Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, June 7, 2017

CUỘC NHẬU LÚC HAI GIỜ SÁNG - Truyện ngắn của Phan Nam

Tác giả Phan Nam

Truyện ngắn: 
CUỘC NHẬU LÚC HAI GIỜ SÁNG
Phan Nam

1. Tôi về phòng trọ tầm hơn mười một giờ đêm. Lúc này mẹ tôi cùng với cô và một người bạn “đồng nghiệp” đang nhậu. Họ rủ tôi vào và cho tôi một lon. Thú thực tôi hơi bất ngờ vì lâu lâu mới có dịp ngồi lại nói chuyện đông vui như vậy. Cả ba người đều là đồng nghiệp vé số, chỉ riêng tôi là ngoại đạo, có vẻ như tôi sinh ra chỉ hợp với môi trường bình dân mà thôi. Kiểu như kiếm được đồng nào hay đồng đó. Tôi thì thích tìm tòi viết lách kiếm thêm đồng ăn uống, rong chơi. Mẹ tôi cũng lang thang nhưng không phải để đi chơi mà đi mần, cô cũng vậy. Tôi gọi cô bởi vì quen thuộc nên không thể xưng hô chị, nhứt là cô lại chơi thân với mẹ tôi. Chứ thực ra cô vẫn còn trẻ lắm, nhỏ tuổi so với mẹ tôi nữa, rứa mà con cái bốn đứa rồi đấy. Không hiểu sao tôi rất thương cô, chắc có lẽ bởi cùng là hoàn cảnh nên dễ dàng đồng cảm chia sẻ. Cô rất giỏi, cày cuốc cả ngày để lo cho đàn con đang tuổi ăn tuổi học. Cùng xuất thân từ một vùng quê miền Trung đầy nắng gió nên nhiều người đã không còn trẻ nữa bon chen ra thành phố bên bờ sông Hàn kiếm sống. Cũng một phần vì mang tiếng đi làm thành phố nhưng cần là lên xe đò vọt về, khoảng mấy tiếng là có mặt ở nhà. Để có chuyện chi còn dễ bề ứng phó, nhứt là cái tâm không yên luôn bần thần cho đám con ở nhà. Không biết bầy bò ra răng? Thằng cha chúng nó ở nhà có đi uống rượu say bí tỉ mà không lo cho bọn trẻ? Rồi mấy đứa ở nhà ăn cái chi? Có học hành chăm chỉ? Đến mùa hè lại lo mấy đứa con đi chơi có gặp nguy hiểmgì không... Nói chung là nhiều cái để lo để lắng, nhưng ở nhà không có việc chi làm lại túng thiếu, thế là cắn răng mà ra thành phố mời mọc người ta tờ vé số, rồi chắt bóp “ăn nhín nhịn thèm” để dành tiền về lo cho con. Người mẹ chi khổ trăm bề, nhưng nhiều cái khổ lắm, nhiều lúc cũng muốn thốt lên một câu: “khổ chi mà khổ dữ rứa trời”. Rứa mà cái vùng quê “chó ăn đá gà ăn sỏi đó” đã gắn bó với họ hơn nửa đời người, không dứt ra được, thiệt tình. Cô tên Hồng, kể ra thì vẫn chưa chạm tuổi bốn mươi. Từ từ uống cạn ly bia cô vừa buồn buồn vừa tâm sự: cô sợ, nên còn phải “giữ” dữ lắm, sợ ông chồng ở nhà say sỉn hứng lên lại lòi ra đứa nữa, cái chắc chết đứng... Thì chưa va chạm nhiều nên tôi không thể hiểu sự đời, nhưng vẫn nhận ra nỗi buồn dài dằng dặc phả ra từ hơi men. Tôi im lặng lắng nghe. Im lặng cụng ly, nhận ra tay cô run run, nhắc lại chuyện xưa cũ khiến màn đêm u tối cứ quấn gò má đỏ ửng của cô. Nhiều lần lâm vào cảnh “thừa sống thiếu chết”, may đời còn ban phước khi lúc nguy cấp nhất gặp một người chị dốc lòng cứu giúp, ở thành phố trẻ ni vẫn còn nhiều người tử tế lắm. May rứa, cô bảo cô khi về già cô sẽ đi tu, cô sẽ “giải thoát” khi trả hết nợ cuộc đời. Tôi đọc trong cuốn sách “gạt nước mắt đi”, nhà văn Võ Diệu Thanh viết như ri: “Khi thấy mình hay ai đó lâm vào cảnh bế tắc vô phương sửa đổi, thường lấy ý nghĩ nợ nần tự an ủi. Có khi cũng hợp lý”. Tôi thấy cô cũng là một hoàn cảnh lâm vào bế tắc, nhưng cô còn có những đứa con, đó là niềm hi vọng giúp cô sống tiếp, và cô còn cô nghĩa vụ phải lo lắng săn sóc cho bọn nhỏ, vì chúng trót theo cô đến với thế giới này. Tôi nghĩ cô mắc “nợ” thiệt, khi anh em làm ăn khấm khá mà cô phải chịu cảnh nghèo túng, nước mắt ngắn chưa vơi, nước mắt dài đã lăn thành từng dòng. Hình như cô đang khóc thầm, cô nói: “Đời cô khổ nhiều rồi, chừ có ly bia uống đã là sướng lắm, chừ cô chỉ sợ sướng chứ không sợ cực”. Câu nói làm lòng tôi thắt lại. Có lẽ, những người bán vé số đều có những hoàn cảnh rất đặc biệt, ở họ chứa đựng những linh hồn trú ngụ trong sâu thẳm khóe mắt. Những con đường, những bước ngoặt, những ngã rẽ, những ngõ hẻm khi thông khi cụt đong đếm bước chân của họ mỗi ngày. Khi nghe cô trò chuyện, tôi trộm nghĩ, lời cô nói ra chắc như đinh đóng cột, về già cô sẽ tìm nơi chốn an yên trong lòng mình.

