Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Saturday, March 17, 2012

TIẾT THANH MINH VÀ PHONG TỤC VIẾNG MỘ CÔ HỒN CỦA LÀNG VĂN QUỸ XÃ HẢI TÂN - Lê Đăng Mành

     Làng Văn Quỹ xã Hải Tân là một miền quê có truyền thống và nguồn gốc lâu đời cho nên nhiều PhongTục, Lễ Hội mà đến nay vẫn còn bảo lưu, ấn tượng và mang nặng nghĩa tình nhất là lễ Thanh Minh :

Thanh minh trong tiết tháng ba
Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh*


Chính điện đình làng Văn Quỹ


     Cũng vậy, tiết Thanh Minh đã trở thành phong tục làm nên lễ hội Thanh Minh tảo mộ ở quê này mà các miền vùng phụ cận không có.Từ Kẻ Lạng (Lương Điền) đến Câu Nhi,  Kẻ Văn (Văn Qũy), Kẻ Vịnh (Hưng Nhơn) và An Thơ, Phú Kinh thì cũng có các Làng tổ chức Tế Lễ như Hưng Nhơn Tế Đông Chí, Làng AnThơ tháng mười hai Tế đóng cửa rừng và tháng giêng Tế mở cửa rừng. Không những miền Ô LÂU quặn đau với những thiên tình sử mà còn là mạch nguồn của Lễ Hội ! Rất riêng cho Làng Văn Quỹ kể từ khi lập Làng đã trải qua trên năm thế kỷ.Tên gọi của Làng Văn Quỹ do Ngài KHAI KHẨN, KHAI CANH đã trích từ chữ :"XA ĐỒNG QUỸ THƯ ĐỒNG VĂN", nghĩa là "xe đi cùng một đường, sách viết cùng một thứ chữ",  nói lên sự đoàn kết đồng tâm hiệp ý trong mọi việc làm, mà có tên gọi VĂN QUỸ cho đến bây giờ (pham vi hạn hẹp của bài viết nên chúng tôi chỉ lướt qua để giới thiệu tên Làng)
   
    Có lẽ khi Thi Hào Nguyễn Du (1765-1820) phóng tác  Kim Vân Kiều truyện của Trung Quốc “Thanh Tâm Tài Nhân” bằng văn xuôi,  Cụ đã chuyển ngữ thành truyện Kiều (1813) với ngôn ngữ và thể thơ lục bát dân tộc và văn tế thập loại chúng sinh càng bổ sung cho lễ hội thêm trang nghiêm ngày càng phong phú nhằm tô đậm nét bản sắc văn hóa của xã hội làng quê vốn đã có từ lâu đời.

   Tiết thanh minh trời lấm tấm rã rích mưa xuân,lất phất hơi rét giêng hai,lúa ngoài đồng vào kỳ thai nghén là nền văn hóa lúa nước cho nên tục ngữ thường nhắc:

Đói thì ăn môn ăn khoai
Chớ thấy lúa lổ giêng hai mà mờng***

   Vì vậy lịch thời vụ gieo cấy phải bố trí lúa trổ sau thanh minh mới bội thu,tiết trời bắt đầu trong sáng và nắng ấm cho vùng Trị Thiên.Trong thời điểm này bà con nông dân tất bật với công việc chăm sóc phòng trừ dịch bệnh sâu hại cho cây lúa và rau màu để đến kỳ Thanh Minh cho được rảnh rang mà lo việc xóm,việc làng.

   Hằng năm lễ Thanh Minh sắp xếp chương trình cụ thể hẳn hoi, được tổ chức hai ngày :

 - Ngày đầu: Buổi sáng tập trung tảo mộ, chạp mả. Buổi chiều Lễ cáo (và tiếp nhận lễ vật của bà con hảo tâm  dâng cúng.)

- Ngày thứ hai: Chánh lễ với nghi thức cổ truyền tại Đàn Âm Hồn.

Cồn mã

   Đàn Âm Hồn nhưng từ lâu trong tiếng gọi dân dã của quê nhà vẫn hai tiếng ngắn gọn chứa chan niềm kính ngưỡng mà linh thiêng là NHÀ ÂM, nơi đây bao truyền thuyết về sự cảm ứng mà muôn đời vẫn ghi nhớ truyền tụng, dẫu cho người chọc trời khuấy nước, cứng đầu ương ngạnh có lỡ bước đi ngang đều phải gập mình nhẹ nhàng lần bước mắt không dám nhìn tiền hậu tả hữu mà chỉ lấm lét như người có tội. Làng Văn Quỹ có bốn xóm, với tên gọi hiền hòa tha thiết: Thượng an,Thái Hòa, Phú Thọ và Đông An.

