Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, November 11, 2018

TIẾC NUỐI... - Thơ Quang Tuyết



                                     Tác giả Quang Tuyết


TIẾC NUỐI...

Có bao giờ gió mùa chịu đứng yên?
Mây không bay
Sóng thì hiền biển lặng
Em sẽ về nhặt từng sợi nắng
Kết thang đời đưa người lại phố xưa

Rồi khi ấy
Tóc trắng đẹp như thơ
Nhìn nhau ngây ngô mơ về thời tuổi mộng
Thuở Anh chưa vào đời,
Em vẫn còn lóng ngóng
Hay giận hay hờn
Mắt liếc với môi cong
Hoa khế tím rụng đầy sân
Trưa hè rủ nhau tìm con ong mật

Tay ngập ngừng
Chạm bàn tay ngơ ngẩn
Tim nghe nhịp tim má đỏ ửng màu hường
Ừ thì chắc tại thầm thương
Nên bỗng dưng lòng mình bối rối
Ừ rồi vì nông nổi nên màu khế nhạt phai hương

Anh từ thuở lên đường
Bụi đời vương đầy áo trận
Em chìm trong số phận
Mình lạc mất mùa Xuân

Nếu gió mùa nầy đứng yên
Biển lặng con sóng vỗ
Nếu người chưa bước lỡ
Bến đời em chưa đắm một chuyến đò.

                                      Quang Tuyết

READ MORE - TIẾC NUỐI... - Thơ Quang Tuyết

DẶM DÀI RONG RUỔI - Thơ Châu Thanh Thủy



                                  Tác giả Châu Thanh Thủy


DẶM DÀI RONG RUỔI

Anh ví tôi như con ngựa bất kham
Mặc sức phi khiến cương anh lạc lối
Tôi đi theo lũ thác ngàn hú gọi
Cơn gió hoang dẫn lối giấc mơ hoang.

Đừng cố chi, đừng mặc sức trang hoàng
Tàu ngựa đẹp, máng thức ăn bổ dưỡng
Sắm làm chi tay cầm cương lực lưỡng
Chẳng ăn đâu với tiếng gọi đại ngàn.

Tôi không hề nuối tiếc hoặc thở than
Buông chân mỏi qua muôn vàn dốc đá
Uống suối rừng và nhẩn nha cây lá
Ngắm trăng khuya rơi xa lạ dặm đường.

Đừng trách tôi không yêu, giận, ghét, hờn
Tôi mặc kệ những đau buồn nông nổi
Gót mải mê nên chẳng nghe gió thổi
Bỏ sau lưng xào xạc lá cây rừng.

Nếu nhớ nhau chỉ hãy nhắc tôi đừng
Quên ngày cũ, lúc ta dừng bên suối
Ngắm chùm hoa treo vách rừng tiếc nuối
Một thoáng xưa, xuân tuổi nụ đã tàn.

Đừng trách tôi ! Chốn tình cũ hoang tàn
Thả nước kiệu, hứng trăng ngàn rong ruổi
Kẻ phiêu diêu vốn làm gì có tuổi
Dấu chân buồn năm tháng vẫn ngược xuôi...

                                     Châu Thanh Thủy
                                           13-1- 2011

READ MORE - DẶM DÀI RONG RUỔI - Thơ Châu Thanh Thủy

GÃ KHỜ HAY THẰNG NGỐC VIỆT NAM CÒN SÓT LẠI Ở ĐẦU THẾ KỶ 21 NÀY? - Nguyễn Bàng


  
                  Tác giả Nguyễn Bàng


GÃ KHỜ HAY THẰNG NGỐC VIỆT NAM CÒN SÓT LẠI Ở ĐẦU THẾ KỶ 21 NÀY?

