Tác giả Phan Nam |
Truyện ngắn:
CUỘC NHẬU LÚC HAI GIỜ
SÁNG
Phan Nam
1. Tôi về phòng trọ tầm hơn mười một
giờ đêm. Lúc này mẹ tôi cùng với cô và một người bạn “đồng nghiệp” đang nhậu. Họ
rủ tôi vào và cho tôi một lon. Thú thực tôi hơi bất ngờ vì lâu lâu mới có dịp
ngồi lại nói chuyện đông vui như vậy. Cả ba người đều là đồng nghiệp vé số, chỉ
riêng tôi là ngoại đạo, có vẻ như tôi sinh ra chỉ hợp với môi trường bình dân
mà thôi. Kiểu như kiếm được đồng nào hay đồng đó. Tôi thì thích tìm tòi viết
lách kiếm thêm đồng ăn uống, rong chơi. Mẹ tôi cũng lang thang nhưng không phải
để đi chơi mà đi mần, cô cũng vậy. Tôi gọi cô bởi vì quen thuộc nên không thể
xưng hô chị, nhứt là cô lại chơi thân với mẹ tôi. Chứ thực ra cô vẫn còn trẻ lắm,
nhỏ tuổi so với mẹ tôi nữa, rứa mà con cái bốn đứa rồi đấy. Không hiểu sao tôi
rất thương cô, chắc có lẽ bởi cùng là hoàn cảnh nên dễ dàng đồng cảm chia sẻ.
Cô rất giỏi, cày cuốc cả ngày để lo cho đàn con đang tuổi ăn tuổi học. Cùng xuất
thân từ một vùng quê miền Trung đầy nắng gió nên nhiều người đã không còn trẻ nữa
bon chen ra thành phố bên bờ sông Hàn kiếm sống. Cũng một phần vì mang tiếng đi
làm thành phố nhưng cần là lên xe đò vọt về, khoảng mấy tiếng là có mặt ở nhà.
Để có chuyện chi còn dễ bề ứng phó, nhứt là cái tâm không yên luôn bần thần cho
đám con ở nhà. Không biết bầy bò ra răng? Thằng cha chúng nó ở nhà có đi uống
rượu say bí tỉ mà không lo cho bọn trẻ? Rồi mấy đứa ở nhà ăn cái chi? Có học
hành chăm chỉ? Đến mùa hè lại lo mấy đứa con đi chơi có gặp nguy hiểmgì
không... Nói chung là nhiều cái để lo để lắng, nhưng ở nhà không có việc chi
làm lại túng thiếu, thế là cắn răng mà ra thành phố mời mọc người ta tờ vé số,
rồi chắt bóp “ăn nhín nhịn thèm” để dành tiền về lo cho con. Người mẹ chi khổ
trăm bề, nhưng nhiều cái khổ lắm, nhiều lúc cũng muốn thốt lên một câu: “khổ
chi mà khổ dữ rứa trời”. Rứa mà cái vùng quê “chó ăn đá gà ăn sỏi đó” đã gắn bó
với họ hơn nửa đời người, không dứt ra được, thiệt tình. Cô tên Hồng, kể ra thì
vẫn chưa chạm tuổi bốn mươi. Từ từ uống cạn ly bia cô vừa buồn buồn vừa tâm sự:
cô sợ, nên còn phải “giữ” dữ lắm, sợ ông chồng ở nhà say sỉn hứng lên lại lòi
ra đứa nữa, cái chắc chết đứng... Thì chưa va chạm nhiều nên tôi không thể hiểu
sự đời, nhưng vẫn nhận ra nỗi buồn dài dằng dặc phả ra từ hơi men. Tôi im lặng
lắng nghe. Im lặng cụng ly, nhận ra tay cô run run, nhắc lại chuyện xưa cũ khiến
màn đêm u tối cứ quấn gò má đỏ ửng của cô. Nhiều lần lâm vào cảnh “thừa sống
thiếu chết”, may đời còn ban phước khi lúc nguy cấp nhất gặp một người chị dốc
lòng cứu giúp, ở thành phố trẻ ni vẫn còn nhiều người tử tế lắm. May rứa, cô bảo
cô khi về già cô sẽ đi tu, cô sẽ “giải thoát” khi trả hết nợ cuộc đời. Tôi đọc
trong cuốn sách “gạt nước mắt đi”, nhà văn Võ Diệu Thanh viết như ri: “Khi thấy
mình hay ai đó lâm vào cảnh bế tắc vô phương sửa đổi, thường lấy ý nghĩ nợ nần
tự an ủi. Có khi cũng hợp lý”. Tôi thấy cô cũng là một hoàn cảnh lâm vào bế tắc,
nhưng cô còn có những đứa con, đó là niềm hi vọng giúp cô sống tiếp, và cô còn
cô nghĩa vụ phải lo lắng săn sóc cho bọn nhỏ, vì chúng trót theo cô đến với thế
giới này. Tôi nghĩ cô mắc “nợ” thiệt, khi anh em làm ăn khấm khá mà cô phải chịu
cảnh nghèo túng, nước mắt ngắn chưa vơi, nước mắt dài đã lăn thành từng dòng.
