Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, April 30, 2021

TÔ THÙY YÊN NGỌN GIÓ LẠ THƯỜNG SẼ THỔI TỚI – Nguyễn Đức Tùng


Nhà thơ Tô Thùy Yên


Con người có thể bị số phận vây khổn, bị lỗi lầm săn đuổi, bị thời gian ruồng bỏ, nhưng khi đêm tối xuống, vầng trăng là của hắn.
 
Vầng trăng còn tiếc cuộc rong chơi
 
Thơ Tô Thùy Yên là một đứa trẻ. Đó là tấm lòng thương yêu đối với cuộc đời.
Con người là sự sống tự ý thức về nó. Không những ý thức về nó mà còn về người xung quanh, về những mối quan hệ, ý thức về sự yếu đuối của cá nhân, cô đơn, sự cần thiết của người khác. Con người biết rằng khi tách khỏi nhân loại, tồn tại đơn lẻ, cuộc sống trở nên không thể chịu đựng được. Con người chỉ có thể tìm ra bản thể của mình trong mối quan hệ với người khác. Toàn bộ những quan hệ ấy đặt trên một điều cốt lõi, khởi thủy và kết thúc, đó là tình yêu. Không có nó, mọi thứ khác sụp đổ.
 
Trời dậy sáng
Như một lời nói mới
Hồng loang đám ruộng xa, hồng lên khóm tre cao
Mặt trời xao xuyến mọc
Ôi có hừng đông nào chẳng làm ta muốn khóc
Một ngày nữa xuống với đời ta
Vui biết mấy
Mà cũng buồn biết mấy
 
Bất cứ một giây lát nào cũng có thể làm bạn ngạc nhiên nếu bạn mở lòng ra. Buổi trưa, nhìn vạt nắng khi băng qua đường, buổi tối dừng lại trên cỏ, trong chớp mắt, bạn nghe tiếng rì rào của vũ trụ. Tình yêu mà chúng ta dành cho cuộc sống vừa là tình yêu nam nữ, gia đình, bè bạn, vừa là tình yêu lớn lao, nhân loại; cả hai thứ là một, nhưng khác. Con người suy nghĩ và con người hành động là một ở Tô Thùy Yên, tấm lòng của ông đối với cuộc đời, vì thế, nguyên vẹn, hoàn toàn, liên tục. Tồn tại cùng thời hai nguồn cảm xúc trong thơ ông, tưởng như đối nghịch: một bên, cuộc đối thoại thường xuyên với vũ trụ, câu hỏi siêu hình về tâm và vật về ta và thế giới về ý nghĩa của tồn tại về không và thời gian và một bên là trái tim cháy ấm áp ngọn lửa nhân sinh hướng tới căn nhà, người nữ, cõi quyến luyến.
 
Hãy hạnh phúc nhất thời
Như dấu lặng
Hãy hạnh phúc nhất thời
Như tiếng mưa rào, như lời cỏ hát
Như ánh chớp đùa, như hạt sương gieo
 
Trong tình yêu của Tô Thùy Yên, có một vẻ hối hả, lo âu, như thể ngày mai không đến, hôm nay sắp mất. Đó có phải là quan niệm hiện sinh mà vào thời ông người ta hay nhắc đến? Thơ Tô Thùy Yên hướng về thế sự, lớn lao mà không trừu tượng, những xúc cảm người đọc có thể chạm tay vào. Chúng ta không biết tên xúc động ấy, nhưng chúng ta cảm thấy sự hiện hữu của nó, và chúng ta an tâm như thể đứa con tìm về nhà, hạt giống khi gặp tia nắng.
 
Ta cảm ơn người đời. Cảm ơn trời đất
Còn lưu trữ khoảng cỏ cây này đến tận hôm nay
Để ngày này ta đến dỗ dành những nỗi ưu tư
Trời vẫn gió. Lông lốc con người ta
Bất tận nỗi đời hung hãn đó
Ùa trong chân không mở toác mịt mùng
Ô, những vầng lá khô quay đảo.
Điệu luân vũ sinh ly tử biệt vàng óng
 
Chữ hoa mỹ mà vẫn cứng cỏi. Người làm thơ đứng trong trời đất, ước nhìn thấu suốt vạn vật, soi lại bản thân. Tô Thùy Yên đi giữa khuynh hướng hiện sinh với cái nhìn bi quan đối với thực tại, và khuynh hướng minh triết, của thơ Đường, của siêu hình học Đông phương, làm nên một cân bằng uyển chuyển. Sự đơn độc, tách rời, vắng mặt là nguồn cơn của âu lo, phiền muộn. Không thể sử dụng năng lượng của tình yêu, vô vọng, con người trở thành bé con, đau đớn về thể chất lẫn tinh thần. Ước muốn sâu xa nhất của chúng ta là vượt qua xa cách, thoát khỏi cô đơn, vươn tới bàn tay khác, trở về thơ ấu, cội nguồn của thơ ca.
 
Anh mong em cất được ngôi nhà
Lưu trữ những giấc mộng
 
Thơ Tô Thùy Yên là thế giới đa sắc, xoay quanh tam giác ba đỉnh: những suy tưởng siêu hình, những ý thức thời thế, và tình thương yêu cuộc sống. Thế giới Tô Thùy Yên là chất liệu giàu có của thơ ca: hòa bình, chiến tranh, tù ngục, phân ly, lưu vong. Thơ Tô Thùy Yên là thơ trí thức, của tầng lớp tinh hoa, nhưng đó không phải là tầng lớp tinh hoa ích kỷ, chỉ biết hưởng thụ: họ dấn thân khi cần thiết, kết hợp đương đại và truyền thống, sang cả và bùn lầy, máu, chiến trường.
 
Nghĩ tới đời ràn rụa thâm ân
 
Có một mối quan hệ giữa các chuyển động đa chiều của xúc cảm, tự phát như chuyển động phân tử, và cấu trúc vector của câu chuyện. Dường như ông cũng tìm cách đến gần cách tân, phá vỡ ngôn ngữ quy ước, nhưng thái độ cân bằng đã giữ Tô Thùy Yên lại. Đó là sự khác biệt giữa tác giả và chính bài thơ. Để chống lại tình trạng cô đơn, tách rời cá nhân khỏi những người khác, con người hướng về thỏa hiệp, tuân theo chuẩn tắc xã hội. Mặt khác, cá nhân cũng tìm nguyên tắc bình đẳng để giữ cho họ được hành xử hạnh phúc trong các mối quan hệ. Đối với nghệ sĩ, hoạt động sáng tạo là phương thức thứ ba chống lại tình trạng cô đơn hữu hiệu. Sự sáng tạo vừa đòi hỏi người nghệ sĩ biết sống đơn độc (solitude), khác với cô đơn (loneliness), vừa hướng tới tha nhân.
 
Tàu ơi hãy kéo còi liên tục
Cho tiếng rền vang dậy địa cầu
Lay động những tầng mê sảng tối
Loài người hãy thức, thức cùng nhau
 
Trong thơ Tô Thùy Yên, tình yêu vừa là ý thức vừa là lời cầu nguyện. Ý thức về sự mê lầm, thù nghịch, chiến tranh. Lời cầu nguyện vang lên miên viễn giữa những câu thơ vọng đi vọng lại, khi chìm xuống như giấc mộng, khi xô đi như sóng, trong suốt, vững mạnh.
 
Ta nhớ lắm
Mái nhà xưa khắng khít ngói âm dương
Cỏ bay bám tàn đi rồi mọc lại
 
Nhưng tất cả những hành xử ấy, thỏa hiệp, bình đẳng, sáng tạo, chỉ có thể xảy ra một cách chân thành bền vững nếu chúng xảy ra trên lối về nguồn cội. Tháng 7 năm 1972, khi cuộc chiến tranh Nam Bắc lên đến cao điểm, Tô Thùy Yên viết bài “Hề, ta trở lại gian nhà cỏ”:
 
Hề, ta trở lại gian nhà cỏ
Giữa cánh đồng không, bên kia sông
Trống trải hồn ta cơn gió rã
Tiếng tàn tàn rụng suốt mênh mông
Hừng đông hùng vĩ và thanh thản
Sương hứa nguyên ngày nắng rực say
Ta dậy khi gà truyền nhiễm gáy
Chân mây rách đỏ vết thương dài
Ta ngồi trước ngõ nghe xao động
Trời đất bào thai cựa cựa nhanh
Mầm cỏ ngoi ngoi lên rạo rực
Con chim chèo bẻo hót lanh chanh
Ta ngồi cho đến khi trời trắng
Ðồng ruộng xanh đông đúc tiếng người
Ta rảo quanh làng hóng chuyện phiếm
Ðời người cũng chuyện phiếm mà thôi
Ở đây, ta có dăm người bạn
Phúc tự tâm, không lý đến đời
Ở đây, ta có dăm pho sách
Và một dòng sông, mấy cụm mây
Dòng sông u hiển trôi vô lượng
Dòng sông hiền triết chảy vô tâm
Mà ta ngưỡng vọng như sư phụ
Mà ta thân thiết tựa tri âm
Lòng ta vô sự, ta vui vẻ
Bướm với hoa cùng bay nhởn nhơ
Mùa hạ tàn trôi trôi đóm lửa
Dòng ngày tháng trắng chảy lơ mơ
Quên quên, nhớ nhớ tiền sinh kiếp
Thiên cổ mang mang, thế sự nhòa
Trận lốc cười tròn trên quá vãng
Ta làm lại cả tâm hồn ta
Buổi trưa như buổi trưa nào đó
Tiếng võng đưa đưa tịch mịch mùi
Ðiệu hát ầu ơ hoa cỏ lịm
Nước mây buồn bã chợt quên trôi
Ta thiếp trong vòm xanh đại thọ
Ðời đời giương rộng lượng bao dung
Ví dầu ta ngủ không còn dậy
Ắt hẳn lòng ta cũng dửng dưng
Chuyện trần thế bấy lâu thanh thỏa
Sống một ngày, ta rõ một ngày
Thôi vướng mắc dài duyên với nợ
Ân oán đời, phong kiếm rửa tay
Còn lại chăng cây đàn lở tróc
Gảy mình nghe đôi điệu xưa xưa
Còn lại chăng chút u hoài mốc
Pha cùng rượu uống đến say thua
Gặp buổi trời mưa bay phới phới
Lá cành sáng rỡ sắc hồi xuân
Ta nhìn ngọn cỏ, lòng mê mẩn
Nghĩ tới đời ràn rụa thâm ân
Sống trên đời, chuyện ghê gớm quá
Vậy mà ta sống có kỳ không?
Nước mắt ta tuôn khi nghĩ tới
Những người đã chết, chết như rơm…
Gặp buổi trời trong dàn bát ngát
Ngọn cây ô! đã giát hoàng hôn
Cơn gió mơn man bờ bụi rậm
Kể dạo quanh vườn chuyện trống không
Ta ngắm gốc cây nứt nở vỏ
Gốc cây to đến mấy người ôm 
Nghĩ tới bao điều thầm lặng lớn
Trí ta không đủ lực đo lường
Nên ta phó mặc cho trời đất
Trời đất vô ngôn lại bất nhân
Nên ta lẳng lặng đi đi khuất
Trong lãng quên xanh hút thời gian
Ðêm tối êm ru lời thủ thỉ
Bên hè có tiếng dế ca ran
Vầng trăng ta thấy thời thơ ấu
Mọc lại cho ta thuở xế tàn
Hình như mọi sự đều như thế
Kể cả lòng ta cũng thế thôi
Các việc vô công làm miết miết
Quên tiệt đời ta như nấm mai
Trăng, bạn hiền xưa giờ tái ngộ
Ta thức đêm nay chơi với trăng
Nghĩ tội thương sau này, mãi mãi
Trên mồ ta, trăng phải lang thang
Hề, ta trở lại gian nhà cỏ
Sống tàn đời kẻ sĩ tàn mùa
Trên dốc thời gian, hòn đá tuột
Lăn dài kinh động cả hư vô
Xa nghe đợt gió lên cơn bão
Nhân loại quay cuồng biến đổi sâu
Bầy chó năm châu cắn sủa rộ
Quỉ ma cười khóc rợn đêm thâu
Cuộc cờ kỳ lạ không bày tướng
Ăn sạch quân, trừ lính được thua
Hỡi ai tráng sĩ mài dao nhọn
Xin nhớ đời không mỗi sắc vua
Hề, ta trở lại gian nhà cỏ
Tử tội mừng ơn lịch sử tha
Ba vách, ngọn đèn xanh, bóng lẻ
Ngày qua ngày, cho hết đời ta.
 