2. Tôi từng có ý định viết một tạp bút có tựa đề “đếm số” để gửi “nhật ký thành phố”. Nghĩ là nghĩ rứa thôi chứ tôi vẫn chưa thể viết được, cũng chỉ dừng là ở ý tưởng còn đang nung nấu, tôi rất muốn tìm kiếm hạnh phúc nhỏ nhoi từ những điều “mắt thấy tai nghe”. Là bởi vì, tôi sống trong “xóm vé số”. Hằng ngày, cứ tầm ba giờ chiều là máy đếm số lại chạy, kèm theo đó là những bước chân vội vã của những người bán vé số “dạo” lật đật trở về đại lý “trả số”. Và sau đó, là họ sẽ chọn chừng mươi “số đẹp” để đi bán số “ế”. Lúc này họ mới thực sự “chạy”, bởi vì nếu bán không hết họ sễ ôm luôn, nên bạn đừng ngạc nhiên khi thấy “mấy bà vé số” đến khoảng giờ này năn nỉ dữ lắm. Thú thực, tôi vừa thương vừa tuổi, chắc là tại vì tôi được sinh ra trong môi trường ấy. Bán được tờ vé số lời 1 nghìn 200 đồng, còn vé bóc vé cào lời một cục 50 tờ khoảng 13 nghìn. Bởi rứa, phải tiết kiệm dữ lắm, mới có tiền gửi về cho những đứa con nheo nhóc bữa rau, bữa mắm ở quê. Cứ mỗi lần ngắm nhìn cái máy đếm số chạy đếm từng tớ số, không hiểu sao lòng tôi luôn dâng trào một cảm giác rất lạ. Tại sao những người bán vé số cứ quần quật cả ngày mà không thể dư giả? Và tại sao lại lắm người đi bán vé số như rứa, mặc dầu họ biết tiền lời chẳng có bao nhiêu?

3. Cuộc nhậu dần trôi về khuya, tôi vội nhìn đồng hồ đã gần hai giờ sáng. Ẩn hiện trong ly bia dần cạn rất nhiều nỗi niềm trào dâng chưa kịp bày tỏ. Ngoài kia, ngọn đèn đường say giấc tự lúc nào...