Biết tôi hay lò dò lên mạng để tìm đọc dăm ba thứ thay vì phải đọc báo in, nghe đài hay xem nghe truyền hình thời sự nhưng lại là một ông già không biết chơi Phây, không biết Gúc để tìm tòi các trang mạng hay, nhà văn Đặng Xuân Xuyến đã gửi Mail chỉ đường dẫn mời tôi đọc CHUYỆN CỦA GÃ KHỜ, một truyện ngắn anh viết năm 2006, ra sách năm 2007 (in chung) nhưng giờ mới post lên blog của anh và gửi một số trang và như anh nói gửi để tôi đọc cho vui. Chính vì thế, khi nhìn vào tên truyện, tôi ngỡ mình sẽ được đọc kiểu truyện chàng khờ với hình tượng nhân vật trung tâm là các anh chàng ngốc nghếch với những hành động, việc làm… ngây ngô ngớ ngẩn dại khờ đã đem lại tiếng cười sảng khoái và những trải nghiệm vô cùng lí thú để từ đó người nghe, người đọc rút ra những bài học cho bản thân. Nhưng đọc xong CHUYỆN CỦA GÃ KHỜ, tôi chẳng được vui tý nào mà lại cảm thấy đắng lòng khi nhận ra gã Khờ này phải chăng là một THẰNG NGỐC VIỆT NAM còn sót lại ở đầu thế kỷ 21 này.
Đúng là gã Khờ của Đặng Xuân Xuyến không giống những chàng ngốc, những thằng dại khờ như trong các truyện dân gian của ta với cái ngốc cái dại không biết để đâu cho hết khiến mọi người phải ca thán bảo nhau:

Một đêm quân tử nằm kề
Còn hơn thằng ngốc vỗ về quanh năm.
Con vợ khôn lấy thằng chồng dại
Như bông hoa lài cắm bãi cứt trâu

mà gã là một thằng ngốc đại gia trong xã hội Việt Nam đương thời “đã từng vụt sáng chói lóa trong mắt mọi người”.
Những chàng ngốc trong truyện dân gian vì ngốc quá nên luôn bị lừa như có anh mười năm đi ở cho lão trọc phú chỉ được ba nén vàng giả nhưng cầm trên tay, anh ngốc cứ tưởng là vàng thật. Rồi chàng hí hửng muốn đi du ngoạn khắp nơi, đầu tiên có kẻ gạ chàng ta đổi 3 lạng vàng lấy sáu nén bạc mà thực ra chỉ là sáu miếng chì, rồi có kẻ gạ đổi 6 miếng chì lấy bó "lụa đinh kiến" quý hiếm mà thực ra chỉ là bó giấy dó, rồi đổi bó giấy dó lấy cái “thiên địa vận” biết trước mọi việc trên thế gian mà thực ra chỉ là cái chong chóng, rồi đổi cái chong chóng lấy viên ngọc lưu ly chưa chắc vua đã có được mà thực ra chỉ là một con niềng niễng có đôi cánh xanh đỏ.
Gã Khờ trong truyện của Đặng Xuân Xuyến bị lừa tiền, lừa nhà đi đến cảnh “bây giờ, hắn tiều tụy, thảm thương còn hơn mèo đi kiết” hiển nhiên không phải vì gã ngu đần như chàng ngốc kia mà chỉ vì gã có tính thương người và lòng trắc ẩn. Với tấm lòng tốt đẹp ấy, gã rất tin vào tình người nên đã cho thằng bạn nối khố mượn tiền mà không cần giấy ghi nợ, cũng không cần có người làm chứng, vì vậy khi cần đến đòi lại thì được thằng bạn “nhướng đôi lông mày thô đậm, xoăn tít, nhìn hắn từ đầu xuống chân rồi hô hố cười, bảo hắn là thằng khùng, nếu đói quá, không có chỗ xoay sở thì cầm lấy vài chục nghìn mà đắp đổi qua ngày, việc gì phải diễn trò ngớ ngẩn như thế”. Tiền không đòi được, hắn tìm về lấy lại ngôi nhà nho nhỏ ở ngoại ô đã giao cho thằng em kết nghĩa trông coi. Thằng em kết nghĩa này là một thằng bé đánh giày nhem nhuốc mà gã đã lầm tưởng là người lương thiện nên đã cưu mang đem nó về nhà nuôi ăn học. Nhưng khi đến ngôi nhà, chạy ra đón hắn không phải là thằng em kết nghĩa mà là con chó có tên là “Tình Nghĩa”. Rồi thằng em ấy, khi biết ý định của gã, nó  đã không ngượng mồm, nói trắng phớ ra rằng: “Vâng, nhà này mua bằng tiền của anh nhưng em đã làm sổ đỏ đứng tên là chủ sở hữu rồi” và đuổi hắn đi như đuổi một con chó.