   Có hai tôn giáo: Phật Giáo và Công Giáo nhưng sống đoàn kết chan hòa trong tình làng nghĩa xóm.

   Ban tổ chức gồm quý vị đại diện cho các Họ gọi là Hội Đồng Tộc Trưởng và bầu một vị Hội Chủ để điều hành việc Làng lo tế tự xuân thu nhị kỳ: Kỳ An, Kỳ Phước, Xuân Thủ,Yến Quân, Điền Bạn,Thanh Minh**** và Giỗ Tổ quý Họ cùng bốn vị đại diện bốn Xóm “Trùm Xóm”để điều hành trong khu vực của mình.

   Ngày đầu dân các xóm tập trung Tảo Mộ trong địa phận xóm mình, được ban tổ chức phân hương đi thắp những ngôi mộ để cung thỉnh chư vị cô hồn, đa số các mộ phần không có người chăm lo hương khói sóc vọng.Vì thế vừa tảo mộ vừa đắp mới những ngôi mộ bị xói mòn theo thời gian cũng như bị lũ lụt hằng năm quét trôi mất nấm.

   Không phân biệt lương giáo mọi người đều tâm niệm  mổi năm chỉ được một lần dâng hương tảo mộ người khuất mặt, biết đâu đây cũng là huyết thống của Tổ Tiên mình bị thất lạc mộ phần thành ra không nơi nương tựa. Nhìn những nắm đất“sè sè”*****Như mộ Đạm Tiên” bên những lăng mộ bề thế kiêu sa Long Lân Quy Phụng ngự chầu mà nghĩ phận người chui rúc trong những lều tranh dột nát bên những biệt thự cao sang thì Âm Dương đâu có cách xa…!

    Có lẽ trong ký ức của người khách lữ xa quê vẩn đau đáu khát khao được trở về thăm, cùng bà con xóm giềng vác cuốc ra đồng dảy mả một lần cho thỏa nguyện ước ao cháy bỏng, hằng ôm ấp ngày về quê cũ mà đặt chân trên những địa danh mà tên gọi mộc mạc nhưng chan chứa yêu thương vỗ về như lời ru từ thuở nằm nôi:

Lè tè nắm đất nhỏ nhoi
Đất thánh, cồn cợi, cồn soi, cồn đùng
Cồn chứa, cồn hóp, cồn dương
Đầu cầu đàng đá, bên đường gởi thân
Luân hồi bao kiếp trầm luân
Phải chăng huyết thống tiền nhân của mình ******


 Hội đồng Tộc Trưởng làng Văn Quỹ

   Việc tảo mộ thường được thực hiện trong buổi sáng và Lễ cáo cung thỉnh tại Miếu Đường của từng Xóm.Buổi chiều toàn dân tập trung tại nhà Âm lo việc đã được phân công,các ban ai lo việc nấy khoảng 16 giờ là lễ cáo với chinh cổ nhạc lễ ,   Suốt đêm quý cụ chức sắc thay phiên nhau túc trực dâng hương .

   Ngoài ra trong đêm các bà các chị trong ban ẩm thực trai soạn sắm sửa trai bàn,bánh trái,phẩm vật,mâm cỗ để sáng ngày dâng cúng. Cứ một năm làm cỗ mặn năm tiếp theo làm bánh chưng bánh tày và quả phẩm.
  Tờ mờ sáng Chánh Lễ, đường làng nhộn nhịp hẳn lên, Nam thanh Nữ tú đúng là” Ngựa xe như nước, áo quần như nêm” (Truyện Kiều)

   Quý cụ chức sắc, quan viên trong lễ phục áo dài xanh thụng có hoa văn,dân làng thì khăn đen áo dài chỉnh tề lần lượt tập trung về nơi hành Lễ, nghi Lễ được cử hành theo nghi thức cổ truyền,ban hương đăng bắt đầu làm việc Sau ba hồi chiêng trống nhị vị gia lễ vào hàng, xướng :   

 - Khởi chinh cổ  (đánh chiêng trống)
 - Các tư kỳ sự  (ai làm việc nấy )
 - Nhạc sanh tựu vị  (nhạc vào hàng)

 Nhạc bắt đầu tấu khúc cung đón vừa dứt gia lễ xướng tiếp :

Chánh bái tựu vị : Chủ Tế và các vị Tộc Trưởng đứng vào vị trí của mình, khói trầm hương nghi ngút hòa quyện với âm thanh nhạc cổ chơi vơi ai oán trong không khí trang nghiêm ấm cúng âm hưởng của bài văn tế bi ai não nùng nhằm bày tỏ lòng tri ân trước vong linh chư vị cô hồn Vị Quốc Vong Thân, nạn nhân chiến tranh hoặc cây trời hơi gió,dịch bệnh đói khát, lạc chợ trôi sông,oan hồn uổng tử vất vưởng lênh đênh không nơi nương trú.