PHAN NAM
phanvannamsp@gmail.com





READ MORE - CUỘC NHẬU LÚC HAI GIỜ SÁNG - Truyện ngắn của Phan Nam

ĐẤT MẸ ẤM ÊM - Thơ Hoa Nguyên


Bình minh ở Vĩnh Hy (Phan Rang)


ĐẤT MẸ ẤM ÊM

Trời trong trẻo
gió chon von
thơm hoa đại đóa
gác son lầu đài
 tiên nga uyển chuyển gót hài
lui cung
gởi lại ban mai cho người

Dặn mây dồn nước tụ hơi
thác vàng suối ngọc vợi vời non cao
ấm êm đất Mẹ dạt ào
gói hồn thơ với lúa rau
chuyện đời

Mùa sang tạnh ráo
thiên thời
dạ vàng gan sắt chẳng dời lòng son
núi rừng
thung lũng quây tròn
đồng xanh cây hát
tình nồng rức rưng

Xiêu lòng lữ khách vui cùng
ngang trời
bầy vạc đập tung cánh mềm
điểm tô đất Mẹ ấm êm
mặt trời đỏ rực lửa trên cõi bờ
     

                                      HOA NGUYÊN
                                      Phan Rang, NT
READ MORE - ĐẤT MẸ ẤM ÊM - Thơ Hoa Nguyên

MỘT NGÀY VUI - Thơ Phan Minh Châu



MỘT NGÀY VUI

Mấy hôm rày ba cứ sợ trời mưa
Gần ngày cưới nên thập thà thập thỏm
Nhà thì xa mà đường đi dịu vợi
Lỡ trể giờ không biết có phiền không?
Một đoàn xe chuyễn bánh sớm mùa đông?
Không! Vẫn đó một ngày hè bỏng cháy
Hai sáu khách trên đường ra họ gái
Áo với quần rủng rỉnh tuổi thanh xuân
Hơn một giờ nếm gió bụi Ninh Sơn
Nơi cần đến cận giờ rồi cũng đến
Năm mươi cây số đường xa thấm mệt
Họ nhà trai vẫn nở nụ cười vui
Tay bắt mặt mừng thi lể với anh sui
Miệng lẩm bẩm mấy câu vừa học thuộc
Lòng thì lo sợ chuyến này trớt quớt
Nhưng không sao đã thuận gió xuôi buồm
Hai trẻ cùng khấn nguyện trước gia tiên
Chắc có lẽ cùng thề non hẹn biển
Xong thủ tục cũng có phần đơn giản
Phía nhà trai xin phép đón dâu về
Một đoàn xe tám chiếc đuổi theo nhau
Chạy len lỏi trên đường vào thành phố
Những dãi lụa mang gam màu tươi trẻ
Bay phập phồng giữa phố biển đầy hoa
Một gam màu trắng dẹp đến kiêu sa
Vừa kịp đến nhà kịp giờ hành lễ
Nắng gay gắt trong khuôn nhà nhỏ bé
Vẫn vui cười hai họ siết tay nhau
Nhìn cô dâu chú rể bước lên lầu
Chỉ vài khắc nửa thôi vài khắc nửa
Khi nhà gái đã dùng xong mâm cổ
Lại phải về vùng đất mẹ Ninh Sơn
Trăm cây số đường cũng mệt lã đó con
Bao người khổ chỉ hai người ít khổ
Nên tụi con liệu mà ăn với ở
Chớ phụ lòng cha mẹ buổi đưa dâu
Nắng đang lên hầm hập chảy qua đầu
Vẫn còn nữa chiều nay còn mở tiệc
Đãi bè bạn bà con cùng hai họ
Mong trời thương đừng giáng những cơn mưa
Chín giờ đêm khách lại rũ nhau về
Và gởi lại rất nhiều lời chúc phúc
Xin cảm ơn những gì thân thiết nhất
Đã nặng lòng mừng lễ cưới con tôi...

