|
Tác giả Hoài Huyền Thanh |
Hoài Huyền Thanh
MANG VIÊN LONG VÀ NỖI NHỚ
Tôi biết nhà văn Mang Viên Long trước cuộc bể dâu 1975. Lúc
đó, tôi còn trẻ dại lắm, kém anh non một thập niên. Năm 1968, tôi chỉ mới học
đệ tứ, còn nhà văn Mang Viên long đã góp mặt trên văn đàn và được nhiều người
ngưỡng mộ.
|
Nhà văn Mang Viên Long. (FaceBook) |
Rồi thật tình cờ ngày 12.10.2014, tôi “sắm vai” đại diện cho
người bạn thơ thân thiết ở đất Tây Đô đến Café Lọ Lem dự buổi ra mắt tập tiểu
luận & tùy bút Tôi Đến Với Phật và được quen biết anh từ đó.Tôi đọc hết
cuốn Tôi Đến Với Phật rồi tìm đọc bài của anh trên các web Văn Nghệ QuảngTrị,
Hoadongphuong, Hương Quê Nhà, Việt Văn Mới, Vanchuongviet, Phamcaohoang,
Trietvan…, rồi thư đi tin lại thân thiết với nhau từ lúc nào không hay.
Truyện ngắn của anh có nhiều nét riêng … nhưng có lẽ sau Dì
Lucia, tôi đặc biệt bị cuốn hút bởi hồi ký Như Áng Mây Trôi. Đời người như áng
mây trôi… Có những áng mây thong dong, đẹp ngời ngời lộng lẫy, nhưng cũng có
những áng mây xám xịt, trĩu nặng nỗi
buồn long đong, cơ nhỡ.
Đọc xong bốn chương đầu của hồi ký Như Áng Mây Trôi, nỗi
buồn không căn cớ xâm chiếm hồn tôi. Tôi hình dung một cậu bé tám tuổi trong
một đêm khuya nắm chặt tay chị mình thảng thốt, liêu xiêu chạy đi trong dòng
nước lũ. Tám tuổi mất mẹ, sống cù bất cù bơ, thèm một ánh nhìn thương mến, một
vòng tay ấm áp chở che chắc là khổ lắm! Chiếu rọi lại đời mình, tôi chợt thấy
sao mà có sự trùng hợp lạ kỳ! Tám tuổi tôi cũng rời quê nhà… ở nhờ nhà bà con
đi học, vất vả, ê chề với miếng cơm ăn chực! Cái chết của người mẹ làm tác giả
hụt hẫng. Chiếc áo dài nhung của người mẹ để lại được tác giả sửa lại thành áo
sơ mi ngắn và trân quý mặc nhiều năm liền. Tôi nhớ lại, mẹ gởi lên nhà cậu cho
anh em tôi hai đồng bạc, tôi cất hoài không dám xài dù thèm chiếc bánh mì ngọt
hình con cua đến chảy nước miếng. Tôi để dành hai đồng, lâu lâu lấy ra nhìn như
thấy mẹ đang gần mình trong gang tấc, rồi tưởng tượng không biết mẹ còn sống
được bao lâu và khóc! Mẹ tôi cũng bị bệnh phổi nên sống cách ly các con. Cùng
tâm trạng, cảm giác thấm thía làm sao! Tôi hiểu được mặc chiếc áo mẹ từng mặc,
tác giả đặc biệt hạnh phúc như thế nào! Cả một khoảng đời ấu thơ của tác giả và của tôi chùng chình trong tôi nỗi nhớ. Không gì ghi dấu ấn buồn hơn một tuổi
thơ bất hạnh! Rồi trận đòn dự cảm theo đôi mắt giận dữ của người anh đã làm tác
giả chạy mải miết, mong nương nhờ cửa Phật, khiến cháy bỏng lòng tôi nỗi cảm
thông vô bờ. Năm tôi ba tuổi, một buổi xế chiều mẹ đưa ba anh em tôi chạy trốn
khỏi người cha không còn trách nhiệm gì với gia đình và đang tâm làm khổ một
người phụ nữ tá điền mà mẹ tôi thương quý. Mẹ tôi nhường lại hạnh phúc cho cô
ấy và ra đi:
“ Gánh hàng rong neo dài con phố
nhỏ.
Mưa lâm thâm thất thểu dáng mẹ
gầy.
Ế ẩm chợ đời gió rét chiều nay
Cơm rượu nếp các con ăn đỡ dạ.
Nhường tất cả đem ba con chạy
trốn.
Mưa gió dập vùi dòng dõi thiên
kim.
Cô gái tá điền xinh đẹp ngoan hiền
Đời lầm lỡ mẹ chạnh lòng thương
cảm.
Dẫn các con đi hai bàn tay trắng
Ba mươi tuổi đời lao lực lao tâm.
Lặng lẽ bên thềm người mẹ đơn thân
Dạy chúng con lòng bao dung nhân
ái
Sống là yêu thương không mang thù
hận
Con cô tá điền là các em con
Mẹ ơi mẹ! ba mươi năm lận đận
Chúng con hai dòng gộp một tình
thâm
Không còn mẹ nhiều đêm mưa thức
trắng
Thương nhớ mẹ hiền nước mắt tuôn
rơi
Nốt nhạc cuộc đời mẹ xin dấu lặng!
Hạnh phúc cho người thương quá mẹ
tôi!!!”