Hừng đông. Cơn gió rã. Thế sự nhòa. Ràn rụa thâm ân. Lịch sử tha. Buổi trưa xanh tiếng võng. Đôi khi tôi đọc các chữ hay các nhóm chữ trong thơ nhiều lần, đọc lại cho đến khi nghĩa của chúng biến mất, những nghĩa thông thường, và đến khi ấy âm thanh của chúng vang lên một cách khác, được lắng nghe. Vào lúc ấy ngôn ngữ tác động vào chúng ta ở khía cạnh khác, nguyên sơ, đầy nhịp điệu, giàu có biến động. Nhiều nhà thơ ngôn ngữ hiện nay tìm cách tách rời thơ khỏi đối tượng mô tả, đẫm mình trong dòng chảy ngôn ngữ, tạo kiểu thơ khác. Điều thú vị là ở Tô Thùy Yên, bài thơ hoàn toàn tập trung vào đối tượng của nó, xoay quanh câu chuyện, nhưng các câu thơ của ông vẫn dung chứa một không gian rộng rãi ở đó chữ tìm thấy nhịp điệu nhảy múa riêng của chúng, vẻ đẹp của chúng trong những liên hệ vô thức với sự vật và kinh nghiệm.
 
Ở đây ta có dăm người bạn
Phúc tự tâm, không lý đến đời
 
Những nghiên cứu tâm lý học hiện đại chỉ ra rằng cư dân nông thôn có khuynh hướng giúp đỡ người khác nhiều hơn cư dân thành thị. Trong một thí nghiệm, một người đi qua đường đánh rơi một cái găng tay. Ở một đô thị lớn, số người tìm cách nhắc nhở hoặc nhặt lên dùm là sáu mươi phần trăm, ở một thị trấn vùng quê hẻo lánh con số ấy là gần một trăm phần trăm. Trở về với cánh đồng, lều cỏ, là trở về với các khuynh hướng thân mật, mối quan hệ láng giềng từ lâu thất tung. Trong một bài thơ khác, Tưởng tượng ta về nơi bản trạch, ở đầu bài thơ Tô Thùy Yên nhắc đến Đào Tiềm:
 
Đào tử sắp lìa bỏ nơi nghịch lữ
Trở về nơi bản trạch. Than ôi,
thương thay!
 
Nhưng e rằng đó chỉ là ước muốn của Tô Thùy Yên, bởi vậy ông dùng chữ “tưởng tượng”, hẵng biết không làm được. Một trong những đoạn thơ hay nhất, lay động:
 
Tưởng tượng ta về nơi bản trạch
Gió đưa nhớ rải dọc trần gian
Trên đồng ngọn cỏ xanh khom mỏi
Đời nặng cơn bi lụy dịu dàng
 
Câu hỏi của con người trước vũ trụ. Sự trở về ấy vừa có tính chất xã hội, vừa là đòi hỏi triết học, lời tra vấn đối với ý nghĩa của tồn tại. Đó là trở về với bình đẳng, vô kỵ, giản dị minh triết, tức giản dị vui vẻ.
 
Tưởng tượng ta về nơi bản trạch
Áo phơi xanh phới nhánh đào hồng
 
Đó không phải chỉ là quy ẩn, mà là trở về để kêu gọi làm lại. Nhưng liệu con người có thể thay đổi? Ở Tô Thùy Yên, thiên nhiên là đời sống bây giờ, không phải hành trình thu xếp khi bạn đã già, về hưu, sau khúc quanh. Đào Tiềm ngày xưa treo ấn từ quan, về thật, làm ngũ liễu tiên sinh, nhưng Tô Thùy Yên chỉ có thể về trong tưởng tượng. Tuy ở trong nhóm Sáng tạo, có khuynh hướng cách tân, ông chưa thành công lắm trong các bài tự do. Giọng thơ ấy bắt gặp thơ bảy chữ, liền tìm thấy tiếng nói. Các sự vật trong thơ ông không đứng một mình mà kèm theo sự quan sát của tác giả, vạt áo thì vạt áo phai, đống lửa thì đống lửa hắt hiu, gió thì gió miên man, nước ao thì nước ao lền đặc, tiếng nứt thì tiếng nứt hoa niên, ngày thì ngày nắng chói chang, sáng thì âm u sáng, sáng trưng. Như thế là trước hay sau mỗi danh từ chỉ sự vật bao giờ cũng có một từ mô tả nó, trước hay sau mỗi động từ chỉ hành vi bao giờ cũng có một từ thay đổi nó.
 
Vậy, ngôn ngữ Tô Thùy Yên là ngôn ngữ mô tả. Nhờ thế mà sự vật có linh hồn, mọi thứ động đậy, lao đao, luống cuống, ru lăn, va đập, thở, quay cuồng, thảo mộc thì trầm tư, gạch đá thì cười đùa, ánh sao nhỏ lệ, ma quỷ hiện về. Đó là bí ẩn từ ngữ trong thơ Tô Thùy Yên. Đọc thơ ông là đọc một người đi qua lịch sử bạo động bậc nhất trong sinh tồn dân tộc, là đọc lịch sử về các ý thức xã hội, về ý nghĩa của xung đột, về tính mục đích và tính vô mục đích của chiến tranh.
 
Cát bụi, sao quên mình cát bụi
Đành hanh nhau tàn khốc máu xương
 
Từ giữa những năm 1960, với lối thơ theo hình thức cổ điển, tác giả viết như trong những đợt năng lượng phun trào: chiến tranh, thân phận người lính, suy nghĩ về dân tộc, con người trong vũ trụ, hòa bình và tù ngục, chiến tranh và tình yêu, tha hóa, sự hủy hoại môi trường sống. Suốt những năm dài trong nước, Tô Thùy Yên không xuất bản một tập thơ nào, nhưng thơ ông được biết đến đặc biệt trong tầng lớp sinh viên và trí thức. Khi qua đời năm 2019 (20. 10. 1938- 21. 5. 2019) ở Mỹ, có lẽ ông là thi sĩ được thương tưởng nhiều nhất trong vòng mấy chục năm qua.
 
Ta nói với từng tinh tú một
Hằng đêm, tất cả chuyện trong lòng
Bãi lân tinh thức âm u sáng
Ta thấy đầu ta cũng sáng trưng
 
Bài thơ làm mới lại một ngôn ngữ, làm tăng thêm sức chứa ý nghĩa của ngôn ngữ ấy, tiếng Việt. Thơ trữ tình của thơ Tô Thùy Yên tách các chữ ra khỏi ngôn ngữ tham chiếu, nhặt chúng lên từ dòng chảy đời sống, biến đổi chúng, và trả lại chỗ cũ. Tô Thùy Yên tạo ra mối liên hệ giữa những sự vật trước đây không nhìn thấy nhau, không ở gần, không nhận diện. Thơ ấy chỉ ra cho chúng ta, trong nền văn hóa của chúng ta, những điểm cốt lõi, tương đồng, mầm mống nguyên thủy, các nguyên mẫu văn hóa, các kiểu nói và kiểu nghĩ chưa bao giờ xuất hiện nhưng tiềm ẩn. Một trong những bài thơ ông viết sau khi được thả là bài Ta Về. Về ở đây không phải chỉ là từ trại cải tạo, về làng xưa, căn nhà cũ, gặp người đàn bà của mình, mà về còn là sự trở lại lớn lao không phải của một cá nhân mà của cái ta. Cái ta trong thơ Tô Thùy Yên, qua nhiều bài thơ, vừa là cái tôi vừa là cái chúng ta, vừa là cái tôi cô độc, vừa là cái tôi thuộc về người khác; cái ta trong thơ ông cũng vậy vừa là cái ta đám đông, bên ngoài, vừa là cái ta vũ trụ trong một cá nhân. Sự trở về trong bài thơ ấy vượt qua nhiều giai đoạn ý thức, từ vây hãm đến tự do, từ cô đơn đến đoàn tụ, từ tan tác đến nguyên ủy.
 
Ta về như hạt sương trên cỏ
Kết tụ sầu nhân thế chuyển dời
Bé bỏng cũng thì sinh, dị, diệt
Tội tình chi lắm nữa, người ơi!
 
Tồn tại của thơ ca, sống sót của nó qua chiến tranh, tù đầy, phụ thuộc vào khả năng sử dụng ngôn ngữ của nhà thơ, cái đẹp và cái đúng của nó. Bài thơ gồm những điều nói ra và những điều không thể nói ra, đôi khi như âm nhạc. Như âm nhạc, thơ mở rộng biên giới, vượt qua khoảng cách không bị kiểm soát bởi các định luật. Bởi vì chúng ta sống trong một thế giới mà chúng ta không hiểu rõ, nghệ thuật có nhiệm vụ giúp chúng ta vượt qua các trạm kiểm soát, tạo ra liên kết giữa người và người và tạo vật. Bài thơ có thể nói điều nó định nói, có thể nói nhiều hơn những điều nó định nói, và có thể nói nhiều hơn những điều mà tác giả muốn nói.
 
Ta đợi mơ hồ như chẳng đợi
Rừng vô minh chợt thức canh gà
Con đường duỗi sáng như dao bén
Rọc điếng hồn đêm chẳng kịp la
 
Từ vô minh đến hiểu biết, từ ích kỷ trở thành có trách nhiệm, con người trước hết phải trở nên vị tha, đối với người khác và đối với thiên nhiên. Họ phải có niềm ao ước góp tay cứu chuộc thế giới. Muốn cứu chuộc thế giới, trước hết họ phải yêu chúng. Tô Thùy Yên là một người mê đắm thiên nhiên. Đó là tình yêu có ý thức, có mục đích, và nhà thơ đem lan truyền tình cảm ấy khắp cùng ngôn ngữ của ông. Ông yêu mến thiên nhiên không theo cách của chủ nghĩa lãng mạn, như trong thơ mới, rời bỏ thành thị trở về thơ mộng riêng tư, mà ông yêu nó bằng chính máu thịt của mình, trong tan rã của nó, trong oan khuất, trong bi lụy của nó, trong ao ước cứu chuộc nó.
 
Trời cao mỏi mắt, chòm mây bạc
Thăm thẳm trưa, thời gian chết xanh
Ngoài quãng chói chang hư ảo múa
Dường như ai réo ấu danh anh
 
Tô Thùy Yên không lãng mạn hóa cuộc sống nông thôn. Thơ ông nhiều bài như ai điếu, như kinh cầu. Đánh mất một quá khứ “bi lụy dịu dàng”, một xã hội tự do, là mất mát lớn không gì sánh được, không cách gì an ủi, giải tỏa được. Bạn phải sống với nó, từ đây, với sự mất mát ấy, đi cùng với nó, chịu đựng nó. Bạn phải mang vác chứ không phải chiến thắng. Bạn phải chấp nhận chứ không phải từ chối. Nhờ những ai điếu, bi ca, nhờ ngôn ngữ, mà những gì tưởng đã chết sẽ không mất đi, và chính sự thương tiếc đau buồn nuôi dưỡng chúng ta, cứu chuộc chúng ta. Ý thức cứu chuộc ấy có thể đau đớn. Đọc thơ cũng vậy, sự cứu chuộc đòi hỏi một tình trạng đọc sâu sắc, vững chãi.
 
