Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Thursday, August 31, 2017

ĐƯỜNG THI – CHỦ ĐỀ BIÊN TÁI KÌ 18 - Nguyễn Ngọc Kiên chọn dịch và giới thiệu thơ


           Nguyễn Ngọc Kiên

ĐƯỜNG THI – CHỦ ĐỀ BIÊN TÁI KÌ 18  

NHÀ THƠ VƯƠNG TRINH BẠCH王貞白

Vương Trinh Bạch 王貞白 (875-?) tự Hữu Đạo 有道, người Vĩnh Phong 永豐, đỗ tiến sĩ năm Càn Ninh thứ 2 (986) đời Đường.
涼州行 -王貞白
誰唱關西曲, 
寂寞夜景深。 
一聲長在耳, 
萬恨重經心。 
調古清風起, 
曲終涼月沉。 
卻應筵上客, 
未必是知音。

Phiên âm: 
Lương Châu hành – Vương Trinh Bạch
Thuỳ xướng Quan Tây khúc, 
Tịch mịch dạ cảnh thâm. 
Nhất thanh trường tại nhĩ, 
Vạn hận trọng kinh tâm. 
Điệu cổ thanh phong khởi, 
Khúc chung lương nguyệt trầm. 
Khước ưng diên thượng khách, 
Vị tất thị tri âm.

Dịch nghĩa:
Bài hát Lương Châu – Vương Trinh Bạch
Ai ca khúc hát Quan Tây 
Cảnh đêm mịt mờ hoang vắng 
Bên tai không dứt âm thanh 
Trong lòng vạn hờn trĩu nặng 
Điệu xưa giục gió trong nổi 
Khúc dứt khiến trăng lạnh chìm 
Dẫu ai làm khách trên tiệc 
Chắc gì hiểu tiếng con tim

Dịch thơ:
Bài hát Lương Châu – Vương Trinh Bạch
Ai hát khúc Quan Tây
Cảnh đêm vắng âm thầm
Tai âm thanh không dứt
Lòng vạn hờn lặng câm
Khúc xưa giục gió nổi
Khúc dứt  bóng nguyệt trầm
Ai làm khách trên tiệc
Chắc gì là tri âm.

胡笳曲 •王貞白
隴底悲笳引, 
隴頭鳴北風。 
一輪霜月落, 
萬里塞天空。 
戍卒淚應盡, 
胡兒哭未終。 
爭教班定遠, 
不念玉關中。

Phiên âm: 
Hồ già khúc – Vương Trinh Bạch
Lũng để bi già dẫn, 
Lũng đầu minh bắc phong. 
Nhất luân sương nguyệt lạc, 
Vạn lý tái thiên không. 
Thú tốt lệ ưng tận, 
Hồ nhi khốc vị chung. 
Tranh giao Ban Định Viễn, 
Bất niệm Ngọc Quan trung.

Ban Định Viễn tức Ban Siêu 班超 (32—102), thời Đông Hán đóng giữ Tây Vực (Tân Cương hiện nay) 30 năm, được phong chức Định Viễn hầu, đến già dâng sớ xin về trong Ngọc Môn quan, nhưng hai năm sau mới được Hán Hoà Đế cho về.
  
Dịch nghĩa:
Khúc sáo Hồ già – Vương Trinh Bạch
Dưới đáy Lũng tiếng Hồ già buồn thổi 
Nơi Lũng đầu gió bấc nổi vi vu 
Một vầng trăng trong sương lạnh chìm rồi 
Trời quan ải vạn dặm dài rỗng tuếch 
Lính biên thú nước mắt chừng sắp hết 
Trai trẻ Hồ còn khóc mãi không thôi 
Lệnh truyền cho Ban Định Viễn than ôi 
Trong ải Ngọc đừng nhớ nhung gì cả

Dịch thơ:
Khúc sáo Hồ già – Vương Trinh Bạch
Hồ già buồn đáy Lũng
Đầu Lũng gió mịt mùng
Vầng trăng chìm sương lạnh
Vạn dặm ải thiên không
Lính thú lệ sắp hết
Trai Hồ khóc không ngừng
Lệnh truyền Ban Định Viễn
ẢI Ngọc đừng nhớ nhung.


NHÀ THƠ CAO BIỀN

Cao Biền 高駢 (821-887) tự Thiên Lý 千里, tướng đời Hậu Đường, cháu của Nam Bình đô vương Cao Sùng Văn (tướng cấm quân dưới triều vua Đường Hiến Tông Lý Thuần). 
Đầu đời vua Ý Tông, Cao Biền trấn giữ biên cương chống sự xâm lược của giặc Thổ Phồn 吐蕃. Năm Cảm Thông thứ 7 (866), Cao Biền trấn giữ An Nam, làm Tĩnh hải quân tiết độ sứ. Năm Càn Phù thứ 2 (875) đời Hy Tông, chuyển sang trấn giữ Tây Xuyên.

塞上寄家兄高駢
棣萼分張信使希, 
幾多鄉淚濕征衣。 
笳聲未斷腸先斷, 
萬里胡天鳥不飛。

Tái thượng ký gia huynh – Cao Biền
Lệ ngạc phân trương tín sứ hy, 
Kỷ đa hương lệ thấp chinh y. 
Già thanh vị đoạn trường tiên đoạn, 
Vạn lý Hồ thiên điểu bất phi.

Dịch nghĩa:
Ngoài ải gửi anh trai – Cao Biền
Anh em mình cách xa nhau, tin tức vắng 
Bao nhiêu nước mắt nhớ quê làm ướt áo trận 
Tiếng kèn lá chưa dứt hồn đã dứt 
Trời Hồ muôn dặm không có bóng chim bay

Dịch thơ:
Ngoài ải gửi anh trai – Cao Biền
 Anh em mình xa cách bấy lâu
Nước mắt nhớ quê, áo trận nhàu
Chưa dứt tiếng kèn hồn đã đoạn
Trời Hồ muôn dặm bóng chim đâu?

對雪 • 高駢
六出飛花入戶時, 
坐看清竹變瓊枝。 
如今好上高樓望, 
蓋盡人間惡路歧!

Phiên âm:
Đối tuyết – Cao Biền
Lục xuất phi hoa nhập hộ thì, 
Toạ khan thanh trúc biến quỳnh chi. 
Như kim hảo thướng cao lâu vọng, 
Cái tận nhân gian ác lộ kỳ.

Dịch nghĩa:
 Trước cảnh tuyết – Cao Biền
Hoa tuyết sáu cánh bay lất phất vào trong nhà 
Ngồi nhìn cây trúc xanh biến thành quỳnh trắng 
Hôm nay thích lên lầu cao mà ngắm cảnh 
Ở nhân gian tuyết phủ đầy các hang cùng ngõ ngách.