Hai cái khờ dại, hai cái sai lớn nhất về sự ngộ nhận tình người đến nỗi gã bỏ ngoài tai những nhận xét tinh tế của vợ gã về ông bạn nối khố và thằng em kết nghĩa, không để tâm đến những lời can ngăn của thị, dẫn đến cảnh “nhà hắn thưa dần rồi mất hẳn nụ cười hạnh phúc của người vợ” và đưa tới cảnh “vợ hắn nằng nặc nộp đơn ly dị”.

Trong một xã hội mà mọi chuẩn đạo đức đang bị băng hoại, dối trá lừa đảo phát triển như nấm độc khắp nơi nơi như: lừa đảo qua mạng, lừa đảo bán hàng đa cấp, lừa đảo xin việc làm, lừa đảo chiếm đoạt tài sản …, gã Khờ đã không thèm nhớ đến lời mọi người vẫn thường bảo nhau: Cho bạn vay tiền: "Đứng" cho vay, "quỳ" đòi nợ,  cho thằng bạn nối khố vay tiền mà không cần giấy ghi nợ cũng không cần có người làm chứng. Trong lúc chưa bao giờ câu nói “tấc đất tấc vàng” đúng cả nghìn lần như bây giờ khiến cháu giết bà vì sổ đỏ, anh em ruột thịt đâm chém nhau vì nhà đất, thì gã Khờ lại giao hết giấy tờ và nhà đất cho thằng em kết nghĩa trông coi hộ. Gã Khờ tuy không ngu đần, không kém về trí khôn nhưng đã suy xét, ứng phó, xử sự chỉ với thứ lòng tốt đơn thuần và cao thượng của riêng gã nên mới ra nông nỗi thảm hại hơn cả những thằng ngốc trong truyện cổ dân gian. Thế chẳng phải là một thằng ngốc còn sót lại ở đầu thế kỷ này thì sao! Và thế thì làm sao mà vui được khi nghe chuyện về gã? Họa chăng có một chi tiết làm người đọc vui gượng tý chút, ấy là thấy gã tinh thông về tử vi lý số, biết về mình: “Thôi thì cũng là do số phận. Cung nô của hắn chẳng ra gì thì đành chấp nhận. Đã Tham Lang hãm địa lại đồng cung với Thiên Diêu hãm địa thì đời hắn tàn vì chữ tình là phải.” mà vẫn mù quáng đi đến chữ “tàn”. Thật đúng là “Số thầy thì để cho ruồi nó bâu”!
Kiểu truyện chàng ngốc trong dân gian thường có hai xu hướng kết thúc, hoặc là chàng ngốc phải chết hoặc là chàng ngốc gặp may mắn tìm được hạnh phúc, trở thành người giàu có, khôn ngoan hơn. Gã Khờ trong truyện ngắn của  Đặng Xuân Xuyến đã không phải chết vì gã không phải là nhân vật xấu, không bị người đời căm ghét; gã cũng không phải chết để khắc sâu bài học kinh nghiệm sống của con người là: Đừng ngốc nghếch làm việc một cách máy móc thụ động, không biết suy xét vấn đề một cách kĩ lưỡng, không hiểu gì về cuộc sống cả mà phải biết làm chủ được những suy nghĩ và hành động của mình để tránh phải sẽ gặp sự thất bại.
Không bắt gã Khờ phải chết mà rốt cục, Đặng Xuân Xuyến cũng cho gã được gặp may, nhưng trước khi đến với vận may, gã còn phải ê chề nếm thêm ít nỗi nhục nhã đắng cay của thời đại mới.
Ấy là, sau khi biết bình đã vỡ rồi, gã Khờ cũng nhận ra là phải lấy thân mà trả nợ đời cho xong. Đầu tiên, gã vùi mình trong men rượu rồi tự nguyện làm một “Thằng đàn ông bán thân nuôi miệng, một thằng điếm”.
Như đã nói, gã Khờ trong  truyện ngắn của Đặng Xuân Xuyến là một kẻ có học. Vậy gã thừa hiểu, ở Việt Nam từ xưa đến nay người ta đã không mấy ưa loại người làm đĩ, cho dù là đĩ cái. Thì kia, cô Kiều của Nguyễn Du trong văn chương Việt Nam tuy đã được Kim Trọng khen ngợi là: “Như nàng lấy hiếu làm trinh - Bụi nào cho đục được mình ấy vay?”, và cô đã sống trong niềm yêu mến của bao lớp người Việt từ bậc thức giả đến kẻ bình dân xưa vậy mà cũng vậy, thế mà mấy lần cô Kiều đã bị cụ Huỳnh Thúc Kháng, một chí sĩ yêu nước gọi  "Con đĩ Kiều", "Cái giống độc con đĩ Kiều” . 

