phụ hồ, anh cũng mặc kệ. Anh Hoàng, bạn bè thân thiết
của anh lúc bé có một cơ sở kha khá, thấy bạn khó khăn nên muốn giúp. Hoàng gợi
ý cho anh đi học lái xe rồi về lái giúp anh ấy nhưng anh không chịu. Anh vẫn
quen cái kiểu đi làm công cho người ta, nắng làm mưa ở nhà ngủ, tiền công nhận
theo ngày như thế.
Thấy vợ chồng anh
sống khá nhàn nhã, nhiều người vẫn hay ghen ghét, hoài nghi.
Ở chợ có bà hàng
buôn mất cắp. Bà ta nói gần nói xa như đâm như thọc vào họng chị Móp. Vốn dĩ ít
quan tâm lời khen chê nhưng đã đụng tới chị là chị chớ có tha. Chém phặp cái
dao xuống bàn, chị ré lên như tát nước vào mặt bà thím môi mỏng kia. Biết là
không có bằng chứng nên bà ta xuống giọng. Nhưng trước đó vẫn rướn cổ, uốn thêm
vài lần môi:
- Sức dài vai
rộng, khỏe như trâu, đẻ như lợn, trang sức đeo đầy người, suốt ngày đợi trợ cấp
hộ nghèo, hết tiền thì…
- Thì gì? Thì
gì? Nói xem nào mụ kia. Cái tiếng hộ nghèo ấy chẳng qua tui muốn con tui được
hỗ trợ đi học. Rứa là sai hở? Còn con cái là của Trời cho, khối người muốn
chẳng đẻ được kia kìa… - Chị chống nạnh, hách cằm, bà thím môi mỏng im bặt, cúi
xuống xếp hàng, cặp môi cong lớn vẫn giật giật trông bề còn ức lắm.
Lần khác, hai cha
con nhà nọ đến bắt đền chị con gà, bảo rằng có người nhìn thấy chị đâm phải gà
ông ta rồi xách cổ mang về. Chị không truy xét, chỉ dứt khoát một câu “tui
không làm cái việc xấu hổ đó, có lấy thì tui lấy của mẹ, của chị em tui, không
bao giờ lấy của thiên hạ…” Hai người kia vẫn khăng khăng đổ oan cho chị. Phẫn
quá, hai tay túm lấy áo, chị kéo cha con nhà kia tống xuống ruộng. Cái sự khỏe
của chị Móp và ba thằng quý tử nhà chị thì khỏi phải bàn. Lớp một, thằng Thôi
đã đánh bại một anh lớp năm. Lần đó, chị phạt nó đứng nhón một chân cả buổi
tối. Chị nói với thằng Thế, thằng Thôi:
- Anh Nhất vì
hoàn cảnh mà nghỉ học, anh đi làm rồi dần dần học cái nghề. Hai đứa mày lo học
hành cho mẹ.
- Nhưng lũ đó
toàn nói nhà mình nghèo và … - Thằng Thế chen vào.
- Nghèo thì
xấu à? Nghèo thì càng phải học để sau này thoát nghèo, đừng để người ta khinh
mình nữa.
- Dạ, sau này
con sẽ làm kỹ sư nuôi lợn cho mẹ bán. Thằng Thế reo lên.
- …Còn con,
con sẽ là bác sĩ chữa bệnh cho lợn mẹ nhỉ?
Chị cười, lũ trẻ
cũng cười. Tiếng cười giòn tan vỡ ra như ngàn mảnh pha lê đẹp óng ánh chấp chới
trong ánh mắt đen láy, trong trẻo của lũ trẻ.
Mọi người vẫn nghĩ
chị Móp là người vô tư lự, hời hợt nhất. Nhưng lâu dần người ta cũng nhìn chị
với ánh mắt khác. Nhiều lần đi chợ, đi công chuyện vội vã, nhưng hễ thấy có
người xin đi nhờ xe, người gặp khó khăn trên đường chị đều quay lại giúp. Thấy
ai gây gỗ, bắt nạt người hiền lành chị chạy đến bênh vực ngay. Dạo đó, chị chở
một thùng thịt to, kẹp thêm thằng Thôi, thằng Nhất, đang phóng xe ò ò trên
đường. Đi được một đoạn chị nhìn thấy có hai người bị tai nạn đang lồm cồm bò
dậy, chân tay xây xát đầy máu. Đám đông ùn ùn tới, chị cũng dừng xe. Khi người
ta đang mải đứng chỉ trỏ băn khoăn hai người này ở đâu, làm gì đi qua đây…, chị
vụt ngay tới hét to “đỡ họ đến đây tui chở đi bệnh viện nhanh nhanh”. Chị đến
tháo thùng thịt xuống dọn chỗ cho hai người bị thương lên xe. Xe nổ chị còn kịp
ngoái đầu lại dặn “dẫn hai đứa nhỏ tới trường dùm tui nghe…”
Cái thú ăn diện,
thích ca hát của chị thành ra nghiện. Nhưng chị Móp được tiếng xinh đẹp, khỏe
mạnh, lại nhiệt tình. Chiếc xe máy chị lấy của mẹ dùng, vẫn thường để chở hàng
ra chợ bán, cũng là chiếc xe cứu giúp không biết bao nhiêu người. Đến mùa gặt
lúa, chị đi gặt cho nhà này nhà kia. Ban đầu chị chỉ tính gặt giúp, nhưng xong
mùa người ta mang thóc đến cho chị. Thế là cũng có gạo ăn vài tháng. Cứ mỗi lần
chị em phụ nữ trong làng đi gặt chung, giờ nghỉ, tiếng hát chị Móp lại vang
vang trên cánh đồng. Bà con vỗ tay theo, thế là thành hội.