Chúng ta cười trên môi bằng hữu
Trong mỗi bài thơ phải có những danh từ
Cách mạng hòa bình tự do nhân đạo
 
Mỗi bài thơ của Tô Thùy Yên là một sự kiện, là khoảnh khắc, cao điểm của câu chuyện. Bài thơ nắm giữ được khoảnh khắc ấy như khi bạn chạm được tay mình lên trái tim, mở tung cửa sự thật. Nhiều bài thơ của ông về chiến tranh là những bài đặc sắc, thuộc loại hay nhất của thơ Việt viết về chiến tranh. Đó là một thứ thơ hiện thực, mô tả cuộc chiến như một nhân chứng, không những nhân chứng mà còn là người trực tiếp tham dự.
 
Tôi là Tô Thùy Yên là thi sĩ là người chép sử tương lai
 
Viết khi còn trẻ, không phải không có cái ngông nghênh thư sinh, nhưng trong ấy rõ là có định mệnh. Người chép sử tương lai ấy hóa ra không phải tình nguyện mà sẽ chép lại lịch sử bằng chính máu mình, vùi dập, có lần toan tự vẫn. Chiến tranh đối với ông có ba khía cạnh: cuộc nội chiến có tính chất ý thức hệ. Tuy vậy, ông vẫn tham gia vào đó như một người lính, ông tin rằng nếu cần phải chọn lựa, ông cũng chọn lựa. Và thứ ba, cuộc chiến tranh ấy sẽ làm tiêu hủy con người và tâm hồn dân tộc. Ông nhìn thấy đối phương của mình, mặc dù trong tưởng tượng, và tìm cách đối thoại với họ:
 
Ta thương ngươi khờ khạo
Ta thương ta yếu hèn
 
Chính là cái nhìn bình đẳng, khi bay qua phá Tam Giang, nhận chân trò lừa dối của lịch sử từ cả hai phía, mà Tô Thùy Yên đối diện với cuộc chiến từ vị thế trên nhìn xuống. Mặc dù phải cầm súng, ông lúc nào cũng nghĩ đến thanh bình, mặc dù tù tội lúc nào ông cũng nghĩ đến những niềm vui bé mọn.
 
Đã mấy năm nay quằn quại đói
Thèm ăn như đứa trẻ con nghèo
Mẹ ơi con nhớ thời thơ dại
Nhớ miếng ăn mà mẹ chắt chiu
 
Sở hữu một hiện thực giàu có, những chất liệu ít ai có được, gốc rễ của thơ Tô Thùy Yên vẫn là trí tưởng tượng, tức hoạt động tâm trí, chính nó mang lại cho hiện thực mùi vị, màu sắc, hình dạng, đường nét, tính thiêng liêng. Chính hiện thực mang lại vẻ đẹp của ngôn ngữ trong thơ Tô Thùy Yên, nhưng ngôn ngữ ấy lại sáng tạo ra một hiện thực khác, ý thức, linh động, tàn khốc nhưng thấm tình người. Thơ ông ít có những nhân vật ngoại trừ tác giả, đôi khi dùng ngôi thứ hai, em, bạn, nhưng đó là nhân vật tưởng tượng. Tôi nghĩ rằng Tô Thùy Yên chịu ảnh hưởng của các nhà thơ đi trước ông, nhưng giữ một khoảng cách với họ, vượt qua họ: ông tiến gần hơn tới người đọc, sống cùng thời, người đọc nhờ thế nhìn thấy ở nhà thơ những sung sướng và đau khổ của chính mình.
 
Ta làm lại cả tâm hồn ta
 
Tư duy thơ Tô Thùy Yên là tư duy trữ tình siêu hình.
Nghệ thuật thơ Tô Thùy Yên là nghệ thuật của câu thơ, nghệ thuật của chữ.
Chữ là đơn vị nhỏ nhất của nghĩa.
Câu thơ là đặc tính quan trọng của tất cả các thể loại, bảy chữ, tám chữ, lục bát, hay tự do. Không có một ràng buộc nào, ngoại trừ các vần cuối tối thiểu phải tuân theo, khi tác giả chấm dứt một câu thơ, khi qua dòng, khi dừng lại ở giữa và chuyển một câu ngữ pháp. Đọc một bài thơ bạn không bao giờ đọc một lần. Hầu hết chúng đều cần thời gian để thẩm thấu, để giai điệu của chúng ngân lên, tiếng nói của nhà thơ vọng lại được lắng nghe. Tất cả những nghệ thuật khác đều thế, đừng tin vào lần đầu tiên. Như trong tình yêu, bạn cần thời gian để nhìn thấy vẻ đẹp và lòng tốt: cả hai. Nghệ thuật thơ ca là một nghệ thuật có ý thức: không một nhà thơ nào không rèn luyện tay nghề. Tác dụng nghệ thuật của thơ Tô Thùy Yên nằm ở sự tương tác không những giữa các chữ mà còn giữa các câu thơ, không những giữa các câu thơ mà giữa các câu văn phạm, không những giữa các câu văn phạm mà còn giữa các câu văn phạm và các câu thơ. Câu thơ là nhạc điệu, câu văn phạm là ý nghĩa. Tô Thùy Yên chăm chút đến chữ, yêu chúng, rèn luyện chúng, chọn lọc, tung hứng, dàn trải, nén chặt, tuy vậy là một nhà thơ bậc thầy, từ sớm ông đã cảnh giác các nhà thơ về các “tĩnh từ”.
 
Tôi đập nát những tĩnh từ sầu nhớ tiếc thương
 
Trong khi ông lại sử dụng rất điêu luyện các tĩnh từ và trạng từ.
 
Anh đi giữa trảng tranh
Ràn rạt gió lúa
Hư rỗng tênh toang
Bốn phía rừng xa trải mịt mịt
 
Vẻ đẹp của thơ Tô Thùy Yên nằm trong nhiều yếu tố, chúng hòa hợp với nhau, khó phân biệt: tư tưởng, nhận thức, chữ dùng, nhịp điệu, thể loại, hình ảnh. Từ đó những con đường tư duy thơ của ông có thể kéo dài mãi. Có những quy luật chung cho sáng tạo, có những lời khuyên và những thói quen cần từ bỏ. Thơ Tô Thùy Yên cũng vậy, có những bài hay hơn và những bài kém hơn, có những giai đoạn mà tài năng chưa chín tới, có giai đoạn ngọn lửa sáng tạo cháy bùng lên cao nhất và có lúc chúng cũng lụi tàn. Tài năng dùng chữ ở Tô Thùy Yên là vào bậc nhất trong ngôn ngữ Việt, sự quan sát tinh tế, khả năng nhìn thấy chân dung thơ mộng của sự vật, tính triết lý. Sự làm chủ thể thơ bảy chữ, khai thác đến cùng năng lượng của thể thơ ấy mà vẫn để ngỏ những kẽ hở, khả năng biến động. Trong khi nhà thơ quan sát thiên nhiên, ông cũng nhìn thấy chính mình, những xúc động của mình, nhìn thấy trái tim mình như từ một người khác, từ tạo vật, khả năng vừa là ta vừa tách rời khỏi cái ta, trong thời gian, trong thương nhớ.
 
Ô, những nhà ga rất cổ xưa
Dường như ta đã thấy bao giờ
Đến nay, người giữ ga còn đứng
Đèn bão đong đưa chút sáng mờ
 
Con người trong thế giới hôm nay dù chiến tranh đã chấm dứt ngày càng trở nên hỗn loạn, hời hợt, ích kỷ, lo âu. Con người hiện đại- hậu hiện đại sống thất lạc, bơ vơ không tìm thấy không gian của mình. Thơ Tô Thùy Yên quan tâm đến không gian và thời gian. Không gian trong thơ không những chỉ là những mô tả hiện thực mà còn là các hình ảnh, ẩn dụ, nhân vật. Không gian nghệ thuật không hiện hữu một mình, các hành động của nhân vật làm đầy không gian ấy. Trong thơ Tô Thùy Yên, không gian được nhân cách hóa. Nếu trong văn chương hiện thực, không gian nghệ thuật có tính chất tả chân, thì thời kỳ tiền chiến không gian ấy riêng tư. Không gian trong chủ nghĩa hậu hiện đại có tính bất định, mù mờ như mê đạo. Không gian trong thơ Tô Thùy Yên cũng bất định, nhưng vì nó phản ánh một đời sống hỗn loạn thực sự, một đời sống bất thường trong chiến tranh và hậu chiến, nên sự mê loạn ấy không phải chỉ là một tình trạng tâm lý.
 
Chiều mập mờ xiêu lạc dáng cò
 
Thời gian được kể lại khác với thời gian mô tả. Thời gian được kể lại đôi khi chỉ ngắn trong một ngày, nhưng thời gian mô tả có thể kéo dài hàng trăm trang, như trong tiểu thuyết “Một ngày trong đời Ivan Denisovich”.
 
Ta gọi thời gian sau cánh cửa
 
Thời gian trở thành nhân vật, người vợ hiền, người yêu dấu cũ. Đó là một thời gian kỳ ảo, gần siêu thực.
Thơ làm biến đổi nhận thức và ngôn ngữ. Thực ra tiếng Việt không cho phép sinh ra các chữ hoàn toàn mới theo nghĩa đen, như trong một số ngôn ngữ khác; mới ở đây là ở việc kết hợp của chúng, các từ lấp láy, sự trùng điệp, sự di chuyển vị trí, cách tập hợp lại. Trong thể thơ tự do, vì không gian quá rộng, các câu thơ dài ngắn khác nhau tùy ý, nên nhu cầu làm ra chữ mới không lớn. Vả lại thơ tự do gần với văn xuôi, nên việc giữ nguyên cách dùng thô của các chữ nhiều khi cần thiết: các nhà thơ có tài đều biết rằng trong thơ tự do họ không nên “đụng tay đụng chân” vào các chữ nhiều quá. Thực ra trong thơ có vần, bên trong vẫn cho phép những biến đổi tinh tế.
 
Ra đi như một bình minh lạ
Nhịp 4 3.
 
Bạn có nghe, này bạn có nghe
Nhịp 3 4.
 
Thân dại, áo trầm, trổ gió thóc
Nhịp 2 2 3.
 
Tám chữ, năm câu:

Biển ve lặng. Cây sững sờ một lúc
Mắt người sâu vời vợi ấm hơi chiều
Thời tiết chuyển chuồn chuồn bay xuống thấp
Lửa hiu hiu. Gió cố sự tràn buồn
Ô, có tiếng cành khô nào gãy đổ
 
Tô Thùy Yên dùng nhiều từ lấp láy, mà lúc nào cũng đắt, chữ nào cũng đáng nhớ, đọc lên lạ mà đúng là tiếng Việt, đúng cảnh sắc ấy, tâm tình ấy, bạn phải nói thế thì mới hợp: Quấn quíu, cuống quít, lèm bèm, phất phơ, ha hả, mê mỏi, trợn trừng, vời vợi, kẽo kẹt, lao xao, mòn mỏi, van vỉ, xúng xính, u uất, dập dìu.
Dùng các chữ lặp lại, trùng điệp: chiều chiều, lớp lớp, trôi trôi.
Chiều xa cừ trôi trôi nắng tàn
 
Dùng kết hợp ba từ hoặc nhóm từ, trong đó thường là một động từ đi với một trạng từ hoặc tĩnh từ:

Gai góc loạn, già thâm u, trẻ bất tử, chim giục giã, chia lìa miết, cửa não nề, gỗ đá ê, nối lau nhau, đất bạc phước, trời đảo lật, bưng mặt ngẩt, giấc hoành môn, yểm cổ mộ, nén nhang tàn, há ta thán, khóc liệt rền, im tĩnh diệt, mây vô sự, ngậm ngùi thân, hằng hà sa số kiếp, chia lìa miết, tạo khê thức.
 