Dịch thơ:
 Trước cảnh tuyết – Cao Biền
Hoa tuyết bay lất phất vào nhà
Nhìn xanh cây trúc hóa quỳnh hoa
Hôm nay thích lên lầu ngắm cảnh
Tuyết đầy ngõ ngách khắp xứ ta.

 閨怨 • 高駢
人世悲歡不可知, 
夫君初破黑山歸。 
如今又獻征南策, 
早晚催縫帶號衣。

Phiên âm: 
Khuê oán – Cao Biền
Nhân thế bi hoan bất khả tri, 
Phu quân sơ phá Hắc Sơn quy. 
Như kim hữu hiến chinh nam sách, 
Tảo vãn thôi phùng đới hiệu y.

Dịch thơ:
NỖI OÁN PHÒNG KHUÊ – Cao Biền
Vui buồn nhân thế có biết chi
Chàng phá Hắc Sơn mới trở về
Nay lại Nam chinh dâng kế sách
Sớm hôm cứ giục may chinh y. 

訪隱者不遇 • 高駢
落花流水認天台, 
半醉閒吟獨自來。 
惆悵仙翁何處去, 
滿庭紅杏碧桃開。

Phiên âm:
Phỏng ẩn giả bất ngộ - Cao Biền
Lạc hoa lưu thuỷ nhận Thiên Thai, 
Bán tuý nhàn ngâm độc tự lai. 
Trù trướng tiên ông hà xứ khứ, 
Mãn đình hồng hạnh bích đào khai.

Dịch thơ:
Đến thăm người ở ẩn không gặp – Cao Biền
Hoa rơi nước chảy ở Thiên Thai 
Say rượu ngâm thơ đến cùng ai 
 Buồn bã tiên ông đi đâu vắng 
Đầy sân hồng hạnh bích đào khai

赴安南卻寄臺司 • 高駢
曾驅萬馬上天山, 
風去雲回頃刻間。 
今日海門南國事, 
莫教還似鳳林關。

Phiên âm:
Phó An Nam khước ký đài ty – Cao Biền
Tằng khu vạn mã thướng Thiên San, 
Phong khứ vân hồi khoảnh khắc gian. 
Kim nhật Hải Môn Nam quốc sự, 
Mạc giao hoàn tự Phụng Lâm quan.

Bài này được làm trong giai đoạn 864-875 khi tác giả làm Chinh nam tướng quân. Đài ty là một chức quan nhỏ. An Nam là vùng đất chỉ nước Việt Nam trong thời kỳ bắc thuộc. 

Dịch thơ: 
Gửi viên đài ty đi An Nam – Cao Biền
Từng ruổi vạn mã tới Thiên Sơn
Thoáng chốc gió núi gặp mây ngàn
Hôm nay chuyện  Hải Môn Nam quốc 
Xin anh đừng nhớ Phụng Lâm quan

Bản dịch của Vũ Minh Tân

Lên Thiên Sơn anh từng ruổi ngựa 
Thoáng chốc mây gặp gió mây tan 
Nay xuôi cửa biển nước Nam 
Xin anh nhớ chuyện Phụng Lâm độ nào

                                                                 Nguyễn Ngọc Kiên

READ MORE - ĐƯỜNG THI – CHỦ ĐỀ BIÊN TÁI KÌ 18 - Nguyễn Ngọc Kiên chọn dịch và giới thiệu thơ

CHÙM THƠ CHU VƯƠNG MIỆN


              Nhà thơ Chu Vương Miện


LỠ HẸN HÒ

Mấy năm đã lỡ hẹn hò
Ong ruồi ong mật thêm tò vò bay
Một mình kẹt giỏ nơi đây
Thì thôi trời rặt là mây phiêu bồng
Thà là một đám cô vân
Giữa trời vần vũ xoay vần bắc nam
Ờ thì đã cuội trăm năm
Quay về một chiếc lều không không người
Đống phân còn mấy chú ruồi
Bay qua bay lại hương đời phồn hoa
Ngày xưa chuốc rượu nhà ga
Bây giờ nước lạnh gốc đa mà chờ
Chờ hoài chưa tỉnh giấc mơ


MỖI MÙA MỘT LOÀI HOA

đầu xuân trên cành toàn hoa mai vàng
xen kẽ có hoa hồng đào hoa mơ trắng
dưới đất là hoa pensee' nâu đỏ tím
và rất nhiều cụm hoa thủy tiên
của Tàu của Ta và của Úc
giữa xuân là lyly đỏ xẫm
trắng chen đỏ đỏ lợt và nghệ
vườn hồng đâm chồi cùng những nụ hoa mùa mới
những cây mãn đình hồng, hoa tím hường trắng đỏ
vẫy tay chào mùa xuân tới vội
hoa loa kèn lài cúc thêm chồi
thi sĩ nhìn vườn ngó tới ngó lui
cây cỏ đều thay vỏ thay lá thêm hoa
thi sĩ thở dài người lại thêm già !
làm thơ thiếu ghệ thì làm không được ?
có ghệ vào thì bại sản tan gia
không ghệ thơ giống con gà thiến
có ghệ vào giống dê cụ Uy Viễn nhà ta
23 tuổi cộng thêm 50 vẫn còn trẻ quá
già chơi trống bỏi, cuối đời nghiêng ngả
một chiếc xe bò một lão già dịch
và một lũ ghệ tuổi 20 bám sát nút sau lưng 
tiên sư cha đứa nào? 
ngoác miệng ra nói lão là khùng? 
khùng cũng chả sao ? miễn là có đồ chơi ?
không chơi bỏ uổng ?
chết đến đít vẫn còn cay ? lão là cà cuống
thời trai trẻ lên bắc xuống nam
công lao hãn mã không giấy mực nào ghi cho hết ?
về già hưu vẫn oanh oanh liệt liệt
vẫn yêng hùng bên lũ ghệ tuổi 20
lão thường ngửa mặt lên
tóet miệng ra cười

CHIA LY

Em một đầu
Anh một đầu
Hai phía cùng khiêng
Em đi trước
Anh đi sau
Tình yêu nằm phủ mặt trên cáng
chết ngắt từ lâu
không vòng hoa tang
không kèn trống
hai ngườì âm thầm khiêng
đến nghĩa trang
tình yêu vĩnh viễn nằm đó
muôn đời
không cần chia tay
từ giã
đường ai nấy đi ?