    
      PHAN MINH CHÂU


      Nha Trang
READ MORE - MỘT NGÀY VUI - Thơ Phan Minh Châu

Vui buồn đời thợ ảnh: Phần IV: Cải Tạo Nhiếp Ảnh - Trạch An-Trần Hữu Hội





Vui buồn đời thợ ảnh: Phần IV:
Cải Tạo Nhiếp Ảnh
                                      
                           Trạch An-Trần Hữu Hội


Lá thư của Kha, con trai chú Hòa gửi về từ Bidong cho anh trai còn ở lại Sài gòn. Báo tin gia đình đã đến được trại tỵ nạn, còn ghe mà trên ấy có gia đình chú Vàng chìm trong gió bảo trước sự chứng kiến hãi hùng của Kha và nhiều người trên ghe! Những cánh tay vẫy gọi cứu giúp trong vô vọng ở những phút cuối cùng ấy, theo mô tả của Kha trong thư, cứ như in trong tâm trí tôi.

Không dễ gì quên đi hình ảnh Tuyền. Trí tưởng tượng hành hạ tôi hàng ngày, ngay cả những lúc hành nghề, đang cầm máy ảnh trên tay.

Có những người ra đi, tàu lênh đênh bất lực trong gió bão. Khi cái chết cầm chắc trong tay thì may mắn gặp tàu, nhưng lại là tàu của các nước XHCN, Hungary, Bungary… Những chiếc tàu này cứu họ thoát chết nhưng lại đem họ trả về Việt Nam! Những gì họ kể lại được lan truyền, cho những người ở lại một nỗi khiếp sợ biển khơi!

Nhưng rồi những chuyến đi vẫn không giảm mà còn gia tăng. Người ta vẫn tin vào số mạng, vẫn hy vọng vào sự may mắn của từng người… Cái chết trên biển khơi cũng chỉ ngang bằng cái sống lây lất, khốn đốn, lo sợ… từng ngày từng giờ mà họ, những kẻ quyết tâm ra đi, đang phải đối diện. Như trường hợp chú Vàng, chú Hòa…

Bấy giờ đang là những tháng cuối năm 1985. Vậy là tôi đã vào Sài gòn ba năm. Có về thăm mẹ hai lần. Dạo này bà cũng đã già, yếu đi nhiều. Đang trong tâm trạng buồn buồn…Tôi quyết định về lại Ninh Thuận một thời gian…Vừa thăm mẹ vừa đễ cho tâm hồn dịu lại, bớt đi những xao xuyến, bất an thường xuyên trong lòng!

Đưa tôi ra bến xe có Lượng và anh Trung. Đưa chiếc xe đạp lên trần xe đò, chờ cho lơ cột chặt xong, ba anh em chúng tôi ra quán nước ngồi chờ…
Anh Trung hỏi tôi:
- Có dự tính vào lại không Sinh?
- Tùy nơi sức khỏe của bà già anh Trung ạ. Được thằng con út nương cậy lúc về già mà nó cứ hết tù tội lại bỏ nhà đi lang thang hoài! (Tôi có ở tù hai năm bốn tháng, hồi những năm 1979, vì bị nghi là chống chính quyền!)
Lượng xen vào:
- Về ngoài mình anh cũng cứ làm nghề ảnh, nghe đâu dạo này tụi trẻ thích đi suối chụp hình lắm!
- Ừ, anh cũng nhờ chú Lượng mà có cái nghề này. Bây giờ máy có, đèn có, tay nghề cũng tàm tạm…chắc rồi cũng cố mà làm chứ biết làm gì ngoài ấy!

Lơ xe ra hiệu cho tôi lên xe, léo tèo vài con buôn ngồi sẵn, có mấy người quen gọi chào hỏi. Tôi rươm rướm nắm tay Lượng:
- Anh ra nghe, cám ơn chú nhiều lắm. Thư cho Quảng thì nói anh gởi lời thăm.
Anh Trung ôm tôi, tay vỗ vỗ vào lưng:
- Được thì lấy vợ cho bà già yên lòng. Có việc vô Sài gòn thì ghé thăm anh em nhé.
Tôi bước thật nhanh bởi thấy trong cổ mình nghèn nghẹn, mắt tôi đã nhòa đi!