Ấy là đĩ cái vốn đã cùng với mại dâm xuất hiện và phát triển từ thời nguyên thủy huống chi đĩ đực mới chỉ đến thế kỷ này mới xuất hiện. Gã Khờ bất chấp mọi giá làm một thằng điếm, một con đĩ đực vì “Hắn cần tiền. Hắn cần tạo dựng lại cơ nghiệp. Hắn cần được tung hô, cần được trọng vọng như ngày trước. Đời hắn không thể thiếu thứ hàng xa xỉ đó”. Làm đĩ đực, ấy là con tàu tốc hành để gã nhanh chóng đi tới ga nhặt tiền.

Ngay lần đầu tiên làm thằng điếm, gã đã may mắn không phải hầu hạ một máy bay bà già sồ sề, nhăn nhúm nhưng thèm khát tình dục mà là gặp một “Khuôn mặt đẹp, da lại trắng hồng”. Mới đầu, thấy “Ả đẹp. Hắn cũng thích” nhưng khi vào cuộc gã mới nhận ra ả là một “con vợ đĩ lên đĩ xuống, đĩ ngang đĩ dọc mà thằng chồng cấm dám ho he”, một “con đàn bà đĩ thõa đang lên cơn động đực”. Thế là “Hắn không thích cuộc chơi này nhưng hắn không còn sự lựa chọn” vì gã cần tiền như trên đã nói và thêm nữa vì sợ cái thằng vừa dẫn mối vừa bảo kê cho ả, với “Một giọng nói sắc gọn, rờn rợn vang lên”:
          - Làm bổn phận đi. Muốn chết à?
ở đằng sau cánh cửa.
Hầu hết các truyện dân gian về các chàng ngốc đều kết thúc có hậu như gặp vua được vua ban thưởng một chức quan trong triều đình và sống cuộc đời giàu có sung sướng hoặc nhờ nói mò mấy câu văn chương học lỏm mà cuối cùng được hưởng hạnh phúc. Nhưng phổ biến nhất là các chàng ngốc đều may mắn có được cô vợ thông minh hết lòng vẽ đường chỉ lối cho chồng làm ăn nhưng ngốc vẫn hoàn ngốc, hết lần này đến lần khác đều thất bại khiến người vợ bị người đời mỉa mai muốn tự tử cho xong đời nhưng rồi vì lòng thương chồng các nàng đã bỏ ngay ý định tiêu cực đó, quyết tâm tìm cách giúp chồng trở thành người khôn ngoan hơn.    
Đặng Xuân Xuyến cũng dành cho gã Khờ của mình một kết cục có hậu tuy rất khác các truyện dân gian. Gã được một người 12 năm trước đã chịu ơn gã. Người ấy, khi xong việc để lại cho gã một bức thư: “lấy lại đầy đủ giấy tờ ngôi nhà từ tay thằng em kết nghĩa” của gã bằng cách làm cho: “Nó thua bạc, gán nhà trả nợ theo đúng kịch bản mà em cùng nhóm bạn thân dàn dựng”. Người ấy cũng cũng lấy lại “sợi dây chuyền “bảo bối” mà anh rất quý, bị thằng bạn nối khố của anh chiếm đoạt” cùng “Số tiền thằng bạn nối khố lừa đảo, em cũng đã đòi lại và chuyển vào tài khoản cá nhân của anh”. Bằng cách: “dùng các chứng cứ phạm pháp “uy hiếp”, bắt tên khốn kiếp phải trả lại anh số tiền đã chiếm đoạt, bọn em đã chuyển cho nhà chức trách những bằng chứng phạm pháp của nó, bắt nó phải trả giá cho những tội ác đã gây ra”