CHU VƯƠNG MIỆN

READ MORE - CHÙM THƠ CHU VƯƠNG MIỆN

NẮNG THU HỒNG - Thơ Nhật Quang





NẮNG THU HỒNG

Nắng Thu hong tóc mây bồng
Em nghiêng nghiêng nón cho hồng má, môi
Nét duyên tươi thắm, mặn mòi
Ru làn mây ngả ngang trời vấn vương

Thu mơ... giăng nhẹ làn sương
Ôm bờ vai lụa nghê thường đắm say
Rì rào ngọn gió lung lay
Mơn man Thu ngát ngất ngây tim nồng

Em nghiêng chút nắng Thu hồng
Hồn ai vấn vít... tơ lòng bâng khuâng.

                                   Nhật Quang
                                    (Sài Gòn)

READ MORE - NẮNG THU HỒNG - Thơ Nhật Quang

CHỈ CẦN GIẢM CHÚT THAM TÀN - Thơ Thủy Điền



                       Tác giả Thủy Điền


CHỈ CẦN GIẢM CHÚT THAM TÀN

Chỉ cần một chút thứ tha
Là... gia đỡ khổ, là nhà bình yên
Chỉ cần một tí dưới, trên
Là đời trở lại cái nền năm nao
Chỉ cần ánh mắt tin nhau
Con người sẽ thấy tự hào "Kiếp nhân "
Dìu nhau đi dưới nắng xuân
Kể bao câu chuyện đất gần, trời xa
Chỉ cần biết được người- ta
Là đàn con dại dần xa ngu đần
Tránh bao hiểm họa đến gần 
Tránh bao tệ trạng sáp lần bên thân
Chỉ cần giảm chút tham tàn
Trở về cuộc sống đàng hoàng như xưa
Đương nhiên người... được hưởng thừa
Thế gian còn... dịp thi đua nhau cùng.

                                         Thủy Điền
                                        29-08-2017

READ MORE - CHỈ CẦN GIẢM CHÚT THAM TÀN - Thơ Thủy Điền

GIẢ TỪ TUỔI HỒN NHIÊN - Thơ Lệ Hoa Trần




GIẢ TỪ TUỔI HỒN NHIÊN

Tuổi học trò chỉ có bấy nhiêu thôi
Chỉ võn vẹn bảy năm thời trung học
Thời tươi trẻ, thời đầu còn kẹp tóc
Khóc thì nhiều, vui thì chẳng bao nhiêu

Cũng vì yêu, rồi muốn được người chìu
Ôi ! Đủ thứ hầm bà lằng đủ chuyện
Thời con gái sao lắm điều bất biến
Tuổi học trò chỉ thua kém quỷ, ma

Muốn người ta mà chẳng được người ta
Rồi đau khổ tương tư, sầu, hờn tủi
Khi người ta đã chuốc lòng đeo đuỗi
Thì giả vờ ngoảnh mặt, lạ, làm ngơ

Tuổi học trò. Ôi cả một trời thơ
Tả sao hết, kỷ niệm dài vô tận
Ngày rời xa chiếc cặp dầy, áo trắng
Ngày giả từ tuổi trẻ lẫn hồn nhiên.

                                 Lệ Hoa Trần 
                                  31-08-2017

READ MORE - GIẢ TỪ TUỔI HỒN NHIÊN - Thơ Lệ Hoa Trần

HƯƠNG QUÊ - Thơ Đặng Xuân Xuyến




HƯƠNG QUÊ

Hương cốm nhà bên duyềnh sang nhà hàng xóm
Cô bé thậm thò vắt ngang dải yếm
Níu bờ sông
Ơi ời “ra ngõ mà trông”
Vi vút gió đồng...

Ngẩn ngơ
giấc mơ
Níu đôi bờ bằng dải yếm
Chuốt tóc mềm làm gối chăn êm
Áo tứ thân trải lá lót nằm
Gom gió lại để chiều bớt rộng...

Thẩn thơ
Tiếng mơ thầm thĩ
“Người ơi...
Người ơi...”
Dan díu lời thề
Ngõ quê líu quíu.

Hà Nội, chiều 31.08.2017
ĐẶNG XUÂN XUYẾN

READ MORE - HƯƠNG QUÊ - Thơ Đặng Xuân Xuyến

CHIẾC BÓNG BÊN ĐỜI - Thơ Tịnh Đàm


               Tịnh Đàm



CHIẾC BÓNG BÊN ĐỜI

Buồn tôi chiếc bóng bên đời
Sớm hôm thầm lặng không người tỏ phân!
Ngày xưa... lầm lỡ bao lần
Những năm tháng mộng ấy ngần khát khao !
Đôi khi tự hỏi vì sao
Niềm vui còn giấu buồn vào mắt ai !?!
Để yêu thương đợi đêm dài
Cùng trăng thao thức nhớ hoài chuyện xưa.
Nhặt lên cánh bướm ướt mưa
Về hong ấm lại cho vừa nỗi mong.
Nghe chiều thu rớt ngoài song
Vấn vương ý gợi tiếng lòng xa khơi.
Một mai, ngồi hát giữa trời
Lời ru... có cả cuộc đời tôi vay !

                            Tịnh Đàm
                  (Hóc Môn, TP.HCM)

READ MORE - CHIẾC BÓNG BÊN ĐỜI - Thơ Tịnh Đàm

THỊ TRẤN BẠCH DƯƠNG (Kỳ 3/3) - Truyện ngắn của Alice Munro - Người dịch: Nguyễn Đức Tùng





THỊ TRẤN BẠCH DƯƠNG (Kỳ 3/3)
Truyện ngắn của Alice Munro
Người dịch: Nguyễn Đức Tùng