Khi đã ngồi yên trên xe, xe bắt đầu chạy, tôi mới nhớ là mình đang đeo chỉ vàng nơi ngón tay. Tôi tháo ra cho vào túi quần, nước mắt bổng trào ra. Lau vội mắt và mũi, tôi nhớ tới hai vợ chồng Lượng. Tối qua, cả hai  đưa cho tôi chỉ vàng mà khóc. Tôi nhất dịnh không cầm:
- Hai em cưu mang anh ba năm nay vậy là quá tốt rồi, vàng bạc chi nữa!
- Tụi em đễ dành cho anh lâu nay. Có anh ở với tụi em, tụi em yên tâm như có anh Quảng vậy. Anh cầm cho tụi em vui… Có chuyện này em chưa nói, nhưng khi nào em nhắn ra: anh vào gấp thì vào ngay với tụi em nghe.
- Chuyện gì vậy Lượng?
- Tụi em cũng sẽ đi. Anh Quảng giao việc này cho anh Thục chồng chị Thương lo, đi đường miền Tây.
Tôi ngần ngần ngừ:
- Cứ vậy đã, anh sợ lại phiền hai em  và Quảng!



oOo
                                                             

Tôi về, mẹ tôi vui lắm.  Chuyện ngắn chuyện dài, chuyện các chị đang ở xa, chuyện bà con chòm xóm… làm tôi nhớ lại lần về trước đây sau thời gian ở tù. Thỉnh thoảng trong câu chuyện, mẹ tôi nhắc đến một vài người con gái… Có lẽ bà luôn ao ước tôi lập gia đình, bà mẹ nào không thế khi con trai mình đã đến tuổi trưởng thành. Những lần như thế tôi lại nhớ đến Tuyền!

Quê tôi có được một đều mà ai ra đi làm ăn nơi đâu cũng muốn về là ví tình cảm, hơn mười lăm năm bỏ xứ, xa quê Quảng Trị, vào lập nghiệp nơi này, đã dấy lên tình cảm gắn bó với nhau, tình thần làng nước muôn đời của người Việt vốn có trong huyết quản, được thể hiên lại nơi này… Đặc biệt là người dân ở đây cùng theo đạo Thiên Chúa Giáo, dưới sự hướng dẩn của ba Linh mục, trong đó có Linh mục Chánh xứ rất thương yêu con dân. Cha đã lo cho dân từ cái nhà, điện nước, đất đai trồng trọt… với dự tính sẽ mở một nhà máy công nghiệp đủ cho người lao động có việc làm… Nhưng tất cả dự tính ấy bị sụp đổ sau ngày 16 tháng 4 năm 1975.

Chính linh mục này đã xin tàu đưa dân rời Việt Nam đến đinh cư ở Hoa Kỳ hoặc Úc châu trước 30/4 nhưng cuộc ra đi này đã không thành!

Hồi tôi vào Sài gòn, các quán cà phê chưa được công khai. Thỉnh thoảng có người vào quán nạt nộ khách “Lười lao động, ăn không ngồi rồi…”. Chủ quán phải xuống giọng năn nỉ… Nay về lại, sáng sáng tôi đến quán cũng gặp được một số bạn bè, ngồi lâu nhất là các bạn làm nghề thợ đá chẻ, làm mộc… Từ ngày có công trình thủy lợi K. 42 Sông Pha. Một số anh em đi làm công nhân đào, đắp đất cho công trường thủy lợi, những thợ chẻ đá hộc từ Đà Lạt về chẻ đá cho công trường, họ truyên nghề lại cho một số anh em… Nghề nặng nhọc vất vả, nhưng thu nhập lại cao nhất trong các nghề hiện có tại địa phương. Bạn bè tôi làm nghề này cũng nhiều…

Ở Giáo Xứ này, gần như toàn tòng, giáo dân rất đông. Tháng chín năm đó, Đức Giám Mục Giáo Phận từ Nha Trang vào làm lễ Thêm sức cho các cháu thiếu niên. Đối với người theo Công Giáo. Mỗi người có những nghi thức quan trọng cần phải nhận lãnh đủ, đó là Rửa tội, Vỡ lòng, Thêm sức, sau này lờn lên thì Hôn phối và Xức dầu khi lâm chung. Tất cả các phép này là Bí tích quan trong của đời người theo Thiên Chúa Giáo.

Vì ngày lễ quan trong, có Giám Mục xức dầu nên giáo dân chụp hình cho các cháu nhiều. Nhiều cha mẹ cũng khó khăn nhưng vì thương con nên cũng sắm sửa váy xống, nơ và chụp cho con mấy kiểu hình kỷ niệm.