Dịch bệnh uổng tử thương vong
Cúi đầu phụng thỉnh tỏ lòng dương gian

  Với đạo lí uống nước nhớ nguồn, Lễ Thanh Minh đã đi vào truyền thống và ăn sâu trong tiềm thức trở thành tập quán của quê hương như vậy đã bao đời nay, là bản sắc vốn quý của làng quê Văn Quỹ. Chắt chiu tài sản tâm linh mà Tổ Tiên đã truyền lại cho hậu thế,là tấm gương khuôn vàng thước ngọc cho thế hệ hôm nay và mai sau biết huân tập lòng từ ái mở vòng tay yêu thương xoa dịu những mảnh đời côi cút giữa cuộc thế vô thường và biết kế thừa chăm sóc những nắm mồ vô chủ nhằm an ủi HỒN XIÊU PHÁCH LẠC cho vong linh kẻ khuất mặt biết hướng đến bến bờ…

   Nơi đây không chỉ Lễ Thanh Minh mà biết bao phong tục đã đi vào nề nếp như Đám Tang, việc cử hành Tang Lễ không ăn uống rình ràng giết hại trâu bò, gà vịt, không lấy câu "ăn no to đám" mà chỉ chay tịnh trong lúc hiếu sự.

      Những giá trị đạo đức cao đẹp truyền thống trên đây là thừa hưởng tinh hoa bao đời sàng lọc giữ gìn lại. Càng coi trọng giá trị văn minh vật chất bao nhiêu e luân thường đạo lý càng mai một và băng hoại bấy nhiêu. Cho nên những phong tục tập quán thường được sanh ra và nuôi dưỡng bảo lưu từ miền quê chơn chất phác thực hiền hòa.

   Thành tựu những giá trị văn hóa này cũng là nhờ công sức toàn dân đoàn kết xây dựng và phát huy thế mạnh. Nên  năm 2000 Làng Văn Quỹ vinh dự được Nhà Nước công nhận là Làng Văn Hóa. Duy trì phong tục tập quán là nét đẹp của làng quê là nguồn cội sức sống của dân tộc.

   Là hàng hậu duệ dù sống trong thời đại văn minh trên mọi miền Đất Nước vẫn luôn luôn trân trọng nhằm giữ gìn và khai triển nền văn hóa ấy mãi tuôn chảy dạt dào trong lòng mỗi người dân LÀNG VĂN QUỸ ./.


                                          TIẾT THANH MINH

                                       4/3/2012 (12/2/Nhâm Thìn)




Ghi chú:

*THƠ NGUYỄN DU
**Thiên Trung dung sách LỄ KÝ:kim thiên hạ xa đồng quỹ thư đồng văn.
***mờng là mừng,lổ là trổ (TỤC NGỮ)
****TÊN GỌI :GIỖ,LỄ CỦA LÀNG
*****sè sè nắm đất bên đường
Dàu dàu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh
(NGUYỄN DU viết về mộ của ĐẠM TIÊN)
****** CHỮ IN đậm là tên cồn MẢ của LÀNG


   THANH MINH 


XuânTrời chuyển tiết thanh minh
Mưa lất phất tiếp anh linh cô hồn
Vật vờ nương ngọn đông phong
Lập lòe cồn mả ruộng đồng phất phơ
Hằng năm Làng lễ phụng thờ
Chiêu đàn cung thỉnh tinh mơ thượng đường
Ngày đầu bốn Xóm dâng hương
Lễ cáo Tảo Mộ toàn Phường Kẻ Văn
Cáo nghinh chư vị thăng đàn
Cổ truyền chánh Tế rạng đàng quê hương
Tháng ba xuân nhật niên thường
Tri ân hào kiệt chiến trường mạng vong
Dịch bệnh uổng tử long đong
Đê đầu phụng thỉnh tỏ lòng dương gia
Chức sắc Thôn, Hợp ,Họ Làng
Quan viên thức giả doanh nhân xóm giềng
Duy trì bản sắc thiêng liêng
Phủ phục dâng lễ đàn tiền Âm linh
Nguyện cầu Quốc Thái Dân Yên
Hạnh thông nghề nghiệp muôn miền ấm no.