Chìa khoá nhà ông ta được đặt lên sàn nhà của phòng tôi, luồn qua khe cửa hẹp khi tôi không ở đó. Nhưng cuối cùng tôi cũng không cần dùng tới nó. Nếu có một người nào khác cho tôi một cơ hội như thế tôi sẽ mừng rỡ bắt lấy. Nhất là khi lại có cả một lò sưởi ấm. Nhưng trong trường hợp này sự có mặt trong quá khứ và tương lai của vị bác sĩ sẽ làm cho mọi tình huống trở nên không dễ chịu chút nào và làm cho sự thoải mái bình thường biến mất, thay vào đó là một niềm vui khác, căng thẳng, mệt mỏi hơn là lâng lâng. Ngay cả khi trời không lạnh tôi vẫn không ngừng run lên, và tôi không nghĩ rằng tôi sẽ có đủ tâm trí để ngồi đó mà đọc cho dù một con chữ.
Tôi sợ Mary một ngày nào sẽ tới trách móc tôi đã không đi xem vở kịch của nó. Tôi thầm nghĩ sẽ nói là mình không khỏe. Tôi bị cảm cúm. Nhưng tôi nhớ lại ở nơi đây bệnh cảm là một bệnh khá nguy hiểm, phải mang khẩu trang và bôi thuốc sát trùng, bị xua đuổi. Và rồi chỉ một thời gian ngắn tôi hiểu ra rằng không hy vọng gì giấu được chuyện thăm viếng nhà ông bác sĩ kia. Đó không phải là chuyện bí mật có thể qua mắt người khác ở đây, ngay cả với những người y tá thường không nói gì, hoặc là vì họ quá kiêu kỳ và tế nhị hoặc là những chuyện như thế từ lâu đã không làm họ chú ý. Nhưng mấy cô hộ lý thì trêu ghẹo.
“Cô giáo ăn tối bữa kia có vui không?”
Giọng nói của họ thân mật, ra vẻ tán đồng. Hình như vẻ kỳ quặc của tôi cũng phần nào thích hợp với vẻ kỳ quặc đã trở nên quen thuộc và được trọng nể của ông bác sĩ, vàhọ cho đây là chuyện tốt. Người khác nhìn tôi với cặp mắt kính nể. Bây giờ thì bất kể tôi là cái thứ gì, rõ ràng tôi có thể trở thành một người phụ nữ có bạn trai.
Mary biến mất không thấy mặt đâu cả tuần lễ.
“Thứ bảy tuần tới,” là những chữ ông ta nói khi đặt nụ hôn lên trán tôi. Như thế, trước cửa, tôi lại đứng chờ lần nữa, và lần này ông ta tới đúng giờ. Chúng tôi tới nhà và tôi đi thẳng tới phòng phía trước trong khi ông đốt lò sưởi. Ngồi ở đó tôi nhận ra cái máy sưởi bằng điện.
“Cô đã không nhận lời mời của tôi tới đây đọc sách,” ông ta nói. “Có phải cô đã từng nghĩ rằng tôi chỉ nói cho vui vậy thôi? Tôi bao giờ cũng định tâm thực hiện điều mình nói.”
Tôi bảo ông tôi đã không muốn vào khu phố vì sợ gặp phải con bé Mary.
“Bởi vì tôi không tới dự buổi ca kịch của nó.”
“Sẽ là thế nếu cô cứ phải thu xếp đời mình sao cho phù hợp với con bé Mary,” ông ta nói.
Thực đơn cũng khá giống lần trước. Thịt heocốt lết, khoai tây nghiền, bắp thay vì đậu. Lần này ông ta để tôi giúp việc trong bếp, thậm chí nhờ tôi dọn bàn.
“Cô có thể làm quen với những đồ đạc đâu đó trong nhà. Thế thì dễ hơn cho chúng ta, tôi nghĩ vậy.”
Nói thế tức là tôi có thể ngắm ông ta làm việc quanh cái bếp lò. Sự tỉ mỉ khoan thai của ông, những cử động tiết kiệm, trông đẹp mắtđã làm tâm hồn tôi vừa run lạnh vừa tí tách reo vui.
Chúng tôi vừa bắt đầu ăn tối thì có tiếng gõ cửa. Ông đứng lên xoay nắm cửa và con bé Mary lao ào vào.
Con bé mang một hộp các tông để lên bàn. Nó ném cái áo khoác của mình và hiện ra trong một bộ đồ hóa trang màu đỏ và vàng.
“Chúc mừng ngày Valentine hơi trễ,” nó nói. “Các vị không đến xem tôi trong buổi ca nhạc vì vậy tôi mang buổi ca nhạc lại cho mấy người. Và mang theo một gói quà trong hộp.”
Sự cân bằng tuyệt vời của nó đã giúp nó đứng trên một chântrong lúc đá văng chiếc ủng ra khỏi chân kia, rồi rồi lại chuyển chân và tiếp tục như thế. Nó hất đôi ủng qua một bên rồi bắt đầu đi vòng quanh bàn, hát bằng một giọng thê lương nhưng mạnh mẽ trẻ trung.
Người ta gọi tôi là Tiểu Mao Lương,
Tội nghiệp cho Tiểu Mao Lương,
Dù tôi chẳng bao giờ biết tại sao.
Nhưng tôi vẫn có tên là Mao Lương
Tội nghiệp cho Tiểu Mao Lương
Tiểu Mao Lương yêu dấu ơi là tôi.
Ông bác sĩ đứng dậy khi con bé bắt đầu hát. Ông đứng gần bếp, bận rộn cạo món sườn lợn dính chặt trên chảo rang.
Tôi vỗ tay. Tôi nói, “Trang phục của em tuyệt đẹp.”
Mà quả thực thế. Váy đỏ, váy lót vàng sáng, tạp dề trắng rung rinh, vạt áo thêu.
“Mẹ em may nó đấy.”
“Ngay cả mấy đồ thêu?”
“Đúng vậy. Mẹ thức suốt đêm đến bốn giờ sáng để may.”
Nó đi vòng quanh xoay người qua lại để khoe. Những cái dĩa kêu leng keng trên kệ. Tôi vỗ tay vài lần nữa. Cả hai chúng tôi chỉ muốn một điều. Chúng tôi muốn ông bác sĩ quay người lại và đừng tiếp tục tảng lờ chúng tôi. Ông ta phải nói một điều gì, dù là miễn cưỡng, một chữ lịch sự.
“Và nhìn xem có cái khác nữa,” Mary nói. “Cho ngày lễ Valentine.” Nó mở hộp các tông, những chiếc bánh bích quy Valentine, tất cả được cắt hình trái tim và được trang trí bằngkem đường nhuộm đỏ chót.
“Lộng lẫy thế,” tôi nói, và Mary lại tiếp tục nhảy nhót.
“Tôi là thuyền trưởng thuyền Pinafore
Một thuyền trưởng rất tài
Tôi giỏi lắm và mọi người hãy biết