Trong thời gian này, tôi có gặp gỡ một số bạn, phần nhiều là giáo viên, làm nghề tay trái là chụp ảnh… Họ cũng cho biết tình hình chụp hình hiện nay có ăn. 

Ngoài các dịp lễ ở nhà thờ… còn có những dịp lễ của nhà nước… Lớp trẻ lớn lên sau 1975 vào suối Thương, con suối có sẵn từ khi mới vào lập nghiệp, lâu nay khô hạn vì khai thác gỗ, đốt rừng khai hoang lấy đất làm rẫy… nay được lớp trẻ tìm vào hẹn hò, vui chơi trong các dịp lễ lạc.

Hôm lễ Thêm sức, toàn bộ thợ ảnh trong xã tập trung về nhà thờ, chừng mười hai người, bạn bè bào tôi cầm máy lên bấm kiếm tiền nhưng tôi ngại, không đem máy theo, chỉ đi dự thánh lễ.

Dưới sự chỉ đạo của cha phó xứ, thợ ảnh họp nhau phân công chụp hình rất trật tự. Khi các em nhận bí tích chỉ hai người lên chụp hai bên cho nam và nữ, tất cả chuẩn bị máy, đèn, phim sẵn, lúc nào người đang chụp hết phim là hai người khác thay thế vào…

 Trong thời gian hành lễ, tôi thấy lảng vảng vài người bận đồng phục, tôi cũng không quan tâm vì lâu nay vẫn thề, hễ có lễ gì bên TCG quan trọng, đông người tham dự thì có người theo dõi, nhiệm vụ của họ là vậy. Nhưng hôm nay, sau này khi xảy ra “cải tạo nhiếp ảnh” ở địa phương, tôi mới biết là hôm ấy họ làm hai nhiệm vụ: Theo dõi lễ và đồng thời lập danh sách các thợ ảnh và những ai có máy ảnh, chụp hình trong hôm đó!

oOo

Hai ngày sau lễ, đêm đó chó sủa rân rang trong thôn, tôi nằm trong nhà không biết chuyện gì, chừng 01 giờ sáng, chó nhà tôi sủa, tôi ra sân xem có chuyện gì thì gặp Lan, vợ của Cương bạn tôi, là giáo viên, làm thêm nghề chụp hình. Lan đang mang bầu, vai mang một túi xách đi rón rén vào nhà, thấy tôi Lan mừng rỡ, đưa cái túi nói trong hơi thở dồn dập:
- Giữ giùm cái túi máy cho mình với. Nó vô nhà lục lung tung, lấy hết đồ nghề rồi, mình chạy được cái này, còn một túi máy và cài đèn vứt ra sau vườn, mình về lấy đem lên gởi Sinh luôn!
- Vậy chơ Cương đâu?
- Bị bắt ngồi tại chỗ, kiểm kê… chờ lập biên bản.
- Sao tự nhiên…
- Họ đọc cho nghe thông tư “Cải tạo nhiếp ảnh” của Ủy Ban Tỉnh và Huyện.

Tôi đem cái túi ra góc vườn, bỏ giữa đám mỳ, Lan đã chạy về nhà, tôi chờ lâu mà không thấy Lan tới. đoán chừng là  Lan bị bắt khi quay về. Cũng lo âu với cái túi đồ nghề của mình, tôi xách ra vườn bỏ một góc khác rồi vào nhà ngồi hút thuốc, chờ trời sáng.

Tôi băn khoăn không biết các nơi có “Cải tạo nhiếp ảnh” không hay chỉ nơi địa phương tôi ở!? Lượng ở Sài gòn sẽ ra sao nếu họ vào nhà, với máy, đèn và phòng rọi ảnh màu, những thiết bị đắt tiền mà Quảng gởi từ Canada mấy đợt thuốc Tây về mới mua được!

