ĐÔNG HÀ MÙA XUÂN TRONG KÝ ỨC
Tùy bút
Hoàng Yên Linh
Đông-Hà tháng 2-1972. Những
ngày xuân với mưa bụi, với cơn gió se lanh. Buổi sáng cùng với những đứa bạn ngồi
ở quán cà phê Văn-Tường nhìn ra bến xe, bên những ly cafe chia tay. Buổi sáng vẫn
còn phảng phất một chút không khí an bình của thời chiến.Tôi ra đi và vẫn nghĩ
chỉ một năm sau sẽ trở về gặp lại người thân, bạn hữu... Tôi không thể hình dung hơn
40 năm sau mái tóc đã ngã màu sương khói, tôi vẫn chưa một lần trở lại.Và từ
đó, Đông-Hà còn lại trong ký ức tôi là thị trấn với con phố buồn hiu đi dăm phút
đã về chốn cũ. Đông-Hà còn lại trong tôi đầy ắp kỷ niệm một thời tuổi trẻ.Và
quãng đời thăng trầm nghiệt ngã, là những tháng năm trong trại tù cải tạo với nỗi
ngậm ngùi cho số phận, là nỗi niềm cay đắng trên bước đường lang thang kiếm sống.Và
tất cả trở về trong tôi như một thước phim dĩ vãng tràn đầy nhớ thương chua xót
của một thời tin yêu, một thời đắng cay buồn thảm...
Những năm tháng chiến
tranh, có những lúc đong đưa trên cánh võng ở một khu rừng nào đó, có những lúc đối
mặt với cái chết rình rập, tôi vẫn luôn dành trong ký ức một cố hương với bao
hoài vọng tưởng tiếc...Vẫn hẹn với lòng mình rồi thế nào cũng có một ngày trở về
tìm gặp người xưa, tìm lại cố xứ... Nhưng rồi tất cả đã tan biến theo thân phận
người thua cuộc, sau bao cuộc bể dâu mà tình đời, tình người đầy dẫy những oan
trái.Vẫn cố tự an ủi với lòng mình rằng người không phụ mình thì ra mình cũng sẽ
phụ người vì định mệnh vốn dĩ đã an bài bao đắng cay, nghiệt ngã. Những tháng năm
trên vùng sông nước mưu sinh chăn vịt thuê, một mình trên căn chòi vắng giữa đồng
không mông quạnh, đêm đêm nằm khoanh tay gối đầu nhìn xuyên qua mái lá trông những
vì sao mà lòng bất chợt bình an lạ thường.Không oán hờn, không trách móc. Mới
nghiệm ra rằng cuộc đời vốn dĩ sắc sắc không không...Hay một lần ngang qua phà
Mỹ-Thuận gặp lại người bạn cũ đang kéo lê tấm thân tàn phế bán từng tờ vé số mới
thấy lòng chùng xuống, nỗi đau không ầm ỉ nhưng tê buốt, hóa ra cuộc đời bất hạnh
đâu chỉ có riêng mình.
Khi viết những dòng
này, tháng năm còn lại của cuộc đời chẳng còn bao nhiêu nữa, tôi vẫn mãi là kẻ
tha hương bất đắc dĩ, như một kẻ cô đơn lạc loài giữa rừng chiến khu kỷ niệm, vẫn
tự cố dối lòng mình bằng những giấc mơ không thật, bằng đêm đêm gối đầu lên chiếc
gối êm đềm của trái mơ hạnh phúc. Không thành công thì cũng thành nhân, người xưa
đã thường nói.Với riêng tôi, dòng đời vốn không xuôi chảy thì tìm một chút bình
yên qua những vần thơ. Thơ đối với tôi đôi lúc như những liều thuốc an thần giúp
quên đi những nhọc nhằn, gian nan khốn khó, những đắng cay tủi nhục. Những bài thơ
viết trong những ngày tháng chiến tranh bão lửa, những tháng năm tha phương buồn
bã, cơ cực vì miếng cơm manh áo.Thơ để an ủi, để ngậm ngùi cho những ước mong bất
toại, để tưởng tiếc những mối tình dẫu chung cuộc đã để lại trong đời những đớn
đau... Biết đâu đó chẳng là hạnh phúc vì mấy ai cân lượng vơi đầy với những cuộc
tình đã đi qua trong đời mình.Và làm cho lòng bình an xóa hết những hận thù lẫn
đắng cay phiền muộn.Dẫu thế tôi không bao giờ là thi sĩ. Không,tôi chỉ là một kẻ
yêu thơ,vui đùa với thơ, và nghiệm ra rằng thơ trước sau với tôi là một người
tình chung thủy.
Khi tôi viết những
dòng hồi tưởng này tôi lại nhớ đến mấy câu thơ ngày cũ:
Mai còn sống bọn ta về Đà-Nẵng
Phố đông vui ta đập phá tan
hoang
Mai còn sống dẫu là thân què
quặt
Về cố hương tìm lại chút bình yên.