Tôi chỉ huy đoàn thủy thủ tuyệt vời.”
Cuối cùng bác sĩ cũng quay lại và con bé đưa tay chào.
“Được rồi,” ông nói. “Thế là đủ.”
Con bé lờ đi.
Thế thì xin vỗ tay ba lần, và thêm một lần nữa,
Cho thuyền trưởng tài ba của thuyền Pinafore …
“Tôi đã nói thế là đủ.”
“Cho thuyền trưởng dũng cảm của Pinafore.”
“Mary. Chúng ta đang ăn bữa tối. Và em không được mời. Em có biết điều đó không? Không được mời.”
Con bé cuối cùng cũng im lặng. Nhưng chỉ một lát.
“Quỷ tha ma bắt ông đi. Ông không tử tế chút nào.”
“Và em cũng không cần mấy cái bánh ngọt đó nữa. Em có thể ngưng ăn bánh ngọt ngay lúc này. Em đang bắt đầu mập ú ra như một con lợn nhỏ.”
Mặt Mary đỏ ửng như sắp khóc nhưng rồi nó nói: “Coi ai đang nói kìa. Ông là đồ mắt lé.”
“Thôi đủ rồi.”
“Nhưng ông đúng như vậy mà.”
Ông bác sĩ lấy những chiếc ủng của nó và đặt ngay ngắn trước mặt nó.
“Mang ủng vào.”
Con bé làm theo, chảy nước mắt và nước mũi. Nó khịt mũi liên tục. Ông đưa cho nó chiếc áo khoác mà cũng chẳng giúp gì khi nó run rẩy rụt tay vào và lúng túng tìm mấy cái khuy áo.
“Được rồi. Bây giờ, em tới đây bằng cách nào?”
Nó không trả lời.
“Đi bộ, phải không? Mẹ của em đâu?”
“Euchre.”
“Tôi có thể lái xe đưa em về nhà. Như vậy, em sẽ không còn cơ hội để trượt xuống bờ sông tuyết và mặc cho mình chết cóng vì nỗi tự thương thân.”
Tôi không nói một lời nào. Mary không hề nhìn tôi. Giây phút ấy quá sốc để thốt lời tạm biệt.
Khi nghe tiếng xe nổ máy tôi khởi sự dọn dẹp bàn ăn. Chúng tôi không kịp ăn món tráng miệng, cũng là món bánh táo nữa. Có lẽ ông không biết bất kỳ loại bánh nào khác, hoặc có lẽ đó là tất cả những gì mà tiệm bánh làm được.
Tôi chọn một cái bánh bích quy có hình trái tim và ăn. Kemmàu trét trên bánh quá đỗi ngọt. Không có mùi dâu tây hay mùi hạnh đào, chỉ có đường và chất nhuộm đỏ. Tôi ăn hết cái này đến cái khác. Tôi biết lẽ ra nên nói lời tạm biệt với Mary. Tôi nên nói cảm ơn. Nhưng thứ ấy chẳng quan trọng gì nữa. Tôi tự nhủ chẳng quan trọng. Màn trình diễn của Mary không phải là cho tôi. Hoặc có lẽ chỉ một phần rất nhỏ là dành cho tôi.
Ông ta thật thô bạo. Điều làm tôi kinh hoàng là ông ta lại thô bạo thế. Với một đứa bé đang cần tình thương. Nhưng ông đã hành xử thô bạo với con bé Mary chỉ vì tôi,có thể hiểu như vậy. Để cho thời gian của chúng tôi không bị lãng phí đi. Ý tưởng này làm tôi vui tôi, tôi thấy thật xấu hổ là nó đã làm tôi vui. Tôi không biết phải nói gì khi ông ta trở lại.
Ông không muốn tôi nói gì nữa. Ông mang tôi vào giường. Tất cả những điều này có phải được tính toán trước hay chỉ là bất ngờ, đối với tôi, đối với ông ta? Sự trinh tiết của tôi ít nhất cũng không bất ngờ – ông ta đưa cho tôi một cái khăn tắm và đã dự trước một cái bao cao su – và ông ta kiên nhẫn tiếp tục việc ấy dễ dàng. Sự cuồng nhiệt của tôi làm cho cả hai ngạc nhiên. Trí tưởng tượng, như ta thấy, cũng là một chuẩn bị tốt đẹp chẳng kém gì kinh nghiệm.
“Anh muốn lấy em làm vợ,” ông ta nói.
Trước khi đưa tôi về nhà, ông ném tất cả những cái bánh, tất cả những trái tim màu đỏ ra ngoài trời tuyết cho bầy chim mùa đông.
Mọi chuyện ổn thoả. Lễ hứa hôn đột ngột của chúng tôi – ông có phần thận trọng khi dùng chữ ấy– là một chuyện riêng tư. Tôi không viết một chữ nào cho ông bà tôi cả. Lễ cưới sẽ được tổ chức khi nào anh ấy có hai ngày nghỉ liên tục. Một đám cưới đạm bạc, anh bảo. Tôi hiểu ý tưởng ấy về buổi lễ, trước sự hiện diện của những người khác, mà suy nghĩ của họ về ông không mấy tôn trọng, những người có thể cười nhạo và bàn tán này nọ, là những điều mà ông không muốn phải chịu đựng.
Ông cũng không mê chuyện nhẫn kim cương. Tôi cũng nói với ông rằng tôi chẳng muốn nhẫn kim cương, đó là sự thật, vì tôi chưa hề nghĩ tới. Ông nói điều đó càng tốt, vì ông biết rằng tôi không phải thuộc loại con gái ngốc ngếch thông thường.
Chúng tôi ngừng ăn bữa tối với nhau, không phải vì cuộc nói chuyện nhưng vì không đủ thịt cá cho hai người với một thẻ khẩu phần thức ăn. Thẻ thức ăn của tôi đã được giao cho nhà bếp – mẹ của Mary – từ khi tôi bắt đầu ăn ở nhà thương.
Tốt hơn cả là không làm cho người ta lưu ý đến mình.
Tất nhiên mọi người nghi ngờ. Những người y tá già trở nên thân thiện và ngay cả Matron cũng mỉm cười với tôi một cách đau khổ. Tôi tự chăm sóc mình một cách khiêm tốn, gần như chẳng chú ý. Cũng không hẳn, đối với tôi những người phụ nữ lớn tuổi kia đang nhìn mình dò xét, xem thử sự thân mật sẽ trở thành điều gì và họ sẽ hành xử thích hợp ra sao nếu lỡ ra ông bác sĩ quyết định bỏ rơi tôi. Chỉ có những người hộ lý là đứng về phía tôi tận tình, trêu ghẹo tôi rằng họ nhìn thấy những lá trà trong cốc của tôi giống hình những cái chuông đám cưới.