Một cái hậu tưởng như mơ, đẹp quá sức tưởng tượng khiến CHUYỆN CỦA GÃ KHỜ như một cổ tích hiện đại và nhân vật Gã Khờ thấy lại lòng yêu trời, yêu đất và yêu cuộc sống: “Hắn bước ra sân, ngước mắt nhìn bầu trời xanh ngắt. Tiếng họa mi nhà ai lảnh lót làm hắn lặng người, rồi bất chợt hắn mỉm cười.”
Một số bạn đọc cho rằng: “kết thúc truyện lộ bàn tay sắp đặt của tác giả quá”, nói như các nhà phê bình văn học là tô hồng quá. Thì tác phẩm văn học là đứa con tinh thần của nhà văn nên nhà văn tạo dáng cho đứa con tinh thần ấy của mình ra sao là tùy thích. Vì vậy tôi có phần đồng ý với nhận định trên của người đọc. Nhưng đọc xong CHUYỆN CỦA GÃ KHỜ, tôi có cảm nhận trong sự sắp đặt lộ liễu ấy, Đặng Xuân Xuyến đã rất muốn giải trình cùng bạn đọc những suy nghĩ ẩn dấu bên trong mà tác giả không thể nói trắng ra được. Theo tôi, thì đó là:

Đành rằng thời đại ngày nay ở nước ta không còn vua nên gã Khờ sao còn được vua cứu giúp và ban thưởng. Đành rằng, vợ gã Khờ đã cám cảnh kiểu thương người một cách mù quáng của chồng, đã ly dị gã nên gã đâu còn được cô vợ thương yêu giúp chồng khôn ngoan hơn trong cách sống của một xã hội đang loạn chuẩn đạo đức để xóa bỏ ảo tưởng về sự lãng mạn của tình yêu và sự chân thành của tình huynh đệ, bằng hữu. Không có vua ban thưởng, không còn vợ giúp khôn nên phải có một người 12 năm trước đã chịu ơn gã nay ra tay cứu giúp gã. Như thế cũng hợp lý.
Nhưng hà cớ gì người đó không phải là một người Việt đang sống cùng gã trên giải đất hình chữ S này mà lại phải là một người Nhật gốc Việt, nói một cách khác là một người Việt đã dời xa xứ sở Thiên đường Xã hội chủ nghĩa của mình để đến sống ở “Đất nước Mặt trời mọc” tư bản đang giãy chết. Bao nhiêu luật lệ để đâu, bao nhiêu người Việt đứng về lẽ phải đi đâu mà phải để người Nhật gốc Việt đó về nước và như có phép lạ, lấy lại cho gã tiền bạc đã bị thằng bạn nối khố bất lương quỵt nợ và nhà cửa đã bị thằng em kết nghĩa chó chết chiếm đoạt. Đã thế người đó còn để lại trong thư cho gã những lời lãng mạn đẹp như hoa hồng buổi sáng:
“Vâng! Nhất định khi trở về Việt Nam em sẽ đưa vợ con đến chào anh. Lúc bấy giờ, em sẽ thoải mái được nói lời cám ơn anh, cám ơn vị ân nhân đặc biệt của mình”.
Ps: Anh!
Chị vẫn còn yêu anh nhiều lắm. Hãy đến làm lành với chị để các cháu được sống trong vòng tay yêu thương của cả bố, cả mẹ.”

