Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, August 24, 2020

VỀ CỒN PHỤNG - Thơ Nguyễn An Bình

 



NGUYỄN AN BÌNH

VỀ CỒN PHỤNG

 

Về Tân Vinh* giữa bốn bề tiếng sóng

Nước sông Tiền bát ngát bóng dừa xanh

Người ngắm sông nghe câu hò xa tắp

Khói lam chiều bảng lảng suốt vàm sông.

 

Móng ngựa gõ trên đường nghe vui lạ

Đất cù lao cồn bãi thật chung tình

Sao quên được “Lý Ngựa Ô” thương nhớ

Ai đưa nàng, khớp bạc để về dinh.

 

Gian nhà trống che nơi nào cũng gió

Tiếng đàn cò réo rắt điệu “lý cái mơn”

Câu vọng cổ em xuống xề rất ngọt

Thuyền đi rồi lòng anh mãi vấn vương.

 

Áo bà ba có bao giờ hẹn ước

Đất lỡ sông bồi biết có gặp lần sau

Tay vốc nước nghe phù sa mát rượi

Thương sông dài nặng nợ đất cù lao.

 

Chàng lãng tử một lần qua cồn Phụng

Chợt bâng khuâng trước cô gái xuân thì

Tiếng mái chèo khua tan nơi bến nước

Ta nhớ người, bần xanh mãi vẫn ghi.

 

Đất phù sa bao mùa hoa trái ngọt

Chiều phương Nam  nhớ sợi khói đốt đồng

Châm điếu thuốc hồn gởi vào tiếng sóng

Tân Thạch nặng tình biết có nhớ người không?

 

*Tên gọi khác của Cồn Phụng, là một cù lao nổi giữa sông Tiền thuộc xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. 

 N.A.B.

 





READ MORE - VỀ CỒN PHỤNG - Thơ Nguyễn An Bình

CHÙA BÁI ĐÍNH, QUẦN THỂ CHÙA LỚN NHẤT ĐÔNG NAM Á - Đặng Xuân Xuyến

 


Chùa Bái Đính là một quần thể chùa được báo giới tôn vinh là một quần thể chùa lớn nhất Đông Nam Á. thuộc địa phận xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Chùa Bái Đính cũng chính là nơi Đinh Tiên Hoàng Đế lập đàn tế trời cầu mưa thuận gió hòa, sau này tiếp tục được vua Quang Trung chọn để làm lễ tế cờ động viên quân sĩ trước khi ra Thăng Long đại phá quân Thanh... Nơi đây nằm ở vùng đất hội tụ đầy đủ yếu tố nhân kiệt theo quan niệm dân gian Việt Nam, đó là đất sinh Vua, sinh Thánh, sinh Thần.



Quần thể chùa Bái Đính gồm một khu chùa cổ và một khu chùa mới được xây dựng từ năm 2003.

Khu chùa Bái Đính cổ tự, nằm cách điện Tam Thế của khu chùa mới khoảng 800 m men theo sườn núi Đính. Khu chùa này nằm gần trên đỉnh của một vùng rừng núi khá yên tĩnh, gồm có một nhà tiền đường ở giữa, rẽ sang bên phải là hang động sáng thờ Phật, rồi đến đền thờ thần Cao Sơn ở sát cuối cửa sau của hang sáng; rẽ sang bên trái là đền thờ thánh Nguyễn rồi đến hang động tối thờ mẫu.

Hang sáng, hang tối

Lên thăm hang động ở núi Bái Đính phải bước trên 300 bậc đá, qua cổng tam quan ở lưng chừng núi. Lên hết dốc là tới ngã ba: bên phải là động thờ Phật, bên trái là động thờ Mẫu. Phía trên cửa động Phật có 4 chữ đại tự "Minh Đỉnh Danh Lam" khắc trên đá do Lê Thánh Tông ban tặng.

Động dài 25m, rộng 15m, cao chừng 2m, nền và trần của động bằng phẳng. Đi tiếp theo ngách đá bên trái cuối động sẽ dẫn tới một cửa hang sáng và rộng, một thung lũng xanh hiện ra. Nếu đi tiếp xuống các bậc đá sẽ đến đền thờ thần Cao Sơn. Quay trở lại ngã ba đầu dốc, theo đường rẽ trái khoảng 50m là tới hang Tối.

