Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, October 25, 2023

HÌNH ẢNH MẸ - HÌNH ẢNH ĐIỂN HÌNH CỦA NGƯỜI PHỤ NỮ VIỆT NAM TRONG BÀI THƠ LÁ RỤNG CỦA VŨ HÙNG - Phan Thị Thoan

 

Nhà thơ Vũ Hùng

HÌNH ẢNH MẸ 

- HÌNH ẢNH ĐIỂN HÌNH CỦA NGƯỜI PHỤ NỮ VIỆT NAM 

TRONG BÀI THƠ LÁ RỤNG CỦA VŨ HÙNG


Lời bình của nhà thơ Phan Thị Thoan, Bà Rịa-Vũng Tàu


LÁ RỤNG

Ra giêng lá mận rụng nhiều,

Bâng khuâng nhớ mẹ khăn điều vắt vai,

Miếng trầu bỏm bẻm miệng nhai,

Còng lưng tay quét sớm mai góc vườn.


Thân cò một nắng hai sương,

Mỏi chân Phú Thọ, bụi đường An Khê...

Một đời lam lũ chân quê,

Cho con chữ nghĩa đẹp nghề mai sau...


Mẹ đi 

Còn đó hàng cau,

Và nguyên cả một giàn trầu góc sân, 

Hoa cau trỗ biết bao lần,

Trầu xanh mấy lượt vàng dần, hắt hiu...


Ra giêng lá mận rụng nhiều,

Còn đâu dáng mẹ khăn điều vắt vai,

Còn đâu tiếng chổi sớm mai,

Còn đâu đống lá ủ hoai góc vườn.


Quặn lòng 

thắp một nén hương!

VŨ HÙNG


 Đã lâu, trên các trang mạng, tôi đã đọc rất nhiều bài thơ viết về mẹ nhưng ấn tượng nhất , để lại cảm xúc mạnh mẽ nhất trong tôi là bài thơ Lá Rụng của anh Vũ Hùng.

   Với lối viết truyền thống về mẹ đó là sử dụng thể thơ lục bát.Lời thơ dung dị, mộc mạc nhưng ấn tượng vô cùng với hình ảnh của Mẹ. Cảm xúc của người viết như một mạch chảy, không tô vẽ câu từ, không uốn nắn sáo ngữ... Mẹ hiện lên thân thương đến đau buốt cả trái tim:

Ra giêng lá mận rụng nhiều

Bâng khuâng nhớ mẹ khăn điều vắt vai

 Mẹ đấy, giản dị vô cùng như vừa mới đâu đây, cái dáng lưng còng với chíếc khăn vuông vắt vai lau mồ hôi...

 Miếng trầu bỏm bẻm miệng nhai

Còng lưng tay quét sớm mai góc vườn

Thật là nao lòng khi đứng giữa cảnh vật thân quen nhưng người thương yêu không còn nữa, lại vẫn như nghe vẳng về tiếng chổi Mẹ quét. Đứng giữa kỉ niệm, gió xạc xào thổi những chiếc lá  bay tới bay lui... như tiếng chổi  Mẹ quét đâu đây, như dáng Mẹ đâu đây với chiếc khăn điều vắt vai lau mồ hôi ướt đẫm.Mẹ ngẩng lên nhìn con khi con gọi Mẹ, mỉm miệng cười vẫn bỏm bẻm nhai trầu...

Nối tiếp với hình ảnh khăn điều vắt vai quét lá góc vườn là hình ảnh Mẹ xa hơn... ngày xưa ấy, ngày mà Mẹ thân yếu vai gầy vẫn sớm tối bụi đường vất vả kiếm từng đồng bạc khó nhọc để nuôi con. Với mục đích và khát vọng rõ ràng và cao cả, luôn luôn thúc đẩy tiếp thêm nghị lực như bao người mẹ trên đời:

Thân cò một nắng hai sương,

Mỏi chân Phú Thọ, bụi đường An Khê...

Một đời lam lũ chân quê,

Cho con chữ nghĩa đẹp nghề mai sau...

   Đọc bốn câu thơ này ta hình dung một người đàn bà có ý chí mạnh mẽ, lam lũ và cần cù chịu khó.Hết vụ mùa đồng áng lại tất tả nhảy lên những chuyến xe đò xuôi ngược để buôn bán kiếm tiền.

 Chắc chắn trên những chuyến đi này, chiếc khăn điều cũng không rời xa mẹ. Lúc này chiếc khăn điều không vắt vai mà là vấn tóc mẹ!

Khăn điều người ta vắt vai phong lưu là thế (Nhớ ai  gấm đãy khăn điều vắt vai_ cả dao)nhưng khăn điều của mẹ lại để lau mồ hôi, để vấn tóc, để gói những miếng quà quê sau buổi chợ cho các con của mình!

  Khi các con đã lớn khôn, đã có tương lai thì mẹ cũng già yếu. Chiếc khăn điều không còn lam lũ như đời mẹ mà nó được vắt lên vai Mẹ,Mẹ cũng đã già, không còn tóc để vấn khăn!_ Đó cũng là hình ảnh sau cùng mẹ để lại!

  Kỉ niệm về mẹ quá nhiều, ùa về khi ta đi vào vùng kỉ niệm. Nhìn quanh nơi nào cũng là Mẹ, của Me, có mẹ...

Mẹ đi 

Còn đó hàng cau,

Và nguyên cả một giàn trầu góc sân, 

Hoa cau trỗ biết bao lần,

Trầu xanh mấy lượt vàng dần, hắt hiu...