(Đà-Nẵng,1974)
Vâng, một thời tuổi trẻ tin
yêu và cuồng nhiệt để rồi cái giá ê chề phải trả cho cả một đời người. Dẫu vậy, tôi
vẫn không bao giờ nuối tiếc, tôi tự nhủ với lòng tôi đã làm tất cả những gì có
thể làm được và không hổ thẹn với chính mình, không cảm thấy cắn rứt khi nhớ đến
bằng hữu dồng đội chiến trường...
Những ngày xuân trên miền đất
cao nguyên, ly rượu sóng sánh,khúc dân ca nhè nhẹ say đắm. Đôi mắt huyền hoặc,chiếc
áo bà ba, chiếc váy dịu dàng của những nàng sơn nữ bên chum rượu mừng xuân đón
tết khiến lòng người tha phương bồn chồn xao xuyến.Và tôi lại thao thức nhớ về
quê cũ, nhớ những mùa xuân đã đi qua trong đời với bao kỷ niệm ngọt ngào. Đã hơn
40 năm rồi, dòng đời qua đi trong lặng lẽ với bao nỗi niềm u uất.Tôi biết quê
xưa giờ chỉ còn lại trong ký ức tôi mái chùa, bến nước dòng sông, những con đường
nhỏ đầy dấu chân hò hẹn... Nhưng tình xưa, bạn bè cố nhân nay đã không còn nữa...
Vâng, hai tiếng cố hương
ngắn ngủi nhưng đeo đẳng suốt cả cuộc đời tôi. Bỏ quê hương ra đi trong lửa đạn...Và
tháng năm nhọc nhằn trĩu nặng nỗi cơm áo, cuộc sống tha phương đưa đẩy tôi trôi
dạt đến miền Tây sông nước, ở đó tôi có được người bạn vong niên nay đã đi vào
cõi vĩnh hằng. Ông Ba Saigon người đã giúp tôi làm thuê bốc vác ở bến cảng Gành
Hào để kiếm sống, đêm đêm về làm thơ uống rượu,cái giọng khản đục của ông mỗi lần
hài lòng một câu thơ nào của tôi: "Sáng mai tao dẫn chú mày ra chợ Bạc-Liêu
uống rượu..." Nỗi xúc động khi về tìm lại người xưa:
Tôi về trăng nước còn đây
Người xưa đã khuất chân mây
cuối trời
Bồi hồi bạn cố tri ơi
Lá vàng rơi...lá vàng rơi...ngậm
ngùi.
Những tháng năm lang thang ở
Saigon còng lưng trên chiếc xích lô kiếm sống, đêm về thuê manh chiếu ngủ qua
đêm ở xa cảng Miền Tây. Ở đó tôi đã được gặp nhạc sĩ Trúc Phương, cũng đêm đêm về
tá túc sau một ngày lang thang trên phố, cùng chia sẻ chuyện đời bên ly rượu...Tình
cảm dành cho nhau trong những ngày cơ cực để rồi nay kẻ còn người mất. Rồi những
tháng năm ở miền Đông nắng lửa tá túc với người bạn già đốn củi đốt than. Những
cơn sốt rừng dai dẳng,những bữa cơm trộn củ sắn, rau rừng, cái đói cứ chập chờn kể
cả trong giấc ngủ... Những ngày lang thang với cái lý lịch màu đen bị đối xử tới
tận cùng tủi cực... Rồi đến vùng cao nguyên nắng gió làm phu đập đá kiếm cơm,vừa
mưu sinh bằng nghề viết thuê cho những kẻ thừa mứa bạc tiền nhưng nghèo nàn chữ
nghĩa,ngậm ngùi cho những đứa con tinh thần của mình chẳng bao giờ được mang
tên tuổi chính mình.Cuộc sống vốn dĩ như những dòng sông con nước lúc đầy lúc
vơi, bên lở bên bồi và thế thái nhân tình như cảnh trời sáng nắng chiều
mưa. Chính những tháng năm nhọc nhằn đó đã giúp tôi trưởng thành hơn,biết yêu
thương khoan dung hơn và cuộc sống dẫu thế nào chăng nữa vẫn cứ ngọt ngào hơn
cái chết. Nhưng trên tất cả tôi vẫn khao khát ấp ủ một ngày về được sống,được
nhìn lại dòng sông tắm mát thời thơ ấu, được nghe lại tiếng chuông chùa khoan
thai dìu dặt, được đi lại trên những con đường xưa dẫu cố nhân đã ngàn trùng
cách biệt.
Vâng, cố hương Đông Hà- Nơi có
tiếng hò từ thuở nằm nôi,có ngôi trường với nét chữ tập viết đầu đời, có áo ai
bay trắng trời lộng gió,có những ngày xuân về tết đến với bao kỷ niệm êm đềm
bên gia đình,bạn hữu...có ánh mắt mà một thời tôi say đắm tất cả nay chỉ còn
trong hoài niệm tưởng tiếc...
Hoàng Yên Linh