Hang Tối lớn hơn hang Sáng, gồm 7 buồng, có hang trên cao, có hang ở dưới sâu, các hang đều thông nhau qua nhiều ngách đá, có hang nền bằng phẳng, có hang nền trũng xuống như lòng chảo, có hang trần bằng, có hang được tạo hóa ban tặng cho một trần nhũ đá rủ xuống muôn hình vạn trạng...

 Trong động tối có giếng ngọc tạo thành do nước lạnh từ trần động rơi xuống...

Đền thờ thần Cao Sơn

Đi hết hang sáng có một lối dẫn xuống sườn thung lũng của rừng cây xưa là đền thờ thần Cao Sơn.

Theo như thần phả của đền Núi Hầu (xã Yên Thắng, huyện Yên Mô, Ninh Bình) thì Cao Sơn đại vương là Lạc tướng Vũ Lâm, con thứ 17 vua Lạc Long Quân, khi vâng mệnh vua anh (Hùng Vương thứ nhất) đi tuần từ vùng Nam Lĩnh đến vùng Thiên Dưỡng, đã tìm ra một loài cây thân có bột dùng làm bánh thay bột gạo, lấy tên mình đặt tên cho cây là Quang lang. Thần đã dạy bảo và giúp đỡ người dân làm ăn sinh sống đồng thời bảo vệ khỏi các thế lực phá hoại vì vậy đã được nhân dân lập đền thờ.

Thần Cao Sơn cùng với thần Thiên Tôn và thần Quý Minh là ba vị thần trấn ngự ở ba cửa ngõ phía tây, đông và nam của cố đô Hoa Lư.

Đền thờ thánh Nguyễn

Lý Quốc Sư Nguyễn Minh Không là người sáng lập chùa Bái Đính. Ông là một thiền sư, pháp sư tài danh được nhân dân tôn sùng gọi là đức thánh Nguyễn. Khu vực núi Đính nằm cách quê hương đức thánh Nguyễn Minh Không gần 5 km.

Tương truyền khi ông đến đây tìm cây thuốc chữa bệnh hóa hổ cho vua Lý Thần Tông đã phát hiện ra các hang động đẹp liền dựng chùa thờ phật và tạo dựng một vườn thuốc quý để chữa bệnh cho dân. Đền thánh Nguyễn nằm ngay tại ngã ba đầu dốc, xây theo kiểu tựa lưng vào núi, trong đền có tượng của ông được đúc bằng đồng.

Giếng ngọc

Giếng ngọc của chùa Bái Đính cổ nằm gần chân núi Bái Đính. Tương truyền cách đây gần 1.000 năm Thiền sư Nguyễn Minh Không đã lấy n­ước để sắc thuốc chữa bệnh cho dân và chữa bệnh cho Thái tử Dương Hoán. Giếng xây lại hình mặt nguyệt, rất rộng, có đường kính 30 m, độ sâu của n­ước là 6 m, không bao giờ cạn n­ước. Miệng giếng xây lan can đá. Khu đất xung quanh giếng hình vuông, có diện tích 6.000 m², 4 góc là 4 lầu bát giác.

Lễ hội chùa Bái Đính là một lễ hội xuân diễn ra từ ngày mùng 6 tết đến hết tháng 3, khởi đầu cho những lễ hội hành hương về vùng đất cố đô Hoa Lư tỉnh Ninh Bình.

Về phần lễ ở chùa Bái Đính diễn ra tương đối trang trọng vì ở đây không chỉ thờ các vị sơn thần, phật tổ, bà chúa thượng ngàn mà còn gắn với nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc với các danh nhân đức Lý Quốc Sư, Quang Trung, Đinh Bộ Lĩnh. Như vậy, phần lễ gồm tổng hòa toàn thể hệ thống tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam; có sự sùng bái tự nhiên, có Đạo, có Phật và có cả Nho.

Trẩy hội chùa Bái Đính là hành động giải tỏa hòa hợp giữa thực và mơ, tiên và tục - thực là nền tảng, mơ là uất vọng - trên cái nền mùa xuân tươi sáng mà con người Việt Nam chất phác, nhân ái thuở xưa cảm nhận hành động và trao truyền.

.....................

(Trích từ VÀO CHÙA LỄ PHẬT NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT của Đặng Xuân Xuyến ; Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin 2006)

*

ĐẶNG XUÂN XUYẾN

.

READ MORE - CHÙA BÁI ĐÍNH, QUẦN THỂ CHÙA LỚN NHẤT ĐÔNG NAM Á - Đặng Xuân Xuyến

ĐỌC “THÌ THẦM” THƠ TỬ GIANG - Châu Thạch


    
                    Nhà thơ Tử Giang



THÌ THẦM

Đã nghe trong gió heo may
Hương chi như là hương nắng
Tiếng gì chùng trong khoảng lặng
Như là mật ngữ yêu thương...