Đây là phương pháp kết hợp chữ của các thành ngữ trong tiếng Việt: trời bắt tội, yểm cổ mộ, đất bạc phước.
 
Nhà thơ dùng các chữ miền Nam: xí xóa, chia lìa miết, điệu hát vui, không có chi, ta lại trồi lên dương thế rộn, lửa hiu hiu, thảng như con ngựa già vô dụng, thấy đá nổi lau nhau, trời bắt tội, mà trong vô hạn có chi đâu, lời nào rốt nghĩa đời.
 
Ngôn ngữ sang trọng và đài các một phần vì ông sử dụng nhiều từ Hán Việt vốn không xa lạ trong thơ trung đại. Trong khi sử dụng các từ trang trọng thì nhà thơ lại rất tự nhiên chuyển sang một thứ tiếng Việt bình dân:
 
Đã hết đâu. Còn đứa bé hoang đường
Khoát gọi em bỏ ngũ, lẻn nhà đi
Lèm bèm ú ớ chuyện nhân gian
Mắt trợn trừng chưa dứt ngạc nhiên
 
Trong thơ, ông dùng nhiều các lời ta thán, dấu chấm than, các hư từ:
 
Ôi! Lũ cây gầy ven bãi sụp
Trường Sa! Trường Sa! Đảo chuyếnh choáng
 
Những câu hỏi:
 
Tên đóa hoa này, ngươi nhớ chăng?
Để làm gì ý thức?
Về tới chưa, người qua ải tây?
 
Tô Thùy Yên thường đảo lối nói thông thường, đưa tĩnh từ lên trước danh từ, như trong tiếng Anh, chẳng hạn:
 
Dưới xum xuê hoang phế xanh rờn?
Trong khi chúng ta nói: dưới hoang phế xanh rờn xum xuê.
Cũng vậy, đảo nguyên thứ tự trước sau của mệnh đề:
Ở bìa rừng bên, gió sửa soạn
Thay vì: gió sửa soạn ở bìa rừng bên.
 
Trong một câu thơ của ông thường có nhiều hơn một câu văn phạm hoặc ít hơn một câu văn phạm; chẻ đôi câu thơ hoặc nhân đôi nó lên:
 
Biệt xứ ra đi, trời bắt tội
Giũ bụi lông, cất khảm tiếng gào
Thơ rất thoáng, khi cần thì reo vui, nhảy nhót, hồn nhiên:
Còn đợi cây mưa lớn bất thần
Ấu thơ, mừng nhá, chạy la rân
Đá bong bóng nước, con vui vỡ
Mưa tạnh, ngồi nghe tuổi hạ tàn
 
Cây mưa, con vui, hạ tàn, những chữ mới. Mừng nhá, la rân là tiếng trẻ con. Từ vựng phong phú, kết hợp cả Nam Trung Bắc. Không phải chỉ là bản thân các chữ hay sự kết hợp của chúng, mà còn là việc sử dụng các chữ ấy:
 
Ðêm tối êm ru lời thủ thỉ
Bên hè có tiếng dế ca ran
Vầng trăng ta thấy thời thơ ấu
Mọc lại cho ta thuở xế tàn
 
Những chữ thủ thỉ, ca ran làm cho câu thơ trở nên thân mật trong khi chữ xế tàn bay bướm hơn. Chữ dùng biến hóa không câu nệ, như thể gặp là dùng ngay mà vẫn đạt ý:
 
Tưởng tượng ta về nơi bản trạch
Về luôn như một tiếng kêu khơi
 
Chữ về luôn thật hay. Tất nhiên cũng có những cố gắng để mở đường của tác giả, lộ ra một cách rõ ràng hơn những chữ khác:
 
Các mùa chuyển động trong trời trống
Di điểu qua sông xẻ luống sầu
 
Hai câu thơ này không thể tự nhiên mà có được, tôi tin rằng tác giả đã phải di động các chữ, các ý, các hình tượng sao cho chỉ trong mười bốn chữ nói được cái chuyển động của thời tiết. Hai câu tiếp theo của khổ thơ, ý tưởng được nâng lên lần nữa, tưởng như bao quát khắp, đằm đằm, rưng rưng:
 
Ly biệt chẳng từ hạt cát ngọc
Tuần hoàn đến cả giọt sương châu
 
Đây là phép đối. Ly biệt đối với tuần hoàncát ngọc đối với sương châu. Các phép tu từ, cách chọn chữ cẩn trọng. Nhưng trong thơ còn có những bí ẩn khác, những huyền thoại, những vòng kết nối bên ngoài sự quan sát, trí tưởng tượng. Khi bạn đọc một bài thơ, ấn tượng âm học và thị giác đầu tiên là câu thơ, sau đó là câu ngữ pháp, sau đó là các đơn vị tu từ học. Theo thứ tự như vậy.
 
Điều đặc biệt là cùng một câu của Tô Thùy Yên, khi thì chúng là lời cảnh báo khi chia sẻ ngọt ngào, khi gào thét. Giọng của chúng thay đổi, nhờ một trường từ ngữ đặc biệt giàu có, mang chứa những khả năng diễn dịch gần như bất tận.
 
Áo phơi xanh phới nhánh đào hồng

Chữ phơi phới chẻ đôi, bay lên, như lời từ biệt. Tô Thùy Yên cũng dùng các vần nội tại:

Giữa cánh đồng không, bên kia sông
 
Và các vần phụ âm đầu:
 
Hừng đông hùng vĩ và thanh thản
Sương hứa nguyên ngày nắng rực say
 
Trong hai câu có ba chữ h, ba chữ n, hai chữ t, hai chữ s đi gần nhau, hoặc chiếu vào nhau như sương và say, là các phụ âm đầu. Nhiều khi nhà thơ sẵn sàng bỏ qua phép tu từ quen thuộc, viết thẳng một mạch, câu thơ như văn xuôi mà ngút hương thời gian:
 
Những thành phố mà ta không ghé lại
Biết đâu chẳng có một con đường
Mà ta bồi hồi đi lại suốt đời ta
 
Thơ nói rõ ý, thế mà khi buông xuống mặt bàn hiện thực chúng nẩy lên, biến hóa: bài thơ trở lên lớn hơn chính nó. Tô Thùy Yên là người của các hình ảnh, khả năng cảm nhận của ông rất mạnh. Nếu mỗi câu thơ có một số chữ xác định, có những vần bắt buộc, thì câu thơ sẽ di động về phía trước theo hướng mà nhà thơ nhất thiết phải đoán được. Một câu thơ có thể đi chậm lại, đi nhanh hơn, có thể thư thả, có thể gay gắt.
 
Ở đâu mộng ảo vườn sao tụ
Yến tiệc bầy trong những khóm cây
 
Tôi không thể không nhớ đến Quang Dũng:
 
Thoáng hiện em về trong đáy cốc
Nói cười như chuyện một đêm mơ
 
Đó là sự thương nhớ đối với một xã hội diễm lệ. Nhưng ở chỗ dừng của Tô Thùy Yên, xúc cảm cần phải đi xa hơn nữa, tiếp tục cái phương của nó, vì vậy mà:
 
Mà thôi, hãy nuốt lệ còn nghẹn
Tỉnh thức, lòng ơi, nhìn tận tường
Thời đại đang đi từng mảng lớn
 
Sự tỉnh thức đầy nhạc tính: đó là ý thức Tô Thùy Yên. Đó là một lợi thế của thơ có vần, nhưng lợi thế ấy kèm theo khuyết điểm: thơ có vần dễ rơi vào sáo rỗng, lặp lại. Thơ Tô Thùy Yên khuôn phép như thơ Đường mà vẫn mới vì mang tinh thần thời đại mới. Bạn có thể đọc to lên các ký ức của mình, các ý tưởng, cảm xúc, đọc to lên giọt lệ của mình. Thế giới ngày càng phát triển, con người ngày càng lệ thuộc vào công nghệ, thì chúng ta càng ao ước những cảm giác giác quan. Thơ ông tạo ra một thế giới khác đầy cảm giác, được sắp xếp sao cho đó chính là thế giới của chúng ta nhưng ngày ngày biến đổi, làm cho bạn vừa muốn đứng ở đó, thở ở đó, bỏ đi và quay lại, thì đã khác, chữ, ảnh, giọng nói, người. Tô Thùy Yên dùng các tiếng văn nói.
 
Ta tiếc dài sao đã đến đây        
 
Những chữ địa phương tạo ra thú vui riêng của những người dùng chung một phương ngữ, như một thứ định dạng, căn cước, đồng bọn, và thêm nữa như sự pha trộn đa sắc lên tấm vải dệt tự tình dân tộc. Tính dân gian bổ sung vào tính sang cả trong thơ Tô Thùy Yên, làm cho chất hài hước vốn không có nhiều trong thơ ông, sẽ được bù đắp. Những câu thơ có chữ bình dân đặc biệt như vậy rải rác nhiều ở Tô Thùy Yên, như nốt nhạc lạ trong bản giao hưởng.
 
Cùng mê say một con đĩ thập thành
 
Đó là ông nói về chiến tranh và các lý tưởng mê lầm. Thơ Tô Thùy Yên nhịp độ nhanh, tiến độ trong bài thơ càng lúc càng tăng, các chữ va vào nhau, cọ xát, vang lên, vui thú. Giọng điệu là một trong những yếu tố quan trọng. Bạn trò chuyện với một đứa bé con khác với cách bạn trò chuyện với một giáo sư. Tiếng Việt là ngôn ngữ giàu có, cả về số lượng các từ ngữ lẫn chọn lựa.
 
Tiếc ta chẳng được bao nhiêu lệ
Lệ hay nước mắt là một chọn lựa.
 
Mầm cỏ ngoi ngoi lên rạo rực

Ngoi ngoi và rạo rực là những chọn lựa khác. Như vậy các tĩnh từ, trạng từ có nhiều biến đổi trong thơ Tô Thùy Yên, chúng làm phong phú hóa các sự vật. Giọng của Tô Thùy Yên di chuyển liên tục từ thấp đến trung bình đến cao và trở lại.
 
Giọng trung bình để mô tả các sự kiện một cách khách quan:
Vốn học hành dang dở nên ra đứng bờ cuộc đời ngó xuống hư vô
 
Giọng thấp để tâm tình riêng tư:
Con đường đáo nhậm xa như nhớ
 
Giọng cao bi tráng, hào sảng:
Trường Sa! Trường Sa! Đảo chếnh choáng
 
Tô Thùy Yên đặc biệt hay nhắc đến bài ca trong thơ ông. Bài ca của chính ông hay của nhân vật. Của vũ trụ:
 
Bạn có nghe, này bạn có nghe
Trên đỉnh non nhòa, mây xôn xao
 
Đôi khi ông cụt ngủn, hài hước, ngạo nghễ:
 
Đầu tôi cứng và trơn
Thượng đế làm sao ngự
 
Người nói trong thơ Tô Thùy Yên không phải một người duy nhất, mà tập hợp nhiều thái độ ngôn ngữ. Quan niệm này được gọi là quan niệm collage, trong phê bình. Tư tưởng của chúng ta được thể hiện và được tác động bởi ngôn ngữ, đời sống bên trong của chúng ta là một tập hợp nhiều tiếng nói, không phải một tiếng đơn độc. Trong Chiều trên phá tam giang có cuộc trò chuyện tưởng tượng giữa người lính và đối phương, câu chuyện giữa người lính ấy với người yêu của anh ở Sài Gòn, hai câu chuyện là hai khuôn mặt của chiến tranh. Hầu hết trong thơ ông, người nói là ta.
 
Lũ chúng ta lạc loài dăm bảy đứa
                     (Vũ Hoàng Chương)
Ta này là chúng ta.
 
Ta về một bóng trên đường lớn
Ta này là số ít, là tôi, nhưng không chỉ là tôi.
 