Hình như cô đang khóc thầm, cô nói: “Đời cô khổ nhiều rồi, chừ có ly bia uống
đã là sướng lắm, chừ cô chỉ sợ sướng chứ không sợ cực”. Câu nói làm lòng tôi thắt
lại. Có lẽ, những người bán vé số đều có những hoàn cảnh rất đặc biệt, ở họ chứa
đựng những linh hồn trú ngụ trong sâu thẳm khóe mắt. Những con đường, những bước
ngoặt, những ngã rẽ, những ngõ hẻm khi thông khi cụt đong đếm bước chân của họ
mỗi ngày. Khi nghe cô trò chuyện, tôi trộm nghĩ, lời cô nói ra chắc như đinh
đóng cột, về già cô sẽ tìm nơi chốn an yên trong lòng mình.
2. Tôi từng có ý định viết một tạp
bút có tựa đề “đếm số” để gửi “nhật ký thành phố”. Nghĩ là nghĩ rứa thôi chứ
tôi vẫn chưa thể viết được, cũng chỉ dừng là ở ý tưởng còn đang nung nấu, tôi rất
muốn tìm kiếm hạnh phúc nhỏ nhoi từ những điều “mắt thấy tai nghe”. Là bởi vì,
tôi sống trong “xóm vé số”. Hằng ngày, cứ tầm ba giờ chiều là máy đếm số lại chạy,
kèm theo đó là những bước chân vội vã của những người bán vé số “dạo” lật đật
trở về đại lý “trả số”. Và sau đó, là họ sẽ chọn chừng mươi “số đẹp” để đi bán
số “ế”. Lúc này họ mới thực sự “chạy”, bởi vì nếu bán không hết họ sễ ôm luôn,
nên bạn đừng ngạc nhiên khi thấy “mấy bà vé số” đến khoảng giờ này năn nỉ dữ lắm.
Thú thực, tôi vừa thương vừa tuổi, chắc là tại vì tôi được sinh ra trong môi
trường ấy. Bán được tờ vé số lời 1 nghìn 200 đồng, còn vé bóc vé cào lời một cục
50 tờ khoảng 13 nghìn. Bởi rứa, phải tiết kiệm dữ lắm, mới có tiền gửi về cho
những đứa con nheo nhóc bữa rau, bữa mắm ở quê. Cứ mỗi lần ngắm nhìn cái máy đếm
số chạy đếm từng tớ số, không hiểu sao lòng tôi luôn dâng trào một cảm giác rất
lạ. Tại sao những người bán vé số cứ quần quật cả ngày mà không thể dư giả? Và
tại sao lại lắm người đi bán vé số như rứa, mặc dầu họ biết tiền lời chẳng có
bao nhiêu?
3. Cuộc nhậu dần trôi về khuya, tôi
vội nhìn đồng hồ đã gần hai giờ sáng. Ẩn hiện trong ly bia dần cạn rất nhiều nỗi
niềm trào dâng chưa kịp bày tỏ. Ngoài kia, ngọn đèn đường say giấc tự lúc
nào...
PHAN NAM
phanvannamsp@gmail.com
phanvannamsp@gmail.com
No comments:
Post a Comment