Trầm khúc xao xót hạ vương
Thu sang bẽ bàng mắt lá
Con đường sương quen bỗng lạ
Rưng rưng ngâu hạt giao mùa...

Ta thức cùng ánh sao rua
Tri âm nỗi lòng nhớ bạn
Trăng ngủ giữa quầng mây tán
Thu lịm quá mù sa mưa...

Mơ màng rèm động buồn khua
Thắp tim khơi lên niềm nhớ
Tình nhau đã như hơi thở
Tìm nhau tìm đã bao mùa...

Tựa đêm bên cánh song thưa
Tâm tư về cùng muôn hướng
Thì thầm... thì thầm độ lượng
“Lòng chợt từ bi bất ngờ...!”

                             Tử Giang
                             22.08.20


        
                     Nhà bình thơ Châu Thạch


 ĐỌC “THÌ THẦM” THƠ TỬ GIANG                             
                                               Châu Thạch

     Sáng nay, lại một niềm vui mới đến với tôi khi đọc một bài thơ vào thu thật hay, khi ngoài trời mùa thu vừa đến (Ngày 5 tháng7 âm lịch). 

     Nhà thơ Tử Giang (Hồ Viết Thắng) với tác phẩm “Thì Thầm” đã lặng lẽ đem đến tâm hồn tôi thứ hương thu, vị thu không se lạnh vì còn chút ánh nắng cuối hè và một cảm nhận thư thái khi thấy lòng mình cũng “chợt từ bi bất ngờ” như tác giả ở trong thơ.

     Hãy bước vào khổ thơ đầu tiên để nghe tiếng “thì thầm” của thu bằng “mật ngữ” “chùng trong khoảng lặng” nhưng làm êm ái lòng ta:                  

Đã nghe trong gió heo may                  
Hương chi như là hương nắng                  
Tiếng gì chùng trong khoảng lặng                  
Như là mật ngữ yêu thương...

     Đa số các thi nhân đều tả gió heo may thì se lạnh. Ngược lại, nhà thơ Tử Giang nghe có hương nắng trong gió heo may. Nắng mùa hè thì nóng, thì gay gắt. Nắng mùa thu thì dịu mát hơn. Ý thơ gió mùa thu mang hương của nắng mùa hè cho ta cảm nhận được hoàn toàn thời tiết của buổi giao mùa. 

     Đọc khổ thơ trên, tâm hồn ta không những được thụ hưởng mùi hương nồng thơm của buổi đầu thu mà còn nghe trong yên lặng, mật ngữ yêu thương của thiên nhiên, của trời đất, của Thượng Đê rót vào lòng ta nữa. Nhà thơ nói “mật ngữ” nhưng trong tôn giáo nói đây là sự “khải thị” cúa Đức Chúa Trời đối với chúng ta. Ai nhận được sự khải thị ấy thì người đó đến gần với Thượng Đế.

     Qua khổ thơ thứ hai, ta nghe được sự trao đổi thầm thì giữa hai mùa hạ và thu trong những trầm khúc như ở siêu tần số, đồng vọng vào lòng ta, khiến lòng ta có một chút “xao xót”, một chút “rưng rưng” cùng âm hưởng đầy thi vị của thơ:               

Trầm khúc xao xót hạ vương                
Thu sang bẽ bàng mắt lá                 
Con đường sương quen bỗng lạ                 
Rưng rưng ngâu hạt giao mùa...

     Đọc khổ thơ, ta cảm nhận một cuộc chia tay đầy lưu luyến giữa mùa hạ và mùa thu, như cặp tình nhân bin rịn nhau trong giờ đưa tiễn. 

     Đọc khổ thơ, ta cũng nhớ đến đoạn văn của Thanh Tịnh “Con đường nầy tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần nầy tôi tự nhiên thấy lạ… Hôm nay tôi đi học”. Thanh Tịnh thấy lạ vì đi học lần đầu. Tử Giang thấy lạ vì con đường hôm nay có sương. Cùng một sự thấy con đường bỗng lạ, tuổi họ khác nhau, hoàn cảnh khác nhau, nhưng tâm hồn hồn họ vẫn trẻ và nhạy cảm như nhau khi họ đều cảm nhận được cái lạ trên con đường không thay đổi mấy, bởi trong lòng họ đều rung động bởi tiếng thu.