Khác với:
Tôi về một bóng trên đường lớn
 
Trong bài thơ câu chuyện là một mạch chảy bên dưới, đôi khi cần đến trí tưởng tượng của người đọc, không lộ hẳn ra trên văn bản, bạn chỉ có thể hình dung thấy. Các phê bình hậu hiện đại khuyến khích lối làm thơ phóng túng, mặc cho độc giả quyền tự do lựa chọn. Tô Thùy Yên giỏi tiếng Pháp, chữ Hán, đọc nhiều sách, vì vậy chữ của ông giàu có, ẩn mật. Chúng ta sử dụng một ngôn ngữ giao tiếp, gọi là ngôn ngữ tham chiếu, ở đó âm thanh của mỗi chữ biểu hiện ý nghĩa của nó, khiến người dùng hiện nay quên mất sự xuất hiện ban đầu, sự vui thú của âm thanh lần đầu xuất hiện. Nhưng còn một loại ngôn ngữ khác, ngôn ngữ thơ ca. Ngôn ngữ thơ ca không đứng yên, mà vận động, khó tiên đoán. Tiếng nói của thơ Tô Thùy Yên là định mệnh của một cá nhân nhưng cũng là của đất nước. Khi có bi kịch, khuôn mặt định mệnh ấy liền xuất hiện trong ngôn ngữ.
 
Ví dầu ngươi bắn rụng ta
Như tiếng thét phá hư không bặt im
Truyện cũng thành vô nghĩa
Ví dầu ngươi có chết vì bom đạn bất dung
Thi thể chẳng ai thân nào có chi đáng kể
Ví dầu các chuyện ngươi làm, các chuyện ta làm
Có cùng gom góp lại mặt đất này thay đổi được bao nhiêu?
 
Những suy tư về đất nước trở thành nỗi ám ảnh trong thơ Tô Thùy Yên, trở thành xung đột nội tâm. Trong thơ, xung đột là lực đẩy. Mặc dù là thơ trữ tình, tác giả cũng là nhân vật, nhưng sự xuất hiện của tác giả trong bài thơ rất mạnh mẽ, cái nhìn của nhân vật tác giả rõ ràng từ một góc nhìn mạch lạc, cắt rõ hình khối.
 
Ta ngắm gốc cây nứt nở vỏ
Gốc cây to đến mấy người ôm
Nghĩ tới bao điều thầm lặng lớn
Trí ta không đủ lực đo lường
 
Hình ảnh cái cây, vòng tay ôm không xuể, hình ảnh nhân vật tác giả đứng trước cái cây nứt nở vỏ, ta thấy cái mênh mông của trời đất nhưng cũng thấy cái lớn lao của một con người đơn lẻ. Tô Thùy Yên không sử dụng một số thủ pháp như phép đối xứng giữa hai câu hay trong nội bộ một câu, vì vậy trong nhiều đoạn câu thơ tự nhiên như buột miệng nói ra:
 
Bãi lân tinh thức âm u sáng
Ta thấy đầu ta cũng sáng trưng.
 
Nhịp bảy chữ của Tô Thùy Yên thường là nhịp 4 3, đôi khi cũng có những nhịp khác như 232, 34, 223, 43:
 
Ta ngồi cho đến khi trời trắng
Đồng ruộng xanh đông đúc tiếng cười
Ta rảo quanh làng hóng chuyện phiếm
Đời người cũng chuyện phiếm mà thôi
 
Những biến đổi trong nhịp điệu như vậy là để thích hợp với các ý tưởng. Sự đổi nhịp xảy ra nhanh. Chúng ta ít thấy thơ tám chữ ở Tô Thùy Yên, cũng ít thấy sự kết hợp giữa câu bảy chữ và câu tám chữ như sau đây:
 
Đầu tiên ta đã kể về im lặng
Dưới vòm trời, dưới mái tóc ta
Ôi lại vẫn chiều lao xao cuống quít
Trên khắp cùng bờ bãi nhân gian
 
Bài thơ phóng túng, bắt nhịp với những ý tưởng mới mẻ, viết năm 1972. Tô Thùy Yên cũng ít sử dụng các vần lưng giữa các câu, trừ những vần cuối bắt buộc ở câu 2 câu 4. Nhưng thơ càng ít vần thì các chữ càng tự do chuyển động, nhịp thay đổi, dứt khoát. Tuy không sử dụng phép đối, các khổ thơ bốn câu của ông khá cân xứng. Cân xứng nhưng không nhàm chán. Thơ bảy chữ, sau một thời kỳ dịu dàng, tình tứ, đẹp, đã nâng tiếng Việt lên đến đỉnh cao, với Huy Cận, Xuân Diệu, Quang Dũng, Đinh Hùng, tưởng không còn viết hay hơn được nữa, cuối cùng đã gặp Tô Thùy Yên. Làm mới, làm khác một thể thơ cũ không chỉ là vấn đề hình thức hay nghệ thuật mà còn là tư tưởng. Chính ở đỉnh cao Tô Thùy Yên mà suy nghĩ thơ đạt tới kích thước mới của ý thức soi rọi cuộc chiến tranh, nhìn rõ bản chất ý thức hệ, nhờ tầm cao mới mà có thể thấu suốt định mệnh Việt Nam. Tô Thùy Yên không khai sáng một thể thơ, ông chỉ có công làm cho nó trở nên hữu dụng hơn mà thôi.
 
Người ta thường nói đến Huy Cận với cảm xúc không gian và vũ trụ.
 
Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước song song
 
Không gian của Huy Cận là một không gian thời bình, bát ngát nhưng vững vàng, tin cậy, song song, chỉ đến Tô Thùy Yên, thời đại chao đảo, hỗn loạn, thân phận con người liền bộc lộ rõ trong mênh mang trời đất. Ý thức về không gian và vũ trụ của Tô Thùy Yên mạnh mẽ, dữ dội hơn, không chỉ buồn mà buồn hỗn loạn, không chỉ đi xa mà còn tới cặn kẽ nguồn cơn.
 
Trong làn nước vịnh xanh lơ mộng
Những cụm rong óng ả bập bềnh
Như những tầng buồn lay động mãi
Dưới hồn ta tịch mịch long lanh
 
Nỗi buồn che giấu đằng sau nó tình yêu đối với cuộc sống, nỗi khát khao mãnh liệt, niềm hy vọng dâng hiến. Hàn Mặc Tử ngày trước dù đã lên đến tuyệt đỉnh của say mê vẫn còn sự điên đảo thuần túy của tâm hồn thanh cao:
 
Phượng hoàng bay trong một tối trăng sao
Mà ánh sáng không còn khiêm nhượng nữa
Đương cầu xin, ọc thơ ra dường sửa
Ta ngất đi trong khói lạc của hồn đau
 
Tô Thùy Yên không thể có những quay đảo điên cuồng như Hàn Mặc Tử, không thể sảng khoái vô tư như thế, ông sống gần với mặt đất hơn, triết học của ông gần với cát bụi lo âu cuộc đời.
 
Ta nói với từng tinh tú một
Hằng đêm tất cả chuyện trong lòng
 
Những nhà thơ thời trước dùng phép đối xứng dày đặc, các chữ được cô đọng lại, làm ý nghĩa trở nên sắc bén, chiếu sáng từ những khía cạnh khác. Phương pháp tu từ như vậy, mãnh liệt, hiệu quả, ngân nga, nhưng ít tự nhiên. Ví dụ một đoạn song thất lục bát Chinh Phụ Ngâm, học sinh thời trước phải học thuộc, đối xứng, cô đọng chữ:
 
Hơi gió lạnh, người rầu mặt dạn
Dòng nước sâu, ngựa nản chân bon
Ôm yên gối trống đã chồn
Nằm vùng cát trắng, ngủ cồn rêu xanh
 
Các chữ lạnh, sâu, rầu, chồn, cồn là các chữ mạnh, được phân bố đều trong bốn câu làm cho hình ảnh chen chúc nhau, hơi thơ dồn dập. Thoạt đầu, Tô Thùy Yên cũng viết khó như thế:
 
Ngọn đèn hư ảo chong linh vị
Thắp trắng thời gian mái tóc em
Tim đập duỗi ngoài thân nỗi lạnh
Hồn xa con đóm lạc sâu đêm    
 
Cách dùng chữ của ông càng về sau càng phóng khoáng, điệu thơ (mode) trở lên thong thả, chữ được ông làm mới lại nhưng không theo cách cũ mà dựa vào những phương pháp mới.
 
So sánh mới:

Tàu đi như một cơn điên đảo
 
Nhân cách hóa:

Sắt thép kinh hoàng va đập nhau
 
Cuối cùng tất cả chuyến tàu trên đó có tác giả:

Xô đi ầm ĩ một cơn đau
 
Trong trường hợp này, quan hệ giữa hình ảnh và sự vật được gọi là phép ẩn dụ. Phép ẩn dụ rất quan trọng trong việc nâng cao ý nghĩa của các chữ. Phép đảo ngữ đưa động từ “xô đi” lên trước làm cho người đọc hình dung thấy hành động trước khi thấy hình ảnh chuyến tàu, dữ dội. Số phận của con người cá nhân và số phận của đất nước, không ở đâu bằng ở Việt Nam, chúng tác động lên nhau đến thế, có thể gọi bằng một chữ: định mệnh. Cảm hứng nghệ thuật đến từ đâu? Đến từ thời đại mình đang sống. Đến từ sự cần thiết của nền nghệ thuật ấy. Thơ bảy chữ và tám chữ cần một ngôn ngữ trí thức, sang trọng đôi khi đài các, cần sự bố trí cân đối của các chữ, một âm điệu dịu dàng cân bằng và đôi khi phép đối trong các câu.
 
Bầy ngựa chứng hàng thùy dương vó bão
Biển đưa trăng lăn vào đá tiếng ru        

Thơ có mấy lối hiệp vần: chữ cuối của câu 1, câu 2, câu 4, hay chữ cuối của câu 2 và câu 4. Một bài thơ bao giờ cũng được đọc trong bối cảnh tạo ra bởi các bài thơ khác, của cùng một tác giả, hay của các tác giả khác, đi trước nhưng cũng có thể đi sau họ. Khi đọc những bài thơ bảy chữ tám chữ của Tô Thùy Yên, tôi cũng nghĩ đến thể loại và các nhà thơ khác, cách viết khác.
 
Em đến hôm nào như hoa bay
Tình không độc dược mà đắng cay
Mùa thu tàn nhẫn từ đôi mắt
Mùi hương sát nhân từ ngón tay
 
Vần ba câu một, hai, bốn làm cho nhịp thơ Đinh Hùng mềm mại, tuôn chảy trong khi vần câu hai và bốn làm cho khổ thơ mạnh mẽ, gan góc, ngay cả lúc tâm tình. Không một nhà thơ nào đã dùng chữ ta nhiều như Tô Thùy Yên. Đó là tiếng độc đáo, một đại danh từ di chuyển, khi hào sảng khi tần ngần. Đó là một cái tôi huyễn hoặc, chực hòa vào cái ta của vũ trụ. Dùng chữ ta, Tô Thùy Yên có lợi thế về âm điệu, về vần.
 
Tưởng tượng ta về nơi bản trạch
Là rồi mọi chuyện kể như xong
Mùa hè cọ xát điên kim loại
Con quạ kêu ran giữa khoảng không
 
Bao giờ tôi cũng nhớ đến hình ảnh này, nghe được tiếng kêu của mùa hè, mà là tiếng kêu kim loại, như sắt thép va vào nhau, như tiếng xẻng cuốc trên đại lộ, tiếng mái tôn đập trong gió ngày chiến tranh, tôi nhìn thấy hình ảnh một con quạ, không phải con quạ mùa thu trên cành trong thơ của Basho mà là con quạ chết giữa ngày bão lửa.
 