Sáng hôm sau, Cương đến rủ tôi đi uống cà phê, cho biết là bị thu giữ ba máy ảnh của những người chụp Amateur gởi làm hình, một bộ máy và đèn dự phòng, thường Lan chụp phụ với Cương khi đông khách. Phòng tối bị niêm, máy rọi độ lại từ một máy ảnh Poleroix và toàn bộ đồ dùng tráng rọi ảnh bị thu giữ! Tôi hỏi:
- Các nơi có làm vậy không hay là chỉ tỉnh này?
- Hình như chỗ nào cũng làm, nhưng nơi làm trước, nơi làm sau. Mục đích là đưa vào HTX Nhiếp ảnh, do nhà nước quản lý.
- Rồi họ có nói là bao giờ giải quyết trả máy hay tịch thu luôn không?
- Sáng mai toàn bộ tập trung Phòng Văn Hóa Thông Tin họp, mới biết được! Sinh cho mình gởi cái túi vài hôm nữa đã nghe. Giờ mình đi dạy!
- Ừ, cứ để mình giữ cho. May mà không ai biết mình cũng có làm nghề trong Sài Gòn!

Một lát sau thì trong quán xôn xao bàn tán chuyện đêm qua, y như hồi đánh tư sản, “Cải tạo Công Thương Nghiệp”!

Không nằm trong đối tượng được dự họp, tôi chỉ biết thông tin qua Cương và các anh em khác. Khoảng hai mươi cái máy ảnh bị thu giữ đêm đó, chỉ tính riêng địa phương tôi. Toàn huyện chừng ba mươi máy. Từ nay, ai muốn làm nghề phải làm lý lịch, đơn xin hành nghề…, nộp cho phòng VHTT, chờ tỉnh giải quyết.

Tôi phân vân không muốn làm đơn vì nghĩ đến chuyện phải đi ký lý lịch, nhưng các bạn tôi bàn là cứ làm đơn rồi tính sau. Tôi làm đơn xin hành nghề, về Phan Rang photo hai tấm giấy chứng nhận đã học xong hai khóa nhiếp ảnh tại CLB Quân Bình Thạnh. 

Cũng may có hai tờ chứng nhận này, tôi trả lời trót lọt khi ký lý lịch tại Công An xã! Tờ hợp đồng chụp hình tết năm trước, vụ Phim Liên Xô, khốn khổ thế nhưng giờ cũng được việc! Đã hành nghề ở Bến Nhà Rồng hẳn hoi chứ bộ!!!

Thời gian này, những lúc buồn, tôi thường lấy hình Tuyền ra xem. Tôi có giữ lại mấy tấm khi làm hình Tuyền, có một tấm Tuyền và tôi chụp chung, Tuyền đứng bên tôi, hai tay nâng quả dứa khá lớn, cười rất tươi. Tấm hình này tôi can sẵn rồi nhờ Kha bấm máy.
Nhìn Tuyền cười tươi tắn, tôi lại nhớ Tuyền đến quay quắt!

                                                      oOo

Khoảng ba tháng đợi chờ, một hôm những ai có bị tịch thu máy và có làm đơn, lý lịch xin hành nghề, được giấy mời đến phòng VHTT để họp.

Tôi cũng nhận được giấy mời. Khi đã đông đủ, mọi người hồi hộp chờ phán quyết về số phận của những cái máy ảnh, đèn… thì cán bộ VHTT tỉnh xuất hiện, anh này đọc nhiều thông tư, nghị định… có những nghị định có từ năm 1957! Nói về tầm quan trọng của người cầm máy ảnh… Cuối cùng là tất cả máy ảnh đều bị tịch thu, trưng dụng cho cửa hàng Nhiếp Ảnh. Nếu trong gia đình có chuyện cần chụp hình thì làm đơn mượn máy ảnh, Phòng sẽ giải quyết!

Sở VHTT chỉ cấp giấy phép cho 5 người được phép xử dụng máy ảnh. Trong đó 02 là giáo viên, 02 cán bộ: 1 Trưởng phóng VHTT, 1 Trưởng ban Định Canh Định Cư và tôi ! Nhưng tôi phải vào làm cho cửa hàng Nhiếp Ảnh Huyện.

Cả phòng họp nhốn nháo, những người bị tịch thu máy nhào đến cán bộ tỉnh, huyện năn nỉ xin lại máy ảnh, xin làm cam kết sẽ không sử dụng máy… nhưng họ gặp sự lạnh lùng của cán bộ.