Và vì thế tôi coi nhân vật GÃ KHỜ trong truyện ngắn của Đặng Xuân Xuyến là một THẰNG NGỐC VIỆT NAM còn sót lại ở đầu thế kỷ 21 này. Một thằng ngốc hiện đại nên mới có được sự may mắn từ những phép màu hiện đại như khả năng kỳ tài của anh chàng người Nhật gốc Việt kia. Tôi thấy mình cần phải đọc CHUYỆN CỦA GÃ KHỜ này kỹ hơn và ngẫm nghĩ sâu hơn?

Sài Gòn, thứ sáu 09-09-2016
NGUYỄN BÀNG
Địa chỉ: Thành phố Sài Gòn

READ MORE - GÃ KHỜ HAY THẰNG NGỐC VIỆT NAM CÒN SÓT LẠI Ở ĐẦU THẾ KỶ 21 NÀY? - Nguyễn Bàng

XIN CHÚT NHIỆM MẦU - Thơ Trần Mai Ngân


                              Nhà thơ Trần Mai Ngân



XIN CHÚT NHIỆM MẦU

Nhiệm mầu... xin chút nhiệm mầu
Xua tan cơn mộng ảo sầu trong ta
Tỏa hương từ lá, từ hoa
Dịu thơm ngan ngát bay xa... thinh trần...

Nhiệm mầu xin đến một lần
Cho bàn tay chạm thật gần bàn tay
Cho đêm nối tiếp đêm dài
Để ta nương tựa những ngày có nhau...

Nhiệm mầu xin giấc chiêm bao
Tỉnh ra thức giấc ngọt ngào vẫn đây
Ngoài hiên nắng đã lên đầy
Cỏ, cây, hoa, lá...vẫn ngày chiêm bao !
                              
                                 Trần Mai Ngân

READ MORE - XIN CHÚT NHIỆM MẦU - Thơ Trần Mai Ngân

ĐI NHẶT LÁ VÀNG - Thơ Quách Như Nguyệt





ĐI NHẶT LÁ VÀNG

Tôi, người đi nhặt lá vàng
Từng chiếc lá từng lời thơ tha thiết
Từng chiếc lá, thấy lòng sao tưởng tiếc
Nhớ ngày nào lời yêu nói bâng quơ

Tôi muốn là người đi nhặt lá
Lá vàng...  khô mầu tím đỏ cam hồng
Mối tình nồng thuở xưa đành đánh mất
Lá vàng buồn khô héo ở trên tay

Tôi là người muốn đi nhặt lá
Cúi người lòm khòm ra dáng ăn năn
Mất em rồi ngồi tưởng tiếc gối chăn
Mùi hương tóc còn thoảng bay trong gió

Mỗi lần buồn tôi ra sân nhặt lá
Bao nhiêu lá vàng, bấy nhiêu nỗi nhớ
Mỗi chiếc lá, nụ cười em phảng phất
Mất em rồi, chiếc lá nát trên tay


                                 Như Nguyệt
                    
      

Thơ: Quách Như  Nguyệt
Nhạc: Mai Phạm
Tiếng hát: Đăng Hiếu

Hòa âm: Phan Vũ Kiên Thanh
    
READ MORE - ĐI NHẶT LÁ VÀNG - Thơ Quách Như Nguyệt

GIỠN CHƠI CÙNG CHỮ NGHĨA - Nguyên Lạc



                             Nhà thơ Nguyên Lạc



 BÀN VỀ NÓI LÁI

Laughter is the sun that drives winter from the human face. — Victor Hugo

Dẫn nhập: Miền nam lúc trước, các cô gái quê thường ngồi chàng hãng, chê hê  (giạng háng) để các c, trái trước mặt, bên vệ đường bán buôn. Một ông chỉ vào các củ, hơi lệch hướng chút để hỏi mua. Nào mời các bạn.