Tàu chuối xác xơ reo ngất ngất
Nỗi đời bi thiết xé lưa tưa
 
Nhịp điệu bảy chữ trong thơ Tô Thùy Yên đã khác, hình ảnh trong thơ ông càng lạ. Nếu việc sử dụng chữ trong thơ thường là một họat động có tính ý thức, thì các hình ảnh có động cơ vô thức nhiều hơn, mang tính ngẫu hứng, gần với thi tính, vì vậy theo tôi hình ảnh trong thơ là quan trọng bậc nhất. Chúng như những bông hoa đẹp của mùa.
 
Hoa cúc mở toang những cánh cửa vàng
 
Có nhiều phương pháp hình ảnh nhưng những phương pháp căn bản nhất là so sánh (simile) và ẩn dụ (metaphor), cả hai đều là so sánh. Bên cạnh ấy còn phép biểu tượng, nhân cách hóa, hoán dụ. Cả so sánh và ẩn dụ đều muốn nói với bạn rằng một vật này giống một vật khác, mặc dù chúng không đồng nhất. Tô Thùy Yên cũng như nhiều nhà thơ tài năng sử dụng ẩn dụ rất nhiều trong thơ và sử dụng một cách đặc sắc. Ẩn dụ là sự so sánh bất ngờ hai vật khác nhau, xa nhau, chúng chỉ giống nhau về một khía cạnh.
 
Ngựa thở hào hển thở hào hển
Tàu chạy mau vẫn mau vẫn mau
 
Ngựa là thiên nhiên, là con người nguyên thủy, tàu là đời sống công nghiệp, xã hội kỹ thuật.
 
Con đường đáo nhậm xa như nhớ
Chiều mập mờ xiêu lạc dáng cò
 
Câu thứ nhất dùng phép so sánh đơn giản, câu thứ hai dùng phép ẩn dụ. Nhưng cả hai đều tinh tế, con đường thì dài xa như nỗi nhớ, dáng của người lính tới nhiệm sở xô nghiêng trong trời hoàng hôn như dáng cò. Trong một hình ảnh khác, người lính xuất hiện cách khác:
 
Dựng súng trường cởi nón sắt
Đơn vị dừng quân trọn buổi chiều
Trọn buổi chiều, ta nhậu nhẹt
 
Chữ mạnh, ngắn, nỗi buồn như chực trào mà khốc liệt. Súng trường nón sắt là hình ảnh tiêu biểu của chiến tranh. Giữa tất cả những xoáy lốc của đời, tiếng súng đạn rền vang, chuyến tàu sắt thép trong đêm tối, giữa máu và nước mắt, giữa tình yêu và nỗi nhớ, Tô Thùy Yên dẫn chúng ta về một hình ảnh mà ai cũng từng có, chữ của ông giản dị như văn nói.
 
Ngồi đây nền cũ nhà hương hỏa
Đọc lại bài thơ thuở thiếu thời
 
Những nhà thơ tài năng làm mới tiếng Việt bằng cách này: họ viết một thứ chữ mà chúng ta đều biết, thậm chí quá quen thuộc, nhưng họ lại viết chúng ra như thể lần đầu tiên phát minh ra chúng vậy.
 
Ta ngó thấy thùy dương gãy rũ
Từng cây như nỗi bất an già
 
Bất an và già là những chữ thông dụng, nhưng khi chúng kết hợp với nhau liền tạo ra nghĩa mới, liên tưởng mới.
 
Ôi có hừng đông nào chẳng làm ta muốn khóc?
Một ngày nữa xuống với đời ta
 
Những phẩm chất mà chúng ta thán phục ở người khác bao giờ cũng là những phẩm chất tiềm ẩn trong chúng ta.
 
Cũng vậy, những hình ảnh trong thơ Tô Thùy Yên bao giờ cũng có cánh cửa mở dẫn tới thế giới thực tại. Một ẩn dụ thành công có tính hợp lý, chính xác, nhưng đồng thời bất ngờ ở đường biên của các sự vật, chạm vào cõi vô thức của người đọc. Những ẩn dụ đẹp nhất trong thơ Tô Thùy Yên khơi mở vô thức, nơi cất giữ ký ức, trí tưởng tượng, giấc mơ.
 
Ta về như tứ thơ xiêu tán
Trong cõi hoang đường trắng lãng quên
Nhà cũ mừng còn nguyên mái vách
Nhện giăng khói ám mối xông nền
 
Tứ thơ xiêu tán thành một con người, không phải chỉ là một ý tưởng mà là một hình ảnh, không chỉ là một hình ảnh mà còn là một nhân vật, kẻ đi lạc. Trong bài thơ Ta Về dài 124 câu, những khổ thơ bốn câu viết theo thể bảy chữ, như trường ca, chúng ta liên tiếp gặp những hình ảnh đặc sắc. Có khi tác giả dừng lại ở quán dốc hơi thu rồi hoá thành sợi tơ trời trắng, người về khai giải bùa thiêng yểm, người về gõ lên cánh cửa thời gian, để gặp người yêu, đi tìm trong vườn cũ.
 
Cây bưởi xưa còn nhớ trắng hoa
Đêm chưa khuya lắm hỡi trăng tà
Tình xưa như tuổi già không ngủ
Bước chạm khua từng nỗi xót xa
 
Bằng những liên tưởng liên tiếp, những hình ảnh lớn, những ẩn dụ về cuộc đời, mười năm, sự trở lại, đứa con phung phá, đứa trẻ thời thơ ấu, đó là cuộc dạo chơi vô cùng tận trên đất nước hoang tàn. Ở những đoạn thơ tưởng như có thể lặp lại, nhà thơ dùng hình ảnh mới, lạ và đẹp, mỗi khổ thơ có một hình ảnh trung tâm. Các khổ thơ không lẫn vào nhau cũng vì chúng có những tình cảm riêng, cuộc đối thoại riêng của tác giả với một nhân vật nào đó, cây cỏ nào đó.
 
Bé ơi, này những vui buồn cũ
Hãy sống đương đầu với lãng quên
Con dế vẫn là con dế ấy
Hát rong bờ cỏ giọng thân quen
 
Thực ra giữa các khổ thơ Ta Về không có một mối liên hệ mắt xích chặt chẽ, thậm chí một số đoạn có thể đổi chỗ cho nhau, một số câu cũng vậy, tuy nhiên nhìn toàn bài sự phối hợp là hợp lý, cách tác giả phân bố các cảnh vật là tự nhiên, lời thơ lưu loát, hình ảnh cảm động, suy nghĩ sâu xa, như một cuộc dạo chơi trong trời đất mênh mông, sự kết hợp giữa cái lớn lao và cái tầm thường thi vị. Nhưng hình ảnh chỉ là một phần của bài thơ. Người đọc tìm đến với bài Ta Về không những qua hình ảnh mà còn qua nhận thức có nhạc tính. Chữ tác động qua trung gian trí óc, nhạc của thơ tác động lên toàn bộ cơ thể. Người đọc thơ tiếp nhận bài thơ bằng mắt, vì vậy các câu thơ phải gây ra hiệu ứng cùng một lúc ở nhiều giác quan, hình dạng chữ, tiếng đọc thầm, những kỷ niệm. Mỗi khi đi qua cổng trường học cũ, bạn nhớ câu này:
 
Anh yêu em bóng nhỏ đường dài
Đi lại thời con gái xa xôi
 
Trong khi hiệp vần, chữ thứ nhất mời gọi chữ thứ hai, tương hợp về âm thanh, hay đúng hơn phát hiện ra chữ thứ hai trong biển chữ, và khi chúng tìm được nhau, như những cặp đôi quấn quít lượng tử trong vật lý học hiện đại, chúng bắt đầu làm vang lên những nhịp điệu riêng, đôi khi vượt ngoài tầm kiểm soát của tác giả. Tất nhiên không phải chỉ có hai chữ, mà ba chữ, bốn chữ, như một gia đình anh em, đôi khi tự chúng đến, đôi khi nhà thơ phải đi tìm, phải nhặt lên như nhặt một sợi tóc. Thơ có vần vì vậy dựa hẳn vào sức mạnh của vần: tạo ra một giai điệu mới, một hình ảnh mới, một ý nghĩa mới.
 
Thơ tám chữ:
 
Một buổi trưa nắng vàng in trên tóc
Lùa chân mây về ở dưới chân trời
Bước vội vã một lần nghe gót ngọc
Giẫm trang đời lá rụng úa thu phai
                                     (Bùi Giáng)
 
Nhịp chậm, thong thả, tâm hồn thong dong, xã hội thanh bình. Trong khi thơ bảy chữ, nhanh, dồn dập, dữ dội:
 
Ta dậy khi gà truyền nhiễm gáy
Chân mây rách đỏ vết thương dài
 
Dòng thơ ấy có mối liên hệ mật thiết với thế sự, với lời cầu nguyện và những cảm xúc vũ trụ, với âm nhạc và bài hát. Nhạc tính của thơ là một thứ nhạc tính bên trong, bên dưới các dòng chữ. Tô Thùy Yên là sự giao thoa giữa cảm xúc và hiện tượng, giữa cõi nhìn thấy và siêu hình. Người lính, dù ở chiến tuyến nào, những kẻ rời bỏ hay những người bị bỏ rơi, bị ngược đãi, những người ấy hoàn toàn cần giây phút bình an nguôi ngoai. Hơn ai hết họ biết rằng im lặng là cần thiết, ký ức và lãng quên là cần thiết, trở lại với đời sống bình thường là cần thiết.
 
Ta về như hạc vàng thương nhớ
Một thuở trần gian bay lướt qua
 
Có những giai đoạn trong đời hay trong lịch sử đất nước, đời sống bộc lộ tính vô mục đích của nó. Chiến tranh nội chiến là vô mục đích, những đau khổ của con người là mù quáng, tính bạo động của các cuộc cách mạng là mù quáng. Thơ của Tô Thùy Yên là thơ của thời kỳ đen tối, thơ người làm chứng, là sợi dây nối kết tâm hồn của những người bị tổn thương, là sự chống lại sự hạ nhục con người. Thơ Tô Thùy Yên thuộc về truyền thống nào? Đó là một câu hỏi khó trả lời. Xuất hiện từ những năm 60, trong nhóm Sáng tạo, với nhiều bài thơ tự do được truyền tụng, trong đó có những bài khá vững vàng, như Cánh đồng Con ngựa Chuyến tàu, và những bài rõ ràng còn non tay hơn của người bắt đầu, lẽ ra Tô Thùy Yên thuộc về những người cách tân, nhưng càng về sau ông càng sử dụng, và sử dụng một cách tài năng, các thể thơ quy ước. “Chiều trên phá tam giang” hình như là một trong vài bài thơ tự do hiếm hoi, được phổ nhạc, nhưng nhờ ca khúc này của Trần Thiện Thanh, với giọng hát Thanh Lan và Nhật Trường, những năm bảy mươi, mà nhiều người biết đến thơ ông. Chiều trên phá Tam giang không hẳn chỉ là một bài thơ tình. Nó nói nhiều hơn về những ly tan: xa cách giữa người lính ngồi trên trực thăng và một thiếu nữ ở Sài Gòn, giữa họ là chiều dài đất nước, và sự ngăn cách của hai chiến tuyến. Cảnh sắc buồn nhưng đẹp, với câu mở đầu:
 
Chiếc trực thăng bay là mặt nước
Như cơn mộng nhanh
 
Một liên tưởng tuyệt mỹ. Ngồi trên trực thăng, có thể hứng đạn bất cứ lúc nào, tham dự trò chơi chiến tranh, tác giả nhìn thấy gì? Mặt đất không phải như một căn nhà nơi ta trở về, mà là nơi ẩn dấu những kẻ thù.
 
Ta ngó xuống nhà cửa tróc nóc
Từng ngôi như mặt đất đang gào
Vì sao ngươi tới đây?
 