     Đọc khổ thơ, ta cũng cảm nhận sự giao mùa từ cái bao la đến từng chi tiết nhỏ. “Trầm khúc xa xót hạ vương” là biến chuyển trong trời đất. “Thu bẽ bàng mắt lá”, “Rưng rưng ngâu hạt giao mùa” là biến chuyển trong từng chi tiết. Tất cả cho ta một cảm nhận tường tận buổi giao mùa, khiến lòng ta như chiếc kính máy ảnh, có khi như mở rộng ra, có khi như khép nhỏ lại, thu nhận những cảm xúc lắng đọng hương vị buổi đầu thu đầy đủ trong tâm hồn. 
     Qua khổ thơ thứ ba, nhà thơ đưa nỗi nhớ vào thơ, làm bài thơ sinh động thêm khi nhân cách hóa cho trăng và mùa thu thành người:                   

Ta thức cùng ánh sao rua                  
Tri âm nỗi lòng nhớ bạn                  
Trăng ngủ giữa quầng mây tán                 
Thu lịm quá mù sa mưa...

     Sao Rua hay còn gọi là Cụm sao Thất Nữ, là tên cụm sao phân tán trong chòm Kim Ngưu. Sao Rua thường quan sát được vào lúc sáng sớm đầu muà thu. Nhìn bằng mắt thường, sao Rua là một đám nhỏ gồm nhiều sao lờ mờ trên bầu trời đêm, rất dễ nhận thấy. Nhà thơ “Ta thức cùng ánh sao rua” nghĩa là thao thức suốt đêm. 

     Trong khi nhà thơ thức cùng ánh sao rua, thì nhà thơ cho trăng ngủ, cho mùa thu lịm đi trong sương mù. Để làm gì? Để hư cấu nỗi nhớ của mình cũng có âm thanh nổi trội, thứ âm thanh trầm ẩn bay lên, tỏa ra cùng vạn vật, lắng đọng trong sự im lìm, trong giấc ngủ của trăng, trong sự lịm đi của bầu trời sương mù, của bầu trời sa mưa ở một miền xa xa, bầu trời sa mưa đã làm mờ bóng thu trong đôi mắt thi nhân. Bởi thế nhà thơ viết “Tri âm nỗi lòng nhớ bạn” là biết được âm thanh của nỗi nhớ trong lòng mình đồng vọng trong đêm, bằng một giai tầng mà chỉ nhà thơ nghe được.

     Qua khổ thơ thứ tư, cảnh bắt đầu xao động, nhà thơ thức dậy như qua một giấc thụy du:                   

Mơ màng rèm động buồn khua                    
Thắp tim khơi lên niềm nhớ                    
Tình nhau đã như hơi thở                    
Tìm nhau tìm đã bao mùa...

     Khổ thơ đã miêu tả đúng một hiện tượng tâm lý: Bức rèm khua động làm tỉnh cơn xuất thần. Linh hồn quay về với thân xác, nghe được những biến chuyển trong con tim, trong hơi thở của mình, nhớ được thời gian đã tìm nhau. Chắc chắn bây giờ nhà thơ sống bằng nội tâm mà quên hết thời khắc bên ngoài.

     Đúng vậy, vì qua khổ thơ chót, nhà thơ công nhận tâm tư mình đã tràn đi, về muôn hướng:                     

Tựa đêm bên cánh song thưa                     
Tâm tư về cùng muôn hướng                     
Thì thầm... thì thầm độ lượng                     
"Lòng chợt từ bi bất ngờ...!"

     Cả bài thơ như tiếng thì thầm thổ lộ niềm riêng mà khổ thơ cuối như lời thì thầm nguyện cầu với Phật hay với Chúa của mình, khiến cho tâm thần thoát ra và bay đến một miền độ lượng, từ bi. 

     Bài thơ biến chuyển bất ngờ ở khổ thơ cuối, đem cho người đọc một hơi thở thơm mùi đạo lý, thanh thoát tâm hồn, thư thái trong nối nhớ và hóa bướm để bay về một miền thanh tịnh. 

     Bài thơ khác với một bài thơ tình, khác với một bài thơ thiền, rất lãng mạn nhưng cũng rất bất ngờ khi phút cuối, bài thơ đưa ta vào tỉnh tọa an nhiên trên những biến chuyển của đời và của chính nội tâm ta. Bài thơ thật hay !!!

                                                                          Châu Thạch

READ MORE - ĐỌC “THÌ THẦM” THƠ TỬ GIANG - Châu Thạch