Tôi không hiểu do phép lạ nào mà tôi được cấp giấy phép hành nghề và sử dụng máy ảnh! Có lẽ nhờ hai tấm giấy chứng nhận của CLB nhiếp ảnh quận Bình Thạnh và tờ Hợp đồng chụp hình tết ở bến Nhà Rồng!

Chừng năm ngày sau, tôi nhận được một giấy mời đến phòng VHTT họp. Một anh trẻ hơn tôi chừng vài tuổi, được giới thiệu là cửa hàng trưởng, hai cô bé một là thủ quỷ, một là kế toán kiêm thủ kho và hai nhân viên, cũng còn trẻ, được giới thiệu là nhân viên cửa hàng từ Phan Thiết ra cùng xây dựng của hàng nhiếp ảnh huyện Ninh Sơn.

Hai người kia có giấy hành nghề nhưng là giáo viên, sẽ làm hợp đồng cho cửa hàng…

Sau vụ này, ngày nào tôi cũng phải đến cửa hàng ngồi chơi cùng hai cô bé… Cửa hàng là một ngôi nhà phên trét đất, ngang 4m dài 7m, luôn cả phòng tối và kho.
Trong tạm thời, tôi được chỉ định khâu tráng rọi ảnh cho cửa hàng. Lương  của tôi và hai cô bé sẽ tùy vào thu nhập của cửa hàng.

Lỡ phóng lao tôi đành theo lao, may là trước cửa hàng nhiếp ảnh có một cửa hàng kinh doanh ăn uống và giải khát. Tôi hết uống cà phê lại gặp bạn, nhậu dài dài… vì họa hoằn mới có người đến chụp hình chứng minh nhân dân!

Lúc này, tôi muốn trở lại Sài gòn cùng Lượng và bạn bè, nhưng cứ mỗi lần nhìn mẹ, chuyện trò với mẹ… tôi lại thôi.

oOo

- Vui buồn đời thợ ảnh, phần V: Tôi lập gia đình, chụp hình chui!

                      Sài gòn 02 tháng 6 năm 2917,
                      Trạch An-Trần Hữu Hội



READ MORE - Vui buồn đời thợ ảnh: Phần IV: Cải Tạo Nhiếp Ảnh - Trạch An-Trần Hữu Hội

TIẾC... - Chùm thơ Lê Thanh Hùng

Tác giả Lê Thanh Hùng

Tiếc ...

Thâu đêm sao tiếc, kiệm lời?
Vin tay bẻ, nhánh hoa đời ngày xưa
Chiều nào nắng, sáng nào mưa
Mở bừng mắt dậy, người đưa thiệp hồng ...
Lê Thanh Hùng


Nụ tầm xuân
              ...“Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc” ...
Em
Thả câu thơ
Vào mái ngực
Một đoạn đời
Bối rối
Buông trôi
Thôi
Đưa đẩy
Nỗi niềm ẩn ức
Nụ tầm xuân
Cháy đỏ
Chín rồi ...
Lê Thanh Hùng


Cơn mưa giông qua Hồng Chính

Cơn giông núi chồm ra bãi vắng
Nước triều lên chầm chậm dâng đầy
Tiếng gió rít trong mưa trĩu nặng
Rừng trở chiều lá xác xơ bay
                      *
Mây ửng đỏ bên trời Hồng Chính
Bóng hồi quang rực sáng Hòn Hồng
Soi thấu suốt âm mưu, toan tính ...
Quên máu cha ông đỏ đất giồng
                      *
Quên những đợt chạy càn sấp ngữa
Pháo biển gầm, sút dép qua truông
Những bữa “khoai toàn khoai” đâu nữa
Quên chuyện vui, cả những chuyện buồn
                      *
Quá khứ khép, nỗi đau còn đó
Bên bia liệt sỹ, chưa biết tên
Mẹ lụm cụm, nén nhang cháy đỏ
Bóng các anh, ai nhớ, ai quên?
                     *
Trời quang tạnh ngập tràn nắng mới
Biển biếc xanh gợi mở điều gì?
Nghe máu gọi, tương lai mong đợi
Đẫm đất này trong mỗi bước đi ...
Lê Thanh Hùng

     Bắc Bình, Bình Thuận
READ MORE - TIẾC... - Chùm thơ Lê Thanh Hùng