Tác giả cũng nhìn thấy chính mình từ đôi mắt đối phương. Trong đôi mắt ấy, ta cũng chẳng ra gì:
 
Vì sao ta tới đây?
Lòng xót xa, thân xác mỏi mòn
Dưới mắt ngươi làm tên lính ngụy
 
Có lẽ đây là bài thơ duy nhất mà Tô Thùy Yên gọi đích danh hai phía chiến tranh. Bài thơ chia làm ba đoạn, đoạn một nói về phá Tam giang, cuộc đối thoại giữa hai đối phương, đoạn hai thực sự là một bài thơ tình, đoạn ba trở lại với phá Tam giang, là một độc thoại, ta nói với chính ta, những suy nghĩ sâu hơn về chiến tranh và số phận. Công việc của bài thơ này khó: vừa phải mô tả một địa danh cụ thể, vừa mở ra cuộc đối thoại với người lính bên kia, vừa tự tranh cãi với mình, vừa tâm sự với người thiếu nữ. Bốn công việc ấy được làm tự nhiên trong cấu trúc ba đoạn. Bạn nghe thấy tình yêu lo âu qua ngàn cây số, bập bùng bong bóng vỡ.
 
Giờ này có thể trời đang mưa
Em đi nép hàng hiên sướt mướt
Nhìn bong bóng nước chạy trên hè
Như những đóa hoa nở gấp rút
 
Hình ảnh lạ, nỗi sợ hãi của thiếu nữ bỗng được chiếu sáng lòa trong ánh đèn điện bùng lên. Người lính, sâu vào chiến tranh, nhìn thấy cái chết nhiều hơn nhìn thấy bản thân mình, trong âm u thời gian. So với thơ bảy chữ thời tiền chiến, thơ Tô Thùy Yên buồn hơn, mạnh mẽ hơn, xao xuyến hơn, ý tưởng phức tạp hơn. Con người nhỏ bé trong thơ Huy Cận cô đơn vì thiếu bạn. Con người trong thơ Tô Thùy Yên vừa nhỏ bé vừa lớn lao, vừa cô độc vừa hòa mình vào cảnh sắc. Đó là một cảm quan mới, một ý thức triết học mới, cái ta mới, mang chất hiện sinh phương Tây và chất triết lý phương Đông.
 
Trường Sa Hành được viết vào tháng 3 năm 1974, trong một lần ra đảo. Chúng ta nhớ rằng tháng 1 cùng năm, trước đó hai tháng, Việt Nam mất Hoàng sa vào tay Trung cộng, trong khi chiến tranh Nam Bắc vẫn tiếp diễn. Tâm trạng hoang mang, lo lắng, phẫn uất ngoài xã hội dội vào trong bài thơ này. Không có gì ngạc nhiên là nhiều người, trong khi thưởng thức Trường sa hành, vẫn lấy làm tiếc rằng bài thơ ấy bi thương nhiều hơn hào hùng ái quốc. Thể hành làm chúng ta nhớ lại những bài hành nổi tiếng như Hồ trường của Nguyễn Bá Trác, Hành phương nam của Nguyễn Bính, Tống biệt hành của Thâm Tâm. Việc sử dụng thể hành làm cho tác giả ở vào vị trí có thể dùng các hư từ như “hề”“há”, các dấu chấm than: Trường Sa! Đảo chuếnh choáng!, các câu hỏi: Đất liền, ta gọi, nghe ta không?, các dấu chấm câu đột ngột giữa chừng: Ngày. Ngày trắng chói chang. Các hình ảnh trong thơ giàu có, dồn dập, nhiều tầng lớp, xô dạt vào nhau, tan rữa, bồi đắp:
 
Thăm thẳm sầu vây trắng bốn bề
Sống thiên cổ khóc, biển tang chế
Mùa gió xoay chiều, gió khốc liệt
 
Bút pháp Tô Thùy Yên, trong nhiều năm, vẫn thường trang trọng, dữ dội, đậm đặc, gặp một ngày ra biển bão tố, ở một nơi mịt mù sóng nước, mà thời ấy Trường sa là một cái gì rất lạ với người Việt nam, giữa cuộc máu lệ tương tàn trên đất liền nóng rẫy, thử hỏi còn một thứ ngôn ngữ nào thích hợp hơn để tả quần đảo, bằng thứ ngôn ngữ mà tác giả đã dùng?
 
Ta ngồi bên đống lửa man rợ
Hong tóc râu, chờ chín miếng mồi
 
Độc thoại trong thơ Tô Thùy Yên, một trong những sở trường của ông, trở thành đối thoại giữa tác giả và người đọc, giữa đảo và đất liền, giữa người lính và dân tộc, tồn tại và hiu quạnh. Nhà thơ đến một hòn đảo, chỉ có mươi người lính thú, đối diện với không những đảo hoang, hoang đến nỗi vắng cả hồn ma quỷ, mà còn đối diện với hiu quạnh của vũ trụ. Tuy viết về chuyến viếng thăm ngay sau sự kiện mất Hoàng Sa, bài thơ mang một kích thước khác: kích thước siêu hình.
 
Dập giận, vác khòm lưng nhẫn nhục
Đường thân thế lỡ, cố đi nhanh

Hình ảnh thật đẹp mô tả thiên nhiên, có khi dữ dội:

Mặt trời chiều rã rưng rưng biển
Vầng khói chim đen thảng thốt quần

Có khi hiền hòa, thơ mộng:

Trong làn nước vịnh xanh lơ mộng
Những cụm rong óng ả bập bềnh
 
Người đọc dâng lên cảm xúc yêu thương đối với biển, một phần máu thịt của chúng ta. Có một cân bằng động giữa tình yêu thiên nhiên và cảm giác xao xuyến hoang đảo, giữa tình yêu nước và chiến tranh. Tô Thùy Yên mô tả xúc cảm và bi kịch của con người, âm điệu miên man, thúc đẩy, sự nhắc nhở thường xuyên đối với đất liền. Đất liền không chỉ là đất mà trở thành người mẹ, trở thành tổ quốc. Đảo trở thành đứa con xa nhưng không phải là đứa con bị ghẻ lạnh.
 
Đập hoảng Vô Biên, tín hiệu trùng
Một ngôn ngữ tươi rói, đời thường, búng nhảy:
Chú em hãy hát, hát thật lớn
Một thứ tiếng Việt tráng lệ:
Ngày. Ngày trắng chói chang như giũa
Ánh sáng vang lừng điệu múa điên
 
Thật là một bữa tiệc ngôn ngữ. Nghệ thuật Trường Sa hành tiêu biểu cho nghệ thuật dùng chữ của Tô Thùy Yên, gọn gàng, tự nhiên, phóng túng, kết hợp tất cả những thứ ấy. Các câu vần với nhau không chặt chẽ, như bề và đi, tưa và ngơ, nhoi và trời, làm cho câu thơ thoáng, mở, phóng khoáng. Tính thơ của ngôn ngữ không nằm ở sự trau chuốt, cầu kỳ. Nhưng đạt đến sự giản dị của ngôn ngữ, và nhờ đó đạt đến tính thơ, có lẽ nhà thơ cần hai đức tính: hồn nhiên ngẫu hứng, trong khi vẫn cực kỳ chăm chỉ mài giũa.
 
Ta thiếp trong vòm xanh đại thọ
 
Có khi Tô Thùy Yên cũng để mặc cho các ý tưởng vượt ra khỏi kiểm soát, làm cho đời sống được thay bởi khái niệm mơ hồ:
 
Có đọc thuộc thánh thư
Linh hồn tôi vẫn vậy
Tôi vẫn không thể lạy
Dù đứng trước hư vô
 
Là những câu khá tầm thường. Hướng về đề tài của đời sống, của chiến tranh, nhưng Tô Thùy Yên lại sử dụng ngôn ngữ hướng nội. Tính kịch trong một câu chuyện kể, sự căng thẳng của nó, và trạng thái xúc cảm của thơ trữ tình hoạt động nhịp nhàng. Năm 1988, Tô Thùy Yên viết bài Tàu Đêm. Xót xa nhưng không thù hận, vẻ đẹp dị thường của thống khổ và can đảm.
 
Tàu đi. Lúc đó, đêm vừa mỏi
Lúc đó, sao trời đã ngủ mê
Tàu rú. Sao ơi, hãy thức dậy
Long lanh muôn mắt tiễn tàu đi
 
Thức dậy, những ai còn sống đó
Nhìn ra nhớ lấy phút giây này
Tàu đi như một cơn giông lửa
Cuồn cuộn sao từ ống khói bay
 
Cảnh vật mơ hồ trong bóng đêm
Dàn ra một ảo tượng im lìm
Ủ ê những ngọn đèn thưa thớt
Sáng ít làm đêm tối tối thêm
 
Đây là một trường ca - bi ca (elegy) tráng lệ. Hình ảnh chấp chới, ngôn ngữ mê hoặc. Đi tìm lại một thế giới đã mất, đổ vỡ, là điều mà các bài thơ của Tô Thùy Yên cố gắng đạt được, không phải chỉ bằng các chi tiết, các câu chuyện kể, sự sống động của các sự kiện mà còn là, và đặc biệt là, sự kiềm chế của hình thức, tính ràng buộc của thể thơ, sự đều đặn của nhịp điệu. Các câu thơ liên tiếp rời đi và trở lại với người đọc, xoay vòng như sóng, nhờ thế những ý tưởng về sự đổ vỡ, mất mát, tìm lại được nơi chốn của chúng, an toàn, nơi mà không một mất mát nào được phép xảy ra.
 
Câu chuyện của tác giả có thể không được nghe rõ trong tiếng động rầm rập của đoàn tàu, sẽ được hồi phục lại, tái xây dựng diện mạo của chúng trong đặc trưng thể loại bảy chữ. Với Tô Thùy Yên, ta cảm thấy cái hùng vĩ của tạo vật, cái nên thơ, những cảm xúc mạnh, những tình cảnh cực đoan. Đó vừa là ưu điểm vừa là nhược điểm. Thơ ông như thế khó có thể nói về những khía cạnh khác của đời sống, tầm thường hơn, nhỏ bé hơn, cảm xúc trần tục. Nhạc điệu thơ u uất nhưng không nghiệt ngã, buồn rầu nhưng không chán nản. Ngôn ngữ ấy tinh khiết, nó là lời ca ngợi đẹp nhất dâng tặng ngôn ngữ Việt. Những năm trước khi kết thúc chiến tranh, một loạt các bài thơ như: Hề, ta trở lại gian nhà cỏ, Trường Sa Hành, Em nhỏ tìm chi chim biển bắc, Mòn gót chân sương nắng tháng năm, bộc lộ cái nhìn sâu vào thời gian và không gian.
 
Trăm năm rồi lại trăm năm khác
Tên đóa hoa này ngươi nhớ chăng?
 
Có một cuộc đời lớn hơn cuộc đời mà chúng ta đang sống. Trữ tình siêu hình của Tô Thùy Yên không rơi vào chiều hướng triết lý khô khan, thuần lý hay các chiêm nghiệm tôn giáo mà hướng con người đến thiên nhiên, mang họ đến với tinh thần nhất nguyên, chống lại sự chia biệt giữa một bên là văn minh kỹ thuật một bên là nghệ thuật, giữa đúng và sai, ta và địch, nhỏ bé và lớn lao. Nói cách khác, thơ ông hướng về một hiện thực tinh thần kết hợp giữa đời sông thực tế và các hình ảnh lý tưởng. Thơ trở thành sự hồi phục, cứu chuộc, phép nuôi dưỡng những cội rễ. Thơ bao giờ cũng được viết ra từ, hoặc nói về, một nơi chốn cụ thể. Nơi chốn ấy không có tên, có thể không tìm thấy trên bản đồ, nhưng bạn biết nó có thật trong đời sống của tác giả. Ông giỏi quan sát.
 