                                                                  TIẾT THANH MINH NHÂM THÌN- 2012
                                                                                  
Lê Đăng Mành    


   
READ MORE - TIẾT THANH MINH VÀ PHONG TỤC VIẾNG MỘ CÔ HỒN CỦA LÀNG VĂN QUỸ XÃ HẢI TÂN - Lê Đăng Mành

Hoàng Yên Lynh - QUẢNG TRỊ - KHÚC TÌNH CA

 Hoàng Yên Lynh





  • Gởi Đông-Hà và NH... ngày xưa.



  •  "Mẹ thương con ra cầu Ái-Tử
    Vợ trông chồng lên núi vọng phu ..."
    Câu hò quê hương theo tôi quãng đời xa xứ
    Quảng-Trị quê mình dải đất buồn hiu .
    Tôi lớn lên từ bão gió Trường-Sơn
    Từ khoai sắn bên đồng khô ruộng cạn .
    Tôi lớn lên trong nhọc nhằn nắng hạn
    Trong đạn bom chinh chiến tự thuở nào
    Quê hương ơi khổ đau từ giọng nói
    Tan tác , chia lìa , phiêu bạt khắp nơi .
    Ơi câu hò lắng sâu trong nước mắt
    Ru tôi ngậm ngùi từ thuở nằm nôi
    Nắng lửa hướng tây bão cát biển đông
    Giá rét mưa dầm quanh năm gió lộng .
    Quảng-Trị ơi cực chi mà cực rứa
    Tự bao đời dồn dập những tai ương
    Con sông nào ,bến nước Hiền Lương
    Mà chia cắt hằn nỗi đau đất nước .
    Quảng-Trị ơi ngày biệt ly cất bước
    Pháo trên trời và máu nhuộm ven sông
    Tôi ra đi lòng ước hẹn với lòng
    Ngày trở lại tắm trên dòng sông Hiếu
    Đời bể dâu tháng năm qua biền biệt
    Vẫn chưa về tìm lại bến sông xưa
    Nợ áo cơm đời tha phương xứ lạ
    Đêm ngậm ngùi dõi mắt ngóng sao xa
    Nơi cố xứ còn ai thương ai nhớ
    Còn bạn bè ...
    phố nhỏ ... quán mưa bay ...
    Ngôi trường cũ ... nhớ tôi ngày tuổi nhỏ .
    Quảng-Trị ơi gọi tên trong da diết
    Đất với trời sao tràn đầy oan nghiệt
    Người với người khổ đau và ly biệt
    Cả một đời chưa trọn nghĩa thương yêu .


    ***

    Tôi ra đi lúc đầu xanh tuổi trẻ
    Đếm thời gian tóc đã trắng sương chiều
    Đã bao lần tôi hỏi với lòng tôi
    Đời xa xứ nhớ quê sầu vời vợi .
    Đời xa xứ ... vẫn là tôi Quảng-Trị
    Vẫn ngày xưa ... từ giọng nói lời ru
    Đêm mơ về quê cũ mái nhà xưa
    Đêm bình yên vọng chuông chùa xa vắng .
    Đêm gió đùa xao xác những hàng tre
    Dõi bước chị về áo bạc chân quê
    Và giọng ầu ơ ... ru con trưa nắng hạ
    Tôi hỏi bến sông xưa , hỏi người cố quận
    Hỏi những con đường còn nhớ tôi không
    Biết bao điều tôi thầm ước thầm mong
    Ngày trở lại ... vẫn quê xưa Quảng-Trị .


    ***

    Quảng-Trị ơi mấy mươi năm xuôi ngược
    Nợ với đời và nợ cả quê hương
    Nợ bát cơm khoai nợ ân tình bè bạn
    Nợ mắt ai buồn ... đẫm lệ nhớ thương .
    Quảng-Trị ơi hơn nửa đời làm thân xa xứ
    Đời chông chênh bao dấu hỏi quê người
    Xin một lần tôi gặp lại tình tôi
    Đời đẹp quá không hận thù chinh chiến
    Không ly biệt để người trông kẻ đợi.
    Tôi trở về vầng trăng xưa còn đó
    An-Lạc ân tình vào trang viết thơ tôi
    Con phố buồn tìm lại dấu chân quen
    Hàng phượng đỏ áo thư sinh hò hẹn .
    Tôi trở về ... biết ai chờ ai đợi
    Dõi mắt buồn thầm gọi cố nhân ơi.
    Tôi trở về ... mòn mỏi kiếp tha hương
    Và em nữa ... nhớ gọi tôi người Quảng-Trị .

    Hoàng Yên Lynh
    hoangmylinh@live.com


    READ MORE - Hoàng Yên Lynh - QUẢNG TRỊ - KHÚC TÌNH CA