Liên tưởng đến cái lạnh se người, mùa đông không chăn chiếu,
không áo ấm đêm về…, bụng dạ cồn cào vì thiếu ăn lại chịu sự chì chiết của
người chủ nhà trọ mỗi khi cầm đủa …, sao mà xót xa, tủi phận quá! Tác giả mồ
côi mẹ, suốt đời mang theo trong lòng tình yêu thương của người mẹ và lòng tôn
kính với người cha sớm khuất núi. Còn tôi, có cha mà như trẻ mồ côi cha, để
người mẹ đáng thương phải một đời tần tảo nuôi con trong tủi phận. Để rồi bốn
mươi năm sau, tìm về quê nội mờ mịt nẻo nào xa:
“Sau hơn bốn mươi năm, ta thắp nén
hương mờ lệ
Kính cáo từ đường, thăm viếng mộ
ông bà
Lẩn quất tâm tư: Ai trả cho ta một
thời thơ dại
Cõng những nỗi niềm tê tái, trẻ
không cha!
Hơn hai mươi năm mẹ giấu bài ca
lỗi nhịp
Thảng nhớ tiếng gà trưa táo tác
long đong
Ai trả mẹ ta hơn mười ngàn ngày
đắng cay lầm lũi
Hơn mười ngàn đêm vò võ bến không
chồng!
Ta dật dờ như lục bình trôi mãi
miết
Dòng thời gian tan tác những ngày
xanh
Hơn bốn mươi năm ngày ngỡ ngàng ly
biệt
Mù mịt chốn quê xưa, sao trở lạị
đoạn đành!
Mây xanh thắm hòa trời xuân đơm
lộc biếc
Đau đáu lòng ta ánh mắt mẹ trối
trăn
Hạnh phúc cho người mẹ chọn một
đời ly biệt
Hà cớ gì ta trĩu nặng nỗi băn
khoăn!”
Dù xa mẹ, sống trong cực khổ, nhọc nhằn nhưng trong lòng anh
em tôi, mẹ vẫn sống còn lay lắt ở miền quê đầy bom đạn, tằn tiện gởi lên cho
anh em tôi những trái xoài thanh ca vườn nhà, thanh mảnh mà ngọt đậm đà. Chúng
tôi ăn trong nước mắt đổ dài vì nhớ mẹ…
Đọc đến đoạn tác giả tả cảnh đói khổ phải ra đồng mò cua bắt
ốc, hái rau dại cầm cự cho qua cơn đói thiếu cơm, có đâu thịt cá, nước mắt tôi
chảy dài vì thương nhớ mẹ. Hình ảnh mẹ tôi với chiếc nón lá rách, gánh một gánh
cơm rượu, xôi vò oằn vai đi bộ nhiều cây số đường làng rao bán, mời ăn. Khi ế
hàng, chúng tôi ăn cơm rượu thay cơm và trong ánh sáng nhờ nhờ, lũ sán say men
rượu theo đường miệng của những đứa trẻ nằm oặt què oặt quại đầy chăn chiếu.
Chúng tôi sợ hãi khóc thét lên còn mẹ tôi luôn tay dọn dẹp, buồn rầu thở than:
Tận đời rồi… thương quá các con tôi! Và khi được gởi về ở với cậu dì, tôi đã
quyết tâm cõng chữ vượt qua số phận!
Tôi còn nhiều tâm tư lắm khi đọc xong NHƯ ÁNG MÂY TRÔI (về
những chặng đời thăng trầm, bất hạnh, và nhất là những nổ lực dâng hiến của
anh) nhưng lực bất tòng tâm, xin sẻ chia với tác giả từng ấy nỗi niềm đồng cảm,
trăn trở. Nhân đây, xin mạo muội gửi đến tác giả một bài thơ như món quà của
người phương xa.
CŨNG CHỈ LÀ GIẤC MƠ THÔI!
Tôi mơ tình thâm mộng tình thâm
Tình anh em sáng lộng ánh trăng
rằm
Tôi mơ đựơc yêu thương ấp ủ
Xoa dịu mảnh đời côi cút long đong
Như gió bão tràn qua bờ hy vọng
Lời dịu êm ai nở ném đâu rồi!
Giấc mơ tôi một đời không có thật
Tím hoàng hôn chao chác dáng chiều
rơi!
Trôi còm cõi tháng năm dài lận đận
Thầy thợ chia nhau số phận lụi tàn
Trăm nỗi khổ còn một phương dung
chấp
Cám ơn đời cho cõi Phật ơn ban
“Trên đỉnh sa mù” còn “có
những mùa trăng”
Dấu nỗi nhớ trong “trái tim còn
lại”
“Biển có hai” người nên “mùa
thu trống trải”
Lẻ loi buồn “người giữ cầu bến
sông”
“Như áng mây trôi” lang thang
lỗi hẹn
“Điều bất ngờ đã đến” “cảm ơn
nhau”
Dành “đóa hồng cho người yêu" buồn hiu hắt
“Phố người”, nhớ “mùa xuân ở
trên cao”
“Quán café Tulip”, “một thời
để yêu thương”
Nhớ “Ông già - con chim Hoàng ly” trong mộng
“Người giữ bản thảo”, ta chờ
mong vô vọng
Chuyên chở cuộc đời “như những
giọt sương”
“Tôi đến với Phật” lòng còn
nhiều khao khát
Hiểu “Dì Lucia” để “hỏi lại
chính mình”
Có hay không một tình yêu thuở
trước
Hay “cũng chỉ là giấc mơ” không có thật giữa bình minh?
*Ghi chú: Những từ in đậm là tên những tác phẩm của nhà văn MVL
Sài Gòn,
vào hạ 2015
HHT