Như trong đêm thâu, tiếng bẻ đốt tay
Tiếng côn trùng bằng phẳng
 
Mô tả tiếng côn trùng bằng chữ bằng phẳng, thật gợi hình. Tiếng bẻ đốt tay: khắc khoải, đe dọa. Không ai muốn viết những bài thơ đau đớn, đầy thương tổn, ghi lại tiếng la hét bàng hoàng. Không ai muốn đứng trước huyệt mộ người khác, nhưng bạn thì đứng đó, hoa hồng trong tay, ném xuống. Bạn không thể không viết về ngày hạ huyệt:
 
Chỉ có thế. Trời câm đất nín
Đời im lìm đóng váng xanh xao
Mười năm thế giới già trông thấy
Đất bạc màu đi, đất bạc màu
 
Có một giọng nói và một giọng hát trong thơ Tô Thùy Yên. Đó là lý do vì sao nhà thơ chọn chữ kỹ như một nhà soạn nhạc tài năng đặt các âm thanh lên khuôn nhạc, lắng nghe chúng vang lên mà không cần đén một khí cụ nào cả. Xung đột tạo ra năng lượng. Khởi từ bài thơ Cánh đồng Con ngựa Chuyến tàu, nhà thơ đã thấy:
 
Trên cánh đồng hoang thuần một màu
Trên cánh đồng hoang dài biến đổi
Tàu chạy mau mà qua rất lâu
 
Mặc dù đây không phải là một bài thơ quá xuất sắc, nó đánh dấu sự xuất hiện của Tô Thùy Yên. Ngay từ đó, ông thường trăn trở về con ngựa và chuyến tàu, về thiên nhiên và xã hội ngày càng máy móc, mù lòa. Sự xung đột giữa chúng là giữa văn hóa và lịch sử, giữa không gian cánh đồng và thời gian chuyến tàu. Sự xung đột ấy dẫn đến thất bại của con ngựa, cái chết của thiên nhiên, như một dự báo, xảy ra mấy chục năm sau. Bài thơ “Bất tận nỗi đời hung hãn đó”, viết tháng 7 năm 1972, đề tặng Nguyễn Thị Thụy Vũ.
 
Ôi những rặng cao su thẳng lối ngay hàng
Ngang dọc dắt nhau ùa về vô cực điểm
Như cuộc hẹn hò hư tưởng không tới nơi
Ôi những rặng cây mang án tử hình treo
 
Ngay từ bây giờ chúng ta phải hối hả
Trời vẫn gió. Long lóc con người ta
Bất tận nỗi đời hung hãn đó
 
Dự báo về những bản án tử hình treo của cây. Bây giờ là tử hình thật. Trong hình thức tự do, điều mà Tô Thùy Yên ít sử dụng, bài Bất tận nỗi đời hung hãn đó như trường ca ngắn tung tóe ý nghĩ, cảnh sắc, cảnh đời, bài thơ mang điệu thân mật, khác với sự trang trọng tinh nhã của nhiều bài khác. Những đoạn lặp lại, ngắt quãng, lời than, nâng đỡ các câu thơ, làm chúng bay nhảy. Như vậy khác với những bài thơ bảy chữ, Tô Thùy Yên bộc lộ khả năng khác trong thơ tự do.
 
Ta tưởng tượng ngôi thiền viện âm u ẩn hiện sau lùm bụi xanh kia
Rồi sẽ được tái thiết sáng trưng những tiện nghi văn minh cần thiết
 
Chúng ta nhìn thấy sự phá hủy môi trường hiện nay, không những phá hủy môi trường, chúng còn phá hủy giáo lý nhà Phật, các tôn giáo, các niềm tin, đạo lý dân tộc.

Bài thơ “Ngọn gió lạ thường sẽ thổi tới” là linh cảm kỳ dị, vượt ra ngoài kiến thức, vượt ra ngoài tính dự báo, khi một nhà thơ chạm được vào linh hồn của một khoảnh khắc, khoảnh khắc của sự mất mát, tan rã.
 
Một ngày, ngọn gió lạ thường sẽ thổi tới
Ngoài biển khơi, trên lục địa
Sò hến, côn trùng cũng chẳng yên thân
 
Ngọn gió lạ thường sẽ thổi tới
Quật ngã những bức tượng, xô sập những đền đài
Tiếng hú chạy dài suốt lịch sử
 
Chưa có một bài thơ nào trong thơ Việt dự đoán một sự kiện lớn lao nhường ấy, như bài “Ngọn gió lạ thường sẽ thổi tới”, về sự sụp đổ của thần tượng, sự tan rã của thiên nhiên, con người. Bài thơ gần như không có nhân vật, không viết về một người hay về tác giả. Tô Thùy Yên giữ trong tay ông những giá trị, ông muốn gọi tên chúng, muốn kể lại cho chúng ta sự tìm được trong đơn độc, trong tình yêu và phục sinh.
 
Cuối năm 1993, Tô Thùy Yên rời Việt nam đến Hoa kỳ, theo diện tù nhân chính trị, chuyển qua khúc quanh cuối. Trong bài thơ Chia Tay, thủ bút của tác giả chép tặng nhà thơ Ý Nhi, mà tôi được đọc, sau này in sách đổi tên là Giã Biệt, có đoạn:
 
Anh mong em cất được ngôi nhà
Lưu trữ những giấc mộng
Gìn giữ em yên ấm một đời
Cây cỏ khuyên nguôi
Dù thế nào, hạnh phúc trong đầu mình vẫn có thật
Hứa đi em
Nghe im lặng mà sống
Nhìn trời đất mà vui
Hãy như người từng trải mỏi mê về
Lúc tàn khuya
Nhà hương hỏa tối mốc
Còn ai không, có gọi chỉ thêm buồn
Thôi, chẳng tiếc túi vàng đã phung phá
Mà mừng mẩu nến chợt tìm ra
Phần anh ra đi
Thế giới thênh thang
Bạn đường chiếc bóng
Cố lên đến vùng cao nhất của mình
Làm một việc có thể là vô ích:
Nhen đống lửa hắt hiu nào
Xác nhận có
 
Lời chia tay buồn, ngậm ngùi, lưu luyến. Ở bên dưới, ở mặt sau, bên ngoài những giới hạn của thân xác, của những quan hệ chúng ta, bên ngoài thời gian của chúng ta, có một đời sống. Tô Thùy Yên sống một lúc hai thế giới, thế giới của giết chóc, tù đầy, bạo lực, đói khát và thế giới của hồi tưởng, cái đẹp, cùng lúc hiện hữu. Dường như Tô Thùy Yên có một linh tính mạnh, ông sẽ mất tất cả, vùng đất mới mà ông đến chỉ là đất lưu vong. Nhiều người thuộc thế hệ ông cũng rơi vào tình cảnh ấy, chỉ có một thiểu số vượt qua được, hội nhập thành công. Tô Thùy Yên không thuộc về thiểu số ấy. Hãy nghe ông tâm sự:
 
Nước Mỹ này quá rộng và quá buồn
Anh không còn muốn tự định liệu
Tốc độ cao gài cố định mặc
Đường trường lái băng đêm
Như tự nguyện thất giạt
 
Giọng già nua, buồn rầu. Âu đó là một ngã rẽ của số phận, khác, mà ngôn ngữ tài hoa của ông không chạm tới được nữa. Đi trong chiến tranh chẳng qua là một đoạn trong hành trình làm người đằng đẵng của Tô Thùy Yên. Trong hành trình ấy ông vừa là người chép sử vừa là người mang vác. Nhưng đến Mỹ, lái xe trên đường trường hàng ngàn cây số, hành trình ấy đã chấm dứt, vì nó không còn ý nghĩa. Bao giờ bạn cũng biết rằng sẽ có một ngày bạn tới đây, đi trên con đường này, bước vào ngã rẽ này, đứng dưới cánh cửa sổ này, nhưng bạn không biết bao giờ ngày đó đến, mới hôm qua bạn cũng không biết.
 
Đêm ta để cửa trông đèn đợi
Người khách xa nào sẽ đến đây?
Ta đợi vì nghe ngoài ngõ trúc
Có con chim khách kêu chiều nay
 
Thơ Tô Thùy Yên là thơ của sự cần thiết. Không phải nhà thơ tài năng nào cũng gây cho tôi cảm giác ấy. Tài hoa về ngôn ngữ, khả năng chạm tay vào tâm hồn người khác có mặt ở nhiều người, nhưng cần thiết là một khái niệm khác, nó sinh ra trong một thời đại đặc biệt.
 
Rồi đến một hôm nào
Ta mắc lại
Trên cành cây bất chợt gặp bên đường
Tấm áo sinh thời nặng trĩu bụi
 
Một trong những đặc tính của thơ ca là khả năng chịu được sự đọc lại, đọc đi đọc lại nhiều lần, mỗi lần đều đem lại cái mới hoặc ít nhất sự thú vị cho người đọc.
Một bài thơ hay không thể tự nó cũ đi.
Tô Thùy Yên biết rõ những lý tưởng, những phe phái, những cuộc chiến đấu, hầu hết đều giả tưởng, lừa dối, thậm chí tội ác. Ông đi tìm trong thời gian lối thoát cho lịch sử, đi tìm trong tình yêu phép cứu rỗi. Ông có những câu thơ thật hay khi ông nói về tình yêu và cái đẹp ở trần gian, cách nói không sử dụng nhiều phép tu từ, đó là sức mạnh của hình ảnh, của một tư duy thơ hình ảnh.
 
Đi nào chú bé của ta ơi
Đem tấm lòng trang trải với đời
Yêu cả con sâu cùng cái kiến
Thả hồn vào cỏ lá bung phơi
 
Tô Thùy Yên đã ra đi như thế. Thơ ông làm cho chúng ta muốn sống sâu sắc hơn, dũng cảm hơn, với ý thức thấu suốt hơn hành trạng của mỗi người và, đôi khi, đường bay của lịch sử. Thơ Tô Thùy Yên có cái nhân ái của người có nhân cách lớn, suy nghĩ sâu, khiêm nhường trước cuộc đời, vũ trụ, vì vậy mà hòa tan vào vạn vật, trở thành một chiếc lá trong hàng triệu chiếc lá. Trong thơ ông cũng có nhiều bạn bè. Bạn bè của ông không chỉ là những người bạn có thật, cùng đi học, cùng đi lính, cùng uống rượu vui chơi đàn hát, mà là những người bạn trừu tượng, dùng để gọi cả một thế hệ, một loài người, những người đọc tri âm:
 
Bạn có nghe, này bạn có nghe
Ở bìa rừng bên gió sửa soạn
Tuần du, cuộc tuần du bất tận
 
Có lần tôi nhớ đến mấy câu thơ này, khi vừa đặt chân tới một nơi chốn mới, một mình, đặt va li xuống đứng nhìn qua cửa sổ trời sắp tối, trên mặt đường trải nhựa vắng có chiếc lá rụng nằm nghiêng hắt lên ánh sáng của mặt trời chiều đang xuống làm sáng hẳn cả một bìa rừng.
 
                                                     Nguyễn Đức Tùng
                                                     (Đọc Thơ - bài 30)
*
 
Tài liệu tham khảo:
 
– Tô Thùy Yên, Thơ tuyển: http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=11686&rb=08
– Nguyễn Đức Tùng, Bốn mươi năm thơ việt hải ngoại, Văn Việt- Người Việt Books, USA, 2017
– Đặng Tiến: https://dutule.com/a9260/dang-tien-to-thuy-yen-1938-2019-nha-tho-viet-nam
-Ý Nhi: https://www.dutule.com/a9247/y-nhi-to-thuy-yen-thuc-cho-xong-bai-tho
– Thụy Khuê: http://thuykhue.free.fr/stt/t/TOTHYEN1.html
– Nguyễn Hưng Quốc: https://www.voatiengviet.com/a/tho-to-thuy-yen-11-10-2010-107059098/916916.html
– Trần Doãn Nho: https://www.nguoi-viet.com/van-hoc-nghe-thuat/nho-to-thuy-yen/
– Harold Bloom: Possessed by Memory: The Inward Light of Criticism, 2020

READ MORE - TÔ THÙY YÊN NGỌN GIÓ LẠ THƯỜNG SẼ THỔI TỚI – Nguyễn Đức Tùng