Tháng ba nghiệt ngã và bận rộn phía sau cánh cửa bệnh viện. Đó là tháng tệ hại nhất với nhiều rắc rối, các hộ lý nói. Vì một lý do nào đó, người tacứ chọn tháng đó mà chết, sau khi đã trải qua hết những gian nan của mùa đông. Nếu một đứa trẻ không tới lớp học một ngày nọ tôi không thể đoán có phải bệnh tình nó đã tới lúc nguy kịch hay chỉ là cảm lạnh thường. Tôi dùng một bảng đen di chuyển được và viết tên trẻ em quanh các cạnh của nó. Thậm chí bây giờ tôi cũng không cần phải lau đi tên của những đứa trẻ vắng mặt lâu. Những đứa khác làm việc ấy cho tôi, lặng lẽ chẳng nói lời nào. Chúng hiểu những nghi thức mà tôi còn phải học hỏi.
Tuy thế thời gian rảnh rồi cũng đến, để ông bác sĩ dàn xếp đám cưới. Ôngnhét một miếng giấy nhỏ dưới cánh cửa phòng tôi, nói là sẵn sàng trong tuần lễ đầu của tháng tư. Trừ khi có một biến cố lớn, thế nào ông tacũng có đôi ngày nghỉ phép.
Chúng tôi tới thành phố Huntsville.
Chúng tôi phải tới nơi ấy để kết hôn.
Chúng tôi bắt đầu một ngày mà tôi chắc rằng mình sẽ nhớ mãi suốt đời.
Tôi mang một chiếc áo nhiễu đã giặt ủi cuộn lại cẩn thận trong chiếc túi. Bà nội tôi đã từng dạy tôi cách cuộn chúng lại thay vì xếp nếp để tránh những vết nhăn. Tôi nghĩ là tôi phải thay đồ trong phòng vệ sinh phụ nữ khi có dịp. Tôi tìm nơi có những bụi hoa dại dọc đường để có thể làm một bó hoa mang theo. Liệu anh ấy có đồng ý để tôi ôm một bó hoa? Nhưng thời tiết quá sớm ngay cả với cúc vạn thọ đầm lầy. Dọc theo những con đường hoang vắng ngoằn ngoèo, những cây vân sam gầy guộc, những đầm lầy và những hòn đảo nhỏ rải rác. Và đột ngột ngang đường lô nhô những tảng đá đã trở nên quen thuộc với tôi – màu của sắt nhuộm đỏ ửng và đá vân nhạt.
Máy thu thanh trên xe chơi những điệu nhạc khải hoàn, vì quân đội đồng minh đang tiến gần, ngày càng gần thành phố Bá Linh. Ông bác si – Alister – bảo rằng họ đang di chuyển chậm lại để cho người Nga vào thành phố trước. Ông bảo, rồi họ sẽ hối hận vì điều này.
Bây giờ khi chúng tôi đã ở xa thị trấn Amundsen tôi nghĩ là tôi có thể gọi ông bằng tên riêng, anh Alister. Đó là một cuộc lái xe dài mà chúng tôi ngồi bên nhau và tôi cảm thấy hứng chí, thậm chí kích thích bởi tính cách thản nhiên có vẻ không đoái hoài gì đến tôi ở anh – điều tôi biết rằng có thể đột ngột biến thành ngược lại – và bởi tài lái xe điệu nghệ của anh. Tôi cảm thấy phấn khởi vì anh là một bác sĩ phẫu thuật dù rằng tôi chưa bao giờ thú nhận thế. Lúc này tôi tin rằng tôi có thể nằm xuống vì anh ở bất cứ một đầm lầy hay lỗ hổng nào, hay cảm thấy xương sống của tôi muốn gãy trên những mặt đường đầy sỏi đá, nếu anh yêu cầu tôi làm thế. Tôi cũng biết tôi nên giữ cảm giác này cho riêng mình thôi.
Tôi hướng tâm trí mình về tương lai. Khi chúng tôi đến thành phố Huntsville chúng tôi sẽ tìm được một mục sư, sẽ đứng bên nhau trong phòng khách, một nơi có vẻ khiêm tốn dịu dàng như căn hộ của ông bà tôi, hay như những phòng khách mà tôi đã từng biết trong đời mình. Tôi nhớ lại thời gian khi ông nội tôi vẫn được người ta mời làm phép cưới cho dù ông đã về hưu. Bà nội tôi tô một chút phấn hồng lên má, mang ra một chiếc áo choàng xanh sẫm thêu đăng ten, mà bà vẫn giữ kỹ để tham dự những dịp trang trọng như thế này.
Nhưng tôi phát hiện ra là có nhiều cách để lấy chồng, và nmột hiềm khích khác của chàng rể mà tôiđã chưa rõ. Anh chẳng muốn dính líu tới mục sư. Ở tòa thị sảnh chúng tôi điền những mẫu đơn, lập lời thề về tình trạng độc thân của mình, và làm hẹn để được kết hôn bởi một vị thẩm phán dân sự vào cuối ngày.
Thời gian ăn trưa. Alister dừng lại trước cửa một quán ăn có vẻ có bà con thân thiết với tiệm cà phê ở Amundsen.
“Tiệm ăn này được không em?” Nhưng nhìn vào mặt tôi, anh đổi ý.
“Không?” Anh nói. “Được rồi.”
Cuối cùng chúng tôi ăn trưa trong một căn phòng lạnh lẽo, là căn trước của một tiệm ăn có quảng cáo bữa ăn tối với thịt gà. Dĩa thức ăn thì quá lạnh, không có thực khách nào khác, không có âm nhạc trên máy thu thanh, chỉ có tiếng lách cách của dao nĩa của chúng tôi khi hai người bận rộn vất vả cắt miếng thịt gà dai. Tôi chắc rằng anh đang nghĩ là chúng tôi có thể có một bữa ăn tốt hơn ở nơi mà anh đề nghị trước đó.
Dù sao tôi cũng có can đảm để hỏi phòng vệ sinh đàn bà, và ở đó trong không khí lạnh buốt thậm chí còn hơn cả phòng ăn phía trước, tôi mở chiếc áo đầm xanh ra và mặc vào, tô son môi và sửa lại mái tóc.
Khi tôi bước ra Alister đứng đó mỉm cười chào, bóp chặt bàn tay tôi và bảo, em thật đẹp.
Chúng tôi bước ra xe, người cứng lại, tay trong tay. Anh mở cửa xe cho tôi, đi vòng quanh và ngồi vào ghế, xoay chìa khóa xe một vòng cho nổ máy. Rồi tắt.