CỦ CHI?
1.
Củ chi. cô bán củ chi?
-- Củ sao không chỉ, ông nì chcu?

2.
Củ chi. cô bán củ chi?
Mà da xấu xí. xù xì vậy cô?
-- Củ môn. thưa bác đó mà !
-- Chành vun ba gó,  à ra môn lù (*)
- Bác này đâu phải thầy tu?
Con cua thì phải có mu có càng!
Nếu mà bác clàng àng (lèng èng)
Thi tôi gọi nhé, cây "còng" đợi kia!
(Nguyên Lạc)

Vào bài:
Mời các bạn dạo bước vào ngôi vườn CHỮ NGHĨA, thưởng thức "hoa thơm cỏ lạ": GIỠN CHƠI CÙNG CHỮ NGHĨA. Lần này là BÀN VỀ NÓI LÁI
.
NÓI LÁI
.
Nói lái (Spoonerism) là một trong những biện pháp tu từ trong tiếng việt. Khi nói lái, người ta tráo đổi vị trí của các thành phần của từ (âm đầu, âm cuối, thanh điệu, ...) để tạo ra từ mới thường có nghĩa bất ngờ, dí dỏm, khi hiểu ra thường làm bật cười. Nói lái thường đưọc dùng trong văn nói, khẩu ngữ và trong văn học dân gian đê trêu đùa, đả kích hay thông báo với ai đó một điều gì bí mật hoặc để tránh những tiếng thô tục.
Như vậy nói lái là  một hình thức vô cùng độc đáo của ngôn ngữ Việt, với khả năng nhạy bén về tính trào phúng và châm chọc.
.
Thí dụ:
.
1.
--  Bùi Giáng = Bán Giùi (Dùi)
--  Thầy giáo = Tháo giày
--  Hoảng chưa = Chửa hoang
-- Hiện đại chỉ tổ hại điện. Đấu tranh rồi biết tránh đâu. Đầu tiên là tiền đâu ...
.
Xứ thủ đức năm canh thức đủ
Kẻ cơ thần trở lại cần thơ
.
2. Nhớ lại sau 45 có một ông già Quảng Nam, đã chơi trò chơi chữ nghĩa này bẳng 4 câu thơ:
.
Chú phĩnh tôi rồi chính phủ ơi
Chú khiêng lên hết chiến khu rồi
Thi đua chi mà thua đi mãi
Kháng chiến trường kỳ khiến chán thôi
.
3.
a. Về bài: NÓI DỐI/NỖ của Nguyên Lạc tôi đã đăng trên Facebook, có một phản hồi rất "ấn tượng" của Tôn Nữ Thu Dung cô nương như sau:
Tôn Nữ Thu Dung: -- "Có ông trung sĩ y tá xưng là trung tá y sĩ.  Còn ông xã của Dung trước là kỹ sư, nay ai hỏi ổng khai gian mình là cư sĩ ! Thiệt tội lỗi ! "
.
b. Thêm câu chuyện nữa tặng các bạn.
Tui có thằng bạn có câu "nho chùm" như sau, đố tui giải thích:
-- "Hiền tạ thu xương đa tắc kiếc / Thiên tường tác biệc thọ châu đài."
Tui "ngọng".
Hắn trả lời:
-- Hiền tạ nói lái Hà tiện
Thiên tường = Thương tiền
Tác biệc = tiếc bạc
Châu đài = chai đầu
-- Dịch câu đố là  "Hà tiện thương xu đa (nhiều) tiếc cắc,/ Thương tiền tiếc bạc tới chai đầu !". Hì hì ! Phục sư phụ mày chưa?
Bái phục!
.
GIAI THOẠI VỀ NÓI LÁI
.
1. Đại Điểm Quần Thần
Sau đây là một câu chuyện nói lái khá nổi tiếng  thời Pháp thuộc:
Ông Nguyễn Văn Tâm, khi đó giữ chức Thủ hiến, được một tay thâm nho tặng cho một bức hoành phi rất đẹp, có khắc chữ bốn chữ lớn “Đại điểm quần thần” bằng chữ Hán. Nguyễn văn Tâm sướng quá nghĩ bụng: “ Đại điểm quần thần” đúng là ta, ta là thủ tướng, chức vụ chỉ có dưới Bảo Đại thôi. Liền treo luôn lên phòng làm việc.Ông ta có vẻ vừa ý, đem khoe với nhiều người. Chẳng bao lâu có người giải thích: Đại là to, điểm là chấm, quần thần là bầy tôi. Vậy Đại điểm quần thần  là Chấm to bầy tôi, nói lái thành chó Tâm bồi Tây.
Bức hoành phi sau đó mất hút
(Chơi ch - Lãng Nhân Phùng Tất Đắc)
.
2. Bùa ngừa hỏa hoạn của Nguyễn Khuyến
Có một xóm hay bị hỏa hoạn, dân xin cụ Nguyễn Khuyến, tức Tam Nguyên Yên Đổ chữ dán ở đầu xóm, như bùa chú ngăn hỏa tai xảy đến. Cụ viết chử nhất (-- ), dựng đứng hai đầu chữ to hơn phần giữa, trông như cái chày.
Dân thắc mắc : Chữ gì vậy cụ, trông như chữ nhất, mà lại là nét sổ thẳng đứng, trông như cái chày ?
Cụ cười nói : Thì là cái chày chứ chữ gì!
-Sao lại là chày ?
Côn tồn nói : Ta dùng chữ Nôm để...thoát Trung ấy mà, chữ Nôm đấy. Cái chày đứng dựng là có ý nói : Đừng cháy!
Chày đứng là đừng cháy chứ còn là gì nữa, phải không?
.
@. Phụ lục
.
1.
*Một đoàn tham quan tới thăm địa đạo Củ Chi, thấy có tấm biển treo giải cho ai đối hay nhất câu: "Cô gái Củ Chi, chỉ cu hỏi củ chi".
- Anh thanh niên Cần Giờ nhanh nhảu: "Con trai Cần Giờ, giơ cần hỏi cần giờ".
- Chị Hải Dương tiếp luôn: "Con gái Hải Dương hưởng giai ngoài hải dương".
- Chú Hải Phòng đâu có kém cạnh: "Con trai Đồ Sơn, sơn đồ bán đồ sơn".
- Em Hà Nội e thẹn: "Trai Hàng Chuối chuồi háng bảo hàng chuối".
- Cậu nhỏ Bắc Cạn: "Chàng trai Bắc Cạn bán c...ặ...c ở Bắc Cạn".
- Một anh bộ đội mới xuất ngũ: "Chàng trai Giải Phóng phỏng gizái hô giải phóng".
Ai cũng xuất sắc biết trao giải cho ai đây các bạn?
.
2.
Thác bụi, thác bờ vì chưng "thờ bác"
Mê lầm, mê lạc cũng tại "mác lê
(Sưu tầm trên Net)

***
Sao các bạn thấy thế nào?  "Mua vui cũng được một vài...phút giây" Chúc vui. Hẹn " tái nạm" tuần tới!
Laughter Is The Best Medicine - Cười là liều thuốc vạn năng
Và xin thêm vài câu sau đây:
A good laugh is sunshine in the house. — William Thackeray
Laughter is the sun that drives winter from the human face. — Victor Hugo

Nguyên Lạc
.....................................
Tham Khảo:  
Lãng Nhân Phùng Tất Đắc, Sachxua.net, Laiquangnam, FB...

READ MORE - GIỠN CHƠI CÙNG CHỮ NGHĨA - Nguyên Lạc