    Bài thơ để lại ấn tượng mạnh trong ta khi cuối bài thơ, tạm dừng dòng hoài niệm là hình ảnh Mẹ được nhắc lại

Ra giêng lá mận rụng nhiều,

Còn đâu dáng mẹ khăn điều vắt vai,

Còn đâu tiếng chổi sớm mai,

Còn đâu đống lá ủ hoai góc vườn.

  Trĩu nặng lòng, nước mắt rưng rưng khi nhớ về mẹ,nơi đây con lớn lên, mẹ đã chắp cánh cho con bay xa bay cao, nay trở về không còn mẹ. Trong con chỉ còn là kí ức, kí ức đẹp, êm đềm... Ra giêng...giữa buổi thanh minh, khi cuộc sống xô bồ ngoài kia tạm lắng, lòng con cũng cảm thấy bình yên và khi bình yên con lại nhớ về Mẹ. Hình ảnh mẹ là thường trực trong con nhưng nó cồn cào hơn,da diết hơn... khi tiết trời thay đổi, vũ trụ vươn mình thay mới, những âm thanh và hình ảnh quen thuộc thân thương mang đậm hình bóng mẹ.Nhớ Mẹ đến quặn lòng!

Chợt liên tưởng đến hình ảnh mẹ ở những cách nhìn khác của những góc đời khác. Mẹ trong thơ Vũ Hùng là hiện thân cho hình ảnh người phụ nữ Việt Nam chịu thương chịu khó. Suốt đời lam lũ, vất vả hi sinh vì chồng vì con mà quên đi hạnh phúc bản thân.Nếu sự hi sinh được nhớ đến và được đền đáp thì tuổi xuân cũng đã trôi qua từ lâu lắm và trôi qua mất rồi...


Quặn lòng 

thắp một nén hương...


 Xin cám ơn anh Vũ Hùng!


Bà Rịa, 24.03.2024

  Phan Thi Thoan.



READ MORE - HÌNH ẢNH MẸ - HÌNH ẢNH ĐIỂN HÌNH CỦA NGƯỜI PHỤ NỮ VIỆT NAM TRONG BÀI THƠ LÁ RỤNG CỦA VŨ HÙNG - Phan Thị Thoan

NHỮNG MÃNH GHÉP KÝ ỨC VỀ MỘT NGÔI TRƯỜNG (8) - Trương Ngọc Bỉnh

Tác giả Trương Ngọc Bỉnh


NHỮNG MÃNH GHÉP KÝ ỨC VỀ MỘT NGÔI TRƯỜNG

Trương Ngọc Bỉnh, Cựu học sinh Trung học Công Lập Hải Lăng, 

Khóa 5, 1964 - 1968


Phần 8 

Trong lần họp mặt Cựu học sinh Trung học Công lập Hải Lăng ngày 11 /6 / 2016 tại Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai, thị trấn Ngải Giao, tôi thấy Ban Tổ Chức còn bỏ sót xướng danh Giáo sư Phan Văn Trà (trong danh sách các Giáo sư đã giảng dạy tại Trường Trung học C L Hải Lăng trước 1975).

Thầy Phan Văn Trà đã giảng dạy môn Việt văn, lớp Đệ Tứ chúng tôi - năm cuối cấp, ra trường.

Dáng người Thầy Trà cao như Thầy Dự. Thầy có mái tóc bồng bềnh, có vẻ nghệ sỹ! Những người có năng khiếu về văn chương thường có tâm hồn rất phong phú... và còn có chút lãng mạn "đeo bám" để thổi hồn vào nghệ thuật!

Cho đến bây giờ tôi vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng cho chính bản thân và cứ băn khoăn, hoài nghi về cánh tay trái của Thầy Trà bị mất đi! Có phải Thầy bị động viên vào lính rồi bị thương hay do một tai nạn nào đó mà Thầy đã mất đi một phần thân thể rồi trở về, tiếp tục gắn bó với bục giảng, bụi phấn? Thầy giảng bài rất say sưa, đến nội dung, đoạn nào của một tác giả đều có thơ tuôn chảy dẫn chứng như cuốn hút, mời gọi học sinh những tiết văn học cổ qua những tác phẩm thơ ca của Chu Thần, Uy Viễn Tướng Công, Tam nguyên Yên Đỗ ...hay đại thi hào Nguyễn Du ... Những vần thơ lưu bút mà chúng tôi tập tểnh gieo hồn đã mang nhiều sắc thái đậm đà, tình tứ ảnh hưởng ý tưởng của các thầy,cô dạy Việt văn!

Mỗi lần tan trường, Thầy Trà cưỡi chiếc Honda SS 50 đời 67 cùng đi với Thầy Lợi, Thầy Minh, Thầy Khán... Chiếc xe của Thầy Trà được thiết kế cần kéo - đẩy "Âm- ma - za" gần với tay ga - tay phải, nên việc vô số dễ dàng.

Không biết Thầy Phan Văn Trà hiện nay ở đâu, còn sống hay đã mất? Những lời phê của Thầy (Giáo sư môn Việt văn) trong thành tích biểu về mặt học lực và hạnh kiểm của tôi ở lớp cuối cấp đã thôi thúc bản thân vượt qua nhiều trở ngại về sức khỏe, hoàn cảnh thời cuộc để hoàn thiện con đường học vấn và nghề nghiệp để tiến thân cùng bạn bè …

(Còn tiếp.)

Trương Ngọc Bỉnh

READ MORE - NHỮNG MÃNH GHÉP KÝ ỨC VỀ MỘT NGÔI TRƯỜNG (8) - Trương Ngọc Bỉnh