Có lẽ Trời cho chị
nhiều cũng phải lấy đi của chị cái gì đó.
Lần này chị quyết
ra tay cải tạo lại mảnh vườn để hoang lâu nay. Đang hăm hở bổ từng nhát cuốc
sâu xuống đất thì bỗng nhiên “BÙM…!!!” một cái, người chị văng ra, tĩnh dậy đã
thấy mình đang nằm trong phòng cấp cứu. Sau lần đó chị mất hai ngón tay trái.
Mỗi lúc nhìn xuống hai ngón tay bị cụt chị lại nhớ đến cái mặt méo xệch, khắc
khổ của anh Phùng khi chị vừa mở mắt. Cái mặt đó đã từng trắng bệch ra run rẩy
khi mất đi người thân yêu. Giờ nó lại bị biến dạng đi rồi sau đó làm anh choàng
tĩnh.
Cả hai ngón tay và
cái nhẫn cũng bay luôn cùng mảnh bom nổ. Thằng Nhất nói để con đi tìm, chị bảo
thôi. Chị nói:
- Trời muốn
lấy lại hai ngón tay thì trả lại Trời. Còn cái nhẫn là đồ giả chả phải tiếc. Cả
cái dây vàng này và đôi tằm này đều là trang sức giả hết. Nói rồi chị mân mê
cái dây chuyền trong cổ mắt lúng liếng cười.
Mấy ngày sau đó anh
Phùng tìm đến nhà Hoàng. Hai ba hôm liền đều không gặp. Hôm khác anh lại đến,
xin Hoàng nhắc lại cái đề nghị năm trước. Hoàng biết gia cảnh của bạn, gật đầu
vỗ vai, hứa sẽ giúp đỡ tận lực. Thế là anh Phùng vừa đi học lái xe vừa làm thêm
công việc anh vẫn thường làm.
Một chiều thứ bảy
đầy nắng, anh trở về nhà với tâm trạng hớn hở, tay xách một túi thức ăn to.
- Hôm nay anh
không phải làm hở?
- Em không nhớ
hôm nay là ngày gì à?
Chị Móp nghĩ ngợi
một lúc rồi mặt chị bừng lên, nhớ ra cái ngày hai người đèo nhau từ ủy ban xã
về, chị gói tờ giấy hôn thú trong cái túi nilon cất vào hòm nhôm.
Chưa kịp khoe thì
anh Phùng đã ngồi xuống bên cạnh, nắm lấy bàn tay chỉ còn ba ngón của chị. Anh
áp nó vào má mình. Cánh tay chị ngượng nghịu, người chị đơ cứng. Anh rút từ
trong túi quần một cái gói, tay kia vẫn giữ bàn tay vợ. Anh từ từ mở ra, một
chiếc nhẫn vàng. Không như thường ngày, chị vẫn ngồi im, e ngại. Anh Phùng chậm
rãi nói:
- Xin lỗi em.
Từ ngày em về làm vợ, anh chưa sắm cho em được thứ gì, tiệc cưới không, mà nhẫn
cưới cũng chẳng có. Vậy mà em vẫn một lòng một dạ theo anh, phải đeo những thứ
hàng giả rẻ tiền để rồi người ta đặt điều nói xóc xỉa. Chiếc nhẫn này anh đã
đặt từ lâu nhưng vì chưa có đủ tiền, trên đó có khắc tên chúng ta.
- Anh, em... –
Chị bối rối.
- Bây giờ ngón
tay đeo nhẫn cũng không còn. Thôi để anh đeo nó vào tay kia cho em nhé!
Chị Móp chìa tay
ra, ánh mắt chị ngập tràn hạnh phúc. Anh Phùng đeo chiếc nhẫn cưới vào tay vợ,
sau mười bốn năm.
NGÔ DIỆU HẰNG
Giáo viên THCS môn Tiếng Anh,
thị trấn Bến Quan, Vĩnh Linh, Quảng Trị
dieuhang.ngo@gmail.com