Xe hơi đậu trước cửa một tiệm bán đồ khí cụ gia đình. Những cái xẻng xúc tuyết bán giảm giá còn một nửa. Vẫn còn treo một cái bảng trên cửa sổ quảng cáo dịch vụ mài sắc bánh xe trượt băng.
Ở bên kia đường, một căn nhà gỗ sơn vàng. Cầu thang phía trước trở nên ọp ẹp và hai tấm ván gỗ đóng lên cửa tạo thành hình chữ X. Chiếc xe tải đậu phía trước xe của Alister thuộc loại xe trước thế chiến, với một cái chắn ở phía sau đã rỉ sét. Một người đàn ông bước ra từ tiệm đồ gia dụng và bước vào xe tải. Sau vài tiếng rú gầm gừ, tiếng lắc cắc, chiếc xe rung lên từng chặp, rồi cũng chạy đi. Kế đến một chiếc xe tải chở hàng với tên của cửa tiệm chạy lại cố gắng đậu vào chỗ vừa trống. Nhưng chỗ đậu không đủ. Người tài xế bước ra, tới gần và gõ lên cửa của Alister. Alister ngạc nhiên – nếu anh ấy không mải mê trò chuyện thì đã nhận ra sự việc. Anh kéo cửa sổ xuống và người đàn ông kia hỏi rằng liệu chúng tôi có đậu hẳn ở đây không nếu muốn mua một món đồ trong tiệm. Nếu không phải thế, làm ơn dời xe có được không?
“Chúng tôi sắp rời đi.” Alister nói, người đàn ông ngồi bên cạnh tôi nói, người lẽ ra sắp cưới tôi làm vợ bây giờ sẽ không cưới tôi nữa, nói. “Chúng tôi sắp đi.”
Chúng tôi. Anh ta nói chữ chúng tôi. Trong một lúc tôi bị ám ảnh về chữ ấy và rồi tôi nghĩ rằng đó là lần cuối cùng. Lần cuối cùng tôi được đưa vào hai chữ chúng tôi.
Không phải là chữ chúng tôi có vấn đề gì, chữ ấy không phải là sự thật. Mà chính là giọng nói giữa cánh đàn ông với nhau mà anh ta nói với người tài xế kia, lời xin lỗi trầm tĩnh và biết điều. Tôi ước gì có thể quay lại vào phút đầu tiên khi anh ta bắt đầu nói, khi anh ta không nhận ra chiếc xe tải đang tìm cách đậu vào. Điều anh ta nói thật khủng khiếp nhưng hai bàn tay nắm chặt trên vô lăng, cái nắm chặt và ý thức trừu tượng của anh ta và giọng nói của anh đều biểu lộ đau đớn. Không cần biết anh nói gì, có ý gì, anh nói từ một nơi chốn thâm sâu, đúng là nơi mà anh đã nói khi chúng tôi nằm bên nhau, làm tình. Nhưng bây giờ thì không phải thế nữa, sau khi anh đã trò chuyện với người tài xế kia. Anh ta kéo cửa sổ lên và tập trung vào chiếc xe hơi, tìm cách đưa nó ra khỏi chỗ đậu khá chật hẹp để tránh khỏi va quẹt vào chếc xe tải kia.
Và chỉ một lát sau tôi cũng có thể đã vui sướng nếu có dịp trởlại giây phút lúc anh rướn cổ lên và quay đầu nhìn đằng sau. Cònhơn là lái xe – anh đang lái xe bây giờ – chạy xuống dọc đường phố chính của thành phố, vì chẳng còn gì để nói nữa hay để tần ngần xoay xở.
Anh không làm được chuyện ấy, anh ta nói thế.
Anh nói thế, bảo anh không thể cáng đáng nổi chuyện này.
Anh cũng không thể giải thích.
Chẳng qua là nhầm lẫn.
Tôi nghĩ tôi chẳng bao giờ có thể nhìn lên dòng chữ vòng vèo trên tấm bảng hiệu quảng cáo nơi mài sắc lưỡi trượt băng, mà không nghe giọng nói của anh ta vang lên trong đầu. Hay những tấm bảng gỗ xù xì đóng đinh bằng chữ X trước cửa nhà màu vàng đối diện với tiệm kia.
“Anh sẽ chở em tới trạm xe buýt bây giờ. Anh sẽ mua vé cho em về Toronto. Anh chắc rằng sẽ có xe lửa chạy về Toronto vào chiều tối nay. Anh sẽ nghĩ ra một câu chuyện rất hợp lý và sẽ nhờ một người nào đó gói ghém đồ đạc cho em. Em cho anh địa chỉ ở Toronto vì anh không giữ. Ồ, anh sẽ viết cho em một cái thư giới thiệu. Em đã làm việc rất tốt. Nhưng dù sao em khó có thể làm việc đến mãn khóa– anh chưa nói cho em nghe nhưng những đứa trẻ sẽ được rời đi. Rất nhiều thay đổi lớn sắp xảy ra.”
Giọng nói của anh trở nên mới mẻ, gần như hoạt bát vui vẻ. Làm như một gánh nặng đã được trút đi. Anh ta cố gắng giữ lại điều ấy không muốn vội vàng để lộ cái thở phào nhẹ nhõm cho đến khi tôi biến mất tăm.
Tôi nhìn xuống đường phố. Một điều gì đó như thể có ai chở tôi đến đoạn đầu đài. Chưa. Chỉ gần đến thôi. Cũng chưa hẳn là lần cuối cùng tôi nghe giọng nói của anh. Chưa.
Anh không cần hỏi đường. Tôi hỏi anh lớn tiếng, liệu có cô gái nào trước đây đã bị anh chở đến xe lửa như thế này chăng.
“Đừng nói thế.” Anh bảo.
Mỗi lần rẽ ngoặt đường là một lần xé rách tươm những mảnh đời còn lại của tôi.
Có xe lửa về Toronto lúc năm giờ chiều. Anh bảo tôi chờ trong xe hơi trong khi tự mình đi vào nhà ga. Anh đi ra với tấm vé trên tay và một vật nhỏ mà tôi nghĩ là nắp hộp quẹt. Anh ta nhận ra điều này vì khi tới gần xe hơi bỗng trở nên lặng lẽ.
“Trời ấm và rất tuyệt ở trong nhà ga. Có một phòng đợi dành cho phụ nữ rất tốt.”
Anh mở cửa xe cho tôi.
“Hay là anh nghĩ anh sẽ chờ cho đến khi em lên xe lửa? Có thể có nơi chúng ta ngồi kiếm một cái bánh ngọt ngon lành. Bữa ăn lúc nãy thật quá tệ”
Câu nói của anh làm tôi tức lên. Tôi bước ra khỏi xe đi thẳng tới nhà ga. Anh đưa tay chỉ phòng đợi của phụ nữ, nhướn mày lên nhìn tôi và cố gắng nói đùa một câu cuối cùng. “Có thể ngày nào đó em sẽ nhận ra rằng đây là một trong những ngày may mắn nhất của cuộc đời mình.”
Tôi chọn một băng ghế dài trong phòng đợi nhìn ra trước sân ga. Nhờ thế tôi có thể nhìn thấy anh nếu anh trở lại. Anh sẽ nói đây là một chuyện đùa, hay là một phép thử, như trong các vở kịch thời cổ đại.
Hay có thể anh đổi ý. Lái xe dọc theo đường cao tốc nhìn thấy ánh sáng mặt trời mùa xuân xanh xám lướt qua những tảng đá mà chúng tôi đã cùng ngồi bên nhau nhìn chúng. Sực tỉnh vì nhận ra sự điên rồ của mình anh vòng xe lại ngay trên đường và lao vun vút trở lại nhà ga.
Một giờ trôi qua trước khi xe lửa Toronto tới trạm, nhưng hình như thời gian thật ngắn. Và ngay cả lúc ấy những giấc mộng hoang đường vẫn cứ lướt qua tâm trí tôi. Tôi bước lên xe mà như gông xiềng kêu lẻng xẻng trên cổ chân. Tôi áp mặt vào cửa sổ nhìn xuống mặt đường khi còi tàu vang lên từng chặp chuẩn bị rời đi. Ngay cả bây giờ cũng không quá trễ nếu tôi muốn nhảy khỏi đoàn xe. Nhảy đại và chạy xuyên qua nhà ga tới đường nơi anh có thể đang đậu xe lại và chạy ngược lên các bậc tam cấp, thầm nghĩ không quá trễ, trời ơi, cầu xin không quá trễ.
Tôi cũng chạy về phía anh ta, cũng không quá trễ.
Và rồi sự chấn động, la hét ầm ĩ, không phải một người mà cả một đám người chạy lăng xăng giữa những hàng ghế. Những nữ sinh trung học, mặc áo quần thể thao, cười rú lên trước sự hoảng loạn. Người tài xế xe lửa tỏ vẻ bực mình và hối chúng ngồi vào chỗ.
Một trong những đứa ấy, có lẽ to tiếng nhất, chính là Mary.
Tôi quay đầu đi và không nhìn chúng.
Nhưng nó chẳng tha, kêu tên tôi rõ to và hỏi cô giáo đi đâu mất biệt thời gian qua.
Đi thăm một người bạn, tôi bảo nó.
Mary nhào tới bên tôi kể chúng vừa đấu bóng rổ với đội bóng của Hunstville. Hỗn loạn ghê lắm. Chúng bị thua.
“Tụi mình thua, phải không?” nó la lớn, rõ ràng là vui vẻ, trong khi những đứa khác rên rỉ hoặc cười khúc khích. Nó bảo tỉ số quá sức đáng xấu hổ.
“Cô giáo mặc đồ diện quá,” nó nhận xét nhưng thực ra không chú ý lắm, lắng nghe lời giải thích của tôi với vẻ hững hờ.
Nó cũng không để tâm khi tôi nói mình đi về Toronto để thăm ông bà. Ngoại trừ nhận xét rằng chắc họ phải già lắm rồi. Không một chữ nào về Alister. Ngay cả một lời tồi tệ. Chắc nó không quên. Chỉ là dọn dẹp, thu cất hoạt cảnh vào ngăn tủ với những hiện thân quá khứ khác của nó . Hoặc con bé không mấy để tâm những tổn thương kiểu này.
Tôi biết ơn nó bây giờ, cho dù lúc đó tôikhông cảm thấy như vậy. Nếu hôm đó chỉ có mình tôi, thì tôi đã làm chuyện gì khi tới Amundsen? Nhảy khỏi đoàn tàu, xông tới nhà anh ta và hỏi cho ra lẽ, tại sao, tại sao. Thật là nỗi xấu hổ suốt đời. Khi đến ga, thời gian tàu dừng chỉ vừa đủ để cả đội bóng tập hợp, đập tay ầm ĩ lên cửa sổ ra dấu cho người nhà đến đón, trong khi người soát vé không ngừng nhắc nếu chúng không mau mau ra khỏi tàu thì sẽ bị chở thẳng tới Toronto.
Nhiều năm tôi vẫn nghĩ có ngày tôi bỗng dưng chạm mặt anh ta. Tôi đã về sống và đến nay vẫn sống ở Toronto. Đối với tôi hình như người nào cũng có lúc về ở Toronto một thời gian. Tất nhiên điều đó cũng không có nghĩa là bạn sẽ gặp lại người ấy, ngay cả khi bạn muốn thế.
Rồi cuối cùng dịp ấy cũng đến. Băng qua một con đường đông đúc nơi bạn không thể nào bước chậm lại. Đi ngược chiều nhau. Nhìn sững, đầy kinh ngạc, gương mặt đã sạm nắng gió, đã lấm tấm màu thời gian của nhau.
Anh ta la lớn, em có khỏe không? Và tôi trả lời tốt lắm. Và thêm, với vẻ tự hào, “Rất hạnh phúc”
Vào lúc ấy điều đó chỉ đúng chung chung mà thôi, chứ thực ra tôi đang có chuyện bực mình với chồng tôi, vì chuyện phải trả nợ nần cho một trong những đứa con của anh ấy. Tôi đã đến một chương trình biểu diễn ở bảo tàng mỹ thuật chiều hôm ấy, để lấy lại thanh thản.
Anh ta gọi lại một lần nữa:
“Mừng cho em.”
Dường như chúng tôi vẫn có thể bằng cách nào đó dứt ra khỏi đám đông, và trong một thoáng sẽ trở lại bên nhau như những tình nhân cũ. Nhưng cũng không kém chắc chắn là chúng tôi mỗi người sẽ đi một đường. Và chúng tôi làm thế thật. Không một than khóc nghẹn ngào, không một bàn tay đặt trên vai níu tôi lại khi tôi đặt chân lên vỉa hè. Chỉ là một chớp sáng mà tôi thấy trong giây phút ngắn ngủi, khi một mắt của anh mở lớn. Đó là con mắt trái, lúc nào cũng mắt trái, như tôi hằng nhớ lại. Và lúc nào cũng lạ lùng, cảnh giác, tự hỏi, như thể một điều gì không thể nào xảy ra đang xảy ra với anh, một điều gì khiến anh gần như phá lên cười.
Đối với tôi dường như chuyện ấy cũng xảy ra lúc tôi rời bỏ Amundsen ngày nọ, chuyến xe lửa kéo tôi ra khỏi nơi ấy, bàng hoàng, ngơ ngác, không tin được câu chuyện của đời mình.

Thực ra chẳng có gì thay đổi về tình yêu.
READ MORE - THỊ TRẤN BẠCH DƯƠNG (Kỳ 3/3) - Truyện ngắn của Alice Munro - Người dịch: Nguyễn Đức Tùng